"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Phụ Nữ Đông Nam Á

 

 22ahvhpno1

Các nữ sinh trước tòa đô chính Sài Gòn ngày 25 tháng 3 năm 1958, thời Đệ Nhất Cọng Hòa.

 

 Phụ nữ ở Đông Nam Á thời tiền hiện đại

Vùng Đông Nam Á có 11 quốc gia bao gồm hơn 550 triệu dân. Mặc dù có sự đa dạng lớn về ngôn ngữ và văn hóa, khu vực này có đặc điểm là vị trí của phụ nữ tương đối thuận lợi so với các nước láng giềng Đông Á hoặc Nam Á. Điều này từng được giải thích bởi một số yếu tố: theo truyền thống, quan hệ họ hàng được biểu hiện thông qua cả dòng bên mẹ và dòng bên cha; con gái không phải là gánh nặng tài chính vì tục lệ nhà trai phải trả tiền hay hiện vật cho nhà gái lúc cưới (bride price)(1); một cặp vợ chồng thường hay sống với hoặc gần cha mẹ của người vợ; phụ nữ có vai trò nổi bật trong các nghi lễ bản địa; lao động của họ rất cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp, và họ chiếm lĩnh các chợ địa phương. Tuy nhiên, theo thời gian, sự trỗi dậy của các nhà nước tập trung và sự truyền bá của các triết lý và tôn giáo du nhập từ ngoài vào (Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, Hồi giáo và Thiên chúa giáo) ngày càng tăng đặc quyền cho nam giới và nhấn mạnh sự phụ thuộc của nữ giới. Mặc dù những ảnh hưởng như vậy  đáng chú ý hơn cả trong giới tinh hoa, nhưng sức mạnh của truyền thống địa phương luôn là một yếu tố dung hòa.

Phụ nữ và chủ nghĩa thực dân

Trong thế kỷ thứ 19, các tài nguyên kinh tế của Đông Nam Á và vị trí chiến lược ở giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã dẫn đến sự can dự ngày càng tăng của châu Âu. Đến những năm 1890, toàn bộ khu vực ngoại trừ Xiêm La (Siam, Thái Lan hiện nay) thuộc quyền kiểm soát của châu Âu. Ở một số khu vực, phụ nữ được tuyển dụng làm lao động lương rẻ trong các đồn điền (trà, đường, thuốc lá, cao su) và trong các nhà máy chế biến. Ở cấp làng xã, các chế độ thuộc địa đã củng cố vị trí chủ hộ của nam giới và đã  “cải cách” những luật theo phong tục mà trước đó đã trao cho phụ nữ quyền tự chủ đáng kể. Các xu hướng tương tự cũng có thể  thấy được ở Xiêm La, quốc gia duy nhất chưa từng bị đô hộ, nơi sự hệ thống hóa của luật pháp cũng làm chế độ phụ hệ mạnh mẽ hơn. Những phát triển này khuyến khích người ta muốn có con trai hơn là con gái. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn có ảnh hưởng trong đời sống cộng đồng, thậm chí có lúc còn dẫn đầu các cuộc nổi dậy chống thực dân. Việc tăng tỷ lệ biết đọc biết viết của phụ nữ (đặc biệt là ở Philippines) và tiếp xúc với chủ nghĩa nữ quyền (feminism) của phương Tây đã khuyến khích phụ nữ trong tầng lớp ưu tú (elite) đối đầu với các vấn đề bất bình đẳng giới (gender inequality)(2).

Từ cuối thế kỷ XIX các phong trào dân tộc chủ nghĩa phát triển khắp Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo nam chú tâm vào độc lập chính trị, nhưng phụ nữ có học thức cũng quan tâm không kém đến chế độ đa thê, ly hôn, bạo lực trong gia đình và trách nhiệm tài chính của người cha. Tuy nhiên, phần lớn  các phụ nữ được chính trị hóa đã chấp nhận lập luận của nam giới rằng nên trì hoãn sự chú ý đến các “mối quan tâm của đàn bà” cho đến khi giành được độc lập. Vậy mà, dù tích cực tham gia vào các phong trào chống thực dân, đôi khi ở vai trò tác chiến, nhưng thường là người tổ chức đình công, nhà báo, giao liên và điệp viên bí mật, phụ nữ vẫn được xem như là  phụ tá hơn là đối tác ngang hàng. Thái độ như vậy vẫn thể hiện rõ trong các phong trào đòi độc lập bùng nổ sau khi sự đầu hàng của quân Nhật, là những người đã chiếm đóng hầu hết Đông Nam Á từ năm 1942 đến năm 1945.

Phụ nữ ở Đông Nam Á đương đại

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân của châu Âu ở Đông Nam Á. Về mặt lý thuyết, các quốc gia độc lập xuất hiện trong 15 năm sau đó đã cam kết thực hiện bình đẳng giới, nhưng điều này hiếm khi được chuyển thành hiện thực. Trong những năm gần đây, số lượng phụ nữ nắm giữ các chức vụ công đã tăng lên, đặc biệt là trong chính quyền địa phương, nhưng chỉ có  ở Philippines là tỷ lệ phụ nữ  trong chính quyền quốc gia tăng cao hơn mức 10%. Khi phụ nữ tham gia vào chính trường, họ thường thấy mình bị gạt ra ngoài lề trong một nền văn hóa do nam giới thống trị, với quyền lực thực sự nằm trong tay nam giới. Một số ít cá nhân từng nắm giữ các chức vụ chính trị cao nhất (chẳng hạn như Tổng thống ở Philippines và Indonesia) đã làm được như vậy vì họ là con gái hoặc vợ của một người đàn ông nổi tiếng. Họ đã không trở thành những người  biện hộ (advocate) cho các vấn đề của phụ nữ, vì điều này sẽ có nguy cơ khiến các đồng nghiệp hay cử tri nam giới của họ xa lánh.

Việc phụ nữ tham gia chính trị nhiều hơn bị cản trở bởi cách thức tuyển dụng ứng viên cũng như thái độ cố hữu coi vai trò trước hết của phụ nữ là làm vợ và làm mẹ. Định kiến ​​về giới tính  trọng nam khinh nữ thường được củng cố trong sách giáo khoa ở trường và đôi khi được khuyến khích bởi các giáo lý tôn giáo. Ví dụ, các Phật tử vẫn tin rằng đầu thai làm phụ nữ mà không được làm đàn ông cho thấy rằng phước đức  tích lũy qua các kiếp trước của mình vẫn còn thiếu. Hồi giáo Đông Nam Á theo truyền thống rất khoan dung, nhưng trong 20 năm qua, người ta đã nhấn mạnh nhiều hơn đến việc ăn mặc “chỉnh tề” (đặc biệt là việc khăn che đầu) và hành vi nơi công cộng [của phụ nữ]. Mặc dù tất cả các nước Đông Nam Á ngoại trừ Lào và Việt Nam đã ký “Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”  và đã có những tiến bộ thúc đẩy bình đẳng giới, nhưng rất khó để thay đổi sở thích dành cho con trai, đặc biệt là ở Việt Nam với di sản Nho giáo mạnh mẽ.

Không dễ gì chúng ta có thể  khái quát về vị trí kinh tế của phụ nữ Đông Nam Á vì khoảng cách phát triển giữa Timor Lorosae (Đông Timor), Campuchia và Lào (trong số các nước nghèo nhất thế giới), và Singapore và Brunei Darussalam thịnh vượng. Tuy nhiên, việc tiếp tục chấp nhận ý tưởng rằng phụ nữ có thể tạo ra và kiểm soát thu nhập của chính mình vẫn còn rõ ràng, mặc dù phụ nữ được trả lương thấp hơn nam giới cho cùng một công việc và các lựa chọn cho lao động phổ thông bị hạn chế. Ở các nước nghèo hơn và các vùng nghèo khó, điều này thể hiện rõ ở sự phổ biến của mại dâm và nạn buôn bán phụ nữ đáng lo ngại. Tuy nhiên, từ giữa thập niên 1960, khi các quốc gia Đông Nam Á dần chuyển sang các nền kinh tế định hướng xuất khẩu, phụ nữ được trả lương thấp hơn đã trở nên cần thiết cho công việc trong các nhà máy. Do đó, phụ nữ đã tích cực hơn trong các phong trào lao động. Với tư cách là người giúp việc gia đình ở nước ngoài, họ cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia, mang về cho gia đình những khoản tiền lớn. Do tình trạng thiếu hụt trên toàn thế giới, phụ nữ đủ tiêu chuẩn có thể tìm được việc làm ở nước ngoài trong các ngành có tay nghề cao như nghề  điều dưỡng.

Khả năng đạt  kỹ năng nghề nghiệp và thành tích bằng cấp cao hơn trước nhiều vì phụ nữ Đông Nam Á được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục. Ngoại trừ Campuchia và Lào, số lượng phụ nữ tiến tới đào tạo sau khi tốt nghiệp  trung học cũng đang tăng lên, và ở Brunei, Malaysia, Thái Lan và Philippines, số lượng nữ tốt nghiệp nhiều hơn nam; tỷ lệ của Việt Nam và Indonesia nam nữ gần như ngang nhau. Sự mở rộng trong lĩnh vực giáo dục đã góp phần vào sự nở rộ của các Tổ chức Phi chính phủ (NGO) hướng đến phụ nữ kể từ những năm 1980, mang lại kiến ​​thức và kỹ năng tổ chức trang bị cho họ để họ có thể tranh luận về các vấn đề.

Bất chấp sự đa dạng về kinh tế, chính trị và văn hóa của khu vực, các quốc gia Đông Nam Á nhìn chung đạt hiệu quả tốt trong các thước đo về  phát triển con người. Di sản của các mối quan hệ giới tương đối thuận lợi và khả năng phục hồi và tính thực dụng của các xã hội địa phương cho thấy phụ nữ Đông Nam Á có thể hướng tới một tương lai đầy hứa hẹn.

Tác giả: Barbara Watson Andaya*.

Hồ Văn Hiền dịch

Ngày 9 tháng 3 năm 2022

https://asiasociety.org/education/women-southeast-asia

*Barbara Watson Andaya (sinh ngày 7/6/1943) là một nhà sử học và tác giả người Úc, nghiên cứu về Indonesia và  Đông Nam Á vùng biển, về lịch sử phụ nữ ở Đông Nam Á, và Cơ đốc giáo trong khu vực; giáo sư về  Á Châu học, và là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á của Đại học Hawai (Manoa), cựu chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Châu Á Hoa Kỳ (2005-2006).

Chú thích:

1)Ở Việt Nam, nhà trai không ”mua” cô dâu nhưng có sính lễ và ở một số nơi lễ “lại mặt”, nếu ngay sau ngày cưới thì gọi là Nhị Hỷ, 3 ngày sau ngày cưới thì gọi là Tứ Hỷ, để đền công ơn cha mẹ cô dâu một cách tượng trưng. Trong ca dao vẫn dùng chữ “mua”:

“Con gái là con người ta.

Con dâu mới thật mẹ cha mua về.”

https://webdamcuoi.com/le-lai-mat-la-gi-y-nghia-cua-le-lai-mat/

Về “bride price” , tạm dịch là “giá [mua]  cô dâu”, sau đây là một nhận xét về phong tục này ở Thái Lan và Indonesia:

“Vấn đề giá tiền mua  cô dâu ở Thái Lan cũng tương tự như Indonesia. Đó là một cái giá cao ngất ngưởng mà chú rể phải trả. “Chi phí tiêu chuẩn có thể là 100.000 - 300.000 Baht (~ 3.200-9.600 USD). Có rất nhiều tiêu chí về giá cô dâu ở Thái Lan. Số tiền này dựa trên tình trạng, học vấn, nghề nghiệp và các thông tin  về  đời sống xã hội khác của hôn thê người Thái Lan (chẳng hạn như trinh tiết của cô ấy). Một phụ nữ Thái Lan thuộc tầng lớp trung lưu, có trình độ đại học xứng đáng nhận của hồi môn từ 100.000 đến 300.000 baht. Của hồi môn trị giá một triệu baht cho một phụ nữ không có học thức với phương tiện khiêm tốn chỉ là điều nực cười. Giá của hồi môn Thái Lan giảm mạnh nếu cô dâu sắp cưới  đã từng kết hôn, đã có con hoặc không còn trinh nữa.

…Giá cô dâu ở Thái Lan cũng trở thành trở ngại đối với một số cặp đôi vì phía nhà gái yêu cầu giá cô dâu cao mà chú rể không đủ khả năng chi trả.

https://pssat.ugm.ac.id/the-price-of-love-bride-price-in-thailand-and-indonesia/#.

2) Một điểm thú vị là ảnh hưởng của Tây phương về nữ quyền đã xảy ra theo chiều ngược lại, các bài viết ở Đông Nam Á và của phương tây nhắc nhiều đến vai trò lãnh đạo của Hai Bà Trưng và nhất là Bà Triệu với câu nói bất hũ năm 19 tuổi, đáp lời người hỏi bà về việc chồng con: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”

Hồ Văn Hiền dịch và chú thích

Ngày 11 tháng 3 năm 2022