"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Bài Thơ Thường, thấu, thấm      

                                                                                     (Tiếp theo: Hiểu và Cảm Thấm và Thấu)

Cách đọc thơ phổ thông nhất là đọc xong hiểu sao cảm vậy. Nhưng nếu muốn tìm hiểu một bài thơ cho thỏa lòng tò mò, trí nghiên cứu thì phải có một cách thức đọc thơ khả thi. Khác với người đọc bình thường, người làm thơ càng cần một cách đọc thơ khả dụng.
Người sáng tác thường đọc rất nhiều. Đọc không phải vì cố thâu nhét kiến thức, mà vì bản chất của loại người yêu văn chương, văn học, văn hóa là thích đọc. Một người làm thơ mà không đọc thơ thì không thể nói là yêu thơ. Mà đã không yêu, không say, thì làm thơ sao cho thành thơ.
Đọc nhiều, nhất là đọc thơ, có người e rằng sẽ bị ảnh hưởng. Câu trả lời là, không đọc ai hết cũng bị ảnh hưởng. Đôi lúc ảnh hưởng kiểu này còn tệ hại hơn vì người bị ảnh hưởng không biết, cứ cho rằng từ mình nghĩ ra. Không có ai tự nhiên mà thành người làm thơ, người sáng tác. Bị ảnh hưởng bởi người khác, không có gì lạ. Càng đọc nhiều thì càng biết mình bị ảnh hưởng điều gì và bị ai ảnh hưởng. Thoát ra vòng ảnh hưởng chính là tài năng của sáng tác. Một người sáng tác có bản lãnh sẽ đi từ chỗ bị ảnh hưởng đến một lúc sẽ gây ảnh hưởng cho người khác.
Đọc cũng như ăn. Có vô có ra, phần còn lại nuôi thơ mau trưởng thành.
Lúc còn học tiểu học. bên cạnh nhà tôi là một bác thợ nề nổi tiếng. Bác Thông rất có uy tín, ông xây tường, xây nhà, xây luôn cả chợ dù không có bằng cấp hoặc học chính thức qua trường ốc. Nhìn thợ xây gạch lên, ông có thể nói tường xây thẳng hay xéo có đủ 90 độ góc hay không. Nói như chơi mà đúng y chang. Ông đoán chiều cao, chiều dài, chiều rộng sém mép với thước đo. Những người thợ theo ông học nghề, anh thì dùng dây dọi, anh thì dùng thước bọt nước, đủ thứ đồ nghề để xây cất mà thỉnh thoảng vẫn cong cong. Ông giải thích với tôi rằng, một người làm việc xây cất lâu năm, chỉ cần tinh tế và quan sát cho kỹ, thâu thập dần dà sẽ có bản lãnh này.
Ở SanJose, California, tôi có một anh bạn, làm thơ hay. Lại có biệt tài: Anh nói với tôi, chỉ cần nhìn vào mắt một cô gái là anh có thể biết cô này thích anh hay không. Và anh đã chứng minh nhiều lần khi chúng tôi đi bù khú với nhau. Hay thật. Tôi không sao hiểu được bí quyết này.
Những người trời sinh có tuệ nhãn, đọc xong một bài thơ là thấu suốt tâm can của tác giả, rất hiếm hoi. Những người đọc thơ lâu ngày, tự có năng tính cảm hiểu bài thơ không cần phân tích, không cần phương pháp, cũng có nhưng đôi khi hỗn loạn, trước sau không giống nhau. Người bình thường muốn tìm hiểu một bài thơ nếu dùng dây dọi, thước cân bằng bọt nước...v..v...có lẽ dễ hiểu ý tứ trong cấu trúc của bài thơ và từ đó dễ cảm cái không khí và tinh thần thơ ẩn núp trong bức tường gạch đá. Một người bình thường không có trực giác ái tình mạnh nhạy chỉ nên bày tỏ tình yêu một cách bình thường. Đừng suy đoán lao lung kẻo trở thành Mã Giám Sinh.
Nhận xét giá trị của bài thơ bằng trực giác hoặc bằng khả năng nhạy cảm không phải là sai lầm nhưng cần có một bàn đạp căn bản để bắt đầu. Nếu không, trực giác ví như pháo bông, lúc nổ lúc không, lúc tỏa hình ngôi sao lúc bắn tàng bươm bướm. Còn nhạy cảm ví như nước trong dòng sông, khúc nhanh khúc chậm, đoạn cạn đoạn sâu.

Thơ ở ngoài hay ở trong bài thơ?

Rất nhiều thi sĩ và nhà phê bình nghệ thuật trên thế giới cho rằng thơ ở ngoài bài thơ. Họ thường dẫn ví dụ, tìm thơ như lột một củ hành. Lột mãi, hết lớp này đến lớp kia, cuối cùng đến tận cái lõi, chẳng thấy gì. Ý tưởng này được thi sĩ Octavio Paz trình bày rất thú vị. Bạn làm thơ của tôi cũng nói như vậy. Về sau, hầu như ai cũng nghĩ như vậy.
Khi xưa tôi cũng nghĩ như vậy, cũng tin như vậy. Nhưng càng đi sâu vào thơ, càng vui chơi với thơ. Tôi dần dần sinh lòng nghi ngờ, thơ không ở ngoài thơ. Thơ ở trong bài thơ. Thơ đó gọi là phần thơ đặc thù của bài thơ.
Tôi biết nữ tài tử Marilyn Monroe rất đẹp dù chưa gặp mặt bao giờ. Thi sĩ Bùi Giáng mê gần chết. Tổng Thống Hoa Kỳ Kennedy vì mỹ nhân này mà sém một chút đã tơi bời danh vọng. Nhưng tôi có xem hình chụp của Marilyn. Khi nhìn, khi nói, khi cười. Khi đi, khi chạy, khi bơi, khi nằm...Kiểu nào trông cô cũng hấp dẩn. Hình nào cũng thấy cô cũng quyến rủ. Nhờ nhiều tấm hình khác nhau mà tôi biết đến Marilyn Monroe. Ví như Marilyn là thơ thì mỗi bài thơ là một tấm hình. Nếu nhìn vào hình, không thấy được mỹ nhân, thì làm sao biết đẹp đến mức nào? rạo rực ra sao? - Thưa rằng, mỹ nhân trong hình không thật. - Đúng ra, mỹ nhân trong hình là thật, chỉ không có thật cạnh bên mà thôi. Thơ và bài thơ cũng vậy. Kết luận, thơ của thi ca thì ở ngoài thơ nhưng thơ của bài thơ thì ở trong bài thơ. Và tìm hiểu một bài thơ là tìm cái thơ đặc thù của bài thơ, không phải tìm cái thơ của thi ca. Xem tấm hình cô Marilyn:
ngu yen --- marilyn -1Xem chân xem áo xem người. Xem xì líp với nụ cười lâm ly.
Cô Marylin bên ngoài là chuyện khác. Còn cô trong hình này là chuyện chúng ta đang thú vị và tò mò thưởng thức.
Từ lúc nào, trí tưởng tượng sẽ phiêu lưu. Phiêu lưu càng xa, càng vào nơi bí hiểm, cảm giác càng thích thú....
Thơ quả thật đang ở đây, chứ ở đâu nữa.
Từ bắt đầu như vậy, tôi đi tìm cho mình một cách thưởng thức thơ, một cách đọc thơ. Tìm thơ ngay trong bài thơ. Dĩ nhiên, trong những bài thơ khó, thơ trốn núp sau chữ, ngoài tứ, sâu hơn ý nhưng cũng trong phạm vi bài thơ mà thôi. Nếu có cách mời ra, bắt lấy thì sự thông cảm sẽ từ từ chia sẻ. Tôi làm việc này chỉ vì ham đọc thơ hay.
Dùng cách đọc thơ này lâu ngày tự dưng nó phản hồi thành ra cách làm thơ. Tôi cho rằng, thơ hay là thơ ít thường nhiều thấm và có thấu tự nhiên hoặc xuất thần.

***

Thực tế, Thường Thấm Thấu là những kinh nghiệm bình thường mà ai trong chúng ta cũng sống với. Mỗi ngày, chúng ta nói và nghe, nhiều câu nói thường dùng. Rồi có nhiều câu nói đầy ẩn ý và thỉnh thoảng, có những câu làm cho trí tuệ choáng váng hoặc tâm tình xây xẩm. Đọc sách cũng vậy. Ngoài những ý tưởng bình thường, có những tư tưởng làm cho ta bàng hoàng mở mang trí óc; có những câu truyện làm cho ta cảm động; rồi có những lời lẽ và lý luận làm ta cứ mãi băn khoăn, một thời gian sau, mới chợt hiểu ra. Bất cứ ngôn ngữ nào, dân tộc nào, cũng không ngoại lệ. Thơ cũng không ngoại lệ. Đọc thơ cũng hiểu và cảm từ ba yếu tố này.
Không phải chỉ chữ và câu mới mang giá trị Thường, Thẩm và Thấu; Giá trị của mỗi bài thơ cũng nằm trong ba cơ sở này. Tuy chữ và câu cấu tạo ra bài thơ nhưng mỗi bài thơ sau khi tập hợp chữ và câu sẽ có một ý chính và một tứ chính, cho dù ý tứ này đôi khi ẩn dạng hay mờ nhạt.
Lý thuyết xây dựng trên Thường Thấm Thấu này chỉ có thể cảm ứng và cảm nghiệm bằng những bài thơ thành danh và những bài thơ giá trị, mới thuyết phục được sáng tác. Bất cứ một lý thuyết nào về sáng tác được đưa ra đều phải có tác phẩm cũ để chứng minh và tác phẩm mới để chứng thực. Những tác phẩm mới càng có nhiều số lượng có giá trị, càng có nhiều tác giả đóng góp, càng đứng vững theo thời gian, lý thuyết đó mới trở thành một trong những con đường sáng tạo khác nhau của nghệ thuật.
Thơ Tân Hình Thức, có một thời rầm rộ đưa ra những lý luận để tạo nên một lý thuyết. Nhưng thiếu phần chứng minh vì không có những sáng tác Tân Hình Thức trước đó. Trong phần chứng thực, cũng không có những bài thơ Tân Hình Thức thuyết phục giới thưởng ngoạn và giới phê bình. Đó cũng là nguyên nhân làm cho thơ Tân Hình Thức chìm dần vào quên lãng. Một số nhà thơ ủng hộ thơ Tân Hình Thức cũng không còn hùng hồn bằng tác phẩm như trước đây. Một vài điểm có thể bàn góp là tâm lý của người Việt hải ngoại. Thông thường đa số người Việt thuộc về bảo thủ. E dè và dị ứng với những gì mới lạ. Nhất là những mới lạ không đến bằng khoa bảng, bằng cấp, xã vị đã được công nhận. Nói một cách khác, nếu ông tiến sĩ dẫn đầu điều mới thì dễ được lòng tin hơn. Tuy nhiên, đa số những điều mới lạ thường đến từ những người ngược lại. Thêm vào tâm lý của người xa quê hương trong thời điểm đó, thích giữ thơm quê mẹ, thi ca nối dài từ năm 1975 được thưởng thức nhiệt liệt. Làm sao có thể có chỗ đứng cho thơ rẽ ngang như Tân Hình Thức?
Ngoài ra, đúng như cụm từ Tân Hình Thức, lý thuyết của loại thơ này thiếu một nội dung hổ trợ cho những nguyên tắc căn bản, ví dụ như, tại sao nên nhảy hàng? cấu trúc của câu nhảy hàng lợi hại ra sao? du nhập những kỹ thuật "hình thức" của tây phương vào thơ Việt, ngôn ngữ Việt cần giữ, cần bỏ những gì? và tinh thần thơ Việt có thay đổi hay không?...v..v...
Phát động và chủ xướng thơ Tân Hình Thức ở hải ngoại là nhà thơ Khế Iêm. Anh là một nhà thơ ít nói, rất chịu khó làm nghệ thuật và là một trong vài nhà thơ mà tôi biết, rất yêu thơ. Anh không phải là lý thuyết gia nhưng là người yêu chuộng đường đi khó không vì ngăn sông cách núi. Một lý thuyết nghệ thuật muốn đứng vững, thường phải đứng trên hai chân: Một trên luận lý và một chân trên sáng tác. Nếu về sau, có những bài thơ tân Hình Thức xuất hiện và chứng thực được lý thuyết của Tân Hình Thức thì phong trào này không phải chỉ có hư danh. Vì vậy không nên có kết luận quá sớm.
Thường Thấm Thấu không phải chỉ là giá trị của thơ Việt mà là giá trị chung của thi ca. Lắm khi, tìm thấy ở thơ thế giới những chứng minh còn hùng hồn hơn thơ Việt.  

Từ Góc Đọc Thơ

Ví dụ dễ chấp nhận nhất cho bài thơ thấu là thơ Hài Cú của Nhật.

Farewell... (Câu khai)

I pass as all things do (Câu dẫn)

dew on the grass   (Câu thấu)

Ông Banzan (1730) trước hơi thở cuối cùng đã viết bài thơ trên. Vĩnh biệt..../ ta tan biến như vạn vật... giọt sương trên cỏ. Những bài thơ cô đọng thường dễ mang tính chất của Thấu. Như vừa nốc cạn một hơi ly cơ rượu Tequila, chất nồng băng qua cổ họng, xông lên đầu, tỏa ra ngực, xuống bao tử rồi dịu dần. Không phải bài thơ thấu nào cũng có phản ứng như ly Telquila. Có những bài thơ thấu triệt vào trí tuệ và tâm tư một cách nhanh và nhẹ. Như bất chợt nhìn thấy một cảnh đẹp buổi hoàng hôn, tự dưng lòng tan ra thoải mái và đã đời.
Lại có những bài thơ, nhiều thấm, cảm hiểu mơ hồ, nhưng vừa đọc xong chợt thẩm thấu tình ý của thơ. Ví dụ, bài thơ của Octavio Paz. (Bản tiếng Anh:
Selected Poems. Octavio Paz. Edited by Eliot Weinberger.1984. New Directions Publishing Corporation)

Transit                                   Qua

Lighter than air                                                 Nhẹ hơn không khí

                           than water                                                                 nhẹ hơn nước

than lips                                                           nhẹ hơn môi

                 light light                                                                       nhẹ ơi là nhẹ

Your body is the footprint of your body              Thân em là dấu hình hài đi qua

Thơ Bùi Giáng có nhiều Thấm và Thấu. Chính những thơ thấu đã làm cho dòng thơ của ông trở nên độc đáo. Chữ nghĩa và câu cú trong thơ ông ít khi đơn giản, đa phần rất phức tạp và biến hóa khó ngờ. Nhưng chính những chữ thấu, những câu thấu, những bài thơ thấu đã làm cho người đọc thích thú và yêu mến thơ của ông.

Mây Chiều Nay

Chiều nay chẳng biết ai mời     (Câu khai)
Ly đầy rượu đỏ yêu đời hơn đau  
(Câu dẫn với cụm chữ thấu: yêu đời hơn đau)
Điên chơi cho bớt điên đầu        
(Câu thấu)
Điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi   (Câu thấu)

Yếu tính của Thấu, Thấm, Thường thể hiện từ đơn vị chữ, hoặc tín hiệu trong trường hợp Thơ Cụ Thể, qua đến câu, đoạn, toàn bài; từ nội dung đến hình thức; từ chủ đề đến mục đích. Sau cùng là ở đầu đề của bài thơ. Thông thường ba yếu tố này xuất hiện hỗn hợp hoặc hòa hợp.
Do đó có những bài thơ mang tựa đề thấu mà nội dung thấm và đề tài thấm, như

Like Onion                                                      Như củ hành tây

Like onion skin                                                  Như vỏ củ hành
My skin                                                            Da tôi
Layer upon layer                                               Lớp từng lớp
But thin                                                            Mong manh
You can peel me                                               Em lột ra
But ever so slowly                                             Nhưng hãy chầm chậm
You will cry                                                       Nước mắt em sẽ rơi
I am sorry                                                         Cho tôi xin lỗi
But if it's any consolation                                   Chỉ cần một chút an ủi
I am crying too                                                  Tôi sẽ khóc theo
For you are finally seeing me                                       Để sau cùng em thấy được tôi
while I'm                                                           Trong khi
undressing                                                        tôi đang cởi áo
you                                                                   em

(Sonya Florentino)

Chữ dùng trong bài thơ rất thường. Câu rất đơn giản. Nhưng ta đọc ra được sự phức tạp của nó. Hoặc có bài thơ lời lẽ mang nhiều hình ảnh, ý tứ mở rộng. Tựa đề như một biểu dụ. Đọc rồi có thể cảm và hiểu khác nhau. Yếu tố thấm bàng bạc khắp cả bài. Đọc nhiều lần hoặc bất chợt giữa thời gian, cái thấu tự nhiên tới. Ví dụ một bài thơ nổi tiếng.

Hoàng Hạc Lâu. (Thôi Hiệu)

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu

Có thể nói bài thơ là những gì thi sĩ diễn ra rồi người đọc diễn lại. Tuồng dễ thì dễ diễn lại đúng hoặc gần đúng. Tuồng khó đễ diễn sai. Nếu tự diễn tự coi thì đúng hay sai không quan trọng bằng cách diễn. Diễn cho công chúng coi lại là một chuyện khác.
Làm sao để diễn lại tâm tình và ý tứ của thi sĩ qua văn bản, qua bài thơ trong tâm tưởng của người đọc là một nghệ thuật. Dĩ nhiên là có nhiều cách diễn. Còn tùy vào diễn viên cho dù cùng diễn một vở tuồng. Với tôi, trước hết là một số kỹ thuật dựa trên ba cơ sở Thường, Thấm và Thấu.

Lầu Hoàng Hạc. (Bản dịch của Tản Đà)

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu ?                     ( Câu thường: khai )
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ  
( Câu kể )
Hạc vàng đi mất từ xưa                        
( Câu dẫn )
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay  
( Câu thấm )
Hán Dương sông tạnh cây bày              
( Câu kể )
Bãi xa Anh Vũ xanh dầy cỏ non            
( Câu kể )
Quê hương khuất bóng hoàng hôn        
( Câu thấm )
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai    
( Câu thấu )

Bởi mang chất thấmthấu nên hai câu Nhật mộ hương quan hà xứ thị / Yên ba giang thượng sử nhân sầu trở thành trọng lượng của bài thơ. Những câu đầu chỉ để dẫn đến hai câu cuối. Riêng câu Bạch vân thiên tải không du du đã gợi cho người đọc một cảm giác vô thường. Từ cảm nhận này bắt qua hà xứ thịsử nhân sầu thật là mênh mang buồn buồn chuyện thiên cổ.
Đôi khi rất khó phân biệt giữa câu thường và câu thấm hoặc câu thường và câu thấu. Trước hết là tùy trình độ của người đọc. Đối với người đọc bình thường thì không cần thiết để phân tích sát và sâu. Những chữ, những câu nào làm cho thưởng ngoạn băn khăn, suy tư, nghi vấn sẽ thuộc về thấm. Những chữ, những câu nào gây cho thưởng ngoạn bàng hoàng, thú vị, cảm thông ... thuộc về thấu. Đối với người đọc chuyên, yếu tố thấm đòi hỏi suy tư sâu và nghi vấn khó hơn. Yếu tố thấu đòi hỏi cảm khái hơn, ngộ tính hơn. Xin đọc "Lệ Đá Xanh" của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền.

tôi biết những người khóc lẻ loi                                    câu khai
không nguôi một phút                                                           
câu mở
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình            
câu thấm
em biết không                                                                      
câu thường
lệ là những viên đá xanh                                            
câu thấm dẫn
tim rũ rượi                                                                  
câu thấu

đôi khi anh muốn tin                                                    câu mở
ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể                                     
câu thường dẫn
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em                             
câu thường kể
đến ngày cuối                                                                       
câu thường kết đoạn

                                                                                  (đoạn câu dẫn đường cho đoạn sau)

đôi khi anh muốn tin                                                    câu mở lại, mở nhấn
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế               
câu thấm
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em              
câu thấm
nguồn sữa mật khởi đầu                                             
câu thấm

đôi khi anh muốn tin                                                    câu nhấn
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết                                   
câu thường dẫn
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em                         
câu thường kể
vòng ân ái                                                                  
câu thường kết đoạn                                                                                               (đoạn dẫn)

đôi khi anh muốn tin                                                    câu nhấn, câu ấn
ôi những người khóc lẻ loi một mình                           
câu dẫn thấm
đau đớn lệ là những viên đá xanh                               
câu thấu (nhờ câu 5, thấm dẫn)
tim rũ rượi                                                                  
câu thấu kết

Đọc một bài thơ khác: Thơ mi-ni của thi sĩ Trần Dần.

Tác phẩm là bản gốc ? đời là bản sao ?                       câu thấm: khai
Ối Ôi, luôn tam sao thất bản                                       
câu thấu

Tôi khóc những chân trời không có người bay              câu thấm: cài
Lại khóc những người bay không có chân trời             
câu thấm

tôi khóc những chân trời – bụi đỏ                                 câu thấm
Ở đó: vắng người                                                       
câu thấu
không có người biết khóc – các chân mây                  
câu thấm
vô tư như thuở ngày xưa                                            
câu thấm
Nhìn một vì sao                                                         
câu kể
buồn bên ngưỡng cửa                                                
câu thường: kết đoạn

Em hãy giữ gìn đôi mắt lệ.                                           câu dẫn
Đừng đau mứt lệ hạ huyền                                         
câu thấm
Nỗi buồn sáng thế còn nguyên.                                  
câu thấm: kết. mở rộng tư duy

Đọc nhiều loại thơ.

  • Những bài thơ thuộc loại phổ thông là những bài thơ quá nhiều hoặc hoàn toàn xây dựng bằng những câu thường. Nghĩ sao nói vậy. Kể lể tâm sự. Đọc xong hiểu liền. Loại thơ này thường thường không đạt tới giá trị thi ca. Xin khỏi ví dụ.
  • Lại có những bài thơ dâng hiến nụ cười. Nếu bài thơ có bản chất khôi hài nhưng trong dạng u mặc thì khác hẳn những bài thơ có tính cách "nói diễu" mua vui, ngoài ra chẳng có gì. Lúc mới làm thơ, tôi rất thích làm thơ loại này. Về sau, cũng có một lúc phong trào này nở rộng ở hải ngoại. Loại thơ "diễu" này hay bị lố hoặc vô thưởng vô phạt. Thôi thì cũng mua vui một vài trống canh. Ví dụ:
  • Để tránh bị tính phổ thông, nhiều người đã trau chuốt chữ nghĩa hoặc dùng những chữ, cụm chữ kiêu kỳ, kiêu hãnh. Hoặc phô diễn bằng cấu trúc của câu, nhảy múa, nhảy hàng mà không thực sự cưu mang tâm tình hay ý tứ. Như một bình dân mặc áo lớn ra phố.
  • Rồi đến những bài thơ có nhiều câu thường nhưng được diễn đạt qua ngôn ngữ "sang trọng", chải chuốt tình cảm, có cá tính, bày tỏ được nét đẹp của thi ca, trở thành một bài thơ hay. Ví dụ như "Đôi Bờ" của thi sĩ Quang Dũng. Trích đoạn. Xin đọc toàn bài trên mạng.
  • Những bài thơ có quá nhiều chữ và câu thường, nội dung kể lể, truyện cảm động, lâm ly cũng chỉ có thể có chỗ đứng cao hơn thơ phổ thông. Như những bài thơ của TTKH và Hoa Trắng Thôi cài Lên Áo Tím: Trích đoạn. Xin đọc nguyên bài trên mạng.
  • Thường
  • Thấu
  • Thấm
  • Cái yếu lòng của làm thơ là chú tâm và vọng tưởng, đôi lúc hoang tưởng về bài thơ. Luôn luôn mong muốn làm được bài thơ hay, bài thơ giá trị. Đúng ra, nên quan tâm đến trước khi làm thơ. Đối với thi sĩ, ngoài lúc làm thơ là lúc "chuẩn bị" để làm thơ. Thời giờ chuẩn bị này dài gấp trăm ngàn lần thời giờ làm thơ. Thời giờ chuẩn bị là thời giờ sống bình thường hàng ngày. Thu thập dữ liệu. Suy tư về những băn khoăn. Cảm nghiệm tâm tình và ý tứ. Kiến thức tuy cần thiết nhưng tiêu hóa kiến thức còn cần hơn. Tiêu hóa không chưa đủ, cần đưa vào thành máu. Sự chuẩn bị thường xuyên và sâu sắc sẽ sẵn sàng khi thơ đến. Thơ đến bất chợt như một người khách không mời mà xuất hiện. Nhưng đối với thi sĩ, đó là chuyện vui mừng. Bất cứ lúc nào, khách bước vào, ta đón tiếp.
  • Cái yếu lòng thứ hai của làm thơ là thường lo lắng cho số phận của bài thơ làm xong. Gửi đăng ở đâu? báo nào? mạng nào? Ai khen. Ai chê. Đáng lẽ nên để giờ làm quyết định về sự sống còn của bài thơ. Khi một bài thơ hoàn tất, người làm thơ sẽ có ba lựa chọn: Bỏ, giữ hoặc sửa.

Vài tháng tắm rửa một ngày

Soi gương sạch sẽ mặt mày đẹp trai

Nếu ngày nào cũng tắm hoài

Soi gương chỉ thấy hình hài nhàm quen

Để dơ cho xấu lem nhem

Thỉnh thoảng lau bóng ngắm xem khác thường

Thử nhìn ai đang soi gương

Tắm xong mặt mũi dễ thương quá chừng

( Thú Ở Dơ. "Hoá Ra Nét Chữ Lên Đường Quẩn Quanh" Ngu Yên )

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều

(Chân Quê. Thi sĩ Nguyễn Bính)

Về sau, tôi vẫn thích làm loại thơ này nhưng quan tâm nhiều hơn về chất thấm và thấu. Trong khi bài thơ của thi sĩ Nguyễn Đức Sơn nhìn con tập lật với một nụ cười nhưng khiến cho người đọc vừa bật cười đã phải hoang mang. Tập cho quen mất thăng bằng từ đây trở thành nụ cười u mặc. Bài thơ không phải chỉ hài kịch mà là bi hài kịch. Khác nhau giữa ba bài thơ là chiều sâu của tứ nhân sinh mà Nguyễn Đức Sơn đã đưa vào trong hình ảnh đứa bé ngây thơ và cả một cuộc đời "đầy thất vọng" đang chờ đón nó.

Nắm tay lật úp đi con                              ( Câu kể: khai )
Co thân tròn trịa như hòn đá lăn              ( Câu thấm )
Muốn cho đời sống không cằn                ( Câu cài )
Tập cho quen mất thăng bằng từ đây      Câu thấu: kết )

(Nhìn Con Lập Tật. Nguyễn Đức Sơn)

Rồi đọc lại bài thơ Trừ Tuổi của Hà Thúc Sinh. Lại giữa sân mưa được tắm truồng chẳng phải là một câu đùa làm tê tái hay sao? Sinh và lão chẳng phải nỗi khôi hài lo âu hay sao?

.

Ông Toại khuyên tôi muốn trẻ trung               ( Câu kể: khai )

Mỗi năm trừ một tuổi là xong                         ( Câu kể: dẫn )

Mình cưòi thầm nhủ không lâu lắm               ( Câu kể: cài )

Lại giữa sân mưa được tắm truồng              ( Câu thấu: kết )

( Trừ Tuổi. hà Thúc Sinh )

Bên cạnh thơ phổ thông là thơ Diễn Xuất. Một loại thơ khá thịnh hành hiện nay. Căn bản của loại thơ này là sử dụng từ ngữ mạnh bạo, đơn giản chữ trong câu cho trúc trắc, đưa ra những tứ thơ, hình ảnh khác thường. Càng lạ thường càng kiệt xuất. Không khí bài thơ mang tính bạo động không cần thiết. Bạo động ái tình, bạo động suy tư, bạo động sống. Chữ nghĩa gào rú không cần có nhu cầu. Ý tứ vất vả không cần có ý nghĩa hoặc không màng có tâm sự hay không..... vồ và nhai nát chú vịt xấu xí đang hãi sợ đến đáng thương..... Hiếp dâm mãi mặt trời và thế kỷ....Móc mắt.... Thọc tay vào miệng xuống tận bao tử ...Mặt trăng gào lên tiếng chó.......và nhiều nhiều nữa...Thơ Diễn Xuất mới nhìn hao hao giống thơ Siêu Thực nhưng thiếu một nhu cầu thôi thúc và không cảm được lòng trung thực với nghệ thuật. Thơ này vốn không có thơ thật chỉ có ngông ngữ, dị hình và quái ý.

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai

.................................................

Xa quá rồi em người mỗi ngả
Đôi bờ đất nước nhớ thương nhau
Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường

Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh

...............................................

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, cành hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh đem gạch nát, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông, giết kẻ thù

.....................................................

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.

(Nhà thơ Kiên Giang)

Nếu đánh giá một chai rượu đỏ ngon, thì phải biết vì sao nó ngon. Có một số lý do căn bản dùng để định mức ngon của rượu chát. Những người không rành về rượu thường suông miệng khen chê "một cách lãng mạn". Đọc thơ cũng vậy. Nếu khen hoặc chê một bài thơ, thì phải dựa trên những mấu chốt nghệ thuật căn bản nào đó, không phải là những lãng mạn suông. Có khi nào lại chỉ một biệt thư mà khen là nhà lầu cao, cho dù biệt thự đó đồ sộ. Tại sao lại khen thơ hay vì chữ nghĩa phù thủy? Cho dù phù thủy cao cấp cách mấy cũng chỉ là khéo léo thủ công chữ. Thơ không chỉ ở trong chữ. Đa số thơ ở ngoài chữ. Có thể nào chỉ một nhà ảo thuật tài ba, cho dù là David Copperfield, mà cho rằng đó là thiên thần. Có thể nào công nhận một người thợ sắp chữ trong nhà in là tác giả của những cuốn sách.

Một người đọc thơ, cảm thấy bài thơ hay là đủ. - Thưa, đủ nhưng không đúng. Như một đàn ông gặp một phụ nữ, thấy đẹp, thấy ưng ý, cưới về làm vợ. Như vậy là đủ. Nhưng nếu ra ngoài công chúng mà khen vợ mình đẹp thì phải cẩn thận. Cái đẹp này có hội đủ tiêu chuẩn của thẩm mỹ không? Nhất là nếu ông ấy cố thuyết phục đám đông rằng vợ ông rất đẹp. Phải chăng là lố bịch? Trong thực tế, chẳng mấy ai dám làm như vậy. Ngoài những trường hợp ngoại lệ. Ra công chúng, vào sách vở mà khen chê thơ theo tình cảm lãng mạn thì cũng tương tựa ông khen vợ. .

Có người cho rằng rượu đỏ ngon vì chát. Thơ hay vì "chát". - Thưa, chát không phải là yếu tố để định giá trị rượu. Nếu không nắm được những yếu tố để định rượu thì tốt hơn, chỉ uống. Uống cho ngà ngà sẽ sướng khoái hơn. Thật ra, không phải chỉ có rượu đỏ ngon. Thiếu gì rượu không đỏ mà ngon.

Thường Thấm Thấu

Thơ sáng tác có yếu tố thấm hoặc thấu hoặc cả hai thường là những bài thơ có giá trị, thông thường gọi là thơ hay. Dĩ nhiên một bài thơ hay còn có những chi tiết khác và kỹ thuật diễn đạt nhưng muốn đọc xuyên qua bài thơ để tìm thấy thơ, tôi thường áp dụng và phân tích bài thơ trên ba yếu tố thường thấm thấu.

Về phần kỹ thuật, chữ thường, câu thường, đoạn thường có nhiệm vụ căn bản là kểdẫn. Dẫn bao gồm luôn khai, kết, móc, nối, đưa, đón, lót.... Là thành phần thường vụ. Trong một bài thơ, đơn vị câu là quan trọng. Những câu thường là những câu dễ hiểu. Những ý tứ thường này, nếu nhiều sẽ bị thừa, làm bài thơ loãng; nếu quá nhiều sẽ thành bài thơ phổ thông; nếu ít quá, sẽ làm bài thơ khó hiểu. Chữ thường và cụm chữ thường cũng được phân giải như câu thường. Trong sáng tác, những chữ thường những câu thường là nơi sửa chữa, thêm bớt, nhất là bỏ. Những đoạn thường không cần thiết sẽ làm bài thơ lê thê và lang thang.

Có những tài năng vượt trội, biến những câu thường trong nhiệm vụ kể và dẫn thành những câu nghệ thuật (art sentence) hoặc những cụm từ nghệ thuật (art phrase) khiến cho bài thơ càng thơ thêm và càng nghệ thuật thêm.

Hư ảo nào như hư ảo trăng
Trời đưa ta tới chỗ em nằm
Em như huyền hoặc, đời như mộng
Ta ngả lưng làm một giấc trăng.

(Hư Ảo Trăng. Nguyên Sa)

Nhưng những cụm chữ, những câu thơ loại này dễ bị trau chuốt rỗng dễ bị những lầm tưởng khoe khoang những ý tứ điểm trang trà trộn. "Khoe khoang những ý tứ điểm trang trà trộn" là một câu loại nghệ thuật điểm trang, chữ lớn hơn nghĩa, không cần thiết phải diễn đạt như vậy. Nếu chữ nghĩa, câu cú bóng bẩy được xem là nghệ thuật thì đó là nghệ thuật lầm.

Hoặc dùng những câu thường để kể một nội dung rất thấm để từ từ rồi thấu, như bài thơ Cánh Đồng Con Ngựa Chuyến Tàu của thi sĩ Tô Thùy Yên:

Trên cánh đồng hoang thuần một màu,
Trên cánh đồng hoang dài đến đỗi
Tàu chạy mau mà qua rất lâu.
Tàu chạy mau, tàu chạy rất mau.
Ngựa rượt tàu, rượt tàu, rượt tàu.
Cỏ cây, cỏ cây lùi chóng mặt.
Gò nổng cao rồi thung lũng sâu.
Ngựa thở hào hển, thở hào hển.
Tàu chạy mau, vẫn mau, vẫn mau.
Mặt trời mọc xong, mặt trời lặn.
Ngựa gục đầu, gục đầu, gục đầu.
Cánh đồng, a! cánh đồng sắp hết.
Tàu chạy mau, càng mau, càng mau.
Ngựa ngã lăn mình mướt như cỏ,
Chấm giữa nền nhung một vết nâu.

Yếu tố thường, ngoài trừ hai nhiệm vụ căn bản, còn một đặc nhiệm khác: Cài. Những câu thường dàn những ý tứ để dẫn đến câu thấm hay câu thấu, là những câu cài.

Ta thấy tên ta những bảng đường   ( Câu khai )

Đời ta, sử chép cả ngàn chương     ( Câu kể )

Sao không, hạt cát sông Hằng ấy     ( Câu cài )

Còn chứa trong lòng cả đại dương   ( Câu thấu )

(Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền. Mai Thảo)

Bản chất của Thấu thường đến bằng kinh nghiệm sống, chắt lọc qua nhiều năm tháng. Viết ra một hơi, nhẹ nhàng trơn tuột. Thông thường là dễ hiểu nhưng mang sức nặng của ý và khả năng chinh phục của tình. Câu thấu thông thường đến bất ngờ hoặc đến trong lúc xuất thần. Đôi khi như một tiếng thở dài não. Đôi khi như một ánh lóe lên. Không nên sửa đổi những câu thấu, những cụm chữ thấu.

Tôi tin núi tàn!                   ( Câu cài)
Tôi tin sông lấp!                
( Câu cài )
Nhưng tôi không thể nào tin:    
( Câu cài )
Một nhà thơ như anh lại ngã lòng suy sụp  
(Câu thấu. Rất bình thường mà nặng ý, băn khoăn tình)

( Vô Đề. Phùng Quán)

Thấm đến từ kinh nghiệm sáng tạo, kỹ thuật sáng tác; từ nhân sinh quan; từ tư duy và dĩ nhiên từ kinh nghiệm sống. Những câu thấm, những cụm từ thấm mang nhiều lớp ý nghĩa hoặc nhiều nồng độ khác nhau của tâm tình qua những lớp ẩn mình bên trong ý tứ và chữ nghĩa. Thấm là văn bản chứng tỏ khả năng sáng tạo và trình độ tri thức của tác giả. Trong khi thấu nói lên bản lãnh sống và khả năng nhạy cảm của thi sĩ.

.......................

The river that runs by                                        Dòng sông nào chảy qua đây /
is always                                                          sẽ luôn luôn
running back.                                         trở lại ngày mai sau /
Will tomorrow be another day?                          Hỏi mai sau phải mai sau?

( Last Dawn. Octavio Paz. Selected Poems. Octavio Paz. Edited by Eliot Weinberger.1984.

New Directions Publishing Corporation).

người tù thổ huyết chết tươi
tên y tá đến đứng cười nhe răng
một mình y nói rất hăng
mười lăm phút nữa có băng ca rồi

(Lại Chuyện Thật. Nguyễn Đức Sơn)

Qua Góc Làm Thơ

Người làm thơ mà nói về thơ thì dễ bị hạ thủ bất lưu tình. Nhưng tôi lại thích đọc những bài viết về thơ của các thi sĩ thành danh hơn là những bài viết bởi các nhà phê bình văn học nổi tiếng trên thế giới. Không phải vì hay hơn hay kém hơn mà vì gần gũi và dễ cảm thông hơn.
Kể cả những thi sĩ Nobel và những thi sĩ đã được xem là thi sư cũng không ai có thể nói về thơ một cách chung cho toàn hảo. Mỗi người chỉ có thể bày tỏ một mãnh riêng tư của họ. Ngay từ đầu, họ viết về nghệ thuật không phải để thuyết phục mà để ghi lại những kinh nghiệm, thử nghiệm, cảm nghiệm và suy tư. Được thể hiện như một phương pháp tự học và tự tìm hiểu bản ngã. Thuyết phục là công việc của phê bình. Tự ngộ là việc làm của thi sĩ.
Ngàn ngàn lần tôi đã tự hỏi mình, làm sao để có thể làm thơ hay? Góp nhặt từ người này người kia, tôi có cả trăm câu trả lời. Chưa bao giờ có được cảm giác cầm đúng chìa khóa để mở cửa vào một nơi mà mình mong muốn tới. Tôi có một xâu chìa khoá nhiều và nặng nhưng lần lựa đã thử hết rồi, không chìa nào mở được. Biết bao là hoài nghi. Biết bao là thất vọng. Nghi ngờ tài năng. Nghi ngờ số mạng. Nghi ngờ những người xung quanh là thủ phạm. Rồi một hôm...
Người thanh niên ấy đã già. Ông vẫn cắm cúi lặn tìm viên ngọc có thể nghe được tiếng nói của muôn loài. Viên ngọc trong truyện thần thoại Dã Tràng. Ông tin rằng viên ngọc đó có thật. Viên ngọc đó đã bị biển cả chôn vùi. Mỗi ngày ông tiếp tục ra khơi. Y như một con còng.
Rồi có lần, một cậu bé nghịch ngợm bắt được con còng. Nhốt vào một cái hộp gỗ. Cái hộp hình chữ nhật, vừa vặn kề đầu, tựa chân. Không có chỗ xê dịch. Nằm trong hộp gỗ, thốt nhiên con còng hiểu được. Không có chiếc chìa khoá nào để mở cửa. Chỉ có chìa khóa để suy gẫm về cách mở cửa. Con còng đã thoát thân. Ông già đã thoát nạn. Không còn muốn tìm viên ngọc nghe được tiếng nói của muôn loài. Ông Dã Tràng có hai viên ngọc. Một viên nghe được tiếng nói của thú vật là do con rắn cho. Một viên khác do con ngỗng cho, có quyền lực rẽ nước khi đi vào đại dương. Ông già đi tìm viên ngọc thứ hai.
Nói như vậy, e rằng có người sẽ tưởng làm thi sĩ rất bận rộn và căng thẳng. Lúc nào cũng lăm le thu thập dữ liệu, mặt mày u uất suy tư. Không phải như vậy, chẳng cần phải như vậy. "Chuẩn bị" dùng ở đây có nghĩa là cảnh giác. Như một người đi du lịch trong đời sống. Ăn uống ngủ nghỉ bình thường. Khi thấy cảnh đẹp, dừng chân ngắm rồi chụp vài tấm hình. Khi thấy chuyện đời, thì dừng lại nghe ngóng, bàn thảo. Đêm mất ngủ thì suy tư. Ngày dậy sớm thì cà phê thuốc lá...Rồi có lúc nổi hứng, kể lại chuyện đã nghe, mãnh đời đã thấy theo cách riêng. Rồi có khi nhớ người, gửi một tấm hình đã chụp với vài câu tâm tình......Thái độ đó là cách chuẩn bị khi thơ chưa tới.
Trong lúc làm thơ vì say mê vì áp lực của chữ nghĩa nên khó thấy những lầm lỗi nhưng khi đã làm xong, vài ngày sau đọc lại, những thiếu sót sẽ hiện ra rõ hơn. Nếu bài thơ không đến vì nhu cầu nội tâm thôi thúc thì bài thơ nên bỏ. Nếu bài thơ không đủ mức độ kỹ thuật diễn đạt và phương pháp sáng tác của cá tính, thì nên bỏ. Nếu hội đủ các điều nêu trên, bài thơ có cơ hội sóng sót. Hãy giữ lại và để thời gian kiểm chứng. Bất cứ lúc nào trong hành trình tuổi tác, khi đọc lại, biết rõ lý do làm hư bài thơ, bất cứ là bài nào, hãy bỏ đi. Nếu có lý do để sửa, chỉ nên sửa những câu thường và câu thấm. Đừng sửa câu thấu. Cái lý do mà các thi sĩ thường in bộ toàn tập vào cuối đời là để xác nhận những bài thơ có đủ sức sống đến phút cuối hoặc đã được sửa chữa cho vừa ý tác giả hơn. Toàn tập và tuyển tập có mục đích khác nhau.
Từ khía cạnh sáng tác, bài thơ bắt đầu bằng sự thôi thúc của một nhu cầu nội tâm đặc thù và tạm chấm dứt sau khi đã chọn lựa sự sinh tồn của bài thơ. Đoạn ở giữa, thơ được ghi lại theo phương pháp sáng tác riêng tư của mỗi thi sĩ và xây dựng trên ba yếu tố Thường, Thấu và Thấm. Ít Thường, nhiều Thấm, đúng Thấu.

Tuy nhìn từ văn bản nhưng ba yếu tố thường thấm thấu thuộc về nội tạng của bài thơ. Như một thầy thuốc bắt mạch tay mà biết được thận vượng hay suy, gan tốt hay xấu, ruột có viêm hay không. Chữ, cụm chữ, câu và đoạn của bài thơ qua ba mạch thường thấm thấu sẽ cho người đọc tìm hiểu được giá trị của khả năng sáng tạo, phần thơ đặc thù của bài thơ, sức nhạy cảm và súc động của tâm tình. Thường thấm thấu không cho biết về kỹ thuật sáng tác, phương pháp sáng tạo và nghệ thuật diễn đạt bằng ý tứ. Nói cách khác, thường thấm thấu chuyên về nội không trị ngoại hình. (Xin đọc Phương Pháp Sáng Tạo trong Thơ và Tôi. "Nháp và Nốt" Phần 1. Có trên www.damau.org )

Thường Thấm Thấu của mỗi người sáng tác sẽ khác nhau. Tùy vào kinh nghiệm sống, kiến thức sống, cá tính, phương pháp sáng tạo và không khí nghệ thuật của thời đại mà thường thấm thấu trở thành đa dạng. Vì vậy, sẽ không có một bài thơ mẫu mực hoặc một thước đo nhất định nào cho bài thơ giá trị. Nhưng tôi nghĩ rằng, bất cứ bài thơ nào, Đông Tây Nam Bắc, đều có thể thẩm định phần thơ trong bài thơ qua ba yếu tố này.
Khi mới bắt đầu bước vào cõi thơ, người làm thơ thường có hảo vọng muốn nghe được tất cả tiếng thơ như cái gọi là cung đàn muôn điệu. Anh miệt mài tìm kiếm viên ngọc để ngậm vào tim. Để nghe tiếng thơ đến từ vạn vật. Và viên ngọc này đã có lần chìm xuống đại dương. Biển rộng biển sâu biết đâu mà tìm. Tôi, một hôm, chợt hiểu không có viên ngọc này.
Tôi cũng biết rõ, mỗi người làm thơ có mỗi thế giới riêng, mỗi cách làm thơ riêng, mỗi lòng tự phụ và luôn luôn thấy thơ mình hay, nếu không muốn nói là hay nhất. Chỉ vì anh ta hiểu rõ bài thơ của mình, thích thú với ý tứ của mình và diễn lại sự rung động chính xác mỗi khi đọc lại bài thơ của mình. Anh ta không thể làm như vậy khi đọc bài thơ người khác. Cho nên khi chọn viết những điều này, tôi không có ý thuyết phục. Chỉ có ý gợi ra chỗ khác biệt của nhau, những điều trái ý nhau, những gì cần hỏi nhau, những chỗ cần được bổ túc cho nhau. Tôi yêu thơ và cứ bị ám ảnh rằng những người yêu thơ cũng giống tôi, có tâm nguyện tìm cái hay của thơ. Cùng một lúc tôi biết rõ cái hay là ngàn trùng xa cách. Và cái hay này có khi làm cho người với người xa cách ngàn trùng.
Đã lỡ chừng này, lỡ thêm cũng không sao. Nhân chẳng còn biết làm gì khác hơn, thôi thì tiếp tục. Một đời người, dài quá để làm việc mình không thích, lại ngắn quá để làm việc mình thích.

Ngu Yên