Bệnh Giang Mai Và Trẻ Em

Giang mai bẩm sinh ở trại tỵ nạn.

Sungei Besi, Kuala Lumpur, Malaysia, 1980. Bé M. sinh ra ở trại tỵ nạn, sinh thường tự nhiên, mẹ tròn con vuông. Ba mẹ gặp nhau cũng ở trại tỵ nạn và sống với nhau từ đó, mẹ em mang bầu, tuần tự đến ngày thì sinh, chẳng khám thai gì cả vì trại tỵ nạn chẳng có bác sĩ sản khoa hoặc cô mụ và phòng thí nghiệm. Cháu khỏe mạnh, ăn ngon ngủ kỹ chỉ có nỗi mũi cháu cứ chảy nước hoài, khóe môi lở và chảy nước, cha mẹ cháu cho uống "thuốc cảm" hoài chẳng khỏi (persistent nasal discharge, snuffles, fig. 1). Thử máu cháu mới khám phá cháu bị mắc giang mai bẩm sinh, nghĩa là cháu đã mắc vi trùng bệnh giang mai do máu mẹ truyền qua. Mẹ cháu vì không được đi khám thai nên bị giang mai trong lúc có bầu mà không hay biết. Bé được chữa bằng Penicillin và hồi phục nhanh chóng. Một khảo cứu phụ nữ Việt Nam ở trại tỵ nạn Hồng Kông năm 1990 cho thấy đến 3.4% phụ nữ có thai thử giang mai dương tính. (King, Duthie and Ma).

hvh --- bgm 1 

Fig 1: Snuffles in congenital syphilis.

(AAP Red Book)

Giang mai hiện nay

Rất may những trường hợp tương tự hầu như không còn thấy trong giới trẻ em Việt Nam định cư ở vùng Washington, DC này. Tuy nhiên, trong dân chúng Hoa Kỳ nói chung và trong một nhóm thiểu số dân tộc (ethnic minorities) , hoặc một số nhóm đặc biệt như thành phần đồng tính luyến ái (homosexuals), xài ma túy chích mạch máu (intravenous drug users) và giới mãi dâm, bệnh giang mai đang có mòi gia tăng nhanh chóng và do đó các trường hợp giang mai bẩm sinh ở trẻ em cũng gia tăng do bào thai bị vi trùng bệnh giang mai từ máu người mẹ truyền qua. Để so sánh, gần 20 triệu ca mới mắc phải bịnh "truyền qua đường tính dục" (STD) trong năm 2013. Theo số mới nhất (2013) của CDC, ở Mỹ có 117.000 trường hợp giang mai mới và bịnh có sẳn, trong đó 57000 trường hợp mới mắc phải. Tỷ lệ người châu Á rất thấp, người Da Đen cao gấp 7 lần người da trắng (vd ở Alabama). Người 15-25 tuổi chiếm 1/2 số bịnh nhân, và người đàn ông "ngủ" với đàn ông (MSM [Men who have sex with men]) chiếm đa số các trường hợp. Có lẽ vì vậy mà số trẻ em giang mai bẩm sinh thấp hơn trước. Năm 2012, có 312 trẻ sơ sinh ra đời nhiễm giang mai; đa số người mẹ là da đen hoặc hispanic, đặc biệt trẻ sơ sinh da đen tỷ lệ cao hơn 15 lần sơ sinh da trắng.

Riêng đối với người Việt chúng ta tại Mỹ,   hoàn cảnh có thể khác, và phải cẩn thận hơn là nếu căn cứ trên những con số thống kê tại Mỹ. Một khảo cứu (2001) trên gần 1000 phụ nữ mại dâm ở Guangzhou, Trung Quốc cho thấy 14% mắc giang mai, 7% bị nhiễm lậu, và kiến thức của họ về khả năng lây lan bịnh "phong tình" và dùng áo mưa để phòng ngừa (condom) rất kém (Anneke van den Hoek). Với số lượng người du lịch về Việt Nam cũng như các vùng ăn chơi quốc tế ngày càng gia tăng, có lẽ chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi chứng kiến sự gia tăng các trường hợp giang mai đem từ ngoại quốc về mặc dù chưa có số liệu chính xác. Những người lớn chẳng may bị vướng bệnh này sẽ là một nguồn bệnh đem từ ngoài vào, cộng thêm những ổ giang mai trong nước thường đi đôi với xì ke và mãi dâm đang đe dọa giới trẻ xứ này.

Giang mai từ đâu tới?

Giang mai (syphilis) là một bệnh được mô tả từ lâu. Theo giai thoại Christopher Columbus và thủy thủ đoàn đem bệnh này từ biển Caribbean về châu Âu vào thế kỷ thứ 15 và do đó bệnh giang mai lan tràn ở châu Âu thành một dịch rộng lớn giết hại rất nhiều.

Câu hỏi được đặt ra là bệnh giang mai đã hiện hữu trong "Thế Giới Cũ [Old World]" trước thời Kha Luân Bố ( Christopher Columbus) hay không. Có người cho rằng những trường hợp bị cùi mô tả trong Thánh kinh thật ra là những trường hợp giang mai và ở Trung Quốc những tài liệu xưa cũng đã mô tả những triệu chứng phù hợp với bệnh giang mai.Tuy nhiên một công bố gần đây (2011) so sánh các xương cũ nghi là bị giang mai trước thời Columbus khám phá Châu Mỹ (pre columbian) với các bộ xương người Da Đỏ ở Châu Mỹ, không có bằng chứng nào cho thấy giang mai hiện hữu ở Châu Âu trước khi Columbus qua Mỹ. Có nghĩa rằng, thế giới cũ đến Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 15 và "tặng" bịnh sởi, bịnh dịch hạch, dịch tả cho người Da Đỏ và làm người Da Đỏ suýt bị tuyệt chủng. Ngược lại, giang mai, cùng với những món như thuốc lá, củ khoai tây, vàng bạc châu báu là những món "Thế Giới Mới" đáp lễ cho "Thế Giới Cũ".(Harper KN, Am J Phy Anthropol)

hvh --- bgm 2

        Fig2: Electronic microscope view of Treponema pallidum (CDC)

Bệnh giang mai

Bệnh giang mai gây ra bởi vi trùng Treponema pallidum (fig 2), một loại vi trùng hình xoắn trôn ốc (spiral). Vi trùng xâm nhập cơ thể qua các màng nhầy (mucosa, niêm mạc) tức là lớp da đỏ và mỏng ở bộ phận sinh dục, ở miệng hoặc ở hậu môn, đôi khi qua ngã da thường những nơi khác của cơ thể nếu da trầy trụa (ví dụ vết cắn lúc mơn trớn). Chừng ba tuần sau khi bị nhiễm trùng (sau khi bị lây), người bệnh sẽ thấy xuất hiện vết lở loét ở bộ phận sinh dục, vết thương thường không đau và có hạch sưng kèm theo (hạ cam, chancre, fig 3)). Nếu người bệnh không được chữa trị, một hai tháng sau bệnh qua giai đoạn hai (secondary syphilis) với những triệu chứng chung chung như mệt mỏi, nhức đầu, sốt và những dấu hiệu ngoài da (fig 4), hoặc ở những niêm mạc (màng nhầy) của bộ phận sinh dục. Nếu không chạy chữa, bệnh tiến qua thời kỳ thứ ba của giang mai (tertiary syphilis) gồm những san thương ở da, nội tạng (tim, gan, bao tử) và hệ thần kinh (neurosyphilis) gây ra những triệu chứng rất đa dạng.

hvh --- bgm 3

Fig 3: Syphilis chancre of the lower lip. (primary syphilis)

(medical-act.com)

hvh --- bgm 4

Fig 4: Secondary syphilis

Trên thực tế, bệnh giang mai quan trọng đối với sức khỏe của giới trẻ về những mặt sau đây:

1.- Mặc dù trước thời kỳ trụ sinh như Penicillin xuất hiện, bệnh giang mai thường có những biểu hiện điển hình như mô tả trên đây. Hiện nay thường thường các triệu chứng không rõ rệt như vậy, nếu không cảnh giác bệnh nhân cũng như bác sĩ dễ bị lầm lẫn chỉ vì không nghĩ tới giang mai. Ðối với tuổi thanh thiếu niên (adolescence) tỷ lệ giang mai có mòi gia tăng, và trong giới thanh niên tỷ lệ phái nữ càng ngày càng có vẻ lên cao hơn trước. Phần đông các cô thiếu nữ này không biết rằng mình mang bệnh giang mai vì ở người đàn bà những triệu chứng như bị ngứa ngáy, có huyết trắng, lở loét đôi khi chỉ được xem như những dấu hiệu thông thường, được chữa trị sơ sài như những bệnh lặt vặt khác của phụ nữ. Một số nơi hiện nay chủ trương cần thử máu truy tầm giang mai (routine screening for syphilis) cho tất cả các cô cậu "hoạt động về tính dục" (sexually active adolescent). Về phía cha mẹ nên để ý thăm hỏi con cái và nếu chúng thắc mắc về một triệu chứng nào đó liên hệ đến đường tiểu hoặc đường sinh dục, cha mẹ nên tìm hiểu cặn kẽ và nhờ bác sĩ giúp đỡ nếu cần. Một số điểm thực tế cần được nhắc nhở cho các cô cậu biết: Thứ nhất, thuốc ngừa thai không có tác dụng ngừa những bệnh "phong tình" kể cả giang mai, thứ hai những triệu chứng của giang mai trong giai đoạn đầu có thể tự nó biến đi sau một thời gian, tuy nhiên không có nghĩa người bệnh đã thanh toán được bệnh, trái lại bệnh vẫn tiến triển qua giai đoạn kế tiếp nguy hiểm, khó phát hiện và khó trị hơn. Ngoài ra, khác với bệnh AIDS phần lớn giới hạn trong một giới nào đó (đồng tính luyến ái, nghiện ngập), giang mai cũng như lậu (gonorrhea) phổ biến hơn nhiều. Mỗi năm tại Mỹ có chừng >100,000 người vướng bệnh này và mọi tầng lớp xã hội đều có thể mắc phải. Gần đây người ta nhận thấy HIV/AIDS và giang mai thường đi đôi với nhau, một phần do các vết lở ngoài da của giang mai làm cho virus HIVdễ truyền từ người này qua người kia.

Cũng nên nhắc lại một số triệu chứng thông thường như vết mẩn ngoài da, sưng hạch, lắm khi là những dấu hiệu của bệnh giang mai và giúp cho bác sĩ khám phá ra bệnh và điều trị trước khi quá trễ.

2.- Bệnh giang mai ở người mẹ có thể truyền qua thai nhi nếu người mẹ có bầu. Hiện nay lúc đi khám thai lần đầu bác sĩ sản khoa sẽ thử máu tất cả các bà để truy tầm bệnh giang mai và chữa trị kịp thời cho mẹ và ngừa bệnh cho thai nhi. Mới đây các bác sĩ được khuyến cáo nên thử máu thêm một lần nữa lúc gần sanh. Tuy nhiên nếu người thiếu nữ có thai và dấu diếm gia đình không được theo dõi kỹ lưỡng lúc có bầu, nếu mang bệnh giang mai bệnh có thể sẽ không được phát hiện hoặc được phát hiện quá trễ lúc gần sanh làm cho em bé không được trị liệu kịp thời và mang những triệu chứng giang mai lúc chào đời. Những triệu chứng này có thể nặng nhẹ tùy trường hợp. Cháu có thể chết lúc sanh ra (stillbirth), sinh thiếu tháng, sưng màng óc, sưng gan, thiếu máu, v...v... Ðiều trị và theo dõi các bé này tốn kém và phức tạp, kéo dài.

Ðịnh bệnh

Ðịnh bệnh giang mai căn cứ trên những triệu chứng lâm sàng (những triệu chứng ghi nhận lúc khám bệnh, clinical signs) nhưng cũng tùy thuộc phần lớn vào các thử nghiệm (test) máu người bệnh hoặc những chất khác lấy từ cơ thể người bệnh (như lấy nước tủy sống, cắt một mẩu hạch bị sưng để thử, cắt một miếng da để thử tìm vi trùng Treponema [darkfield microscopy]).

Thông thường nhất là thử máu. Người ta dùng non-treponemal tests để "thanh lọc" (screen) nghi ngờ giang mai một cách nhanh chóng (để phát hiện các kháng thể IgM , IgG chống vi khuẩn treponema): VDRL (Venereal Disease Research Laboratory), RPR (Rapid Plasma Reagin), TRUST (Toluidine Red Unheated Serum Test), and USR (Unheated Serum Reagin). Sau đó nếu cần người ta dùng những test phức tạp hơn nhưng chính xác hơn, (phát hiện các kháng nguyên của chính vi khuẩn treponema): TP-PA (T. pallidum particle agglutination), FTA-ABS (fluorescent treponemal antibody absorbed), various   EIA (enzyme immunoassay), chemiluminescence immunoassays..

Trị bệnh giang mai

Trị bệnh giang mai tương đối đơn giản lúc bệnh mới phát. Trong quá khứ người ta phải dùng những thuốc rất độc như thủy ngân (mercury). Hiện nay chữa trị bằng Penicillin là phương pháp hữu hiệu nhất. Những người dị ứng với Penicillin thì được chữa bằng Tetracycline.

Tóm lại, bệnh giang mai là một bệnh "phong tình" có chiều hướng gia tăng trong giới trẻ nhất là phái nữ. Bệnh có thể gây ra những hậu quả lâu dài cho người bệnh cũng như con cái của họ. Tuy nhiên có thể ngừa bệnh dễ dàng với những phương tiện đơn giản (áo mưa) và nếu định bệnh sớm chữa trị tương đối đơn giản (dùng trụ sinh Penicillin, Doxycycline, Tetracycline) và rất hiệu nghiệm.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền.

(updated 5-14-2014)