"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Hoài Nghi và Thám Hiểu Nghệ Thuật

Hoài nghi là một khả năng sinh tồn. Đánh thức lòng say mê một chiều. Phản bác lại lý luận của tri thức. Bắt đầu cho một hành trình nhìn lại và tìm kiếm một phương hướng khác để đi.

Hoài nghi là bắt đầu định giá trở lại những gì đã được định giá. Định giá lại giá trị trong quá khứ và giá trị hiện tại của đối tượng bên ngoài. Hoài nghi còn quan trọng hơn khi tái định giá lại giá trị của chính mình.

Một nghệ sĩ khi đã hoài nghi về giá trị của nghệ thuật đang được tôn thờ thì không cách nào hơn là hủy bỏ những phức tạp của nghệ thuật đó, nắm lấy tính và chất tinh ròng và đơn thuần để trồng vào giá trị sáng tạo riêng trong lòng, tư hóa và đặc thù, để nẩy sinh một giá trị khác của nghệ thuật.

Cuộc tranh luận độc thoại này càng hung hãn, càng gay gắt, càng hơn thua chừng nào thì càng có kết quả hữu ích chừng đó. Trớ trêu là kết quả này lại dẫn đến những tranh luận khác và cứ như vậy cho đến khi người đó bỏ cuộc hoặc chết đi. Vì hoài nghi là yếu tính của nghệ thuật. Còn mục diện sau cùng của nghệ thuật là thẩm mỹ tuyệt đối thì chưa hề trông thấy.

Quá trình này có thể ví như tự nhảy vào vực sâu. Vực sâu đây chính là cõi nghệ thuật mà chưa ai biết rõ. Có thể là cái đẹp sau cùng, có thể là bí ẩn đời sống, có thể là Sẽ Không Bao Giờ Biết nhưng với bản tính thám hiểm, với trực giác sáng tạo, với một lòng can đảm xem thường thất bại, người nghệ sĩ này sẽ cảm và thức được, đáy vực sâu là nơi anh ta muốn tới.

Một tôn giáo nhân thì tìm kiếm bí mật của đời sau. Một triết gia thì tìm kiếm bí mật của cội nguồn và bến đổ. Một nghệ sĩ thì tìm kiếm bí mật của hay đẹp trong tâm hồn. Bất cứ là tìm cái gì, cứ tìm kiếm là có hoài nghi. Hoài nghi càng lớn thì tìm kiếm càng triệt để.

Nghệ thuật thì không cần đúng sai, không cần thiện ác, chỉ cần nỗi sung sướng trong tim. Nhưng khi hoài nghi về con đường dẫn đến sự sung sướng, khi hoài nghi chính bản chất của sự sung sướng, thì nghệ thuật phải chăng là nỗi khổ đau?

Năm xưa khi Trương Chi say đắm Mỵ Nương, chắc chắc anh ta sung sướng vô cùng. Tin tưởng vào tiếng sáo sẽ dẫn đưa đến tình yêu. Nghệ sĩ nào cũng có những giây phút ngây thơ và những niềm tin cực đoan trong vài giai đoạn hoặc cả đời người. Chắc bạn cũng cảm được anh Trương Chi đã mê mang biết bao là mộng mị. Rồi một hôm, thất vọng. Thưởng ngoạn từ chối anh. Buồn bã, khổ đau, nghi ngờ cây sáo "thần kỳ" kia. Nghi ngờ tiếng sáo mê hồn kia đã một thời cho anh được tình yêu của người đọc. Bẻ gãy cây sáo, rơi vào vực sâu để tìm đâu một tiếng sáo một con đò đưa anh về dung nhan kiều diễm. Anh Trương Chi khổ đau vì không được yêu là dĩ nhiên nhưng anh càng đau khổ hơn vì biết được chính dung nhan xấu xí của mình. Có thể thất vọng hơn nữa khi biết mình không có tài năng trở thành khanh tướng để sánh đôi với Mỵ Nương. Câu chuyện Trương Chi kết thúc bằng trái tim ngọc, mài thành ly ngọc để giọt nước mắt ngậm ngùi thương tiếc làm tan vở khối u tình của kẻ tình u. Anh Van Gogh cũng thảm thương bỏ đời để lại những bức tranh, đương thời không ai coi trọng. Vậy mà một hôm Sunflowers, hoa Mặt Trời thành ngọc. Giá bán bạc triệu. Ngàn ngàn giọt nước mắt ngậm ngùi. Giá như không nghi ngờ nghệ thuật hội họa thời đó, chắc gì anh Van Gogh đã chọn con đường vẽ khác để đi vào lịch sử. Nghệ thuật Trương Chi và nghệ thuật Van Gogh khác nhau chỗ nào vậy?

*****

Hai ông triết gia hạng nặng khác ý nhau. Ông Immanuel Kant cho rằng, trước khi tiến hành một công việc cần phải có một nhận thức đối với các công cụ, phương pháp để thực hiện công việc. Nếu chặng đường công cụ và phương pháp không hoàn chỉnh thì kết quả công việc không thể tốt đẹp.

Ông Friedrich Hegel phản bác rằng, khi một người khảo sát nhận thức về công cụ hay phương pháp, tức là đang nhận thức về nhận thức, để tìm sự hoàn hảo thì giống như người trước khi học được cách bơi thì đừng xuống nước vì đắn đo nguy hiểm.

Cả hai đều đúng. Ráp vào việc làm nghệ thuật, bạn có thể thấy ngay, lời ông Kant ứng dụng cho một nghệ sĩ hoài nghi về tiến trình sáng tác. Chú trọng đến thành quả của tác phẩm. Trong khi lời của ông Hegel là hoài nghi về tính sáng tạo. Không thể nào đạt được nghệ thuật nếu không xông phá vào nghệ thuật. Dĩ nhiên, đây chỉ là một chi tiết nhỏ trong bức tranh suy tư to lớn của hai vị triết gia thế kỷ 18, 19.

Mượn cách lập luận này để dẫn chứng yếu tính hoài nghi quan trọng như thế nào trong nghệ thuật. Một nghệ sĩ không bao giờ hoài nghi về khả năng tri thức, tài năng áp dụng vào tác phẩm hoặc nghi ngờ chính giá trị của tác phẩm của mình, người nghệ sĩ này chưa trưởng thành trong nghệ thuật. Một nghệ sĩ chưa bao giờ nghi ngờ về tài hoa của mình trong sáng tạo nghệ thuật thì chưa thể là nghệ sĩ có bản lãnh để tác tạo những tác phẩm có giá trị cao.

Cái tạo ra giá trị nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ và mỗi tác giả là mức độ của bản chất nghệ thuật và thực niệm về quang tính nghệ thuật. Muốn được giới tiêu thụ hâm mộ, một chiếc xe hơi thể thao (sport) phải đẹp từ hình dạng đến màu sắc. Phải hội đủ mức độ xe thể thao: tốc độ nhanh và trang bị công nghệ, kỹ thuật phải cao độ và yếu tính của xe thể thao phải an toàn vì không có người giàu nào muốn chết sớm. Còn một chiếc xe đò chở khách thì từ tứ, ý, bản chất sẽ khác với xe thể thao. Nhưng phải có cùng yếu tính là an toàn vì người thường, người nghèo, cũng không ai muốn chết. Vì vậy, bản chất nghệ thuật và quang tính nghệ thuật là xương sống để xây dựng một cơ thể tác phẩm. Cơ thể này hình dạng ra sao, mặc áo quần gì, thuộc về tứ.

Một tác phẩm được thưởng ngoạn từ hình dạng, tức là tứ. Cùng với tứ, thưởng ngoạn sẽ đạt được ý. Sau đó, thưởng ngoạn có trình độ sẽ thẩm thấu mức độ bản chất nghệ thuật và yếu tính nghệ thuật của tác phẩm qua phương pháp sáng tác. Toàn bộ trình bày được khả năng và giá trị sáng tạo của tác phẩm và ghi nhận tiến trình sáng tác của tác giả.

Rồi một hôm nào, người nghệ sĩ, như một thức giấc, cảm thấy những tác phẩm, những giá trị nghệ thuật đều rơi vào nghi hoặc. Ngay ở ngã ba dừng chân này, người nghệ sĩ có thể rẽ vào ngã đường an toàn. Lãng quên những hoài nghi. Nắm giữ những gì đã tạo nên trong quá khứ. Giữ lấy gia tài nghệ thuật đã hiểu, đã nghiệm, đã có. Giữ lấy tên tuổi và sự hài lòng. Hoặc rẽ vào con đường chán nản, bỏ cuộc chơi. Hoặc rẽ qua con đường Thám hiểu. Con đường của trưởng thành nghệ thuật. Con đường tự tiệm hành một bản lãnh

*****

Thám Hiểu. Có công án Thiền kể rằng, một người té xuống triền núi sâu. Anh ta quơ quào rồi nắm được một rễ cây. Đeo lơ lửng, chưa có cách gì để leo lên. Đang loay hoay, anh ta nhìn thấy hai con chuột, một trắng một đen, đang gặm cái rễ cây ở đầu trên. Thế là xong. Chẳng bao lâu rễ cây sẽ đứt. Chợt anh nhìn sang một bên, thấy một bông hoa đang nở trên sườn đá. Hoa đẹp, hương thơm và anh tận hưởng....Câu chuyện chấm dứt ở đây. Để lại nhiều tranh cãi.

Trong lãnh vực nghệ thuật, có thể nói, anh này là người nghệ sĩ, vô ý rơi xuống vực sâu. Bám lấy một giá trị nghệ thuật nào đó để lửng lơ. Rồi cái giá trị tạm này cũng không thể là cứu cánh. Đành ngắm nhìn ngang dọc, tìm thấy một "đóa hoa". Đẹp thơm mà không nắm được, không cứu được, chỉ bày tỏ sự thánh thoát, thoải mái, đắc đạo trước phút lâm chung. Hậu nghiệm không ai biết.

Hình ảnh người nghệ sĩ đong đưa này có thể nhìn thấy khắp nơi. Thật ra, đã chắc gì có đóa hoa đang nở. Hoặc vì tự tôn hoặc vì hoang tưởng mà đóa hoa đã mọc ra. Câu hỏi còn lại là khi nào anh này sẽ rớt? Số phận sẽ ra sao? Sống hay chết? Hoặc bị thương? tật nguyền suốt kiếp?.... Mỗi người nghệ sĩ sẽ ra sao khi cứ mãi đong đưa chờ đợi? Hầu như mỗi người nghệ sĩ đong đưa đều có ý nghĩ giống nhau, tin tưởng giống nhau, nói giống nhau: Vui thôi. Rồi đời sẽ chóng qua.

Đóa hoa này nở ra đúng lúc, rất đẹp và héo dần trong quan tài đậy nắp. Ý nghĩa và cảm giác, cũng như "lòng" tri thiên mạng đều đúng. Không có nghệ thuật sau cái chết. Nghệ thuật chỉ hiện hữu trong cõi sống. Nhưng có điều gì đó không mãn nguyện cho người không phải vô ý rớt xuống vực sâu mà cố tình "thám hiểu" tụt xuống triền dốc núi.

Nếu mời trời đất đứng sang một bên, thì không có Tiên thiên nghiệm và Hậu thiên nghiệm. Chỉ có Tiên nghiệm và Hậu nghiệm. Phần tiên nghiệm đã có cho đến lúc "đắc phước" đóa hoa. Còn phần hậu nghiệm ra sao?

Những nghệ sĩ thuộc thành phần thám hiểu sẽ dấn thân vào những nơi không được chấp nhận. Những giá trị nghệ thuật được công nhận, được ủng hộ, được ngợi ca, sẽ không thấy ở những nơi này.

Họ bắt đầu bằng những cơn say mê khi "tuổi nghệ thuật" còn vị thành niên. Thời điểm này, nghệ sĩ hít thở dưới bóng những thần tượng. Sản phẩm nghệ thuật của họ là những "chép lại" với những giá trị đẹp hay của mỗi cá tính. Và họ thường cho rằng họ đã có một vị trí riêng, một nghệ thuật riêng nhưng thật ra: Đẹp và Hay của mỗi cá tính chỉ mới là bản chất của nghệ thuật. Họ có thể ngưng lại ở đây. Đa số ngưng lại ở đây, thoải mái với nghệ thuật qua ngày....

Nếu chỉ cần có đẹp và hay là hội đủ điều kiện cho một tác phẩm giá trị, thì đòi hỏi này đúng nhưng thiếu. Với kỹ thuật tiến bộ nhanh chóng, với những trường dạy nghệ thuật khắp nơi, với cái đẹp điều hay được phát tán toàn cầu, thì cái đẹp đồng dạng và cái hay sáng chế cũng dễ sáng tác thôi. Khó mà phân biệt cái đẹp cái hay biến báo đồng dạng hoặc dị dạng với cái đẹp cái hay nào nguyên gốc (original). Nhất là khả năng bắt chước và chép lại ngày nay rất tinh vi và được đám đông công nhận. Vì vậy cho dù đạt dược bản chất đẹp và hay của nghệ thuật, vẫn cần phải đạt được một yếu tố khác, đó là sáng tạo. Sáng tạo của tứ. Sáng tạo của thủ công, kỹ thuật. Sáng tạo không phải chỉ là phương pháp mà là "kết quả" hữu hình hoặc vô hình sẽ được nhận ra trên tác phẩm.

Nếu tiếp tục hành trình tri thức và cảm nghiệm, "tuổi nghệ thuật" sẽ trưởng thành. Họ chuyên chú về cá tính và phương pháp sáng tạo. Giá trị Đẹp và Hay chuyển hướng. Khác như thế nào là tùy vào năng lượng và sức cá biệt của cá tính. Lòng kiêu hãnh cá nhân dần dần nhỏ xuống và lòng kiêu hãnh nghệ thuật dần dần gia tăng. Phải có lòng kiêu hãnh nghệ thuật thì nghệ sĩ mới đứng vững giữa cơn ba đào của chính trị, kinh tế, xã hội, công danh và kể cả tình yêu, một trong nguồn cơn lớn nhất của nghệ thuật. Lòng kiêu hãnh cá nhân thường làm cho nghệ sĩ lố bịch, ngụy biện không cần thiết và đi xa dần nghệ thuật.

Sự trưởng thành nghệ thuật làm cho nghệ sĩ càng ngày càng cá tính hơn, càng sâu sắc hơn, càng thâm trầm hơn. Càng biết rõ, nghệ thuật không phải là lối thoát của đạo mà là một cách sống. Quan trọng nhất là những bước tiến dần sâu vào quang tính của nghệ thuật.

Cái gì là quang tính? Quang là sáng sủa. Tính là đặc trưng của.... Tính là do thói quen của tình trải dài và va chạm với sự tương quan chung quanh mà có. Tính khởi đầu là do di truyền nhưng biến chuyển theo thời thế. Tính nghệ thuật cũng vậy. Quang tính của nghệ thuật là một sự mâu thuẫn tự nội. Sự sáng và tối, sự dễ hiểu và khó hiểu, sự dễ thông đạt và sự bế tắt của cảm nhận....tương tranh không phe nào nắm được chủ quyền toàn thể và lâu dài. Vì sự bất định, yếu tính của nghệ thuật là hoài nghi.

Người nghệ sĩ trưởng thành luôn luôn hoài nghi về tác phẩm của mình, hoài nghi về trình độ tri thức của mình, hoài nghi về cảm nghiệm của mình, hoài nghi về giá trị nghệ thuật đương đại, hoài nghi về lý thuyết, thực nghiệm của nghệ thuật đang phá triển, dĩ nhiên là đã cúi chào rồi từ giả những trường phái, phong trào, nghệ thuật hôm qua.

Hoài nghi trở thành một thứ thước đo để họ định giá nghệ thuật. Càng già dặn trong nghệ thuật, hoài nghi càng đào sâu, càng thường xuyên đánh thức những say mê của lòng nhạy cảm. Vào trạng dung này, nghệ sĩ đã là người của nghệ thuật. Chỗ đứng của họ đã có, không phải do thưởng ngoạn hay phê bình công nhận mà do chính sự thật thà bên trong của tự ngã. Sự công nhận của bên ngoài là vế "ắt có" nhưng cần phải có vế "và đủ" mới hoàn tất. Cái Và Đủ này hay bị mờ mịt hoặc bị cất dấu vì nhu cầu "danh vọng". Hoặc vì nghệ sĩ không "chín" khả năng thành thật. Hoặc vì có tri thức mà thiếu cảm thức.

Chính sức liên tục hoài nghi này là động cơ tìm tòi giá trị và những giá trị tìm thấy này tạo ra những tác phẩm giá trị của nghệ sĩ. Đó là vì sao tiến trình nghệ thuật của nghệ sĩ trưởng thành luôn luôn thay đổi. Họ tiếp tục đưa ra những tác phẩm khác giá trị với những tác phẩm của chính họ đã được công nhận.

Nhưng sự hoài nghi này càng ngày càng gặm nhấm trong cảm thức và liên miên trăn trở trong tâm hồn dồn ép nghệ sĩ phải tác động như những câu trả lời. Cố gắng trả lời những câu hỏi của hoài nghi chính là sáng tạo. Người nghệ sĩ bị ép buộc bởi chính họ để sáng tác vì nhu cầu đam mê giải đáp sự hoài nghi. Người nghệ sĩ đã thật sự là nghệ sĩ. Kẻ đã nắm được rễ cây. Đong đưa, xem thường thành bại, sống chết. Chỉ tiếp tục dâng đời những đóa hoa dù biết hoa sẽ héo tàn. Chẳng có hoa nào bất tử. Chẳng có tác phẩm nào bất tử. Khi đa số con người chưa vượt qua được tác phẩm, tác phẩm đó bất tử. Đã có nhiều tác phẩm được công nhận là bất tử nhưng về sau, cảm thức nhân loại đã chôn vùi.  

Điều lớn lao của công án Thiền kể trên, thỏa đáng được nhiều khía cạnh của đời người. Đánh thức lòng sân si của đại đa số. Đã là người, là té xuống vực sâu. Sống là đeo lủng lẳng bởi cái rễ. Cái rễ duy nhất để bám víu lại bị cái "nhị nguyên", hai con chuột, đưa dần vào cõi chết. Sao không chịu ung dung, tự tại, đắc phước bởi những cái đẹp chung quanh?

Điều lớn lao của công án này lại đưa đến những câu hỏi khiến cho nghệ sĩ tư duy vào nghệ thuật một cách quyết liệt hơn:

1. Trước sau gì cũng rớt, sao không thả tay?

Đa số nghệ sĩ trưởng thành và thành danh sẽ không muốn trả lời câu hỏi này. Thả tay rớt xuống vì lòng "hiếu kỳ" muốn biết phần hậu nghiệm là một hành động điên cuồng. Sẽ mất hết những gì đang có và nếu hậu nghiệm không có gì, thì sao đây? Rớt xuống tan xương trong khi có thể sống đong đưa là một hành vi khó thuyết phục.

Đối với những nghệ sĩ thám hiểu thì hành vi này là một sáng tạo. Sáng tạo một tác phẩm không phải lúc nào cũng thành công, thành công với chính mình và thành công với thưởng ngoạn. Điều lầm lẫn của sáng tác và thưởng ngoạn là lòng mong muốn và tin tưởng sự thành công liên tục của tác phẩm. Nếu có thể thành công một số tác phẩm trong một chuỗi tác phẩm, người này đã là đại gia trong nghệ thuật.

Đừng lầm tưởng sáng tạo là luôn luôn làm ra cái mới. Nếu làm ra D, trước đó phải có C. Trước C là B. Trước B là A. Rốt ráo, bắt đầu là cái gì không ai thật sự biết. Hãy để chuyện đó cho giáo sĩ và triết gia. Nói lại chuyện hôm nay, đang có N, tức là đã phải có M, L.....vô số phía trước. Tiến trình sáng tác không thể vượt qua bản lý tiên nghiệm hậu nghiệm, thuộc về nhị nguyên. Nếu cho rằng cái của người khác đã dùng thì ta không dùng lại, là một ý nghĩ từ người chưa bản lãnh. Tất cả mọi thứ, mọi cái, đều có thể dùng, chỉ là dùng khác đi. Giá trị của nghệ sĩ không nằm ở chỗ đồ dùng mà là cách dùng. Đó cũng là lý do tại sao cùng son phấn mà có người đẹp hơn, hấp dẫn hơn, còn có người lại tệ hơn.

Trở lại chuyện thả tay, khi đã rớt xuống sẽ mở ra nhiều ẩn số của hậu nghiệm.

* Tệ nhất: Rớt xuống tận đáy. Không có gì. Mất hết. Chỉ còn lại những gì đã có. Đa số những cái đã có không được chính nghệ sĩ hài lòng dù được thưởng ngoạn yêu mến.

* Rơi xuống và nắm lấy một vật khác, lại treo lửng lơ. Lại phải tiếp tục hành vi sáng tạo. Thám hiểu một điều gì không rõ. Lao mình theo hành trình vô định với sự hoài nghi về hành động của chính mình.

* Rơi xuống một nơi, sống sót và tìm thấy sự thỏa mãn cho nghệ thuật riêng tư. Thỏa mãn này có thể cao cùng nhưng không chắc miên viễn. Vì không có ai cùng nhảy xuống vực, vì không có ai cùng thả tay, cho nên nơi mà người nghệ sĩ thoát hiểm tìm đến, sẽ là nơi cô đơn, khó hiểu và chắc chắn là khó tin.

2. Câu hỏi thứ hai là tâm tình nào đã khiến cho nghệ sĩ do dự hoặc không dám thả tay? Chỉ chờ cho "nhị nguyên" cắn đứt rễ cây là rơi theo số mệnh, cho dù số mệnh này không chắc do ai khác tạo ra. Chẳng phải hoài nghi số mệnh là đụng đầu triết lý. Hoài nghi triết lý là đụng đầu nghệ thuật. Không hoài nghi nghệ thuật đến tận cùng thì không dám thả tay.

Ai cũng có thể suy lý một cách bình tỉnh, đã là người thì nhất định sẽ bị mất mát. Cái có trước sau gì cũng là không. Cái mất lớn nhất bắt đầu bằng cái chết. Dù có an ủi nhau bằng đời sau, bằng đầu thai, bằng hứa hẹn, người ta vẫn sợ chết. Đa số vẫn thích ở lại. Cho dù là bể khổ, miễn biết bơi là sẽ bơi. Tìm được chỗ cạn, sẽ đứng. Có mấy ai thích chết? Cùng phương trình suy lý này, tại sao phải thả tay? Có ít còn hơn không? Huống chi nghệ thuật không phải là bể khổ. Chỉ là hồ bơi. Không thích bơi thì leo lên. Cảm thấy lạnh thì đi về. Đám đông ăn hiếp, kỳ thị, phê phán, chê bai thì ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Vì vậy, nghệ sĩ cần lòng kiêu hãnh nghệ thuật, vì nghệ thuật mà bơi cho đến cùng dù bị ngăn cản, bị khinh chê hoặc bị xua đuổi.

Trong phương trình trên, chủ yếu là nỗi sợ. Sợ là bản tính của người. Bắt đầu từ đời thủy tổ, khi họ phải chiến đấu với rắn độc và thú dữ, bản năng sinh tồn tạo ra tình sợ. Hết chiến đấu với thú, lại chiến đấu với người. Qua chiến tranh, lừa lọc, gian kế, phản trắc.....Sợ thành yếu tính lớn nhất trong tâm lý con người. cảm nghiệm được sự mất mát trong đời sống và của cái chết khiến cho người càng nhập tâm nỗi sợ, sợ tự nhiên, sợ tự động, sợ âm thầm, sợ ra mặt, sợ luôn cả cái sợ.

Con người biết được nỗi sợ là then chốt ngăn cản con người mau trở thành người nên gọi sợ là hèn. Đốt ngắn giai đoạn, không muốn bị hèn, người ta che dấu nỗi sợ và đắp lên nó nhiều ý tưởng, hành vi, thói quen, tục lệ, lễ nghĩa, giáo dục.....Những thứ này đôi lúc còn kinh hoàng hơn là nỗi sợ. Không có sự thật nào mà không có sợ hãi đi kèm một bên. Một trong những lý do mà sự thật bị che mờ, che đậy là vì sợ.

Với nỗi sợ nan y này khiến cho phần lớn các nghệ sĩ trưởng thành đeo đuổi sự an toàn sáng tác, bảo vệ nghệ thuật hiện hành và nghệ thuật quá khứ, từ chối những thứ nghệ thuật không được bảo hiểm bởi phê bình và thưởng ngoạn. Những nghệ sĩ quá sợ thường đặc trưng bằng bảo thủ, lẫn lộn giữa đạo đức và nghệ thuật. Tự mình tuân theo những gò bó do mình đặt ra, nhất là, muốn bắt nghệ sĩ khác phải theo mình.

Một người bạn nghệ sĩ đã nói chắc như thế này, đã được nổi tiếng thì nên chọn những điều làm cho nổi tiếng hơn còn những điều làm cho chìm tiếng thì chắc chắc anh sẽ không làm.

Điều này lại đưa đến một tư duy khác, đó là Chìm Tiếng. Chữ Nổi và chữ Chìm là hai chữ xác định vị trí giá trị của chữ Tiếng. Nổi là tốt, Chìm là không tốt. Nổi là hay là đạt ước muốn. Chìm là thất bại là mất giá trị. Có thật như vậy không?

Ông Thích Ca là hoàng tử. Ông giàu sang, sung sướng, nổi tiếng. Tự mình bỏ hết. Chìm tiếng. Hậu nghiệm là nổi tiếng nhất nhì trong vạn đại nhân gian. Ông Giê Su nổi tiếng từ lúc trẻ. Môn đệ theo người. Đám đông theo nghe giảng dạy lên đến ngàn ngàn. Ông từ bỏ. Chịu chết trên thánh giá một cách nhục hình. Hậu nghiệm, nổi tiếng từ đất lên đến trời. Còn hàng vạn ông bà khác chịu chìm và về sau nổi tận mây xanh. Vậy thì phải xem xét việc chìm. Chìm luôn hay lặn xuống rồi nổi lên. Con rồng trước khi bay phải uốn khúc. Con cọp trước khi nhảy cao phải đập đuôi. Con rắn trước khi phóng tới phải co thân lại.

Đối với một số nghệ sĩ, sự việc chìm này chính là sự thám hiểu. Thám hiểu trong ý nghĩa bình thường là dò xét để tăng hiểu biết. Thám hiểm để giải tỏa hoài nghi, thỏa mãn những thao thức. Nghệ thuật vốn dĩ không có biên giới, biến hóa theo tâm tình, trí tuệ, văn minh, phát minh , kỹ thuật của mỗi thế hệ con người. Nếu không có thám hiểu thì làm sao nghệ sĩ có thể theo kịp sức biến hóa của nghệ thuật?

Thật ra, đa số đều có thể đồng ý về quan niệm nghệ sĩ tiền phong nhưng không mấy ai muốn thả tay. Hơn nữa, việc thám hiểu không thuộc về tiền phong mà thuộc về tính nghệ thuật. Nghệ thuật hôm nay phát triển từ nghệ thuật hôm qua là tiến trình xây dựng nghệ thuật. Nghệ thuật hôm nay khác biệt hoặc đối kháng với nghệ thuật hôm qua là bản năng sinh tồn của nghệ thuật.

Thám hiểu trong một cách nhìn thấu triệt khác là chống đối lại nỗi sợ kinh niên. Cõi nghệ thuật thì bao la và không rõ chiều dài của thời gian. Nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ thì có giới hạn của thời gian, không gian, xã hội, đời sống, người quen, người lạ, tâm lý của cá nhân và..... Những giới hạn này chính là những báo động làm cho sợ hãi gia tăng sức quản lý những suy tư và hành động của nghệ sĩ. Có thể nói như thế này, đã là người tất nhiên sẽ bị áp lực của nỗi sợ. Sợ càng ít thì nghệ thuật riêng tư càng có cơ hội phát triển. Những nghệ sĩ lớn là những người vượt qua những nỗi sợ hãi có khả năng vây hãm nghệ thuật cá nhân. Lợi hại nhất của thám hiểu là biết dùng năng lực của sợ hãi mà sáng tác. Một ví dụ nhỏ như thơ Hồ Xuân Hương. Vì sợ người đương thời, xã hội bằm văm phụ nữ, nên thơ hành lạc của bà mới thành việc đánh đu, đánh cờ tướng...Chuyển sang cái quạt, cái giếng...dễ gì ngày nay mấy ai hơn.

Một nghệ sĩ thật là một người luôn luôn phải đối phó với sự lo ngại, lòng sợ sệt đối với chung quanh và đối với bản ngã. Ưu điểm của nỗi sợ là cái thắng để kiểm tra sáng tác và tác phẩm nhưng khuyết điểm của sợ thì quá lớn. Sức tàn hại của sợ sẽ làm thui chột khả năng sáng tạo và làm sáng tác giả hình. Tệ hại nhất là giam cầm chung thân hoặc giết chết tâm niệm nghệ thuật của tác giả.

3. Câu hỏi sau cùng của nghệ sĩ đối với công án Thiền rơi xuống vực sâu là ý tứ của đóa hoa. Hoa là ẩn dụ cho cứu cánh của người sắp rơi? Hay hoa là ẩn dụ của phương tiện như con đò đưa người qua bờ bến? Hay hoa chính là mục phiêu của sự sống? Tất cả những thao thức trên đều liên hệ trực tiếp đến nghệ thuật. Đây cũng là lý do tại sao nghệ thuật sẽ mãi mãi sinh tồn với con người. Sống là một tiến trình nghệ thuật cần thiết. Nghệ thuật là một cách sống đẹp.

Công án thiền này ra đời để đánh thức con người đang sống trong một bi kịch. Dù biết hay không biết, họ đã bị rơi xuống vực sâu,vực khổ nạn. Họ bám lấy chút rễ sống mong manh. Mỗi ngày, thiện ác, đúng sai, phúc họa, trắng đen, ông bà, già trẻ,.........triệu triệu mâu thuẫn nhị nguyên gặm nhấm chút rễ đó và sớm hay muộn gì, rễ sẽ đứt. Không biết lúc nào sẽ đứt. Con người kinh hoàng với cái rễ sẽ đứt. Con người kêu gào, vùng vẫy để thoát thân ra khỏi hiểm họa trùng trùng. Có thể làm được gì?

Thay vì kinh hoảng vẫy vùng, thiền án dẫn ngộ về ung dung, tự tại mỗi bây giờ, thưởng nhập cái đẹp quanh đời sống.

Cùng một hoàn cảnh, người nghệ sĩ cũng tự hỏi như vậy. Câu trả lời ghi lại trong tác phẩm. Mỗi tác phẩm là một phần của câu trả lời. Câu trả lời này không có phần cuối cùng chỉ có kết luận bằng cái chết của nghệ sĩ. Câu trả lời này không hẳn có nội dung như thiền án. Mỗi nghệ sĩ thật có một cách, một nghĩa trả lời khác nhau. Giá trị nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ là ở đây.

Và đóa hoa kia chính là nghệ thuật sống. Giữa khoái lạc của mẹ cha và cái chết của mỗi người là khúc sống trong bi kịch thiền án. Thưởng thức đóa hoa nghệ thuật kia là một cách sống, một cách giải quyết của sinh mệnh lửng lơ. Nó là cứu cánh của kinh hoàng, sợ hãi. Là phương tiện qua khúc phù du. Là mục phiêu của hòa đàm số mệnh.

Trong khung phận của những câu trả lời này, thám hiểu là hành vi của những người tìm hưởng những đóa hoa khác nhau trên triền dốc vực sâu. Thả tay, rơi xuống, nắm bắt, thưởng hoa, kể lại là số mệnh, là điều ao ước của người nghệ sĩ thám hiểu.

Ngu Yên