"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Bo Bo

Ai nấy thấy mà thương. Tay cầm thật chặt cuốn sổ lương thực, một tay cầm nón lá quạt cho khô mồ hôi thấm đẫm tấm lưng. Biết bao người ngồi chầu chực ngoài sân mặt tiền đường Trần Quốc Toản. Đông người chờ đợi trông được tới phiên mình được kêu vô. Hàng người dài như rồng rắn. Họ lùi ra sau hè, ngồi dọc theo bên đường hẻm. Tay ai cũng di động không ngừng, quạt... quạt đến xỉu luôn, mới tới phiên mình mua nhu yếu phẩm.

- Chị kia, đứng xếp hàng ngay ngắn. Nếu lộn xộn, ra ngoài chờ. Chờ quơ, chờ mấy tiếng đồng hồ mới vô tới mức này, mà biểu trở ra chờ!

- Chị này, xuất trình sổ lương thực, kèm theo hộ khẩu (như tờ khai gia đình cũ). Ai không có sổ lương thực thì miễn giải quyết. Ghê chưa! Uy quyền của thời đổi ngôi là đây!...

Họ kiểm tra nhà này có bao nhiêu miệng ăn, phát đủ số kg gạo mà thôi. Không ai được xin xỏ thêm chút xíu nào nữa hết, dù chỉ là nửa kí lô.

Nếu hôm nào không có gạo, thì mọi người xếp hàng, chờ cho đổ mồ hôi tắm ướt áo quần. Cuối cùng, họ phát gì cũng phải lấy đem về. Nếu ai không thích, tỏ ra chê khen, chần chờ lắc đầu. Tốt nhất là quay lưng, sẽ mang túi rỗng về. Ối dziời ơi! làm sao có gì để ăn. Mọi người đành ríu rít, khúm núm. Trong dáng vẻ buồn xo, tiu nghỉu mang bo bo về nhà hầm mềm mới nuốt được. Chắc ai cũng đều biết, bo bo cứng lắm... lắm các bạn tôi ơi! Đã không có tiền mua dầu hôi nấu, mà còn phải hầm bo bo… khổ quá trời vậy kìa!

Nếu nấu bo bo giống với thời gian bình thường, như nấu gạo thi… hăng rết cả đám. Làm sao ông già bà cả nhai cho được. Vì bo bo còn cứng ngắt.

***

Chúng ta cùng nhau thả hồn, nhìn về năm tháng trước ngày Sài Gòn cởi bỏ áo cũ. Ai cũng ngơ ngác khoác vào chiếc áo lam lũ toả hương thơm mặn chua. Đó là mùi mồ hôi tuôn chảy dưới cái nắng gắt gay, mà còn phải phơi khô như khô cá sặc. Hoàn cảnh sống hoàn toàn khác với những ngày mặc vào áo mới, dung dăng cùng bạn bè rong chơi.

Đó là, khi trời chạng vạng lên đèn. Các hàng quán bên lề vỉa hè rộn ràng mua bán. Nhất là các xe bán đồ ngọt của các chú Thoòng. Mèn ơi, tuổi trẻ chen chúc, ngồi rợp trời.

Ngộ một điều thú vị. Họ đến đây thường đi chung với bạn bè, vui cười tán gẫu. Chỗ ngồi không quan trọng bằng cuộc đối thoại, tía lia với nhau. Họ không ngồi trên ghế nệm cho êm cái bàn tọa. Ai cũng hồn nhiên, xí xô xí xào, ngồi trên cái ghế xếp thấp lè tè. Cạnh bên là cái mấy cái bàn nhỏ tí nị.

Vậy mà ai cũng tươi cười như hoa. Cái quan trọng là nhâm nhi các loại chè. Nào là chè ba màu, chè mè đen – chí-mà-phủ - ăn thông phổi, chè táo soạn, chè trôi nước… Còn một thứ mà lứa tuổi loai choai thích nhất. Đó là món sâm bổ lượng. Nghe cái tên đã thấy kiêu sa rồi!...

Cũng tại cái chè này thơm ngon mùi hương nhãn nhục. Còn một thứ lạ miệng khác, mà thời còn no cơm ấm áo ít ai nghĩ tới một ngày, mình phải ăn cả kí lô vô bụng. Đó là bo bo. Lúc đó, ai nào có biết, cứ nghĩ bo bo là hạt ngọc trai bạc của ông Giời ban tặng.

Hỡi ôi, sau này không có gạo phát cho dân. Họ toàn phân phối bo bo dzìa nhà. Ngày nào cũng phải nhai… nhai… đến mệt xỉu. Lâu lâu, ông già bà cả trong xóm… móm sọm. Vì sao? Vì ông bà thay nhau hăng rết hết trơn. Tiền đâu mà gắn răng giả.

Thôi đành để ngọn gió hương đồng cỏ nội, lưu thông, bay vào cuống họng. Để đêm đêm nằm mơ màng ngủ, không cần quạt chi cho mỏi tay. Nguyên hàm răng sún hết trơn. Gió khuya ríu rít bên hiên nhà, tha hồ đi rong chơi miền xa xôi phiêu lãng… Chàng gió cứ an nhiên thổi vù vù vào hai lá phổi.

Đây là tuyến đường ngắn nhất, toàn dân nhanh gọn lẹ, tiến lên mục tiêu XHCN - Xếp Hàng Cả Ngày. Không biết các bạn may mắn xa Sài Gòn sớm, có hiểu chữ này không hè?!

Bạch Liên