"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

Khi Mặt Trời Chưa Ngủ Yên…

Quí vị có bao giờ tưởng tượng tới một ngày mặt trời ngủ, ngủ luôn, ngủ yên mà không thức dậy không nhỉ?
Mặt trời , cái vòng tròn đỏ ở xa tít tắp mù khơi ấy nếu không chịu thức dậy thì sao bây giờ? Thì… hết thấy cả sao lẫn trăng… thì loài người, loài vật của trái đất này cũng bị hủy diệt trong thời gian rất ngắn.
Ý thức như vậy nên từ ngàn xưa có nhiều dân tộc như Nhật bản, Ai cập v..v.. đã thờ mặt Trời. Nhật Bản tự coi mình là con cháu của Thái Dương thần nữ. Lá cờ của Nhật từ lâu mang hình mặt trời tròn đỏ chói lọi trong khi nhiều, rất nhiều dân tộc khác lại theo chế độ đa thần. Họ thờ nhiều thần, ngay cả Ai cập trước và sau Akhenaton cũng thế. Akhenaton bị coi như người theo tà giáo vì ngài chỉ thờ thần Mặt Trời (ATON) trong khi những pharaons khác thờ thần Mâat và những vị thần linh khác: mặt trăng, thần đầu sư tử, đầu chim v..v…
Mặt trời theo Sao Khuê là… trên hết vì… cao nhất! Không có mặt trời thì làm gì có người, có cây cối, có thú vật, có ánh sáng của mặt trăng? Cám ơn mặt trời đã cho Sao Khuê những đêm trăng sáng, sáng vằng vặc hay huyền dịu mơ màng hay lãng mạng tình tứ, đôi khi lại tinh nghịch chỉ như cái móc câu sáng treo trên bầu trời cao: Lơ lửng giữa trời cái móc câu, vàng trăng sáng toả suốt đêm thâu… Đến rằm trăng sẽ tròn vành vạnh…..
Cám ơn mặt trời đã cho ánh nắng vàng dịu dàng lúc ban mai, rực rỡ ban trưa và đẹp nức nở lúc ban chiều…
Nơi Sao Khuê đang cư ngụ nắng hơi hiếm hoi nên những ngày có nắng là lòng Sao Khuê cứ rộn ràng chỉ muốn… nhẩy tưng tưng ra đường, nhất là khi bị nhốt ở nơi làm việc, lúc đó cứ vừa làm việc vừa liếc ra đường ngắm nắng! Nắng đẹp sao là đẹp. Bao nhiêu ngươì đã làm thơ làm nhạc ngợi ca nắng: nắng thuỷ tinh, nắng lụa vàng, nắng thu, nắng xuân, nắng hè …lùa nắng cho buồn vào tóc em, tôi đi trong nắng thu vàng nhớ… mà nắng lại còn cần ơi là cần. Không à… Nếu bị nhốt dưới hầm một thời gian xem quí vị có xanh xao vàng vọt, có sống nổi không nào… không có nắng thì là sao cây cỏ sống được mà đơm hoa kết trái. Mặt trời cho chúng ta năng lượng để sống và còn cho nhiều thứ khác nữa cơ…. Một trong những thứ đó là vitamine D.
Là một vitamine tan trong dầu, vitamine D được da tổng hợp từ cholestérol bằng tia UV của mặt trời: 7-déhydrocholestèrol được UVB chuyển thành prévitamine D sau đó mới được biến đổi thành vitamine D3 tức cholécalciférol. Ở xứ bắc cực, lạnh như Canada người ta thường không có đủ vitamine D. Mùa hè nắng ấm chúng ta hay ra đường, ngồi chơi trong vườn, đi dạo công viên… nắng giúp da chúng ta tổng hợp đủ lượng vitamine D cần thiết. Mùa đông, trời lạnh nên chúng ta không dám đi lâu ngoài đường mà hái nắng. Chúng ta, nếu có phương tiện thường đi hái nắng ở vùng biển, nghĩ là phơi nắng một, hai tuần ngoài biển có thể đủ vitamine D giành mang về xài cho cả mùa đông? Nhầm to rồi quí vị ơi. Khi ra biển, dưới ánh nắng gay gắt của mặt trời, không muốn bị phỏng hay bị ung thư da - vì khoa học đã chứng minh là phơi nắng nhiều - lạm dụng nắng sẽ đưa đến ung thư da nên - chúng ta ai nấy đều thủ sẵn kem chống nắng, chưa kể có vị sợ đen nên dùng kem thật nhiều, toàn số lớn để che cho kỹ, thì coi như quí vị đó khỏi có đủ vitamine D đi. Giản dị thôi, kem chống nắng ngăn chặn UVB vào da, từ đó ngăn luôn việc tạo vitamine D nữa.
Tiện đây Sao Khuê cũng xin nhắc sơ sơ với quí vị về việc dùng kem chống nắng: kem chống nắng được tìm ra năm 1938 bởi Franz Greiter, được mang tên là Gletscher crème (Glacier crème), lúc đó kem có chỉ số là 2 (SPF2 ). Loại kem này được xử dụng nhiều hơn từ khi dược sĩ Benjamin Greene tung ra thị trường dưới tên Red Vet Pet (for red veterinary petrolatum) vì kem có màu đỏ, dính dính nhớt nhớt như petrolatum tức Vaseline nhưng nhiều nhất phải nói là từ lúc Coppertone đưa ra sản phẩm “Coppertone girl” và “bain de soleil” năm 1950. Bain de soleil là lọai kem được dùng cho da rám hồng của những người da trắng thích nước da nâu hồng có được khi phơi nắng. Kem chống nắng (crème solaire, sun screen) có dưới dạng kem (crème), nước (lotion) hay thuốc xịt (spray) thì lại được dùng để che chở cho da tránh tác dụng tai hại do những tia tử ngoại - ultraviolet - của mặt trời. Kem tốt phải ngăn được cả hai tia ultraviolet A và B. UVA làm cho da mau già và UVB thì làm cho da bị phỏng, cả hai đều gây ung thư da. Kem chống nắng ngoài chất lọc tia ultraviolet còn chứa nhiều chất khác như chất bảo trì - conservateur - vitamine E, C… những chất giữ cho da ẩm và làm cho kem có thể thẩm thấu vào da v..v..
Có hai loại lọc tia ultraviolet (filtres ultraviolet ):

  • Loại lọc bằng hoá chất như oxybenzone hấp thụ ultraviolet sau khi ultraviolet đã vào cơ thể (sun screen)
  • Loại lọc khoáng chất (minéreaux) như talc, oxyde de zinc, dioxyde de titane, kaolin (sun block) có tác dụng như một tấm gương phản chiếu lại tia ultraviolet, thường được các nhà sản xuất quảng cáo gọi là bio-crème solaire.

Những loại kem chứa hóa chất oxybenzone thì dễ làm, giá rẻ nhưng làm ô nhiễm môi trường, hại cho nhiều hải sản…
Khi đi mua kem, quí vị thường thấy những con số đi kèm theo mang tên FPS (facteur de protection solaire ) hay SPF (sun protection factor). Những con số từ 15, đến 60 và mới đây tới FPS75 nghĩa là gì? Trước hết đây là tiêu chuẩn quốc tế, giống nhau cho mọi quốc gia, kế tiếp đó là những chỉ số của ống kem mà quí vị mua và kế tiếp là chỉ số chống nắng:
Sau khi thoa đủ lượng kem theo đúng tiêu chuẩu, tức là 20 phút trước khi ra nắng, thoa lại sau mỗi 2 giờ với 2mg cho 1 cm vuông cuả da hay 30 ml kem cho cả người (nhưng thường thì chúng ta chỉ thoa có phân nửa yêu cầu) thì chỉ số của ống kem cho biết quí bạn cần thời gian bao lâu mới bị phỏng. Ví dụ dung SPF 50 có nghĩa là da bạn chịu được 50 lần lâu hơn da bình thường (không thoa kem) thì mới bị phỏng. Chỉ số càng lớn thì da càng được che chở nhiều hơn, ít bắt nắng hơn có nghĩa là ít bị phỏng hơn. Tuy nhiên nói vậy mà không hoàn toàn phải vậy vì còn nhiều yếu tố khác cũng quan trọng không kém:

  • Thời điểm dang nắng: nắng sáng (trước 10 giờ) và chiều (sau 4 giờ) ít ultraviolet làm phỏng UVB hơn nắng trưa
  • Loại da của mỗi người ( da đen hay trắng)
  • Lượng kem thoa lên người
  • Số lần thoa kem lại (sau 2 hay 3, 4 giờ)
  • Hoạt động của mỗi người (bơi lội thường làm kem bớt công hiệu)

Dù mang tiêu chuẩn quốc tế, chỉ số SPF chưa thực sự phản ánh những cần thiết để bảo vệ da. Tia UVA tuy rất nhẹ nhàng, có khoảng 99% trong tia nắng mặt trời vào sáng hay chiều, 95% vào ban trưa, có tác dụng làm da rám (tanning) nhưng gây tai hại không ít cho những tế bào dưới sâu của da, ảnh hưởng đến DNA, gia tăng chứng malignant melanomas nên sau này kem chống nắng được thêm những chất ngăn UVA nhưng nhiều khảo cứu lại cho rằng kem chống nắng, chính nó cũng làm tăng chứng malignant melanoma! Những chất có tính ngăn nắng - sun block – như oxide de titanium và oxide de zinc khi gặp ánh sáng lại chuyển thành những chất có thể gây ra ung thư!!!
Nan giải không chỉ ngừng ở đây mà còn ảnh hưởng đến vitamine D, một vitamine rất cần thiết cho đời sống nhất là cho xương cốt. Khoa học cũng chứng minh là thiếu vitamine D có thể đưa đến ung thư ruột già, ung thư vú, ảnh hưởng đến tim mạch, đến hệ thống miễn nhiễm (dễ bị cúm)…Thiếu vitamine D trầm trọng gây ra đau nhức kinh niên.
Da tổng hợp được vitamine D từ ánh sáng mặt trời nhưng vitamine D cũng tìm thấy trong cá sardine, markerel, tuna, catfish, lòng đỏ trứng (D3), nấm rơm. (D2). Vitamine D3 dễ hấp thu và chuyên chở trong cơ thể hơn là vitamine D2.
Trước kia người ta cho là cơ thể cần khoảng 200UI vitamine D một ngày, người già, người mang bầu cần 400UI , trên 71 tuổi cần 600UI nhưng ngày nay thì người ta cho rằng cơ thể cần nhiều vitamine D hơn nữa:

Từ 0-1 tuổi 400 UI
Từ 1- 18 tuổi 200 UI
Bà bầu hay cho con bú 2000 UI
Từ 19-49 tuổi 400 UI
Trên 50 tuổi 600 - 800- 1000 UI

Những người lớn tuổi, người da mầu, người mập phì, người có bệnh gan, bệnh thận, người ít ăn cá, người uống nhiều loại thuốc và những người ở xa mặt trời như dân Canada thường thiếu vitamine D nghĩa là từ nay những hãng chế tạo vitamine D sẽ tha hồ hốt bạc nhưng lưu ý quí vị là trong thức ăn cũng có chứa… một chút vitamine D đấy nhé:

Sữa có cho thêm vitamine D 100 UI /250ml
Nước cam ép thêm vitamine D 96 UI /250ml
yaourt thêm vitamine D 16-50 UI/ portion
Saumon nuôi 100-2500 UI/100g
Saumon 500-1000 UI/100g
Cá hộp (thon, sardine,saumon) 40-904 UI/100g
Margarine 60 UI/10g
Lòng đỏ trứng 50 UI/ 2 lòng đỏ

Ngoài ra một ngày có thể dùng tới 2000 UI một ngày mà… chưa sao; nhưng trên 10.000 UI lâu dài sẽ bị ngộ độc: xương thoái hóa, dư calcium trong máu, trong nước tiểu và hại cho thận.
Thật là nan giải: ánh sáng mặt trời rất cần để tổng hợp vitamine D nhưng ultraviolet trong nắng lại gây ra ung thư. Dùng kem chống nắng che được ultraviolet, không bị phỏng nhưng kem dùng nhiều cũng không tốt cũng gây ung thư… Sao bây giờ nhỉ?
Chi bằng ta trở lại thuyết trung dung, cái gì cũng vừa vừa thì vừa đủ:

  • Phơi nắng sáng sớm hay chiều và in ít thôi. Người ta tính là mỗi ngày 10 đến 15 phút, tuần hai lần đưa - hoặc hai tay với cánh tay với mặt - hoặc cả cái lưng - ra nắng là đủ vitamine D cho cơ thể. 10 phút ngoài nắng chắc chưa đủ để bị phỏng hay bị ung thư da dù không thoa kem.
  • Mùa đông, nếu không có cơ hội phơi nắng thì dùng thêm vitamine D, các cụ nào lười uống thuốc thì dùng loại vitamine D 10.000 UI uống 1 tuần một lần ngoài ra ăn thêm cá, uống thêm sữa và tập thêm thể dục. Quí vị có ra biển hái nắng cũng chớ lạm dụng kem chống nắng mà ở ngoài nắng từ sáng đến chiều nhé. Trong kem chống nắng cũng có những hoá chất có hại đưa đến ung thư chẳng hạn như parabens, benzone, cinnamate, salicylate, mehtyl anthranilate. Có hoá chất còn làm tăng lượng œstrogène trong cơ thể từ đó gia tăng chứng hiếm muộn, giảm lượng tinh trùng ở đàn ông, tăng ung thư prostate. Ngay cả nhà nước Úc cũng có thời kỳ nghe lời xúi bậy của những hãng sản xuất yêu cầu dân chúng tăng gia dùng kem chống nắng (dân Úc có nước da trắng và hay dang nắng do khí hậu ấm áp ít bị lạnh như Canada khiến nhiều người bị ung thư da), ai dè kem chống nắng lại cũng tai hại không kém!

Bây giờ cách hay nhất là khi ra nắng quí vị nhớ:

  • mang nón, mặc áo quần dài đầy đủ che da bắt chước những ngươì ở sa mạc như người Ai cập trùm khăn và áo kín mít,
  • ngồi dưới dù hay dưới mái nhà.
  • đừng ở ngoài nắng quá lâu, đi ra rồi lại đi vào nhà. Ở ngoài nắng lâu ngoài ung thư còn bị cataract nữa đấy (nhớ mang kiếng đen và đội nón rộng vành)
  • dùng kem chống nắng vừa phải đủ để không bị phỏng da. Kem chống nắng cũng hại đấy, cũng gây ung thư đấy, những kem có chỉ số cao cũng không tốt nữa đâu vì có hoá chất chặn nắng - sun block- có thể gây ra ung thư.
  • ăn nhiều dưa cantaloupe vì nước dưa này có tác dụng chống nắng.

Quí vị cũng đừng tưởng trời dâm không nắng là tốt vì tuy không có nắng nhưng những tia ultraviolet vẫn hiện diện đấy nhé.
Bốn mùa xuân hạ thu đông cứ tuần hoàn mà đến, mùa hè nắng nóng, muà xuân nắng ấm, mùa thu nắng mát, mùa đông nắng lạnh. Dù ở nhà hay đi biển chúng ta cũng cần ra nắng nhưng đừng quên cái gì cũng vừa vừa phai phải, vừa vừa cả nắng lẫn kem chống nắng và cứ thuận theo thiên nhiên như từ ngày xưa đến ngày trước đây : nón, áo, dù che khi phải phơi nắng nhiều. Đừng ở ngoài nắng quá lâu cũng như đừng quên phải ra nắng để có vitamine D. Quí vị cũng nhớ thoa kem làm ẩm da, kem dưỡng da vì nắng làm da bị khô khiến da mau nhăn, mau già đấy quí vị ạ.

Dược Sĩ Sao Khuê Đinh T. Quỳnh Mai