"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Chùa Hương Tích

   Miền Bắc, những tỉnh quanh Hà Nội có rất nhiều đình chùa, nhưng có hai ngôi chùa khách thập phương thích trẩy hội đầu xuân nhất là chùa Hương Tích và chùa Yên Tử. Chùa Yên Tử nguyên gốc là chùa Thầy An, về sau chữ An đổi thành chữ Yên (Yên là an, Tử là thầy). Chùa này nổi tiếng là nhờ có Ðiều Ngự Giác Hòang thiền sư , tức vua Trần Nhân Tông (1278-1293) đã tu tập và lập ra Thiền Phái Trúc Lâm. Chùa Hương Tích thường gọi là chùa Hương nổi tiếng nhờ phong cảnh hữu tình chung quanh dòng suối Yến, với nhiều hang động và cả một rừng mơ ( Apricots). Kỳ này mời qúi độc giả viếng cảnh chùa Hương, kỳ tới sẽ chiêm bái Yên Tử.
    Chùa Hương nằm trong vùng thắng cảnh Hương Sơn cách Hà Nội khoảng 65 cây số. Toàn cảnh nằm trên suối Yến, và suối Tuyết Sơn, một phụ lưu sông Ðáy thuộc Huyện Mỹ Ðức, tỉnh Hà Tây (trước là Hà Ðông). Cảnh Hương Sơn gồm có mười hai chùa và ba đền, chia ra như sau:
    Bên suối Yến có năm chùa lộ thiên: Long Vân, Giải Oan, Thanh Sơn, Thiên Trù và Tiên Sơn; bốn chùa trong động: Hương Ðài, Hinh Bồng, Ðại Binh, Hương Tích, hai đền là đền Trình Ngũ Nhạc và đền Cửa Võng.
    Bên suối Tuyết Sơn có hai chùa lộ thiên: Bảo Ðài, Ngư Trì, và chùa Tuyết Sơn trong động cùng đền Trình Phú Yên.
    Toàn cảnh là một vùng núi rừng chập chùng, nối liền nhau bởi sông, suối và những cánh đồng lúa nước xanh mát, tô điểm bằng những hoa mơ trắng, hoa gạo đỏ, hoa sen hồng cùng vớí hoa rừng cỏ nội, muôn màu muôn sắc.

Chùa Hương trời điểm lại trời tô
Một bức tranh tình trải mấy thu.
Xuân lại xuân đi không dấu vết,
Ai về ai nhớ vẫn thơm tho
Tản Ðà

   Hằng năm lễ hội chùa Hương thường được tổ chức từ ngày mồng sáu tháng giêng đến hết tháng ba âm lịch. Tuy đường từ Hà Nội đến Hương Sơn không quá xa, nhưng phải mất gần hai giờ đi xe hơi mới đến vì có một quãng hơn 20 cây số lồi lõm, gập ghềnh xe phải chạy rất chậm. Xe chạy qua cầu Yến Vĩ, đậu kế bên những quán ăn. Du khách bước xuống xe, một vùng không khí mát dịu trong lành, bỏ lại sau lưng một Hà Nội ồn ào, ngột ngạt.
    Xưa thuyền đậu bến Ðục, nay chiếc cầu bắt ngang đoạn cuối suối Yến đã hoàn tất, tức cầu Yến vĩ, nên thuyền đón khách ở bến Yến. Bến Yến không lớn, bề ngang suối chỉ hơn ba mươi mét, cả trăm chiếc thuyền dáng mỏng manh như những chiếc lá tre chòng chành trên làn sóng nhẹ đang chờ khách. Lần lượt cứ hai hay ba người lên một chiếc thuyền, mỗi thuyền có một hay hai cô chèo, có lẽ tùy theo tay nghề khoẻ hay yếu, nếu cần thì với hơn ba cây số chèo thuyền trên suối Yến, họ sẽ đổi tay. Một vài du khách không biết bơi, và chưa từng đi đò dọc hay đò ngang, nhìn thấy nước ngập đến be thuyền như sắp chìm thì ngần ngại không dám bước xuống thuyền. Nhưng rồi do mọi người khuyến khích và nhất là tiếng thơ xa xa vọng lại, du khách hít một hơi thở thật sâu, mĩm cười, bước xuống thuyền.

…Bến Yến Vĩ lướt thoi thuyền Tam bảo
Cho tôi đi vào xứ của thiên nhiên
Tay cô gái dong chèo trên suối Ðục
Ðây bến trần hay đã đến non tiên
Băng Sơn

 Bến Yến Vĩ

Bến Yến Vĩ

   Dọc theo bên trái của suối Yến có một con đường mòn quanh co, dài khoảng bốn cây số có thể đi bộ đến chùa Hương, nhưng ngồi thuyền bơi nhẹ trên dòng nước mát vẫn thích thú hơn.

HuongTich 1 2

Đường Đi Bộ Chùa Hương

   Lần đầu có hơi e ngại, nhưng du khách đã đến viếng phong cảnh Hương sơn một lần thì khó mà quên.

Hôm nay lại trẩy chùa Hương
Lênh đênh đò suối màn sương còn dày
Thuyền mơ năm trước đâu đây
Nhớ cô yếm thắm hây hây má hồng

   Rời bến Yến Vỹ chừng gần nửa cây số thì thuyền cập vào bến đền trình Ngũ Nhạc. Ðền nầy thờ đức thánh Trần Hưng Ðạo và thần núi trấn giữ Hương sơn Mẫu Thượng Ngàn (là Bà Chúa An Bình, con Thần Tản Viên).

Lên đò suối Yến xinh xinh,
Ðến đền Ngũ Nhạc nhớ trình thần linh

HuongTich 1 3

Bến đò đền trình Ngũ Nhạc

 

HuongTich 1 4

Đền trình Ngũ Nhạc

   Rời đền Ngũ Nhạc, chúng tôi lên thuyền tiếp tục ngược dòng suối Yến lướt nhẹ về hướng chùa Hương. Nước suối trong vắt, mát lạnh, chảy lững lờ, lòng suối bằng phẳng, không sâu lắm chỉ đến bụng hay ngực, có rất nhiều cỏ nước mọc cao che kín lòng suối. Hai bên không thấy bờ suối mà chỉ là ruộng lúa nước, xanh ngát mênh mông. Không khí hơi se lạnh, mưa xuân bay nhè nhẹ khiến phong cảnh Hương sơn như được che bởi một màn lụa mờ mờ ảo ảo. Ngoài tiếng mái chèo lõm bõm của đoàn thuyền, cả một vùng phong cảnh tĩnh mịch.

HuongTich 1 5

Ngã chia suối Yến và suối Tuyết Sơn

 

HuongTich 1 6

Suối Yến dẫn đến chùa Hương

…Lần khe Yến vĩ đi vòng
Bốn bề bát ngát xa trông lạ nhường
Giữa dòng đáy nước lồng gương
Mượn chèo ngư phủ đưa đường Ðào nguyên
Chu mạnh Trinh

   Thuyền lướt đi khoảng cây số, phong cảnh phía trước hiện rõ dần vì cơn mưa phùn đã dứt. Bên hữu ngạn suối Yến một ngọn núi nhỏ cao khoảng 20 mét, nhô ra gần bên dòng nước, trên đỉnh có tảng đá to hình như một mâm xôi lớn ai đặt lên đó để cúng tế Trời Phật, vì vậy mà núi có tên là núi Mâm xôi.

HuongTich 1 7

Núi Mâm Xôi

   Phía xa từ bên trái đến trước mặt núi rừng trùng điệp, những ngọn núi như những con voi khổng lồ cùng chầu về hướng đền Hùng ở Việt Trì, Phú Thọ, đầu cúi thấp, lưng nhô cao, nhìn kỹ thì có một ngọn núi như là quay ngược chiều với tất cả dãy núi. Theo truyền thuyết thì xưa thật là xưa, có cả trăm con voi cùng về giúp vua Hùng tạo thành một vùng rừng núi hiểm yếu để bảo vệ đất Việt cổ, chống xâm lăng. Trong đám có một con voi có ý phản lại nhà vua, quay đầu bỏ chạy, bị mẩu Thượng Ngàn, chúa cai quản rừng núi, chém một kiếm, mất một miếng thịt bên mông. Mẩu Thượng Ngàn định kết liễu đời con voi phản phúc, nhưng bà Chúa Ba , tức Quan Âm Diệu Thiện thờ trong chùa Hương tích xin tha nên voi không bị giết. Từ đó đến bây giờ vết chém vẫn còn rỉ máu- màu nước nâu đỏ (mỗi khi trời mưa)- và tại vết chém, không có cây cỏ mọc!

HuongTich 1 8

 Núi rừng trùng điệp

Ðệ nhất Nam thiên ấy cảnh này
Thuyền nay đón khách mái chèo lay
Hai bên quả núi lồng gương suối
Bốn mặt hoa ngàn rũ bóng cây …
Bà Huyện Thanh Quan

   Những con thuyền từ từ tiến về đầu nguồn suối Yến, phong cảnh chung quanh càng yên tĩnh, không khí mát lạnh hơn. Một cảm giác yên bình pha lẫn một chút huyền bí khiến du khách quên mất phiền não nhưng lại hơi nôn nao tưởng mình như Từ Thức ngày xưa. Cảm giác mơ màng của du khách bị tiếng nói của cô lái đò đánh thức: “Sắp đến bến đò Thiên Trù, cô bác nhà mình ngồi yên, đợi chúng em cặp thuyền cẩn thận xong mời cô bác lên bờ đi chùa lễ Phật. Chúng em đợi ở đây, chiều đón cô bác nhà mình về”. Rõ là các nàng gốc Hà đông, giọng nói nghe ngọt đến nỗi thấy lành lạnh nơi cổ.

HuongTich 1 9

 Bến đò chùa Thiên Trù

Tiếng đâu văng vẳng chuông vàng
Khói đâu nghi ngút mùi nhang Thiên Trù
Thuyền nan mấy mái chèo đua
Một giây thẳng tới bên chùa bước lên…
Chu Mạnh Trinh

HuongTich 1 10

 Đường vào chùa Thiên Trù

   Xuống thuyền, du khách lần bước theo một con dốc không cao lắm nhưng hơi trơn trợt khoảng năm mươi mét thì đến một khoảng đường lớn cỡ hai chục mét bề ngang, lát đá núi xanh xám thoáng mát với hai bên cây cối xanh tươi. Ðường này dẫn đến chùa Thiên Trù, nhưng hãy thong thả, đến trước cổng chùa rẽ phải để đi viếng suối Giải Oan, chùa Tiên Sơn và chùa Hương Tích, đến trưa hãy quay về viếng chùa Thiên Trù nghỉ ngơi, ăn uống.

HuongTich 1 11

   Du khách bây giờ mới thực sự bắt đầu leo lên những giốc đá chỗ thì nhẵn thín trơn trợt, chỗ thì sần sùi lồi lõm. Những bậc đá cao thấp không đều, tuy không cheo leo hiểm trở, nhưng vì mưa xuân bay bay ươn ướt khiến mọi người phải cẩn thận từng bước ngay cả những đoạn bằng phẳng không phải leo trèo.

…Lên cao lên cao mãi,
Chân mỏi tưởng đường xa…
Xuân Diệu

   Ðến suối Giải Oan, du khách hãy dừng lại nghỉ chân, ngắm cảnh và chụp hình:

…Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng
Này am Phật Tích, này động Tuyết Kinh…
Chu mạnh Trinh

HuongTich 1 12

   Tiếp tục cuộc hành trình khoảng vài trăm mét sẽ thấy chùa Tiên Sơn trên giốc núi cao nằm bên phải. Rẽ vào, leo lên những nấc thang khiêm tốn, không cao lắm, nhưng hẹp, du khách sẽ say mê với cảnh chùa Tiên Sơn.

Rẽ núi, ta đi vào cửa động
Ngoảnh sau, nhìn lại dáng chùa Tiên
Xuân Diệu

HuongTich 1 13

 Cổng chùa Tiên Sơn

   Chùa Tiên Sơn có chánh điện tựa lưng bên sườn núi, với một khoảng sân phía trước rất thoáng mát, nơi đây có thể trông bao quát một vùng rừng núi xanh thẳm. Bên trái chính điện là một thạch động có những pho tượng Phật cao gần nửa mét bằng thạch nhũ trắng trong, nhìn thấu suốt từ truớc ra sau tượng, do đá lấy từ trong động này tạc thành. Ngoài ra thạch động còn có những phiến đá khi gõ vào có tiếng vang như chuông, trầm như trống và cốc cốc như mõ.

HuongTich 1 14

 Thạch động bên trái chùa Tiên Sơn

   Rời thạch động, vận sức xuống đôi chân du khách đã bắt đầu thấm mệt nhưng cảnh trí lôi cuốn trước mặt và không khí trong lành của núi rừng nên bước chân vẫn đều đều.
Ðưa mắt nhìn một ngọn núi cao bên trái, một vách đá thẳng đứng bên sườn đó là cửa động vào chùa Hinh Bồng.

HuongTich 1 15

 Động Hình Bồng

   Chùa Ðộng Hinh Bồng không rõ có từ thời nào, nhưng phát hiện được vào năm 1932 do núi lở để lộ ra cửa động. Gần đây, ngọn núi này lại sập lở lấp gần hết cửa động nên bị cấm không cho khách thập phương đến viếng. Chùa động Hinh Bồng đã lưu bút tích chúa Trịnh Sâm:

Phương Nam chất ngất núi bao la
Ðộng tạc sườn non vẻ nuột nà
Nét tỏ dấu thần vàng chuốt móng
Sương ngưng gốc thụ ngọc in da…

…Cảnh lạ thú mầu khôn xiết kể
Thanh kỳ đệ nhất chốn Nam thiên
Chúa Trịnh Sâm

   Tiếp tục leo lên thêm hai cái giốc rồi đi thong thả trên một đoạn đường bằng, vòng theo bên tay phải, là động Hương Tích:

Ơ! Chùa trong đây rồi!
Ðộng thẳm bóng xanh ngời,
Gấm thêu trần thạch nhũ,
Ngọc nhuốm hương trầm rơi.
Ðường đây kia lên giời,
Ta bước tựa vai cười,
Yêu nhau, yêu mãi mãi!
Ði, ta đi, chàng ôi!
Nguyễn Nhược Pháp

 huongtich 2 1

   Lần theo trên trăm bậc cấp xuống động, cái mệt nhọc nóng nực và mồ hôi toát ra trên quãng đường dài leo giốc đã dần dịu lại.

HuongTich 2 2

   Trong sân động nhìn lên vách đá bên trái, năm chữ “Nam Thiên Ðệ Nhất Ðộng” của Tĩnh Ðô vương Trịnh Sâm đã được sơn trắng.

HuongTich 2 3

Ðệ nhất động hỏi rằng đây có phải?
Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái,
Lặng lờ khe suối cá nghe kinh,
Thoảng bên tai một tiếng chày kình

    Vào sâu trong động nhìn ra du khách sẽ phải bái phục thi tài của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

HuongTich 2 4

Bày đặt kìa ai khéo khéo phòm,
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom,
Người quen cõi Phật chen chân xọc,
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm…
Hồ Xuân Hương

   Gần sát vách bên phải thạch động là một khối thạch nhũ do lâu năm tạo thành như một đụn gạo; kế phía trước đó là hai khối thạch nhũ nhỏ hơn được gọi là “Hòn Cô, Hòn Cậu”:

HuongTich 2 5

“Ðụn gạo” cao như núi
No ấm trút mời người
Ðây “hòn Cô, hòn Cậu”
Vọng lời khấn bao đời
Phạm Hổ

HuongTich 2 6

   Bên trong cùng của thạch động là bàn thờ Bồ Tát Diệu Thiện ở chính giữa (Tượng Bồ Tát Diệu Thiện do vua Hồ Hán Thương lập nên), các thổ thần hai bên, tuy đơn sơ nhưng rất trang nghiêm. Ðặc biệt trong động Hương Tích không có thờ đức Phật Thích Ca, hay Phật Di Lặc.
    Lễ Phật xong, du khách quay về chùa Thiên Trù để nghỉ chân và dùng cơm trưa. Nguyên thủy chùa Thiên Trù (Thiên là trời, Trù là nhà bếp) là nhà bếp của trời. là nơi lo hoa trái để dâng cúng trên chùa Động Hương Tích và thực phẩm cho chư Tăng Ni.

HuongTich 2 7

…Thiên Trù, một khoảnh êm phơi phới
Núi ngắm nhau xanh một sắc hiền…
Xuân Diệu

HuongTich 2 8

   Chùa Thiên Trù xây dựng trước năm 1686, có nhiều bậc thang rộng trước chùa. Có vườn tháp bên phải và khóm trúc hóa long bên trái.

…Hai khúc chon von một nóc đình
Trơ trơ bia đá mặc rêu xanh
Bên cầu ngoảnh lại đường xa tít
Nghìn xóm um tùm nước uốn quanh
Cao Bá Quát

HuongTich 2 9

 

HuongTich 2 10

 

Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa
Tản Ðà

   Vùng Hương sơn còn có hai món thổ sản tuy bình dân là rau sắng và trái mơ nhưng đã đi vào thơ ca một cách dễ thương:

HuongTich 2 11

Thơ thẩn đường chiều một khách thơ
Say nhìn xa rặng núi xanh lơ
Khi trời lặng lẽ và trong trẻo
Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Hởi cô con gái hái mơ gìa
Cô chửa về ư. Ðường thì xa
Mà ánh chiều hôm dần một tắt
Hay cô ở lại về cùng ta?
Nhà ta ở dưới gốc cây dương
Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
Có suối nước trong tuôn róc rách
Có hoa bên suối ngát đưa hương. . .
Nguyễn Bính

   Yến Lan là một thi sĩ người Bình định, Hương Sơn và Bình định thật là đường xa cách trở, không dễ gì một sớm một chiều mà gặp nhau, thế nhưng khi từ biệt Hương Tích, nhà thơ Yến Lan không ngại ngùng hứa hẹn:

Hương Tích ơi, tôi sẽ còn đến nữa
Như hoa mơ lại đến với mùa mơ
Nâng cuộc đời đẹp hơn những giấc mơ
Yến Lan

HuongTich 2 12

Bửu Hồ