"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

X Factors Trong Thơ

X FACTOR là yếu tố chưa có tên gọi, chưa thể giải thích rõ ràng nhưng lại cần thiết để đưa giá trị phẩm chất của một sản phẩm hoặc của một con người lên cấp bậc tiếp cận sự hoàn hảo. X FACTOR trong thơ là thi tố chưa thể định danh, chưa có thể nắm bắt hoặc giải thích nhưng thi tố này đã làm cho những bài thơ có giá trị khác với những bài thơ hay. Như đã có lần trình bày, thơ hay chưa hẳn đã có giá trị. Thơ có giá trị, trước sau gì, cũng sẽ được công nhận hay.

X FACTOR trong thơ đến từ trực giác làm thơ. Khả năng làm việc với trực giác mở rộng, bằng trực giác bén nhạy trong sáng tạo là một tài năng của thi sĩ. Tài năng này bẩm sinh và cũng có thể phát huy bằng tích tụ và thực tập. Để sáng tác được một bài thơ hay hoặc bài thơ vừa ý, thi sĩ đã từng làm rất nhiều bài thơ dở. Nhiều bài thơ đã bị vò nhăn vào thùng rác hoặc đã bị xóa bỏ trên màn vi tính.

Những ý tứ thơ đến từ tình cảm và ý thức thì không bất chợt và biến hóa như những ý tứ thơ đến từ trực giác, mở ra từ vô thức. Nói như vậy là cách đề nghị của khoa học sáng tác. Trong nghệ thuật toàn khối, làm gì có phân chia. Tất cả ý thức vô thức tình cảm lý trí .. đều là một. Phát ra cùng một lúc, không phân biệt, không thể phân ly. Chính vì vậy mà có một "cái gì" làm cho thơ này "lớn" hơn thơ kia, "giá trị" hơn thơ nọ. Cái vô danh đó là X Factor.

Ví dụ như Bùi Giáng. Thơ ông có X factor này. Trong chữ nghĩa mông lung, lúc bác học lúc bình dân, đảo lộn, vô văn phạm, người đọc vẫn cảm nhận cái "hay". Đố ai có thể giải thích rõ ràng cái hay cái giá trị trong thơ Bùi Giáng. Hỏi rằng người ở nơi đâu? - Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà.

Ví dụ như lời nhạc của Trịnh Công Sơn. Ngôn ngữ ông có X Factor này. Đố ai bắt chước được. Không thể giải thích nhưng thấy hay. Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao... và trăm trăm câu như vậy trong nhạc Trịnh. Ông và nhạc trở thành hiện tượng.

Dĩ nhiên X Factor chỉ là một phần, một phần tinh túy nhất nhưng để hoàn thành một bài thơ, còn cần có nhiều thi tố khác. Ngày xưa ở Trung Hoa có họa sĩ vẽ rồng. Vẽ như thật. Làm sao biết thật? Rồng là sản phẩm tưởng tượng của con người. Vậy mà ngoại sách bảo rằng khi ông vẽ xong, rồng vẽ như rồng thật. Nhưng phải đợi cho đến lúc ông điểm bút vào đôi mắt, "điểm nhãn hóa long", rồng bèn bay ra khỏi khung vẽ. Để có X factor điểm nhãn, phải có những thi tố khác cho thơ hiện hình.

Người nào cũng có khả năng làm thơ. Học một số qui luật. Tập tành một thời gian. Có thể làm thơ. Người nào cũng có thể nấu ăn. Vấn đề là thích hay không thích. Nấu ngon hay dở. Làm bếp bình bình hay độc đáo. Người nào cũng có thể học võ. Học giỏi hay dở là do dạn dĩ hay nhát gan. Thích võ đạo hay thích đấm đá. Có thể lực học Thiếu Lâm. Kém thể lực học Võ Đang. Nữ nhi học Nga My. Thành hay bại là do tài năng và ý chí.

Muốn làm thơ hay trước tiên phải có tài năng. Cũng như bất cứ một việc làm nào hoặc môn chơi nào, từ thể thao đến cờ bạc, từ lao động đến bác học, người thành công là người có tài năng trong lãnh vực đó. Dĩ nhiên có tài năng không chưa đủ. Phải biết áp dụng tài năng để tạo thành quả.

Làm thơ là một biểu hiện của sáng tác. Từ khả năng làm thơ qua đến tài năng làm thơ cách nhau bao xa? - Có tài năng tức là đa phần có khả năng. Có khả năng chưa hẳn có tài năng. - Thưa, có thể là đường xa vạn dặm.

Làm thơ là một hiện tượng phát tác của thôi thúc về điều gì muốn nói. Người xưa thường phân biệt lời thơ và lời nói. Người nay không thấy sự khác biệt. Thơ là lời nói. Là một kiểu nói. Chẳng qua mỗi người chọn mỗi lối nói khác nhau. Nói văn vẻ, nói bộc trực, nói thi vị, nói sống sượng, nói cao kỳ, nói mơ hồ, nói triết lý, nói bình dân, nói hoa hòe, đều là nói. Ca dao gồm những lời lẽ bình dân học vụ vậy mà thơ cao kỳ ngày nay chưa chắc đã thâm trầm ý tứ cho bằng.

Như vậy là vấn đề ngôn từ. Từ ngữ thơ và từ ngữ nói, có khác nhau không? - Thưa không. Chẳng qua là do thi sĩ không muốn sử dụng, không dám sử dụng, không biết sử dụng, mà thôi. Đa số người làm thơ thời trước có tiêu chuẩn về từ ngữ thơ. Phải đẹp, bóng bẩy, thi vị. Đa nghĩa và đắc địa. Không sai nhưng thiếu. Có nhiều người làm thơ không dùng từ thô kệch, thô lỗ, thô tục. Nói chung là "thô". Ba hồi trống giục đù cha kiếp. Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời, (Cao Bá Quát). Chửi thề đúng lúc thành thơ truyền khẩu. Làm thơ là nói bằng chữ viết và tín hiệu truyền thông. Tín hiệu truyền thông là một loại ngôn từ được qui định bằng hình ảnh, cử chỉ, dấu hiệu, âm thanh.....Không có từ ngữ thơ và từ ngữ nói. Chỉ có từ ngữ làm thơ và từ ngữ không làm thơ. Nói một cách khác, bất cứ là từ gì, qua tài năng của thi sĩ, từ ấy trở thành thơ.

Chữ là tín hiệu. Chữ có chữ khó dùng, có chữ dễ dùng. Có chữ dùng cao, có chữ dùng thấp. Khó dùng không phải vì ý nghĩa khó hiểu mà vì kiến thức, kinh nghiệm của người làm thơ không nhận. Cách sử dụng ngôn ngữ của mỗi người là do thói quen được xây dựng từ dòng tộc, địa phương, xã hội, học vấn và giao thiệp hàng ngày. Tưởng như giống mà lắm khi khác. Nhà thơ ở xứ Quảng viết rằng: Anh tìm tình xưa trong góc thọa. Ông bạn ở miền khác cũng biết thọa là hộc tủ nhưng cự nự, sao lại không viết: Anh tìm tình xưa trong hộc tủ. Chữ “ràng bánh tráng” đã có lúc chủ bút sửa lại là “chồng bánh tráng” khi đăng báo. Người Bình Định không dùng "chồng bánh tráng". Em hãy ra chợ mua ràng (chồng) bánh tráng. Về cuốn đời anh trong cuộn chả giò. Thi sĩ Cao Đông Khánh là một nhà thơ hải ngoại có dòng thơ riêng, một chỗ đứng riêng, đáng ngưỡng mộ. Trong thơ ông viết từ "cái lồn" rất trôi chảy, bình thường như "cái răng", "cái tóc"... Dễ dùng với Cao Đông Khánh mà khó dùng với nhiều nhà thơ khác. Chủ bút sửa lại "cái L.". Nhiều người đọc nhăn mặt. Nhiều thi sĩ khác không dám đụng tới. Dĩ nhiên chỉ không dám đụng trong chữ nghĩa mà thôi.

Như vậy là vấn đề nhạc và tiết tấu. Người xưa thường cho rằng, trong thơ có nhạc, trong nhạc có thơ. Nhạc, tiết tấu và hòa âm trong thơ có đặc điểm riêng, có qui luật riêng, có cách hành văn riêng. Người nay không thấy như vậy. Đã là ngôn ngữ nói chung, ngôn ngữ Việt nói riêng, tự nó đã có âm sắc, có thanh ngân, có độ nặng nhẹ. Tự cách nói đã có tiết tấu, đã có điệu, có nhịp. Tự người phát biểu đã có hòa âm thuận, hòa âm nghịch. Ngôn ngữ tự phát đã có sẵn hết, cần gì phải là thơ. Chẳng qua người xưa thích giới hạn thơ vào nhiều qui tắc. Nói đúng ra, không phải họ muốn giới hạn mà vì lòng họ đã quen bị giới hạn. Văn hóa họ tạo ra bằng giới hạn. Nhân sinh quan, triết lý, niềm tin họ phục tùng giới hạn. Thời đó cả Tây phương lẫn Đông phương chưa hề hiểu cái gì là tự do, cái gì là dân chủ. Tự do và dân chủ không phải là học thuyết, không phải là chính thể mà là cách sống.

Nhưng hãy đọc thơ. Hãy đọc nhiều thơ. Thấy rõ ràng giữa nói và thơ có chỗ khác nhau. Chắc chắn không thể giống nhau. Cái tạo ra sự khác biệt này không phải ở Vần, không phải ở Nhạc, không phải ở Từ ngữ, không phải ở những qui luật đương thời đang định nghĩa cho thơ. Cái đó là cái gì?

Thưa là X FACTOR.

Ngu Yên