"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

Ngộ Độc Do Ăn Thịt Và Trứng Cóc

 

 

Gần đây một phụ huynh kể lại cho chúng tôi nghe về trường hợp của cháu cô ở VN chết vì ăn cháo có trứng cóc. Mục đích bài báo này là gióng thêm một tiếng chuông nữa đề cảnh báo về hiểm họa bi đát này. Mỗi lần xảy ra là một lần quá nhiều, rất đáng tiếc vì không cần thiết và hoàn toàn tránh được.

Tìm sơ trên internet thì thấy những trường hợp ngộ độc do ăn cóc tương tự như 3 trường hợp sau đây trên báo ở Việt nam.

 

Trường hợp thứ nhất.

Ăn cháo cóc, 2 con thơ chết, mẹ nhập viện

Người chồng đi làm đồng, bắt được cóc đem về cho vợ nấu cháo. Vợ thấy trứng cóc ngon, tiếc của bỏ cả vào nồi cháo. Sau khi ăn cháo cóc, người mẹ bị ngộ độc, riêng hai con nhỏ (4 tuổi và 15 tháng) tử vong.

Ngày 6/9, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho biết đang điều trị cho bệnh nhân Huỳnh Thị Bạch C., sinh năm 1985, ngụ tại Đồng Tháp bị ngộ độc trứng cóc. Chị C. được chuyển từ bệnh viện địa phương lên khoa Bệnh Nhiệt Đới của Bệnh viện Chợ Rẫy vào lúc 14h5’ ngày 5/9.Tuy tính mạng không còn nguy hiểm nhưng chị C. vẫn chưa hết bàng hoàng, khóc lóc thảm thiết bởi không tin sau khi ăn nồi cháo cóc, 2 đứa con thơ của chịđã ra đi mãi mãi.

“Đứa con gái 4 tuổi của tôi than đói bụng. Đúng lúc đó chồng tôi bắt được con cóc, đem về. Tôi lột da cóc, rửa sạch nấu cháo. Thấy trứng cóc ngon quá, bỏ đi uổng nên tôi cho cả vào nồi cháo. Đứa con gái tôi sau khi ăn được hai chén cháo thì khó thở, tím môi, đi tiểu không tự chủ và chết ở trung tâm y tế"- chị C. kể. "Tôi cho con ăn, mới kịp húp nửa chén cháo nên may mắn thoát chết”.

Chị C. cho biết thêm, sau khi đứa con đầu qua đời khoảng 1 tiếng, đứa con kế mới 15 tháng tuổi cũng tử vong trên đường chuyển viện.

Theo chị Cúc, những lần trước, bắt được cóc, tự tay người chồng bị câm điếc của chị làm thịt. Do lần này anh chồng vội đi làm đồng nên chị tựnấu cháo cóc và xảy ra sự việc thương tâm trên.

Tiến sĩ, Bác sĩ Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khuyến cáo, tuy thịt cóc là một nguồn thực phẩm bổdưỡng nhưng da, gan, trứng và mật cóc lại chứa chất kịch độc. Thông thường khi chế biến cóc, người ta chỉ lấy thịt, còn các bộ phận khác đều bỏ không ăn. Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho người ngộ độc thịt cóc. Nếu mức độ ngộ độc nặng, độc tố xâm nhập vào hệ thần kinh, tuần hoàn thì nạn nhân sẽ tử vong. Độ tuổi nạn nhân càng nhỏ nguy cơ tử vong càng cao.(Vietnam.net; 2010)

 

Trường hợp thứ 2:

Ăn thịt cóc, một người chết, hai người nguy kịch

(Dân trí) - 12 giờ ngày 29/5, khoa Hồi sức tích cực chống độc - Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân Huỳnh Thị Bích Chi, 17 tuổi do trước đó ăn thịt cóc. Sau gần 5 giờ cấp cứu bệnh nhân đã tử vong.

Sáng 1/6, Bác sĩ La Văn Phương, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết: Khi nhập viện, bệnh nhân huyết áp ổn định, nôn ói nhiều, mạch chậm. 15h40 bệnh nhân đột ngột ngưng tim. Các bác sĩ tập trung cứu chữa, tim đập trở lại. Tuy nhiên 17h50 cùng ngày bệnh nhân đã tử vong.

Chị Phan Thị Trinh (1971, ở ấp Phú Thành, Tân Phú, Tam Bình, Vĩnh Long) mẹ của nạn nhân Huỳnh Thị Bích Chi sau đó cũng cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa TW Cần Thơ, và em gái Chi là Huỳnh Thị Trúc Mai (24 tháng tuổi) cũng được cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ.

Do Trúc Mai còn nhỏ tuổi, chỉ ăn chút nước cháo, mức ngộ độc thấp. Sau 4 ngày điều trị cả hai mẹ con đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn ở lại bệnh viện để các bác sĩ theo dõi.

Chị Trinh kể lại, tối 28/5, con gái lớn là Huỳnh Thị Bích Chi bắt được 3 con cóc, sáng hôm sau đem làm thịt nấu cháo cả nhà cùng ăn. Do không biết cách làm thịt cóc và không hiểu về độc tố trong trứng cóc, mủ cóc nên Chi đã lấy cả trứng cóc cho vào nấu cháo. Vài giờ sau khi ăn, Bích Chi bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy...

Biết là đã bị ngộ độc thịt cóc nên Chi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bình Minh, Vĩnh Long. Hai giờ sau tình trạng sức khỏe nguy cấp thêm, các bác sĩ ở đây đã chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nhưng không qua khỏi.

Thịt cóc ngon, bổ, chứa nhiều đạm. Nhưng ở da, gan, trứng cóc chứa nhiều độc tố nguy hiểm. Nếu không biết cách làm, để lẫn, sót và dính các độc tố vào thịt thì khi ăn sẽ bị ngộ độc. Đây không phải là trường hợp đầu tiên cấp cứu và chết vì ăn thịt cóc. (tin của Phạm Tâm, Vĩnh Long,VN 2010)

Trường hợp thứ 3:

Mẹ tử vong, hai con nhập viện sau ăn thịt cóc

Sau khi ăn thịt cóc, do không làm sạch nội tạng nên chị Sơn bị ngộ độc và tử vong trên đường cấp cứu. Hai đứa con của chị Sơn cũng phải nhập viện và may mắn thoát nạn.

Sáng ngày 31/8, bà Trương Thị Tuyết, Chủ tịch UBND xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn xã vừa xảy ra một vụ ngộ độc do ăn phải thịt cóc làm một người tử vong và hai trẻ em phải nhập viện cấp cứu.

Trước đó, vào khoảng 10h30 phút ngày 30/8, chị Nguyễn Thị Sơn (35 tuổi, trú tại xóm 10, xã Lạc Sơn, Đô Lương, Nghệ An) bắt con cóc ở trong nhà rồi làm thịt ăn. Tuy nhiên, do không làm sạch nội tạng, để cả trứng cóc nên sau khi ăn xong chị Sơn có hiện tượng nôn ói, tiêu chảy, chóng mặt và tử vong trên đường đi bệnh viện cấp cứu.

Khoảng 20 phút sau, hai đứa con chị Sơn là cháu Hoàng Trung Tú (9 tuổi) và Hoàng Thị Oanh (3 tuổi) ăn canh mì tôm (nước canh dính mỡ từ món thịt cóc) cũng có biểu hiện chóng mặt và nôn ói dữ dội. Ngay sau đó, cháu Tú và Oanh được người nhà đưa đi bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu.

Thông tin từ các bác sỹ khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, đến sáng 31/8, hai cháu Tú và Oanh đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe đã ổn định trở lại và được xuất viện trở về nhà để chịu tang mẹ. Bà Tuyết cho biết thêm, gia đình chị Sơn có hoàn cảnh khó khăn. Chồng chị Sơn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, một mình chị Sơn nuôi 3 con nhỏ. Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương và các đoàn thể đã tổ chức quyên góp hỗ trợ, động viên gia đình chị Sơn.

Hòa Duy (dantri.com 01thang 9 , 2013)

 

 

Một bài báo khoa học của Đài Loan lần đầu tiên báo cáo trong y văn về ngộ độc do ăn trứng cóc (tháng 3 năm 2007); bịnh nhân đã từng ăn thịt cóc hai lần không hề hấn gì, lần này thì ăn cháo có trứng cóc, bị triệu chứng tiêu hóa và tim mạch rất nặng nhưng sống sót nhờ chữa trị săn sóc đặc biệt như pacemaker để kiểm soát nhịp tim quá chậm, insulin để hạ mức kali cao, và kháng thể chống digoxin (bàn sau đây).(1)

Ngoài ra các trường hợp ngộ độc do ăn cóc này cũng phổ biến ở Lào. Trong một khảo cứu đăng trên báo American Journal of Tropical Medicine and Hygiene, điều tra bằng điện thoại trên 16 bịnh viện tỉnh cho thấy tối thiểu 6 tỉnh có những trường hợp ngộ độc do ăn cóc. Phỏng vấn dân trong 3 làng thì thấy đại đa số (93%) biết thịt cóc là độc, nhưng một nửa dân chúng đều đã gặp trường hợp ngộ độc, chứng tỏ người ta biết nguy hiểm nhưng vẫn ăn, có lẽ vì đánh giá mối nguy hiểm này quá nhẹ.(2)

Có lẽ tâm trạng của người Việt chúng ta cũng tương tự, chúng ta biết lơ mơ là ăn cóc nguy hiểm nhưng vẫn ăn, một phần vì nghĩ thịt cóc có những đặc tính dinh dưỡng đặc biệt (“ngon bổ, chứa, nhiều đạm” như trong tin trích ở trên, mặc dù có lẽ ở VN nay chắc chắc là có nhiều món ngon và ‘bổ” và an toàn hơn nhiều), một phần vì nghĩ rằng mình đã từng ăn rồi không có vấn đề thì ăn nữa không sao (và không biết làm thịt đúng cách, loại bỏ những bộ phận độc, tùy loại cóc gì, lượng ăn ít nhiều).

Tìm hiểu về vấn đề này , chúng tôi thấy trong y văn cũng có những bài viết về ngộ độc ở người do ăn cóc và cách chữa trị, xem đây như là một bịnh hiếm.

coc

 

Figure 1 : Poisonous Marine Toad (hình: PetPlace.com)

 

Chúng tôi xin góp nhặt một số điểm để giúp chúng ta ý thức hơn về vấn đề này , và sẽ nhắc đến những biện pháp điều trị hiện đang được áp dụng ở một số nơi có phương tiện.(1)

Cơ chế ngộ độc:

·   Cóc chứa những độc tố trong tuyến da (còn gọi là "parotioid glands" trên cỗ, lưng, vai con cóc, khác với "parotid glands" là tuyến nước miếng mang tai ở người), trứng. Những chất độc này vẫn giữ hoạt tính (vẫn còn độc sau khi được nấu chín).

· Một số thuốc Tàu như Chan Su, là một loại thuốc tê thoa (topical anesthetic) dùng chữa đau cỗ họng, mụt nhọt,..Thuốc còn được bán dưới các tên: “ Love Stone”, “Black Stone”, “Rock Hard” làm thuốc thoa cường dương, tăng cường tính dục [topical aphrodisiac]. Thuốc được bào chế từ các chất độc của cóc Trung quốc (Chinese toad: Bufo gargarizans). Đã có những trường hợp chết vì dùng những thuốc này (nhất là uống), và các triệu chứng tương tự như triệu chứng ngộ độc digitalis (dùng quá liều digitalis, digoxin, là một thuốc trợ tim)(3).

·   Trong khoa thú y , người ta cũng nhắc đến nhiều những trường hợp các thú vật khác như chó bị ngộ độc sau khi ngậm (mouthing) một loại cóc (Colorado River toad, giant toad) vào miệng vì con cóc rất dỡ, chó không ăn được. Trường hợp này cũng tương tự như một số người bị ngộ độc do liếm da cóc (toad licking) để tìm cảm giác mạnh, gây nên ảo giác (hallucinogen).(Không biết trong câu chuyện công chúa hôn con cóc và cóc biến thành hoàng tử, công chúa này có phải bị tác dụng gây ảo giác của độc tố hay không?)

·   Các chất gây độc trong bufotoxin (chất “mủ” của cóc) gồm bufagins là những steroids độc (toxic steroids). Những chất độc này từng được dùng với liều rất nhỏ trong đông y để trị một số bịnh tim. Hiên nay người ta đang nghiên cứu về tác dụng gây tê, tác dụng chống ung thư máu, ung thư da (melanoma) và ung thư tuyến tiền liệt (prostate cancer).(4) Vai trò của Bufotoxin được dùng trong đông y để chữa bịnh viêm gan B cũng đang được nghiên cứu (5)

·   Hiện nay, báo chí Việt nam có nói nhiều về một số người ở Quảng Bình, do kinh nguyện truyền miệng, ăn thịt cóc để tự chữa bịnh ung thư gan, không biết có phải qua cơ chế này hay không, chờ sau này có những nghiên cứu cho thấy có kết quả thực sự. Tuy nhiên nên nhớ tự chữa như vậy là một hành động tuyệt vọng, nguy hiểm, chưa được giới khoa học kiểm chứng. (6)

·   Ngoài ra còn có những chất catecholamins (là các chất kích thích tim mạch, làm tim bóp mạnh và nhanh, áp huyết lên cao, khô miệng) và indoalkylamines là những chất

có khả năng gây ảo giác (hallucinogen).

Triệu chứng:

·         Bịnh nhân bị ói mữa, đau bụng.

·         Trường hợp ngộ độc điển hình tương tự như ngộ độc digitalis: tim đập chậm, block truyền dẫn giữa tâm nhĩ và tâm thất (atrio-ventricular block), tâm thất đập quá nhanh (ventricular tachycardia), rung tâm thất (ventricular fibrillation) và chết đột ngột.

·         Xét nghiệm máu thấy mức Kali (potassium) máu quá cao, và mức digitalis cao, mặc dù bịnh nhân không hề uống digitalis.

Trị liệu:

·         Gồm những bịện pháp hổ trợ giữ cho bịnh nhân sống, vượt qua cơn ngộ độc [“life support”](máy điều hoà nhịp tim, máy thở , săn sóc đặt biệt)

·         Giảm thiểu hấp thụ độc tố bằng cách gây ói, súc rửa bao tử (gastric lavage), cho uống than (charcoal) để giữ độc tố trong long ruột không được hấp thụ vào máu).

·         Mức Kali cao trong máu (hyperkalemia) là một dấu hiệu cho biết ngộ độc tới mức nguy hiểm (chữa bằng insulin với nước đường glucose và sodium bicarbonate truyền tỉnh mạch; tuy nhiên không được dùng calcium để trị mức Kali quá cao).

·        Digoxin specific Fab antibody (Digoxin immune Fab) là những kháng thể lấy từ con cừu, chích vào tĩnh mạch sẽ “buộc” (bind) với digoxin (digitalis) sau đó digitalis được thải qua nước tiểu (bài tiết qua thận). Thuốc này   có thể được dùng để đối phó với tác dụng của digoxin trong trường hợp ngộ độc do ăn cóc.

 

Kết luận;

Ăn cóc, nhất là da và trứng cóc, là một tập tục nguy hiểm , không cần thiết. Chúng tôi xin sơ lược một số kiến thức về vấn đề này để giúp người Việt chúng ta ý thức thêm về tai họa có thể tránh được này. Đồng thời chúng tôi xin nhắc qua một số biện pháp chữa trị có thể giúp ích cho những bác sĩ có trách nhiệm đối phó với những trường hợp hiểm nghèo này nhưng có thể chưa có cơ hội tiếp cận với những tài liệu về các tiến bộ gần đây trong trị liệu.

 

 

References:

(1)     Life-threatening episode after ingestion of toad eggs: a case report with literature review. Kuo HY, Hsu CW, Chen JH, Wu YL, Shen YS. Department of Emergency Medicine, Cathay GenerLal Hospital, 280 Sec 4, Jen-Ai Rd, Taipei, Taiwan, Republic of China.

(2)     Toad poisoning in Laos.

Keomany S, Mayxay M, Souvannasing P, Vilayhong C, Stuart BL, Srour L, Newton PN.

Wellcome Trust-Mahosot Hospital-Oxford Tropical Medicine Research Collaboration, Mahosot Hospital, Vientiane, Lao PDR. Am J Trop Med Hyg. 2007 Nov;77(5):850-3

(3)     http://www.medcomres.com/articles/digoxin_chan_su.htm

(4)     Quoted by the Wikipedia:

  1. 1.Jiun-Yih Yeh, William J. Huang, Shu-Fen Kan, Paulus S. Wang (2002) - Effects of bufalin and cinobufagin on the proliferation of androgen dependent and independent prostate cancer cells: The Prostate - Volume 54, Issue 2 , Pages 112 - 124
  2. 2.^ Jing, Y., H. Ohizumi, et al. (1994). "Selective inhibitory effect of bufalin on growth of human tumor cells in vitro: association with the induction of apoptosis in leukemia HL-60 cells." Jpn-J-Cancer-Res 85(6): 645-51

(5)   “The Chinese herbal medicine active components bufotoxin and kurorinone used in the combination therapies identified in this review appear to be promising initial targets for further investigation. It is possible that further investigation in well-designed trials may help answer the question of whether Chinese herbal medicine can be effective for treating chronic hepatitis B. Given the significant public health hazard of chronic hepatitis B and the high rates of nonresponse to interferon therapy, continued and more carefully conducted research could be helpful in identifying more effective therapies.”

(Chinese Herbal Medicine and Interferon in the Treatment of Chronic Hepatitis B: A Meta-Analysis of Randomized, Controlled Trials

Michael McCulloch, LAc, MPH, Michael Broffman, LAc, Jin Gao, MD, PhD, and John M. Colford, Jr, MD, PhD ; Am J Public Health. 2002 October; 92(10): 1619–1628)

 

(6)     Hiện tượng lạ ở Quảng Bình - Ăn cóc trị bệnh u gan: Cần sự vào cuộc của giới chuyên môn

               Thứ hai, 04/05/2009, 16:31 (GMT+7)

              http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/2009/5/189584/

Báo SGGP cũng có nhắc nhở: “Chính vì vậy, đã đến lúc cần có một sự nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học để giải thích rõ hiện tượng trên, tránh tình trạng người dân đổ xô bắt chước theo một cách tự phát như hiện nay sẽ rất nguy hiểm.”

 

Bác sĩ Hồ văn Hiền

(Hien V. Ho, MD, FAAP)

Ngày 21 tháng 11 năm 2010

Cập nhật ngày 3 tháng 9 năm 2013