"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

Lê Lợi

[1385 – 1433]

1.- Quê Quán

Lê Lợi sinh ngày 10-9-1385 (6-8 năm ất Sửu) tại Lam Sơn (Kẻ Cham), nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.

2.-Gia Đình

Ông là con út của Ông Lê Khoáng và  Bà Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trư). Ông nối nghiệp cha làm chúa trại Lam Sơn. Năm Lê Lợi 21 tuổi cũng là năm nhà Minh đem 80 vạn quân sang xâm lược nước Việt. Cuộc kháng chiến chống Minh của vương triều Hồ thất bại.

 Năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn trên đất Thanh Hóa, Lê Lợi cùng với 18 người bạn thân thiết, đồng tâm cứu nước đã làm lễ thề đánh giặc giữ yên quê hương. Đó là hội Thề Lũng Nhai. Lê Lợi dựng cờ nghĩa, tiếng chiêu mộ hiền tài bay xa, thu hút các anh hùng hào kiệt từ bốn phương kéo về như: Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Nguyễn Xí, Lê Lai, Cầm Quý, Xa Khả Tham, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú, Trịnh Vô, Vũ Uy, Lê Liễu và Lê Xa Lôi nối tiếp đến quy phục.

Năm 1418, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương, truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân đứng lên đánh giặc cứu nước.

Tháng 12-1427 cuộc khởi nghĩa toàn thắng. Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế vào ngày 15 tháng 3 năm 1428, sử gọi là Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên triều Hậu Lê. Ông khôi phục quốc hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long thành Đông Kinh (東京) vào năm Thuận Thiên thứ hai (1430). Thái Tổ ở ngôi được 5 năm thì băng hà vào ngày 22 tháng 8 năm 1433, hưởng dương 49 tuổi.

3] Sự Nghiệp

a] Khởi nghĩa Lam Sơn

Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418 Lê Lợi đã cùng những hào kiệt, đồng chí hướng như Phạm Vấn, Lê Văn An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Ngân, Nguyễn Trãi... tất cả 50 tướng văn và tướng võ (trong đó có 18 người đã từng kết nghĩa anh em nguyện cùng chí hướng với nhau ở hội thề Lũng Nhai, năm 1416), chính thức phất cờ khởi nghĩa. Ông tự xưng là Bình Định vương, kêu gọi dân chúng hào trưởng trong vùng tham gia khởi nghĩa, giành lấy chính quyền Đại Việt.

Ngày mồng 9 tháng giêng năm 1418, tướng nhà Minh là Mã Kỳ đem đại quân tới Lam Sơn, Lê Lợi lui quân tới Lạc Thủy đặt quân mai phục để chờ giặc. Mã Kỳ dẫn quân tới ngày 13, vua sai quân mai phục đổ ra đánh, Lê Thạch cùng các tướng Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý... dẫn đầu xông vào trận giặc, chém được hơn 3.000 thủ cấp, thu được hàng ngàn quân tư, khí giới, rồi dời quân đến núi Chí Linh. Ba ngày sau, tên phản bội Ái dẫn quân Minh theo lối tắt đánh úp nghĩa quân. Chúng bắt được vợ, con, gia quyến của Lê Lợi, tinh thần nghĩa quân chán nản bỏ đi, chỉ có Lê Lễ, Lê Vấn, Lê Bí, Lê Xí, Lê Đạp theo Lê Lợi vào ẩn náu ở núi Chí Linh. Nghĩa quân tuyệt lương hơn 2 tháng, quân Minh lui quân, Lê Lợi trở về thu lại được tàn quân hơn 100 người, đắp lũy ở Lam Sơn cố thủ, phủ dụ quân lính, sửa sang khí giới, nghĩa quân Lam Sơn lại mạnh lên.

Lực lượng của Lê Lợi ban đầu ít ỏi, bị quân Minh đánh bại, phải chạy vào Mường Một, sau đó đến Trịnh Cao, giáp biên giới Ai Lao. Sau đó Lê Lợi đóng ở Mường Cốc trong núi Chí Linh, khi hết lương bị quân Minh vây hãm.

Năm 1419, Lê Lợi tận dụng thời cơ quân Minh lui quân, cho tu tạo thành lũy, sửa chữa khí giới, vỗ về quân sĩ.

Tháng 10 năm 1420, quân Minh tiến đánh nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi cho quân mai phục ở bến Bổng, đánh thắng, thu hơn 100 con ngựa. Lê Lợi cho quân nghỉ ở Mường Nanh, sau dời quân đóng ở Mường Thôi.

Tháng 11 năm 1421, tướng nhà Minh là Trần Trí đem hơn 10 vạn quân truy kích nghĩa quân. Lê Lợi chia quân tập kích doanh trại quân Minh vào ban đêm, phá 4 trại, chém hơn 1000 người. Trần Trí không nản, đem quân phá núi, mở đường tiến đánh nghĩa quân, Lê Lợi sai quân phục ở đèo Ống, đánh bại Trần Trí, Trần Trí rút binh.

Do chinh chiến nhiều ngày, tướng sĩ mệt mỏi Lê Lợi chấp thuận hòa hoãn với quân Minh, sai Lê Vận, Lê Trăn đi giảng hòa, quân Minh chấp thuận. Ngày 14, tháng 4, năm Quí Mão (1423), Lê Lợi lui quân về Lam Sơn.

Tháng 9 năm 1423 tiến quân vào Nghệ An. Ngày 20 tháng 9 năm 1424, Lê Lợi chia quân đánh úp thành Đa Căng, chính Lương Nhữ Hốt chạy thoát, nghĩa quân thu nhiều lương thực, khí giới. Sau đó tướng nhà Minh là Hoa Ánh đến cứu, Lê Lợi xua quân đánh tràn, quân Minh thua to, chạy vào Tây Đô.

Tháng 5 năm 1425, Lê Lợi lại sai Đinh Lễ đem quân ra đánh Diễn Châu, quân Minh thua chạy về Tây Đô (Thanh Hoá). Sau đó ông lại điều Lê Sát, Lưu Nhân Chú, và Lý Triện tiếp ứng cho Đinh Lễ đánh ra Tây Đô, quân Minh ra đánh lại bị thua phải rút vào cố thủ trong thành.

Tháng 8 năm 1426, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh Bắc tiến.
Đầu năm 1427, ông chia quân tiến qua sông Nhị, đóng dinh ở Bồ Đề, sai các tướng đánh thành Đông Quan. Ông đặt kỷ luật quân đội rất nghiêm để yên lòng nhân dân. Do đó quân Lam Sơn đi đến các nơi rất được lòng dân.

Cuối năm 1427, vua Minh Tuyên Tông điều viện binh cứu Vương Thông, sai Liễu Thăng mang 10 vạn quân tiến sang từ Quảng Tây; Mộc Thạnh mang 5 vạn quân từ Vân Nam kéo sang. Tướng trấn giữ biên giới là Trần Lựu liên tục giả cách thua chạy từ Ải Nam Quan về Ải Lưu rồi lại lui về Chi Lăng. Ngày 18 tháng 9 âm lịch, Thăng đuổi đến Chi Lăng. Trần Lựu lại thua, Thăng đắc thắng mang 100 quân kị đi trước. Ngày 20, Thăng bị phục binh của Lê Sát, Trần Lựu đổ ra chém chết.

Ngày 10 tháng 12 năm 1427, Lê Lợi cùng các tướng nhà Minh làm hội thề ở cửa Nam thành Đông Đô [Hội thề Đông Quan].

Sau hội thề Đông Quan, ngày 29/12/1427, bại binh của giặc bắt đầu được phép rút quân về nước an toàn, đến ngày 3/1/1428, bóng dáng quân Minh cuối cùng đã bị quét sạch khỏi bờ cõi.

Ngày 15 tháng Tư năm Mậu Thân - 1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Vua tại điện Kính Thiên xưng là "Thuận Thiên thừa vận, Duệ Văn Anh Vũ Đại Vương" đặt tên nước là Đại Việt, đóng đô ở Đông Đô (Hà Nội) đại xá thiên hạ, ban bố "Bình Ngô đại cáo" - đây chính là "Tuyên ngôn độc lập" lần thứ 2 sau Nam Quốc Sơn Hà.

b] Chiến tranh với quân Ai Lao

Quân Ai Lao đem 3 vạn quân, 100 thớt voi thình lình đến doanh trại nghĩa quân Lam Sơn, phao tin là hợp sức cùng nghĩa quân đánh quân Minh. Lê Lợi chấp thuận, quân Ai Lao nửa đêm đánh úp nghĩa quân. Lê Lợi đích thân đốc chiến, đánh tan quân Ai Lao, chém 1 vạn người, bắt 14 con voi, truy kích 4 ngày đêm đến tận sào huyệt quân Ai Lao rồi sẫn quân trở về đóng quân ở Sách Thủy. Tù trưởng Ai Lao là Mãn Sát xin giảng hòa, Lê Lợi cho đó là kế gian, các tướng cố xin hòa, Bình chương Lê Thạch tiến đánh nhưng trúng phải chông ngầm mà chết.

Tháng 2, năm 1422, viên tướng nhà Minh là Lý Bân bệnh mà chết. Tháng 12 năm 1422, quân Minh và quân Ai Lao tiến đánh nghĩa quân ở Trại Quan Da, do bị đánh cả 2 mặt, nghĩa quân nhiều người chết và bị thương. Lê Lợi rút quân về Sách Khôi, 7 ngày sau quân Minh tiến tới. Lê Lĩnh, Phạm Vấn, Lê Hào, Lê Triện xông lên trước, chém tướng nhà Minh là Phùng Quý và hơn 1000 người, bắt được 100 con ngựa. Quân Minh đại bại, Mã Kỳ, Trần Trí thoát thân chạy về Đông Quan, quân Ai Lao tan vỡ.

4] Tác Phẩm:

Hai bài thơ khắc trên núi đá  nêu ý chí bảo vệ sự thống nhất giang sơn:

*Bài thơ thứ nhất được khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ, có tên là Thân chinh Phục Lễ châu Đèo Cát Hãn (Tự mình đi đánh Đèo Cát Hãn ở châu Phục Lễ), viết bằng chữ Hán theo thể ngũ ngôn bát cú.

*Bài thơ thứ hai, bằng chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú, được khắc trên vách núi Hào Tráng (Hòa Bình), có tên là Chinh Đèo Cát Hãn, quá Long Thủy đê (Đi đánh Đèo Cát Hãn trở về, qua đường đê Long Thủy).

5] Tài-Đức

Lê Lợi là người có tầm vóc của một thiên tài, một nhân cách vĩ đại, chỉ thấy ở những lãnh tụ mở đường, khai sáng. Chiến lược gia kiệt xuất. Dựa vào sức mạnh của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội trong một tổ chức chiến đấu, rồi từ cuộc khởi nghĩa ở một địa phương, lấy núi rừng làm căn cứ địa, phát triển sâu rộng thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trên quy mô toàn quốc, biết lấy mềm chống cứng, lấy yếu địch mạnh, lấy ít thắng nhiều, không đánh mà khuất phục được người, cho nên có thể đổi vận bĩ sang vận thái, chuyển thế nguy thành thế yên, đổi cuộc loạn thành cuộc trị. Đây là một cống hiến sáng tạo to lớn về đường lối chiến tranh của Lê Lợi và bộ tham mưu của ông, khôi phục non sông, đem lại thái bình, công đức ban khắp đương thời, cơ nghiệp truyền cho hậu thế.

Tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương; ban hành một số chính sách kèm theo những biện pháp có hiệu quả để khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống xã hội. Lê Lợi cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân tài.

Đa nghi, quên ơn các đại thần đã sát cánh chiến đấu với mình tạo cái chết cho: Trần Nguyên Hãn, Phạm văn Xảo.

Nguyễn Thị Tuyết Đào