"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Đảo Thổ Chu (Vịnh Thái Lan)

 

Đảo Thổ Chu là một đảo tiền tiêu nằm về cực nam Việt Nam, phía tây nam đảo Phú Quốc, trong vùng vịnh Thái Lan. Đảo Thổ Chu cách Phú Quốc 102 km (55 hải lý), cách Rạch Giá hơn 200 km, cách mủi Cà Mau 157 km (85 hải lý). Tên đảo trên hải đồ ngoại quốc ghi theo tiếng Malaysia là Poulo Panjang (có nghĩa là đảo dài, xin đừng nhầm lẩn với 1 đảo du lịch của Malaysia cũng có cùng tên).
Là đảo lớn nhất trong quần đảo Thổ Châu gồm 8 đảo:    

  • Thổ Chu (12,22 km2 - diện tích toàn quần đảo 13,95 km2),
  • Hòn Từ (1 km2),
  • Hòn Nhạn (2,000 m2 nơi cao nhất 40 m, đây là điểm A1 trên đường cơ sở của Việt Nam. Từ điểm này trở ra 200 hải lý là vùng đặc quyền kinh tế, trở vô là vùng nội thủy),
  • Hòn Cao Cát, cách đảo Thổ Châu 15 km về hướng đông bắc,
  • Hòn Mô còn có tên là hòn Đá Bàn,
  • Hòn Xanh còn gọi là hòn Keo Ngựa (trên đỉnh có tháp canh kiên cố xây dựng từ thời VNCH),
  • Hòn Cao, các hòn đó là những đảo nhỏ không có người ở,
  • Hòn Khô nhỏ nhất là mỏm đá nổi lên khỏi mặt nước chỉ khoảng 15 m2

lhuy --- dtc2

Bản đồ vị trí đảo Thổ Chu trong quần đảo Thổ Châu

 

lhuy --- dtc 3

Quang cảnh một góc đảo Thổ Chu

Cả nhóm đảo Thổ Châu hiện nay được qui định là xã đảo Thổ Chu, thuộc huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Thời Việt Nam Cộng Hòa, năm 1973 thành lập xã Thổ Châu, thuộc quận Kiên Thành, đến năm 1974 sáp nhập vào quận Phú Quốc, cũng từ đó người dân quanh vùng cho đến nay vẫn quen gọi là đảo “Thổ Châu”. Năm 1975, sau vụ tàn sát dân Việt của Khmer Đỏ đảo Thổ Châu không có dân cư chỉ có quân đội đồn trú, đến năm 1992 mới có đông đão dân ra lập nghiệp, bấy giờ đảo Thổ Chu thuộc xã An Thới, huyện Phú Quốc. Cuối cùng, đến ngày 24 tháng 4 năm 1993 xã đảo Thổ Chu mới được thành lập lại thuộc huyện Phú Quốc.


Địa thế đảo Thổ Chu không có núi cao hiểm trở, điểm cao nhất 167 m, phủ lên một lớp thực vật xanh mượt mà và in bóng trên vùng nước trong vắt xanh biếc, trên đảo có nhiều khu rừng nguyên sinh. Chung quanh đảo thường có những bãi cát mịn rộng từ 10 – 20 m. Hai vịnh quan trọng làm nơi trú ngụ cho tàu thuyền là bãi Dong và Bãi Ngự, dân cư tập trung sinh sống tại hai nơi này. Các bãi khác là doanh trại của đại đội biên phòng 770, lực lượng Cảnh Sát biển và một đơn vị hải quân phòng thủ đảo thuộc hải quân vùng 5 (còn gọi là vùng E, bộ Tư Lệnh hải quân vùng 5 đặt tại Phú Quốc).

lhuy --- dtc4

Miếu thờ 513 người dân đảo bị Pol Pot sát hại ngày 10-5-1975


Trên đảo có 579 hộ dân gồm 2,042 người (năm 2012), có khoảng 500 người là dân nhập cư. Hạ tầng cơ sở gồm cầu cảng, hải đăng (trên điểm cao thứ nhì của đảo ở độ cao 150 m), bải đáp trực thăng, Trung tâm Hành chánh Xã, 1 bệnh xá 26 phòng trang bị máy chụp hình quang tuyến X, máy điện tim, siêu âm, bàn mổ đa năng .v.v.. , trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cấp 1 (học trung học cấp 2 qua Phú Quốc hoặc vào Rạch Giá), bưu điện, một ngôi chùa nhỏ đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân đảo. Ba hệ thống điện thoại phủ sóng trên toàn quần đảo là hảng Viettel, Vinaphone và Mobifone, sử dụng Internet bằng phương tiện 3G. Dân trên đảo bắt được sóng của một vài đài truyền thanh và truyền hình. Năm 2012 chính quyền trung ương cấp kinh phí $1000 tỷ VNĐ (tương đương $500 ngàn USD) để phát triển đảo, công binh trải nhựa con đường dài khoảng 30 km chạy chung quanh đảo, đến các trọng điểm và lên ngọn hải đăng. Trên đảo không có hệ thống cấp nước, người dân phải tự đào giếng để lấy nước ngọt. Một máy phát điện Diesel do căn cứ hải quân quản lý, cung cấp điện cho toàn đảo.

Một miếu thờ 513 người dân trên đảo bị quân Khmer Đỏ sát hại. Thời VNCH dân trên đảo khoảng gần 600. Ngày 10 tháng 5 năm 1975, quân Khmer Đỏ chiếm đảo bắt 513 người dân đưa vào đất liền sát hại không một ai sống sót một cách man rợ và kinh tởm nhất, đàn ông bị chặt đầu, đàn bà họ dùng cây sắt nhọn đâm từ cửa mình ngược lên bụng, trẻ con cũng bị chặt đầu hay bị đập đầu, một số rất ít người trốn được vào rừng thoát chết sau đó chạy vào đất liền. Từ ngày 24 đến 27 tháng 5 năm 1975, Việt Nam đánh chiếm lại đảo nhưng dân chúng trên đảo không còn ai nữa ! Năm 1977, quân Khmer Đỏ tập kích đảo lần nữa nhưng bị đẩy lui. Từ năm 1977 đến năm 1980 vùng biển Thổ Chu là nơi cướp biển Thái Lan và Khmer hoàn hành.

lhuy --- dct5

Bãi Dong nơi có chợ xã với cầu tàu thuận tiện cho tàu thuyền cập cảng

lhuy --- dtc 6
Tàu cá cập cảng sau chuyến đi biển


Từ năm 1992 dân chúng từ Cà Mau, Rạch Giá ra đảo lập nghiệp, đa số sống bằng nghề chài lưới và chế biến hải sản. Hiện nay có 4 tổ hợp chế biến hải sản đông lạnh, và 3 tổ hợp hoạt động theo vụ mùa chế biến mực khô xuất khẩu, mực đảo Thổ Chu con lớn và ngon được nhiều khách hàng ưa chuộng. Tổng sản lượng mực tươi và khô năm 2012 trên 990 tấn, tạo việc làm cho khoảng 300 công nhân ổn định với mức lương trên dưới 2 triệu/tháng ($100.00 USD). Cơ sở cung cấp lưới, ngư cụ, xưởng sửa chửa tàu thuyền. Hai bên con đường chính ở bãi Dong là chợ xã, phần lớn nhà cửa của dân chúng làm bằng vật liệu nhẹ, nhiều hộ gia đình còn chịu nhiều khó khăn. Có hơn 100 tàu cá nhỏ hay ghe câu mực. Đảo Thổ Chu có gió mùa và thường hay bị giông bão vào mùa gió nồm (gió thổi từ vịnh Thái Lan vào) có nhiều mưa từ tháng 4 - 8, mùa khô có gió bấc (gió từ đất liền thổi ra) từ tháng 9 đến tháng 3, do đó các tàu cá neo đậu tránh bảo ở bãi Dong hay bãi Ngự tùy theo ngọn gió mùa, thường khi biển yên lặng nhất là vào tháng 11-12.

lhuy --- dtc7

Cảnh công nhân phơi khô mực 

lhuy --- dtc8

Rau và trái cây phải nhập từ Phú Quốc hay Rạch Giá, trên đảo hạn chế trồng trọt vì thiếu nước ngọt vào
mùa khô


Có thể đến Thổ Chu bằng 2 cách: Từ Rạch Giá đi tàu sắt ra Phú Quốc (không có tàu từ Rạch Giá đi trực tiếp đến Thổ Chu) mất 8 giờ, đi tàu cao tốc khoảng 4-5 giờ và nghĩ đêm tại đó, hôm sau mới đi tiếp đến Thổ Chu bằng tàu sắt (5-6 tiếng), đi tàu cao tốc (3-4 tiếng). Cách nhanh nhất là đi máy bay ra Phú Quốc, rồi đi tàu cao tốc đến Thổ Chu. Tại Thổ Chu trung bình 5 ngày mới có 1 chuyến tàu trở vô Phú Quốc, khi biển động thì thời gian chờ đợi tùy thuộc cho đến khi biển yên lặng trở lại.

lhuy --- dtc9

Đảo Thổ Chu yên bình và nhiều cảnh đẹp mê hồn

 

lhuy --- dtc10

Hòn Nhạn, có nhiều chim nhạn trú ngụ, là điểm A1 đường cơ sở của VN trong vịnh Thái Lan

 

Đảo Thổ Chu, có nhiều phong cảnh đẹp, hệ thực vật chưa bị tàn phá có hơn 200 loài, chiếm ưu thế là họ Bứa (Guitifereae), họ Đậu (Fabaceae), họ Hồng Xiêm (Sapotaceae). Về thú rừng có các loài sóc, khỉ, trăn, rắn, .v.v.. Trên đảo còn có loài đặc hữu là thằn lằn chân ngón Thổ Châu (Cyrtodactylus thochuensis). Những cụm đá bị bào mòn bởi sóng biển, bãi cát mịn, nhiều bãi biển quanh các hòn còn nguyên sơ, đáy biển quanh đảo và các hòn có nhiều rặng san hô. Có trên 99 loài san hô được tìm thấy quanh đảo và các hòn chiếm ưu thế nhất là 2 chi Montipora và Acropora thuộc họ lổ đinh, là nơi sinh sản của loài rùa biển quý hiếm đang bị nguy cơ tuyệt chủng. Trên đảo Thổ Chu có nhiều cụm rừng nguyên sinh, chính quyền địa phương quy định chặc chẻ việc khai thác gổ giử tỷ lệ diện tích rừng nhất định để giử nước mưa, bảo đảm lượng nước ngầm phục vụ sinh hoạt cho dân đảo, đó cũng là gìn giử nét đẹp dành nhiều kỳ thú của những ai thích khám phá thiên nhiên và chơi nhiếp ảnh. Năm 1995, Việt Nam đề xuất lập khu bảo tồn biển đầu tiên, tiếp theo là Ngân Hàng Phát Triển Á Châu hổ trợ xúc tiến lập khu bảo tồn Đa Dạng Sinh Học có diện tích tổng quát 22,400 ha, gồm 1,190 ha trên phần đất liền và 21,210 ha biển.

lhuy --- dtc11
Bãi Ngự, nơi có truyền thuyết vua Gia Long ghé qua

 

lhuy --- dtc12

Những bãi cát mịn thường thấy quanh đảo

 

lhuy --- dtc14
Rạng san hô là nơi trú ngụ của loài rùa biển quý hiếm

 

lhuy --- dtc15
.... xuyên qua khu rừng còn nguyên sinh

 lhuy --- dtc16
Con đường độc đạo (trail) dành cho cuộc đi dã ngoại (hiking) của những du khảo sinh ưa thích nhất

Vùng biển ven đảo nguồn hải sản hạn chế ngư dân không có tàu lớn để đánh bắt ra xa, nên Việt Nam dựa vào tiềm năng và vị trí ưu thế của đảo thiết lập dự án xây dựng cầu cảng để các tàu cá có nơi neo đậu tránh bảo, cơ sở thu mua và chế biến hải sản, cung cấp thực phẩm, nước ngọt và xăng dầu, ngư cụ, xưởng sửa chửa tàu thuyền nhằm hổ trợ đội tàu cá của Rạch Giá và Cà Mau đánh bắt xa bờ trong vùng vịnh Thái Lan. Ngoài ra vùng biển tại đảo Thổ Chu thích hợp cho sự sống của loài cá bốp có giá trị kinh tế cao nên nghề nuôi cá bốp trên các lồng bè có chìu hướng tương đối phát đạt, tuy phát triển nhanh nhưng cũng chưa cung cấp đủ cho nhu cầu của các nhà hàng cao cấp tại những trung tâm du lịch trong đất liền. 

 

lhuy --- dtc17
Cầu cảng được nâng cấp phục vụ nghề cá, còn dành cho ngành du lịch đang trên đường phát triển


Một ưu điểm khác của đảo Thổ Chu là không khí trong lành, nhiều phong cảnh đẹp nên hiện nay có vài công ty du lịch đang thực hiện xây dựng các công trình phục vụ du lịch cao cấp như khách sạn, nhà hàng, tour tham quan quanh đảo bằng ghe máy đuôi tôm hay tour đi dã ngoại (hiking) trên những con đường độc đạo (trail). Trong tương lai gần đảo Thổ Chu sẽ trở thành trung tâm du lịch hấp dẫn của du khách, đây là địa điểm từ lâu từng thu hút nhiều đoàn du khảo của sinh viên và thanh niên. Ngay từ trước năm 1975 đảo Thổ Chu (thời đó gọi là đảo Thổ Châu) là nơi các viện đại học Cần Thơ, Sài Gòn hay Đà Lạt thường tổ chức các chuyến du khảo đến hòn đảo ngoài xa khơi nơi cuối vùng đất nước ở đó còn nhiều nét hoang sơ tuyệt đẹp, và cho đến bây giờ, trong giới trẻ hiện nay họ đặt cho đảo Thổ Chu nicknam là “Đảo Thanh Niên”.

Xin giới thiệu loạt bài các đảo tiền tiêu quan trọng của Việt Nam:

  • Đảo Bạch Long Vĩ (Vịnh Bắc Bộ)
  • Đảo Lý Sơn (Bắc Trung Phần)
  • Đảo Phú Quý (Nam Trung Phần)
  • Đảo Côn Sơn (Nam Bộ)
  • Đảo Thổ Chu (Vịnh Thái Lan)

(Tài liệu tổng hợp, hình ảnh Net – Phoenix, AZ – Sept 2014)