"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

 

Ý Thức Ký Hiệu Học

1. Dẫn Nhập: Ký Hiệu và "Lơ Là Lơ Láo."

Trong giai đoạn hoàng kim của tờ Văn Học ở hải ngoại do nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm chủ bút, từ thập niên 1985- 1995, xảy ra vài chuyện tranh cãi về văn học. Lúc đó, tranh cãi trong sáng và đẹp đẻ, người đúng lý được hoan nghênh. Người thua vui vẻ nhận lỗi. Tôi thích nhất là câu chuyện "Lơ Là Lơ Láo" do nhà văn Bình Nguyên Lộc đề ra và người quen, kẻ lạ phúc đáp tưng bừng.

Nhớ lại, ông Bình Nguyên Lộc thắc mắc câu thơ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du:

" Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?"

Hàng thần, có nghĩa: đầu hàng. Vì vậy mới lơ láo giữa triều đình lạ lẫm, tự hỏi, số phận mình sẽ đi về đâu.

Hay là: Hàng thần lơ láo, có nghĩa: khi về với triều đình, thấy đám quan tướng lơ láo, chẳng ra gì, nên mới than thân.

Tóm lại, Hàng có nghĩa đầu hàng hay hàng dài, hàng dãy?

Tôi không nhớ rõ chi tiết nhưng nhớ có nhiều lời qua tiếng lại, rất nhộn và vui. Ông Bình Nguyên Lộc, một mình đại chiến quần hùng, cuối cùng, cười xòa nhận đã thua, vì ông muốn hiểu theo ý "đám quần thần lơ láo" nghịch với đa số hiểu nghĩa hàng phục.

Nhắc lại chuyện này, điển hình cho thấy từ ngữ, nhất là trong thơ, mang nhiều ý nghĩa và hình ảnh khác nhau cho dù viết giống nhau. Nếu người đọc chỉ đọc bản quốc ngữ, đôi khi cũng thắc mắc như nhà văn Bình Nguyên Lộc.

Cấu Trúc Luận cho rằng, chữ "Hàng" dù tự bản thân có ý nghĩa riêng, vẫn phải có nghĩa liên hệ và tương quan với những chữ khác trong câu và trong đoạn thơ. Nghĩa của một chữ tương quan với những chữ khác, là nghĩa đặc thù của chữ đó, trong tương quan đó. Có khi kéo theo một số ý nghĩa khác liên quan trong phạm vi của nghĩa chính thức trong tự điển. Vậy thì, đọc lại nguyên một đoạn:

" Một tay gây dựng cơ đồ,
Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành!
 Bó thân về với triều đình, (2465)
Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?
áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy,
Sức này đã dễ làm gì được nhau?  (2470)
Chọc trời khuấy nước mặc dầu,
Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?

Thấy ngay, chữ "Hàng" liên kết với "bó thân", "ràng buộc", "luồn", "cúi", và tươg phản với "gây dựng cơ đồ", " riêng một biên thùy", "nào biết có ai trên đầu". Như vậy, chữ "Hàng" trong đoạn thơ này phải là đầu hàng. Không thể hiểu theo nghĩa những dãy quan tướng công hầu lơ láo.

Ký Hiệu Học dùng cách truy vào văn bản: Nguyên truyện Kiều được viết bằng tiếng Nôm. Việc xác định ý nghĩa chữ "Hàng" phải tra cứu bằng tiếng Nôm.

KyHieuHoc Phan1 Anh1 NguYen

Rõ ràng chữ "Hàng" mang nghĩa là " Nộp mình chịu thua", đúng với Bó thân về với triều đình.

Sự nghi ngờ của nhà văn Bình Nguyên Lộc, hãy tạm cho, thuộc về quyền của người đọc, trong ý nghĩa của thuyết Người Đọc Cảm Ứng (Reader Respose Theory). Mỗi người đọc đều có thể hiểu khác nhau trên cùng một văn bản. Tác giả mất chủ quyền về ý nghĩa. Nhất là sau khi tác giả qua đời, người đời sau đọc sách, mạnh ai nấy hiểu. Quyền ấy trở thành quyền bất thành văn.

Vào giữa thế kỷ 20, những lý thuyết mới về ngôn ngữ xuất hiện và tranh cãi trên những biện chứng mang tính khoa học. Những lý thuyết gia này cố gắng đi tìm sự giải thích văn bản qua cấu trúc hoặc phản cấu trúc của ngôn ngữ, cao hơn hết là ngôn ngữ triết học và ngôn ngữ thi ca. Chẳng những chỉ là những học thuyết về ngôn ngữ, họ còn tạo thành phòng trào triết học. Đặt lại câu hỏi về giá trị thực sự của truyền thống; Xác nhận lại vai trò ngôn ngữ trong những lãnh vực khác qua sự thông đạt. Và vào thập niên 1980, đã xâm nhập vào những bộ môn khác như Nhân Chủng Học, Chính Trị Học, Xã Hội Học, Tâm Lý Học.... ngay cả vấn đề kinh tế cũng đã dự phần.

Những lý thuyết như Cấu Trúc Luận (Structuralism), Giải Cấu Trúc (Deconstruction), Ký Hiệu Học (Semiotics)  Ký Hiệu Giải Tích (Semiology), Ngôn ngữ Tương Phản Học ( Constrastive Linguistics) ....là những lý thuyết phức tạp, không dễ hiểu. Câu chuyện "Lơ Là Lơ Láo" là một ví dụ tạm bợ, vá víu chưa chính xác, chỉ dùng để tiện đường, mượn hoa cúng Phật, dẫn đến những lý thuyết gai góc, đang tiến vào thế kỷ 21, có tầm ảnh hưởng trên lời nói và chữ viết, trên ngôn ngữ bình dân và ngôn ngữ văn chương, và hầu như trên toàn diện đời sống. Có khía cạnh nào trong đời sống mà không sử dụng ngôn ngữ?  (1)

Điểm nhấn cần quan tâm để mở rộng và đào sâu là trường hợp đặc thù do sự phát triển của ngôn ngữ Việt. Sự leo dòng từ ngôn ngữ viết tượng hình (chữ Hán chữ Nôm) sang ngôn ngữ viết mẫu tự ( chữ ABC) khiến cho ngôn ngữ viết của người Việt hôm nay mang những cá tính đặc biệt. Sự quan tâm này cần thiết khi thí nghiệm những lý thuyết tây phương vào văn học Việt Nam. (2)

Ví dụ: Ngày nay khi người Mỹ viết chữ TREE, người Việt viết quốc ngữ chữ CÂY, cả hai là ký hiệu đại diện hoặc biểu tượng cho thực vật có thân có lá có rễ. Trong khi chữ MỘC trong Hán Việt, có hình dạng thân cây, và trong bộ chữ tiếng Trung Hoa, cũng có hình cây.

KyHieuHoc Phan1 Anh2 NguYen

và tiếng Hoa:

 KyHieuHoc Phan1 Anh3 NguYen

Hơn nữa, cách ghi lại, chuyển thành mã hiệu, lại là một vấn đề cách biệt. Cần phải được kỹ thuật hóa và qui tắc hóa để có tính khoa học. Ví dụ:

Con gà ở Texas, Hoa Kỳ gáy khác con gà ở Bà Rịa, Bến tre hay sao? Người Mỹ mã hiệu tiếng gà Tây phương: "cock-a-doodle-doo". Người Việt mã hiệu, khác hẵn: "Ò-ó-o-ò-ò". và chắc chắn những con gà ở các dân tộc khác sẽ có tiếng gáy ghi thành nhiều mã hiệu khác nhau. Nếu chỉ bằng chữ viết ò ó o, đa số người Mỹ sẽ không hiểu tiếng gà gáy nhưng nếu phát âm lớn tiếng: ó o hay ka-doo, cách nào cũng vậy, cả thế giới đều hiểu.

Tuy nhiên, đối tượng của thí nghiệm cần phải được tuyển chọn theo tiêu chuẩn giá trị. Ví dụ sử dụng Semiotics và Semiology để phân tích một bài thơ. Cả hai Semiotics và Semiology đều có tầm quan trọng về giải mã văn bản. Nhưng với điều kiện văn bản đó được đánh giá cao hoặc được viết bởi tác giả đáng tin cậy. Những văn bản khoa trương thanh thế, rỗng, thì giải mã không có giá trị, thường khi sai lầm nếu cố gắng vì mục đích khác.

Trăm năm

            người ta

tài

            mệnh

                        ghét.

Làm thơ theo phương pháp bỏ bớt chữ cho bí hiểm, hoặc dụng chữ kiêu kỳ khó hiểu, làm sao giải mã? Còn như thế này, dễ hiểu biết bao, mà vẫn không thay đổi nội dung:

Trăm năm trong cõi người ta,

chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Giữa lúc từ ngữ và diễn trình ngữ pháp đang bị nghi ngờ về khả năng và hiệu quả cho thông đạt, có nên xét lại cách dùng từ ngữ, cú pháp trong thi ca Việt? Nơi mà truyền thống cưu mang nhiều huyền thoại, có thể gôm lại trong một số cụm từ: bóng bẩy, chải chuốt, bí hiểm, mơ hồ, tối nghĩa và rỗng... Có nên tìm hiểu về câu cú trong thơ Việt, nơi nhiều chữ mà ít ý, nơi hình ảnh nghèo nàn và ngữ cảnh hời hợt, nơi phô trương hơn là trình bày điều gì thật sự thôi thúc?

Ngu Yên

======================================

GHI:

(1) Câu chuyện này chỉ nhớ lại bằng bộ nhớ có tuổi, e rằng không chính xác lắm. Có thể tìm đọc rõ hơn trong bộ tạp chí Văn Học lưu trữ trong thư viện Quốc Hội Hoa Kỳ..

(2) Bằng chứng lịch sử cho thấy chữ viết Latin đi từ tượng hình, tượng thanh, rồi trở thành những mẫu tự biểu tượng và hoàn chỉnh ở mẫu tự tượng trưng. Đi từ hình ảnh ghi dấu trực tiếp đối tượng qua dấu hiệu rồi trở thành ký hiệu. Bảng chữ cái bên dưới, cho thấy những mẫu tự lúc ban sơ mang nhiều nét để giải thích và biến chuyển thành trừu tượng khi nhu cầu trao đổi chữ viết trở nên phồn thịnh dưới triều đại La Mã.

KyHieuHoc Phan1 Anh4 NguYen 

(Semiotics For Beginners của Daniel Chandler.)

Chữ viết cuả người Việt bắt nguồn từ Trung Hoa. Chữ Trung Hoa được coi như ra đời khoảng 1,500 trước Công nguyên, đời nhà Thương.

Sự hình thành của chữ viết Trung Hoa đi từ tượng hình đến biểu tượng, ví dụ

 KyHieuHoc Phan1 Anh5 NguYen

(Nguồn Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%AF_H%C3%A1n.)