"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

Vài Ý Rời Về Thơ

1.

Có người ví nghệ thuật như hột súc sắc có nhiều mặt. Một mặt là thơ. Mặt kia là truyện. Mặt khác là họa. Mặt khác là nhạc. Mặt khác là kịch, là điện ảnh...v...v...Nhiều mặt nghệ thuật tạo nên khối nghệ thuật.

Tôi xét thấy, nghệ thuật như một tấm gương soi lớn. Chia ra nhiều hình thể nhỏ khác nhau. Gương vuông ví như thơ. Gương tròn ví như văn. Gương tam giác ví như kịch...v...v.. Tất cà các miếng gương nhỏ ấy ráp lại thành tấm gương nghệ thuật chung. Mỗi miếng gương nhỏ đều mang tính thể giống mảnh gương lớn. Đều soi thấy tác giả, người thưởng ngoạn, nhân sinh, trời mây và xã hội.

Dì tôi lúc lớn tuổi thường nói: Thời trẻ soi gương để làm đẹp. Về già soi gương để thấy lỗi lầm. Người làm nghệ thuật dùng gương cho cả hai việc cùng một lúc.

2.

Trong mỗi bộ môn nghệ thuật này đều có các bộ môn nghệ thuật kia. Nói cách khác, trong thơ có nhạc, có họa, có truyện, có tùy bút, có kịch, có phim ảnh...v...v....Tấm gương nhỏ mang đồng bản tính với tấm gương lớn. Khi thơ nặng về nhạc, tiến gần đến ca khúc. Khi thơ nặng về truyện, nghe ra giọng kể truyện hoặc tìm thấy nghệ thuật dựng truyện. Ngả qua tùy bút gọi là tùy thơ. Khi thơ nghiêng về họa, thấy được bức tranh. Vẽ bằng chữ gọi là đồng tác. Khi thơ chú về kịch ảnh, xưa là kịch thơ, nay thong dong hơn thành thơ đối thoại. Bước thêm một bước, tiến vào thơ Trình Diễn.

Ở vào thời điểm, trăm dòng sông từ một nguồn chia ly nay đã sắp cùng về biển cả, mỗi bộ môn nghệ thuật không còn đứng một mình lẻ loi mà dắt tay nhau dàn hàng ngang cùng bước tới trước. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh chỉ dùng để kiếm ăn, không áp dụng vào nghệ thuật. Sáng tạo của một người sẽ bị giới hạn nếu chỉ chuyên chú một bộ môn. Nhạc sĩ nếu thiếu nghệ thơ, đặt lời khó đạt. Thi sĩ mà thiếu khả năng thưởng thức hội họa, làm sao tạo dựng những chi tiết màu sắc và hình ảnh. Khó mà viết bài thơ ấn tượng nếu không có tinh thần họa ấn tượng.

Nghệ thuật là tài năng sáng tác theo cái đẹp. Còn sáng tác cách nào là cách dùng các bộ môn. Thử bỏ đi những kỹ thuật đặc thù của mỗi bộ môn. Bỏ cọ và màu. Bỏ do re mi fa. Bỏ đèn và âm thanh.......bỏ hết sự phân biệt. Thơ là bức tranh chữ, là bản nhạc, là câu truyện dựng nên, là vở kịch ...là nghệ thuật. Nhạc cũng vậy. Truyện cũng vậy. Phim ảnh còn dễ thể hiện hơn.

Năm mười tám tuổi, tôi đã từng ước mơ và luyện tập một mình, vừa thổi sáo, thổi kèn, vừa đánh đàn, vừa khua trống, vừa hát, vừa múa....Tiếc quá, tôi chỉ có một miệng và hai tay, tập mãi chẳng ra gì. Đành bỏ cuộc. May thay, linh hồn không có miệng và tay.

4.

Tôi thường nghĩ thơ hay và thơ có giá trị có nhiều điểm khác nhau. Đa số người đọc khen hay chê dở theo cảm tính. Thích thì khen. Không thích thì chê. Ghét thì dèm pha. Hơn nữa, sự khen chê dựa vào một số kiến thức đã thu thập được từ những bài thơ đã học, những lời tán luận lúc gặp nhau, từ những nghiền ngẫm về những tiêu chuẩn hay đẹp đã sẵn có trong những bài thơ hoặc bài viết của các tác giả nổi tiếng. Nói một cách khác, thơ hay theo tiêu chuẩn "giá trị cũ", dễ thấy. Thơ hay theo tiêu chuẩn "mới", phải chờ đến khi nào tiêu chuẩn ấy trở thành "cũ".

Không phải thứ gì cũng phân biệt cũ mới. Cái áo cái quần có mới có cũ. Vợ chồng chỉ có trẻ với già. Mặt trời mặt trăng có cũ mới chăng? Thơ thuộc vào nhóm nào, sao vội phân mới cũ?

Trong cái ngắn có cái dài ghê gớm
Trong cái dài có cái ngắn kinh hoàng
Thời vui phí thấy dài mà ngắn
Giữa mong manh thấy ngắn mà dài
Lấy mơ ngắn kéo dài qua sinh tử
Đời sau dài xin ngắn như hôm nay

Bước đi ngắn con đường dài vì ngắn
Tình dù dài hơi thở ngắn vì dài
Mỗi khi ngắn tôi buồn ghê gớm
Mỗi khi dài tôi sợ kinh hoàng

Thơ có giá trị khi đạt được hai tiêu chuẩn. Một, đóng góp vào sự sinh tồn của thi ca. Hai, làm cho thi ca tiến bộ. Tiêu chuẩn một dùng để phân biệt thơ và những thơ không phải thơ. Dùng để xác định vị trí căn bản của tác phẩm, tác giả trong dòng thi ca. Tiêu chuẩn hai dùng để đo chiều cao, độ lớn của tác phẩm và tác giả.

Trên khúc đường phù du mong manh này, con người sống làm sao cho vui, cho hạnh phúc, cho thỏa mãn kiếp nhân sinh thì đã đủ chưa? -Đủ cho một người. Chưa đủ cho nhiều người. Nếu ở rừng sâu, ở hành tinh một mình thì đủ. Ở chung thì chưa.

Người sống còn có hai chuyện để làm chung. Sinh thêm người. Nếu không đóng góp vào dòng sinh tồn của nhân loại, sao có chuyện trường tồn? Nhân mãn, ngừa thai chỉ là giai đoạn. Mai kia ngàn dãy ngân hà ở sao cho hết. Rồi làm sao chiếm cứ cả không gian nếu không tiến bộ? Không lẽ cứ làm thú vật ở trần gian mãi sao?

Thơ là sản phẩm của người. Cũng như người

Tác phẩm lớn là tác phẩm làm cho nghệ thuật riêng (thơ) và nghệ thuật chung (văn, họa, kịch, nhạc....v..v..) thêm sức sống và đem đến cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật riêng (thơ) sự tiến bộ qua sáng tạo, sáng kiến hoặc phát minh. Tác giả lớn cũng xét như vậy. Nếu hai tác giả đều lớn, ai lớn hơn ai? Chiều cao và độ lớn tùy vào sự tiến bộ của mỗi tác giả mang lại cho nghệ thuật.

Ngu Yên