"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

? & ?

*

1.

Thỉnh thoảng trên đường du ngoạn, tôi ghé thăm nhà sư Miên Sokney trong một thành phố nhỏ ở Ocala, tiểu bang Florida. Uống trà. Quanh quẩn những câu chuyện văn chương. Tôi đùa với ông:

- Thầy có đọc cuốn sách Thiền nào, chỉ cách làm thơ hay, không?

- Có.

- Muốn làm thơ hay thì phải làm sao?

- Hai chữ thôi: Thường Tâm.

Chuyện đùa, vậy mà hai chữ này đã đeo đuổi tôi gần ba năm nay. Hiểu? tôi hiểu. Mù mờ? có mù mờ. Áp dụng? có nhưng không thấy khác biệt. Cho tới một hôm...

2.

Một hôm tình cờ đọc được câu nói của thi sĩ Li băng, Kahlil Gibran: “Trees are poems the earth writes upon the sky, We fell them down and turn them into paper, That we may record our emptiness.” Cây cối là những bài thơ mà đất viết lên trời. Con người chặt xuống làm thành giấy để ghi lại nỗi niềm trống không.

Thi sĩ Gibran thật cao kỳ khi ví nhà thơ như đất đai, bài thơ như cây cối, cõi thơ như trời cao. Bởi vì đất muốn làm thơ phải có mầm. Từ mầm lên thành cây non, từ non trở thành già, rồi sẽ có những cây già trở thành cổ thụ. Một tiến trình công phu, dãi dầu mưa nắng, để tỏa cành lá lên bầu trời, nơi sẽ có ánh sáng rực rỡ của mặt trời và ánh sánh huyền ảo của vầng trăng.

Ông lại càng cao kỳ hơn khi đưa sinh hoạt tượng trưng này liên kết với sự sáng tạo thơ của con người. Muốn làm thi sĩ phải chặt cây xuống, phải mang thơ của đất trời vào hồn, đưa qua một tiến trình để trở thành chất liệu, phương tiện như làm gỗ thành giấy. Lúc bấy giờ mới có thể sáng tác thơ. Sáng tạo thơ như thế nào? Ghi lại sự trống không.

Trước khi có thể ghi lại sự trống không này, nhà thơ phải nắm bắt, xuyên suốt, rung cảm được "thơ" của đất viết lên trời. Tức là cái thẩm mỹ của tạo hóa, cái đẹp cái hay đã sẵn có trong vũ trụ. tất cả những dữ liệu đó được tiêu hóa trong tâm hồn, hoà nhập với bản chất đặc thù của mỗi người, để trở thành một năng lực sẵn sàng sáng tác. Và đúng một lúc nào đó, dùng năng lực này để ghi lại sư trống không.

Ghi lại sự trống không trở thành điều bí mật của thi ca.

3.

TRỐNG KHÔNG,

Gió thổi vào vách núi, không tạo ra tiếng ầm ĩ. Trong núi có hang rỗng, gió thổi vào sẽ ngân lên tiếng hú. Có người đã so sánh: Đời sống như ống sáo. Có nhiều lỗ khuyết và trống rỗng nhưng nếu chúng ta cẩn trọng gia công luyện tập, có thể thổi thành những âm điệu kỳ diệu. ( Life is like flute. It may have many holes and emptyness but if you work on it carefully, it can play magical melodies.)

Nói một cách khác, sự trống rỗng của ống sáo phối hợp với hơi thổi của con người, tạo ra âm thanh. Sự trống không phối hợp với hơi thở con người tạo ra thơ. Nói cho rỏ hơn, phải mượn lời của nhà đạo diễn kiêm tài tử điện ảnh Jeff Bridges: The more space and emptiness you can create in yourself, then you can let the rest of the world come in and fill you up. Càng có nhiều khoảng không và trống không mà ta có thể tạo ra trong lòng để ta có thể cho những sự việc khác trong vũ trụ tràn vào và dâng đầy đời ta. Nói một cách, đã đầy thì không thể chứa. Muốn chứa thì phải trống. Tại điểm này có một câu hỏi rất là "thiên", Đã trống không, còn chứa gì nữa?

TRỐNG KHÔNG trong cách nhìn của tây phương thường là tiêu cực. Nó bao hàm sự cô đơn, nhàm chán, mất mát, rỗng tuếch... cảm giác buồn bã này cũng là động cơ sáng tác. Trong mắt nhìn của đông phương, TRỐNG KHÔNG trở thành tích cực.

TRỐNG KHÔNG trong quan niệm đông phương gắn liền với HƯ VÔ và ĐẠO. Ý niệm này nằm trong hai phạm trù chính: Phật giáo và Lão giáo. Có học giả tây phương phân biệt Hư Vô của lão giáo, Nothingness ()Trống Không của Phật giáo, Emptiness ().Ở đông phương,hai quan niệm này hòa đồng, ngoại trừ trong chuyên ngành triết học, có tranh cãi về sự khác biệt. Chúng ta không đi sâu vào cõi triết lý và đạo. Chỉ quan tâm đến Trống Không/HưVô trong lãnh vực thi ca. Mượn lời của nữ nghệ sĩ Isabelle Adjani: Nothingness not being nothing, nothingness being emptiness. Sự Không-có-gì không phải là không có gì, sự Không-có-gì là sự Trống-không. TRỐNG KHÔNG/HƯ VÔ dù tiêu cực hay tích cực đều là nơi phát động ra thơ, là nguồn cội của thi ca.

4.

Sinh hoạt " chặt cây xuống để làm thành giấy ", trong tiến trình làm thơ tác động như thế nào với Trống Không?

Có những cái TRỐNG có thể lấp đầy. Có những cái TRỐNG vĩnh viễn. Có những cái KHÔNG trở thành CÓ. Có những cái KHÔNG muôn đời vẫn KHÔNG.

Cái TRỐNG KHÔNG ngự trị cả đất trời, ở trong mọi thứ, là chốn bắt đầu, là nơi đi tới, là cái TRỐNG KHÔNG của" Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật." ( Lão Tử); của Vòng Tròn Viên Mãn trong Thiền Tông; của cái KHÔNG Vô Thường trong Phật lý nói chung.

Vào thời Tần Hán, ông Vương Bật viết: "Tịch nhiên vô thể, bất khả vi tượng" trong Vương Bật tập hiệu thích. Luận ngữ thích nghi. Có nghĩa là Vắng lặng không có hình thể, không thể tượng được. Ý ông cho rằng Đạo là gốc là Không. Không là gốc là Đạo. Ở chất sinh khí của hình nhi thượng, thơ mang bản chất thiêng liêng. Do đó, ngày xưa người ta gọi thi sĩ là những nhà tiên tri. Kinh điển ngày xưa cũng truyền theo lối thơ. Những bài kệ, những bài thơ huấn đạo của các bậc sư tổ cho thấy thơ chuyên chở đạo lý và khai phá sự tối tăm của mỗi cá nhân.

Mây và hoa

rơi không biết về đâu

dông hay tây.

Clouds and flowers

fall not knowing

east or west

(Yaohiko. Trích Japanese Death Poems by Yoel Hoffmann, trang 339.)

Người đọc đã thường xuyên thưởng thức cái KHÔNG trong thơ Hài Cú, thơ Thiền, thơ Trung Hoa qua nhiều thế kỷ, đủ dạng đủ hình. Những thi sĩ thấm nhập được tính KHÔNG, cảm thức được HƯ VÔ, trong lịch sử thi ca, có rất nhiều. Người đọc khá quen thuộc với những ý tứ và hình ảnh của những loại thơ này. Trong hiện đại, một số thi sĩ vẫn từ chỗ KHÔNG diễn đạt thơ trong ý tứ cụ thể hơn, hoặc trong những chi tiết bình thường hàng ngày.

Chim mộng du, dẫn tôi đi

Chim từ tâm, hóa thân tôi

Sleeping birds, lead me

soft birds, be me

( Clemente's Images. Robert Creeley)

Trăng sáng

Tôi băn khoăn bom thả nơi nào

Moon's brightness

I wonder where they're bombing

( Taneda Santoka. Dịch bản Anh ngữ bởi Hiroaki Sato)

Người Ma-rốc với thảm dệt

trông như ông thần

chỉ là thương nhân

The Moroccans with the carpets

seem like saints

but they're salemen

( The Moroccans With The Carpets. Patrizia Cavalli)

Cái TRỐNG KHÔNG có thể chứa, có thể đổ vào, sự và việc, hình và bóng của đời sống, là cái TRỐNG KHÔNG phát động thơ nhiều nhất ở cõi hình nhi hạ. Cái TRỐNG KHÔNG của đầy rồi vơi; của còn rồi mất; của triết gia Heraclitus: Anh sẽ không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông; của sinh hoạt hàng ngày; của vô lý trong chiêm bao....

Chuông lộng đầy gió thổi

nghe như không tiếng vang.

Chim bay cao thẳng cánh

thấy như vẫn yên lặng.

Trời giăng nhiều mây phủ

tuy vậy vẫn một mình.

Thế giới tràn tiếng ồn

nghe như không ai nói.

Tất cả đầy chuyển động

thấy như không đường đi.

Tất cả đang di chuyển

hướng về tự hiện diện.

The bell is full of wind

though it does not ring.

The bird is full of flight

though it is still.

The sky is full of clouds

though it is alone.

The word is full of voice

though no one speaks it.

Everything is full of fleeing

though there are no roads.

Everything is fleeing

toward its presence.

( From Sixth Vertical Poetry. Roberto Juarroz. Bản dịch từ Tây Ban Nha bởi W.S.Merwin.)

Đời sống xoay trong quỹ đạo của TRỐNG KHÔNG, tạo ra cô đơn, mặc cảm, mất mát, ...v..v... cùng với những cảm giác, cảm xúc và rung động kèm theo. Thơ phát xuất từ nơi này.

Nói cụ thể hơn, những chỗ trống trong tâm hồn tương quan với những chỗ trống trong đời sống. Những chỗ trống này, lúc đầy, lúc rỗng; lúc có, lúc không. Sinh hoạt này được thẩm mỹ hóa qua ngôn ngữ; được ghi lại bằng kỹ thuật làm thơ để trở thành bài thơ.

TRỐNG KHÔNG chỉ là một trong nhiều cách nhận diện sự xuất hiện của thơ. Nhưng cách này cho thấy, thơ có gốc rễ từ cái nguyên thủy của sự sống và có hành trình đi cùng với bản tánh biến hóa từ nguyên thủy. Thơ chẳng những mọc lên từ mầm trong đất mà phải có sự tự sống như cây vươn nhánh lên trời. Mỗi bài thơ là mỗi cây, mỗi sự sống, mỗi khả năng vươn lên khác nhau. Mỗi thi sĩ phải tự đổ cái đầy trong lòng để tạo ra những chỗ trống. Rồi phải tự mình chọn lọc những sự việc trong đời sống để đổ vào cho đầy. Khi chất đẹp/hay đã thấm vào máu, đó là lúc đổ cái đầy ra lại, để trống chỗ, nhận thứ khác vào. Và thơ là ngôn ngữ ghi lại tâm tình không phải lúc đầy mà là lúc trống.

Lúc TRỐNG?

Chính sự luân phiên của âm và dương mới là đạo cụ thể. Chính sự sinh hoạt của vạn vật mới là sống. Không phải là chuyện mất, mà là chuyện từ có đến mất, từ còn đến mất, từ mất đến có là sinh hoạt cho thơ ghi lại. Không phải là không, mà là từ đầy đến vơi, từ vơi đến không, từ không đến đầy, mới là sinh hoạt mà thơ ghi lại. Không phải chết, mà là từ sống đến chết, từ chết ước vọng sống lại dù là ở thế giới nào, mới là sinh hoạt tạo ra thơ.

Thân Xác ngôi nhà

con ngựa chó săn

ta phải làm gì

khi ngươi ngã xuống

Ta ngủ ở đâu

cưỡi như thế nào

săn bắn làm sao

Ta đi về đâu

khi không ngựa cưỡi

nóng lòng cần nhanh

Làm sao ta biết

trong bụi rậm phía trước

nguy hiểm hoặc kho tàng

khi Thân Xác ta

con chó thông minh đã chết

Sẽ như thế nào

khi nằm giữa trời

không mái không cửa

và gió thay cho mắt

Theo mây trời nổi trôi

ta lẩn trốn thế nào?

( Question. May Swenson. A Book of Luminous Things. An International Anthology of Poetry, edited Czeslaw Milosz, trang229. )

Question

Body my house

my horse my hound

what will i do

when you are fallen

Where will i sleep

How will i ride

What will i hunt

Where can i go

without my mount

all eager and quick

How will i know

in thicket ahead

is danger or treasure

when Body my good

bright dog is dead

How will it be

to lie in the sky

without roof or door

and wind for an eye

With cloud for shift

how will i hide?

5.

Vậy thì ông sư Miên Shokney ăn nhập gì với TRỐNG KHÔNG?

Thưa, chẳng liên quan gì mấy. Tôi xin kể tiếp: Sau một thời gian băn khoăn mãi hai chữ Thường Tâm. Cho đến một hôm, tôi gọi điện thoại để hỏi nhà sư cho ra lẽ. Ông nghe xong, trả lời: Tại anh có tham vọng muốn hiểu cái bóng nên phải lẩn quẩn không lối ra. Cái hình thì có sẵn, dễ thôi. Tâm trạng bình thường, giữa tâm không vọng động, lời thơ tự nó sẽ hay.

- Người thích đàn bà, thấy đàn bà đẹp, sẽ động tâm. Người yêu thơ, thấy thơ, sẽ động tâm. Sinh lòng yêu thơ hay, ghét thơ dở. Thích nhà thơ này, không ưa nhà thơ kia. Nghe lời thơ không vừa ý, tất sinh khó chịu. Làm sao được tâm trạng bình thường.

- Anh hỏi tôi, muốn làm thơ hay phải làm sao? Tôi trả lời hai chữ: Thường Tâm. Không phải bốn chữ: Tâm trạng bình thường. Bốn chữ này chỉ là một cách giải tỏa nghi vấn. Giải thích chỉ có thể gần đúng, không khi nào hoàn toàn đúng.

Tôi gác điện thoại rồi. Bắt đầu băn khoăn trở lại: Giữ tâm không vọng động, dễ chăng?

Ngu Yên