"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

 

Cha, Người Mớm Cho Tôi Những Con Chữ Đầu Đời

 

 Đã từ lâu lắm rồi, mỗi khi nghe nhạc phẩm “Bụi phấn” của nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, lòng tôi luôn cảm thấy bồi hồi xúc động. Với âm điệu nhẹ nhàng, truyền cảm, bài hát gợi lại ký ức của thời cắp sách, nhất là buổi đầu tiên mới đi học. Lời bài hát dễ đi vào lòng người, đánh thức ân tình sâu đậm đầy ấp trong tiềm thức: “Khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên tóc thầy”.

Đặc biệt đối với tôi, người thầy mớm những con chữ đầu đời ngọt ngào, êm dịu lại chính là cha tôi.

Cha tôi tốt nghiệp sư phạm Sài Gòn vào những năm 1930. Mọi chi phí cho việc học tập của cha và một người bạn thân của cha đều do bà nội tôi cung cấp. Với mảnh vườn nho nhỏ và một ít đất trồng rẫy, làm vườn, bà nội tôi đã chăm lo cho cha tôi ăn học. Còn cha tôi thì nguyện rằng sẽ cố gắng học tập, cho đến khi có việc làm sẽ bù đắp lại công sức cho bà.

Cha tôi ra trường, vừa được bổ nhiệm chỗ dạy, chưa kịp đền đáp công ơn thì bà tôi đột ngột qua đời. Có lẽ vì quá cố gắng trong một thời gian dài, vất vả với ruộng đồng, nên bà kiệt sức, sớm từ giã cõi đời, thong dong ra đi như người đã trả xong món nợ kiếp nhân sinh.

Cha tôi bị hụt hẫng, cảm thấy có lỗi với bà nên ông quyết định xin nghỉ việc về lo việc nhang khói và chăm sóc phần mộ của bà. Cha tôi trở thành người tu tại gia và làm từ thiện. Ông dùng cây cối của vườn nhà, cất một lớp học tre lá để dạy học miễn phí cho con em trong làng. Cha tôi xóa mù chữ cho nhiều trẻ thất học và giúp một số anh chị có điều kiện ra tỉnh tiếp tục học thêm.

Dần dà, tất cả những người trong vùng quê nghèo tại địa phương, ai cũng gọi cha tôi là ông thầy với sự kính trọng. “Ông thầy”, trở thành trở thành tên gọi thân thuộc đến mức ít ai biết tên thật của cha tôi. Đến nay, sau mấy mươi năm cha tôi ra đi, nhưng vẫn có người còn dùng tên gọi “ông thầy” khi nhắc đến cha tôi.

Chính vì có trường học tự phát do cha tôi lập ra và trực tiếp giảng dạy như vậy nên anh em tôi đều được cha tôi vỡ lòng từ con chữ đầu tiên. Tôi và anh tôi học riêng với các anh chị khác trong làng. Cha tôi dạy học rất hay và cũng rất nghiêm khắc. Những gì đã dạy rồi, căn dặn rồi mà tiếp tục còn để sai cha tôi đều phạt nặng. Khi mua đồ chơi hoặc phương tiện sinh hoạt cho anh em tôi, cha tôi rất dễ dãi, rộng lượng, nhưng trong học tập thì ngược lại hoàn toàn. Cha tôi không chấp nhận việc trễ nải, rề rà trong việc chuẩn bị giờ học và thiếu tập trung trong lớp học.

Hôm nay, chuẩn bị cho ngày giỗ lần thứ 63 của cha, tôi ghi lại những dòng trên đây, ngoài tưởng nhớ ân sâu, nghĩa trọng của đấng sinh thành, còn hoài niệm về tình cảm của người học trò đối với người thầy học đầu đời của mình mà chắc chắn rằng không phải ai cũng có được diễm phúc như tôi. Dù không có hân hạnh: “Mỗi năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm miên man của buổi tựu trường (*) …” quá đỗi nên thơ! Dù cũng không được sống trong không khí của “Ngày đầu tiên đi học” ở ngôi trường làng, nhưng tôi vẫn thụ hưởng những buổi học tập đầy hoa thơm cỏ lạ với người thầy - người cha của mình và cũng tiếp nhận được nguồn năng lượng nghĩa tình, ấm áp vô biên: “Mai sau lớn lên người, làm sao có thể nào quên: ngày xưa thầy dạy dỗ khi em tuổi còn thơ!".

Đạt Nguyên

Long Xuyên, ngày 17 tháng 7 năm Tân Sửu (2021).

……………………………………………………………………………………….

(*) Trivhs trong tác phẩm Tôi đi học của Thanh tịnh.