"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử

Đọc sách "De père inconnu" của Phạm Ngọc Lân:

Một trường hợp Dr Zhivago của Việt Nam

Gần đây, Chị Ý Linh, người dẫn đầu cho chương trình ["host"] Văn Hoá Việt của Đài Phát thanh Radio Saigon-Houston có ý phỏng vấn tôi về đề tài "Chúng ta có “tự hào” chúng ta là người… gốc Việt hay không?"

15Bhvhien --- dtt1Soạn những câu trả lời cho cuộc nói chuyện ngày 28 tháng 5, 2015, tôi cũng may mắn là vừa đọc xong cuốn "De père inconnu" (L’Harmattan, , 2015, Paris) mà tôi hân hạnh được chính tác giả tự tay ký, như là một một quà đặc biệt của Bác sĩ Nguyễn Sơ Đông đến trân trọng giao tận tay, một món quà quý giá.                        

Thì đúng vậy, đây là một món quà rất quý giá cho Bác sĩ Đông cũng như cho tôi. Bác sĩ Đông, người Gò Công, sinh năm 1939, từng lăn lóc hết bao nhiêu vùng, từ quê lên tỉnh, của miền Nam nước Việt, nhớ vanh vách từng địa danh, từng biến cố xảy ra trên một thế kỷ qua trên quê hương Sài gòn và đồng bằng sông Cửu Long của ông, và là tác giả nhiều bài viết, nhiều chương sách nói về văn hoá và lịch sử của Miền Nam. Ít ai say mê và tha thiết với quê hương và hờ hững với quê mới như Bác sĩ Đông, một người tuy ở vùng Washington DC cả mấy chục năm nay nhưng chỉ đi thăm downtown thủ đô có một lần, và không biết "Tysons Corner" là gì, tuy trung tâm mua bán, làm ăn lớn nhất vùng thủ đô này cách nhà ông chừng mấy chục km.

Nói như thế để hiểu tại sao BS Đông chịu khó liên lạc với Dược sĩ, tác giả Phạm Ngọc Lân từ trời Tây xa xôi (tuy hiện nay Pháp ở về phía đông chúng tôi bên Mỹ) để tặng tôi một cuốn, và còn nhận xét "không biết làm sao mà cái ông Lân này giỏi dữ vậy, vừa viết văn như tây, vừa đờn hát thiệt hay nữa."

 

Đúng như vậy, tôi biết Phạm Ngọc Lân từ lâu, nhưng chỉ "kính nhi viễn chi", từ thời tôi còn là một sinh viên sống trong cư xá Đắc Lộ, ở số 15Bhvhien --- dtt2161 Đường Yên Đổ, gần cầu Trương Minh Giảng (đường Yên Đổ đã thay tên từ 1975 thành Lý Chính Thắng.)

Tôi nói "kính nhi viễn chi" vì hồi đó anh Gaillard Phạm Ngọc Lân là một người cao lớn, đi Vespa, hào hoa, hát giỏi, chơi kèn, trống, thể thao, giao du với giới văn nghệ sĩ nổi tiếng (như anh có kể lại trong cuốn sách) so với một sinh viên "cù lần" như tôi thì khỏi phải nói. Cũng vì lý do đó mà tôi đọc sách của anh thấy rất say mê, rất thích và thú vị. Mấy năm trước, tôi có soạn cuốn sách Anh ngữ "Vietnam History: Stories Retold For A New Generation", nói về những khía cạnh lịch sử, văn hoá của Việt Nam mà trong sách Mỹ thường không đề cập đến, vì họ thường chỉ bàn về chiến tranh Việt nam và xem đất nước chúng ta như bãi chiến trường xưa của họ. Bởi vậy, trang bị với một số kiến thức tự học về sử nước nhà, tôi càng hiểu được và thưởng thức sâu sắc hơn tác phẩm của Phạm Ngọc Lân. Tác giả đã từng học bài bản về sử ở Đại Học Pháp trong nhiều năm để chuẩn bị cho bằng tiến sĩ về sử học (nhưng gián đoạn vì gia đình dọn qua Mỹ sống một thời gian). Đọc sách ông, chúng ta cảm nhận được tính cách chuyên nghiệp đó, và đấy là một đóng góp lớn cho nền sử học của nước nhà.

Tuy nhiên, đây không phải là một niên biểu khô khan về các biến cố lịch sử, mà một bức tranh sống động, lôi cuốn của cuộc cuộc sống một con người, tuy lắm gian truân, nhưng lại được nhiều bài học quý giá, thú vị (ít nhất là lúc nhìn lại), làm cho một đứa trẻ tự nhận là rụt rè, sinh ra trong hoàn cảnh thiệt thòi, lại có thể vươn lên đạt đến những thành tựu trên nhiều lãnh vực hoạt động.

Lần cuối cùng tôi đọc hết một cuốn sách tiếng Pháp dày và từ đầu đến cuối là tháng 11 năm 1977, tại Long Thành, nơi một vùng hẻo lánh. Sau gần hai năm trong trại cải tạo, tôi phải đi làm ruộng, hồi hương lập nghiệp sau khi ra khỏi trại. Cuốn "Bác sĩ Zhivago" tiếng Pháp đưa tôi vào thế giới của cách mạng Tháng Mười Nga và những biến đổi sau đó trên đất nước Xô Viết, cùng số phận của một bác sĩ, một nhà thơ và một trí thức mắc chứng lãng mạn kinh niên. Sách "De père inconnu" là cuốn sách tiếng Pháp đầu tiên mà tôi thưởng thức từ đầu đến cuối, sau mấy chục năm qua chỉ học, dùng tiếng Anh, ngoài tiếng mẹ đẻ. Sách Phạm Ngọc Lân cũng đem lại những cảm xúc như Dr Zhivago, chỉ khác, sách của anh đưa tôi về vùng quá khứ của chính mình, chính dân tộc mình. Sài Gòn, Đà Lạt, Cam Ranh, Ba Ngòi, những ngôi trường Pháp, những đại học của một thời đã in dấu ấn trong tâm hồn mình. Cọng vào đó, văn chương tiếng Pháp của anh làm sống dậy kiến thức tiếng Pháp đã rỉ sét của tôi. Cảm giác giống như mình đem chiếc máy bay cũ từng nằm ọp ẹp bao năm trong hangar, cho nổ máy lại, và được bay lên bầu trời ngày xưa, nhìn về những chân trời, những "ngày hoang dại" (nói theo tên một cuốn tiểu thuyết thời 1960's) đã tạo nên con người chúng ta ngày hôm nay.

Trở về buổi phỏng vấn của tôi sắp tới, trả lời câu hỏi “Chúng ta có “tự hào” chúng ta là người… gốc Việt hay không?" sau đây là phần lời kết. Trường hợp Phạm Ngọc Lân sẽ giúp tôi đưa ra một cách nhìn đất nước ngày xưa chúng ta, ở thời điểm này, lúc chúng ta đã sống xong những ngày quyết định nhất của cuộc đời, đã trở thành công dân một nước khác, to hơn, mạnh hơn, có thể "oai” hơn và tự hỏi : "Chúng ta nghĩ gì về đất nước Việt Nam và chúng ta có tự hào là người Việt hay không?”

“Thân phụ của Tổng thống Barack Obama là người Keynia, xứ châu Phi từng bị người Anh đàn áp dã man, nhưng cũng là quê hương của loạn Mau Mau khoảng thập niên 1950-60 là những kẻ gây những hành động dã man cùng cực làm rúng động thế giới. Thân phụ ông Obama bỏ mẹ ông đi lấy vợ khác, nhưng ông vẫn viết sách nói về "giấc mơ của cha tôi". Và chuyện trớ trêu là, có thể một phần vì ông "ôm" (embrace) căn cước Phi Châu của mình mà ông đã đắc cử tổng thống Mỹ.

Một trường hợp khác cũng vắng mặt người cha. Tôi biết một người bạn cùng thời sinh viên, ở cùng cư xá sinh viên Đắc Lộ. Năm 1938, mẹ 15Bhvhien --- dtt3anh, mồ côi cha, từ Miền Bắc theo gia đình vào Nam. Năm 1943, một mình từ Sài Gòn ngược về Ba Ngòi, một hải cảng nhỏ gần Nha Trang, mẹ anh đi tìm người chồng mới được thu xếp gả cưới, một sĩ quan pháo binh người Pháp tại một hòn đảo nhỏ chắn trước vịnh Cam Ranh. Hai người chỉ sống với nhau được hai tuần rồi chia tay. Người con trai, anh Phạm Ngọc Lân, là kết quả của cuộc gặp gỡ đó. Anh là một giáo sư trường đại học Dược khoa Sài Gòn, một nhạc sĩ guitare, một ca sĩ được nhiều người ngưỡng mộ và một sinh viên nghiên cứu sử ở đại học Paris. Anh dành 8 năm trời nghiên cứu các tài liệu, thăm viếng từng nơi từ nam chí bắc Việt nam, và viết ra cuốn sách bằng tiếng Pháp thật xuất sắc, tựa đề: "De père inconnu" (Con không cha) nói về công cuộc tìm kiếm người cha chưa bao giờ thấy mặt và cuộc hành trình lịch sử của gia đình anh, trong suốt mấy cuộc chiến tranh đẫm máu và dai dẳng mà đất nước trải qua.

Anh tuyên bố với báo chí Pháp rằng:

"J'ai survécu grâce à ma faculté d'adaptation, tout en essayant de conserver mon identité. Il ne faut pas oublier que malgré toute ma culture vietnamienne, j'ai quand même cinquante pour cent de sang français dans mes veines. Oui, je me sens Français et Roquettois, en restant Vietnamien tout au fond de moi-même."

"Tôi đã sống còn nhờ khả năng thích ứng của tôi, trong lúc vẫn cố gắng bảo tồn bản sắc của tôi. Không nên quên rằng mặc dù thuộc về nền văn hoá Việt Nam, tôi cũng có 50% máu Pháp chảy trong huyết quản. Đúng rồi, tôi cảm nhận tôi là người Pháp, và là người dân thị xã Roquettes, nhưng tận trong đáy lòng tôi vẫn là người Việt Nam".

Như câu sáo ngữ mà chúng ta hằng nghe, nếu cuộc đời tặng cho ta trái chanh, thì hãy làm ly chanh đường cho cuộc đời. Xã hội Mỹ không có tham vọng là một "melting pot" mà muốn làm một cái "mosaic" nhiều màu nhiều vẻ, do nhiều văn hoá, nhiều dân tộc khác nhau tạo thành một bức tranh ghép. Nếu chúng ta từ chối nguồn gốc, bản sắc của chúng ta do cha mẹ ông bà gầy dựng qua bao thế hệ, chúng ta sẽ lấy gì góp phần vào bức hoà tấu muôn điệu, bức tranh hùng vĩ và phong phú của xứ sở mới mẻ và bao dung này?”

Hồ Văn Hiền  

Ngày 20 tháng 5 năm 2015