"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

Tâm Hồn Nga”, Tolstoy, Dostoevsky

và Cuộc Chiến Ukraine

 22ahvhthn1

Lời giới thiệu: 

Vai trò nước Nga trong cuộc chiến tranh hiện nay tại Châu Âu làm chúng ta nhớ đến tác phẩm lịch sử Chiến tranh và Hòa bình (War and Peace) của Leo Tolstoy (1828-1910), được Nguyễn Hiến Lê dịch ra tiếng Việt  và được quay thành phim với Audrey Hepburn và Henry Fonda (1956) , trong đó Nga là nạn nhân của chiến tranh do Hoàng đế Napoleon của Pháp gây ra, với những nhân vật khó quên như Natasha, cô gái mới lớn, Pierre, nhân vật hiền lành, vụng về và đôn hậu. Chúng ta cũng có thể nhớ đến Fyodor Dostoevsky (1821-1881) nhà văn chuyên phân tách tâm lý sâu sắc với những tác phẩm từng được dịch ra tiếng Việt và được giới sinh viên học sinh hâm mộ tìm đọc trước năm 1975, như Tội ác và Hình phạt (Crime and Punishment), Anh Em Nhà Karamazov (The Brothers Karamazov), Hồi ký Viết Dưới Hầm (Notes from Underground, được coi như tác phẩm đầu tiên về chủ nghĩa hiện sinh) . Trong  các tác phẩm Nga thời  đó  người đọc  cảm nhận được một cái gì đó đặc biệt Nga  phảng phất trong các tác phẩm, một loại “quốc tính”  mà có nơi gọi là tinh thần Nga (the Russian spirit) , hay  “tâm hồn Nga” (the Russian soul), biểu hiện cho một thứ hồn nhiên (innocence) mà phương Tây đã đánh mất, nhưng cũng rất “đáng sợ” như Dostoesky nhận xét sau đây:

“Thật đáng sợ khi thấy tinh thần một người đàn ông Nga tự do [không bị kiềm chế] đến mức nào, ý chí của anh ta mạnh mẽ đến dường nào! Chưa từng có ai bị xé tách rời  khỏi  quê hương của mình như anh ta có lúc phải chịu như vậy; chưa  ai phải quay đầu trở qua một bước ngoặt sắc bén như anh ta, đi theo niềm tin của chính mình!”

Mikhail Saltykov-Shchedrin (1826-1899), nhà văn châm biếm (satirist)  lớn của Nga ở thế kỷ 19, cũng nhắc đến sự “tự do hoàn toàn”, và sự vắng bóng của các nguyên tắc xã hội, giáo dục xã hội của người Nga thời đó:

“Người Nga chúng ta không có hệ thống giáo dục xã hội. Chúng ta không được tập hợp hoặc đào tạo để trở thành những quán quân bênh vực  các "nguyên tắc xã hội" hoặc các nguyên tắc khác, mà chỉ được để tự mình mọc lên một cách hoang dã, như cây tầm ma mọc bên hàng rào. Đó là lý do tại sao trong chúng ta có ít kẻ đạo đức giả, nhưng lại có nhiều kẻ dối trá, cố chấp đầu rỗng tuếch và nói lảm nhảm. Chúng ta không có nhu cầu đóng vai kẻ đạo đức giả vì lợi ích của các nguyên tắc xã hội, vì chúng ta không biết gì về nguyên tắc xã hội. Chúng ta tồn tại trong sự tự do hoàn toàn, tức là chúng ta sống như thực vật, nói dối, nói nhảm một cách khá tự nhiên, không quan tâm đến nguyên tắc. "

( Đây là chúng ta nói về nước Nga thế kỷ thứ 19, trước khi có lao động tập thể trong  Liên  Bang Xô Viết cọng sản))

Hiện nay, nước Nga đang xâm chiếm tàn bạo nước Ukraine (cũng là thành phần quan trọng thứ nhì của Liên Bang Xô Viết cũ nhưng tách rời  thành quốc gia độc lập sau khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ). Nhiều người muốn tìm hiểu động cơ tâm lý của  Tổng thống Putin khi ông quyết định làm chấn động trật tự và lương  tâm thế giới.

Bài sau đây được Andrew D. Kaufman viết năm 2014 sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine (2014) và cập nhật năm  2017, nhưng lại có tính cách rất thời sự. Tác giả phân tích và  cho chúng ta một cái nhìn sâu sắc về “tâm hồn Nga”, về quan niệm về nhân sinh và  ý niệm tổ quốc Nga của hai tác giả Nga được Putin ái mộ  cũng như  vai trò của họ trong giấc mộng phục hồi quá khứ nước Nga huy hoàng của người lãnh đạo nước Nga hiện nay. Tuy nhiên kết luận của tác giả về hậu quả của việc sáp nhập Crimea năm 2014 chưa xảy ra như  lời tiên đoán của ông.

Andrew Kaufman, tiến sĩ về ngôn ngữ và văn chương Slav, giảng dạy về môn này tại đại học University of Virginia.

Andrew D. Kaufman

(Updated Jul. 12, 2017 3:19PM ET Published May. 10, 2014 5:45AM ET

https://www.thedailybeast.com/how-tolstoy-can-save-putins-soul?ref=scroll)

 

Làm thế nào Tolstoy có thể cứu linh hồn của Putin?

Vở kịch đang diễn ra ngay bây giờ ở Nga và Ukraine không chỉ đơn thuần là địa chính trị. Đó là một vở kịch sâu lắng về tâm hồn dân tộc đã có từ hàng thế kỷ trước. Và văn học Nga là nơi chúng ta thấy nó nở rộ . Bạn thấy đó, câu hỏi mà Vladimir Putin đang vật lộn là câu hỏi lặp lại xuyên suốt các tác phẩm kinh điển của Nga thế kỷ 19: Nguồn gốc của sự vĩ đại của quốc gia chúng ta là gì?

Khi tiếp cận câu hỏi này, Putin, người mà hai nhà văn được yêu thích lại là Tolstoy và Dostoevsky, có hai truyền thống riêng biệt để lựa chọn: niềm tin của Dostoevsky vào chủ nghĩa  cho rằng nước  Nga  có vị trí ngoại lệ (Russian exceptionism) hoặc niềm tin của Tolstoy vào tính phổ biến của tất cả trải nghiệm của con người, bất kể quốc tịch, văn hóa, hoặc tôn giáo.

Than ôi, Putin đã chọn Dostoevsky, không phải Tolstoy.

Dostoevsky tin rằng sứ mệnh đặc biệt của Nga trên thế giới là tạo ra một đế chế Thiên chúa giáo cho toàn người gốc Slav do Nga đứng đầu. Viễn tượng  của vai trò thiên sứ cứu thế (messianic vision) này xuất phát từ thực tế là Dostoevsky nghĩ rằng nước Nga là quốc gia  phát triển nhất về mặt tâm linh (spiritual) so với tất cả các quốc gia khác, một quốc gia được tiền định sẵn để đoàn kết và lãnh đạo các quốc gia khác. Ông nói, sứ mệnh của Nga vào năm 1881 là “sự thống nhất toàn bộ của tất cả những người thuộc tất cả các bộ lạc của chủng tộc Aryan vĩ đại”.

Lối suy nghĩ  kiêu hãnh của kẻ  thắng cuộc  này đối nghịch với Tolstoy, người tin rằng mỗi quốc gia đều có những truyền thống độc đáo của riêng mình, không quốc gia nào tốt hơn hay tệ hơn quốc gia khác. Tolstoy là một người yêu nước - ông yêu dân tộc của mình, ví dụ như đã được thể hiện rõ ràng trong tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình” - nhưng ông không phải là một người theo chủ nghĩa dân tộc. Ông tin vào thiên tài và phẩm giá độc nhất của mọi nền văn hóa. Một trong những điểm nổi bật trong tác phẩm của ông ngay từ đầu là khả năng khám phá sự thật không pha trộn  của từng nhân vật của mình, bất kể quốc tịch của họ. Trong “Truyện kể từ Sevastopol” của ông, được truyền cảm hứng từ kinh nghiệm của chính ông khi làm lính Nga chiến đấu chống lại lực lượng tổng hợp của người Thổ Nhĩ Kỳ, người Pháp và người Anh trong Chiến tranh Krym (Crimea) những năm 1850 — tại chính khu vực gần đây bị Nga sáp nhập trở lại — Tolstoy  biểu dương tính nhân văn của tất cả các nhân vật của ông, dù là người Nga, người Anh hay người Pháp.

Thật không may, giữa tất cả những xáo trộn tinh thần sau khi Liên Xô sụp đổ, người Nga có xu hướng bám vào tầm nhìn sai lầm, tin vào sứ mệnh trời giao phó của Dostoevsky nhiều hơn là tầm nhìn bình tĩnh hơn về nhân loại phổ quát mà Tolstoy tán thưởng; họ nhận thấy cái tầm nhìn thứ hai  có lẽ hơi quá dân chủ, nhân văn, và mềm yếu đối với những sở thích cứng rắn  của họ. Sau tất cả những bi kịch của lịch sử nước Nga ở thế kỷ 20, và đặc biệt là những nỗi nhục nhã trong 20 năm qua, nhiều người Nga bình thường đang tìm kiếm bằng chứng rõ ràng về địa vị xứng đáng của quốc gia họ — thực sự là tính ưu việt của nó — trong gia đình các quốc gia.

Đó chính  là thành phần dân số Nga mà Putin muốn tiếp cận. Ông hiếm khi trích dẫn Tolstoy trong các bài phát biểu của mình, nhưng thường trích dẫn các triết gia Nga  về vai trò thiên sứ (mang thiên mệnh)  của thế kỷ 20 như Solovyev, Berdyaev và Ilyin, những người bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa dân tộc theo kiểu Dostoevsky, và đưa nó lên một cấp độ hoàn toàn mới, đôi khi độc hại. Putin đã gọi sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết là thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20 và là một "thảm kịch thực sự" đối với người dân Nga. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào tháng 4, ông  đã đi xa đến mức nói rằng, “Có đủ thứ lực lượng trên thế giới sợ sức mạnh của chúng ta, “sự khổng lồ” (massiveness) của chúng ta, như một trong những vua chúa của chúng ta đã nói. Vì vậy, họ tìm cách chia rẽ chúng ta thành nhiều phần ”.

Nghe Putin phát biểu trong cuộc phỏng vấn đó và các bài phát biểu khác mà ông ấy đã đưa ra gần đây, bạn khó có thể đoán được rằng đó là năm 2014 và Nga gần đây đã xâm lược và sau đó sáp nhập Crimea, và hiện đang rình rập ở biên giới Ukraine. Bạn có thể nghĩ rằng đó là năm 1941 và Hitler vừa tấn công; hoặc thậm chí năm 1812 khi Napoléon vượt sông Nieman để xâm lược Nga. Cả hai sự kiện này vẫn ăn sâu vào ý thức dân tộc Nga cho đến ngày nay, đó là một lý do tại sao những lời lẽ bài ngoại của Putin lại gây được tiếng vang lớn như vậy đối với đa số công chúng Nga.

Nỗi sợ hãi  người ngoại quốc đã ăn sâu vào máu của Putin. Một trong những người anh của ông đã chết vì bệnh bạch hầu trong cuộc bao vây Leningrad của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Bà ngoại của ông đã bị  quân Đức giết trong cuộc chiến đó. Và những người cậu của ông đã mất tích ở tiền tuyến không để lại dấu vết. Do đó, với quá khứ của Nga và tiểu sử của Putin như vậy, nhận thức rằng cần  khẳng định ưu thế của Nga trong một thế giới thù địch là chuyện hoàn toàn hợp lý.

Nhưng sức mạnh thực sự, như  Tolstoy từng  hiểu rất rõ, đến từ sự khiêm tốn chứ không phải sự kiêu ngạo. Đó là thông điệp trọng tâm không chỉ của cuốn “Truyện kể từ Sevastopol” (Sevastopol Tales”), mà còn của cuốn “Chiến tranh và Hòa bình”, là cuốn sách tưởng nhớ cuộc xâm lược thất bại của Napoléon vào nước Nga năm 1812. Nếu Putin dùng  hình ảnh ẩn dụ  của một đất nước đang bị bao vây để biện minh cho sự hiếu chiến của Nga và sự tham quyền cố vị  của chính mình đối với quyền lực, thì Tolstoy lại sử dụng hình ảnh đó về nước Nga  đó để minh họa một điểm rất khác: sự vĩ đại của nước Nga, theo ông, bắt nguồn từ khả năng người dân duy trì phẩm giá của họ khi đối mặt với sự xâm lược và giữ một phương hướng đạo đức rõ ràng ngay cả trong  những giai đoạn tồi tệ nhất.

Đây là tính vĩ đại được thể hiện bởi những nhân vật như người lính Nga không nêu tên, trong thời kỳ hỗn loạn của sự chiếm đóng ở Moscow, đã bước ra ngoài nhiệm vụ được giao để giúp chủ cửa hàng bảo vệ cửa hàng của mình khỏi bị cướp bóc; hoặc của một thiếu nữ khăng khăng đòi  gia đình cô để lại tài sản của họ trong cuộc di tản ở Moscow hầu dành chỗ trên xe ngựa để chở những người lính bị thương; hoặc của một người giúp việc nghèo, lớn tuổi đưa tờ tiền 25 rúp của mình cho một người lạ xuất hiện trước cửa nhà nói rằng anh ta là người thân của gia đình mà cô ta phục vụ.

Đó cũng là tính cao cả  thể hiện ở Tổng tư lệnh Nga Kutuzov, người được quân đội yêu quý và có lòng nhân ái đối với kẻ thù, thậm chí còn hạn chế việc tấn công những người bị thương, khi quân đội Pháp đang rút lui, như một số tướng lĩnh và thành viên của triều đình đã thúc giục ông ta  làm. Không phải ngẫu nhiên mà Nelson Mandela, người đã đọc “Chiến tranh và Hòa bình” trong thời gian bị giam giữ trên Đảo Robben, sau này gọi đây là cuốn tiểu thuyết  mình ưa chuộng, và nêu  nhân vật Kutuzov của Tolstoy như một gương mẫu về sự lãnh đạo nhân đạo và hiệu quả.

Và sau đó là Pierre Bezukhov, vị bá tước người Nga đeo kính cận, dũng cảm, người ở đoạn đầu cuốn tiểu thuyết thừa kế khối tài sản lớn nhất ở Nga. Sau đó, anh ta bước vào một cuộc hôn nhân tệ hại, trở thành một thành viên lãnh đạo  Hội Tam điểm (Freemason)  trước khi vỡ mộng về chính trị của nó, thất bại trong nỗ lực giải phóng nông nô  ở  điền trang của mình, và cuối cùng trở thành tù nhân chiến tranh của Pháp trong cuộc xâm lược nước Nga năm 1812 của Napoléon.

Ngay khi anh ta tin rằng mọi thứ không thể tồi tệ hơn nữa, Bezukhov bị đưa ra trước một đội xử bắn. Chuẩn bị  chết, anh ta phát hiện ra, một cách kỳ diệu, anh ta đã được dẫn đến đó chỉ với tư cách là một nhân chứng. Tuy nhiên, cảnh người công nhân nhà máy bị bịt mắt  bị bắn vào đầu (mà Pierre nhận ra cũng  đã có thể  xảy đến cho chính  mình) cũng đủ để phá tan mọi ảo tưởng mà anh  từng có về sức mạnh của chính mình, từng chút niềm tin của anh ta vào " trật tự tốt của thế giới, nhân loại và linh hồn của chính anh ta, và trong Chúa. "

Vậy mà  anh ta vẫn sống sót, cả về thể chất lẫn tâm linh, và thoát ra khỏi nơi giam cầm không hoài nghi hay cay đắng, nhưng với cam kết thêm một lần nữa  đối với những  lý tưởng về lòng trắc ẩn và khả năng thỏa hiệp mà anh ta luôn tin tưởng. ““ Tôi không nói rằng chúng ta nên phản đối điều này hoặc điều kia. Chúng ta có thể nhầm lẫn, ”ông nói với vợ sau chiến tranh, khi trở về từ St.Petersburg, nơi Pierre đã cố gắng đoàn kết những người bảo thủ và tự do, những người đang tranh giành nhau về định hướng tương lai của đất nước. ““ Điều tôi nói là, hãy chung tay với những người yêu điều thiện và hãy mang chung  một  biểu ngữ — đạo đức tích cực (active virtue). ”

Nguồn cảm hứng thực sự duy nhất mà Putin có vẻ đã lấy từ “Chiến tranh và Hòa bình”, thật không may, không phải từ Kutuzov hay Pierre Bezukhov, mà chính từ nhân vật  Napoléon. Hoàng đế Pháp ngạo mạn tưởng tượng mình là nhà chiến lược địa chính trị tài ba, và không bao giờ hơn thế khi ông đạt được mục tiêu mong đợi từ lâu là chinh phục Moscow. Nhưng chiến thắng đó đã khiến ông phải trả giá như thế nào? Chỉ cần nêu một điều, cái giá là chín phần mười quân lính của ông trong cuộc hành quân dài mùa đông rút khỏi nước Nga. Trong khi tận hưởng chiến lợi phẩm của họ ở Moscow, Napoléon và quân đội của ông đã sử dụng hết  hành trang cần thiết để quay trở lại châu Âu. Thông điệp của Tolstoy - mà dường như Putin hoàn toàn không hiểu - là khi  nghĩ rằng mình đang chiến thắng, thì trên thực tế, chúng ta có thể đang thua, hoặc thậm chí gieo mầm cho sự hủy diệt của chính chúng ta.

Việc Putin chinh phục Crimea và lao vào biên giới Ukraine lúc này có vẻ giống như một động thái chiến lược tuyệt vời nhằm tái lập quyền bá chủ của Nga, nhưng một vài năm hoặc thậm chí vài tháng nữa, điều đó có thể chứng minh rằng đất nước của ông đang tan rã. Với việc gia tăng các lệnh trừng phạt, nước Nga ngày càng bị quốc tế tẩy chay và những thách thức lớn về hành chính và văn hóa khi tái hợp nhất Crimea trở lại Nga, ván bài Napoléon của Putin đã khiến đất nước của ông phải trả giá đắt - không chỉ về mặt kinh tế, chính trị mà còn về mặt tinh thần.

Nếu Dostoevsky vô tình đặt nền móng triết học cho Putin hiện nay, thì Tolstoy đưa ra giải pháp. Ông đưa ra một con đường thay thế có thể dẫn nước Nga trở về với  những lý tưởng cao cả nhất của  mình, trở lại vị trí đáng tự hào trong gia đình các quốc gia. Nhưng đó là con đường của sự khiêm tốn chứ không phải sự hách dịch kiêu căng. Như Tolstoy từng viết trong Chiến tranh và Hòa bình: “Không có sự vĩ đại mà không có lòng tốt, sự giản dị và sự thật.”

Hồ Văn Hiền dịch và giới thiệu

Ngày  23 tháng 3 năm 2022