"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Huế Đẹp Và Thơ

Huế là cố đô, nơi nhà Nguyễn trị vì qua 13 đời vua từ năm 1802 đến năm 1945, nhiều công trình để lại đồ sộ nguy nga, chạm trổ tinh vi. Huế được cơ quan UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Là nguồn cảm hứng cho bao sáng tác thi ca và âm nhạc, thu hút không ít du khách khắp nơi trên thế giới. Là một du khách hãy một lần đến viếng thăm Huế không thể bỏ qua.

Huế để lại nhiều, rất nhiều bài thơ bài hát ca ngợi đất thần kinh, như tâm tình của người nhạc sĩ tài hoa gởi chút tình về miền sông Hương núi Ngự:

• Nhạc sĩ Minh Kỳ với “Thương về xứ Huế”:

“… Tôi thương nhớ nhiều khi nắng chiều êm dịu
Trên đường về thôn Vỹ vắng đìu hiu
Thông reo Núi Ngự man mác sầu Thiên Mụ
Ai về gửi thương nhớ chốn ngàn thơ …”

Có hàng chục bài hát về Huế đã in sâu vào lòng người, như: Huế đẹp và thơ, Ai ra xứ Huế, Mưa trên phố Huế, Đêm tàn bến Ngự, Tiếng sông Hương, Thương về Cố Đô, Chuyện một chiếc cầu đã gãy, Thương tà áo bay, v,v…

Huế còn một nét đặc trưng nữa trong ngôn ngữ: mô, chi, tề, răng, rứa, v.v… Chỉ hai từ răng rứa thôi như trong bài thơ sau đây hết sức thú vị:

• Rứa Răng

Đời là rứa hay là răng rứa hí
Rứa răng đời không một chút vui tươi.
Thấy răng răng nên đôi lúc mỉm cười.
Câm lặng rồi, rứa răng cứ mời mọc.
Có nói nhiều răng rứa cũng như ri
Mà răng răng, rứa rứa có ích chi
Rứa răng, răng rứa hỡi người đà chán lắm
Có nhiều lúc hỏi răng mà như rứa
Đành trả lời như rứa chứ mần răng.
(Không rõ tác giả)

Bạn là dân Bắc kỳ ngàn năm văn hiến ư? hay là dân Nam kỳ rặc sông nước phù sa nghe hai anh chị Huế đất thần kinh nói chuyện với nhau “mô, chi, tê, răng, rựa” có lẽ bạn nghĩ mình đang gặp hai người nước ngoài. (Hihi!)
Huế là vậy, mời bạn hãy trải nghiệm về cố đô Huế chắc hẳn sẽ cho bạn có ấn tượng sâu sắc để rồi phải mãi luyến lưu.

1- THÀNH NỘI HUẾ

Hue 51 LHU

Cửa Ngọ Môn, hướng chính Nam dàn cho vua ra vào.

Huế ngày xưa được chúa Nguyễn đặt thủ phủ Xứ Đàng Trong, thành Phú Xuân. Đến triều đại Tây Sơn Huế trở thành kinh đô của vua Quang Trung Nguyễn Huệ. Từ khi vua Gia Long lên ngôi (1802), sau gần 200 năm Huế được liên tục xây dựng thêm hàng trăm công trình kiến trúc, ngày nay trở thành một di tích một thắng cảnh vĩ đại trên diện tích hơn 500 ha.

Kinh thành Huế được xây dựng với tổng thể có núi Ngự Bình làm tiền án, hai cồn nhỏ trên sông Hương là Cồn Hến và cồn Dã Viên theo phong thủy là rồng chầu hổ phục bảo vệ kinh thành. Thành Huế được xây dựng theo kiểu thành ở phương Tây, hình gần như vuông mỗi cạnh trên dưới 600 m, chung quanh có hào sâu, tường thành cao 4m. Có 4 cửa ra vào theo 4 hướng, cửa Ngọ Môn hướng chính Nam dành riêng cho vua ra vào.

Cố đô Huế thiết kế theo 3 vòng thành: Ngoài cùng là Hoàng thành, giửa là Đại Nội và vòng thành trong cùng là Tử Cấm Thành, có hơn 100 đền miếu cung cấm. Từ cửa Ngọ Môn thẳng đến điện Thái Hòa, vào trong có các điện Triệu Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu, điện Kiến Trung, điện Phụng Tiên, điện Khâm văn, phủ Nội Vụ, v.v…

Tại điện Thế Miếu vua Minh Mạng cho đúc 9 cái đĩnh đồng gọi là Cửu đĩnh chạm khắc các công trình và danh lam thắng cảnh đất nước đặt trước sân điện. Gồm các đĩnh có tên: 1, Nhân, 2, Chương, 3- Anh, 4- Nghị, 5- Thuần, 6- Tuyên, 7-Dụ (Dụ đĩnh chạm khắc hình sông Hương, núi Ngự), 8- Huyền. Chính giửa là Cao đĩnh.

2- BẢO TÀNG CỔ VẬT CUNG ĐÌNH HUẾ

Hue 52 LHU

Ấn kiếm của vua Khải Định chưng bày bên trong nhà bảo tàng

Tham quan nhà Bảo tàng Cổ vật Cung Đình Huế, có nhiều món quí giá từ Ấn kiếm vua Khải Định, ngai vàng, long sàng, áo hoàng triều của Vua và của Hoàng hậu, nhiều đồ dùng, vật dụng bày trí trong cung cấm chạm khắc tinh vi bằng vàng, ngọc và đá quí. Tuy nhiên suốt triều đại nhà Nguyễn từ thời vua Gia Long đã hơn 140 năm mà chỉ bấy nhiêu hiện vật trong ngôi nhà bảo tàng rộng lớn làm cho những ai có quan tâm đến vấn đề “Bảo vật Quốc gia” thì không khỏi xót xa!

Mới đây Feb 13, 2024, báo chí đưa tin Chiếc ấn vàng của vua Minh Mạng với giá $6,1 triệu Euro (hơn 153 tỷ $ VNĐ), được đại gia địa ốc Bắc Ninh Nguyễn Thế Hồng sở hữu trong cuộc bán đấu giá tại hảng Millon (Paris, Pháp). Chiếc ấn bằng vàng ròng trọng lượng 10,78 kg bên trên có khắc chữ “Hoàng Đế Chi Bảo”.

Cũng tại hảng đấu giá Millon tại Pháp bán đấu giá chiếc bát vàng (chén vàng) chạm trổ hình rồng tinh vi, dưới đáy có chạm nổi chữ “Khải Định niên tạo” trong phiên đấu giá ngày Oct 31, 2023.

Bát ngọc của vua Tự Đức, nhà đấu giá Gaxette Drouot cho biết bán được với giá 845.000 Euro (tương đương 21 tỷ tiền VNĐ). Chiếc bát bằng ngọc bích chạm rồng tinh vi miệng bát viềng vàng ròng, phần đáy có dấu chữ “Tự Đức niên tạo”.

Ngoài ra theo nguồn tin báo chí ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết có nhận được thông tin các cổ vật sẽ được niêm yết trong các phiên đấu giá sắp tới như: Kiếm báu của vua Hàm Nghi, Kim bài và Ngọc khánh của vua Khải Định, Bội ngọc của Hoàng hậu Nam Phương, v.v…

- Ôi trời, thảo nào!

3- CHÙA THIÊN MỤ

Hue 53 LHU

Tháp chùa Thiên Mụ.

Chùa Thiên Mụ in bóng bên dòng Hương giang lững lờ, trầm mặc buông tiếng chuông ngân xa tĩnh mịch theo bóng chiều dần xuống êm đềm nên thơ:

“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Thuyền về xuôi mái sông Hương,
Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay”.
(Khuyết Danh)

Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa khá đẹp và nổi tiếng nhất, là điểm check-in không thể thiếu khi mọi người đến Cố Đô. Quần thể chùa Thiên Mụ gồm khoảng 10 kiến trúc cổ kính xinh đẹp. Huế có nhiều ngôi chùa hàng trăm năm khác như chùa Từ Đàm, Huyền không Sơn Thượng, Huyền không Sơn Trung, và nhà thờ Phú Cam, v.v…

4- CẦU TRƯỜNG TIỀN VÀ SÔNG HƯƠNG NÚI NGỰ

Hue 54 LHU

Cầu Trường Tiền sáu vai 12 nghịp

Cầu Trường Tiền và sông Hương núi Ngự là biểu tượng của Huế mộng Huế mơ là nguồn cảm hứng cho bao nhiêu thi nhân, nhạc sĩ.

Tiếng Sông Hương - của nhạc sĩ Phạm Đình Chương

“Miền Trung vọng tiệng,
em xinh em bé tên là Hương giang,
đêm đêm khua ạnh trăng vàng mà than.
Hò ơi, phiên Đông Ba buồn quạ cửa chợ,
bến Vân Lâu thuyền vó đơm sâu.
Hỡi hò, hỡi hò.

Quê hương em nghèo lặm ai ơi,
mùa đông thiếu ạo hè thì thiếu ăn.
Trời rằng,
trời hành cơn lụt mội năm à ơi,
khiến đau thương thấm tràn,
lấp Thuận An để lan biển khơi,
ơi hò ơi hò …”

(Xin được ghi lại bài thơ theo cách phát âm địa phương).

Huế cũng như bao miền đất nước khác trãi qua cơn khói lửa điêu linh. Tết Mậu Thân (1968) là ngày thương đau của không biết bao nhiêu người con dân xứ Huế, niềm cảm xúc đó qua:

• “Chuyện một chiếc cầu đã gãy” của nhạc sĩ Duy Khánh:

“Ngày ngày cầu đã đưa em qua nhóm chợ khuya
Cầu đã đưa anh qua xới ruộng nâu
Giờ êm ái quen nghe tiếng hò Ngự Bình
Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh như lòng người dân lành (…)

Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu
Mối thù chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu rửa hờn cho nhau!”

• Bài hát “Thương tà áo bay” thơ phổ nhạc của nhạc sĩ Thông Đạt:

"Trường Tiền thiếu nhịp cầu xinh
Sông Hương rũ bóng, chiều im lắng buồn

Ngọ Môn cổ kính rêu phong
Súng đồng (mà) hai dãy thần công thở dài
Đường vô Đại Nội hôm nay, mang nhiều chứng tích
những ngày... tang thương."

Đôi khi người con trai xứ Huế cũng có óc hài hước dễ thương qua bài thơ sau đây:

Đến Huế anh sẽ làm vua
Em làm ái thiếp cho vừa một đôi
Thuyền rồng hai đứa dạo chơi
Sông Hương xanh biếc núi đồi thông reo.
Hoàng hôn buông tím miền yêu
Vua quên cả buổi thiết triều hôm nay
Tiếng chuông Thiên Mụ đâu đây
Giật mình tỉnh mộng gió lay mạn thuyền.

(Bài thơ Trên dòng sông Hương – Doãn Kim Oanh)

5- HUẾ ĐẸP HUẾ THƠ

Hue 55 LHU

Thuyền Rồng đưa du khách trên sông Hương.

Ngoài ra còn hàng trăm bài thơ về Huế, hàng chục bài hát khác về Huế mà một thuở đã chinh phục trái tim người dân Miền Nam như bài hát “Ai ra xứ Huế”:

“Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn thương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về
Người tình quê ơi người tình quê
Thương nhớ lắm duyên
(…)
Bến Vân Lâu còn sâu thương nhớ
Thuyền Bến Ngự còn đợi khách về
Người tình quê ơi người tình quê, có nhớ xin trở về
Người tình quê ơi người tình quê, có nhớ xin trở về ...”

(Bài hát Ai Ra Xứ Huế của nhạc sĩ Duy Khánh)

Là một du khách có lần đến Huế không khỏi xao xuyến trước sự dịu dàng khả ái của cô gái Huế, rồi từ giọng nói ngọt ngào với phương ngữ không khỏi làm bạn phải ngẫn ngơ. Thí dụ như bài thơ “O”:

• Bài thơ O

Đi mô mà vội rứa tề, O?
Xin hãy dừng chân, noái nhỏ to.
Chắc nhớ lời ba, nên hoảng sợ,
Sẽ xin phép mạ, ấy đừng lo.
Không làm chuyện nớ, sao hồi hộp?
Còn ngại điều ni, mãi đắn đo?
Chưa noái một lời, O đỏ mặt,
Hay là dị quá… nói vòng vo?
(Chánh Minh Nguyễn Văn Minh)

Và niềm khắc khoải nhớ nhung của người con xứ Huế khi phải lưu lạc nơi phương trời xa nhưng lòng luôn trĩu nặng nhớ về quê củ từ những ngày “đổi đời” dù đã qua bao năm tháng dài vẫn chưa phai nhạt:

“Huế đẹp Huế thơ ơi
Huế mộng Huế mơ
Hỏi rằng khi mô chớ chừ mần răng mà có Huế đẹp Huế thơ ơi!

(Nhạc)
Huế mộng Huế mơ
Trường Tiền nghiêng nghiêng
tiếng dép Trị Thiên nghe não nuột đêm trường,
Tiếng ai sầu thương ôi xót xa bên dòng Hương,
Chừ xa rồi Huế đẹp của mình ơi …!”
(Bài hát “Huế đẹp Huế thơ” của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết).

6- HUẾ CÒN MÃI TRONG TÔI

Đến Huế tham quan vẻ đẹp cổ kính với những thành quách, lăng tẫm, đền chùa, v.v… Huế còn có dòng sông Hương thơ mộng từng níu chân người lữ khách. Sông Hương và núi Ngự là linh hồn của Huế, là niềm tự hào của người dân xứ Huế. Làm sao không nhớ đến thuyền rồng trên dòng Hương giang nghe nhã nhạc? thả đèn trên sông đêm hoa đăng? cầu Trường Tiền với dàn đèn Led tô điểm thêm sắc màu rực rỡ cho dòng sông yêu thương nơi đất thần kinh.

Những ai đến Huế cũng đừng quên món Bún bò Huế, bánh Nậm, giò Tré, v.v… Hay cơm Hến tại Cầu Đá, thôn Vỹ Dạ và món canh chua cá Kình. (Cá kình là loại cá nước lợ, vào đầu mùa hè bắt đầu nước mặn xâm nhập đến Kim Long, cá kình ngược dòng để sinh sản từ đó người dân Huế có món canh chua cá kình). Hoặc món canh chua cá ngạnh nấu măng giang đã từng đi vào thi ca:

“Măng giang nấu cá ngạnh nguồn,
Đến đây nên phải bán buồn mua vui!”
(Ca dao)

Khi hoa phượng vỹ bắt đầu đơm bông, tiếng ve sầu rã rích, nắng hè chói chang cùng gió lào khô khốc nóng rát, món canh chua Huế tuyệt vời mát lòng không chê vào đâu được.

Điều ấn tượng nhất cũng là biểu tượng tinh thần Cố Đô, hình ảnh chiếc áo dài có từ thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1744) là chiếc áo dành cho người phụ nữ xứ Đàng Trong (khác với chiếc áo Tứ Thân ở Đàng Ngoài) của mọi tầng lớp và luôn được cải tiến cho đến hôm nay. Dù là tà áo dài trắng hay tím Huế cùng chiếc nón bài thơ của các cô nữ sinh Đồng Khánh và Quốc Học từ xưa đã làm say lòng mấy anh chàng xứ Quảng:

“Học trò xứ Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành” ...
(Ca dao)

Đôi khi đã đi xa Huế, giờ trở về tìm lại hình bóng xưa chỉ làm chạnh lòng ai kia:

"Tôi về xứ Huế mưa sa
Em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
Tôi về xứ Huế chiều mưa
Em ơi áo trắng bây giờ ở đâu ...”
(Không rõ tác giả)

Hình ảnh “xứ Huế đẹp yêu kiều” với tà áo dài thướt tha cùng nghiêng nghiêng vành nón bài thơ của người con gái Huế e ấp - Ốt dột chưa tề - lung linh trong gió trên cầu Trường Tiền hay trong Đại Nội: “Em dịu hiền thật tươi màu áo tím, Màu hoa xoang lúng liếng cả trời yêu”. Đã làm ai đó “… ngơ ngẫn lòng lữ khách những chiều xưa”?

- Có phải thế không hỡi người?

Một lần nữa ra Miền Trung riêng đến Huế, trong chuyến đi này của tác giả không may mắn là gặp lúc điện Thái Hoà đang trùng tu nên không vào tham quan được, lại nữa mưa ơi là mưa, mà ai cũng biết mưa Huế thế nào rồi rã rít tỉ tê nên đành phải hủy dự định đi thăm các lăng tẫm như lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Khải Định, v.v… buồn tí xíu, tiếc thật!

- Vậy xin được: “Ai về gởi thương nhớ chốn ngàn thơ”!

Lê Hữu Uy
(Mùa thu 2023).
(Kỷ niệm chuyến đi Miền Trung Nov 2023)