"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Đi Lên Sơn Tây, Miền Trung Du Việt Bắc

(Phóng sự bằng hình – Feb 2024)

Đang cùng cô con gái Út Ngọc Ruby uống tách trà quạu độc đáo mà tác giả tìm thấy trong chuyến ra bắc mùa thu năm (2022). Hương vị của trà đưa ba của cô lơ mơ nghĩ về chuyến đi đã qua tham quan thắng cảnh và di tích lịch sử ngàn năm ở thủ đô, tuy nhiên cảm thấy còn có cái gì đó thiếu thiếu. Nó tiềm ẩn trong tâm tư về hình ảnh Miền Bắc qua mấy bài thơ học thuộc lòng từ hồi còn học tiểu học nào là cổng làng, đình làng, con đê, giếng nước, v.v… Chợt nhớ bài thơ Cổng Làng, ba nó hỏi cô con gái Út:

- Con biết bài thơ Cổng Làng hồi xưa không?
- Bài đó là sao ba, con có biết nhưng mà bây giờ quên mất rồi.
- Hồi nhỏ ba có học thuộc lòng bài thơ “Cổng Làng”, bài thơ thuở ấy khi chia đôi đất nước (1954) có nhiều người miền Bắc di cư vào Nam trong số đó không ít là nhà văn, nhà thơ, họ viết sách, làm thơ về quê xưa trong đó có bài Cổng Làng. Ba rất thích bài thơ này mơ nghĩ về miền đất khai nguyên xa xôi và mong sẽ được một lần đến đây, nhưng rồi đất nước bị lôi cuốn vào khói lửa triền miên sau đó thì ba ra đi. Năm rồi mình đi Hà Nội chỉ tham quan di tích lịch sử và thắng cảnh thôi, chưa tận mắt thấy cổng làng, cây đa, bến nước!

Chiều hôm đón mát cổng làng,
Gió hiu hiu đẩy mây vàng êm trôi
Đồng quê vờn lượn chân trời,
Đường quê quanh quất bao người về thôn.

(…) Ngày nay dù ở nơi xa,
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng;
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng,
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.

(Bài thơ Cổng Làng của nhà thơ Bàng Bá Lân)

Cô Út dịu dàng ngồi xuống khoát tay ba nhỏ nhẹ:

- Ba của con nhớ dai thật á, cũng hơn 60 mươi năm rồi. Vậy kỳ này mình đi Hà Nội chuyến nữa, đi ra ngoại thành có cổng làng hay vùng Trung du cũng có nhiều di tích lịch sử như Sơn Tây nghe ba? Tuần tới chị Ngọc Bích được trường Singapore School Cần Thơ cho nghỉ phép một tuần theo học kỳ không có đi dạy, rủ chị đi luôn chắc vui lắm á ba.
- Vậy hả? Được đó, kêu cô giáo Ngọc Bích này sắp xếp đi với mình, con hỏi Ngọc Bích nếu đi được thì đặt vé máy bay ngay cho nó luôn.
- Yes Sir! (Hihi).

A- DI TÍCH LỊCH SỬ LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM

Sáng ngày thứ hai ở Hà Nội sau khi điểm tâm tại quán phở Lý Quốc Sư, Ba và hai cô con gái nhà tui lên đường đi Sơn Tây trước đây là tỉnh nay sáp nhập vào thành phố Hà Nội trở thành thị xã, cách trung tâm thủ đô khoảng 45 km.

1- Làng cổ Đường Lâm

SonTayCongLang1 LHU

Hình 1: Cổng làng Đường Lâm

Đến Sơn Tây đầu tiên là viếng làng Đường Lâm, là ngôi làng cổ xưa nhất có đến 956 ngôi nhà truyền thống từ hàng mấy trăm năm trước, cổng làng được xây dựng vào năm 1833 bên cạnh cây đa hơn 300 năm tuổi. Làng còn giữ được nét cổ xưa tiêu biểu của Miền Bắc.

Ngày trước Đường Lâm gọi là làng Mông Phụ, ngày nay Đường Lâm là tên bao gồm của 5 làng Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp và Cam Lâm liền kề nhau. Những làng này tuy khác nhau nhưng đều có những tập quán, phong tục và tín ngưỡng hàng mấy trăm năm nay vẫn giữ nguyên như vậy.

Đến Đường Lâm, vừa qua cổng làng xe phải dừng vào bãi đậu, tất cả loại xe hơi, xe gắn máy đều không được vào làng, riêng xe đạp điện thì được. Khu vực này khá rộng đường kính khoảng 7-8 km nếu muốn đi tham quan khắp nơi có dịch vụ xe đưa đón chạy điện, hoặc thuê xe đạp.

2- Đình làng Mông Phụ

Kế đến đi viếng đình làng Mông Phụ, ngôi đình được xây dựng từ năm 1684, bên trong đình vẫn còn lưu giữ rất nhiều các bức hoành phi, câu đối cổ đã có niên đại hàng trăm năm. Thờ Thần Tản Viên là Sơn Thần trong truyền thuyết Sơn Tinh-Thủy Tinh. Theo truyền thuyết thần Tản Viên là rể của vua Hùng Vương thứ 18, là người dân tộc Mường gốc gác ở vùng Thanh Sơn, Phú Thọ. Theo kiểm tra dân số năm 2019, các tỉnh trong vùng núi Ba Vì có 57% người Mường sinh sống, riêng tại Sơn Tây và ngoại thành Hà Nội có gần 5% dân Mường trong tổng số cả nước có khoảng 1 triệu 400 ngàn người.

3- Đình Tổng

Ngôi đình Tổng thờ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, tiền hiền và hậu hiền. Ngôi đình còn mới có lẽ được xây cất sau này.

4- Lăng vua Ngô Quyền

SonTayLangNgoQuyen2 LHU

Hình 2: Lăng vua Ngô Quyền ở làng cổ Đường Lâm.

Vua Ngô Quyền (898-944), người làng Đường Lâm, Sơn Tây. Sau chiến thắng trận Bạch Đằng giang năm 938, quân Nam Hán vỡ mộng xâm lăng nước ta. Trận chiến thắng oanh liệt này chấm dứt gần 1000 năm dân ta bị nô lệ quân Tàu. Từ đó khởi đầu thời kỳ tự chủ lâu dài.

Di tích rặng 18 cây ruối cổ thụ ngàn năm, tương truyền là nơi buộc voi và ngựa chiến của vua Ngô Quyền, phía cuối rặng cây là con suối nơi để tắm voi và ngựa.

Trái ruối bé nhỏ xinh xinh, ngọt ngào là tuổi thơ yêu thích của trẻ con ở miền Trung du.

5- Đền thờ vua Phùng Hưng

Đền thờ vua Phùng Hưng cách đền thờ vua Ngô Quyền khoảng 500 m. Thời nhà Đường quan phủ Tống Bình (Hà Nội ngày nay) là Cao Chính Bình cai trị dân ta tàn ác, Ông cùng nghĩa quân đứng lên đánh dẹp, lên ngôi Vua trị vì từ năm 791-802, nhà vua được thần dân thương yêu gọi Ông là Bố Cái Đại Vương.

6- Chùa Mía

Chùa Mía cổ xưa còn gọi là Sùng Nghiêm Tự xây cất từ lâu đời, đến năm 1632 được trùng tu. Nơi thờ “Bà Chúa Mía”, là cung phi của chúa Trịnh Tráng tên Nguyễn Thị Ngọc Dung. Ngôi chùa còn lưu trử 287 pho tượng chạm khắc sắc xảo tinh vi có gía trị cao, làm từ nhiều chất liệu khác nhau trong đó có 174 pho tượng đất, 6 pho tượng đồng và 1 ngôi bảo tháp thờ ngọc xá lợi. Chùa Mía là điểm tham quan quan trọng khi du khách đến viếng làng cổ Đường Lâm.

B- THÀNH CỔ SƠN TÂY

Thành cổ Sơn Tây xây dựng từ đời vua Minh Mạng, là một công trình quân sự kiến trúc theo kiểu Vauban từ năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822).

SonTayCongThanh3 LHU

Hình 3:  Cổng thành cổ Sơn Tây với rễ cây cổ thụ bao phủ.

Là một thành trong tứ trấn bảo vệ 4 hướng thành Thăng Long: Thành Kinh Bắc (Bắc Ninh ngày nay), phía đông có thành Hải Dương, phía nam có thành Sơn Nam (Nam Định) và phía tây có thành Sơn Tây.

C- VĂN HÓA VÀ ĐỜI SỐNG

1- Văn hóa ẫm thực

Đến mỗi nơi chúng tôi thường chọn những thức ăn “vùng miền”, đây là những món đặc trưng trên mâm cơm của người Sơn Tây: Thịt heo quay đòn (thịt heo ướp nhiều thứ gia vị, cuốn tròn bó lại rồi quay trong lu trong nhiều giờ nên còn gọi là thịt quay lu); gà mía luộc hoặc hấp lá chanh; canh rau mồng tơi+ mướp nấu với riêu cua đồng; dưa cà, dưa chua củ cải trắng và củ cải đỏ, ăn với cơm trắng.

Nếu là mâm cổ thì còn thêm món bánh tẻ, chả giò, sườn heo hầm, cá rô kho, miến So, ăn cùng xôi nếp đỗ (đậu), cơm lam (nơi của người dân tộc Mường), v.v…

Tại Đường Lâm, du khách muốn ăn cơm phải đặt trước với các quán ăn, nếu đến không hẹn trước phải chờ đợi khá lâu thường từ 30 phút trở lên.

Vài món ăn phổ thông của người miền Trung du như bánh sắn được làm bằng bột sắn (khoai mì) nhân thịt heo bầm nhỏ, nấm tai mèo, được gói trong tấm lá chuối. Tương tự, loại bánh gai được làm từ bột nếp, thịt heo, đậu xanh, vừng tươi. Gói trong tấm lá gai hấp chín tạo nên một hương vị rất riêng của Đường Lâm.

Ngoài ra còn có hai món làm nên “thương hiệu” là trứng gà mía (gà “Tiến Vua”) luộc và trà pha với nước “giếng tiên” cho nước trà thanh thao không thể tìm thấy ở đâu.

Một vài món bánh kẹo ở Đường Lâm như món Chè Lam một loại kẹo được làm từ bột nếp, đậu phộng, mạch nha, gừng tươi, một đặc sản địa phương không thể thiếu trong ngày đầu năm, bên cạnh đó còn có món cốm nếp mạch nha.

2- Nông nghiệp địa phương

SonTayBap4 LHU

Hình 4: Cây bắp trồng theo phương cách luân canh

Ngành nông nghiệp Sơn Tây không phát triển, đất đai có nơi thuộc loại bán sơn địa không thể trồng lúa nước, để thích hợp với thổ nhưỡng người dân địa phương họ làm rẫy với các loại hoa màu như bắp, sắn (khoai mì), khoai lang, mía, đậu phộng, đậu xanh và vài loại rau củ khác.

Hiện nay, để phát triển chính quyền địa phương đang khuyến khích, hỗ trợ vốn vay và kỷ thuật trồng trọt tân tiến chuyên canh như nông trại trồng dưa lưới, hoa màu phụ. Chung quanh những đồi thấp thiếu màu mỡ phát triển ngành công nghiệp nuôi bò sữa khá thành công hiện có vài trang trại có các đàn bò từ vài trăm đến hàng ngàn con. Hoặc trại chăn nuôi gà Mía (gà Tiến Vua) qui mô đến hàng ngàn con, nhằm gìn giữ giống gà quí và có đủ để cung cấp cho các nhà hàng đặc sản khắp vùng.

3- Văn hóa nghệ thuật: Hát Xoan và Lễ hội

* Hát Xoan:

Vùng đất Sơn Tây còn gọi là xứ Đoài là quê hương của bộ môn hát Xoan, được UNESCO tuyên dương là văn hóa phi vật thể của thế giới. Hát Xoan thường trình diễn trong dịp lễ hội vua Hùng, hay các buổi lễ tại đình chùa tôn nghiêm. Phần trình diễn của “Phường Xoan” là nhóm người của mỗi làng, bao gồm các phần biểu diễn dân ca, múa, thơ, nhạc, hát đối đáp vừa thể hiện chân thành của tình yêu lứa đôi. Nhạc cụ khá đơn giản gồm trống con, trống cái (trống lớn), phách, quạt.

* Lễ hội làng cổ Đường Lâm:

Sơn Tây có nhiều di tích lịch sử đền chùa ngàn năm nên mỗi năm có nhiều lễ hội tưng bừng. Mùa lễ hội tổ chức vào tháng giêng âm lịch. Lễ hội Truyền Thống làng Mông Phụ từ ngày mùng 04 đến mùng 10 tháng giêng là buổi lễ linh thiêng và long trọng nhất. Nghi thức tế Thành Hoàng tại đây gồm rước kiệu, dâng lợn, dâng gà, … Cùng các trò chơi dân gian như cờ người, cờ tướng, chọi gà (đá gà), bịt mắt bắt vịt, v.v… Đến ngày 16 tháng giêng thôn Đông Sàng có tổ chức lễ cầu cho Quốc thái Dân an, được mùa, với lễ rước nước và Tế lễ. Đoàn rước nước từ đình làng đến bờ sông Hồng với múa rồng, múa lân tiếng trống rộn ràng, cờ xí rợp bóng.

D- SƠN TÂY ĐỊA LINH NHÂN KIỆT

Sau gần một ngày đi “khám phá” Sơn Tây chúng tôi mới biết rằng đúng là vùng “Địa Linh Nhân Kiệt”. Ngoài hai vì vua ở làng Đường Lâm – “ngôi làng có hai vua” – Vua Phùng Hưng, vì vua được thần dân yêu thương gọi người là Bố cái Đại Vương. Vì vua thứ hai là Ngô Quyền, với chiến thắng Bạch Đằng Giang lẫy lừng đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt hàng ngàn năm nô lệ giặc Tàu.

Bài Hùng Sử ca Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước:

“Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng,
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.
Trên trời cao muôn sắc đua chen bóng ô.
Dưới đáy dòng nước ánh sáng vởn vơ nhấp nhô.
Hàng cây cao soi bóng gió cuốn muôn ngàn lau.
Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao. …”

Tại làng Đường Lâm có ngôi nhà cổ thờ “Thám hoa Giang Văn Minh” Ông được vua Lê Thần Tông cử đi sứ sang Trung Hoa, lúc bấy giờ là nhà Minh (1638). Khi đến triều kiến vua Minh là Hoàng đế Sùng Trinh, nhà vua kiêu ngạo ra câu đối thách thức, sỉ nhục sứ thần Đại Việt (Việt Nam):

"Đồng trụ chí kim đài dĩ lục""
Nghĩa là:
"Đồng trụ đến giờ rêu vẫn mọc."

Ý nhắc đến Mã Viện tiêu diệt Hai Bà Trưng rồi dựng cột đồng khắc mấy chữ “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”.

Sứ thần ta Giang Văn Minh đã không chịu khuất phục, hiên ngang đối lại bằng câu:

"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
Nghĩa là:
“Bạch Đằng thuở trước máu còn loang”

Hàm ý nói rằng với trận chiến trên sông Bạch Đằng máu quân Bắc phương vẫn còn nhuộm đỏ sông Bạch Đằng. Như bị tát nước vào mặt vua Sùng Trinh trước triều đình, nhà vua nổi giận ra lệnh bắt sứ thần nước ta mổ bụng để xem “cái gan dân Nam to lớn bao nhiêu”!

Các nhân vật khác cũng đều quê ở Sơn Tây: Bà Man Thiện (thân mẫu cũng là vị tướng của Hai Bà Trưng), Ông Phùng Khắc Khoan (Lại bộ Thượng Thư), ông Phan Kế Toại (Phó thủ tướng VNDCCH), ông Nguyễn Cao Kỳ (Phó Tổng thống VNCH), …
Về văn hóa có các vị: Trần Thế Pháp (Tác giả sánh Lĩnh Nam Chích Quái), Tản Đà (nhà văn, thơ, biên kịch), Quang Dũng (nhà thơ, nổi tiếng với bài hát “Đôi mắt người Sơn Tây” gồm hai bài thơ Tây Tiến và Đôi Bờ).

* Bài hát Đôi mắt người Sơn Tây,

“… Đôi mắt Người Sơn Tây
U uẩn chiều luân lạc
Buồn viễn xứ khôn khuây,
Buồn viễn xứ khôn khuây
(…)
Em vì chinh chiến thiếu quê hương
Sài Sơn, Bương Cấn mãi u buồn
Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em có bao giờ, Em có bao giờ, Em thương nhớ thương”.

(Thơ Quang Dũng, Phạm đình Chương phổ nhạc)

Về âm nhạc chắc ai cũng từng nghe qua tiếng hát của hai ca sĩ Duy Trác và Phú Quang. Ngày nay thì có nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, kiêm MC cho chương trình Paris by Night mấy chục năm ai cũng biết. Vâng, hai ca sĩ đó và nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn đều cùng quê ở Sơn Tây.

Nhà văn+ thơ nữ Nguyên Nhung quê ngoại ở Sơn Tây, thuở bé chị ở tại đây là người bạn đồng môn của tác giả. Khi Gs. Phạm Khắc Trí dịch bài thơ Xuân Hành của Gỉa Đảo (779-843), trong tâm trạng lưu vong canh cánh nhớ quê nhà chị có họa lại bài thơ này sau đó tác giả họa lại bài họa của nhà thơ Nguyên Nhung:

* Bài thơ Ra đi, của Nguyên Nhung:

RA ĐI

Một lần đi, biết bao giờ trở lại
Bụi đường in dấu ngựa mịt mù xa
Chiều dần buôn từng chiều sầu lữ thứ
Mà quanh ta là sương phủ nhạt nhòa
Dừng chân mõi, quán chiều soi bóng nước
Có mảnh tình ai tựa cánh hoa trôi
Quê nhà ơi! Giờ đây xa vời vợi
Gió thở dài trong dáng liểu chơi vơi!

* Bài họa lại, của tác giả bài viết:

NGƯỜI VỀ

Một lần đi, ước hẹn ngày trở lại
Mà người về đầu bạc sóng trùng dương
Mặt phù sa, mịt mờ chiều sương lạnh
Dáng xuân về u uẩn khách tha hương
Bên quán khuya, trăng tà soi bóng nước
Hoa lục bình trôi nổi mảng tình ai
Dòng sông ơi! Chứa chan sầu hiu quạnh
Buồn đong đưa cành thủy liễu chơi vơi!

LHU

• VoViNam- Việt Võ Đạo:

Một vị khả kính nữa quê ở Sơn Tây, mang hoài bảo phát huy nền võ học dân Việt và xây dựng tinh thần võ đạo cho tuổi trẻ Việt Nam: Cố võ sư Nguyễn Lộc, sáng tổ môn phái VoViNam - Việt Võ Đạo.

Có lẽ còn nhiều danh nhân, kỳ tài khác mà với kiến thức hạn hẹp của tác giả chưa biết mong được quý đọc giả bổ túc thêm.

***

Đi du lịch người ta thường tham quan thắng cảnh, thưởng thức các món đặc sản và nhất là để nghĩ dưỡng. Riêng 3 bố con nhà tui lại khác, đến xứ Đoài đúng ra là một chuyến đi khảo sát thực tế nên lịch trình tham quan dầy đặc thiếu thời gian nghĩ ngơi.

* Ngoài việc đến tham quan các di tích lịch sử đền miếu, đình làng, tác giả còn về nông thôn để tìm hiểu thêm về đời sống người dân quê cũng như kinh tế nông nghiệp ở vùng bán sơn địa miền Trung du. Ở đâu bao giờ cũng vậy, miền quê người dân vẫn còn khó khăn mặc dù đất nước đổi mới đã gần 3 thập kỷ rồi!

SonTayXuongTraCo5 LHU

Hình 5: Ba bố con nhà tui chụp tấm hình kỷ niệm khi ghé thăm xưởng làm chè lam truyền thống Hùng Thảo.

* Đến viếng những ngôi nhà có từ hàng trăm năm là cách tốt nhất để tìm hiểu phần nào về nếp sinh hoạt của người dân làng Đường Lâm, biểu hiện đời sống của người Miền Bắc xưa. Ở đó, để tạo ấn tượng đẹp đối với du khách tại những ngôi nhà cổ cho vào tham quan hay các tiệm quán mọi người đều với y phục gần như nguyên vẹn nếp sống xưa, cũng như cùng với cổng làng, giếng làng, nhà cửa, đình miếu còn giử được nét mỹ thuật kiến trúc từ thời Lý, Trần.

Mặc dù mệt nhoài, nhưng “phái đoàn nhà vườn Nam Bộ” chúng tôi rất hài lòng chuyến đi. Trên đường từ Sơn Tây trở về Hà Nội, cô con gái nói với ba:

- Ba, ba có chú ý lúc mình vào viếng nhà cổ hay ở các quán không? mọi người ăn mặc theo kiểu hồi xưa thấy cũng ngộ ngộ hén ba.

Rồi như nghĩ đến bài hát “Hương đồng cỏ nội” từ bài thơ “Chân Quê” của Nguyễn Bính, do Song Ngọc phổ nhạc có nói đến nét đẹp trong văn hóa đặc trưng của người Miền Bắc, cô duyên dáng nhí nhảnh hát nho nhỏ:

Hôm qua em đi tỉnh về,
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.
Khăn nhung, quần lĩnh rộn ràng.
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!
Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen? …” Hihi!

(Thơ Nguyễn Bính, 1936)

- Bài thơ này hay lắm, cũng đã được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành bài hát cùng tên “Chân Quê” nữa đó con.

Rồi ba của cô nhìn qua kiếng xe cảnh thôn Đoài lần lượt lướt qua chạy ngược về vùng ký ức xa xôi, chợt nhớ đến bài thơ Tương Tư cũng của Nguyễn Bính có nhắc đến xứ Đoài, trong lúc tâm trạng hứng thú cởi mở tác giả đọc nho nhỏ một đoạn trong bài thơ:

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng. …”

Hai cô con gái nghe ba nó xuất thần đọc bài thơ tả tình các cô im lặng nháy mắt nhau, nhìn người ba văn thơ của chúng nó rồi cười tủm tỉm. Chuyến đi Sơn Tây đã giúp cho tác giả cùng hai cô con gái mở mang thêm kiến thức về một góc trời “Miền Bắc Khai Nguyên”, và cũng là một kỷ niệm đáng lưu tình với địa danh Sơn Tây- Miền Trung du Việt Bắc.

Lê Hữu Uy
(Bút ký, bài viết để kỷ niệm chuyến đi Sơn Tây đầy thú vị vào mùa thu 2023)