"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

 

Dùng Thuốc Men An Toàn Và Hiệu Quả Cho Trẻ Em    

(Safe and Effective Pediatric Drug Use) 

 

Lúc con bệnh lắm khi cha mẹ than thở "Ước gì mình được bệnh thế cho nó". Thật vậy, cha mẹ rất dễ sốt ruột nhìn con cái mình bị bệnh và tìm mọi cách làm cho cháu khỏi tức khắc, mặc dầu lắm khi những triệu chứng của cháu không lấy gì làm trầm trọng. Nỗi lo lắng của người lớn vượt hẳn tầm quan trọng của bệnh tình của em bé. Cho nên cha mẹ có khuynh hướng mong đợi bác sĩ của bé phải làm một cái gì đó ngoạn mục có kết quả nhìn thấy được ngay. Ở Việt Nam trước đây, thường cháu đang nóng sốt được chích một mũi thuốc nóng là mát, hoặc đang tiêu chảy thì cần được chích một mũi thuốc "cầm ỉa" cho hết ngay, cháu kém ăn thì sẽ được chích thuốc bổ cho khỏe. Trách nhiệm của cha mẹ cháu trong việc điều trị do đó rất giới hạn, nếu chẳng may cháu không khỏi thì cha mẹ cháu sẽ tìm đến một bác sĩ khác "mát tay" hơn hoặc may mắn hơn. 

Vào xã hội Mỹ, cha mẹ các cháu sẽ gặp một số ngạc nhiên. Hiện nay ngay từ lúc em mới sanh được cho về nhà, có khi cha mẹ đã phải làm quen với nhiều loại thuốc mà em bé phải uống hàng ngày để trị một số bịnh ở trẻ sơ sinh: như thuốc trị tràn dịch thực quản (esophageal reflux), thuốc trị bịnh ngưng thở (apnea), bịnh phổi, thuốc bổ ,,,Trẻ càng xài nhiều thuốc cùng một lúc, nguy cơ các thuốc này ảnh hưởng với nhau lại càng tăng.

dung thuoc1

 

Fig 1: Acetaminophen, thuốc chống nóng và giảm đau có thể mang nhiều tên khác nhau. Nếu dùng một lượt các thuốc này, có thể quá liều

 

 

Đối với trẻ lớn hơn, lắm khi đem cháu đi bác sĩ nhi khoa khám bệnh, được hỏi bệnh kỹ lưỡng dông dài, được khám đầy đủ từ đầu đến chân, rồi đôi khi còn được thử máu, thử nước tiểu, v...v... làm cho cha mẹ cháu đến sốt ruột, để rồi cuối cùng bác sĩ chẳng cho thuốc men gì cả hoặc chỉ cho những thuốc thông thường như acetaminophen (Tylenol), Advil, Motrin (ibuprofen), để trị nóng, uống dung dịch điện giải như Pedialyte , những thứ mà trước khi đi khám bác sĩ, cha mẹ của bé cũng đã mua cho cháu uống rồi (nhưng có thể không đúng liều lượng, không đúng cách)

 Sở dĩ chúng ta ngạc nhiên vì lề lối suy nghĩ truyền thống của chúng ta khác. Tục ngữ của ta vẫn nói "đói ăn rau, đau uống thuốc" và luôn luôn trong đầu chúng ta vẫn cho rằng trị liệu (chữa bệnh) đồng nghĩa với thuốc men. Ngoài ra, trong quá khứ, do trình độ kỹ thuật y khoa còn thiếu căn bản khoa học, phần lớn chữa trị đều nhằm vào các triệu chứng, đại khái như ho thì uống thuốc ho (như Neocodion), ỉa chảy thì uống thuốc cầm ỉa (như Elixir Paregorique, hiện nay không dùng tại Mỹ ), nóng thì uống Aspirin cho đỡ nóng (hiện nay aspirin ít khi dùng để trị nóng cho trẻ con ở Mỹ vì aspirin có thể gây ra hội chứng Reye làm ói mữa, suy gan, nguy hiểm). Còn nếu "mạnh" hơn nữa thì cho thêm thuốc trụ sinh như “Bi” (Penicillin), hoăc “Ampi” (ampicillin), Tetra (tetracycline). Một số phụ huynh nếu đi khám bệnh cho con mà không được kê trụ sinh sẽ thắc mắc với bác sĩ, chê bác sĩ “nhát tay” mặc dù đa số quần chúng của ta không hiểu trụ sinh công dụng thế nào.

 Y khoa Mỹ ngày nay nặng về chẩn đoán chính xác (diagnosis) và cố gắng chỉ áp dụng những trị liệu từng được khoa học chứng minh là có hiệu quả (evidence based medicine, outcome medicine), nhiều   hơn là y khoa của chúng ta trước đây. Người thầy thuốc thường cố gắng tìm ra những nguyên nhân của các triệu chứng trước khi đề ra những biện pháp để trị cho bệnh nhân. Ví dụ, em bé sốt cao, ói mửa, co giật (làm kinh) thì người bác sĩ phòng cấp cứu sẽ khám em bé, nếu thấy cần lấy máu, lấy nước mũi, nước miếng thử siêu vi, vi trùng, lấy nước tủy sống (thủ thuật thường gọi là spinal tap) để xem em bé có bị nhiễm trùng màng óc hay không, về nếu có thì do vi trùng gì gây ra. Chỉ sau khi thu nhặt được những "tang vật" sơ khởi đó người ta mới bắt đầu dựa trên những kết quả sơ khởi quyết định cho cháu uống gì, cho bao lâu, v...v... Sau khi cháu nằm bệnh viện điều trị vài hôm sẽ có những yếu tố khác như kết quả các thử nghiệm, các biến chuyển của bệnh sẽ làm cho bác sĩ xét lại cách điều trị của mình, “tùy cơ ứng biến” như người ta thường nói. Cho nên phần điều tra truy tầm nguyên nhân bệnh cũng là một phần tối quan trọng của việc chữa bệnh, chứ không phải chích thuốc truyền nước biển ào ào mới là chữa bệnh. Nếu ta hiểu được đường lối làm việc đó, cha mẹ của bệnh nhân sẽ bớt sốt ruột hơn mỗi khi thấy con mình "cứ bị thử lui thử tới hoài mà chẳng có mũi thuốc nào cả". Ðương nhiên cũng có người mạnh tay, chữa ào ạt, có người khác lại từ tốn "nương tay" hơn, ít tin tưởng vào thử nghiệm hơn và muốn theo dõi bệnh tình từ từ đến đâu chữa đó; phong thái của hai người bác sĩ đứng trước cùng một con bệnh có thể sẽ rất khác nhau nhưng nói chung có lẽ bác sĩ lo cho các cháu còn hơn cả cha mẹ chúng nữa, vì bác sĩ là người có trách nhiệm điều khiển việc chữa trị và nắm vận mệnh của bệnh nhân.

 Nếu bệnh nhẹ thôi và cháu được chữa trị ở nhà, trách nhiệm của cha mẹ cháu sẽ nhiều hơn. Trước hết cha mẹ cháu cần hiểu và nhớ những gì bác sĩ dặn dò. Trở ngại ngôn ngữ lắm khi là một vấn đề sinh tử. Ví dụ "dropper" là cái ống nhỏ giọt, "drop" là cái giọt nước, có lần mẹ em bé được bác sĩ dặn cho cháu uống mười giọt lại cho cháu uống mười ống, nghĩa là hai chục lần nhiều hơn. Muỗng cà phê (teaspoon) cũng gây hiểu lầm nhiều. Có muỗng cà phê nhỏ, muỗng cà phê lớn, sai biệt rất nhiều. Thường thường khi nói muỗng cà phê bác sĩ muốn nói loại muỗng có dung tích 5 milliliter nghĩa là 5cc. (cubic centimeter). Những người phụ trách cho các em bé uống thuốc nên nhớ những số căn bản sau đây: một ounce là 30cc, một muỗng canh (tablespoon) là 15cc, là nửa ounce (½ oz). Một muỗng cà phê là 5cc, bằng một phần ba muỗng canh. Cái ống trong chai Tylenol có 0.8cc nghĩa là 6 ống này mới gần bằng một muỗng cà phê.

  Một thói quen khác phổ biến là chỉ cho cháu uống thuốc một vài lần nếu cháu bớt nóng thì thôi không cho cháu uống thuốc nữa. Có những thuốc nên uống theo kiểu này: như acetaminophen (Tylenol) trị nóng, nếu không nóng thì khỏi phải uống, nếu cháu không nóng mà vẫn cho uống bác sĩ theo dõi bệnh khó hơn. Nhiệt độ lên xuống (temperature curve) cho biết một khía cạnh của tiến trình bệnh. Nếu bạn cho cháu uống Tylenol liên miên, cháu có thể vẫn còn bệnh mặc dầu quan sát bên ngoài thì không thấy cháu nóng sốt gì cả. Ðôi khi, trường hợp cháu làm kinh vì nóng sốt quá cao (febrile seizures) bác sĩ có thể cho bé uống thuốc hạ nhiệt như acetaminophen (Tylenol) liên tục một thời gian để cháu khỏi trở nóng lại trong lúc còn bệnh và do đó hy vọng không làm kinh thêm nữa. Lúc cháu bị nóng, một số bác sĩ bảo cha mẹ cháu cho uống acetaminophen (trong Tylenol for fever) xen kẻ với ibuprofen (tên thương mãi là Advil, Motrin). Dùng hai thuốc một lượt nên cẩn thận , chỉ dùng một vài lần lúc tối cần (như nhiệt độ quá cao mà cháu lại hay làm kinh). Nếu xài không nghỉ, nhiều ngày, gan cháu có thể bị ảnh hưởng và ngộ độc thuốc.

Ngoài những trường hợp kể trên, thường bạn phải cho cháu uống thuốc đều đặn trong thời gian đã định (như 7 ngày, 10 ngày tùy trường hợp) thì thuốc mới có hiệu quả đúng mức. Chúng ta thường nghe nói đến "Strep throat" chẳng hạn. Bệnh này do vi trùng tên Streptococcus làm sưng họng có mủ, nóng, ho và một số triệu chứng khác. Nguy hiểm của bệnh không nằm ở chứng sưng họng (viêm hầu, pharyngitis) mà bệnh có thể gây biến chứng đau tim và đau khớp ở một số trẻ; bệnh này gọi là viêm thấp khớp cấp tính (acute rheumatic fever). Bệnh nhân bị chứng này phải uống thuốc Penicillin hoặc chích penicillin hàng tháng kéo dài từ 5 năm trở lên cho đến lúc trưởng thành hoặc lâu hơn. Cho nên lúc cháu bị strep throat, nếu bác sĩ dặn cho uống thuốc 10 ngày, bạn nên theo đúng lời dặn và cho uống đủ mười ngày dù cho bé có hết nóng hoặc có vẻ bình thường. Thường thường cháu bị nhiễm trùng tai (otitis media, middle ear infection) cần được uống thuốc đều đặn, có thể từ 5 (như   trụ sinh Zithromax) đến 10 ngày (như Amoxicillin) hoặc lâu hơn, nên tránh ngưng thuốc quá sớm mặc dù cháu không còn thấy đau hoặc khó chịu ở tai nữa.

Nếu bịnh nhân gặp biến chứng lúc dùng thuốc, hay phản ứng dị ứng nên cho bác sĩ biết để thay đổi thuốc và ghi nhớ tránh không dùng thuốc đã từng gây dị ứng và những thuốc liên hệ, tương tự có thể gây phản ứng chéo (ví dụ, bịnh nhân phản ứng với amoxicillin, phải tránh Augmentin, những thuốc trong gia đình penicillin, và có thể những kháng sinh loại cephalosporin).

 Một thói quen khác khá phổ biến là cha mẹ lấy thuốc cũ cho con uống lúc cháu bệnh lại tương tự như lần trước mà không hỏi bác sĩ. Nên cẩn thận lúc tự chữa bệnh kiểu này vì thuốc có thể đã cũ và quá hạn dùng (expiration date). Ví dụ thuốc Amoxicillin màu hồng mà các bà mẹ thường gọi là thuốc "màu hường" và các trẻ em rất thích uống nếu để quá hai tuần lễ thì mất hiệu nghiệm và không xài được nữa. Ngoài ra lắm bà mẹ gọi thuốc này là "thuốc tai", "thuốc cảm" hoặc "thuốc nóng" là một điểm rất sai lầm. Thật ra đây là một loại thuốc trụ sinh (antibiotic) chống vi trùng nghĩa là giết chết được một số vi trùng nào đó, chỉ hiệu nghiệm cho một số bệnh nào đó do một vi trùng nào đó gây ra. Nếu dùng bừa bãi, bệnh không hết, cháu có thể bị một số phản ứng của thuốc như tiêu chảy, lở lói da, v...v... và ngoài ra làm cho vi trùng đề kháng thuốc (resistant) hoặc lờn thuốc. Một số bà mẹ thường hay lấy thuốc của con mình dùng. Việc này đôi khi nguy hiểm vì nếu rủi ro tai nạn xảy ra, bạn có thể chịu trách nhiệm vì bạn đã chữa bệnh trong lúc bạn không có đủ kiến thức về y khoa.

 Thường chúng ta có khuynh hướng hễ có bệnh là phải cho uống thuốc. Thường thấy cháu ho, sổ mũi, nóng là cha mẹ lo đi mua thuốc “cảm”, “thuốc ho” cho cháu uống để “chặn bịnh “ lại, hy vọng đừng lây qua đứa khác. Thật ra những thuốc “ho” thuốc “cảm” chỉ có khả năng thay đổi triệu chứng, cho người bịnh hoặc cha mẹ người bịnh thấy dễ chịu hơn. Trong những thuốc đó thường có thuốc giảm nóng và đau (như acetaminophen), thuốc làm chặn cơn ho (cough suppressant), thuốc làm co rút mạch máu và co rút niêm mạc trong mũi cho đỡ nghẹt mũi (pseudoephedrine) và một chất chống dị ứng loại kháng histamin làm bịnh nhân ngái ngủ, lù nhừ (sedating antihistaminic), những thuốc này đều có thể gây phản ứng phụ trầm trọng. Một số trường hợp tử vong (chết) hoặc cần cấp cứu vì lạm dụng thuốc, lý do cha mẹ cho các bé uống thuốc quá liều (vì đo lường liều lượng sai, hoặc cho uống quá nhiều lần vì thấy chưa có kết quả mong muốn, hoặc xài hai ba thứ thuốc tuy tên thương mãi khác nhau nhưng thành phần dược liệu giống nhau cùng một lúc), do đó gây ngộ độc. Vì vậy, năm 2007 Cơ quan Quản trị Dược Phảm và Thực Phẩm Hoa kỳ (FDA) đã ra cảnh báo không nên dùng thuốc ho và cảm mua không cần có toa bác sĩ cho trẻ em dưới HAI tuổi. (“FDA Recommends that Over-the-Counter (OTC) Cough and Cold Products not be used for Infants and Children under 2 Years of Age.” Xin xem phụ bản dưới đây). Sau đó, các hãng thuốc tự động rút các thuốc loại này ra khỏi thị trường Mỹ.
dung thuoc 2

 Fig 2; Mt s nhà sn xut thuc ho, cm dùng tên ging nhau (như Pedicare, Tylenol) cho nhng loi thuc có công dng khác nhau. Ph huynh cn xem k cách dùng, liu lượng và thành phn mi th thuc.

 

 Ngoài thuốc men, cách săn sóc người bệnh, thức ăn uống cũng quan trọng không kém và có thể giữ vai trò quyết định làm cho bệnh nhân thuyên giảm hay không. Trường hợp thường gặp mùa đông là bệnh trẻ em đau bụng ói mửa vì bị nhiễm virus, thường được gọi là "stomach flu". Trong trường hợp ói mửa này, điều quan trọng là cha mẹ phải cho cháu giảm ăn lại vì ruột của em không còn đủ sức để tiêu hóa những thức ăn thường, nhất là những thứ như "hotdog", "hamburger"v...v... Em bé cần được cung cấp những chất lỏng có muối và đường như dung dịch Pedialyte, Gatorade hoặc cháo, nước trái cây, v...v... giúp cho cơ thể em được tiếp đầy đủ những chất nước, điện giải (electrolytes) (bị mất vì ói) và năng lượng (energy) (nghĩa là những calori cần thiết). Nếu ta ép cháu ăn lúc cháu không muốn và không thể ăn, ta sẽ làm cháu mất sức thêm và bệnh nặng thêm. Những cháu bị nóng sốt cao cũng trong trường hợp tương tự. Chúng ta có phong tục tránh cho các cháu đụng tới nước vì sợ "trúng nước" và chỉ trông mong vào thuốc nhét đít, thuốc hạ nhiệt như Tylenol để làm cho cháu bớt nóng. Thật ra, cách làm cho cháu hạ nhiệt (giảm sốt) hữu hiệu và nhanh chóng nhất vẫn là dùng nước mát hoặc âm ấm thoa khắp người cho cháu; nước bay hơi sẽ đem ra khỏi người cháu một số nhiệt lượng đáng kể, và hạ nhiệt độ cơ thể. Mùa đông, nếu cả gia đình quây quần trong một phòng master bedroom có thể làm bầu khí quá nóng nực, không thoáng và cơn sốt của em bé khó giảm xuống, nên dùng máy quạt nhẹ để không khí lưu thông dễ dàng hơn.

 

Tóm lại, bạn nên hiểu rằng thuốc men và nhất là trụ sinh không phải lúc nào cũng cần thiết. Trong đa số trường hợp, thuốc men chỉ phụ cho cơ thể chống lại bệnh tật hữu hiệu hơn hoặc nhanh hơn. Cho nên bịnh nhân luôn luôn phải cho bác sĩ, nhất là BS mới khám trẻ lần đầu, biết con mình hiện đang uống thuốc gì (như thuốc trị reflux, thuốc chống allergy, thuốc trị bịnh co giật), để xem thuốc đó có ảnh hưởng đến những thuốc mà bác sĩ định cho bé uống hay không. Thuốc men xài bừa bãi lắm khi có hại nhiều hơn có lợi và tuy nhìn vào có vẻ dễ dàng, thật sự dùng thuốc đúng cách, đúng liều không dễ dàng như người ta tưởng. Khi quyết định kê toa, bác sĩ phải vận dụng hết kiến thức, kinh nghiệm thu thập qua bao nhiêu năm; nếu không đồng ý hoặc không hiểu, bạn nên hỏi lại hoặc yêu cầu được bàn cãi nhưng bạn không nên coi nhẹ quyết định đó. Nếu chẳng may sau khi gặp bác sĩ, cháu bị biến chứng ngoài mong muốn phải đi vào phòng cấp cứu (ER) hoặc phải đem tới một BS khác (như bị sưng phổi, làm kinh vì sốt cao, bịnh trở nặng), phụ huyng cũng không nên quá nóng nảy, mau mắn qui lỗi cho bác sĩ không cho trụ sinh., dù là lắm lúc có những người khác (ở phòng mạch khác, hay ở ER) quyết đoán quá nhanh “đổ thừa” một cách thiếu trách nhiệm trên đầu người bác sĩ đầu tiên. Sự tương kính, thông cảm, lòng tin cậy và cộng tác giữa phụ huynh và bác sĩ của em bé là một yếu tố rất quan trọng trong công cuộc bảo vệ sức khỏe của con cái chúng ta.

 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

(Tựa bài nguyên thuỷ [1999] “Thuốc men và trẻ em”.

Hiệu đính và cập nhật tháng 3 năm 2008, tháng 11năm 2013)

 

Phụ bản.

Public Health Advisory

Nonprescription Cough and Cold Medicine Use in Children

 

FDA Recommends that Over-the-Counter (OTC) Cough and Cold Products not be used for Infants and Children under 2 Years of Age

 

FDA has completed its review of information about the safety of over-the-counter (OTC) cough and cold medicines in infants and children under 2 years of age. FDA is recommending that these drugs not be used to treat infants and children under 2 years of age because serious and potentially life-threatening side effects can occur.

FDA’s recommendation is based on both the review of the information we received about serious side effects in children and the discussion and recommendations made at the October 18–19, 2007, public advisory committee meeting at which this issue was discussed. FDA strongly supports the actions taken by many pharmaceutical manufacturers to voluntarily withdraw cough and cold medicines that were being sold for use in this age group.

FDA has not completed its review of information about the safety of OTC cough and cold medicines in children 2 through 11 years of age. We are aware of reports of serious side effects from cough and cold medicines in children 2 years of age and older. FDA is committed to completing its comprehensive and thorough review of the safety of OTC cough and cold medicines in children 2 years of age and older as quickly as possible and expects to communicate our recommendations to the public in the near future.

Pending completion of FDA’s ongoing review, if parents and caregivers use OTC cough and cold medicines in children 2 years of age and older, FDA recommends:

Date created: January 17, 2008