"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

 

Lý Luận Phê Phán Về Chủng Tộc (CRT*)
Và Công Bằng Chủng Tộc

21bhvhllp1 

Hai năm nay (2020-2021), ngoài bệnh Covid-19, bận tâm lớn nhất của xã hội Mỹ là vấn đề chủng tộc, được khơi động mạnh mẽ qua cái chết của người da đen George Floyd trong tay cảnh sát.

Những người có con trong tuổi đi học cũng như những ai lưu tâm đến nền giáo dục ở Mỹ không thể không quan tâm đến vấn đề màu da đang dần dần được đưa vào học đường Mỹ. Một trong những hệ lụy của vấn đề này là những trường học tiếng tăm như Đại học Harvard hay trường trung học số một của Mỹ (trường Thomas Jefferson của Fairfax County, Virginia chuyên về khoa học kỹ thuật) có tỷ lệ học sinh Á châu rất cao đã theo nhau áp dụng những biện pháp giảm thiểu số ứng viên gốc Á được nhập học, với các quota ngấm ngầm, hay dưới hình thức “tác động khẳng định” (affirmative action) để thực hiện một tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ trong dân số cho các sắc dân thiểu số không được đại diện tương  xứng trong số sinh viên của họ (underrepresented minorities). Trường  Trung học Thomas Jefferson của Fairfax County, Virginia chuyên về khoa học kỹ thuật, được xếp là trường trung học đứng đầu nước Mỹ, hiện nay có 73% là gốc châu Á, 17,7% Da Trắng, 1% Da Đen. Trường đang thay đổi từ một hình thức thi tuyển gay go qua một hình thức “holistic” (toàn diện) như xét về trải nghiệm các nhân, gốc gác vùng, chủng tộc, để hạ tỷ số Á châu xuống chừng 31%, tăng da trắng lên chừng 48%, Da Đen 5%, Mỹ La-tinh 8%. Hiện nay trong 1 triệu dân của Fairfax County, chừng 20% là gốc châu Á, 64% Da Trắng, Latino 16% và Đen 10%.  (1,2,9)

.

Trong nội dung giáo dục, một bên là những thành phần muốn trẻ em Mỹ phải được dạy về những vấn đề liên hệ tới cách người da màu (bao gồm da đen; da nâu như người Hispanic; “da vàng” như người Châu Á nhưng có thành kiến cho rằng người gốc châu Á là “ thiểu số gương mẫu’ (model minority), thành công, theo phe người da trắng và không bị kỳ thị ) bị thiệt thòi hay áp chế trong xã hội Mỹ (3). Họ cho rằng điều họ muốn trẻ phải ý thức là  có sự bất công trên cơ sở  chủng tộc trong xã hội Mỹ (racial inequity) và mục đích của họ là thực hiện công bằng chủng tộc (racial equity). Sau đây là một ví dụ do những người đề xướng công bằng chủng tộc đưa ra để chứng minh sự kỳ thị màu da trong ngành địa ốc ở Mỹ:

“Hãy tưởng tượng hai khu phố.

Trong một khu phố có một gia đình bốn người, nhà họ Smith. Khu dân cư gia đình Smith đang trì  trệ, với những ngôi nhà bỏ hoang, trường học tồi tàn và kém an ninh. Hầu hết những người hàng xóm của họ, bao gồm gia đình họ, là người da màu.

“Trong khu phố liền kề là một gia đình ba người, Jones. Khu phố Jones có nhiều chợ thực phẩm tươi, hệ thống xe buýt hoạt động mạnh, công viên, trung tâm y tế và trường học tốt. Các gia đình đổ xô đến đó vì tất cả các dịch vụ này đều mang lại cơ hội kinh tế và đem đến sức khỏe tốt. Hầu hết các gia đình sống trong khu phố này, bao gồm cả gia đình Jones, đều là người Da trắng.

Thành phần chủng tộc của các vùng lân cận của họ không phải tự nó mà có. Ai sống trong khu phố nào và liệu khu phố đó có nhà ở đàng hoàng, trường học tốt, và công việc được trả lương cao hay không được quyết định bởi nhiều chính sách về thể chế và thực tiễn. Dù cố ý hay không, các chính sách và thực hành này thường phân biệt đối xử theo chủng tộc, đó là lý do tại sao chúng ta thấy rất nhiều khác biệt về kết quả cuộc sống dựa trên sự khác nhau về chủng tộc.”

Để thực hiện công bằng chủng tộc, người ta muốn:

“Khi chúng ta đạt được sự bình đẳng về chủng tộc: Mọi người, bao gồm cả người da màu, là chủ sở hữu, người hoạch định và người ra quyết định trong hệ thống chi phối cuộc sống của họ.

Chúng ta thừa nhận và giải thích các bất bình đẳng trong quá khứ và hiện tại, đồng thời cung cấp cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi bất bình đẳng chủng tộc, cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển.

Mọi người đều được hưởng lợi từ một hệ thống công bằng, bình đẳng hơn.”

Ví dụ, ở Quận King, tiểu bang Washington, có sự chênh lệch tuổi thọ 10 năm giữa các ZIP code (vùng mã số bưu điện)  nơi cư dân chủ yếu là người Da trắng và ZIP code  nơi cư dân chủ yếu là người da màu.”(4)

Bên phe đối lập thì cho rằng các trẻ em Mỹ đang bị phe tả “nhồi sọ” về các ý niệm về phân biệt màu da, không còn nhìn các bạn đồng lứa mình như những con người riêng rẽ , mà là những đối tượng thuộc một giai cấp, một sắc dân khác có quyền lợi đi ngược với quyền lợi của chủng tộc, giai cấp của mình. Và một phong trào lớn đang trổi dậy trong giới bảo thủ  (cũng như trong một số người tự nhận mình là ”cấp tiến, tự do” (liberal)) là chống lại cái mà họ gọi là việc chính trị hóa học đường. Nhiều tiểu bang đã thông qua những luật cấm dạy một số diễn giải lịch sử Mỹ theo chiều hướng bất công chủng tộc này, bao gồm các tiểu bang Idaho, Iowa, Oklahoma, Texas and Tennessee; nhiều tiểu bang nữa đang có những dự luật tương tự. (5) Luận cứ quan trọng nhất là cho rằng “racial equity” chỉ là một hình thức được che đậy của “CRT” hay “critical racial theory”. Ví dụ, tại Loudoun County, Bắc Virginia, một cuộc tranh luận gay gắt đang xảy ra đòi miễn nhiệm đa số các thành viên của Ban Học chính (Board of Education) buộc tội họ đem CRT dạy cho trẻ em tiểu học và trung học (K-12, từ mẫu giáo đến lớp 12), trong lúc những người này thì biện bạch rằng CRT chỉ được dạy như là một môn ở đại học, và cái mà họ đang áp dụng chỉ là những bài học về bất công chủng tộc và mục tiêu là công bằng chủng tộc (racial equity).

Theo báo The Washington Post: “Loudoun không phải là nơi duy nhất mà lý luận phê phán về chủng tộc, hay CRT, đang bùng nổ. Các nhà hoạt động bảo thủ và các chuyên gia trên khắp Hoa Kỳ đã vũ khí hóa (weaponize) lý luận  này - một khuôn khổ học thuật đã có hàng mấy mươi năm nay cho rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã len lỏi vào quá khứ và các thể chế của nước Mỹ - để khẳng định rằng các hệ thống trường học [ tổ chức theo county]  ý thức về công bằng [xã hội về chủng tộc, equity conscious school systems] đang dạy trẻ em ghét nhau, và làm cho trẻ em da trắng  tự ghét chính mình.”(5)

Vậy CRT là gì? Dù chúng ta , người Việt , người Châu Á, muốn đứng ngoài cuộc tranh luận hay đấu tranh này đi nữa, chúng ta cũng đã, hay  sẽ, bị lôi cuốn vào đó, như chúng ta đang thấy trong những cuộc tấn công người gốc Á châu đang xảy ra càng ngày càng nhiều tại Mỹ hay những dị biệt về quan điểm chủng tộc giữa các thế hệ người Việt tại Mỹ.

Sau đây, là bản dịch bài giải thích về CRT của tự điển bách khoa Encyclopedia Britanica, là một nguồn uy tín, có giá trị học thuật và phần lớn phi chính trị.(6)

“Lý Luận Phê Phán Về Chủng Tộc (CRT) là một phong trào trí thức và một khung sườn về phân tích pháp lý được tổ chức lỏng lẻo dựa trên tiền đề rằng chủng tộc không phải là đặc điểm tự nhiên, có cơ sở sinh học của các phân nhóm  người khác biệt về thể chất mà là một phạm trù được xây dựng bởi xã hội (được”phát minh” bởi nền văn hóa/ culturally invented) được sử dụng để đàn áp và bóc lột người da màu (people of colour). Các lý luận gia của lý luận phê phán về chủng tộc cho rằng luật pháp và các định chế pháp lý ở Hoa Kỳ bản chất vốn có tính phân biệt chủng tộc khi chúng có chức năng tạo ra và duy trì sự bất bình đẳng về xã hội, kinh tế và chính trị giữa người da trắng và người không- da trắng, đặc biệt là người Mỹ gốc Phi.

Lý Luận Phê Phán Về Chủng Tộc (CRT) được chính thức kết thành vào năm 1989, tại Hội thảo hàng năm đầu tiên về Lý Luận Phê Phán Về Chủng Tộc, mặc dù nguồn gốc trí thức  của nó đã đi ngược thời gian lâu hơn nhiều, từ những thập niên 1960 và 70. Tiền thân ngay trước đó là phong trào “nghiên cứu phê phán về pháp lý” (CLS, critical legal studies), tự cho mình nhiệm vụ xem xét cách thức luật pháp và các thể chế pháp lý phục vụ lợi ích của những người giàu có và quyền lực với cái giá phải trả là  những người nghèo và những người sống ở ngoại biên xã hội (the marginalized) bị thiệt thòi. (CLS là một nhánh của lý luận phê phán (critical theory **) theo định hướng của chủ nghĩa Mác. CLS cũng có thể được coi là sự phát triển triệt để của chủ nghĩa hiện thực pháp lý (legal realism) của đầu thế kỷ 20. (“Hiện thực pháp lý” là một trường phái triết học pháp lý mà theo đó các quyết định tư pháp (judiciary decisions) đặc biệt là ở cấp phúc thẩm (appellate level), chịu ảnh hưởng của các yếu tố ngoài phạm vi pháp-lý (non legal factors) ví dụ những yếu tố chính trị hoặc ý thức hệ ; ảnh hưởng của các yếu tố này quan trọng bằng các yếu tố pháp lý như quyết định căn cứ trên tiền lệ (precedent) và các nguyên tắc lý luận pháp lý.) Giống như các học giả nghiên cứu pháp lý phê bình (CLS), các nhà lý luận phê phán về chủng tộc tin rằng chủ nghĩa tự do chính trị (political liberalism) không có khả năng giải quyết thỏa đáng các vấn đề cơ bản về bất công trong xã hội Mỹ (bất chấp các đạo luật và phán quyết của tòa án thúc đẩy quyền công dân trong những năm 1950 và 60), bởi vì nó nhấn mạnh vào việc đối xử công bằng theo luật pháp đối với mọi chủng tộc không phân biệt màu da (“mù màu”, “colour blindness”) khiến nó có khả năng chỉ nhận ra những hành vi phân biệt chủng tộc công khai và hiển nhiên nhất, chứ không phải những hành vi tương đối gián tiếp, tinh vi, hoặc có tính cách hệ thống (systemic). Chủ nghĩa tự do (liberalism) cũng bị bắt lỗi vì đã giả định một cách sai lầm bản chất phi chính trị của việc ra quyết định tư pháp (judicial decision making) và cố tình thực hiện một lối tiếp cận có tính cách lũy tiến (từng bước nhỏ) hoặc cải lương (incremental or reformist) hoặc làm kéo dài các sắp xếp xã hội bất công và tạo cơ hội cho việc thụt lùi hay tụt hậu thông qua sự chậm trễ về hành chính và các thách thức pháp lý của phe bảo thủ. Tuy nhiên, không giống như hầu hết các học giả CLS, các nhà lý luận phê phán về chủng tộc không muốn từ bỏ hoàn toàn các khái niệm về luật hoặc quyền pháp lý, bởi vì, theo kinh nghiệm của họ, một số đạo luật và cải cách pháp lý đã giúp ích rất nhiều cho những người bị áp bức hoặc bóc lột.

Trong tác phẩm “Lý Luận Phê Phán Về Chủng Tộc: Phần Nhập môn”, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2001, các học giả pháp lý Richard Delgado (một trong những người sáng lập CRT) và Jean Stefancic đã thảo luận về một số định đề chung mà họ cho rằng sẽ được nhiều nhà lý luận phê phán về chủng tộc chấp nhận, mặc dù có sự khác biệt đáng kể về các tín điều giữa các thành viên của phong trào. “Các nguyên lý cơ bản” này của CRT, theo các tác giả, bao gồm các điểm sau:

(1) Chủng tộc được xây dựng bởi xã hội, không phải tự nhiên về mặt sinh học.

(2) Phân biệt chủng tộc ở Hoa Kỳ là bình thường (normal), không phải là một điều dị thường (aberrational): đó là kinh nghiệm phổ biến, bình thường của hầu hết người da màu.

(3) Do cái mà các nhà lý luận phê phán về chủng tộc gọi là “hội tụ của lợi ích” (interest convergence) hoặc “thuyết quyết định vật chất” (material determinism), các tiến bộ pháp lý (hoặc thất bại) đối với người da màu có xu hướng phục vụ lợi ích của các nhóm da trắng thống trị. Do đó, hệ thống phân cấp chủng tộc đặc trưng cho xã hội Mỹ có thể không bị ảnh hưởng hoặc thậm chí được củng cố bởi những cải thiện bề ngoài về địa vị pháp lý của những người bị áp bức hoặc bóc lột.

(4) Các thành viên của các nhóm thiểu số theo định kỳ bị “chủng tộc hóa một cách phân biệt ” (differential racialization, chia thành những nhóm theo chủng tộc), hoặc gán cho họ những khuôn mẫu định kiến (stereotype)  tiêu cực khác nhau, một lần nữa tùy thuộc vào nhu cầu hoặc sở thích của người da trắng.

(5) Theo luận điểm về “tính xen kẽ” (intersectionality, nhiều căn cước chồng chéo nhau) hoặc “chủ trương chống chủ nghĩa tinh túy ” (antiessentialism), căn cước của một cá nhân không thể được xác định đầy đủ bằng tư cách là thành viên trong một nhóm duy nhất. Ví dụ, một người Mỹ gốc Phi còn có thể được xác định là một phụ nữ, một người đồng tính nữ, một người theo nữ quyền, một tín đồ Cơ đốc giáo, v.v.

Cuối cùng, (6) luận điểm “tiếng nói của màu da” (the voice of colour) cho rằng chỉ một mình người da màu có đủ điều kiện để nói thay cho các thành viên khác trong nhóm của họ (hoặc các nhóm) về các hình thức và tác động của phân biệt chủng tộc. Sự đồng thuận này đã dẫn đến sự phát triển của phong trào “kể chuyện pháp lý” (legal storytelling)***, cho rằng quan điểm do họ tự thể hiện (tự diễn tả, self-expressed views) của các nạn nhân chịu sự phân biệt chủng tộc và các hình thức áp bức khác cung cấp cái nhìn cần thiết về bản chất của hệ thống pháp luật.

CRT đã ảnh hưởng đến khảo cứu trong các lĩnh vực bên ngoài giới hạn của nghiên cứu pháp lý, bao gồm nghiên cứu về phụ nữ và giới tính (women’s and gender studies), giáo dục, nghiên cứu Hoa Kỳ (American studies) và xã hội học. Các phong trào mọc ra từ CRT được hình thành bởi các học giả người Mỹ gốc Á, Latinx (Mỹ la tinh), LGBTQ, Hồi giáo và người Mỹ Bản địa (Native American) cũng đã được thực hiện. Vào đầu thế kỷ 21, các nhà lý luận phê phán về chủng tộc đã hướng về một số vấn đề, bao gồm việc dùng bạo lực của cảnh sát (police brutality) và tư pháp hình sự (criminal justice), ngôn từ thù ghét (hate speech) và tội ác có động cơ thù ghét (hate crime), chăm sóc sức khỏe, hành động khẳng định quyền lợi các thiểu số bị thiệt thòi (affirmative action), tương quan tình trạng nghèo và nhà nước phúc lợi (welfare state), nhập cư và quyền bầu cử.”  (Ngưng trích dẫn Encyclopedia britannica)

Nói tóm lại “Lý luận phê phán chủng tộc” sẽ được tranh luận mạnh mẽ trong những ngày tháng và những cuộc bầu cử sắp tới quyết định vận mệnh nước Mỹ. 

Một bên cho rằng có sự bất công có hệ thống (systemic inequities) trong xã hội Mỹ từ lâu nay gây ra kết quả là sự bất bình đẳng (inequality) trong xã hội hiện nay hiện nay giữa người da trắng và người da màu (gồm chủ yếu là người da đen trước đây là nô lệ và người “bản địa”/natives hay Da Đỏ gần bị tiêu diệt), và cần những biện pháp đền bù cho người da màu con cháu của những người nô lệ ( reparations for descendants of slaves) và những hành động “khẳng định” (affirmative action)  để họ đạt được những kết quả tương đương với người da trắng. 

Phía chống lại thì cho rằng CRT là một lối lý luận mác-xít muốn san bằng mọi khác biệt xã hội, tuy mục tiêu tranh đấu là chống "chủ nghĩa da trắng thượng đẳng” (white supremacy), lại trong thực tế gây chia rẽ chủng tộc. Phe bảo thủ Mỹ thì cho rằng không thể gán cho những người da trắng hiện nay trách nhiệm về những hành động của những người có màu da giống họ đã làm có khi từ nhiều thế kỷ trước. Họ cho rằng cần phân biệt “bình đẳng về cơ hội “ (equality of opportunity ) là điều cần thiết trong xã hội dân chủ, nhưng không thể đòi hỏi việc “bình đẳng về kết quả “ ( equality of outcome), có nghĩa là san bằng mọi cách biệt trong xã hội giữa những người có ước vọng, cố gắng, hoàn cảnh và khả năng thiên phú khác nhau. Một số người tỵ nạn gốc Trung quốc ở Mỹ có chiều hướng nhìn thấy một số dấu hiệu tương tự như phong trào Cách Mạng Văn Hóa thời Mao Trạch Đông và có lẽ nhóm Hoa Kiều Mỹ sẽ chống đối mạnh mẻ nhất (8).

Riêng người da màu nhưng “gốc Á” (Asians, với định nghĩa rất mù mờ, có thể là Đông Á (East Asians) hay Nam Á như Án độ, hay gốc Đảo Thái Bình Dương) thì ở một vị thế tế nhị hơn, vì có stereotype cho rằng “người châu Á” học giỏi, thành công trong các nghề chuyên môn, có lợi tức trung bình cao hơn cả người da trắng nên không được xếp vào loại chủng tộc bị áp bức cần được đền bù giúp đỡ. Tuy nhiên, cũng nên nhớ 40-50 năm trước, lúc người Việt và những người gốc Đông Dương mới đến Mỹ tỵ nạn, chúng ta cũng đã được hưởng nhiều quyền lợi tương tự như “affirmative action “ hiện nay. Vấn đề chủng tộc vẫn xoay vần chung quanh hai nhóm lớn  Đen và Trắng viết hoa (Blacks and Whites).

Trên một bình diện khác, vì là chính trị phe phái nên chúng ta sẽ thấy rất nhiều khác biệt giữa lời nói và việc làm, về lý thuyết trong trường học và thực hành ngoài đời, sẽ có không ít thì nhiều ngụy tín (bad faith).

CRT, xuất phát từ Mỹ, dần dần cũng lan qua châu Âu và đang gây chống đối mạnh mẻ từ giới bảo thủ của Anh (10).

CRT sẽ rất quan trọng trong giáo dục và thái độ của con cái chúng ta tại Mỹ cũng như các nước Tây phương khác và chúng ta cần tìm hiểu thêm vấn đề này.

Chú thích:

(*) Trong Hoa ngữ, CRT được dịch là “Phê phán chủng tộc lý luận“ (批判種族理論); nếu dựa vào từ này, chúng ta còn có thể dịch CRT là “Lý luận phê phán về chủng tộc”. Tiếng Pháp dịch CRT là ‘théorie critique de la race”.

(**) Lý luận phê phán (critical theory) là một lý luận xã hội hướng tới việc phê phán và thay đổi toàn bộ xã hội, khác với lý luận truyền thống (traditional theory), vốn chỉ tập trung vào việc hiểu hoặc giải thích xã hội. Các lý luận phê phán nhằm mục đích đào sâu bên dưới bề mặt của đời sống xã hội và khám phá những giả định khiến con người không có hiểu biết đầy đủ và chân thực về cách vận hành của thế giới.

Lý luận phê phán xuất hiện từ truyền thống mác-xít (Marxist) và được phát triển bởi một nhóm các nhà xã hội học tại Đại học Frankfurt ở Đức, những người tự gọi mình là Trường phái Frankfurt.

(***) Kể chuyện pháp lý là một kỹ thuật tạo nên một câu chuyện hấp dẫn từ những tình tiết pháp lý khô khan. Các luật sư sử dụng kỹ năng kể chuyện pháp lý của mình để thuyết phục thẩm phán và bồi thẩm đoàn, thắng kiện và làm hài lòng khách hàng.

Hồ Văn Hiền

HT

Ngày 25 tháng 7 năm 2021

Tham khảo:

1) Opinion: The purge of Asian American students at Thomas Jefferson High School has begun

https://www.washingtonpost.com/opinions/2021/07/02/purge-asian-american-students-thomas-jefferson-has-begun/

2) After admissions changes, Thomas Jefferson High will welcome most diverse class in recent history, officials say

https://www.washingtonpost.com/local/education/thomas-jefferson-high-diversity-admissions/2021/06/23/26bb7960-d44b-11eb-ae54-515e2f63d37d_story.html

3) The ‘model minority’ myth hurts Asian Americans – and even leads to violence

Assuming that anti-racist efforts don’t work for Asian Americans makes discrimination harder to eliminate

https://www.washingtonpost.com/politics/2021/04/19/model-minority-myth-hurts-asian-americans-even-leads-violence/

4) What is racial equity

         https://www.raceforward.org/about/what-is-racial-equity 

5) https://www.washingtonpost.com/opinions/2021/07/05/republicans-are-treating-history-like-china-does/

6) How and why Loudoun County became the face of the nation’s culture wars

https://www.washingtonpost.com/local/education/loudoun-critical-race-theory-transgender-rights/2021/07/05/3dab01b8-d4eb-11eb-ae54-515e2f63d37d_story.html

7) Critical Race Theory

https://www.britannica.com/topic/critical-race-theory

8) Lily Tang Williams: A Chinese immigrant’s warning on Critical Race Theory

       https://www.unionleader.com/opinion/op-eds/lily-tang-williams-a-chinese-immigrant-s-warning-on-critical-race- theory/article_88cc1f5c-a3ae-5c63-b16d-059e34f67d83.html

      9)https://reason.com/2021/04/02/thomas-jefferson-asian-admissions-plf-lawsuit/?amp

     10) https://amp.theguardian.com/commentisfree/2020/oct/23/uk-critical-race-theory-trump-conservatives-structural-inequality