"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

 

Nhu Cầu Chích Ngừa Covid
Của Việt Nam Và Những Nước Vùng Thái Bình Dương

 

Australia (Úc). New Zealand. Singapore. Việt Nam. Nhật Bản. Hồng Kông. Nam Triều Tiên. Đài Loan. Những nơi này trong  khu vực Thái Bình Dương phía Châu Á đều đã được ca ngợi về khả năng ứng phó với đại dịch; với một số được xếp hạng là tốt nhất trên thế giới.

Tất cả đều đã  khắc phục được  Covid-19 vào năm 2020 thông qua các hành động tích cực như khóa cửa chặt chẽ và truy vết những người tiếp xúc với bệnh (contact tracing) , sau này nhiều khi được các nước khác bắt chước.

Tuy nhiên, trong năm thứ hai của đại dịch, họ đang bị thách thức bởi những vấn đề mới. Các biến thể (variant) mạnh hơn đã phá vỡ hệ thống phòng thủ vững chắc, tạo ra đợt bùng phát (outbreak) tồi tệ nhất ở một số quốc gia.

Trong khi đó, nhiều nơi khác trên thế giới có vẻ như đang tiến về phía trước nhờ tiêm chủng và đang dần dần mở cửa trở lại. Điều đó có nghĩa là nhiều người trong số những “gương mặt tiêu biểu”  của cuộc ngăn chặn Covid hiện đang phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng họ không có kế hoạch vững chắc để thoát ra khỏi phương pháp tiếp cận “zero ca bệnh” (zero case approach) - và rằng họ không thể mãi mãi trốn tránh thế giới bên ngoài.

Những thành công ban đầu

Đầu tiên, hãy xem cách các xứ này đã chiến đấu thành công với Covid từ rất sớm. Bản đồ dưới đây cho thấy tỷ lệ trường hợp và tử vong thấp hơn nhiều so với tỷ lệ được thấy ở hầu hết các quốc gia khác.
21bhvhnctn1

Fig 1: Màu cam: Nuớc cấm người ngoài từ một số vùng
Nâu : Cấm người vào từ đa số vùng
Nâu đậm: Cấm người ngoài từ bất cứ đâu đến

Đóng cửa biên giới là một trong những biện pháp đầu tiên và hiệu quả nhất được thực hiện bởi tám nơi đó khi virus lần đầu tiên đến biên giới của họ. Thực tế là nhiều xứ trong số đó là đảo giữa biển nên việc kiểm soát biên giới tương đối dễ dàng.

Các chính sách biên giới nghiêm ngặt có nghĩa là chặn hầu hết tất cả các người từ ngoài vào hoặc yêu cầu cách ly trong khách sạn lâu dài để đảm bảo vi rút sẽ không gia nhập  vào cộng đồng dân cư nói chung.

Úc là nghiêm ngặt nhất - tại một thời điểm trong đợt thứ hai xảy ra tại Ấn Độ, Úc thậm chí còn cấm công dân của mình quay về nước vì lo ngại họ có thể mang virus trở lại.

Khi các trường hợp vẫn bị lọt ra cộng đồng, cần phải nhanh chóng và tỉ mỉ theo dõi, truy vết các người từng  tiếp xúc (contact tracing)  để ngăn vi-rút lây lan.

Singapore, quốc gia sẵn có hệ thống giám sát bằng cảnh sát có năng lực cao, là một ví dụ điển hình về mức độ hiệu quả của việc nhanh chóng chặn đứng các chuỗi lây truyền.

Úc đẩy các thủ phủ của các tiểu  bang  vào tình trạng khóa cửa nhanh chóng nếu phát hiện ra dù chỉ một trường hợp duy nhất. Điều này đã xảy ra tám lần khác nhau cho sáu thành phố khác nhau.

Những chính sách như vậy có thể bị coi là cực đoan - nhưng chúng đã thành công và tạo ra một không gian riêng như một cái bong bóng trong đó người dân được bảo vệ (protective bubble). Sau lần khóa cửa đầu tiên trong đợt Covid đầu tiên, tất cả những nơi này đã có thể trở lại trạng thái gần như bình thường.

New Zealand là quốc gia đầu tiên về cơ bản không có Covid sau khi trở thành một trong những quốc gia đầu tiên bắt đầu khóa cửa (lockdown). Vào tháng 6 năm 2020, New Zeland đã dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp giãn cách xã hội của mình.

Trong khi đó, những nơi khác trong nhóm nước chúng ta đang bàn cũng chứng kiến ​​tình trạng các ca nhiễm trùng giảm xuống mức nhỏ giọt, cho phép họ giảm bớt nhiều biện pháp ngăn chặn (containment measures) bên trong.

Các đợt bùng phát mới vào năm 2021

Tuy nhiên, các biến thể (variant) mạnh hơn của virus kết hợp với sự tự mãn dần dần và nới lỏng các quy tắc kể từ tháng 5 đã gây ra một sự tái trổi dậy nhỏ của bệnh ở nhiều nơi trong số những chỗ đó.

Những đợt sóng bệnh dâng cao (surge) nghiêm trọng nhất đã được chứng kiến ​​ở Đài Loan và Việt Nam - những nơi  chỉ đến bây giờ mới phải trải qua tác động hết sức mạnh  của làn sóng Covid.

21bhvhnctn2

Fig 2: Daily cases: số ca mỗi ngày; số trung bình mỗi 7 ngày.

 

Tại Đài Loan, việc nới lỏng một chút các quy định về cách ly đối với phi công hàng không đã nhanh chóng dẫn đến một cụm bệnh (cluster), trong khi ở Việt Nam, một biến thể mới phát triển nhanh đã làm cho ​​nhiều cụm mọc lên, càng nghiêm trọng  hơn do các cuộc tụ tập cộng đồng.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã đạt đến tầm cao mới trong làn sóng Covid cách đây vài tháng - gây ra hoảng hốt, đặc biệt là ở Nhật Bản, nơi nhiều người lo ngại về Thế vận hội Olympic sắp tới.

Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm trùng kể từ những đỉnh điểm đó đã giảm một nửa. Đối với những nơi như Hàn Quốc - nơi chưa bao giờ rơi vào tình trạng khóa cửa (lockdown) khó khăn - các chuyên gia cho rằng việc truy vết đầy cảnh giác và nỗ lực  đoàn kết của cộng đồng đã một lần nữa giúp hạ thấp đường cong của bệnh dịch.

Các đợt bùng phát nhỏ hơn cũng đã được ghi nhận ở Singapore, Hong Kong và Australia, khiến các nhà chức trách phải phản ứng ngay lập tức, chẳng hạn như đóng cửa Melbourne trong hai tuần hoặc khóa cửa một phần Singapore trong bốn tuần.

Lận đận về vắc xin

Tuy nhiên, trong khi những đợt bùng phát gần đây đang được giải quyết thành công bằng các phương pháp đáng tin cậy, chúng cũng đã cho ta thấy một sự thật cay đắng.

Những nơi vừa được đề cập đã thành công bao nhiêu trong việc ngăn chặn virus, họ lại không  thành công lắm trong việc đảm bảo có vắc-xin để dùng.

Việc mua sắm ban đầu rất khó khăn trên toàn thế giới nhưng thường các quốc gia  bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch lại nhanh chóng tìm cách triển khai chương trình tiêm chủng nếu họ có đủ khả năng. Những nước có tỷ lệ lây nhiễm thấp tỏ ra chậm chạp và tự mãn trong việc đảm bảo đủ các thuốc chích ngừa cho công dân của họ.

Nhiều quốc gia trong khu vực thua xa châu Âu và Mỹ. Ví dụ, Hoa Kỳ và Châu Âu đã tiêm chủng cho khoảng một nửa dân số trở lên và nhiều nước Nam Mỹ đã tiêm hàng triệu mũi Covid. Các quốc gia này hiện đang dần tiến tới mức tiêm chủng cho phép họ mở cửa - ngay cả khi virus vẫn còn lẩn quất.

21bhvhnctn3

Fig 3: Tình hình chích ngừa Covid tại Úc và các nước Châu Á bờ Thái Bình Dương.

(Ở Việt Nam, theo VOA, tính đến ngày 29 tháng 6, 2021, chỉ có khoảng 3,5 triệu người được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine chống COVID-19 trong tổng số khoảng 98 triệu dân (3,5%). Bộ Y tế VN hy vọng trong năm nay sẽ nhận được 150 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau để tiêm chủng cho 70% dân số. Việt Nam vừa cấp phép cho vaccine Moderna để sử dụng khẩn cấp; vaccine sẽ được nhập về Việt Nam được sản xuất ở Tây Ban Nha và Pháp.

Trước Moderna, Việt Nam sử dụng 4 loại vaccine chống COVID-19: AstraZeneca của Anh và Thuỵ Điển, Sputnik V của Nga, Sinopharm của Trung Quốc và gần đây nhất là Pfizer/BioNTech của Mỹ và Đức. Moderna, cùng với Pfizer, là hai loại vaccine duy nhất hiện nay được phát triển theo công nghệ mRNA, được cho là tiên tiến nhất. HVH chú thích)

 

 

Điều này đã không xảy ra với những nơi thành công đối với Covid ở Châu Á Thái Bình Dương.

Tỷ lệ người được tiêm chủng vẫn dưới một phần tư dân số - và đó là đối với các quốc gia giàu có như Úc, Nhật Bản, New Zealand và  Đài Loan, nơi bạn mong đợi việc mua sắm vaccine dễ dàng hay khó khăn ngang với châu Âu và Mỹ.

Cũng có sự lưỡng lự (hesitancy) ở một số người, chẳng hạn như ở Hồng Kông hoặc Đài Loan, người dân ở đây không tin tưởng vào các cơ quan y tế và sự an toàn của  tiêm chủng, và điều này  làm chậm tiến độ chích ngừa hơn nữa.

Ngoại lệ duy nhất cho những kết quả kém cỏi đó về chích ngừa là Singapore, nơi có khoảng 42% đã nhận được ít nhất một mũi chích ngừa. Tuy nhiên, Singapore là một thành phố với hơn 5 triệu dân, vì vậy số lượng mũi tiêm thực tế vẫn còn ít. Ví dụ, so sánh con số đó với 250 triệu liều đã chích của Ấn Độ.

Chiến lược thoát dịch (exit strategy) là gì?

Với việc Covid-19 có thể trở thành một căn bệnh lưu hành ở mức thấp (endemic disease), lối thoát duy nhất cho các quốc gia là tiêm chủng.

Nhưng cho đến khi đạt được mức miễn nhiễm bầy đàn (herd immunity), có vẻ như các “ngôi sao” chống Covid châu Á vẫn ngại nới lỏng các biện pháp nghiêm ngặt vốn đã rất hiệu quả đối với họ - biên giới đóng kín, các biện pháp khóa cửa, và các quy tắc giãn cách xã hội.

Khi Úc cho biết biên giới của họ sẽ vẫn đóng cửa cho đến giữa năm 2022, một cuộc tranh luận công khai đã nổ ra về việc nước này còn có thể giữ mình là  một "vương quốc ẩn sĩ" (hermit kingdom) trong bao lâu.

Trong khi không có kế hoạch mở toang cửa, người ta đang bàn về việc thận trọng bước vào một lối thoát theo từng giai đoạn (phased exit). Các cuộc thảo luận cũng đang được tiến hành về các vùng “bong bóng du lịch” (travel bubbles) tiềm năng mở ra giữa các quốc gia "an toàn" khác nhau.

Ý tưởng về “bong bóng du lịch” đã được thả nổi giữa một số quốc gia Châu Á.

Hong Kong và Singapore đã nói về một kế hoạch như vậy trước khi kế hoạch này bị ảnh hưởng bởi các vụ bùng phát.

Và một kênh như vậy đã hoạt động giữa Úc và New Zealand - cả hai đều báo cáo hầu như không có trường hợp địa phương nào trong hầu hết các ngày. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều đóng kênh đó mỗi khi  xuất hiện một loạt các ca bệnh mới.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng với Covid rất phổ biến trên khắp thế giới, để các quốc gia thực sự mở cửa với nhau, xã hội của họ phải  bỏ tâm trạng không thực tế  đòi hỏi  hoàn toàn không có Covid ( "zero Covid" mentality), mà phải chấp nhận "sống chung" với virus.(Ở Việt Nam gọi thái độ này là thái độ “sống với lũ”. HVH chú thích)

Mọi người đã kêu gọi đưa ra một chiến lược thoát dịch rõ ràng hơn - một chiến lược với các mục tiêu theo giai đoạn đồng bộ với các chương trình tiêm chủng nhanh chóng - nhưng  hiện nay các chương trình này đang bị thiếu hụt.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền dịch và chú thích

       Ngày 30 tháng 6 năm 2021

Nguyên bản:

Are Asia's Covid 'winners' entering shaky new territory?

https://www.bbc.com/news/world-asia-57492961

(Liệu những 'người chiến thắng'  Covid của châu Á có đang đi vào một vùng đất  lung lay?

Tác giả: Frances Mao và Andreas Illmer)