"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

Ý Thức Ký Hiệu Học

3. Sơ Thảo: Ký Hiệu Giải Tích

Khi chúng ta nói hoặc viết từ ngữ:"Cái nồi", lập tức người nghe, người đọc đều hiểu ngay cái nồi là cái gì. Ý nghĩa đối tượng xác định ngay lập tức ký hiệu "nồi". Nếu cái nồi nằm trong một văn bản, cái nồi không còn đơn thuần là cái nồi. Nó có thể là cái gì khác. Ký Hiệu Giải Tích chuyên về tìm hiểu những đơn vị ký hiệu trong toàn thể ký hiệu. Bây giờ, cái nồi bước vào trong câu: Cái nồi ngồi trên cái cốc. Lạ lẫm, cái nồi trở thành cái phin pha cà phê. "Cái nồi ngồi trên cái cốc" là một biểu tượng. Hình ảnh và ý nghĩa của cái nồi và cái cốc được gắn chồng lên nhau. Phương pháp diễn đạt rất tượng hình. Nhìn về mặt văn chương, có sáng tạo và nhạy cảm sinh thú vị. Nhưng 'cái ám chỉ' lại cho thấy sự thiếu văn minh. Điều này không phải lạ lùng trong văn học. Có rất nhiều tác phẩm, nhất là thơ, rất sáng tạo nhưng thiếu cập nhật. Ví dụ này cho thấy sự lợi hại của ngôn ngữ qua trăm lối thông đạt.

Trong lý thuyết của Fedinant de Saussure, người sinh thành Ký Hiệu Giải Tích, Semiology, có mục tiêu nghiên cứu mọi hệ thống của ký hiệu về thực chất và giới hạn bao gồm hình ảnh, cử chỉ, âm nhạc, vật thể, và những giao tiếp phức tạp trong hình thức nghi lễ, cộng đồng, giải trí quần chúng. Không nhất thiết phải có ngôn ngữ đính kèm như ca khúc hoặc phim ảnh, miễn là có tín hiệu diễn đạt. Nhưng căn bản và khởi đầu Ký Hiệu Giải Tích nghiên cứu sâu đậm về sự tạo thành, sáng tạo và tái tạo ý nghĩa của diễn trình ký hiệu trong thông tri hoặc thông tin liên lạc, trao đổi giữa xã hội loài người. Trong tác phẩm "Semiotics for Beginners", Daniel Chandler giới thiệu Ký Hiệu Giải Tích:

" Có thể thai nghén một khoa học nghiên cứu về ký hiệu như một thành phần của đời sống xã hội. Nó sẽ trở thành một phần trong khoa Tâm Lý Xã Hội Học, do đó thuộc về tâm lý đại chúng. Chúng ta nên gọi Semiology (Ký Hiệu Giải Tích), từ ngữ đến từ gốc Hy Lạp, Semeion. Mục tiêu truy lùng, tìm hiểu bản chất của ký hiệu và những qui luật điều khiển chúng. Vì Semiology chưa được thành lập, không thể nói chắc chắn sẽ được thành lập. Nhưng nó có quyền hiện diện trong một tương lai nào đó. Ngôn ngữ học chỉ là một ngành của khoa học tổng quát. Những qui luật do Ký Hiệu Giải Tích khám phá sẽ được áp dụng vào ngôn ngữ học. Nhờ vậy, ngôn ngữ học sẽ đạt tới một vị trí xác định rõ rệt hơn trong kho kiến thức của nhân loại."

( Semiotics for Beginners. Daniel Chandler.)

Roy Harris (1931-2015), giáo sư ngữ học dạy tại đại học Oxford và các đại học ở Hồng Kông, Ba Lê, Nam Phi, Úc Châu và Ấn Độ; cùng một lúc là nhà tư tưởng lý thuyết về ngôn ngữ và thông đạt, lý thuyết riêng của ông được gọi là Tích Hợp Học (Integrationism); nhận định về Semiology của Ferdinand de Saussure:

"Ngôn ngữ không còn xem như nằm ngoài tầm tay với của thế giới mà chúng ta đang sống, ngược lại, nó đang ngự trị nơi trung tâm. Lời nói không còn là những ký hiệu âm thanh đơn thuần hoặc những từ ngữ bổ túc phụ thuộc chồng chất theo một trật tự đã định sẵn do sự vật đưa ra. Ngôn ngữ là sản phẩm của xã hội tương tác, là dụng cụ cần thiết do con người tạo nên để phát âm về đời sống của họ. Tiêu biểu, trong thế kỷ 20, ngôn ngữ đã ảnh hưởng sâu đậm sự phát triển suốt toàn bộ các khoa học nhân văn. Đặc biệt, biểu hiện trong Ngôn Ngữ Học, Triết Học, Tâm Lý Học, Xã Hội Học và Nhân Chủng Học.." (6)

Những ý tưởng chính trong Semiology của Saussure:

  • Ngôn Ngữ và Lời Nói.
  • 'Biểu Hiện' và 'Được Biểu Hiện'.

Một quan niệm đáng quan tâm trong lý thuyết của Saussure là sự phân biệt giữa ngôn ngữ và lời nói. Theo ông, lời nói chỉ bao hàm một phần riêng rẻ của ngôn ngữ như sự phát âm, sự áp dụng những qui tắc và những tổ hợp liên tục của ký hiệu; trong khi, ngôn ngữ là một hệ thống ký hiệu truyền thông cần thiết. Những yếu tố trong đó như ngữ vựng, ngữ pháp... có khả năng liên kết, thành lập ra những mối liên hệ khác, có nhiệm vụ thông đạt qua cú pháp và xây dựng ngữ văn. Đây là một hệ thống hoàn chỉnh, độc lập, có thể nghiên cứu riêng biệt ở bất cứ thời điểm nào dọc theo lịch sử nhân loại.

Ngôn ngữ sau khi thành hình đã thuộc về xã hội và đời sống. Một cá nhân không thể tự mình sáng chế hoặc sửa đổi ngôn ngữ. Mỗi cá nhân bị bắt buộc hoặc tự nguyện chấp nhận ngôn ngữ để truyền đạt và được truyền đạt trong xã hội.

Lời nói khác biệt ngôn ngữ từ định chế cho tới hệ thống. Nói, thực chất, là một hành động thuộc về chọn lựa và thi hành để diễn tả ý nghĩ cá nhân.

Tuy nhiên cả hai liên hệ với nhau chặt chẽ: Không có ngôn ngữ nào mà không có lời nói; không có lời nói nào ra ngoài ngôn ngữ. Trong liên hệ thành lập cũng có điều cần lưu ý: Ngôn ngữ được tạo sinh từ lời nói. Nhưng đối với người, họ không thể nói nếu không học tập ngôn ngữ. Sự khác biệt giữa ngôn ngữ và lời nói là sự khác biệt giữa "hệ thống" và " thói quen sử dụng"; "cấu trúc" và "khả năng xảy ra"; "mã hiệu" và "thông báo".

Sau cùng, đối với một người, ngôn ngữ là vốn liếng từ vựng của một người có và sự hiểu biết giới hạn của một người về cách sử dụng từ vựng. Hai điều kiện này liên quan đến trí nhớ và kinh nghiệm cá nhân cũng như khả năng và lòng yêu thích sự hiểu biết. Đó cũng là một trong vài lý do, tại sao cùng một ngôn ngữ, cùng chữ viết mà có khi đọc hiểu, có khi đọc không hiểu.

Saussure cho rằng một ký hiệu được thành lập bởi hai thành phần:

'Cái biểu hiện'(signifier) có thể là văn bản, chữ nghĩa, hình ảnh, âm thanh. 'Cái được biểu hiện' (signified) là ý nghĩa của cái biểu hiện. Khi hai thành phần tương quan với nhau, đưa đến sự diễn đạt. Ví dụ, từ ngữ "Đi" là 'ký hiệu biểu hiện', có ý nghĩa hai chân bước, là 'cái được biểu hiện'. Sự liên quan giữa 'biểu hiện' và 'được biểu hiện' tùy thuộc cách sử dụng ngôn ngữ khác nhau, cho dù cùng chung một đối tượng.

Mô hình ký hiệu của Sauusure:

Ký hiệu = Biểu-hiện + Được-biểu-hiện.

'Biểu-hiện' (signifier), nhìn thấy cụ thể. Mang theo ý nghĩa.

'Được-biểu-hiện' (signfied)i, ý nghĩa vô hình, được chấp nhận bởi cùng giống dân, sử dụng chung ngôn ngữ.

KyHieuHoc Phan2 Anh1 NguYen

 

Hai mũi tên hai bên tiêu biểu cho sự liên quan hổ tương giữa signifier và signified. Ví dụ về mô hình ký hiệu:

Nước mắt chảy là 'cái biểu hiện'

'Cái được biểu hiện' là nỗi sầu khổ hoặc sự đau đớn.

 

Louis Hjelmslev (1899-1965) dùng hai từ ngữ khác: 'Diễn cảm' (expression) và 'nội dung' (content) thay thế cho 'cái biểu hiện' và 'cái được biểu hiện'. Không nên lầm lẫn sự tương đồng giữa hình thức và nội dung ký hiệu như thuyết Nhị Nguyên (Dualism).

 

Cũng nên xác định về ký hiệu âm thanh. Saussure cho rằng, một ký hiệu ngôn ngữ không phải do sự liên kết giữa một cái gì với tên đặt cho nó. Ký hiệu ngôn ngữ là do tương quan giữa nhận thức và mô hình âm thanh. Mô hình âm thanh không phải là âm thanh cụ thể, âm thanh thật sự. Mô hình âm thanh là ấn tượng tâm lý của người nghe từ một âm thanh; nói một cách khác, lời nói "cái bàn" vang lên, không có ý nghĩa gì, cho đến khi âm thanh ấy tạo nên hình ảnh cảm nhận riêng biệt trong tâm trí một người. Sự cảm nhận âm thanh này tương quan với ý nghĩa (một mặt phẳng có bốn chân dùng để đồ vật lên trên), tạo ra ký hiệu cái bàn.

 

Saussure giám định chữ viết như một hệ thống ký hiệu thứ hai liên quan với hệ thống ký hiệu ngôn ngữ như 'cái biểu hiện' liên quan đến 'cái được biểu hiện'. Ví dụ, khi viết xuống chữ "Nữ", 'cái biểu hiện', âm thanh và hình ảnh chữ nữ từ hệ thống ký hiệu ngôn ngữ là 'cái được biểu hiện'. Jaques Derrida đã từng nói rằng, đối với Saussure, chữ viết là ký hiệu của ký hiệu.

 

  • Saussure khẳng định, ký hiệu không có giá trị nếu nó không liên kết với các ký hiệu khác. Khi những ký hiệu liên kết với nhau tạo thành một tập hợp hoặc thành một câu, Sauusure trình bày trong mô hình ký hiệu hàng ngang:

KyHieuHoc Phan2 Anh2 NguYen

Mặt phẳng A là ký hiệu đại diện, tức là 'cái biểu hiện'. mặt phẳng B là ý nghĩa của ký hiệu, tức là 'cái được biểu hiện'. Những đường thẳng cắt qua hai mặt phẳng là sự tương quan giữa A và B, tức là những ký hiệu đang nối kết với nhau.

 

Ví dụ một câu thơ gồm có 6 chữ. Sẽ có 6 đường thẳng kế tiếp nhau theo hàng ngang. Mỗi chữ sẽ là 'cái biểu hiện' (A) và 'cái được biểu hiện' (B), hợp lại theo đường thẳng, thành ký hiệu, tức là chữ. Và 6 chữ, 6 đường thẳng, tạo thành câu thơ.

" Yêu nhau cởi áo cho nhau ": Sáu ký hiệu chữ hàng ngang, xét theo hàng dọc, đều mang ý nghĩa rõ ràng đến người đọc. Riêng hai ký hiệu "cởi áo", ám chỉ chuyện trao thân. Do đó, khi sáu ký hiệu liên kết thành câu, có nghĩa: Yêu nhau trao thân cho nhau.

Trong diễn tiến của ký hiệu ngôn ngữ, nhà học thuyết Fredric Jameson nhận định về hệ thống ký hiệu của Saussure:

" Không nhất thiết chữ này hoặc câu này 'đại diện' hoặc 'phản ảnh' một đối tượng trong thực tế, nhưng đúng hơn là do cả hệ thống ký hiệu, cả lãnh vực ngôn ngữ, nằm song song với thực tại; nghĩa là toàn thể hệ thống ngôn ngữ...[...].."(Jameson 1972,32-3)

Ngoài ra, Saussure nhấn mạnh đến vai trò đối nghịch, tương phản của ký hiệu và cách sử dụng hổ tương làm cho ý nghĩa rõ ràng hơn. Ví dụ: ngày/đêm; yêu/ghét; đứng/nằm; no/đói....

Sở dĩ chúng ta biết được ngày là nhờ đêm hay ngược lại. Chúng ta biết được màu đen là nhờ so sánh với màu trắng và từ đó suy diễn ra màu xám lợt, xám đậm.

Sự khác biệt giữa các ký hiệu làm cho ý nghĩa được xác định, trong khi sự tương phản của ký hiệu làm cho ý nghĩa rõ ràng hơn.

Ví dụ:

"Nắng mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.."

( Tương Tư, Nguyễn Bính.)

" Dấu chàng theo lớp mây đưa,

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.."

(Chinh Phụ Ngâm. Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm)

  • Diễn Pháp và Hệ Thống.

Saussure đưa ra quan niệm hai trục tương quan của ngôn ngữ trong tâm trí con người. Trục ngang, dành cho những ký hiệu liên kết hàng ngang. Trục dọc, dành cho những nhóm mẫu mà ký hiệu ở trục ngang tùy thuộc vào.

Trục thứ nhất gọi là Diễn Pháp, Symtagm, bao gồm các ký hiệu trong một không gian nào đó. Những đơn vị ký hiệu hoặc từ ngữ liên kết, liên quan với nhau theo chuỗi hàng ngang hoặc theo tập hợp bởi những qui tắc, qui luật đã được thỏa thuận, để phơi bày toàn bộ ý nghĩa. Những diễn pháp là những phát biểu do những đơn vị ký hiệu được chọn lựa kết hợp tạo thành hệ thống.

'Diễn Pháp Tập Hợp' như bảng hiệu đi đường hoặc một bài thơ theo lối Cụ Thể:

KyHieuHoc Phan2 Anh3 NguYen

 

'Diễn Pháp Hàng Ngang' như những chữ kết hợp trong câu viết.

Trục thứ hai, Saussure gọi là trục "liên Hợp", Associations, mang tính hệ thống. Về sau các học giả khác cùng gọi là trục Hình Mẫu, Pradigm. Bao gồm những nhóm cùng hình thể, cùng ý nghĩa, hoặc cùng âm đọc, được quần chúng công nhận. Ví dụ, cùng ý nghĩa như: Học vấn, học tập, dạy học...; cùng hình thể như: bảng tròn, bảng vuông...

Hình Mẫu là những nhóm mẫu của ký hiệu hoặc từ ngữ, tập hợp theo chiều dọc. Ví dụ:

Cá, tôm, mực ... thuộc về mẫu hải sản.

Hỉ, nộ, ái, ố, bi, ai...thuộc mẫu tâm tình.

Hoa kỳ, Nga, Nam Phi..thuộc mẫu quốc gia.

Trục Diễn Pháp (ngữ pháp) chủ yếu trong việc phân tích ký hiệu diễn đạt. Sắp xếp các ký hiệu hàng ngang vào các nhóm mẫu ở hàng dọc, để phân loại, khoanh vùng, tìm hiểu mối liên quan và ý nghĩa của từng ký hiệu. Vi dụ về thực phẩm:

  • Hệ thống: những nhóm đồ ăn khác nhau để chọn lựa. Mỗi đĩa đều mang ý nghĩa như món khai vị, món chính, món tráng miệng và giá trị ngon / dở khác nhau.
  • Syntagm: sự sắp đặt thứ tự, gọi là thực đơn.

Trình bày theo thực đơn:

Món Khai Vị:                Súp măng cua

                                    Xà lách vịt

Món chính:                   Bò Bíp-têt

                                    Cá sốt cà

                                    Thỏ nấu rượu

Món tráng miệng:        Bánh Ga tô

                                    Kem ba màu

Dùng mô hình hai trục của Saussure:

Nói một cách khác, món súp, món sà lách từ trục hệ thống tìm lên trục hình mẫu, sẽ thấy thuộc về nhóm khai vị. Trong khi món bò, món cá, món thỏ thuộc về nhóm món chính và bánh, kem thuộc nhóm tráng miệng.

 

KyHieuHoc Phan2 Anh4 NguYen

Ví dụ khác:

 

" Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường "

 

( Hồ Trường. Nguyễn Bá Trạc.)

 

Từ trục hàng ngang (ngữ pháp) tìm lên trục hàng dọc (mẫu chung):

 

Đại trượng phu: Mẫu người chí khí.

 

Không hay: Mẫu lời ta thán.

 

Xé gan bẻ cật: Mẫu hành động anh hùng.

 

Phù cương thường: Mẫu chí kẻ sĩ.

 

Nếu đã tìm ra mẫu, thì không thể lầm lẫn từ "cật" là cật cây tre như nhiều người đã bàn luận. Vì cật tre không thuộc về nhóm hành động.

 

  • Saussure định nghĩa Ngôn ngữ học có mục tiêu nghiên cứu, tìm hiểu ngôn ngữ hiện tại và ngôn ngữ trong lịch sử. Đi vào những lãnh vực: Âm vị học, Ngữ âm học, Hình thái học, Cú pháp học, Ngữ nghĩa học, Thực liệu học, và sự thu nhận ngôn ngữ.

 

Ngôn ngữ là hệ thống chính thức để trao đổi, giao tiếp, truyền đạt, thông tin. Cấu trúc của hệ thống này phức tạp và khác biệt do nó phản ảnh tư tưởng của mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi thời đại. Không có đơn vị ngôn ngữ nào, âm thanh hoặc từ ngữ, tự nó có ý nghĩa. Mỗi đơn vị ngôn ngữ đưa ra ý nghĩa khi nó kết hợp với các đơn vị khác. Giá trị của một từ ngữ chỉ có thể thể hiện và gần như đặc thù khi nó tương quan với những từ ngữ khác trong những qui luật diễn đạt.

 

Chính vì vai trò ngôn ngữ quá quan trọng với Ký Hiệu Giải Tích, nên bộ môn này không thể độc lập. Đó cũng là một yếu điểm sẽ bị chỉ trích trong tương lai.

 

Một trong những vấn đề sâu sắc mà các nhà ngữ học, kể cả Saussure phải đối phó là sự thay đổi ý nghĩa của nội dung từ ngữ qua thời gian, qua thời đại, tùy thuộc mỗi xã hội và dụng ý của mỗi cá nhân sử dụng.

 

Mỗi từ ngữ, nhất là từ ngữ trừu tượng, thường có một số nghĩa đính kèm: nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa rộng, nghĩa ám chỉ... Trong quan điểm này, từ ngữ dùng trong triết học, nhất là trong thơ, thường có nghĩa bất thường, khác thường hơn nghĩa chính thức. Do đó, phân tích và dịch thơ thường vấp nhiều vấn nạn.

 

Ví dụ, một câu khó hiểu trong ca khúc Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn:

 

" Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao."

 

Để phân tích câu này, người đọc nên chia thành hai vế: Dài tay em mấythuở mắt xanh xao.

 

Thuở mắt xanh xao thuộc mẫu thời gian.

 

Tay em thuộc mẫu tứ chi.

 

Mấy thuộc mẫu lời hỏi

 

Dài thuộc mẫu kích thước

 

Câu này giải thành nghĩa: " Tay em dài bao nhiêu / thuở mắt xanh xao."

 

Đưa vào mô hình 'Biểu hiện' và 'Được biểu hiện', cả hai vế từ đều là biểu tượng.

 

Ký hiệu " Thuở mắt xanh xao" có đối tượng là trong một khoảng thời gian nào đó, ánh mắt mệt mỏi, nhợt nhạt. Ám chỉ, một thời buồn bã, thất vọng của người thiếu nữ.

 

Ký hiệu " Tay em dài bao nhiêu" có đối tượng ta thán về chiều dài của cánh tay. Ám chỉ cảm giác ngậm ngùi, em đã đối phó, đã hiểu đời được bao nhiêu, có biết tình là cái chi.

 

Nghĩa sau cùng của câu hát này: " Em vẫn còn ngây thơ trong thời buồn bã ấy."

 

Sự tương quan, liên kết của từ ngữ với những từ ngữ khác trong một câu, một đoạn, rất quan trọng đối với ngôn ngữ thơ. Vì thơ không cần theo thứ tự hoặc qui luật văn phạm, pháp ngữ như văn xuôi. Ngôn ngữ thơ có sự liên quan ngầm, liên quan đứt đoạn, liên quan cách khoảng với các từ ngữ cùng nó tạo nên ý nghĩa nhưng không nhất thiết phải nằm cạnh nhau hoặc theo một hệ thống ngữ pháp đã hoàn chỉnh. Đó là một trong vài lý do khiến cho thơ khó hiểu, khó giải thích, khó phân tích và khó sáng tác. Ví dụ:

 

Tôi mở cửa bước vào
người con gái tóc đen biến mất
vào lúc cuối các anh sẽ thấy cô ta quay trở lại
chỉ để lăng mạ tôi
cô ta là bí mật tỉnh lẻ
còn tôi biết đọc tiếng Latin.

 

...[...]...

 

( Người Con Gái Tóc Đen Và Tôi. Phan Nhiên hạo.)

 

Những câu thơ đứt đoạn, khiến cho bài thơ khó hiểu. Vai trò của người đọc là liên kết những ngữ cảnh đang có với những tứ cảnh không có trong bài thơ, để có thể hiểu ý tác giả và cảm nhận toàn bài. Người ta hay biện luận rằng, không cần phải hiểu, cảm nhận là đủ rồi. Xin hỏi, cảm nhận được bao nhiêu khi không hiểu? Có phải nếu hiểu rõ, sẽ cảm nhận sâu và rộng hơn không?

 

Ký Hiệu Học có thể từ những chữ, những câu thơ là ký hiệu, tìm đến ý nghĩa của các ký hiệu (từ ngữ, câu cú) rồi nắm bắt những gì nhà thơ ám chỉ. Hai câu thơ "cô ta là bí mật tỉnh lẻ / còn tôi biết đọc tiếng Latin " cho thấy cô gái này là loại người nào, giống dân gì,và tâm trạng lan man của chàng trai thích gái đẹp... Câu " vào lúc cuối các anh sẽ thấy cô ta quay trở lại / chỉ để lăng mạ tôi..", khiến cho người đọc đợi chờ, nôn nóng, xem thử cô ta chửi mắng ra sao. Rồi chỉ thấy tác giả lập lại, không giải thích gì. Người đọc lại tiếp tục suy nghĩ. Bài thơ hay ở chỗ đã mang cô gái bí mật tỉnh lẻ này theo trí nhớ người đọc. Để thỉnh thoảng phân vân... .

 

Một điểm nhấn khác về ngôn ngữ thơ, đó là sự xuất hiện 'bất ngờ', 'đắc địa' và 'sáng' trong diễn trình làm thơ. Khi một từ ngữ, một cụm từ hoặc một câu thơ xuất hiện với ba yếu tố trên, sẽ trở thành độc đáo, đặc thù và huyền diệu.

 

Không phải chỉ riêng thơ, bản tính 'tùy tiện' và 'tự trị' của ngôn ngữ, cũng sẽ xuất hiện trong văn xuôi và trong lời nói hàng ngày. Những câu nói đó thường trở thành trích ngôn hoặc danh ngôn. Tuy nhiên, sự 'tùy tiện' và 'tự trị' của ngôn ngữ có giới hạn trong hai qui tắc: hợp lý và được công nhận. Ví dụ: Anh ấy mặc áo cụt tay. Nếu viết rằng: Anh ấy mặc áo, cụt tay, sẽ không hợp lý với ý muốn diễn tả lúc ban đầu.

 

Dù có sự khác biệt nhưng Ký Hiệu Học và Ký Hiệu Giải Tích chung đụng tương đắc. Những qui luật Ký Hiệu Giải Tích tìm ra, được ứng dụng và Ký Hiệu Học. Cả hai đều có nhiều quan điểm chung, nhất là về phần văn bản và ký hiệu.

 

Ngu Yên

=====================================

 

GHI:

 

(6) Roy Harris 1988. language, Saussure and Wittgenstein. Routledge. Pix. (Trích Wikipedia / Ferdinand de Saussure.)

 

(7) Người Con Gái Tóc Đen Và Tôi
Tôi mở cửa bước vào
người con gái tóc đen biến mất
vào lúc cuối các anh sẽ thấy cô ta quay trở lại
chỉ để lăng mạ tôi
cô ta là bí mật tỉnh lẻ
còn tôi biết đọc tiếng Latin.

 

Hai tay khâu vào túi quần tôi không rút ra được để vẫy
chào một thiên thần đi ngang
giống như một con bướm khổng lồ với cơ phận sinh dục được phóng đại
nàng bay thật dịu dàng
đuổi theo nàng là một chiếc phi cơ
giống như một con bướm khác bằng sắt
không có lông và rất ồn ào.

 

Tôi nhận ra giữa Đông và Tây có một người đi xe đạp
đó là người con gái tóc đen chạy đuổi theo mặt trời
rồi các anh sẽ thấy cô ta quay trở lại
chỉ để lăng mạ tôi
cô ta là bí mật tỉnh lẻ
còn tôi biết đọc tiếng Latin

 

Nhưng tôi tin chắc đó phải là một ngày nhật thực.

 

Thơ: Phan Nhiên Hạo.