"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Quần Thể Di Tích Thành Cổ Loa

(Phóng sự bằng hình – Mùa thu 2023)

Trong chuyến đi Hà Nội lần 2 này - mùa thu 2023 – chúng tôi dành hơn nửa ngày để tham quan di tích thành Cổ Loa ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Cổ Loa nằm trong danh sách 11 di tích được Chính phủ xếp vào hạng “Di tích Quốc gia Đặc biệt” về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, danh lam thắng cảnh trong cả nước.
Hiện nay thành Cổ Loa còn nhiều đền thờ, hiện vật liên quan đến lịch sử, văn hóa gắn với truyền thuyết An Dương Vương, thần Kim Qui, chuyện tình công chúa Mỵ Châu-Trọng Thủy, chiếc Nỏ Thần và tướng Cao Lỗ. Ngoài ra còn có đình Cổ Loa, chùa Cổ Loa (Bảo Sơn tự), chùa thôn Mạch Tràng, chùa Cưu, v.v… Là những nơi còn lưu giữ nhiều tượng phật, chuông, khánh thờ chạm trổ rất tinh vi, sinh động từ thế kỷ 16, 17.

Từ trước chúng tôi chỉ được biết thành Cổ Loa thời An Dương Vương, chuyện tình Mỵ Châu-Trọng Thủy, chiếc Nỏ Thần qua môn sử và sách vở, bây giờ được đến tận nơi để tìm hiểu, chiêm ngưỡng công trình của người xưa để lại là điều thật thú vị.

1- DI TÍCH THÀNH CỔ LOA

CoLoa1 LHU

Di tích Nghi môn ngoại, thành Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Thành Cổ Loa là một di tích lịch sử cổ xưa nhất tại vùng đồng bằng sông Hồng, ngày nay tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, cách Hà Nội chừng 30 km.

Là kinh đô của nước Âu Lạc, được thành lập bởi vua Thục Phán An Dương Vương xây dựng (257/208 TC và 208/179 TCN), trên một khu vực rộng khoảng 800 ha, nằm bên sông Hoàng một nhánh của sông Hồng nối với sông Cầu một con sông quan trọng trong hệ thống sông ngòi ở tỉnh Thái Bình, và từ đó có thể ra biển. Thành Cổ Loa chiếm ngự nơi vị trí quan trọng nhất kiểm soát được vùng đồng bằng và cả miền Trung du về mặt chính trị, quân sự, giao thông, kinh tế của nước Âu Lạc thời bấy giờ.

Theo truyền thuyết thành xây hình xoáy ốc có 9 vòng, nhưng ngày nay di tích còn lại chỉ 3 vòng, tường thành xây bằng đất cao trung bình từ 5 m, có nơi đến 8 m và 12 m. Chung quanh có hào sâu và rộng ghe thuyền đi lại dễ dàng. Ba vòng thành có chu vi tổng cộng 15, 820 m, hiện nay dấu vết chỉ còn 11,840 m. Khu vực vòng ngoài dân chúng cư ngụ; Vòng giửa dành cho quan lại và Hoàng tộc; Thành nội ở giửa hình chữ nhật khép kín chu vi rộng 1730 m, dành riêng cho nhà Vua, hoàng hậu và cung phi. Qui mô thành Cổ Loa cho thấy là một kinh đô đông dân, trù phú, với nghề trồng trọt, đánh bắt cá và thủ công.

Truyền thuyết nói rằng, khi xây thành Cổ Loa tường thành thường hay bị sạt lở thần Kim Qui hiện lên giúp mới xây xong. Ngày nay các nhà khảo cổ nghiên cứu về kỹ thuật thì thấy rằng tường thành bằng đất không có nền móng chắc chắn, hơn nữa thế đất thành Cổ Loa nghiêng theo hướng bắc nam độ lệch gần 10 m. Vả lại nhà vua muốn các đường hào quanh thành ghe thuyền phải lưu thông được, nên phía bắc bờ thành có nơi cao đến khoảng 12 m. Sau đó tướng Cao Lỗ cho gia cố nền móng bằng đá tảng, chen kẽ bằng đá nhỏ hơn, mỗi lớp đất đấp được rải một lớp mỏng gốm vỡ và vật liệu khác làm kết dính nhờ vậy bờ tường mới được vững, thành xây mới xong.

Khi Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc (179 TCN), thành Cổ Loa trở thành một quận huyện của quân Hán. Đến thời vua Ngô Quyền (939-965) sau khi đánh tan quân Nam Hán thành Cổ Loa trở lại làm kinh đô. Đến năm 968 dưới thời nhà Đinh kinh đô dời về Hoa Lư (Ninh Bình), từ đó thành Cổ Loa suy tàn.

Ngày nay, tại Cổ Loa thành có các phần là những di tích có kiến trúc về thời kỳ sau này như đền thờ Thục An Dương Vương chưa rõ được xây dựng từ khi nào, chỉ biết công trình được trùng tu năm 1687 đời vua Lê Hy Tông (1675-1705), vào năm 1895 và các năm gần đây. Gồm các phần như: Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Thượng Đình (Ngự Triều Di Quy, là nơi vua ở), Tiền đường, Hậu đường, Tả vu, Hữu vu và nhà Văn bia.

Theo truyền thuyết triều đại An Dương Vương kế thừa tiếp nối nước Văn Lang của thời đại các vua Hùng kinh đô ở Phong Châu (Phú Thọ) trước khi bị ảnh hưởng của nền văn hóa Hán. Thành Cổ Loa tồn tại khoảng 1200 năm (từ 257 TCN đến 968 sau CN), góp phần quan trọng tiếp nối vào nền văn minh Đông Sơn, cũng như trước đó là các nền văn minh Phùng Nguyên, Đồng Đậu và Gò Mun ở Bắc phần, Việt Nam.

2- DI TÍCH KHẢO CỔ THÀNH CỔ LOA

Theo truyền thuyết để lại, sau khi vua Thục An Dương Vương lên nắm quyền cai trị sáp nhập hai tộc Âu Việt và Lạc Việt lập nên nước Âu Lạc, tiếp nối thời đại vua Hùng từ Phong Châu (Phú Thọ) di dời kinh đô về Cổ Loa. An Dương Dương chọn địa điểm Cổ Loa để xây kinh đô mới ở vị trí đứng đầu tam giác khu vực đồng bằng sông Hồng, dân cư đông đúc, đất đai màu mỡ tốt cho việc phát triển nông nghiệp, nhiều sông rạch thuận tiện lưu thông, thuận lợi triển khai quân đội phòng thủ đất nước khi cần. Sau khi hoàn thành việc xây dựng Cổ Loa, An Dương Vương khuyến khích dân các nơi qui tụ về khai phá những khu rừng lân cận kinh thành như các cánh rừng Đa (Gia Lâm), rừng Mơ (Mai Lâm), rừng Dâu Da (Du Lâm) để canh tác, đất đai màu mỡ trở nên một vùng làng mạc trù phú phồn thịnh. Chiêu mộ nhiều thợ ngành nghề thủ công, thợ mộc xây cất và đóng thuyền bè, chiến thuyền, thợ rèn, đúc vũ khí gươm giáo, mủi tên đồng, quân dụng, phát triển quân đội hùng mạnh. Vũ khí quan trọng nhất là Nỏ thần Liên châu - một phát bắn nhiều mủi tên cùng lúc, v.v…

Từ các cuộc khai quật khảo sát cho thấy thành Cổ Loa là ngôi thành đấp bằng đất cổ xưa nhất tại vùng Đông Nam Á, được xây dựng trong 3 năm (257 TCN đến 255 TCN) từ 23 thế kỷ trước có qui mô đáng ngạc nhiên. Tương truyền thành có 9 vòng thành xây theo hình trôn ốc nên còn có các tên là thành Ốc; thành có chín vòng nên có tên là Cửu thành, sau cùng thành xây dựng tại làng Cổ Loa nên được gọi là Cổ Loa thành cho đến ngày nay.

Theo thông báo từ buổi Hội nghị Khảo cổ lần thứ 47 tại Hà Nội, kết quả cuộc khai quật do Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long và khoa Khảo Cổ trường đại học Madison tại bang Wiscosin của Hoa Kỳ phát hiện thêm nhiều hiện vật từ thời An Dương Vương (257 TCN) đến đời vua Lê Trung Hưng (1533).

Ngoài trống đồng Cổ Loa loại I Heger phát hiện tại khu vực khảo cổ Mả Tre (1982). Hàng vạn mủi tên đồng, gươm, giáo, dụng cụ đồ đồng khác được khai quật từ thập niên 70 thế kỷ trước, gần đây khai quật thêm nhiều hiện vật như nữ trang, tượng đồng và đồ đá có chạm khắc tinh vi; gốm, sành, các vật liệu xây cất như gạch, ngói bằng đất nung, và riêng gốm tráng men sản xuất từ thời Lê Trung Hưng (Hậu Lê). Các di vật được lưu giử tại “Nhà chưng bày Cổ vật” để mọi người được đến tham khảo.

Di tích các bờ thành ngày nay không còn nhiều, hiện chỉ còn một phần bờ thành trở nên mô đất hay giồng đất, ở đó hiện có một số cây cổ thụ ngàn năm. Thật đáng tiếc do không được bảo vệ chặt chẽ một số người dân san đất trồng cây hay cất nhà ở. Tuy nhiên khu vực trung tâm thành Cổ Loa vẫn còn là nơi các nhà khoa học, khảo cổ cố gắng tìm di vật từ hơn 2000 năm trước để tái hiện phần nào hình thức kiến trúc cũng như đời sống sinh hoạt của người dân Việt xưa.

3- MIẾU THỜ CÔNG CHÚA MỴ CHÂU VÀ GIẾNG NGỌC

Đến tham quan di tích thành Cổ Loa chúng ta không quên truyền thuyết thiên tình sử nàng Công chúa Mỵ Châu nước Âu Lạc (Việt Nam) với Hoàng tử Trọng Thủy nước Nam Việt (Một phần phía nam Trung Quốc và Việt Nam ngày nay).
Vua Thục Phán An Dương Vương gả con gái của mình là Công chúa Mỵ Châu cho Hoàng tử Trọng Thủy con trai vua Triệu Đà để giao hảo giửa hai nước được tốt đẹp không ngờ đó là âm mưu thôn tính nước Âu Lạc của Triệu Đà.

Quân nước Nam Việt có lần đánh thành Cổ Loa nhưng thất bại bởi Nỏ Thần nên Triệu Đà bày mưu cầu hôn cưới Công chúa Mỵ Châu cho Trọng Thủy ở rể, sau đó Vua cha sai Trọng Thủy lừa gạt vợ mình mượn cớ cho xem Nỏ Thần một loại vũ khí lợi lại nhất của quân đội Âu Lạc rồi trả lại, tuy nhiên Mỵ Châu nhẹ dạ vì tình yêu chồng nên không đề phòng để biết rằng đó là một âm mưu. Sau khi lấy được và đánh tráo Nỏ Thần Triệu Đà bất ngờ xua quân đánh chiếm nước Âu Lạc. Kinh đô Cổ Loa thất thủ, An Dương Vương thua chạy về phương Nam, phía sau ngựa chở theo công chúa Mỵ Châu. Khi đó thần Kim Qui hiện lên báo cho nhà vua “giặc đang ở phía sau ngài”, An Dương Vương phát hiện cô con gái đang lấy lông ngỗng trên áo rải theo đường để chồng mình tìm theo, vua Thục Phán biết rõ nội tình là con gái mình có hành vi thông đồng với giặc ông rút kiếm chém đầu Công chúa Mỵ Châu, đến đường cùng nhà vua cũng đã tự sát!

Nơi am thờ Công chúa Mỵ Châu dưới gốc cây đa ngàn năm bên cạnh đình Cổ Loa thờ An Dương Dương. Huyền thoại nói rằng, sau khi chết Công chúa Mỵ Châu linh thiêng hóa thành hòn đá trôi dạt về bãi Đường Cấm phía đông thành Cổ Loa. Dân trong thành thương tiếc Công chúa Mỵ Châu nên lấy cáng đem về, khi đến gốc đa cổ thụ thì võng đứt hòn đá rơi xuống nên họ lập miếu thờ tại đó.

Theo tài liệu nghiên cứu, am thờ Công Chúa Mỵ Châu gồm nhà Tiền Tế và Hậu đường. Tại Tiền tế, hai bên trụ đầu hồi có hai câu đối bằng chữ Hán:

“Trung tín nhất tâm chiêu nhật nguyệt;
linh quang vạn cổ đẳng càn khôn”

(Có nghĩa là: một lòng trung tín tựa trăng sao; anh linh sáng sủa mãi mãi như trời đất).

Gian giửa có bàn thờ bên trên có cuốn thư đề 4 chữ Hán “Tốn Cung Diện Túy” có nghĩa là “Cung thờ người con gái”.

Bên cạnh là 4 câu đối nói về lòng sắt son của Công chúa Mỵ Châu. Hai câu trên cột nhà cạnh hương án:

“Trung tín thệ tâm thân hoá thạch;
Hưng vong sái lệ vọng trầm châu”.

(Có nghĩa là: Lòng trung tín trong tâm đã thề nên thân hoá đá; dòng nước mắt khóc về sự thịnh suy kết thành châu ngọc dưới giếng sâu).

Tiếp theo kế đó là 2 câu đối khác:

“Phái diễn ngàn hoàng trịnh liệt cao huyền thiên cổ kính;
Ba trừng ngọc tỉnh hiển linh quang bạch nhất sinh tâm”.

(Có nghĩa là: Dòng dõi của nàng là con Lạc cháu Hồng, tấm lòng trinh liệt được nêu gương từ xưa đến nay; Giếng ngọc tỏa sáng thiêng liêng tỏ rõ tấm lòng thành).

Mặc dù chỉ là truyền thuyết khó có thể xác minh có thật hay không, nhưng dân chúng vẫn thờ cúng trang nghiêm. Bên trong hậu đường có tượng Mỵ Châu là hòn đá tự nhiên với hình người mất đầu, được trang phục gấm lụa, tràng chuỗi hạt, nữ trang vàng bạc lộng lẫy. Đến nay thường có nhiều người dân đến tham quan chiêm bái, thắp nhan thờ phượng trang trọng.

Cũng theo truyền thuyết, Trọng Thủy thương tiếc Mỵ Châu bồng xác vợ mình đem chôn cất ở thôn Vàng, làng Cổ Loa, huyện Đông Anh. Nơi đây có di mộ Công chúa Mỵ Châu, trong khuông viên có tường xây bằng gạch nung hình chữ nhật, hiện nay di mộ này được trùng tu khang trang hơn.

Tương truyền, sau khi mai táng xong vợ mình Trọng Thủy ân hận cho cái chết của Mỵ Châu chàng gieo mình xuống giếng tự tử, giếng nằm bên trong hồ nước rộng ngay trước cổng thành Cổ Loa. Ngày nay người ta gọi là giếng Ngọc bởi nước mắt của Mỵ Châu rơi xuống giếng trở thành những viên ngọc trai, và những ai khi đem ngọc đến rửa nơi đây ngọc sẽ sáng lên và đẹp hơn nhiều.

Ngoài ra, ở Nghệ An có truyền thuyết nói rằng vua An Dương Vương thua chạy tới núi Mộ Dạ, tại xã Diễn Châu, huyện Diễn Châu (Nghệ An), đến đây là đường cùng. Dân ta tưởng niệm nhà Vua lập đền thờ trên núi Mộ Dạ, ở đó cũng có am thờ công chúa Mỵ Châu và bên cạnh là điện thờ tướng Cao Lỗ, địa điểm này có tên là Đền Cuông.

4- ĐIỆN THỜ TƯỚNG CAO LỖ VÀ CHIẾC NỎ THẦN

Đến tham quan di tích Cổ Loa (Hà Nội) chúng ta hãy viếng điện thờ tướng Cao Lỗ, người đã gắn liền với việc xây thành Cổ Loa và chiếc nỏ thần huyền thoại. Sau khi Thục Phán lên ngôi, tướng Cao Lỗ được nhà vua trọng dụng.
Tướng Cao Lỗ là một người có tài sức mạnh hơn người với tầm nhìn chiếc lược sâu rộng, ông khuyên An Dương Vương dời kinh đô về Cổ Loa nơi đây có vị trí tốt hơn thành củ ở Phong Châu về nhiều mặt để phát triển đất nước. Nhà vua tin dùng giao cho tướng Cao Lỗ nhiều trọng trách, ông đem hết tài trí ra giúp vua giúp nước:

- Xây dựng thành Cổ Loa (kiến trúc sư/ công trình sư), ngày nay các nhà khảo cổ phải ngạc nhiên về tầm mức qui mô của nó, là một kinh đô lớn nhất Đông Nam Á cùng thời từ hơn 2200 năm trước. Theo Tiến Sĩ Richard A. Engelhardt, chuyên gia tư vấn khu vực về Văn hóa vùng Châu Á Thái Bình Dương của UNESCO cho biết: “Kiến trúc thành Cổ Loa có nhiều lớp được đấp bằng đất, hệ thống hào sâu và kênh mương dựa trên sự hiểu biết về địa thế và sông ngòi, thể hiện tài năng quy hoạch theo địa hình đầy tiên tiến và đổi mới sáng tạo nhất thời kỳ bấy giờ”.

- Vua tấn phong quyền chỉ huy quân đội cho tướng Cao Lỗ (một vị tướng có tài thao lược) trấn giữ mạn bắc thành là nơi trọng yếu nhất. Ông xây dựng một đội quân thiện chiến, tập luyện cả vạn binh sĩ sử dụng cung nỏ thuần thục. Kinh đô tại vùng đồng bằng có nhiều sông rạch cần đến thuyền bè, ông cho đóng cả trăm chiến thuyền (thuyền chèo nhỏ, vài ba chục binh sĩ), huấn luyện đội thủy binh, đại bản danh đóng ở Vũ Ninh, tại Đầm Cả có vùng nước rộng lớn dùng làm căn cứ thủy binh của ông. Thiết lập nhiều công binh xưởng chế tạo vũ khí gươm giáo, đúc hàng vạn mũi tên đồng.

- Chế tạo chiếc Nỏ Thần (kỹ sư), với cái lẫy nỏ bằng đồng là một chế tác kim loại có trình độ. Chiếc nỏ có thể bắn cùng lúc nhiều mủi tên, bắn được nhiều lần, tầm bắn xa hơn, chính xác hơn với mũi tên đồng có 3 cạnh bén nhọn cho mứt sát thương cao. Nỏ thần còn gọi là Nỏ Liên Châu, từ đó trong dân gian gọi tướng Cao Lỗ là Ông Nỏ. Hiện vật khảo cổ tìm được chiếc lẫy nỏ ở làng Vạc (Nghệ An) và làng Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội). Chuyện xưa kể rằng khi làm chiếc nỏ thần Kim Qui hiện lên tặng cho chiếc móng để làm lẫy nỏ, chiếc nỏ linh thiêng giúp giử vững kinh thành và biên cương.
Cùng một tài liệu đọc được, sách sử cũ tôn vinh ông là “Linh Quang Thần Cơ”, còn trong sách Lĩnh Nam Chích Quái ghi lại rằng: “Cứ đem nỏ chỉa vào quân giặc là chúng không dám đến gần”. Nỏ liên châu cũng từng làm khiếp đảm quân Triệu Đà.
Tại Bảo tàng lịch sử quốc gia các chuyên gia đã phục dựng lại 2 loại nỏ này có niên đại từ hơn 2000 năm trước, được chưng bày tại viện bảo tàng.

CoLoa14 LHU

 Nỏ Thần được chuyên gia phục dựng chưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Từ lâu Triệu Đà tham vọng chiếm nước Âu Lạc, đã có lần tấn công thành Cổ Loa nhưng thất bại bởi vũ khí vô cùng lợi hại là chiếc Nỏ Thần. Không dùng quân sự để chiến thắng được, vua Triệu Đà bày mưu chước cầu hôn, xin cho con trai ở rể An Dương Vương tại Cổ Loa thành. Nhiều quan tướng can ngăn, trong đó có tướng Cao Lỗ cương quyết vạch trần âm mưu này của Triệu Đà, trình bày cùng An Dương Vương: “Nó mượn cớ cầu hòa, kết hôn để dùng mưu cướp nước ta”, nhưng nhà vua không nghe. Thêm nữa, do lòng ganh ghét tài của Cao Lỗ và bị mua chuộc bởi Triệu Đà một vài Lạc Hầu đem lời dèm pha nên vua An Dương Vương đối đãi bạc bẽo với tướng Cao Lỗ. Trước khi rời kinh thành về quê qui ẩn, Cao Lỗ nói với nhà vua: “Giữ được nỏ thần thì giữ được nước, mất nỏ thần thì mất nước”.

Khi quân Triệu Đà chiếm thành Cổ Loa, tướng Cao Lỗ trở lại cứu giúp vua An Dương Vương, nhưng thế nước Âu Lạc đã đến hồi suy vong.

Năm vua Khải Định thứ 6 (1921) tại làng Tiên Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) có lập tấm bia “Thần tích bi ký” ghi lại tướng Cao Lỗ là vị tướng tài được vua An Dương Vương tấn phong làm thống lĩnh toàn quân, đóng đại bản doanh tại Vũ Ninh. Ông mất tại Diễn Châu, Nghệ An.

5- CHÙA CỔ LOA - BẢO SƠN TỰ

Chùa Cổ Loa có tên chữ là Bảo Sơn Tự là ngôi chùa cổ quan trọng nhất tại Cổ Loa theo hệ phái Phật Giáo Bắc tông, lưu giữ nhiều hiện vật quí giá như 134 pho tượng cổ xưa, được bày trí tại chánh điện, hậu cung, hành lang và nhà mẫu. Đó là những tượng Phật được tạo tác bằng gỗ mít và bằng đất có đường nét sinh động uy nghi từ thế kỷ 17 và 19, đến năm 1992 các tượng được tu bổ và sơn thếp lại, như:

- Bộ tượng Thập bát tổ truyền đăng 18 tượng (Thập bát La Hán, mỗi bên 9 tượng), 2 tượng Phật và tượng Thích ca nhập niết bàn.
- Hoa Nghiêm tam thánh: Tượng Bồ Tác và Kim Đồng, Ngọc Nữ,
- Bộ tượng Ngọc Hoàng thượng Đế có 2 vị Nam tào, Bắc đẩu 2 bên,
- Bộ tượng 8 vị Hộ pháp (mỗi bên 4 vị),

Các bức tượng khác gồm:

Bức Tam thế Phật (hiện tại, quá khứ, vị lai), Tượng Quang Âm Nam Hải và Quan Âm Thị kính, Tượng Thích Ca nhập Niết bàn và tượng Tuyết Sơn, Ngoài ra còn nhiều tượng khác như tượng Thích Ca ngồi trên tòa sen mỗi bên 2 tượng; 4 tượng Tứ Trấn (mỗi bên 2 tượng); bộ tượng Thái Thượng Lão Quân; bộ Cữu Long, Thích Ca sơ sinh và Đế Thiên, Đế Thích; tượng thánh Thiện và thánh Ác; bộ Thập điện Diêm Vương 10 tượng (mỗi bên 5 tượng), tượng đức Thánh Trần, tượng Thánh mẫu Liễu Hạnh, v.v…

Ngoài ra còn lưu giữ các bức “Cốn tứ linh” từ thế kỷ 19; Năm (05) tấm bia đá từ thế kỷ 17 và 19; Hai (02) đại hồng chung đúc vào năm 1803 (Gia Long năm thứ 2); Một khánh đồng và nhiều pháp khí giá trị khác.
Hàng năm chùa có lễ giổ chung các nhà sư trụ trì vào ngày mùng 05 tháng 10 âm lịch.

Chùa Cổ Loa là một di tích quan trọng trong quần thể thành Cổ Loa. Khu di tích Cổ Loa được Bộ Văn Hóa và Thông Tin công nhận là di tích Lịch sử-Văn Hóa cấp Quốc Gia năm 1993.

Di tích Cổ Loa ngày nay nổi tiếng với ngày “Lễ hội Cổ Loa Thành” hàng năm được tổ chức long trọng vào ngày mùng 06 tháng Giêng (âm lịch) để tưởng nhớ công đức vua An Dương Vương. Buổi lễ có tập tục do 12 thôn trong thành Cổ Loa và 7 xã trong khu vực phối hợp cùng nhau tổ chức. Lễ Hội Cổ Loa diễn ra trong 10 ngày, khai mạc từ ngày mùng 06 tháng Giêng đến ngày 16 tháng Giêng mới kết thúc.

Các vị bô lão uy tín với khăn đóng áo dài đứng ra thực hành nghi lễ, cờ lộng rực rỡ, chiêng trống vang rền khắp nơi. Trong lễ hội có các trò chơi dân gian được mọi người tham gia rất sôi nổi như đánh cờ người, đấu vật, bắn cung (nỏ), đánh đu, thi đua nấu cơm, v.v…, phần văn nghệ có Ca Trù và hát Quan Họ, v.v…

Khu di tích Cổ Loa thành phố Hà Nội đã qui hoạch sẽ xây dựng thành "Công viên Lịch sử – Sinh thái – Nhân văn” của Thủ đô Hà Nội với quy mô khoảng 860 ha.

6- BÀI HỌC LỊCH SỬ THÀNH CỔ LOA

Đến tham quan một di tích cổ xưa là chúng ta đang ôn lại bài học lịch sử bằng cách khảo sát thực tế và tham khảo thêm từ các bia giới thiệu về di tích ấy, hay những tài liệu, cổ vật lưu trử tại nhà bảo tàng. Khu di tích quần thể thành Cổ Loa đã đưa chúng tôi trở về thời đại hơn 2 ngàn năm trước, khi mà chưa có sử ghi lại bằng chữ viết rõ ràng chỉ với những truyền thuyết, huyền sử mơ hồ. Thí dụ như:

Về thần Kim Qui, thần Kim Qui là con rùa vàng chắc chắn là khá to, có 3 lần được nhắc đến liên quan lịch sử của thành Cổ Loa: Lần đầu thần Kim Qui hiện lên giúp mới xây xong thành, do bị quỷ phá tường thành thường bị sụp đổ. Lần thứ nhì thần Kim Qui tặng cái móng để làm lãy nỏ của chiếc nỏ thần có thể bắn nhiều mủi tên cùng lúc. Lần thứ ba là thần Kim Qui hiện lên báo cho vua An Dương Vương là “giặc đang ở sau lưng ngài”.

Ngày nay ngành khảo cổ chứng minh được phần lớn sự việc bằng phương pháp khoa học, cụ thể rõ ràng. Chúng ta có thể hiểu được rằng thần Kim Qui là tín ngưỡng của dân ta thuở đó. Rùa là linh vật của dân Việt ngày xưa thời tiền văn hóa Hán. Như trên mặt trống đồng có chim Lạc, con Thiềm thừ (con cóc). Tại các đình, chùa cổ xưa có con Rùa và chim Hạc, hay con Nghê khảo cổ tìm thấy.

Đến viếng, chiêm ngưỡng, khảo sát mỗi một di tích là chúng ta còn học được một bài học quí giá bằng xương máu của tổ tiên trong việc dựng nước và giử nước.

CoLoa21 LHU

Am thờ công chúa Mỵ Châu (Miếu thờ Công Chúa).

Sau khi tham quan quần thể di tích thành Cổ Loa, người viết bài có chút lấn cấn không được thông suốt, hồi xưa (khoảng 60 năm trước) khi học sử việc mất thành Cổ Loa cho là do nàng Công chúa Mỵ Châu thông đồng với giặc nên mất thành. Theo tài liệu nghiên cứu, am thờ Công Chúa Mỵ Châu gồm nhà Tiền Tế và Hậu đường, hai bên trụ đầu hồi có các câu đối bằng chữ Hán, thì:

“Trung tín nhất tâm chiêu nhật nguyệt;
linh quang vạn cổ đẳng càn khôn”

Hoặc:
“Trung tín thệ tâm thân hoá thạch;
Hưng vong sái lệ vọng trầm châu”.

Tiếp theo kế đó là 2 câu đối khác:

“Phái diễn ngàn hoàng trịnh liệt cao huyền thiên cổ kính;
Ba trừng ngọc tỉnh hiển linh quang bạch nhất sinh tâm”.

(Xin xem dịch nôm ở phần trên).

Trên các câu đối tại am thờ công chúa Mỵ Châu đâu thấy thái độ qui kết tội lỗi nào cho người phụ nữ không may mắn này? Không biết từ bao giờ, nhưng khi đã lập am thờ Công Chúa bất hạnh người dân ta thấu tõ nên thường đến tiếc thương, cúng bái hoa quả nhang đèn trang trọng!

Chúng ta thử suy nghĩ lại việc mất thành Cổ Loa có phải là từ các nguyên do sau đây:

- Gián điệp ngoại bang đang nằm ngay trong trung tâm quyền lực (Phò mã, bên cạnh vua). Nắm hết kế hoạch phòng thủ, điều nghiên về vũ khí và thực lực quân đội.
- Triều đình đã bị ngoại bang thao túng, quan tứ trụ đại thần cũng bị giặc mua chuộc: “Vua nghe lời dèm pha của vài Lạc Hầu do “lòng ganh tị và bị mua chuộc của Triệu Đà” bạc đãi tướng Cao Lỗ để vị tướng có tài thao lược trụ cột trong quân đội phải về quê qui ẩn (giặc loại bỏ được cái gai lợi hại trước mắt)!
- Tổ chức quốc phòng lỏng lẻo, để mất Nỏ Thần nằm ngay trong bộ phận chỉ huy tối cao (ngày nay là Bộ Quốc phòng, bộ Tổng Tư lịnh Quân đội, Quân ủy Trung ương).
- Tinh thần ỷ lại của cấp lãnh đạo thiếu sự phòng bị chu đáo, khi giặc đến sát kinh thành mà vẫn ung dung uống rượu đinh ninh có trong tay Nỏ Thần huyền thoại!

Một nhà nước chỉ chừng ấy sai phạm, yếu kém như thế thì việc mất nước không thể đổ lỗi cho ai, tệ hại là qui trách nhiệm cho một người phụ nữ (theo sách vỡ củ).
Kể từ khi thành Cổ Loa thất thủ nước Âu Lạc bị diệt vong năm 179 trước CN. Dân tộc Việt đắm chìm trong gần “ngàn năm đô hộ giặc Tàu”, với chính sách cai trị tàn bạo của quân Tàu người dân nô lệ khốn khổ phải thỏa mãn lòng tham vô bờ bến của kẻ ngoại bang cầm quyền luôn bắt dân ta phải xuống biển mò trai lấy ngọc, ngậm ngải lên rừng tìm trầm, săn sừng tê giác cung phụng cho họ. Giặc Tàu áp dụng chính sách đồng hóa hủy hoại văn hóa bản địa biến đất Việt trở thành quận huyện của họ. Nhưng người dân ta có truyền thống quật cường liên tục có những cuộc khởi nghĩa chống lại quân Tàu, tuy nhiên mãi đến năm 938 vua Ngô Quyền với chiến thắng trận Bạch Đằng giang mới đem lại nền độc lập lâu bền cho dân tộc Việt.

Giặc phương Bắc từ xa xưa luôn là mối đe dọa thôn tính nước ta, đồng hoá dân tộc ta, điều đó hiển nhiên trong dòng lịch sử Việt là ngàn năm chống quân Tàu xâm lược. Trên cổng vào đền thờ vua Đinh tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) với 4 chữ đại tự hết sức đặc biệt. Đó là: “Bắc môn tỏa thược” – “北 門 鎖 鑰”. Có nghĩa là “Khóa chặt cửa Bắc”, người Việt phải luôn gìn giử cẩn mật với Bắc Phương.

 Và lời Di Chúc của Đức Vua Trần Nhân Tông về hiểm họa giặc Tàu (1258-1309):

Các ngươi phải nhớ lời ta dặn không để mất một tấc đất của tiền nhân để lại. Hãy đề phòng quân Đại Hán Trung Hoa. Lời nhắn nhủ cũng là lời di chúc cho muôn đời con cháu nước ta”!

Bài học lịch sử Thành Cổ Loa là bài học thương đau, đẩm máu của dân tộc, là thế hệ con cháu chúng ta phải luôn ghi nhớ lời tâm huyết của người xưa!

CoLoa23 LHU

Trên cổng vào đền thờ vua Đinh tại Hoa Lư (Ninh Bình) với 4 chữ đại

Mặc dù chúng tôi biết rằng đi tham quan thành Cổ Loa là một di tích lịch sử quan trọng rộng lớn, nhưng khi đến nơi mới biết nơi đây có rất nhiều điểm để khảo sát tìm hiểu, chiếm thời gian nửa ngày như dự trù là không thể tường tận hết. Đành phải tiết giảm một số địa điểm, chỉ đến những nơi quan trọng.

Thời gian khá eo hẹp, theo lịch trình dự trù buổi chiều còn đi tham quan di tích đền Hai Bà Trưng và Gò Đống Đa, sau cùng chúng tôi có cái hẹn vào 5 giờ chiều bên bờ Hồ Tây.

Chuyến tham quan di tích thành Cổ Loa kết quả tương đối khả quan, nhờ có hai cô con gái Ngọc Ruby và Ngọc Bích đi theo Ba làm phụ tá đắc lực, giúp đở rất nhiều trong việc sắp xếp lịch trình tham quan, ghi hình và sưu tầm tài liệu để chuyến đi được mỹ mãn. Đồng thời cũng xin cảm ơn sự trao đổi góp ý của cô Diep Hoang, quê Nội gần thành Cổ Loa, huyện Đông Anh Hà Nội.

Lê Hữu Uy