"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

Câu Chuyện Về Ban

 

Ban là một tiếng rất thường dùng trong giới bệnh nhân Việt Nam. Nói chung, bất cứ cái gì xuất hiện ngoài da cũng đều có một tên nào đó bắt đầu bằng chữ "ban": Ban đỏ, ban cua, ban khỉ, ban trái, v...v... Ngay cả những chứng bệnh không có triệu chứng ngoài da cũng được gọi là ban luôn, nhưng là "ban không ra". Nếu bệnh nhân khám một bác sĩ không nói tiếng Việt, sự trở ngại về ngôn ngữ có thể còn lớn hơn nữa, vì ngay chính những người thông thạo Anh ngữ cũng không biết dịch "ban" là gì cho đúng và ngay bác sĩ Việt Nam chúng ta đôi khi cũng phải cố gắng không ít mới có thể tìm được một cái nhãn khoa học cho cái mà người bệnh gọi là "ban". Gần đây dư luận chú ý nhiều tới bệnh ban đỏ (sởi; measles; [rougeole, Pháp]) và trong những đoạn tới chúng ta sẽ làm sáng tỏ vấn đề.

Khi con cái bạn bị nóng vài hôm rồi thấy xuất hiện một số điểm đỏ trên mình cháu, bạn lo lắng và đem khám bác sĩ để giải đáp thắc mắc về "ban" của cháu. Tiếng Anh có chữ "rash", tự điển Webster định nghĩa là "a fine eruption or efflorescence on the body". Có lẽ "rash" không phản ánh đúng nghĩa chữ "ban" của ta, vì trong chữ "ban" thường ngụ ý bé có bị nóng trước khi phát ban trong lúc chữ "rash" không hàm ý bệnh nóng. Cho nên nếu bạn muốn chính xác bạn có thể gọi là "rash with fever", nếu cháu có nóng, bác sĩ của bạn có thể phê trong hồ sơ là cháu bị "exanthem", cũng chỉ có nghĩa là cháu bị "ban". Tưởng nên để ý, tự điển Việt Anh của Nguyễn Văn Khôn dịch chữ ban là "fever", có lẽ không hợp với lối dùng hiện nay của chúng ta, tuy nhiên tự điển Anh Việt dịch chữ "rash" là "phát ban".

 

Trong sách vở Tây y, người ta đếm có 6 loại ban chánh, các loại ban này hơi giống nhau. Quan trọng nhất là bệnh "ban đỏ" (measles), được xếp hạng là "đệ nhất ban" (first exanthem). Tuy gọi là ban đỏ, không phải bất cứ loại ban nào màu đỏ cũng là loại này. Ban đỏ có những triệu chứng đặc biệt của nó như chảy nước mắt, nước mũi, viêm mắt (đỏ mắt) lúc ban đầu (prodromal phase). Sau đó nổi những đốm xám trắng gọi là đốm Koplik (Koplik spots) nơi trong miệng phía hai bên má. Tiếp theo đó bé nóng cao đột ngột. Những vết ban đỏ xuất hiện đầu tiên ở hai bên cổ, sau mang tai rồi lan khắp cơ thể. Ban lan đến chân thì em bé thấy bớt nóng đi nhiều và chừng một ngày sau có vẻ như khỏe hẳn. Từ nhận xét này nảy ra cảm tưởng trong quần chúng rằng ban phải "ra hết" thì em bé mới hết bệnh được. Do đó một số cha mẹ rất lo lắng khi thấy con mình nổi lấm tấm một vài điểm rồi ngưng và lo sợ cháu sẽ bệnh hoạn, kém lớn sau này vì "ban không ra hết" và sẽ biến thành những ban khác như "ban trắng", "ban khỉ", v.v…

 hxh ban1

 

Một đứa trẻ suy dinh dưỡng nặng (marasmus), giống như "ông cụ non" (little old man) vì thiếu năng lượng.Tóc bình thường, mất hết lớp mở, các cơ bắp teo lại.Có thể đây là "ban khỉ" của chúng ta?

 

Phụ huynh nên hiểu rằng “ban” ra nhiều hay ít là tùy thuộc nhiều yếu tố trong đó phải kể đến khả năng đề kháng (resistance) của em bé và loại virus gây bệnh. Một số trẻ bị ban đỏ sẽ không hết hẳn mà lại bị những biến chứng như sưng phổi, sưng tai, lở loét ở miệng, viêm óc, v...v... do những cơ chế khác nhau. Ở Việt Nam trước đây do nền y khoa còn thiếu thốn, nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng sau khi bệnh ban trở nặng. Tuy nhiên, nên nhớ những hiện tượng này hiếm xảy ra ở Mỹ và không tùy thuộc vào việc "ban" ra nhiều hay ít.

 

 hxh - ban2

Ban đỏ (measles)

 

Thật ra ngay cả bệnh ban đỏ cũng ít khi thấy ở Mỹ. Thuốc chích ngừa ban đỏ phổ biến ở xứ này từ năm 1963 và đem tỷ số bệnh hàng năm từ 500,000 trước năm 1963 giảm xuống chỉ còn có 159 trường hợp năm 2013, có nghĩa là trên 2 triệu người dân mới có 1 trường hợp. Tuy nhiên gần đây một số nơi bị bệnh ban đỏ nhiều hơn trước do đó chúng ta nhận thấy sự quan tâm của các cơ quan y tế công cộng cũng như các phương tiện truyền thông nhắc nhở chúng ta phải chích ngừa cho con cháu đều đặn và đầy đủ hơn. Những nười bị bịnh là những người chưa bao giờ được chích ngừa vì ở nước ngoài đến, hoặc vì cha mẹ chủ trương không muốn chích ngừa, ví dụ vì lý do tôn giáo.

Cho đến nay, tại Mỹ các cháu được chích ngừa ban đỏ lúc cháu 12-15 tháng chung một lượt với thuốc chủng ngừa quai bị (sưng hàm) và rubella (một bệnh ban nhẹ nhưng có ảnh hưởng lớn vì nếu đàn bà mắc bệnh này trong lúc mới có bầu, siêu vi trùng bệnh sẽ làm thai nhi mang nhiều thương tật, nghĩa là sẽ sinh quái thai). Thuốc này được gọi là MMR, viết tắt ba chữ MEASLES, MUMPS và RUBELLA.

Trẻ con được chích MMR lúc qua sinh nhật đầu tiên (12 tháng-15 tháng); chích liều tăng cường (booster dose) lúc 4-6 tuổi trước khi nhập học. Sinh viên vào đại học (college) phải từng được chích 2 mũi MMR. Một số ngành học như y khoa, nha khoa, sinh viên tiếp xúc với bịnh nhân và cần được thử máu để chứng minh có đầy đủ kháng thể (antibodies titer) chống measles , mumps và rubella.

Có những loại "ban" thường gặp hơn ban đỏ nhiều. Một số trẻ nhỏ, chừng 6 tháng đến 2 tuổi, nóng đột ngột kéo dài vài ba hôm, ra ban rồi hết nóng. Bác sĩ nào may mắn chữa bệnh cho em lúc sắp khỏi vì không cần uống thuốc cũng hết bệnh nhanh chóng. Bệnh này tây y gọi là "ban thứ sáu" (sixth exanthem,exanthema subitum) do một loại siêu vi trùng herpes (HHV-6) gây ra. Tuy nhiên các loại "ban" khác nhau nhiều vô kể và nguyên do gây ra cũng khác nhau.

 hxh ban3

Exanthema subitum (wikipedia)

 

 

Có loại "ban" báo hiệu những bệnh nặng như trường hợp những lốm đốm tím đỏ do chảy máu ngoài da trong bệnh sốt xuất huyết (ở Việt Nam), hoặc bệnh nhiễm vi trùng sưng màng óc (meningococcemia), rất nguy hiểm và cần chữa trị gấp, cũng thường gặp ở Việt Nam, ít thấy hơn ở Mỹ. Có một số loại "ban" gần đây được nhắc tới nhiều như "ban" của bệnh Lyme (Lyme disease) do bọ chét nai truyền sang người (deer tick) thường gặp trong mùa hè lúc chúng ta đi chơi nơi thôn dã hoặc công viên.

 hxh --- ban4

 

 

Triệu chứng sốt xuất huyết: Nóng, phát ban, đau nhức cơ và xương khớp.

 

hxh - ban5 

 

 

Bệnh nhiễm vi trùng sưng màng óc (meningococcemia)

 hovhien - ban 6

 

 

Bịnh Lyme do tick con nai truyền qua người, nổi ban điển hình thành một vòng màu đỏ,viền quanh trung tâm đỏ, từ từ lan rộng ra (bull’s eye rash, erythema migrans), có thể kèm theo đau khớp và một số triệu chứng thần kinh.

 

 

Thỉnh thoảng cũng có bệnh nhân Việt Nam có loại ban mang tên "bệnh Kawasaki" là một loại bệnh trẻ em được khám phá đầu tiên ở Nhật, sau đó thấy xuất hiện ở nhiều nơi. Ðặc biệt trẻ mắc bệnh Kawasaki nóng li bì hơn cả tuần lễ làm bác sĩ rất phân vân không biết cháu bị bệnh gì, da ra ban màu đỏ, lột da nhất là đầu ngón tay, chân, lưỡi sưng đỏ như trái dâu, lở miệng, mắt đỏ, sưng hạch, các mạch máu nuôi tim bị giãn nở (dilatation, aneurysm of coronary arteries). Nếu định bệnh trúng thường chữa trị chữa bằng kháng thể immunoglobulin truyền vào tỉnh mạch trong vài ngày (rất đắt tiền), kèm theo với aspirin, nếu không nhận ra bệnh có thể gặp nhiều hậu quả nguy hại.


hvh ban7

 

Bệnh Kawasaki : lưỡi sưng đỏ như trái dâu, lở miệng

 

Tóm lại các vị phụ huynh nên để ý những điểm sau: Ban là một triệu chứng của nhiều loại bệnh nặng nhẹ khác nhau. Nếu "ban" đáng kể nên đi khám bác sĩ để hỏi ý kiến. Lo lắng "ban không ra hết có hại sức khỏe" là một quan niệm không còn hợp thời nữa. Không nên tự mình tốn công tốn của tìm tòi những thuốc làm "cho tiêu ban".

 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

9-28-13