"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

Gạo Là Ngọc Trời

Ngày Sài Gòn khoác vào chiếc áo mới, người may mắn nhanh chân di tản sớm. Chúc mừng! Chúc mừng! Chắc ai cũng được đẻ bọc điều quá?!

Họ đã may mắn lên máy bay, đi tàu lớn, thoát được biết bao nỗi buồn, bao nghịch cảnh đã in khắc thâm sâu tận đáy lòng. Nhất là không trải qua bao ngày đói khổ.

Nếu ai bị kẹt ở lại, vội vàng nhanh chân, nhảy ra xung phong la lối, nghiêng theo chiều gió mới. Tự nhiên họ được người dân gọi tên chính xác là "30 Trở Cờ." Họ xông xáo gánh vác mọi chuyện lớn hoặc nhỏ. Có người xuất gia từ đó, bỏ nhà, ở luôn nơi nào cho ăn cơm free. Luôn ra sức kiếm điểm tốt với chính quyền mới.

Nghĩa là, cứ lớn tiếng hà hiếp dân lành thì được phong cho một chức vụ. Có chút uy quyền nho nhỏ trong tay. Mặt mày hớn hở như hoa nở trái mùa. Lúc đó, tất cả nhân viên cũ đều mất việc vì là người của chính quyền cũ.

Người nào khôn ngoan, lanh lẹ, dựa theo ai có chút hơi hám, nhờ quen biết, thân thuộc với người “mới vô”. Họ luôn chờ đợi, hy vọng có một việc làm thơm. Cho dù có đi ngược lại với lương tâm, cũng chẳng sao, không nhằm nhòa gì.

Miễn sao, lời nói trên đầu môi này mang lại cho mình thứ cần thiết nhất lúc ấy. Đây là thực phẩm, gạo là thứ yếu, đôi khi có chút tiền sống qua ngày. Thời buổi giao mùa giữa hai chế độ, ai có miếng cơm no bụng cho mình, có thể no luôn gia đình mình. Họ không thể từ chối thực hiện.

Nhà nước mới cần tuyển dụng nhiều người vào làm việc cho họ. Với điều kiện là lý lịch trong sạch, chịu khó học tập chính trị chút xíu, hội họp thường xuyên. Nhất là phải có tư tưởng, phải có xu hướng nhìn cùng phía với xã hội mới. Chỉ lắng nghe mà không được phản đối cấp trên.

***

Dĩ nhiên, nhiều người hăng hái gật đầu, làm theo. Thế là họ lên ngôi thiên đỉnh, y hệt như mặt trời ngự trị trên cao. Ung dung được hưởng nhiều quyền lợi hơn dân quèn. Nào là nhu yếu phẩm nhận đầy đủ trước. - được ngồi chễm chệ một ghế trong cơ quan nhà nước mới.

Tiếng nói của họ tự nhiên lên hương, bay lên chín tầng mây xanh. Từ phường, khóm, tổ đều ngẩng mặt lên trời. Không sợ bị đạp bánh tráng. Nếu lỡ đạp bể mấy cái bánh tráng, cũng tỉnh bơ. Người bán là dân quèn cũng không dám bắt đền. Thiệt tình là khổ quá xá! Bao việc làm thơm tho, ngon lành, đắt giá như tôm tươi. ‎Ý mà quên, thời gian đó, làm gì có tiền mà mua tôm tươi về ăn. Ai cũng đói te tua. Tội chưa hè !

Trong một khu phố có cửa hàng Hợp Tác Xã. Ái dà da! Cô, Dì, chú , Bác, anh chị nào có địa vị, dù nhỏ xíu xiu trong cửa hàng Hợp Tác Xã này, coi như no cơm ấm áo. Vì sao ? Dĩ nhiên hạt gạo nào trước khi tới tay người dân quèn, thì êm ấm rơi vào cái túi xách của các nhân viên trước.

Mỗi khi có thông báo:

- Alô alô, dừa khô lên giá. Hôm nay bán gạo ở cửa hàng tên… gì gì…ở địa chỉ nào… mấy giờ. Mèn ơi, mọi người trong tổ mừng kể gì. Ai cũng lật đật quơ cái nón lá che nắng. Ăn qua loa chút gì cho no bụng. Các bạn có biết vì sao phải tìm chút gì nhét vô bao tử trước không?

Họ chuẩn bị sắp hàng dài cả ngày đấy ạ. Hàng dài như cái đuôi con rồng lượn lờ, uốn éo như cái đuôi con rắn độc. Cho dù, biết mình phải chờ đến bao lâu, mọi người vẫn kiên cường, ù lì, ngồi che cái nón lá tưa vành.... mải mê chờ... cho đến khi nào gạo bay vào túi xách. Gạo là hạt ngọc trời cho, no lòng mà !...

Trời Sài Gòn em đi mà chợt té
Bởi vì em, mắt tá hỏa tam tinh

Bạch Liên
21/10 (Oct 21st) - 2023