"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

 

Tứ Thơ Trong Thơ Cụ Thể Trên Thế Giới

 

TuTho NY 1

Tứ Mới. Tứ Thấy. Tứ Cụ Thể.

Cái mới nào rồi cũng cũ. Người giữ gìn cái cũ, ruột là bảo thủ, khẩu hiệu là truyền thống. Tâm lý là sợ sự đổi thay. Ngại ngùng vì không thể hòa nhập và ghét bỏ vì không thể hiểu, không thể cảm. Việc làm hay nhất của họ là làm cái thắng để hãm chậm lại tốc độ nhảy vọt quá khích của cách tân. Nhóm giữ cũ rất đông và thông thường rất quyền thế. Phải có một lực lương, một phong trào cải tiến mạnh mẽ mới có thể xung phá hàng rào thủ cựu này. Hoặc ôn hòa hơn, chờ cho thế hệ này sang trang.

Cái cũ nào rồi cũng phải đổi mới. Lịch sử của người là như vậy. Người thám hiểm và khám phá cái mới như hình ảnh nhân vật cầm cái búa của triết gia Friedrich Nietzche. Đập phá những thần tượng giữa buổi hoàng hôn. Như người đi trên dây căng giữa hai bờ vực thẳm trong Thus Spoke Zarathustra. Một người qua được bến bờ, biết bao người rụng rơi. Và khôi hài là khi nhóm cách tân đã thành công, lập tức đa số họ trở thành bảo thủ và sống chết với cái mới đã cũ. Quên đi một thuở nào cách mạng, toát mồ hôi.

cũ đổi mới
mới hóa cũ
cũ đổi mới
mới hóa cũ

Định luật này đã có trong trời đất. Hết nắng rồi mưa; hết mưa rồi nắng. Mây thành nước; nước hóa mây. Chỉ có con người là cự nhau vì theo mới và giữ cũ. Lý do là người theo mới sợ cái cũ và người giữ cũ sợ cái mới. Triết gia Socrate đã từng nói, sự ngu dốt làm cho người sợ hãi và sự sợ hãi làm cho người thêm ngu dốt. Phá đáp chính là sự hiểu biết và bao dung.

Thơ mới và thơ cũ đương nhiên là ở trong định luật này. Không cần phải cự nhau. Nếu thích cũ, cứ giữ. Nếu thích mới, cứ lấy. Mỗi nhà thơ chỉ là một chút Lục Bình trên dòng thi ca. Trôi đâu, nổi chốn nào, đại khái thôi.

Tứ thơ từ Đông sang Tây, từ truyền thống, diễn đạt trong thể thơ và bằng ngôn ngữ qua con chữ. Cùng một đêm, cùng ngắm vầng trăng, cùng tâm sự buồn, mỗi thi sĩ viết mỗi bài thơ khác nhau. Tứ thơ là thi tố quan yếu nhất của thơ và là nơi ngự trị của sáng tạo.

Khi thể thơ từ cũ đổi mới, thể thơ vần truyền thống, Lục bát dân tộc, ngũ ngôn, thất ngôn Đường luật....v...v... chuyển sang thể thơ Tự do. Rồi Tự do phá thể. Bên trời Tây cũng vậy. Rồi thi sĩ tiền vệ thế giới bắt đầu đi dây qua vực thẳm với những thể thơ thử nghiệm:

TuTho NY 2

TuTho NY 3

Những bài thơ Thấy (Visual poetry) hoặc Cụ Thể (Concrete poetry) sử dụng những hình đồ cụ thể làm thành thể thơ tuy không được thành công cho lắm nhưng ntgười làm thơ lại học được sự đa dạng của thể thơ.

TuTho NY 4

Nhìn những bài thơ hình, không khỏi nghĩ đến thơ xưa có giới hạn chữ và câu. Ví dụ như Song thất lục bát, Thất ngôn bát cú......Khác ở chỗ chữ và câu trong loại thơ này bị giới hạn bởi hình hài của thú và vật dùng làm thể thơ.

Thơ xưa bị giới hạn bởi vần và chữ đã khiến cái khó bó cái khôn. Sáng tạo bị nhốt trong giới hạn. Phải xoay sở để xuất hiện thành thơ. Nói một cách khác, cái hay, cái giá trị của thi ca như nước chảy khi chậm khi nhanh, khi khúc khi thẳng, khi êm khi cuồn.... Khác với giá trị khi nước vào đại dương mênh mông nhảy múa. Thơ Cụ Thể Hình cũng có giới hạn này và sáng tạo do đó phải nảy sinh ra những tứ thơ mới, cách diễn đạt khác:

TuTho NY 5

 

TuTho NY 6

 

TuTho NY 7

 

TuTho NY 8

 

TuTho NY 9

 

TuTho NY 10

TuTho NY 11

Vào năm 1989, lúc tôi còn ở tiểu bang Arkansas, tôi có dịp gặp gỡ nghệ thuật cái hộp của nghệ sĩ kỳ tài Joseph Cornell tại thư viện thành phố Little Rock. Nhìn những tạo hình từ những vật dụng phế thải, rác rưới....Chợt tôi hiểu ra. Nghệ thuật có giới hạn hay không là giới hạn trong lòng mỗi người. Trời đất vô hạn. Không gian mỗi người có giới hạn. Thời gian bất hạn. Thời giờ của mỗi người có giới hạn. Nghệ của mỗi người có giới hạn. Thuật của mỗi người có giới hạn. Thi ca vô hạn. Thơ của mỗi thi sĩ có giới hạn.

Để phá ra khỏi giới hạn đang có, đang ung dung, đang thoải mái, đang được ngợi khen, người nghệ sĩ cần có lòng đam mê mãnh liệt, không cần can đảm. Cần có một kiến thức đang thuyên chuyển vào kinh nghiệm. Cần có lòng chấp nhận sự thất bại và sự tấn công hợp lý của người giữ cũ. Cũ và mới không cái nào hay hơn cái nào. Chỉ là sự tuần hoàn. Chỉ có người làm cũ hoặc người làm mới, ai hay mà thôi. Không phải ai hay hơn ai.

Những bài thơ người Việt viết hiện nay nằm trong dạng thơ Tự Do có giới hạn hoặc thơ Tự Do phá giới hạn. Đã là tự do, sao lại giới hạn? - Thưa, giới hạn trong lòng mỗi người. Phá đi giới hạn này, sẽ vào giới hạn khác. Một thi sĩ tiền phong là một nghệ sĩ phá giới hạn suốt một đời. Và đó chính là giới hạn của ông. Ngay cả những bài Lục Bát cũng thấy biến thể. Lên xuống ngược xuôi. Xét về thể Lục Bát biến, có bài rất hay vì tự nhiên và có bài ngượng và sượng vì cố giải phẫu. Cũng như thể thơ Tân Hình Thức, có bài ngắt hợp tình, xuống lên hợp ý, toàn diện hợp nghệ thuật. Những bài dở là những bài ngắt hàng tùy tiện, người viết không thực sự hiểu và cảm được cái điệu thức. Không chuyển được cái nhịp đa âm của Tây về nhịp đơn âm của Đông. Bắt chước là một nghệ thuật thông dụng trong giới kinh doanh và giới kỹ nghệ. Nhưng bắt chước phải có giá trị nếu không, bắt chước chỉ làm thêm khôi hài.

Bắt chước bị chỉ trích không phải vì làm giống như mà vì làm giống như nhưng kém giá trị. Hoa Kỳ làm xe hơi. Dẫn đầu thế giới lúc ban đầu. Nhật bắt chước làm xe hơi. Xe chạy tốt hơn. Dẫn đầu về sau. Trung quốc bắt chước làm computer nhưng kém phẩm chất. Bị chê. Thơ Đường hay. Thi sĩ Nguyễn Du làm thơ tiếng Hán. Hay nhưng không hơn thơ Đường. Có lẽ vì vậy ít người cổ vỏ thơ tiếng Hán của ông.

Vì sao gọi là kém giá trị? - Thưa, vì kém sáng tạo và kém phẩm chất.

Không có bài thơ nào mà hoàn toàn khác những bài thơ trước hoặc cùng thời. Không có thi sĩ nào mà không bắt chước người đi trước, người đi ngang. Bắt chước là lẽ tự nhiên. Chính cá tính và sáng tạo sẽ làm bắt chước có giá trị khác với những thơ trước, thơ ngang và thơ sau.

Cá tính và sáng tạo thể hiện ở đâu nhiều nhất, rõ nhất? - Thưa, đa phần ở tứ thơ.

Tôi học được ở những bài thơ Cụ Thể là sự đa dạng của tứ. Tinh thần vượt biên con chữ và phối hợp với ký hiệu thông tin, với nghệ thuật hội hoạ và nhiếp ảnh. Về sau là phối hợp với âm thanh và phim. Nghệ thuật diễn đạt có khác nhau nhưng giới hạn thì không nhất định phải là. Tinh thần không phân biệt giới hạn nghệ thuật là điều đạt nghệ cuả nghệ thuật hôm nay. Trong tinh thần này, bài viết của tôi gọi là Tùy Luận.

Tôi học được từ dòng thơ này về văn phạm và ngữ vựng của thơ khi xuất hiện bất thường với những thông tin tín hiệu hoặc với nghệ thuật khác. Có cần đúng văn phạm thì người đọc mới hiểu? - Thưa không. Người đọc sẽ hiểu, cho dù đúng hay không đúng ý tác giả, sẽ thưởng ngoạn theo tính riêng. Đó chính là chỗ kỳ diệu của thơ. Có cần phải đúng ngữ vựng trong thơ không? - Thưa không. Trong thơ có rất nhiều chữ mới mà không tìm thấy trong tự điển. Quan trọng là vị trí của chữ. Nếu chữ nằm ở những chỗ ngoài văn phạm và ngữ vị, có lẽ sẽ mang nhiều ý khác và trí tuệ hơn. Chẳng những là ý tại ngôn ngoại mà còn ý tàng ẩn trong hình chữ.

TuTho NY 12

Nháp 2:

Art is constantly making itself; its definition is in the future.

(Harold Rosenberd, The Tradition of the New, 1960)

Sau Thế Giới Đại Chiến lần thứ hai, chẳng những đời sống bị tàn phá mà tâm linh của con người cũng bị hư hao. Những giá trị cũ dừng như không còn thỏa mãn sau những mất mát của sinh mệnh và vô lý của hiện hữu. Dỉ nhiên, giá trị của thẩm mỹ cũng cần sự thay đổi. Thi ca thay đổi. Thơ mới ra đời.

Riêng nhánh thơ Cụ Thể, ba loại thơ đã được xác định trong một đại hội triển lảm thơ Cụ Thể toàn cầu tổ chức tại Cambridge năm 1964:

- Thơ Thấy (Visual)

- Thơ Nghe (Phonetic)

- Thơ Diễn (Kinetic)

Vì có quá nhiều loại thơ Cụ Thể khác nhau, khó có một định nghĩa bao gồm hết. Để có thể xác định là thơ Cụ Thể, người ta đã chọn yếu tố vật thể của thơ. Nói một cách khác, thơ Cụ Thể phải được xây dựng từ những vật liệu vật chất cụ thể. Tình cảm và tư tưởng không phải là vật chất cụ thể nên trở thành thứ yếu. Nói một cách khác nữa, tự thân của chữ, ký hiệu thông tin, vật liệu vật chất là thơ. Văn phạm, hành văn, ngữ vị theo hệ thống ngôn ngữ sẽ không được quan tâm. Có khi hoàn toàn bị xóa bỏ.

Sự diễn đạt thay đổi. Ý và tình thể hiện theo cách mới. Luận lý trình bày theo cách mới. Dỉ nhiên, thưởng ngoạn cũng cần phải chọn một thái độ mới.

Thơ Thấy, visual poetry, được thưởng ngoạn như xem tranh hội họa.

Thơ Nghe Phonetic poetry, được thưởng ngoạn như nghe nhạc.

Thơ Diễn, Kinetic poetry, được thưởng ngoạn như xem video.

Tôi không có ý định trình bày phong trào thơ Cụ Thể với những chi tiết nghiên cứu về lịch sử, phát triển và nội dung. Thơ Cụ thể là một trong những khía cạnh để tìm hiểu về tứ thơ.

Thơ, dứt khoát là phải có ý. Câu hỏi là ý của thơ quan trọng đến mức độ nào? Tứ thơ tự thân với ý của nó, có đủ phẩm chất gọi là thơ?

Vì sao phong trào thơ Cụ Thể lại ra đời và được hưởng ứng khắp nơi từ Tây sang Đông? Và không thể phủ nhận giá trị của thơ Cụ Thể đã ảnh hưởng trong dòng thơ hiện tại. Vì sao thơ Cụ Thể lại vượt ra ngoài con chữ để sử dụng những ký hiệu thông tin, những nghệ thuật khác mà làm thơ? Sự bất lực của ngôn ngữ là ở chỗ nào?

Thi sĩ T.S. Eliot nói rằng: “Genuine poetry can communicate before it is understood.” Có thật như vậy? Những bài thơ đúng nghĩa thơ có khả năng thông đạt trước khi trí óc suy nhận ý tứ?

TuTho NY 13

TuTho NY 14

 

TuTho NY 15

 

TuTho NY 16

 

TuTho NY 17

 

TuTho NY 18

Poetry Section: Phonetic Poems

Posted by writefromwrongmag on February 14, 2011

Community

War and Peace live together now.
They bought a house
overlooking the city skyline
with a white cat and a black refrigerator
where they share the same toothpaste
after eating on opposite ends
of their dining room table.
I am Envy, their neighbor.

They say it won’t last.
Spinning heavy words on wet tongues,
Greed & Generosity gossip in grocery stores
that War hasn’t told Peace
about his bloody past and War
doesn’t know Peace was molested
as a child.

War will invite Love and Hate
over for dinner;
they live a few blocks away
and always come over holding hands.
I can hear them talking long into the night
while drinking red wine
and sharing memories of vacations
along the Kansas shore.

Kristene Brown

Kristene Brown is a writing student at the University of Missouri Kansas City. She has been previously published in The Unrorean and Amphibi.us. She is also a psychiatric social worker for Kansas City, KS.

Âm ngữ và âm điệu của bài thơ tạo nên Phonetic poem. Bài này làm ví dụ, có thể nghe bằng tai hoặc nghe bằng mắt bằng âm thanh trong trí tưởng. Đọc bài này ra tiếng Việt, sẽ chỉ còn nghĩa, mất âm.

Bây giờ Chiến tranh và Hòa bình chung sống
Trong một căn nhà
Nhìn ra phố xa xa
Có tủ lạnh đen và con mèo trắng
Họ dùng chung thuốc đánh răng
Sau khi dùng cơm, mỗi người mỗi đầu bàn
Tôi là Envy, bạn hàng xóm

Họ nói sẽ không được bao lâu
Bằng chiếc lưỡi ngoáy lời nặng nề
Tham lam và rộng lượng chuyện ngôi lê nói mách
- Chiến tranh không kể với Hòa bình
về quá khứ đẫm máu
Chiến tranh không hề biết Hòa bình
bị bạo hành tình dục lúc trẻ thơ

Chiến tranh mời Tình và Hận dùng cơm
Họ là bạn láng giềng
Thường cầm tay nhau đến thăm
Tôi nghe họ trò chuyện thâu đêm
Uống rượu đỏ
Nhắc lại kỷ niệm xưa
Những lần du hí trên bờ sông Kansas.

Kinetic Poetry

Riêng về thơ Diễn. Xin mời lên links YouTube xem bài thơ diễn như vài ví dụ. Lên link Kineticaffect.com để tham khảo thêm những ảnh hưởng của âm thanh, ánh sáng, nghệ thuật diễn và đọc của loại thơ này.

http://www.youtube.com/watch?v=WF8wppb839c

http://www.youtube.com/watch?v=Rdavs8Jbg7Q

http://kineticaffect.com

Trong giới hạn của bài viết, xin bạn tìm hiểu thêm về nghệ thuật thứ 7. Diễn không chỉ có nghĩa là đóng tuồng, đóng kịch, đóng phim mà sâu xa trong Diễn chính là hành động của đời sống. Cái giả diễn cái thật và thật đến độ không còn là giả.

Nếu sự cảm nhận không tự nhiên đến thì chưa Diễn. Nếu phải thuyết phục thì chưa Diễn.

Nếu chỉ "đồ sộ" kỹ thuật thì chưa Diễn.

Nếu chỉ "kỳ quái" mà không sống bằng kỳ quái thì chưa Diễn.

Khác với những thi sĩ phái Biểu Hiện (expressionist) xây dựng chi tiết ý tứ thơ theo sự dẫn dắt của trực giác. Thi sĩ phái Cụ Thể bắt đầu ngay từ "từ ngữ" hoặc "cụm chữ". Khi đọc, trước hết là thấy chữ và nghe được âm ngữ bằng âm vô hình hoặc bằng tiếng vang. Nói một cách khác là nội dung diễn đạt và vật liệu diễn đạt đến cùng một lúc. Là một. Như bật lửa lên là thấy sáng và nóng. Nếu thay đổi vật liệu, lập tức nội dung xoay chuyển.

Khác với họa sĩ, nhạc sĩ, nhiếp ảnh sĩ, ...... sáng tác bằng kỹ thuật và nghệ thuật lãnh vực riêng. Thơ Cụ Thể sử dụng những nghệ thuật khác như là một loại ngôn ngữ để diễn đạt thơ. Và những vật liệu trong những kỹ thuật này dùng để nhận thức hơn là đọc. Với những bài thơ Cụ Thể sử dụng ký hiệu hoặc vật liệu ngoài con chữ, thấy và lĩnh hội; nghe và cảm thức chính là thưởng ngoạn.

Có thể nói, phái thơ Cụ Thể bắt đầu từ thi sĩ Eugen Gomringer ở Thụy Sĩ và từ Ba Tây với nhóm thi sĩ Noigandres: Haroldo de Campos, Décio Pignatari, Augusto de Campos. Nhiều thi sĩ Âu Châu đã trình bày về loại thơ này như thi sĩ Ý, Carlo Belloli, năm 1944; Thi sị Thụy Điển, Oyvind Fahlstrom, năm 1952. Phải đợi đến khi tác phẩm Constellations của Eugen Gomringer xuất bản năm 1953, thơ Cụ Thể mới thực sự thành hình.

Cũng như những phong trào thơ khác như Siêu Thực, Ấn Tượng, Biểu Hiện....... đều có một thời vàng son rồi tan thấm vào dòng thi ca thế giới. Phong trào thơ Cụ Thể bộc phát lên cao điểm trong thập niên 60 qua 70 và tàn dần theo thời gian. Để lại một tinh thần phóng khoáng với nhiều mở rộng cho thơ:

1- Cẩm nang Chữ chính là thơ.

2- Những kỹ thuật vượt giới hạn chữ; những phát triển của thơ theo công nghệ hiện đại, không giới hạn. Kỹ thuật điện tử, internet, điện toán, vi tính, âm thanh càng phát triển thơ càng có đất mênh mông dụng võ. Cũng nên ghi nhận khi thơ Cụ Thể xuất hiện, công nghệ truyền thông còn thô sơ. Computer chưa thông dụng. Internet? chưa biết......

3- Nghệ thuật hòa hợp không nhất thiết phải phân chia. Nào phải chỉ trong thơ có nhạc. Nào phải chỉ trong thơ có họa. Trong thơ có cả truyện, tùy bút, nhật ký, nghị luận, hội họa, nhạc, nhiếp ảnh, kịch, tuồng, cải lương, hát chèo, phim, âm thanh, ánh sáng..... Những điền này không phải là lạ lẫm gì. Trong trái tim mỗi người đều có tất cả những thứ này chung một khối. Chỉ có trí óc con người thấy phân ly mà thôi.

Có lẽ một câu hỏi quan trọng làm cho tôi thao thức mãi, đó là "thơ Mới". Thơ Đường mới, hay và giá trị so với thơ thời Xuân Thu. Sao lại tan đi? Thơ Siêu Thực mới, hay, giá trị. Sao cũng tan đi? Nhìn lại cả quá khứ thi ca Đông Tây Nam Bắc, thơ nào mới, hay, giá trị, cũng tan đi. Đâu phải vì cũ? Hay thật sự vì cũ mà tan đi theo luật tuần hoàn? Đúng ra là luân hồi mới phải.

Có một lần xem phim Nhật, tôi nghe người mẹ hỏi cậu bé con mình rằng, con có biết vì sao cây rừng trổ lá màu thật đẹp trong mùa thu rồi khô rụng trong mùa đông? Dỉ nhiên cậu bé lắng nghe câu trả lời của mẹ. Bà nói, những chiếc lá này phải rụng xuống để cho cây đủ sức sống qua mùa đông giá lạnh. Và trước khi rụng, chiếc lá đã hiến dâng những gì đẹp đẻ nhất của nó.

Cái gì phải rụng rơi cho thơ được sống sót trong thời bị ruồng bỏ? Cái gì sẽ phải hiến dâng tinh túy của riêng mình? cái gì rồi sẽ xanh lại trong một mùa xuân, chắc chắn sẽ đến? Khi hoa nở, liệu rằng có nhớ lá khô? Nhớ thì có ích gì?

Tôi mãi thao thức với câu hỏi vậy thì thơ mới cần phải có "cái gì" để được chấp nhận là "thơ Mới"?

====================================================================

Đọc:

- The Old Poetries and the New. Richard Kostelanetz. 1981. The University Of Michigan Press.

- An Anthology of Concrete Poetry. Emmett Williams. 1967. Something Else Press Inc. New York.

- Concrete Poetry A World View. Mary Ellen Solt. 1968. Indiana University.

 

Ngu Yên