"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

Bố Tôi

            Ba năm sau khi Sao Khuê chào đời thì bố mẹ Sao Khuê được ông bà cho ra ở riêng tại quê của bà nội, làng Đồng Xâm, tỉnh Thái Bình để trông nom ruộng đất mà bà nội được thừa kế từ các cụ. Làng Đồng Xâm thuộc xã Hồng Thái có đền thờ Triệu Vũ Đế tức Triệu Đà và hoàng hậu Trình Thị, người làng Đồng Xâm. Làng có nghề truyền thống là nghề chạm vàng bạc, thờ ông tổ Nguyễn Kim Lâu.

            Sao Khuê được ở lại với ông bà nội và hai cô tại làng Trình Phố. Thỉnh thoảng bố trở về làng Trình Phố và chở Sao Khuê về thăm nhà của bố mẹ. Ở đó cái gì cũng nhỏ. Căn nhà nhỏ có cái sân cũng nhỏ và có cái bể nước cũng nhỏ. Cái cổng cũng sơ sài so với cổng tam quan nhà ông bà nội và Sao Khuê cũng không lưu luyến gì căn nhà nhỏ này. Giản dị vì khi ở với ông bà nội thì Sao Khuê là cô công chúa nhỏ còn về ở với bố mẹ thì con bé nhỏ mới 4 tuổi hay bị sai vặt đi lấy tăm, lấy nước, quét nhà sau đó còn phải coi em cho nên Sao Khuê chỉ mong mau mau được trở về nhà bà nội trên cái thanh ngang của cái xe đạp course mà bố dùng để di chuyển. Bố kể lại rằng trên quãng đường đi không dài lắm đó, có lần  bố hỏi:

- Nếu bây giờ mà bố chết thì con tính sao?

Lúc đó Sao Khuê bù lu bù loa khóc và nói bố phải cho con về nhà bà nội rồi mới được chết!

Sau đó bố cũng hỏi y chang câu này với con em thì nó cũng bù lu bù loa khóc nhưng mà nó lại nói:

- Bố ơi, bố đừng chết. Bố đừng bỏ con một mình.

Bởi vậy bố thương nhỏ em này lắm.

            Rồi Việt Minh nổi lên. Họ thủ tiêu những người trí thức không theo họ. Một đêm họ đến bắt bố, may quá, bố vừa đạp xe về thăm ông bà nội. Hôm sau thì xác ông lý trưởng bị thả trôi sông Trà Lý. Mẹ nhắn về Trình Phố. Và bố vội trốn ra tỉnh…

            Năm lên chín tuổi Sao Khuê mới thực sự ở với bố mẹ vì cả nhà đã phải từ bỏ ruộng vườn nhà cửa to lớn mà chạy ra tỉnh sống trong một căn nhà nhỏ xíu, đã vậy lại là nhà gianh vách đất. Thế mà có yên đâu, chỉ một năm sau lại phải bỏ hết để bồng bế nhau vào Nam.

            Khi mới vào Nam, bố đi dạy học ở  trường tư. Sao Khuê còn nhớ ngôi trường nhỏ mang tên là trường Phan Đình Phùng nằm gần trường tiểu học Võ Di Nguy ở Phú Nhuận. Thời gian sau, không đủ học trò, trường đóng cửa, bố Sao Khuê được bộ Giáo dục bổ nhiệm dạy một trường trung học công tại Sóc Trăng. Mẹ Sao Khuê làm thư ký đánh máy tại sở Công Binh nên Sao Khuê lang thang tự đi xin học vào lớp đệ thất hết trường nọ đến trường kia. Quý vị nhớ là con bé còm nhom mắt ngố, 10 tuổi, tự mình ên à nghe, đi thi tiểu học rồi đi xin học. Sao Khuê di cư muộn, 1955, thi rớt vào đệ thất trường Trưng Vương nên phải lang thang xin đi học trường tư. Sau trường Phan Đình Phùng là trường Thống Nhất có chú của Sao Khuê dạy học. Trường Thống Nhất đóng cửa, Sao Khuê xin học trường Hoài An mới mở. Tại đây Sao Khuê an tâm dùi mài kinh sử đến khi đậu Trung học đệ Nhất cấp thì Sao Khuê vào trường Gia Long học tiếp. Thi tú tài rồi vào trường Dược học ra dược sĩ. Nhưng mà Sao Khuê  học dốt lắm cơ, nói đúng ra Sao Khuê học cũng... giỏi nhưng lận đận khi thi cử. Chuyện, người ta đã nói học tài thi phận mà.

Có bao giờ quý vị tin là Sao Khuê thi rớt vì bài thi quá dễ không? Ỉ i mà, chỉ ôn bài khó thôi. Một lớp có sáu mươi hai học trò, lớp giỏi của trường Gia Long hồi dó, mà một đứa lên bảng danh dự đều đều lại ở trong số 10 đứa thi rớt của cả lớp! Sao Khuê phải thi kỳ hai. Khi thi kỳ hai, gặp thầy toán đi ngang, thầy hỏi:

- Đi đâu đây?

Sao Khuê cúi gầm mặt  không dám trả lời.

Chưa hết đâu, Sao Khuê còn rớt nữa, rớt bốn lần trong đời lận. Hai cái rớt sau không oan tí nào vì không  học bài hay không cách nào học thuộc nổi bài. Hừm, đang học toán ban B, bố bảo chuyển  sang ban A để đi học dược.

            Sao Khuê nhớ mãi cái bài học đầu tiên của quyển Vạn Vật Đệ Nhất là bài “Chất Sống”,  nó dài và khó hiểu, Sao Khuê học một tháng không cách nào thuộc nổi trong khi cả quyển sách toán Sao Khuê có thể thuộc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Không thuộc nên Sao Khuê… quăng sách vào gầm giường, khóc hu hu không thèm học nữa.

Sau khi thi rớt kỳ 1 năm Tú tài 2, bố Sao Khuê bắt lấy giấy nháp viết lại bài và nộp cho bố. Kết quả là Sao Khuê đậu bình thứ (năm 1962) bởi vậy “không bố đố mày làm nên”, không đậu Tú tài thì lấy chi mà học dược. Vậy thì bố được điểm A+ bù cho điểm E- vì bắt Sao Khuê đi lấy chồng (SK dông dài để kể ơn bố).

            Như đã nói, bố Sao Khuê dạy học ở Sóc Trăng, bây giờ thuộc tỉnh Ba Xuyên cách Sài Gòn cả ngày xe nên lâu lâu bố mới về thăm nhà. Mỗi lần về Sài Gòn thì bố mang về chuối cau từng buồng, trứng gà từng thùng sắt tây loại đựng dầu con sò, con gà gì đó 20 lít, bao nhiêu là trứng mà ba chị em phải ráng ăn vì trứng để lâu cũng hư. Kết quả là Sao Khuê có thể chế tạo nhiều kiểu ăn trứng nhưng chuyện đặc biệt không phải thức ăn mà là chuyện bố bị các bà níu kéo xin làm bé!

BoToi SaoKhue

Không hiểu sao mà bố Sao Khuê có nét lai nên đẹp trai tuy chưa cao bằng “ông Tây đen nằm trong cái đèn”. Đã đẹp trai lại còn xa nhà, đi ở trọ nên các bà góa, chủ nhà mê tít thò lò khiến bố cứ phải dời chỗ trọ. Bố kể có bà kia, mê bố quá, nhất định xin làm bé:

- Ông về nói với bả, tôi xin làm bé. Tôi nuôi ông, lương ông mang về nuôi vợ con. Chừng ông về tôi bù thêm quà cáp cho xấp nhỏ, bả đâu có thiệt hại gì?

Vậy mà ông già không ưng. Bà góa làm quá, bố phải viết thư kêu má xuống, lần đó má đi có rủ cô Út theo. 

Bố dạy dưới tỉnh nên hai, ba lần bố đưa về Sài Gòn mấy chị mà bố gọi là con nuôi. Thật ra không phải con nuôi, mà các chị đó muốn thay đổi hoàn cảnh nên nhờ bố đưa lên Sài Gòn. Các chị làm công việc nhà, được trả công như người làm, nhưng được má hướng dẫn cho đi học nghề, học may, học chữ, học đánh máy… Khi đủ khả năng kiếm việc hay kiếm chồng thì các chị đó ra đi, bố lại mang về chị khác. Tóm lại hai bên cùng có lợi, các chị không sợ sa vào ổ nhện và má Sao Khuê có người giúp việc. Ngay khi ở miền Bắc, bố cũng từng nuôi hai chị em và khi lớn cho về lấy chồng chứ không bắt ở cả đời như nhiều nhà khác. Dần dần, từ Sóc Trăng xa xôi, bố được chuyển về quận Cần Giuộc, rồi Cần Đước rồi Bến Lức thuộc tỉnh Long An, và sau cùng về dạy trường Petrus Ký, Sài Gòn.

Ở Cần Đước và Bến Lức, bố là hiệu trưởng nên bố kê cái giường nhỏ trong phòng để ngủ lại. Cũng “ghê ghê” vì ban đêm Việt Cộng có thể bắt ông “Bắc kỳ di cư” đi thủ tiêu, quăng xác ngoài quốc lộ kèm bản án đeo vào cổ như chúng đã làm, nên bố, khi ngủ lại, khi về... thất thường và rất kín đáo như làm bộ ra về mà ngủ lại, v..v..

            Cái dở của bố là… cứng nhắc, không biết ngoại giao. Nắng Sài Gòn mà không chịu mang ô, thanh liêm nên thanh bạch và hay bị đố kỵ. Ai mang quà biếu là Sao Khuê phải chạy theo trả lại cho bằng được.

Không học thuốc nhưng bố mát tay trị bệnh bằng “dầu nhị thiên đường” và “đánh cảm”. Mỗi khi có đứa con nào bị cảm thì đứa khỏe được ăn lòng đỏ hột gà luộc. Bố má có mấy đồng tiền từ thời Pháp thuộc làm bằng bạc. Luộc hai quả trứng gà, tách đôi, bỏ lòng đỏ cho đứa không bệnh cho vào miệng, rồi bỏ đồng bạc này vào  giữa lòng trắng sau đó dùng khăn sạch bao lại và chà như cạo gió khắp người đến khi lòng trắng trứng nát ra hết thì bỏ đi. Nếu bị cảm, đồng bạc sẽ đen. Lấy muối chà cho đồng bạc trắng ra và cạo tiếp với con trứng còn lại. Thường hai con trứng là hết cảm …

Trong túi bố bao giờ cũng có một chai dầu Nhị Thiên Đường nhỏ xíu. Khi bị trúng mưa, sổ mũi chỉ cần cho một giọt dầu vào cái muỗng nhỏ, thêm tí nước, uống là  bệnh tiêu tan.

            Tội nghiệp bố, vất vả đi làm nhưng phương tiện di chuyển chỉ có có xe máy cũ trong khi hai ả tố nga, đứa nào cũng mua xe “gin” từ xe đạp đến xe gắn máy. Bố nhịn ăn, nhịn mặc, chăm lo cho con cái rất nhiều.

            Năm 1975, Việt Cộng vào. Trời! Sao Khuê phải len lén đốt bao nhiêu là giấy tờ sách vở thuộc loại phản động của bố. Má phải năn nỉ bố… im cái miệng đừng nói ngang hay công kích chính quyền.

            Từ nhỏ bố đã không ngoan ngoãn hiền lành và chỉ biết học hành như bác Cả. Bố diện và sừng sỏ ra gì. Các cô, bác và bạn bố kể lại: xe đạp xịn, đầu bóng loáng brillantine đến nỗi ruồi đi ngang là khỏi bay được nữa, học thì ít nhưng đua xe, bơi thi và đôi khi có dàn trận với bạn bè.

            Sau khi lấy vợ, bố tu tỉnh làm ăn. Đầu tiên, năm 1944 bố phiên lưu vào Nam, nghe nói trong đó dễ làm ăn. Chả hiểu tại sao lại không làm cũng chẳng ăn được, bố đổ tại trong Nam, nghe nói “Tân Sơn Nhất” là họ ghét nên bố bị vây đánh, phải nói là “Tân Sơn Nhứt”. Sức mấy mà ông già gân chịu uốn lưỡi nói theo. Nhất là nhất, chứ nhứt là cái giống gì, lại còn mèn đét ơi, chu mẹc ơi. Thôi ta về ta tắm ao ta, bố về Thái Bình làm ăn.

            Bố kể lại lần đầu bố đi buôn gạo. Gạo thì nhà ông bà có sẵn, chỉ đóng bao, xuống thuyền chở đi bỏ mối. Thế mà có xong đâu. Bao gạo lúc vào bao là hơn một tạ, lúc nhập kho, cân lại còn có 80-90 kí. Phu khuân vác, khi vác gạo lên vai, đã dùi gạo từ bao tuôn vào cái túi họ đeo trong người nên qua hai ba lần khuân vác, bao gạo cứ hụt dần khiến không những mất tiền mà chủ thu mua cũng bực mình, không thu nữa.

Nào, bây giờ hai bên nội ngoại chi viện cho bố mua xe đò. Coi bộ được à nghe, hợp với tính không điềm tĩnh của bố. Kết quả, bị tài xế và lơ xe lừa, tiền vé bị hao hụt  mà tiền mua xăng thì tăng lên… Tóm lại, bố không biết buôn bán, đó là lý do sau này bố cương quyết không gả con cho nhà buôn bán.

            Bác Cả mở trường trung học Bùi Viện ở Trình Phố nên khi ra riêng bố cũng mở lớp dạy học ở làng Đồng Xâm. Ông ngoại gửi hai cậu út cho bố đào tạo. Chiến tranh lan rộng, bố xém bị Việt Minh bắt thủ tiêu nên bỏ ruộng vườn nhà cửa, mọi người dắt díu nhau chạy ra tỉnh Thái Bình. Bác Cả lại mở trường, trường mang tên trung học Trần Lãm, có bốn lớp từ đệ thất đến đệ tứ mà sau này nhà văn Duyên Anh có nhắc đến. Bác dạy toán lý hoá còn ba dạy Anh văn, đôi khi Pháp văn. Sách dùng hồi đó và cả sau này khi Sao Khuê học trung học là quyển Practice English nên từ nhà, sát trường Trần Lãm, Sao Khuê nghe:

       Good morning class

       Good morning teacher

      How are you today...

Khi vào Nam, dân Nam kỳ nói tiếng Pháp như gió; với giọng  phát âm Bắc kỳ không Parisien mà lại Corseillais nên bố chuyển sang dạy Việt văn rồi sau đó trong nhiều năm liền bố làm hiệu trưởng… khai phá (khi trường mới thành lập) tại quận Cần Đước và Bến Lức thuộc tỉnh Long An. Do thẳng tính, khí khái, thanh liêm và vụng về trong giao tiếp nên sau cùng bố được chuyển về dạy ở Petrus Ký đến khi về hưu, vài năm sau 1975.

            Sau 1975, nhà giáo trung học cũng gọi là giáo viên, bị bắt làm “giáo án”. Giáo án là bài soạn với 5 bước lên lớp, chủ trương mang chính trị Mác Lê vào bài giảng. Hừm! Bực mình lắm, bố len lén làm mấy câu thơ. Sao Khuê nhớ câu Giáo án hay là án giáo đây… Đấy, tính bố ngang ngang, thơ thẩn nên con giống cha, đầu lòng hai ả tố nga cũng ngang ngang và thơ văn.

            Nào bây giờ đến chuyện “Phi lạc sang Tầu”: ông Giáo sang Gia Nã Đại. Cuối tháng mười năm 1992, lá rụng gần hết, ông Giáo “dẫn” bà Giáo và hai con còn độc thân đi ngoại quốc. Căn nhà triplex Sao Khuê mua để đón gia đình với hai ấp không còn trống vì bà Giáo bị giữ lại một năm uống thuốc ngừa lao do khi chụp hình phổi bị mờ. Thế là tất cả chín người chung nhau ba phòng ngủ, một phòng khách vì lúc đó basement còn chưa sửa. Ai đã từng bảo lãnh gia đình mới hiểu nổi nỗi khổ và cái vui  của Sao Khuê. Thời gian đầu, chuyện trò râm ran, cười đùa ầm ỹ sau đó thì nhức cái đầu.

            Mùa đông về, basement sửa xong, sáng sủa, rộng rãi, khang trang cho bố, má và hai em ở. Ông chú họ từ Quebec lên Montréal chơi, ghé thăm cho biết là bố đã than phiền:

- “Nó” để  bố nó ở dưới, nó đi trên đầu bố. Đã vậy còn phải ở gần chuồng xí!

Sao Khuê buồn cười nhớ lại phim “Le Roi et moi”.

Trời lạnh:

- Bố ơi, hôm nay lạnh, bố đừng ra ngoài nhé.

Nhưng sau đó Sao Khuê nghe ầm ĩ dưới nhà, chạy vội xuống thì cái thảm mới toanh đang cháy. Chả là bố ra đường, lạnh quá, vội trở về, cho vớ vào micro wave để sưởi nóng, khiến vớ bốc cháy, mẹ chỉ kịp gạt vớ khỏi micro wave.

- Con đã dặn bố đừng ra đường mà.

- Bố phải ra xem lạnh tới mức nào.

Việc này thì quả bố bắt chước con. Mùa đông đầu tiên, năm Sao Khuê mới  chui vào cái tủ lạnh khổng lồ Gia Nã Đại này, nó lạnh ơi là lạnh, không những thế còn vô cùng  trơn trợt. Cô em họ ở Toronto bị té gẫy tay. Ngày hôm đó dự báo thời tiết nói trơn lắm, mọi người nên ở trong nhà.   Chả có việc gì phải ra đường nhưng Sao Khuê vẫn mặc áo ra xem đường trơn tới mức nào, may mà không té, không gãy tay.

Mùa đông, đường phố vắng tanh, bố bảo:

- Phố xá gì như tha ma buồn chết, sao cô không viết thư báo cho tôi hay?

- Con có nói bố đừng đi nữa, nhưng bố cứ đi đấy chứ.

- Tôi phải dẫn chúng nó sang chứ tôi đâu thèm ở cái xứ quái quỷ này…

            Tin “Nó bắt tôi ở dưới hầm, gần chuồng xí” bay sang tận  Mỹ, thế là hè năm đó cô Út bay sang xem cái hầm con gái nhốt bố. Sau cùng khi có người trả nhà, Sao Khuê đã vội vã di chuyển bố mẹ lên lầu theo “thỉnh nguyện thư “ hai trang bố viết cho trưởng nữ.

Sao Khuê mua nhà để sửa soạn đón gia đình và dĩ nhiên trả góp nhưng dưới mắt bố, Sao Khuê giầu lắm nên bố ra lệnh:

- Cô mở cho thằng Út một tiệm kha khá để nó buôn bán.

Sao Khuê chỉ len lén liếc bố một cái thật dài.

- Cô xem có thằng bác sĩ nào thì gả em cô, nó cũng nhiều tuổi rồi.

- Bố à, nếu có bác sĩ chịu, con cũng lấy, đỡ cầy hai jobs trả nợ nhà.

Hè sang, thay đổi không khí, Sao Khuê chở bố đi chùa.

- Chùa này tôi đi rồi, sao đi mãi một chỗ vậy?

Sau cùng kiếm được cho bố cái computer cũ để bố làm việc và phải tạo điều kiện thuận tiện nữa cơ. Việc của bố là làm thơ, viết khảo cứu với bút hiệu là Trình Hương. Hương chắc là hương thơm, còn Trình từ tên quê nhà Trình Phố và chữ “cửa Khổng sân Trình” chỉ về văn học.

Ngoài làm thơ thì bố viết những nghiên cứu về Phật Giáo.

            Hai năm sau, em trai lớn Sao Khuê cũng chui vào cái tủ lạnh, khoảng năm sau thuê nhà ở riêng. Từ đó bố mẹ ở với cậu trưởng nam. Sao Khuê rảnh rang đi cày liên miên trả nợ, một hay hai tuần mới đến thăm.

            Vài năm sau thì đến lượt gia đình cô em gái, bốn người được qua Canada. Vậy là trừ cô em kế, toàn nhà Sao Khuê chui hết vào cái tủ lạnh. Bố ở với em trai, rồi em gái và khi nào không hài lòng thì qua nhà Sao Khuê.

- Thỏ có ba hang, bố cũng có ba nhà, chạy đi chạy về.

Em gái bán được nhà ở Sài Gòn, mang tiền sang cho bố mẹ. Nhà lúc đó rẻ nên chỉ được hai chục ngàn Mỹ kim. Em mượn để mua nhà nên bố mẹ có phòng riêng tại nhà em.

            Khoảng năm 2002, bố làm chuyến Mỹ du thăm bà con bên Cali. Bố ở nhà cô em Út, khi về bố than phiền:

- Ngày nào cũng đói. Nhà 4, 5 miệng ăn mà cái nồi cơm chỉ nhỉnh hơn cái niêu.

- Sao bố không nói cô nấu thêm?

Đấy, người mình có lệ ăn nhiều cơm mà ít thức ăn. Ngày Sao Khuê mới qua Canada cũng vậy. Hai gia đình tám miệng ăn mà anh chị chồng nấu mỗi người một chén cơm, anh còn cười khì khì:

- Bên này ăn ít cơm lắm.

Cái nồi tí tẹo, muốn nấu thêm cũng không được, may mà chỉ ở chung có ba tháng.

Thiệt tình, ở Việt Nam thì “cơm ba chén, thuốc ba thang” và ông xã Sao Khuê ăn 6, 7 chén là thường nên từ ngày sang Canada ông mất bụng, ốm nhom.

            Cuối tháng 2 năm 2005 là ngày giỗ bố chồng, Sao Khuê mời bố sang ăn giỗ.

- Tôi bệnh, không đi được.

- Bố lại nhõng nhẽo.

Hôm sau, ngày 1 tháng 3,  Sao Khuê lúc đó cũng đang nghỉ bệnh và ngày hôm đó còn giữ cháu ngoại cho con đi làm thì cháu trai gọi:

- Bác ơi, bác qua gấp. Mấy ngày nay ông không ăn và ông kêu mệt lắm.

Sao Khuê vội cùng cháu ngoại chạy sang. Thấy bố thở khó khăn: Bố hay bị nghẹt thở do khi trước hút thuốc lá nhiều. Sao Khuê xịt thuốc, bố dễ thở hơn, đói bụng và muốn ăn bánh mì chấm sữa đặc. Cô em gái mua thêm cả sữa ensure mang tới.

- Bây giờ bố có muốn đi nhà thương không?

- Cháu làm bác sĩ, sao phải đi nhà thương. Bảo chúng đến khám cho ông.

Sau đó bố kêu buồn ngủ và đi ngủ. Hai chị em rủ nhau đi ăn trưa. Khi Sao Khuê về nhà thì thấy cháu trai nhắn trong điện thoại:

- Ông thức dậy, đi tiểu rồi té trong phòng tắm, cháu gọi 911, họ đưa ông vào nhà thương Jean Talon.

Cùng cháu ngoại 5 tuổi, Sao Khuê chạy vội vào nhà thương. Họ cho biết đã chuyển sang nhà thương Saint Luc. Khi đến nhà thương thì thấy họ đang dùng “electrochoc” để hồi phục tim. Họ ấn cái máy như cái bàn ủi xuống ngực và người  bố lại giật tung lên.

Một bà y tá nhìn Sao Khuê ái ngại và lắc đầu. Mươi phút sau bác sĩ cho biết ngưng điều trị vì cho dù cứu sống được bố sẽ sống như thực vật do máu đã ngừng lên não lâu rồi.

Họ chuyển  giường ra phòng ngoài. Em trai Sao Khuê cũng vừa đi làm về, chạy vào và hai chị em liên tục niệm Phật. Trong lúc miệng miệm “Nam mô A Di Đà Phật”, mắt Sao Khuê chợt thấy ngón tay bố còn cái nhẫn vàng một chỉ mang từ Việt Nam sang. Miệng vẫn “Nam mô” nhưng tay Sao Khuê thì tìm cách tháo chiếc nhẫn ra. Tháo không được, xoa xà bông mấy lần cũng không xong.

- Bố à, bố để con tháo ra, lấy tiền cho người nghèo, bố giữ thì cũng sẽ bị người ta lấy mất thôi.

Ấy vậy mà sau đó Sao Khuê tháo ra dễ dàng. Bây giờ cái nhẫn còn nằm trong tủ ở nhà băng nhưng Sao Khuê cũng đã làm từ thiện với số tiền tương đương hay hơn.

Dù bố ra đi thình lình nhưng đám tang  cũng được tổ chức long trọng.

Hồi đi “du học“ ở Hà Nội, bác Cả và bố trọ học nhà cô Huyền. Sau này cô là thanh tra sở Giáo dục và khá thân với gia đình, nhất là với bác Cả.

Nghe tin Bố mất, cô Huyền gửi lá thư trong đó có bài thơ:

TIỄN BẠN

Ôi thôi lão trượng đi rồi

Sao không gửi lại đôi lời tri âm

Lúc tại thế âm thầm học đạo

Đạo quả rồi, dịch sách, in kinh

Thiền sư dìu dắt chúng sinh...

Tây Phương thẳng tiến Niết Bàn gặp nhau.

 

Hồn thiêng hẳn có anh linh

Xin về chứng dám tội tình thứ tha.

 

Trăng xưa còn đó hững hờ …

Người xưa đi mãi xin chờ kiếp sau.

Nguyễn Thị Huyền

            Con gái rượu và hai em gái, em trai của bố từ Cali sang tiễn bố. Bà con khắp nơi gọi, gửi thư hay phúng điếu. Sau khi cô chú ra về, cậu em Sao Khuê mới hội họp gia đình, trình lá thư bố viết ngày hôm trước khi ra đi, nội dung: “Tôi có 10 ngàn Mỹ, cô QA mượn mua nhà, số tiền đó chia làm hai, cho hai con trai là… (Bố thiệt, lúc nào cũng cưng con trai.) Cô P còn giữ của tôi vài trăm tiền Mỹ mà các anh chị, các cháu cho lúc tôi qua Mỹ. Cô P giữ để lo chia vui, chia buồn bên Mỹ. Cô Sao Khuê còn giữ của tôi $2672 tiền Canada và $425 tiền Mỹ. Cô dùng tiền này lo ma chay cho tôi, thừa thiếu bao nhiêu cô chịu.”

Số tiền tang lễ thì nhiều nhưng Sao Khuê có mua bảo hiểm cho bố mẹ và em trai cũng phụ vào cho đủ.

Hồi bố mẹ sang, Sao Khuê xem số tử vi của mình, thấy năm 1995 có “Tang môn ngộ bạch hổ”, e có tang mà lúc đó nợ ngập đầu lấy tiền đâu mà lo nên bấm bụng mua hai bảo hiểm cho bố mẹ. Vì tuổi tác và vì bố đã hút thuốc lại bị bệnh nên bảo hiểm rất đắt. Mỗi tháng đóng gần $100 và đóng gần 10 năm, tiền nhận lại cũng bằng số tiền đóng. Đúng là thầy bói mò.

Bố Sao Khuê chưa muốn chết. Bố muốn sống thọ, ít ra thì hơn ông sui gia mất vào năm 91 tuổi nhưng bố lại mất lúc 85 tuổi. Trừ chứng bệnh phổi, bố Sao Khuê còn to lớn khoẻ mạnh, vững vàng và minh mẫn, bằng chứng là bố nhớ rất rõ số tiền mà Sao Khuê còn giữ của bố.

Những năm sau cùng bố ăn chay trường nhưng không đọc kinh mà chú trọng tìm hiểu về giáo lý của đức Phật. Bố có viết và muốn in tập khảo cứu Đường Vào Cửa Không. Đáng tiếc, lúc đó Sao Khuê vừa bệnh vừa nợ nhà chưa xong nên không giúp bố hoàn thành tâm niệm và bố thì nhất định không dùng tiền của mình để in, mặc dù Sao Khuê đã hứa là khi bố nằm xuống Sao Khuê lo hết, do đã mua bảo hiểm... Bây giờ Sao Khuê mới giải mã là cụ muốn để dành cho hai con trai.

            Cũng như bà nội, bà nội biết rõ, rất rõ lúc ra đi. Bà vẫn khỏe mạnh và đang ở chơi nhà con gái. Tối đó, tháng 10 năm 1974,  bà đòi con rể đưa về nhà bác Cả:

- Anh đón xe cho tôi về ngay, các Cụ cho người đến đón tôi rồi.

Khi về đến nhà, được đặt nằm trên giường, bà chắp tay và ra đi, thanh thản, bình an.

Bố, bố cũng có linh tính nên tối hôm trước bố đã viết và dặn dò hậu sự.

Khi bố ở nhà quàn, Sao Khuê có làm một bài thơ; ngày đó viết và in trong Đặc san Dược khoa  Montréal chứ không có lưu như bây giờ nên khó tìm lại.

Dù sao chăng nữa, Sao Khuê có linh cảm rõ ràng là bố đã đi một mạch, đi không vương thê nhi, bố về một nơi rất an bình nên chẳng bao giờ Sao Khuê thấy bố trở về.

            Father’s Day đến… Sao Khuê nhớ bố.  Chẳng bao giờ bố đánh đứa con nào, tuy la mắng khá dai khi Sao Khuê thi rớt.

Coi kìa, bố đang la:

- Cái con này, mang cả bố ra mà viết truyện, lại còn kể xấu nữa chứ…

- Con chưa kể ra hết đó, khi có dịp con kể thêm nữa…

Dù biết bố đi tuốt luốt nhưng lúc nào có trái cây mới, thức ăn ngon là Sao Khuê vẫn để trên bàn thờ ông bà nội, ngoại, bố, bác, các chú, cậu em cùng bố mẹ chồng.

Mỗi lần vắng nhà đi chơi xa là Sao Khuê lại giao hẹn:

- Con đi chơi đây, bác và bố trông nhà đấy nhé.

Giao nhà cho bác thì yên chí vì bác vốn cẩn thận, giáo sư toán mà lỵ, không vơ vẩn thơ thẩn như bố...

Bố ơi! Con nhớ bố....

Sao Khuê 

2023