"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

Lời Nhắn Nhủ Từ Thơ

 LoiNhanTuTho NguYen

Hồi còn nhỏ, tôi rất thích coi bào đá. Mỗi lần ba tôi dẫn đi ăn bánh flan ở tiệm kem Phi Điệp ở Qui Nhơn, tôi vẫn thường dán mũi vào tủ kính, theo dõi người bào đá. Ông ta bào rất nghề. Từ một cục đá to, ông mài còn một miếng nhỏ, mỏng lét, rồi đập nhẹ một cái, miếng mỏng kia vở vụn, rơi chung vào đá bào.

Đá bào mịn và đẹp. Vào miệng thì tan ra, mát tươi, khoan khoái, làm quên đi sức nóng oi bức của mùa hè Bình Định. Nhưng tiếng cục nước đá mài vào lưỡi dao rất khó nghe. Nó rít lên cảm giác ê cả lưng. Tiếng rạo rạo như chạy vào xương sống. Và lạnh.

Những lần đi ăn kem với ba, tôi thường nghe ông giảng về ca dao tục ngữ. Tôi biết nhiều, nhớ nhiều lời người xưa là nhờ ăn quá nhiều bánh flan.

Lớn lên, những khi gặp trở ngại trong đời sống, việc làm....tôi vẫn thường tìm về những ca dao, tục ngữ, danh ngôn để coi thử có thể học ý người xưa mà giải thích, giải quyết việc nay. Những lúc sử dụng túi khôn của nhân loại để giải tỏa được việc khó, dỉ nhiên là lòng vui mừng, tôi vô cùng nhớ tới ba và thèm một muỗng đá bào.

Tôi thú vị làm thơ vì nói ra được những gì thao thức và nói một cách đẹp đẽ cho dù ngôn ngữ đôi khi bình dân hoặc thô tục. Càng đi sâu vào cõi thơ càng bị lôi cuốn, càng bị mất đi những hiểu biết lúc ban đầu. Nghệ thuật thật lạ lùng. Càng tìm hiểu thì giống như không hiểu gì cả. Đôi khi tưởng mình nắm bắt được điều này điều nọ, rồi mở tay ra, như một đứa bé bắt được con đom đóm.

Tôi suy nghĩ về thơ như ba tôi suy nghĩ về đạo. Ông là ông câu nhất của nhà thờ chánh tòa Qui Nhơn hơn 45 năm. Tôi chắc ông có rất nhiều điều không hiểu về Chúa vì tôi có quá nhiều điều không hiểu về thơ.

Thơ không có cuốn kinh nào. Biết tìm đâu cho mau hiểu?

Thế nào là một tác phẩm lớn? Giá trị của thơ là gì? Một thi sĩ cần biết gì về thơ? Cần làm gì với thơ? Sống với thơ ra sao? Thơ nghĩ cho cùng là dùng để chơi nhưng sao chơi nhiêu khê quá? Cho dù biết không có gì, vẫn muốn được cái gì, sao phức tạp quá?

Và một hôm, tôi bắt gặp lời nhắn của Thi sĩ Mikhail Dudan: "Poetry is not a profession, it's a destiny". Có phải thật là số phận hay vì đã chọn lựa? Hay vì không thích gì khác hơn để làm? Tôi bắt đầu đi tìm những lời nhắn của những nghệ sĩ đã đi qua cõi sống bằng trái tim nghệ thuật. Tôi muốn đọc ra từ những dòng chữ này, những tư duy, những ước mơ, những hay ho, những sán lạn, những mãnh tình..... và sau hết, có lẽ là hình ảnh của tôi.

  • No honest poet can ever feel quite sure of the permanent value of what he has written: he may have wasted his time and messed up his life for nothing. Tôi khởi nghĩ từ câu nói của thi sĩ T.S. Eliot để tự nhắc mình rằng, đây có thể là một việc vô tích sự. Chỉ là một trò chơi tâm trí và cũng như mọi trò chơi khác.
    Tôi sẽ chép lại những lời nhắn nguyên bản vì e rằng sẽ làm lệch ý nghĩa khi chuyển sang tiếng Việt. Tôi thích cụm chữ permanent value mà ông dùng để làm nền cho cụm chữ wasted his time và messed up his life.
    Làm thơ, cho cùng, nếu tệ hại, chỉ mất thời giờ nhưng giấc mơ làm thi sĩ có thể sẽ làm hư hao đời sống. "There's no money in poetry, but then there's no poetry in money, either", Robert Graves, (Không có tiền trong thơ, nhưng cũng không có thơ trong tiền). Nhưng khi đã thật sự trở thành thi sĩ, chức năng ấy sẽ làm cho người đời kinh ngạc. "Everywhere I go I find that a poet has been there before me", Sidmund Freud (Những nơi tôi đặt chân đến, đều thấy thi sĩ đã có mặt trước tôi).
  • Người làm thơ tất nhiên phải biết về nghệ thuật. Hôi họa, văn, kịch, nhiếp ảnh, điện ảnh, nhạc, ...... tất cả những nhánh nghệ thuật đều có chung một nguồn cội thẩm mỹ. Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Thơ không giống Đẹp thì giống ai? “A man should hear a little music, read a little poetry, and see a fine picture every day of his life, in order that worldly cares may not obliterate the sense of the beautiful.....”Johann Wolfgang von Goethe. Một người bình thường đi qua mỗi ngày với biết bao áp lực từ đời sồng. Mỗi người đều có quá nhiều trách nhiệm đến nỗi sắp chết vẫn phải lo âu về di chúc, về trăn trối, về chôn cất... Nghệ sĩ khác với người thường ở chỗ biết tận hưởng cái hay cái đẹp mỗi ngày dọc theo con đường nhân sinh. Chẳng những như Wolfgang von Goethe đã nói, nghe ít nhạc hay, đọc ít thơ, ngắm hình ảnh đẹp mà còn để lòng nhẹ nhàng với đất trời: Ngẩn nhìn trời cao, dõi theo mây trắng. Ngắm cảnh chiều tà, ngậm ngùi chiếc lá vì sao rơi giữa mùa hè. Bất chợt say sưa thấy trăng khuya trên xa lộ......Cái đẹp cái hay ở khắp nơi. Nghệ sĩ thấy được kho tàng vô giá này và biết chìa khoá để mở vào. Nói một cách khác, đẹp từ thiên nhiên, đẹp từ những loại nghệ thuật khác là thực phẩm để nuôi thơ.

    Hội họa. nhiếp ảnh mở mắt cho thi sĩ nhìn đối tượng như một toàn thể. Thấy được cho dù bằng tưởng tượng. "Painting was called silent poetry and poetry speaking painting." Ralph Waldo Emerson, (Tranh vẽ được xem là bài thơ im lặng và bài thơ là bức tranh biết nói). Vì thơ được xây dựng từ ý và tứ và ngôn ngữ nên làm thơ dễ bị chi tiết dẫn đi mông lung khiến cho điều muốn nói mất dần ấn tượng. Gần đây với những ý niệm mới về thơ là vật thể của thơ, đã đưa hội họa, nhiếp ảnh gần gũi với thi ca.

    Nhạc mở tai thi sĩ những âm sắc dân tộc và nhịp điệu của ngôn ngữ. Một hơi thở trung bình có thể đọc hết một câu thơ là một vài trường canh để hát, ví dụ qua âm nhạc. Những cụm chữ, những từ ngữ ví như nốt nhạc, chùm nốt nhạc ngắn dài. Âm sắc ví như quảng thăng trầm. Hãy đọc bài thơ Lục Bát truyền thống và lắng nghe sự nhịp nhàng của thơ. Như một bài nhạc dân gian lập đi lập lại: Dô ta hò dô ta....... "Poetry is the music of the soul, and, above all, of great and feeling souls.” Voltaire, (Thi ca là nhạc của tâm hồn và hơn hết là của tâm hồn nhạy cảm và thành thạo). Thơ Tự Do, nhịp điệu như tiếng banh tennis dội xuống sàn trong một trận đấu banh, không đều nhưng luôn luôn nghe. Lúc nhanh lúc chậm lúc mạnh lúc nhẹ lúc dài lúc ngắn. "Writing free verse is like playing tennis with the net down." Robert Frost, (làm thơ tự do giống như đánh banh tennis trên sân đã hạ lưới).

    Văn xuôi, có thể nói, ảnh hưởng mạnh nhất đối với thơ. "Poetry is to prose as dancing is to walking." John Wain, (Thơ so với văn xuôi như khiêu vũ so với đi bộ). Một người bộ hành đi xa, trên đường về, sẽ kể nghe nhiều chuyện lôi cuốn, lạ lùng, thú vị nhưng phải đợi khi ông về đến đầu phố chợ, khi ông thấy được mái nhà thân yêu, lòng bỗng rộn ràng, buồn vui rạo rực, ông sẽ hát, sẽ nhảy múa cho thỏa lòng. Phút đó là thơ. Thử theo lòng người chinh phu trở về quê quán sau bao năm chinh chiến miền xa. Thử gõ nhịp theo chân ngựa, theo âm điệu, theo con tim phập phồng....... "Poetry is when an emotion has found its thought and the thought has found words.”Robert Frost, (Thơ xảy ra khi tình cảm nhập vào ý tưởng rồi ý tưởng nhập vào ngôn ngữ).

    Xin đọc lớn ra miệng:

    .........................................

    Đuờng chiều mịt mù cát bay tỏa buớc ngựa phi //
    Đuờng truờng nếp tàn y / hùng cuờng vẫn còn bay trong gió/
    Bóng từ xa / sắp dần qua / bóng chàng chập chùng / vuợt núi non cũ /
    Với hành luơng độ đường /
    Chiếc hùng guơm danh tuớng /
    Duới tà huy / đếm nhịp đi / vó ngựa phi //
    Dấn buớc tang bồng giữa nơi núi rừng //

    Bên nợ tình thâm / bên nợ giang san /
    Bên đồi ai oán / bên rừng đa đoan / tiễn đưa bóng chàng //
    Đuờng về nuớc chập chùng xa /
    Nhiều đồi núi cheo leo //
    Cây với rừng rườm rà //
    Đuờng Vạn Xuyên / đường cổ Lũy /
    Duyên núi sông vẫn như thắm nhòa //
    ............
    (Trích Hòn Vọng Phu 3. Lê Thương)
    Ghi Chú: Dấu / nghỉ ngắn. Dấu // nghỉ dài.

    Rồi nghe lại tình cảm tơ vò nhưng bàng bạc. Những mất mát tang thương không còn chảy máu khi đã là một chấp nhận không thể quay về. Cho xúc động như trận cuồng phong thổi qua. Khi mịt mờ lắng xuống cát bụi, cảnh xác xơ, đổ nát lại càng thấy rõ hơn. "Poetry is not a turning loose of emotion, but an escape from emotion; it is not the expression of personality but an escape from personality. But, of course, only those who have personality and emotion know what it means to want to escape from these”, Emily Dickinson, (Thi ca không phải là thả lỏng tâm tình mà là vượt qua nó; Không phải là sự diễn đạt của cá nhân mà là sự thoát ra cá nhân tính. Dỉ nhiên, chỉ những người có cá tính và nhạy cảm mới hiểu được thế nào là vượt thoát những điều này).

    ...............
    Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
    Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
    Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
    Mười năm, cây có nhớ người xa?

    Ta về như đứa con phung phá
    Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
    Mười năm, con đã già trông thấy
    Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
    ........
    (Trích Ta Về. Tô Thùy Yên)

    Thi sĩ Samuel Taylor Coleridge nhắn rằng: "I wish our clever young poets would remember my homely definitions of prose and poetry; that is, prose - words in their best order; poetry - the best words in their best order", (Tôi hy vọng những chàng thi sĩ trẻ tinh ranh còn nhớ được định nghĩa giản dị của tôi về văn xuôi và thơ. Như thế này, văn là chữ nghĩa trong một sắp đặt hay nhất, trong khi thơ là chữ nghĩa hay nhất trong một sắp đặt hay nhất). Thi sĩ Oliver Wendell Holmes nhắn rằng:"When you write in prose you say what you mean. When you write in rhyme you say what you must" (Khi viết văn, bạn nói những gì bạn muốn nói. Khi viết vần điệu, bạn nói những gì bạn phải nói).

    Kịch và Điện Ảnh mở miệng thi sĩ thành những đối thoại, độc thoại. Quan trọng hơn là diễn những tứ thơ. Trên sân khấu, màn ảnh có kép độc, đào thương, kép mùi, đào lẳng, có hề, có tài tử chính, tài tử phụ...có cả kéo màn, có cả kỹ thuật tân tiến hiện đại.....Thi sĩ vừa là đạo diễn vừa là đào kép. Dỉ nhiên kiêm luôn kéo màn và trang trí lẩn thời trang.

    Gần đây nghệ thuật thứ Bảy, xuất hiện trong thơ từ tinh thần đến kỹ thuật. Từ đọc thơ, diễn thơ cho đến phối "hoà âm" thơ, đã được trình bày, nhất là trên mạng lưới internet.

    Thi sĩ Stephen Crane nhắn rằng:

    “In the desert
    I saw a creature, naked, bestial,
    Who, squatting upon the ground,
    Held his heart in his hands,
    And ate of it.
    I said: "Is it good, friend?"
    "It is bitter-bitter," he answered;
    "But I like it
    Because it is bitter,
    And because it is my heart.”

    " Trong sa mạc
    Tôi gặp con vật trần truồng man dại
    ngồi chồm hỗm
    cầm tim nó trên tay
    nhai ngấu nghiến
    Tôi hỏi: 'Có ngon không, bạn?'
    'Đắng. Đắng
    nhưng thích lắm
    vì chính là tim tôi'

    Tứ thơ được diễn với đối thoại và độc thoại. Tuồng này kép độc là vai chính. Chỗ độc đáo là Is it good?... It is bitter-bitter.....It is my heart.

    Dỉ nhiên còn nhiều loại thực phẩm nữa nhưng ăn không chưa đủ. Phải uống nữa. Đói một tuần chưa chết. Khát ba ngày là xong. Nước trong thơ là gì? "The true philosopher and the true poet are one, and a beauty, which is truth, and a truth, which is beauty, is the aim of both." Ralph Waldo Enerson, (Triết gia chân chính và thi sĩ chân thật chỉ là một. Mỹ tức là Chân. Chân tức là Mỹ. Cả hai đều là mục phiêu của họ). Triết lý sống, nhân sinh quan của mỗi thi sĩ chính là nguồn suối cung cấp nước cho thơ. Những bài thơ trữ tình quyến rủ nếu không cưu mang điều gì khác hơn là tình tự lãng mạn, bài thơ ấy chỉ ẻo lã với nhóm linh hồn ủy mị, không ra khỏi giới hạn của nam nữ tình thường. Nói như vậy, không phải là tình yêu không có chiều sâu. Thật ra, tình yêu là cả một đạo lý, vượt lên triết học, ngự trị suốt đời sống của con người. Chỉ tiếc, người ta thường thấy tình yêu như một phương tiện sống thay vì như một món quà.

    Triết lý hoặc nhân sinh trong thơ không phải là hệ thống triết học hoặc trình bày những triết thuyết. Không phải là kiến thức mà là kinh nghiệm sống. Kinh nghiệm sống một phần đi vào ý thức, một phần đi vào vô thức. Chính vô thức mới làm cho thơ biến hóa, đa dạng và tài tình. Do đó, thông thường làm thơ bắt đầu bằng ý thức, ý niệm nhưng thơ sẽ tung tăng theo vô thức và bay cao theo trực giác. Thi sĩ không hề biết bài thơ sẽ ra sao, sẽ hết như thế nào. "Poets utter great and wise things which they do not themselves understand." Plato, (Thi nhân nói những điều cao cả và uyên bác mà chính họ cũng không hiểu). Tư tưởng chính là chiều sâu của thơ nhưng tư tưởng tự thân không phải là thơ. Không ai khẳng định rằng tư tưởng hoặc triết lý làm cho thơ có giá trị nhưng những bài thơ có giá trị đều có một chiều sâu ý tưởng nào đó. Không thể chối cải.

    Và dẫn chứng cụ thể nhất là thơ Thiền, thơ Hài Cú. Chiều sâu của bài thơ làm cho thơ có giá trị và sán lạn của trực giác làm cho thơ Thiền, Thơ Hài Cú sống mãi với thời gian. Thơ Đường Thơ Tống hay, giá trị cao nhưng ngày nay chỉ để ngưỡng mộ. Trong khi thơ Hài Cú vẫn tiếp tục trong hành trình thi ca thế giới. Phái thơ Tân Hài Cú vẫn được thưởng thức và xuất hiện trên tạp chí và sách vở.

  • Nguồn gốc của nghệ thuật là thẩm mỹ và phong thái đẹp của Chân và của Thiện. Chân và Thiện tự thân không thuộc về thẩm mỹ. Chân được thưởng thức bằng Đúng / Sai. Thiện được thưởng thức bằng Lành / Ác. Đẹp và cảm nhận về đẹp gọi là Hay, là cội nguồn của nghệ thuật, của thơ. Alfred North Whiteread nhắn rằng: "Art is the imposing of a pattern on experience, and our aesthetic enjoyment is recognition of the pattern." (Nghệ thuật là gây ấn tượng từ những mẫu hình có trong kinh nghiệm và sự thưởng thức thẩm mỹ là cảm nhận được những mẫu hình này). Những gì con người khám phá ra, nghĩa là đã có sẵn. Cái nguồn cơn, cái lý lẽ của thẩm mỹ đã có sẵn. Khi một người khám phá, bắt nắm được một phần của sự thẩm mỹ này và sử dụng theo cá tính, tình cảm và thủ thuật riêng tư, sản phẩm ấy trở thành sản phẩm nghệ thuật. Thẩm mỹ đã có nhưng phải chờ tâm tư con người mới trở thành nghệ thuật.

    Sự khác biệt nghệ thuật giữa những nghệ sĩ không phải là sự khác biệt của nguồn cơn và lý lẽ thẩm mỹ nhưng là sự khác biệt giữa sức lực và kết quả khám phá thẩm mỹ và khả năng sử dụng thẩm mỹ vào kỹ thật diễn đạt. "Art is the desire of a man to espress himself, to record the reactions of his personality to the world he lives in". Amy Lowell, (nghệ thuật là lòng ước muốn của con người để tự diễn đạt mình, để ghi lại những phản ứng của cá nhân đối với đời sống chung quanh)…

    Khả năng làm một việc gì ra kết quả một cách tài tình gọi là tài năng. Tài năng của mỗi nghệ sĩ đều khác nhau. Mỗi nghệ sĩ vào đời đều có định mệnh của một kẻ đam mê để hoàn tất một số sản phẩm nghệ thuật cho dù lớn lao hay nhỏ bé. Ai cũng có thể hiểu biết điền này nhưng không mấy ai chịu chấp nhận làm nghệ sĩ mà thường muốn làm nghệ sĩ lớn.

    Có phải số mệnh làm cho một nghệ sĩ trở thành nghệ sĩ lớn hay vì tài năng lớn sinh ra tác phẩm lớn? Cái gì làm cho một người nghệ sĩ "lớn"?

    Ngoài trừ Phù Đổng Thiên Vương và Tề Thiên Đại Thánh ra, không có ai mà tự nhiên lớn cái vụt trong một đêm. Lớn đi từ tiến trình từ nhỏ đến lớn. Vấn đề là đi mau hay đi chậm. Có thể hiểu, tốc độ "khám phá, thử nghiệm và thâu thập" giúp cho sự phát triển nghệ thuật theo thời gian. Tuy nhiên, con người là một bí mật. Vô thức và trực giác là hai khả năng chưa có biên giới. Do đó, tài năng về nghệ thuật có thể đến từ một bất chợt. Có người gọi là "ngộ".

    Nghệ sĩ lớn là người có tác phẩm lớn. Không những chỉ một mà toàn bộ tác phẩm có nhiều thành quả lớn. Một tác phẩm lớn là tác phẩm gồm có sự sáng tạo và phẩm chất cao. Điều quan trọng không kém để định giá trị của nghệ sĩ chính là tiến trình "trưởng thành" nghệ thuật của người nghệ sĩ đó.

    Nhìn bằng mắt của người suy tư, một nghệ sĩ lớn thường có những "những gì cần biết" và "những gì cần làm".

    Hãy cùng nhìn ngắm một lược, cảnh rừng Bonsai và cảnh rừng thật. Rừng Bonsai có cái đẹp lạ lùng. Những cây cối to lớn hàng chục năm bỗng nhiên rút nhỏ. Đầy dủ sắc màu. Đầy dủ cá tính. Hoa nở tí ti. Trái mọc tí ti. Cây Tùng Cây Bách uốn éo lùn lùn. Cảnh rừng Bonsai có tay người chỉ đạo, có khi hạp ý người đến xem hơn cảnh rừng thật. Nhưng rừng Bôn Sai để chơi. Rừng thật để sống.

    Trong thi ca cũng có thơ Bonsai và thi sĩ Bonsai.

    Thơ Bonsai không phải dở nhưng hay rất giả. Thi sĩ Bonsai không khác gì thi sĩ thật, chỉ lùn mãi không lớn cao. Và nét đẹp của họ chính là sự thu nhỏ. Nói một cách khác, tác phẩm Bonsai hay mà không thể lớn.

    Một người thợ nề ở xứ Bonsai có khả năng xây một ngôi nhà gạch, cho dù nguy nga đồ sộ vẫn chỉ là ngôi biệt thự. Nếu ông biết được những tòa lầu cao chọc trời trên thế giới thì tác phẩm của ông quá nhỏ bé để so với. Một người nghệ sĩ cần phải biết: Thế nào là một tác phẩm lớn? Trước khi có thể sáng tác một tác phẩm lớn.

    Một tác phẩm lớn không thể đến từ một tâm tư hẹp lượng. Những bất bình khác ý, những ganh tỵ tài năng, những cực đoan bè phái chỉ làm gia tăng chất Bonsai trong sáng tác. "No bad man can be a good poet". Boris Pasternak.

    Dân Bonsai nhỏ và thấp nên nhu cầu sống cũng thấp và nhỏ. Một lạch nước đã trở thành con sông. Muốn sang sông người Bon sai phải xây cầu thay vì chỉ lội qua. Nước là nhu cầu của sự sống mà chỉ cần ít thôi. Mưa nhiều sẽ gây lụt lội. Lửa là nhu cầu của thấy và nấu nướng nhưng cũng ít thôi. Lửa lớn quá sẽ cháy nhà, cháy luôn cả người. Một nghệ sĩ cần biết: Muốn có tác phẩm lớn phải có nhu cầu lớn. Nhu cầu thôi thúc viết này phải bao trùm và lớn hơn nhu cầu của người thưởng ngoạn đương thời. Nhu cầu này không phải tự nhiên mà có. Những suy tư chiêm nghiệm lâu ngày, những giá trị cất giữ lâu năm, "những điều cần nói" un đúc phải giải quyết, tất cả sẽ tạo thành một nhu cầu thúc bách. "Every artist dips his brush in his own soul, and paints his own nature into his pictures." Henry Ward Beecher, (Mỗi nghệ sĩ tự nhúng cây cọ vào tâm hồn mình và vẽ lại bản tính của mình lên hình ảnh).

    . Sự trì trệ của thưởng ngoạn luôn luôn là vấn đề của nghệ thuật. Người ta thường cho rằng người nghệ sĩ lớn sáng tác trước thời đại. Thật ra, vì người thưởng ngoạn không theo kịp thời đại đang sống. "An artist is never ahead of his time but most people are far behind theirs." Edgard Varese, (Nghệ sĩ không bao giờ đi trước thời đại của họ nhưng đa số người ta lại đi chậm xa phía sau). Một nghệ sĩ cần biết: sáng tác không thể chờ sự chấp nhận, đón nhận của thưởng ngoạn. Sáng tác như con sư tử vùng vẫy, không phải trong rừng núi mà trong sa mạc. Thông thường người nghệ sĩ mang cảm giác cô đơn và cảm thán thất bại cho dù bề ngoài trông như thành công. Henry Miller: "An artist is alsway alone - if he is an artist. No, what the artist needs is loneliness."(Nghệ sĩ luôn luôn một nình nếu đúng là nghệ sĩ. Không phải vậy, điều mà nghệ sĩ cần chính là sự cô đơn).

    Người Bonsai cũng là người. Cũng có chí lớn. Có ước mơ. Một hôm họ quyết tâm xây một ngôi tháp Babel. Vì họ thấp người nên tháp Babel cao kia sẽ giúp họ nhìn xa thấy rộng. Tiếc rằng tháp vừa xây cao bằng chiều cao của mười người Bonsai đứng chồng lên nhau, đã sụp xuống trong một lần gió Nồm thổi mạnh. Người nghệ sĩ cần biết: Tài năng của mình có thể xây được tác phẩm bao cao, bao lớn. Tài năng tự nhiên là bẩm sinh. Có tu luyện tài năng trở thành bản lãnh chuyên môn. Có thiên tư, tài năng trở thành đặc thù vượt chúng. "Every child is an artist. The problem is how to remain an artist once he grows up." Pablo Picasso, (Mỗi đứa trẻ là mỗi nghệ sĩ. Vấn đề là làm thế nào để gìn giữ người nghệ sĩ này khi đứa trẻ lớn khôn)…

    Bản chất Bonsai là bắt chước một thần tượng hoặc một danh phái nào đó nhưng thu nhỏ lại vì những giới hạn do tác giả tự đặt ra. Mỗi bài thơ được uốn nắn theo hình rồng phượng mà quên rằng ý thức không làm ra thơ. Thơ Bonsai có đủ yếu tố và điều kiện để gọi là hay nhưng chỉ là Bonsai. Thơ Bonsai thiếu hai cá tính độc đáo của thơ: Sự liên kết vô hạn của vô thức và sự biến hóa bất định của trực giác.

    Sự tự do nẩy nở, sự tự nhiên sinh tồn là yếu tính của thơ. Thơ bị gò, bị bó, bị tỉa, bị cắt cho đúng theo ý của tác giả, thường mang bệnh Bonsai. Đa số thơ của nhà thơ Đông Hồ có thể làm ví dụ.

  • Từ những gì cần biết qua đến những gì cần làm là những dấu hỏi, không phải là câu trả lời. Không có một thi sĩ nào có thể xác quyết được, làm thơ như thế nào là hay? là có giá trị? Mỗi thi sĩ thành danh đều có kinh nghiệm khác nhau về giá trị của thơ và thế nào là cảm nhận cái Đẹp về thơ, gọi là Hay. Mỗi thi sĩ đều có cơ duyên và sức khám phá thẩm mỹ khác nhau. Cá tính và kỹ thuật hội nhập tạo ra cách thức làm thơ mỗi người có chỗ cá biệt.

    Làm thơ, có thể nói một cách khá dễ hiểu như lời của thi sĩ Percy Bysshe Shelley: "Peotry lifts the veil from the hidden beauty of the world, and makes familiar objects be as if they were not familiar.", (Thi ca vén lên tấm màn đang che dấu cái đẹp của đời sống và biến những sự việc quen thuộc trở thành lạ lẫm). Thẩm mỹ tuy hiện diện nhưng thường bị che khuất sau một tấm chắn của thẩm mỹ đang bị quá khứ đóng khung. Thi sĩ vén tấm khăn che này để thẩm mỹ hôm nay được hiển lộ theo một cách riêng, một cách đặc thù theo ý thi sĩ. Từ nét đẹp mới này, những sự vật quen thuộc hàng ngày sẽ mang một sắc thái khác. Những điều này sẽ được nhận ra trong những bài thơ "lớn". Bài thơ loại này không những mang đến những cái hay, cái đẹp lạ thường mà còn mang cả một không khí hiện đại.

    Thông thường vì chưa quen với sắc thái mới, nét đẹp mới, người ta thường thấy xấu. Phải mất một thời gian, khi bắt đầu quen biết, giới thưởng ngoạn mới chấp nhận giá trị mới này. Khi nói đến thưởng ngoạn, phải nói đến tâm lý thưởng ngoạn cho dù kiến thức và cấp độ văn hóa có thể giúp cho người thưởng ngoạn bình thường hóa tâm lý. Thi Sĩ Jean Coxteau nhắn rằng: "Art produces ugly things which frequently become more beautiful with time. Fashion, on the other hand, produces beautiful things which always become ugly with time". (Nghệ thuật sản xuất những thứ xấu rồi thông thường sẽ trở nên đẹp đẽ sau một thời gian. Ngược lại, thời trang sản xuất những thứ rất đẹp rồi từ từ trở thành xấu xí). Và đây là một sự so sánh rất thâm trầm. Thử nghĩ, thời trang cũng là một loại nghệ thuật. Vì sao thời gian lại làm cho hai loại nghệ thuật này có kết quả trái ngược nhau? Vì sao có những bài thơ được người đương thời khen ngợi rồi dần dần đi vào quên lãng? Ngược lại, vì sao có những bài thơ được người đời sau khám phá ra giá trị từ một đống chất chồng quá khứ? Việt Nam, có bao nhiêu bài thơ hay được người đời sau khám Vì không có thơ hay bị ngộ nhận? Hay vì không có khả năng để cảm thức thơ hay?

    Dọc theo bờ sông ở cảng tàu Qui Nhơn, có một nhà máy làm nước đá. Tôi đã từng đến đây để coi những người thợ mở những cây nước đá ra khỏi khung, rồi quấn vào những tấm khăn lớn, rồi ủ trấu lên trong khi chờ người mua đến nhận hàng. Nước ở khắp nơi. Thiên nhiên khi lạnh đủ, nước đong đá. Vậy mà xem con người làm nước đá cũng công phu và phức tạp. "Poetry surrounds us everywhere, but putting it on paper is, alas, not so easy as looking at it.”, Vincent Van Gogh, (Thơ ở khắp nơi chung quanh ta nhưng viết xuống giấy, than ôi, không dễ dàng như ta đọc nó). Và vì sao người ta lại thích nước đá? Vì mát lạnh chăng? Vì khoan khoái chăng?

    Nhà thơ Robert Frost ví rằng: "Like a piece of ice on a hot stove the poem must ride on its own melting". ( Như một cục nước đá bỏ vào lò nóng, bài thơ thành hình theo dạng tan chảy). Khi nước đá tan ra, từ một thể cứng có hình thù trở thành thể lỏng không có hình thù nhất định, là sự xuất hiện của một bài thơ từ những mãnh đời đã bị đong lạnh.

  • Bài thơ hay, bài thơ giá trị, là một thao thức mà bất cứ một người làm thơ nào cũng nghĩ tới. Chữ Giá Trị còn dễ cảm hiểu. Chữ Hay là một cuộc tranh luận dài dòng không lối thoát. Theo tôi, Hay là chữ diễn đạt sự cảm nhận cái Đẹp về Mỹ, cảm nhận cái Thật về Chân và cảm nhận cái Lành về Thiện. Vì chữ Hay và Dở dùng trong cả ba khía cạnh Chân, Thiện, Mỹ nên dễ bị lầm lẫn khi một người chê khen một tác phẩm nghệ thuật

    Chữ Hay / Dở trong nghệ thuật có ý nghĩa từ cảm nhận Đẹp hoặc chưa Đẹp hoặc không Đẹp nhưng đa số người ta hiểu rằng Đúng, chưa Đúng hoặc không Đúng. Mỗi người đọc, từ người thường thường đến nhà phê bình, đều có một tiêu chuẩn, mức đo thưởng ngoạn riêng. Đúng / Sai là kết quả của mức đo và tiêu chuẩn này.

    - Thế nào là một bài thơ Đúng? - Thưa, không có.

    - Thế nào là bài thơ Sai? - Thưa, không hề có.

    Từ ý niệm Đúng / Sai này, người ta hay lầm lẫn về tư cách của người nghệ sĩ. Nghệ sĩ không phải là thầy tu. Giá trị Thiện / Ác không phải là tiêu chuẩn đánh giá nghệ thuật. Có thể dùng mức đo đạo đức để đánh giá con người của nghệ sĩ nhưng không thể lầm lẫn mang vào tác phẩm. Nếu tác phẩm hay phát xuất từ những người có đạo đức cao, có lẽ các thượng tọa và linh mục, mục sư là những nghệ sĩ bậc nhất? "Not every poem's good because it's ancient, Nor mayst thou blame it just because it's new, Fair critics test, and prove, and so pass judgment; Fools praise or blame as they hear others do." Buddhist Quote, (Không phải bài thơ nào cũng hay vì nó cổ điển hoặc bị chê bai vì nó tân kỳ qua những phê bình, chứng minh hoặc đánh giá. Những kẻ ngu ngốc thường ca tụng hoặc chê trách vì nghe người khác). Một thi sĩ chân chính không bắt buộc phải nói thật nhưng cần phải nói về sự thật.

    Bài thơ hay, bài thơ giá trị thông thường là mục tiêu của thi sĩ. Lẽ ra, là kết quả thì đúng hơn là mục tiêu. Trong hành trình làm thơ, thi sĩ lúc nào cũng tìm kiếm "cách nào" để sáng tác thơ hay và thường khi chính thi sĩ cũng lầm lẫn chữ Hay này. Thay vì diễn đạt cái cảm nhận Đẹp / Xấu. Thi sĩ lại diễn đạt cảm nhận Đúng / Sai; Thiện / Ác. Những nhà thơ thời thế, chính trị, tuyên truyền....Những nhà thơ tôn giáo.... thường bị vấp ở đây. Cảm nhận cái Đẹp về Đúng / Sai, về Thiện / Ác khác biệt với cảm nhận về Đúng / Sai; Thiện / Ác. Ví dụ, kinh và kệ Thiền nói về Đạo. Thơ Thiền nói về cái Đẹp của Đạo. "A poet's work is to name the unnameable, to point at frauds, to take sides, start arguments, shape the world, and stop it going to sleep." Salman Rushdie, (Tác phẩm của thi sĩ để nói lên những điều chưa từng nói, chỉ ra những sai lầm, chỉ ra những bè phái, bắt đầu cuộc tranh luận, chỉnh đốn cuộc sống và đánh thức không để cuộc đời ngủ lịm).

    Thế nào là bài thơ Hay? là bài thơ Giá trị?

  • Thi sĩ Dylan Thomas nhắn rằng: "A good poem is a contribution to reality. The world is never the same once a good poem has been added to it. A good poem helps to change the shape and significance of the universe, helps to extend everyone's knowledge of himself and the world around him".(Một bài thơ hay là một đóng góp cho thực tại. Đời sống sẽ không còn như cũ khi một bài thơ hay đã cộng hưởng vào nó. Một bài thơ hay góp phần thay đổi hình dạng và và ý nghĩa của thế gian, góp phần đào sâu sự tìm hiểu của người thưởng ngoạn về tác giả và đời sống chung quanh ông).
  • Thi sĩ W.H. Auden nhắn rằng: "One demands two things of a poem. Firstly, it must be a well-made verbal object that does honor to the language in whichit is written. Secondly, it must say something significant about a reality common to us all, but perceived from a unique perspective. What the poet says has never been said before, but, once he has said it, his readers recognize its validity for themselves." (Một bài thơ cần phải có hai điều: Thứ nhất, lời thơ phải hoàn chỉnh để có thể ca ngợi ngôn ngữ của dân tộc đó. Thứ hai, phải nói ra được điều gì thật có ý nghĩa rất bình thường thực tế cho chúng ta nhưng có thể cảm nhận được từ một tầm nhìn độc đáo . Những gì thì sĩ nói trước đó chưa có ai nói nhưng một khi thi sĩ đã nói đến, người thưởng ngoạn sẽ nhận ra cái giá trị riêng cho họ).
  • Thi sĩ E.M. Forster nhắn rằng: "A poem is true if it hangs together. Information points to something else. A poem points to nothing but itself." (Một bài thơ đúng nghĩa nếu nó bám mắc vào nhau. Những kiến thức bình thường hướng đến những điều khác. Một bài thơ chỉ cần hướng về nó, không còn gì khác hơn).
  • Thi sĩ Charles Simic nhắn rằng: “Poetry is an orphan of silence. The words never quite equal the experience behind them.”(Thi ca là đứa con mồ côi của im lặng. Ngôn ngữ sẽ không bao giờ có thể diễn đạt hết kinh nghiệm gói ghém bên trong).
  • "If it doesn't work horizontally as prose...
    it
    probably
    won't
    work
    any
    better
    vertically
    pretending
    to
    be
    poetry."

    (Robert Brault)

    (Nếu không thể thành công như văn xuôi viết hàng ngang....
    có lẽ
    sẽ
    không
    thành công
    hơn
    khi viết hàng dọc
    giả dạng
    là bài thơ).

  • "The poem... is a little myth of man's capacity of making life meaningful. And in the end, the poem is not a thing we see - it is, rather, a light by which we may see - and what we see is life." Robert Penn Warren. (Bài thơ....là một chút tưởng tượng của khả năng con người làm cho đời thêm ý nghĩa. Khi chấm dứt, bài thơ không phải là điều mà ta cảm thấy. Đúng hơn, là nguồn sáng để soi cho ta thấy và điều chúng ta thấy được chính là đời sống).
  • "[A poem] begins in delight and ends in wisdom." Robert Frost. (Bài thơ bắt đầu bằng sự thích thú và chấm dứt bằng sự thông thái).
  • "I grew up in this town, my poetry was born between the hill and the river, it took its voice from the rain, and like the timber, it steeped itself in the forests." Pablo Neruda. (Tôi lớn lên trong thành phố này, thơ tôi ra đời giữa đồi núi và dòng sông. Nó cất lên tiếng nói từ mưa rơi và như những cột kèo gỗ xây nhà, chúng nó đã thấm ướt nước mưa từ lúc còn trong rừng).
  • "We don't read and write poetry because it's cute. We read and write poetry because we are members of the human race. And the human race is filled with passion. And medicine, law, business, engineering, these are noble pursuits and necessary to sustain life. But poetry, beauty, romance, love, these are what we stay alive for." Dead Poet's Society. (Chúng ta không viết và đọc thơ vì duyên dáng. Đọc và làm thơ vì chúng ta là những phần tử của nhân sinh. Và đam mê đã tràn đầy nhân loại. Y khoa, luật pháp, kinh doanh, kỹ thuật công nghệ, là những đeo đuổi đáng phục và cần thiết để giữ gìn đời sống. Còn thi ca, thẩm mỹ, lãng mạn, tình yêu, là những gì cho chúng ta muốn sống).

Tôi là người mài thơ thành đá bào. Tự mình chọn lựa một mãnh nước đá lớn, một mãnh đong lạnh của đời sống. Rồi bắt đầu mài. Đá rạo ra từng mỏng nhỏ, mịn màng và trắng trinh. Rơi xuống. Đùn lên như một nấm mộ. Nấm mộ cao dần theo thời gian. Lạnh dần theo thời gian. Tan dần theo thời gian. Khi mãnh đá lớn đã mài còn chờ hết, mỏng lét, mong manh. Chỉ cần thở một hơi cuối, nó sẽ vở ra muôn vụn nhỏ.

Một muỗng, hai muỗng, ba muỗng .... đá bào tan vào cơ thể. Mát rượi. khoan khoái, ê ê, lành lạnh. Một lát thôi, rất nhanh, nấm mộ trắng tan thành dòng nước. Chảy thấm về cội nguồn. Người bào đá dùng bàn tay còn lại, bóp lấy bàn tay đang lạnh tê....

Ngu Yên