Chứng “Mù Mặt” (Face Blindness) Và Bệnh Hậu-COVID

 21dhvhcmm1

Năm 2021 gần chấm dứt, mùa lễ lạc lại đến. Ở một số nước châu Âu nhất là ở Austria (Áo), người ta phải "lockdown" trở lại vì bệnh Covid đang gia tăng quá nhanh và sẽ có những biện pháp bắt buộc chích ngừa. Lý do chính là quá nhiều người không chịu chích ngừa Covid vì tin vào những tin sai lạc (misinformation)  đang được phổ biến quá nhanh chóng qua trên mạng internet.

Chúng ta ở Mỹ may mắn hơn, tuy có người còn ngần ngại chích ngừa, nhưng tình hình cho phép chúng ta gặp gỡ nhau trực tiếp, không qua video như Facetime, ZOOM, trong những ngày lễ sắp tới.

Tay bắt, mặt mừng. Tay bắt giữa nhóm nhỏ trong gia đình, nhất là giữa người từng chích ngừa hay từng bị bệnh và đã được miễn nhiễm che chở.

Nhưng, "mặt mừng"? Không biết có luôn luôn nhận ra được những nét thân quen trên khuôn mặt người thân quen hay không mà không cần cái tên kèm theo dưới màng hình? Hay lòng bâng khuâng tự hỏi “who is who?”, ai là ai?

Từ hai năm nay, ngoài các bác sĩ chữa bệnh Covid, các bác sĩ khác thường thấy các hoạt động của mình giảm sút đi. Trừ  trường hợp các bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ. Các bà và ngay cả các ông được ở nhà hưởng trợ cấp, rất thuận tiện để đi sửa sắc đẹp, về nhà mang khẩu trang cho đến khi lành vết thương, và tái xuất hiện với khuôn mặt mới, nhiều khi người quen không nhận ra.  Lý do bí ẩn cho người ngoài nhưng cũng dễ hiểu cho người trong cuộc.

Từ ngày có dịch Covid-19 và việc mang khẩu trang che mặt trở thành phổ biến ở Âu Mỹ, có lẽ không ít thì nhiều chúng ta đều có lúc nhìn vào đôi mắt của một ai đó phía trên của mặt nạ và tự hỏi: “Ai chào mình đây, không biết có quen ở đâu rồi không?. Thật vậy, chúng ta một phần nhờ vào đôi mắt của một đối tượng để nhìn ra người quen, người từng gặp, nhưng chúng ta cũng trông cậy vào cái mũi, khóe miệng, nụ cười của người đó để nhận ra một khung mặt quen thuộc.

Trong 20 tháng vừa qua, giới khoa học càng ngày càng quan tâm và khám phá nhiều hơn về các tác dụng của bịnh Covid-19 trên hệ thần kinh. Một danh từ được phổ biến nhiều trong các tin tức thu thập về các triệu chứng thần kinh : ‘brain fog’, một tình trạng 'sương mù trong tâm trí’ làm người bệnh không suy nghĩ sáng suốt được, không chỉ mới xuất hiện với Covid-19 mà đã từng được quan sát trong những bệnh khác nhau  như ung thư, hội chứng mệt mỏi mãn tính (chronic fatigue syndrome) hay bệnh MS (đa xơ thần kinh/multiple sclerosis). Tác dụng trên trí nhớ cũng liên hệ đến vấn đề này. Các nghiên cứu trên thú vật cũng cho thấy virus bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến bộ phận não hippocampus (hình con cá ngựa) phụ trách nghi nhận trí nhớ  và một vùng vỏ não tên là entorhinal cortex là vùng dễ bị thấy bị hư hại nhất trong bệnh nhân bị bệnh lẫn Alzheimer.

Nhưng ở đây chúng ta sẽ bàn về một tình huống riêng lẽ khá thú vị  và còn chưa được thấu hiểu lắm, trong đó chúng ta không nhận ra được khuôn mặt người quen, mà  có khi lại do bệnh COVID-19.

Mới đây một tâm lý gia nhận xét trong những dư chứng ở người từng bị bệnh nhiễm COVID-19 và hồi phục là sự giảm sút khả năng nhận khuôn mặt quen thuộc, một chứng bệnh có tên khó đọc ‘prosopagnosia” nhưng thường được gọi là “face blindness” mà tôi xin tạm dịch bằng một tên khác hơi khó đọc trong tiếng Việt là “bệnh mù mặt” (không phải mù mắt) . Sau đây là một trường hợp điển hình của bệnh mù mặt hậu Covid theo lời kể của nhà nghiên cứu Marie -Luise Kieseler ở Đại học Dartmouth:

“Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người, nhưng nó có tác động cụ thể đến Annie, một nghệ sĩ vẽ chân dung 26 tuổi mắc bệnh Covid vào tháng 3 năm 2020. Mặc dù Annie đã hồi phục, cô đang phải chịu những tác động bất lợi lâu dài của bệnh Covid mà lần đầu tiên cô nhận thấy khi cô hẹn gặp gia đình mình tại một nhà hàng. Cô đi ngang qua người nhà nhiều lần mà không nhận ra cho đến khi bố cô kêu cô . Annie đã bị sốc vì "tiếng nói của cha tôi phát ra từ khuôn mặt của một người lạ". Bây giờ cô mới vỡ lẽ rằng mình không còn dựa vào  khuôn mặt của một người nào đó  để nhận ra họ mà qua giọng nói của họ, dáng đi, mái tóc của họ; một phương thức quen thuộc với tất cả mọi người mắc chứng prosopagnosia. Thậm chí Annie đã phải thay đổi cách mình  tiếp cận với việc vẽ chân dung nhưng may mắn đã tìm ra cách để điều chỉnh cách làm việc  của mình để tiếp tục hành nghề trong lĩnh vực mình thích nhất.

Cho đến ngày nay, Annie gặp nhiều khó khăn trong việc nhận dạng khuôn mặt trong khi vẫn nhận dạng đồ vật và cảnh trí một cách bình thường, cũng như khả năng ghi nhớ vẫn bình thường. Annie cũng đang gặp khó khăn định hướng trong môi trường sống sau khi bị bệnh COVID-19. Bây giờ cô phải sử dụng phần mềm định hướng (navigation software) để đi đến cửa hàng tạp hóa của mình,  ghim vào bản đồ Google để có thể tìm thấy xe của mình trong bãi đậu xe, và - lúc mới đầu - cô  còn khó khăn  tìm ra  kệ xếp các chai  sữa trong cửa hàng tạp hóa.”

Tuy bệnh COVID-19 chỉ mới xuất hiện gần đây, chúng ta đã biết ngoài những tác hại thường thấy trên phổi, thận và  hệ tuần hoàn (đông máu, shock) bệnh còn tác dụng trên hệ thần kinh.

COVID-19 ảnh hưởng đến chức năng não ở một số người. Các triệu chứng thần kinh cụ thể gặp ở những người bị COVID-19 bao gồm mất khứu giác, mất khả năng nếm (mất vị giác), yếu cơ, cảm giác như kiến bò (tingling) hoặc tê ở bàn tay và bàn chân, chóng mặt, lú lẫn, mê sảng, co giật và đột quỵ. Một nghiên cứu xem xét 214 người bị COVID-19 mức độ trung bình đến nặng ở Vũ Hán, Trung Quốc cho thấy khoảng một phần ba số bệnh nhân đó có một hoặc nhiều triệu chứng thần kinh. Các triệu chứng thần kinh phổ biến hơn ở những người mắc bệnh nặng hơn.

Các triệu chứng thần kinh cũng đã được thấy ở bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ và trên thế giới. Một số người có các triệu chứng thần kinh xét nghiệm dương tính với COVID-19 nhưng không có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào như ho hoặc khó thở; những người khác thì  có cả hai loại triệu chứng thần kinh và hô hấp.

Sau khi được xem đã khỏi bệnh Covid (ít lắm là sau 4 tuần), có những người được cho là mắc bệnh “COVID dài” hay “long COVID” vẫn còn dai dẵng những triệu chứng được gọi chung là những điều kiện  hậu-covid (post -COVID  conditions) như sốt, đau ngực, dễ mệt dễ hụt hơi. Trong nhóm này có những triệu chứng thần kinh như: “đầu óc sương mù” (brain fog) khó suy nghĩ, khó tập trung, mất mùi, mất khả năng nếm, chóng mặt, lo âu, trầm cảm.

Riêng về hiện tượng “mù mặt “ sau khi phục hồi khỏi bệnh Covid-19, còn cần nghiên cứu thêm. Về trường hợp Annie nói trên, là trường hợp đầu tiên được báo cáo khoa học, người ta đang tìm hiểu xem bịnh mù mặt xảy ra có phải vì một tai biến mạch máu não do Covid-19 (Covid-19 induced stroke) gây ra hay không bằng cách dùng MRI (hình ảnh bằng cọng hưởng từ trường).

Sau đây chúng ta sẽ bàn về bệnh mù mặt nói chung.

Prosopagnosia là gì?

Prosopagnosia (gốc Hy lạp:prosopon là mặt, agnosia là không biết, theo Bodamer 1947)), còn được gọi là “mù mặt”, là tình trạng suy giảm khả năng nhận dạng khuôn mặt. Bệnh nhân mắc chứng này ( gọi là prosopagnosics thường gặp khó khăn trong việc nhận ra các thành viên trong gia đình, bạn bè thân thiết và thậm chí cả gương mặt của bản thân họ). Họ có xu hướng sử dụng các mẹo thay thế để nhận ra một người nào đó, nhưng các ngả này không hiệu quả bằng nhận dạng qua khuôn mặt. Chúng ta biết là cách chúng ta nhìn vào mặt người khác thay đổi theo hoàn cảnh. Ví dụ ở xã hội Á đông của chúng ta thường tránh nhìn thẳng vào mặt người khác, nhất là người lớn tuổi hơn, hay ở địa vị trên mình. Người Mỹ thì đòi hỏi phải nhìn vào mắt (eyecontact) lúc nói chuyện, nhưng không được nhìn trừng trừng (stare) vào người khác. Tuy nhìn trộm, nhìn lén hay nhìn thẳng, phần đông chúng ta không nhiều thì ít cũng nhớ được một số khuôn mặt mà chúng ta thường gặp. Khả năng nhận diện này nhiều hay ít còn tùy từng cá nhân, nhưng khi khả năng  một người nào đó thấp ở mức độ 2% thấp nhất trong một tập thể tương tự thì chúng ta có thể coi đấy là một trường hợp “mù mặt” hay  prosopagnosia, và đối với người đó  nó có thể tạo ra các vấn đề về giao tiếp xã hội nghiêm trọng. Nói chung khả năng nhận diện một khuôn mặt cao nhất ở tuổi 30 và giảm đi sau đó. Nó có thể đi kèm với sự suy giảm khả năng nhận dạng các  loại hình khác như cảnh vật, xe hơi và các biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt, nhưng trong một số trường hợp, sự mất khả năng nhận dạng khuôn mặt xảy ra riêng lẻ.

Các triệu chứng của chứng prosopagnosia

Hầu hết mọi người đều đã từng  gặp khó khăn khi nhận ra những khuôn mặt mà trước đó họ đã từng nhìn thấy, nhưng chứng “mù mặt” nghiêm trọng hơn nhiều. Người mắc chứng này  gặp khó khăn trong việc biết liệu họ đã từng nhìn thấy một khuôn mặt nào đó hay chưa, và họ thường gặp vấn đề nhận dạng khuôn mặt mà họ đã gặp nhiều lần. Một số trường hợp nặng  gặp khó khăn trong việc nhận ra ngay cả những người mà họ sống chung nhiều thời gian nhất như vợ / chồng và con cái của họ. Điều quan trọng cần lưu ý là bệnh prosopagnosia được xác định bởi khó khăn trong việc nhận dạng khuôn mặt, không phải là việc kém khả năng nhớ tên, tuy rằng nếu chúng ta gặp khó khăn nhớ khuôn mặt người khác, nếu chúng ta cố gắng nhớ tên của họ, việc này cũng sẽ giúp cho việc nhận diện như chúng ta sẽ bàn thêm sau này.

Một trong những dấu hiệu cho chúng ta nhận ra chứng prosopagnosia là người bệnh phải tùy thuộc nhiều vào các thông tin ngoài khuôn mặt như tóc, dáng đi, quần áo, giọng nói và các thông tin khác. Một trong những phàn nàn phổ biến nhất của người “mù mặt” là họ gặp khó khăn theo dõi cốt truyện của các chương trình truyền hình và phim, vì họ không thể theo dõi danh tính của các nhân vật. Đôi khi họ cũng gặp khó khăn mường tượng ra khuôn mặt của những người họ quen biết.

Trước thế kỷ 21, hầu hết tất cả các trường hợp mắc chứng prosopagnosia được ghi nhận là do tổn thương não, thường là do chấn thương đầu, đột quỵ (stroke) hoặc bệnh thoái hóa não bộ. Các trường hợp do tổn thương não được gọi là chứng “mù mặt” mắc phải: những người này lúc đầu có khả năng nhận dạng khuôn mặt bình thường nhưng sau đó khả năng này đã bị suy giảm. Họ thường (mặc dù không phải luôn luôn)  dễ dàng biết là mình có bệnh bởi vì họ đã từng trải qua một thời nhận dạng các khuôn mặt một cách bình thường và vì vậy họ nhận biết  sự  mất mát trong khả năng của mình.

 

 

Chứng “mù mặt” phát triển (Developmental Prosopagnosia) ở người lớn và trẻ em

Trong những trường hợp rối loạn về phát triển (đôi khi được gọi là mù mặt bẩm sinh), các vấn đề về nhận dạng khuôn mặt xuất hiện sớm trong đời và gây ra bởi sự những phát triển thần kinh bất bình thường   ảnh hưởng đến cơ chế xử lý khuôn mặt. Trong giới hạn bình thường, khả năng nhận dạng khuôn mặt thay đổi đáng kể; một số người thực sự giỏi (super-recognizer), những người khác lại kém, và hầu hết mọi người đều ở đâu đó giữa hai thái cực này. Những người mắc chứng “mù mặt” loại phát triển chiếm phần thấp nhất  trong sự phân bổ của khả năng nhận dạng khuôn mặt.  Họ chưa bao giờ  có khả năng nhận diện bình thường nên họ khó mà ý thức được thiếu sót của mình, ngay cả ở người lớn. Định bệnh ở trẻ con lại càng khó hơn. Trong gia đình có thể có người có cùng triệu chứng . Các nghiên cứu trên các cặp sinh đôi cho thấy các  yếu tố di truyền quyết định phần nào khả năng nhận diện khuôn mặt trong quẩn chúng nói chung và trong chứng “mù mặt” cũng có vai trò của di truyền.

Tổ chức trong não bộ phụ trách xử lý khuôn  mặt (face processing network)

 

Nói chung kiến thức y khoa về cách não bộ xử lý khuôn mặt và nguồn gốc sinh lý bệnh (pathophysiological basis) của bệnh mù mặt chưa được hiểu rõ lắm. 

Xử lý khuôn mặt trong não bình thường liên quan đến một số quá trình khác nhau. Các nghiên cứu về não bằng cách sử dụng MRI chức năng (functional MRI) và các kỹ thuật khác cho thấy nhiều vùng não phản ứng mạnh hơn với một khuôn mặt so với các loại kích thích thị giác khác. Trong hình bên dưới (Fig 1), sáu khu vực phản ứng chọn lọc với  khuôn mặt được hiển thị ở bán cầu phải (mặc dù bán cầu phải quan trọng hơn cho việc nhận dạng khuôn mặt so với bán cầu trái, một tập hợp các khu vực khá giống nhau cũng có ở bán cầu trái). Các khu vực này được kết nối với nhau và tất cả đều trở nên hoạt động khi xem xét một khuôn mặt.

Mù mặt (prosopagnosia) là hậu quả của các vấn đề trong mạng xử lý mặt của não bộ. Chứng mù mặt mắc phải là kết quả của việc mạng này bị hư hại, trong khi chứng mù mặt  phát triển là do sự phát triển không bình thường của mạng lưới. Do nhiều khu vực cũng như các kết nối giữa các khu vực góp phần vào việc xử lý khuôn mặt, có nhiều cách để mạng hoạt động sai và do đó có nhiều khả năng xảy ra nhiều loại prosopagnosia.

21dhvhcmm2

Fig.  1: Vùng xử lý khuôn mặt (face processing areas)

Các khu vực chọn lọc khuôn mặt. Hình ảnh lưng (dorsal, từ trên)  bên trái cho thấy bán cầu não phải, nhìn từ bên cạnh. Hình ảnh bụng (từ dưới nhìn lên) bên phải cũng cho thấy bán cầu não phải, nhìn từ bên dưới. Các khu vực não phản ứng mạnh hơn với khuôn mặt so với các loại kích thích thị giác khác là những vùng tô màu.  (Duchaine và Yovel, 2015).

 

21dhvhcmm3 

Fig . 2: Một người bị tổn thương vùng lõi của mạng xử lý khuôn mặt ở thùy chẩm (occipital lobe) sẽ khó nhìn thấy sự khác biệt giữa hai hình ảnh này. (Đôi mắt của khuôn mặt bên trái xa nhau hơn đôi mắt của khuôn mặt bên phải và miệng của khuôn mặt bên trái cao hơn miệng của khuôn mặt bên phải). Xin lưu ý rằng không có khả năng phân biệt sự khác biệt không nhất thiết có nghĩa là bạn mắc chứng mù mặt.

(Source: Sciencefriday.com; Jeffrey Corrow/Human Vision and Eye Movement Laboratory, Departments of Medicine (Neurology), Ophthalmology and Visual Science, University of British Columbia, Vancouver)

Trong công nghệ thông tin người ta cũng có thể nhận dạng khuôn mặt của con người bằng cách sử dụng sinh trắc học (biometrics) để lập bản đồ các đặc điểm khuôn mặt từ một bức ảnh hoặc video và so sánh thông tin với cơ sở dữ liệu về các khuôn mặt đã từng biết để tìm ra sự phù hợp.  Lúc não bộ chúng ta “đọc” một khuôn mặt có lẽ sau khi phân tích khuôn mặt đó (mà chúng ta chưa hiểu bằng cách nào)  chúng ta cũng phải so sánh thông tin này với các cơ sở dữ liệu về người đó mà chúng ta giữ trong bộ nhớ, có nghĩa là vận dụng khả năng hồi ức (memory) của chúng ta.

 Hồi ức gồm 3 giai đoạn:

 a) mã hóa (encoding) nghĩa là “ghi vào” trí nhớ. Nếu người đó không quan trọng cho mình, hay trong một số đông như khách hàng, khuôn mặt mỗi người không quan trọng nên não bộ có thể không “mã hóa” mặt người đó.

 b) nhớ lại (recalling) nghĩa là kéo “hồ sơ” đã được ghi  ra (pulling out),

c) và giữ lại, bảo tồn (retention) cho đừng quên. Tuy nhiên khả năng bộ nhớ chúng ta có hạn, và có một giới hạn nào đó số khuôn mặt mà chúng ta nhớ được.

Nghiên cứu tại đại học Harvard (Joseph De Guthis, 2020)(5) cho thấy bệnh “mù mặt” không phải tuần túy là một vấn đề về xử lý tin tức  thị giác (visual perceptual disorder), vì có những người “mù mặt ‘ nhưng  khi được kiểm tra (tested) về khả năng cảm nhận thị giác (visual perception testing) thì lại bình thường. Những người này có lẽ bị thiếu sót trong cách họ “nhớ” để nhận ra một khuôn mặt cũ.

“Nhớ” có thể biểu hiện qua hai cách khác nhau:

Huấn luyện cho họ ghi nhớ và vận dụng ký ức theo lối trên có thể giúp ích cho họ nhớ mặt tốt hơn.

Một nghiên cứu khác cũng của nhóm DeGutis (8) thì cho thấy người bình thường phân tích toàn bộ khuôn mặt cùng một lúc (holistic approach of face processing) khác với người mù mặt. Huấn luyện online trong 3 tuần lễ về lối tiếp cận “toàn bộ” này cho 24 người bị chứng mù mặt do phát triển cho thấy kết quả khá tốt.

Tóm lại, một số bệnh nhân COVID-19 có dấu hiệu mù mặt, hiện tượng này mới được ghi nhận và cần theo dõi thêm. Nhân tiện, chúng ta đã  thử bàn về chứng thú vị này, ngoài những trường hợp  liên hệ  với Covid-19. Chứng mù mặt  có thể là một bệnh mắc phải hoặc bẩm sinh di truyền và liên quan đến tình trạng  suy giảm khả năng xử lý khuôn mặt cũng như liên hệ đến một số khả năng về trí nhớ, huy động ký ức. Hiện nay chưa có liệu pháp để chữa hết bệnh mù mặt. Bệnh nhân có thể cố gắng nhớ những đặc điểm khác như tên, kiểu tóc, mắt kính, cách ăn mặc; hay một chi tiết cơ thể nào đó như mũi to, mắt to mắt nhỏ ; nhớ những tin tức thuộc về hoàn cảnh (như nơi gặp, người đó làm việc gì) hay tập cách tiếp cận khuôn mặt một cách toàn bộ.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 22 tháng 8 năm 2021

Ngày 17  tháng 11 năm 2021

Tham khảo;

1)How COVID Might Sow Chaos in the Brain

https://www.scientificamerican.com/article/how-covid-might-sow-chaos-in-the-brain/

2) Understanding Prosopagnosia

https://www.faceblind.org/research/

3)https://www.facLasting Faceblindness

due to COVID-19

eblind.org/assets/files/newsletters/Face%20to%20Face%20Newsletter%20-%20Winter%202021.pdf

4)https://www.nytimes.com

/2020/08/31/health/covid-masks-face-blindness.amp.html

5)https://www.health.harvard.edu/diseases-and-conditions/covid-19-basics

6) More than Meets the Eye

New research suggests failure to retrieve relevant details from memory may underlie face blindness

https://hms.harvard.edu/news/more-meets-eye-0

7)Is prosopagnosia more frequent in males than in females?

https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S001094528380032X?via%3Dihub

8)https://www.sciencefriday.com/articles/what-is-face-blindness/

9) Holistic face training enhances face processing in developmental prosopagnosia

PMID: 24691394 PMCID: PMC4032098 DOI: 10.1093/brain/awu062

https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24691394/

10)https://www.cbsnews.com/news/plastic-surgery-cosmetic-procedures-covid-19-pandemic/

11)Persisting Prosopagnosia due to COVID-19

https://jov.arvojournals.org/article.aspx?articleid=2777293 (accessed 10/01/2021)