"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

 

Ảnh Hưởng Thay Đổi Thời Tiết
Đột Ngột Trên Sức Khỏe

 

23ahvhaht1

Những tháng mùa đông năm nay, nước Mỹ phải đối phó với nhiều bệnh nhiễm trùng do virus cùng một lúc. Bộ ba Covid-19, RSV (respiratory syncytial virus, siêu vi hợp bào hô hấp) và bệnh cúm thường niên gây một tình trạng khó khăn cho giới y khoa vì triệu chứng có thể trùng với nhau và khó phân biệt, trong lúc đó làm tắc nghẽn hệ thống nhà thương và phòng cấp cứu, không những ở Mỹ mà luôn ở châu Âu. Hiện tượng này gọi là dịch mùa đông tay ba (“triple winter epidemic”). Đối với Trung quốc đang đương đầu với Covid-19 sau khi gỡ bỏ các biện pháp cô lập, chúng ta chưa có những tin tức chính xác đáng tin cậy.

Cùng một lúc, các thay đổi thời tiết đột ngột lại xảy ra. Nhiều vùng của Hoa Kỳ đã chứng kiến ​​thời tiết thay đổi thất thường và điều kiện trái mùa. Miền Tây của nước Mỹ  đang run rẩy trong đợt lạnh kỷ lục, trong khi miền Đông Nam và Trung Đại Tây Dương đang trải qua nắng nóng bất thường trong tháng 2, với những ngày giống như mùa xuân xen kẽ với những đợt lạnh — và ngược lại. Hôm nay thứ năm, ở vùng thủ đô nhiệt độ có thể lên gần 80o F (26.7o C) nhưng qua thứ bảy này sẽ tụt xuống 40o F (4.4o C) và đêm đến sẽ lạnh dưới mức đóng băng (28o F/-2.2o C). Trong lúc đó, một cơn bão tuyết đang đi chéo ngang nước Mỹ từ tây sang đông, tạo một khoảng sai biệt lên đến 100o F giữa những vùng bị bão tuyết  phía tây bắc và vùng “sóng nhiệt’ (heat wave) ở phía đông nam.(1)

Các chuyên gia (2) cho biết những biến động thời tiết như vậy khiến thực vật và động vật bị hoang mang, không biết đối phó thế nào, làm xáo trộn sự cân bằng của các hệ sinh thái mỏng manh và có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe của con người, đặc biệt là đối với những người đang mắc các bệnh lý sẵn có. Những thay đổi này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng dị ứng, gây nhiễm trùng và làm các bệnh quan trọng khác như  bệnh tim nặng hơn.

Theo các chuyên gia, nhiệt độ thay đổi từ 40o F độ đến 80o F độ có thể không phải là vấn đề lớn đối với những người tương đối khỏe mạnh, nhưng có thể là vấn đề lớn đối với một số người, chẳng hạn như những người làm việc ngoài trời và những người mắc các bệnh mãn tính và các yếu tố cơ nguy khác. Cơ thể con người có khả năng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ, nhưng khả năng đó không khởi động được chỉ  trong vòng vài giờ, phải mất từ  nhiều ngày cho đến hai tuần để thích nghi.

Cơ thể chúng ta được giữ  một trạng thái cân bằng tinh tế và cố gắng  duy trì nhiệt độ cơ thể nhất định. Nếu  nhiệt độ chung quanh quá cao hay quá thấp, cơ thể phải làm việc nhiều hơn để đối phó với các điều kiện cùng cực như vậy.

Thời tiết thay đổi đột ngột khiến chúng ta dễ bị nhiễm bệnh. Nhiệt độ và độ ẩm thay đổi đột ngột có thể ảnh hưởng đến mũi, khiến chúng ta dễ bị nhiễm vi khuẩn và vi rút hơn. Độ ẩm biểu hiện mức hơi nước hiện diện trong không khí, thường mức thích hợp cho sức khỏe là 30-50%. Nếu thấp hơn (dưới 30%), virus có thể tồn tại lâu hơn trong khí lạnh và khô, và vì  niêm mạc trong mũi bị khô, các mô trong mũi dễ bị nhiễm trùng hơn.

Thay đổi thời tiết đột ngột  có thể gây ra các triệu chứng ở những người bị dị ứng – và ngay cả ở những người không bị dị ứng, ví dụ những người bị viêm mũi không phải do  dị ứng hoặc các triệu chứng dị ứng không xác định được nguyên nhân. Phần trong  của mũi phần lớn là các mạch máu, chúng co lại khi trời lạnh và giãn ra khi nhiệt độ cao hơn và độ ẩm cao hơn. Khi thời tiết thay đổi thất thường trong khoảng thời gian 24 giờ, mũi có thể chuyển khá nhanh từ tình trạng  sổ mũi sang khô mũi.

Một nghiên cứu ở Trung quốc cho thấy dị bệnh ứng mũi trẻ em trai gia tăng sau khi nhiệt độ thay đổi nhiều trong 2 ngày trước đó.(3)

Một nghiên cứu ở Hồng Kông cho thấy sự thay đổi nhiệt độ (temperature variability) càng cao trong mùa đông thì số người nhập viện cấp cứu vì bệnh phổi càng gia tăng.(4)

Nhiệt độ quá cao và quá thấp làm tăng nguy cơ tử vong. Những thay đổi nhiệt độ đột ngột này cũng có thể gây hại cho tim. Nhiệt độ cao gây ra căng thẳng cho cơ thể và các hormone được sản xuất trong tình trạng stress (stress hormones) có thể làm tim bị stress theo. Lạnh có thể gây hạ thân nhiệt và dẫn đến tình trạng  máu đặc hơn, dễ tạo ra các cục máu đông, dẫn đến đột quỵ, cơn đau tim (heart attack)  và cục máu đông (clots, thromboses) ở các chi.

Nếu nhiệt độ nhảy  từ 60o F của một ngày mùa đông hôm trước lên 95oF ngày hôm sau thì tác dụng  tệ hơn là nếu từ 80o ngày hôm trước lên 95o trong mùa hè. Mùa đông, cơ thể chúng ta  chưa chuẩn bị sẵn sàng để đương đầu với cái nóng và chúng ta có thể mặc quần áo quá nhiều lớp làm cơ thể quá nóng lúc nhiệt độ bên ngoài vọt lên.

Một nghiên cứu vào tháng 5, 2022 trên tạp chí Lancet Sức khỏe Hành tinh (The Lancet Planetary Health Journal) cho thấy rằng theo thời gian, những thay đổi nhiệt độ đột ngột này có liên quan đến tỷ lệ tử vong gia tăng. Theo khảo cứu này, từ năm 2000 cho đến năm 2019, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột (temperature variability) có chiều hướng gia tăng ở mức toàn cầu, mỗi năm trên 1,7 triệu người chết nhiều hơn mức bình thường (excess of death) liên quan đến hiện tượng này, tương đương với 3,4% của tổng số tử vong. Tỷ lệ tử vong thặng dư này gia tăng 3,6% mỗi thập kỷ và nặng nhất là ở hầu hết Châu Á, Australia và New Zealand, sau đó là châu Âu và Châu Phi.(5)

Thay đổi thời tiết có thể gây ra chứng đau nửa đầu và đau khớp.

Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng sự thay đổi thời tiết có thể gây ra chứng migraine (“đau nửa đầu”) và có thể là các loại đau đầu khác. Một nghiên cứu cho thấy nhiệt độ tăng 5 độ C (9 độ F) có liên quan đến việc tăng 1% nguy cơ phải đến khoa cấp cứu vì chứng đau nửa đầu. Một nghiên cứu thứ hai đã xem xét nhiều yếu tố thời tiết - không chỉ nhiệt độ - chẳng hạn như độ ẩm, ô nhiễm không khí và thay đổi áp suất khí quyển và kết luận rằng nhiệt độ cao hơn và áp suất khí quyển thấp hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bất kỳ loại đau đầu nào, không chỉ chứng đau nửa đầu.

Tuy nhiên, rất khó để xác định xem sự thay đổi nhiệt độ tự nó làm nhức đầu gia tăng, hay liệu các yếu tố khác liên quan đến sự thay đổi thời tiết đột ngột, chẳng hạn như thay đổi nhanh chóng về áp suất khí quyển, độ ẩm, ô nhiễm, có thể đóng một vai trò nào đó hay không,

Một số người người khẳng định khớp của họ “biết” khi nào thời tiết sắp thay đổi và có thể họ nói đúng . Đặc biệt ở người bị viêm khớp, các khớp có thể hoạt động như một phong vũ biểu cảm nhận sự thay đổi đặc biệt nhanh chóng của áp suất khí quyển. Vì vậy, một số người, đặc biệt là những người bị viêm khớp, sẽ đau nhiều hơn khi thời tiết thay đổi và trời  bão.

Thay đổi thời tiết bây giờ ảnh hưởng đến chứng dị ứng dị ứng, đến đời sống các sâu bọ như ve (tick) và muỗi. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu rộng lớn hơn, những bất thường này đang diễn ra làm cho hoa nở quá sớm và côn trùng – vật trung gian truyền bệnh – có các mùa sinh sản khác trước. Sự dao động nhiệt độ cũng khiến thực vật bối rối và chúng sẽ đột nhiên “giải phóng rất nhiều phấn hoa không tuân theo các xu hướng trước đó  và điều này có thể ảnh hưởng đến bệnh hen suyễn, viêm mũi và các hệ thống khác của cơ thể.

Nắng nóng trái mùa vào tháng hai đang làm thay đổi mùa sinh sản của bọ ve (tick) và muỗi là những sâu bọ mang đến những căn bệnh quan trọng cho con người .

Bệnh Lyme là một bệnh do vi khuẩn có thể gây sốt, mệt mỏi, đau khớp và phát ban da, cũng như các biến chứng nghiêm trọng hơn về khớp và hệ thần kinh. Các nghiên cứu cho thấy biến đổi khí hậu đã góp phần mở rộng phạm vi của bọ ve, làm tăng nguy cơ nguy cơ mắc bệnh Lyme, chẳng hạn như ở các khu vực của Canada nơi bọ ve trước đây không thể tồn tại. Chu kỳ sống  (life cycle) và sự phổ biến của ve sống trên nai (deer tick) bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi nhiệt độ. Ví dụ, ve nai chủ yếu hoạt động khi nhiệt độ trên 45˚F và chúng phát triển mạnh ở những khu vực có độ ẩm ít nhất là 85%. Do đó, nhiệt độ ấm lên liên quan đến biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ làm tăng phạm vi môi trường sống thích hợp của ve và do đó, là một trong nhiều yếu tố thúc đẩy sự lây lan của bệnh Lyme được quan sát. Đây là một trong những lý do khiến tỷ số (incidence) bệnh Lyme tăng gấp đôi ở Mỹ từ 1991 cho đến năm 2018.(6)

Nhiệt độ ấm lên và lũ lụt chưa từng có cũng khuyến khích sự  lan tràn  của muỗi ra khỏi nơi sinh sản truyền thống của chúng. Những bệnh do muỗi làm trung gian đem đến (vector) như  bệnh sốt do siêu vi dengue, sốt rét (malaria) và vi rút Zika nay đã đến những khu vực trước đây chưa từng bị đe dọa bởi những căn bệnh này. Nếu không can thiệp, Zika sẽ đe dọa thêm 1,3 tỷ người vào năm 2050 và bệnh sốt dengue (dengue fever, nguyên nhân của bệnh sốt xuất huyết) sẽ ảnh hưởng đến 60% dân số thế giới vào năm 2080. Nhiều tác động của khí hậu đối với sức khỏe đã và đang xảy ra. Trong 50 năm qua, tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần theo một ước tính, với tỷ lệ hàng năm là 390 triệu ca nhiễm trên toàn thế giới, 96 triệu trong số đó là các ca có triệu chứng. Ước tính có khoảng 3,9 tỷ người, tại 129 quốc gia, có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Đây không phải là vấn đề của tương lai. Đó là một mối đe dọa ngày càng mở rộng cần được giải quyết ngay hôm nay. (7)

Với khả năng những biến động đột ngột như vậy sẽ tăng lên trong những năm tới, các nhà khoa học tin rằng mọi người — đặc biệt là những người mắc bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, bệnh phổi— nên chú ý đến những rủi ro tiềm ẩn do các cơn nóng hay luồng khí lạnh gây ra  và tự bảo vệ mình bằng cách ăn mặc thích ứng, điều chỉnh nhiệt độ trong nhà, dùng nước muối nhỏ mũi để giữ độ ẩm trong mũi, uống nước đầy đủ, mang khẩu trang những nơi đông người.

Ngoài ra, lúc đi du lịch, ngừa muỗi cắn, ngừa sốt rét theo hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền Mỹ và địa phương, tình hình có thể đã thay đổi so với trước đây, ví dụ bệnh sốt xuất huyết do dengue ở Đông Nam Á không giống như 40-50 năm trước.

1)https://www.cnn.com/2023/02/22/weather/winter-storm-us-wednesday/index.html

2)https://www.washingtonpost.com/wellness/2023/02/23/weather-temperature-changes-illness/

3)https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32943035/

4)https://thorax.bmj.com/content/73/10/951

5)https://www.thelancet.com/journals/lanplh/article/PIIS2542-5196(22)00073-0/fulltext

6)https://www.epa.gov/climate-indicators/climate-change-indicators-lyme-disease

7)https://www.rockefellerfoundation.org/blog/the-increasing-burden-of-dengue-fever-in-a-changing-climate/

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 23 tháng 2 năm 2023

Thống-Kê Vào Làng

Viet Nam 59.2% Viet Nam
United States of America 20.7% United States of America
Unknown 5.7% Unknown
Canada 3.8% Canada
Germany 2.1% Germany
Japan 2.1% Japan
France 1.9% France
Australia 1.2% Australia

Total:

53

Countries