Covid và Bạo Hành Trong Gia Đình

 21chvhcvb1

Dịch Covid không những tai hại do tổn thất về sức khỏe và nhân mạng mà nó gây ra. Các mất mát về kinh tế hầu như hiển nhiên vì mọi hoạt của dân chúng toàn cầu hầu như bị khựng lại.

Một tác hại ít được nhắc tới là tác dụng của dịch Covid trên đời sống gia đình. Nếu lạc quan  chúng ta có thể cho thời gian khóa cửa/ “lockdown” là một cơ hội cho chúng ta có thời gian gần gủi với nhau trong sinh hoạt gia đình, nhiều thế hệ từ ông bà con cháu có thì giờ để lo cho nhau, trao đổi quan điểm với nhau, trong một xã hội mà thông thường ai cũng bận rộn thời gian giành cho nhau là một món quà luôn luôn thuộc loại “quý hiếm”.

Tuy nhiên, thực tế không phải luôn luôn như vậy. Đối với những gia đình đang gặp khó khăn, tình trạng thất nghiệp, không có tiền để trả tiền thuê nhà, thiếu tiền mua thức ăn (mặc dù các trợ cấp rộng rãi của chính phủ ở Mỹ), cuộc sống chung đụng không ngừng nghỉ trong một không gian hẹp cọng với sự lo âu về tương lai và các tin tức, tin đồn dồn dập, rất trái chiều với nhau tạo nên một môi trường thuận tiện cho bạo hành trong gia đình.(1) Và hiện tượng này xảy ra trên nhiều  đất nước trên thế giới.

Đầu tháng 9, 2021, một người con 19 tuổi gốc Việt ở Faifax County, Bang Virginia bị kết tội giết cha mình, môt cựu nhân viên bưu diện 78 tuổi, rồi chôn xác sau vườn. Hàng xóm có nghe cuộc xung đột ồn ào giữa hai cha con nhưng không phản ứng vì các chuyện gây gổ trước đây đã xảy ra nhiều lần. Cảnh sát trưởng Quận Fairfax  cho biết vụ giết người là một trong bốn trường hợp trong năm nay, trong đó một người con trai đã giết cha mẹ hoặc anh chị em và đây  có thể là kết quả của đại dịch coronavirus gây căng thẳng cho các gia đình vì động lực gia đình đã bị đảo lộn ở Mỹ trong 18 tháng qua. Vụ giết người này là vụ thứ 18 ở Quận Fairfax trong năm nay, tăng mạnh so với năm 2020 chỉ có 6 vụ giết người trong quận tính đến tháng 9. (2)

Theo Marianne Hester, một nhà xã hội học của Đại học Bristol, người nghiên cứu các mối quan hệ mang tính lạm dụng, hiện tượng bạo hành hay “ăn hiếp” trong gia đình (domestic abuse) gia tăng trong bất cứ cơ hội nào gia đình tụ tập lại như lễ Thanksgiving hay Giáng sinh. Giờ đây, với các gia đình bị khóa cửa trên toàn thế giới, các đường dây nóng (hotline) được gọi đến nhiều hơn với các báo cáo lạm dụng, khiến các chính phủ phải cố gắng giải quyết một cuộc khủng hoảng mà các chuyên gia cho rằng họ đáng lẽ phải thấy trước rằng chúng sẽ xảy ra.(NYT 4/2020)

Đa số nạn nhân các vụ bạo hành trong gia đình liên quan đến phụ nữ, trong một hình thức bạo hành giữa vợ chồng hay người chung chăn gối,  được Trung Tâm Kiểm soát Dịch Bệnh Hoa Kỳ (CDC) gọi là ‘intimate partner violence’(IPV).

‘Bạo lực do bạn tình gây ra’ (IPV) là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng, có thể phòng ngừa được, ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ. Thuật ngữ “bạo lực do bạn tình” mô tả bạo lực thể chất, bạo lực tình dục, rình rập (stalking) hoặc tổn hại tâm lý bởi người bạn đời hoặc vợ / chồng hiện tại hoặc cũ. Loại bạo lực này có thể xảy ra giữa các cặp đôi khác giới hoặc đồng giới và không cần phải có sự thân mật về tình dục.

Các khảo cứu cho thấy từ ngày bắt đầu đại dịch năm 2020, số trường hợp kêu cứu về bạo lực do bạn tình (IPV) giảm còn một nửa (có lẽ do sợ đi khám thương tích hay khai báo sẽ bị lây Covid, và các dịch vụ khám bệnh bị cắt giảm, các biện pháp quarantine giới hạn đi lại), nhưng mặc dầu vậy, tỷ lệ các bạo hành thương tích thân thể tăng gấp đôi, các thương tích nặng hay rất nặng tăng 4-5 lần, có nghĩa là ít báo cáo hơn nhưng khi đã báo cáo thì đã quá trễ.(4)

Trẻ em cũng là nạn nhân thường gặp phải trong hoàn cảnh này.

Rất nhiều người di dân quen lối suy nghĩ ‘nhịn nhục’ của xã hội trước đây của mình và cố tìm cách tự đổ lỗi cho chính mình (ví dụ không làm đúng vai trò làm vợ, không phục vụ  đúng mức); hoặc không biết luật pháp địa phương ở Mỹ, trong đó bạo hành gia đình là phi pháp.

 Năm 1994, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật chống bạo lực đối với phụ nữ ("VAWA"). Đạo luật này, và các bổ sung năm 1996 cho Đạo luật, thừa nhận rằng bạo lực gia đình là một tội ác quốc gia (national crime) và luật liên bang có thể giúp một tiểu bang quá tải và hệ thống tư pháp hình sự địa phương.(7)

Người bạo hành có thể làm lành sau đó (reconciliation), nạn nhân hy vọng sẽ yên ổn  và sau một thời gian bạo hành trở lại tạo nên vòng lẩn quẩn (cycle of abuse), càng ngày càng nặng hơn và nguy hiểm hơn.

Sau đây là lời khuyên của  Aviva Parvez Damania, một tâm lý gia từ Đại học City, University of London và đăng trên báo the IndianExpress của  ́Ấn Độ một xứ nổi tiếng là trọng nam khinh nữ mà bạo hành xảy đến cho một phần ba  phụ nữ trên 15 tuổi .(5)Mỗi người, mỗi nạn nhân sẽ có thái độ khác nhau tùy gia đình tùy, hoàn cảnh nhưng nói chung chúng ta nên nhớ rằng xã hội hiện nay dù ở đâu cũng không chấp nhận bạo lực, dù là vũ lực hay hành hạ tâm lý, và cần có kế hoạch đừng để bạo lực gia tăng đến mức dộ nguy hiểm.

“Nạn nhân phải làm gì khi bị tấn công?

*Điều mà các nạn nhân của bạo lực gia đình phải nhớ là không nên tự trách mình về những gì đang xảy ra với mình. Bạo lực là không thể chấp nhận được và thủ phạm phải chịu 100% trách nhiệm. Nạn nhân không được viện cớ để bào chữa cho các hành động của thủ phạm, vì không có cớ gì để bào chữa. Việc chấp nhận những hành động bạo hành đó có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn của sự lạm dụng.

* Chọn  việc báo cáo lạm dụng trong gia đình cho cảnh sát luôn luôn là việc có thể làm được. Tuy nhiên, nếu nạn nhân không có ý định  báo cáo với cảnh sát, họ có thể lập một kế hoạch an toàn cho bản thân, với một từ an toàn (safe word) để cảnh báo, ra hiệu cho những người mà họ sống cùng khi đối mặt với tình huống mình bị đe dọa.

* Nên thông báo cho bạn bè, gia đình, hàng xóm hoặc ai đó ở gần trong trường hợp rủi ro leo thang. Thảo luận vấn đề này với các thành viên gia đình hoặc bạn bè đáng tin cậy cũng có ích và quy trách nhiệm cho thủ phạm về hành động của anh ta. Ngoài ra còn có một số đường dây trợ giúp về bạo lực gia đình và các trang web tư vấn trực tuyến miễn phí mà nạn nhân có thể sử dụng để cứu trợ.”

Nếu cần giúp đỡ ở Mỹ:

Số điện thoại cho đường giây nóng ở Mỹ là:

NATIONAL DOMESTIC VIOLENCE HOTLINE:

Call

1.800.799.SAFE (7233)

TTY 1.800.787.3224

Website trực tuyến: thehotline.org

Message: gửi câu nhắn START tới số 88788

Tham khảo:

1)https://www.ucdavis.edu/news/covid-19-isolation-linked-increased-domestic-violence-researchers-suggest

2)https://www.washingtonpost.com/local/public-safety/body-shallow-grave-falls-church-killing/2021/09/08/f322ede4-10e1-11ec-bc8a-8d9a5b534194_story.html

3)https://journals.sagepub.com/doi/10.1177/0002764221992826

4)https://www.psychiatryadvisor.com/home/topics/violence-and-aggression/expert-roundtable-intimate-partner-violence-and-covid-19/

5)https://indianexpress.com/article/lifestyle/life-style/how-neighbours-can-help-victims-of-domestic-violence-during-lockdown-6362524/

6)https://indianexpress.com/article/lifestyle/life-style/lockdown-rise-of-domestic-violence-how-to-tackle-situation-if-locked-with-abuser-national-commission-for-women-6406268/

7)https://www.justice.gov/usao-wdtn/victim-witness-program/federal-domestic-violence-laws

8) Image source IrishTimes

https://www.irishtimes.com/life-and-style/health-family/living-in-fear-domestic-violence-during-the-covid-19-pandemic-1.4465263

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 18 tháng 9 năm 2021