"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc"

** Phan Chu Trinh **

Bịnh Sởi

(Ban đỏ, measles, rougeole)

 

Bịnh sởi là một bịnh đường hô hấp do một virus (siêu vi) gây ra. Virus sởi mọc trong các tế bào họng và phổi.

Triệu chứng:

Nóng, sổ mũi, đỏ mắt, ho, nổi ban lên khắp cơ thể. Một trong 10 bịnh nhân bị viêm tai có thể gây điếc, một trong 20 người bị viêm phổi.1/1000 bịnh nhân bị viêm não (encephalitis), có thể làm bịnh nhân co giật (seizures), điếc (hearing loss), và trì trệ tâm trí (mental retardation). Tử vong chừng 1-3 cas/1000 bịnh nhân. Một số bịnh nhân bị tiêu chảy. Phụ nữ có thai có thể sẩy thai, sinh non, hoặc sinh em bé cân nặng thấp hơn bình thường (low birth weight).

Trẻ em ở các nước đang phát triển có thể bị suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A, bịnh có thể nguỵ hiểm hơn nhiều. Tử vong có thể xảy ra cho 1/4 bịnh nhân, và ở các nước châu Phi ban đỏ là nguyên nhân số một gây bịnh mù.Năm 2008, toàn thế giới có 164.000 người chết vì ban đỏ.

Phân biệt với một số ban tương tự như:

1) Roseola infantum; do herpes virus 6. Trẻ em (6 tháng- 2 tuổi) bị nóng đột ngột, nhiệt độ lên cao (40-42 o C), có thể làm co giật do sốt (febrile seizure), vài ba ngày sau đó nổi lên mẫn đỏ ngoài da, ở thân mình lan ra tay chân, không ở trên mặt và làm đỏ mắt như bịnh sởi. Sau đó thì bịnh nhân hết sốt. Thường bịnh nhẹ, không có biến chứng, tuy có thể làm lo lắng vì em bé sốt cao, và phụ huynh người Việt thì sợ ban "ra không hết".

2) Rubella hay German Measles, hay Three-Day Measles ("ban người Đức"), bịnh nhân sốt nhẹ 2-3 ngày, ban từ mặt lan xuống mình mẩy, có thể sưng các hạch lâm ba (lymph nodes), có thể đau nhức khớp xương nhất là ở phụ nữ. 50% bịnh nhân bị nhiễm mà không có triệu chứng.Tầm quan trọng ở bịnh rubella là do tác dụng của nó trên phụ nữ có thai. Nếu bị nhiễm virus trong quý đầu tiên, có cơ nguy thai bất bình thường (fetal malformation) trong 20% trường hợp. Thai nhi có thể bị bịnh tim, bịnh điếc, bịnh gan, lá lách và bịnh tâm trí trì trệ.

Truyền nhiễm: Ban đỏ hay sởi rất truyền nhiễm, lây lan dễ dàng. Người không miễn nhiễm với bịnh ban đỏ (chưa từng bịnh, chưa chủng ngừa), nếu tiếp xúc với nước miếng, do người bịnh hắt hơi, ho, hay chạm tay vào nước miếng của người bịnh rồi cho tay vào miệng,mũi người bị phơi nhiễm sẽ bị bịnh trong 90% trường hợp.

Nước miếng chứa siêu vi , siêu vi sẽ còn sống trong đó được 2 tiếng đồng hồ.

Người mang bịnh bắt đầu có khả năng truyền bịnh 4 ngày trước khi ra ban, cho đến 4 ngày sau khi ra ban.

Bịnh chỉ nhiễm trùng ở người, không lây qua cũng như không bị truyền qua từ thú vật.

Mỹ đã loại được bịnh ban đỏ từ năm 2000. Tuy nhiên, mỗi năm có chừng 60 trường hợp ban đỏ ở Mỹ, phần lớn do nhưng người từ châu Âu đem qua, vì người Mỹ du lịch châu Âu nhiều hơn trước, và bịnh lây qua những người không được chủng ngừa.

Theo CDC (ngày 3 tháng 5, 2014), năm nay (2014), Mỹ có đến 129 ca sởi, cao nhất từ 1995 đến giờ, nhất là ở California, phần lớn do bịnh từ Philippines đem qua. Hiện nay Philippines đã có trên 20.000 ca, cao hơn con số chính thức của Việt nam.

Trước khi chế độ chích ngừa được áp dụng rộng rãi ở Mỹ (1963), 3-4 triệu người bị ban đỏ mỗi năm, 400-500 người chết và 48.000 người nhập viện.

Trị bịnh:

  • Không có thuốc đặc trị (ví dụ kháng sinh chống siêu vi) bịnh ban đỏ. Kháng sinh chống virus Ribavarin có tác dụng trên virus trong phòng thí nghiệm. Trên lâm sàn, có thể truyền tĩnh mạch hay hơi bơm aerosol, được dùng trong những trường hợp thật nặng, chưa được FDA chấp thuận.
  • Dùng thuốc giảm nóng như acetaminophen nếu cần.
  • Nếu bịnh nhân thiếu vitamin A, có thể cho thêm vitamin A. Những trường hợp nặng, cần cho vào nhà thương để điều trị thích hợp.
  • Tổ chức Y tế quốc tế (WHO) hiện nay khuyến cáo dùng vitamin A để trị sởi như sau:

    1) trẻ trên 12 tháng tuổi: 200.000 IU (hai trăm ngàn đơn vị quốc tế)/ngày

    2) trẻ từ 6-11 tháng 100.000 IU (100.000 đơn vị quốc tế)/ngày

    3) trẻ dưới 6 tháng: 50.000 IU (năm chục ngàn đơn vị)/ngày

    Uống (hoặc chích) 2 (hai) ngày liên tiếp. Một liều thì không hiệu nghiệm.

    Nếu trẻ có dấu hiệu thiếu vitamin A, nên cho một liều thứ ba (theo tuổi) 2-4 tuần sau đó.

  • Trong trường hợp bịnh nhân không miễn nhiễm (chưa bao giờ bị sởi, chưa chích ngừa, trẻ dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, người bị liệt kháng [đề kháng yếu]), có thể thay đổi bịnh cho nhẹ hơn hoặc tránh bịnh khẩn cấp bằng cách , nội trong 6 ngày sau khi phơi nhiễm (tiếp xúc) với siêu vi bịnh sở chích Immune globulin (IG) chuyên biệt (chích thịt)(liều 0.25ml/kg cân nặng) hoặc truyền tĩnh mạch IGIV (immune globulin intravenous, là những kháng thể giúp cho bịnh nhân phòng thủ tạm thời, rất đắt tiền).
    Sau khi dùng IG, phải đợi 5-6 tháng sau mới chích chủng ngừa sởi như MMR được.
  • Cần nghỉ ngơi.
  • Cho dùng máy phun hơi nước (nebulizer) có thể làm thở dễ chịu hơn, giảm ho.
  • Uống đầy đủ nước, ăn uống đầy đủ.
  • Mắt mệt và nhức nhối, cần tránh ánh sáng mạnh, nên cho mắt nghỉ ngơi, đừng nhìn màn hình chói, mõi mắt, dễ làm khô mắt.
  • Những người không có miễn nhiễm cần tránh tiếp xúc với người bịnh. Nên nhớ nước miếng, nước giãi sau khi nằm ngoài không khí vẫn có thể gây bịnh trong 2 giờ sau đó.

Tình hình sởi (ban đỏ) bộc phát ở Việt nam

Theo tin tức đài VOA, tính đến ngày 24 tháng 4, 2014, có chừng 3500 ca xác nhận là sởi, với 10 ngàn trường hợp được coi là giống như sởi. Theo báo Tuổi Trẻ, bịnh nhân nhỏ tuổi nhất là 11 ngày, được điều trị 10 ngày, sau khi bị lây từ cả cha lẫn mẹ đều bị bịnh.

Số từ vong tính từ cuối năm 2013 đến nay là 123; đa số từ vong xảy ra ở vùng Hà Nội và cho đến nay hình như chưa có tử vong ở miển nam Việt nam. Như vậy, tỷ lệ tử vong chừng 8/1000 người bịnh nếu tính luôn những người nghi là sởi. Nếu chỉ tính những trường hợp xác nhận là sởi, thì tỷ lệ tử vong còn cao hơn nhiều : 35/1000 người bịnh, so với 1-2/1000 của cơ quan kiểm soát bịnh của Mỹ CDC nêu ra.

Theo thủ tướng VN thì tại một số tỉnh thành, tỷ số chích ngừa chưa tới một nửa. Nếu vậy thì tỷ số cả nước chắc phải thấp hơn nhiều vì các vùng nông thôn chắc phải ít phương tiện chích ngừa hơn, tuy hết 37% các ca là ở Hà nội (có thể vì vùng dân đông đúc chật chội hơn, và bác sĩ định bịnh dễ dàng hơn vùng khác). Hơn nữa, thuốc chủng ngừa sởi như MMR bảo quản rất nhiêu khê (phải giữ trong tủ lạnh, hay thùng lạnh, 2 o -8 o C, không được quá lạnh hay nóng vì vi rút trong thuốc chủng chết đi) nếu không sẽ mất hiệu nghiệm. Nếu chích một lần tỷ lệ hiệu nghiệm cũng không cao lắm (64% cho MMRII là thuốc mới nhất dùng ở Mỹ), có thể là phải chích thêm một liều booster nữa như ở Mỹ mới đạt tỷ lệ che chỡ cao. Một số trẻ em tử vong đáng kể xảy ra sau khi chích ngừa ở VN cũng làm cho cha mẹ các em ngần ngại cho các em chích ngừa.

Theo đài Á Châu Tự do thì Cơ quan Y tế Quốc tế (WHO) cho rằng bộc phát sởi ở VN đáng lẽ tránh được nếu chích ngừa rộng rãi hơn. Hiện nay Vn cho trẻ chích ngửa sởi lúc 6 tháng và lần thứ 2 lúc trẻ hơn 12 tháng tuổi. Một số trẻ chỉ được chích một lần mà thôi. Dù được chích lại lúc chừng 12 tháng tuổi, theo kinh nghiệm ở Mỹ, sức đề kháng miễn nhiễm cũng "phai nhạt" đi với thời gian và do đó có thể cần chích lại trước khi đến tuổi đi học. Bây giờ (3 tháng 4, 2014), Việt Nam bắt đầu cho chích những trẻ lớn hơn (2-7 tuổi).

Ngừa bịnh:

Ở Mỹ trẻ em được chích ngừa vắc xin vi rút sống chống lại Ban đỏ (Measles), Quai bị (Mumps) và Ban người Đức (German Measles, Rubella) tên là MMRII. Thuốc MMRII phải được giữ trong nhiệt độ không quá nóng hay không quá lạnh, nếu không vi rút sống trong thuốc sẽ chết và sẽ hết hiệu nghiệm.

Lần đầu lúc được 12 tháng (12-18 tháng). Chích trước 12 tháng tuổi thì bên Mỹ người ta bắt phải chích lại, vì người ta nghĩ kết quả không đủ tốt. Tôi nhận xét ở Việt Nam chích ngừa ban đỏ lúc trẻ chưa tới 12 tháng tuổi, có lẽ do những lý do riêng. Lúc đến Mỹ, các trẻ này sẽ phải chích lại. Đến lúc bé 4 tuổi, trước khi đi học, phải chích thêm một mũi MMRII nữa. Sinh viên vào đại học cũng phải chích MMRII mũi thứ 2, nếu trước đây chỉ chích có một mũi. Người nhập cư lúc làm thủ tục khám bịnh cũng phải chích 2 mũi MMRII (cách nhau ít nhất 1 tháng) nếu chưa chích ngừa và không chứng minh mình đã miễn nhiễm (có đủ kháng thể trong máu).

Trước đây, ở Mỹ và Châu Âu, có một số phong trào chống chích ngừa ban đỏ vì họ cho rằng MMR làm bịnh nhân bị chứng tự kỷ . Những cuộc khảo sát rộng rãi sau nhiều năm cho thấy điều nghi ngờ này vô căn cứ. Tuy nhiên, một số người ở Mỹ vẫn chống đối thuốc chủng MMRII và từ chối không cho con họ chủng ngừa MMR, cũng như một số thuốc chủng khác. Những người này có thể tự mãn cho rằng con họ không chích cũng không có bịnh gì cả và lại càng cho là họ đúng. Tuy nhiên, sự an toàn của chính họ là nhờ vào tác dụng của việc chủng ngừa của đại đa số người trong cộng đồng, tạo nên tác dụng gọi là "miễn nhiễm bầy đàn" (herd immunity) khi điều kiện miễn nhiễm của đa số thành viên một cộng đồng (>85-95% ) gây ra miễn nhiễm che chở cho toàn bộ cộng đồng đó. Nếu những người "phá đám" từ chối chủng ngừa đông đảo hơn , đến một mức nào đó, hiệu ứng ”miễn nhiễm bầy đàn" này sẽ bị phá vỡ, và các disease outbreak ("ổ bịnh") hay cơn dịch có thể xảy ra.

Cho nên, một hệ thống y khoa công cọng (public health) hữu hiệu để thực hiện chủng ngừa rộng rãi và sự cọng tác, tin tưởng của mọi thành viên trong xã hội rất cần thiết để thực hiện mức chủng ngừa phổ quát, càng rộng càng tốt, và hữu hiệu (nhắm vào nhóm tuổi thích hợp, bảo quản thuốc chích ngừa tốt, đúng cách).

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 3 tháng 5 năm 2014