"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

Trống Đồng Đông Sơn Việt Nam
Triển Lãm Tại Bảo Tàng Viện MIM

Thật bất ngờ khi nghe cô Thanh Mai chủ nhiệm Viet Lifestyles Magazine báo tin viện bảo tàng Musical Intrument Museum (MIM) tại thành phố Phoenix Arizona, đang triễn lãm một số nhạc cụ Việt Nam, trong số đó có 3 trống đồng Đông Sơn cổ xưa thật quý giá.

Đúng như cô Thanh Mai nói, đối với việc tìm hiểu về trống đồng hay gốm sứ cổ của Việt Nam là điều tôi rất hứng thú, biết vậy nên cô mời tôi cùng đến xem và nhờ viết bản tin về cuộc triễn lãm này để giới thiệu đến đọc giả của Viet Lifestyles nhất là đối với đồng hương tại Arizona.

GioiThieuTrongDong 1 LHU

Cô Thanh Mai và Mr. Collin Pierson bên trống đồng Đông Sơn

Viện bảo tàng MIM Phoenix Arizona được xây dựng khoảng gần 5 năm qua, tọa lạc tại 4725 East Mayo Blvd, Phoenix AZ 85050 (Corner of Tatum & Mayo Blvds, just south of loop 101). Như tên gọi của nó, viện bảo tàng MIM lưu trử và chưng bày hầu hết các loại nhạc cụ của tất cả các nền văn minh trên thế giới, đến các nhạc cụ của thổ dân trên những hải đảo xa xôi hay của các bộ lạc trong rừng gìa Bornéo (Indonesia) hoặc ở Phi châu.

Khi đến tham quan MIM, chúng ta sẽ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngoài việc chiêm ngưỡng rất nhiều nhạc cụ lạ mắt có đến hàng ngàn hiện vật được chưng bày và phân chia theo từng vùng, từng quốc gia trên thế giới. Cũng có một số nhạc cụ có tuổi rất cao hàng trăm năm, hàng ngàn năm. Nếu chúng ta đến quan sát tỉ mĩ thì có thể trong 1 ngày không đủ thời gian để tìm hiểu, khám phá hết.

Thật độc đáo là mỗi khách đến tham quan được cho mượn một bộ phận để nghe, mỗi khi chúng ta đứng trước một nhạc cụ nào đó để xem là ta nghe được tiếng của từng nhạc cụ đó tấu lên một cách tự động.

Niềm hảnh diện cho người Việt chúng ta khi đến viếng MIM, đó là chiếc trống đồng khổng lồ được trang trọng chưng bày ở giửa gian phòng rộng lớn, điểm chính mà viện bảo tàng muốn giới thiệu đến khách tham quan.

TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN, đây là chiếc trống đồng loại lớn nhất, đường kính 97 cm, cao 62 cm, có độ tuổi vào thế kỷ thứ II trước công nguyên đến thế kỷ đầu công nguyên (2000 đến 2200 năm tuổi), thuộc thời đại An Dương Vương đến thời Hai Bà Trưng. Các hoa văn chạm khắc rất tinh xảo, trên mặt có 4 tượng hình con cóc ở 4 góc, chính giửa có hình mặt trời với 14 tia sáng, chung quanh có những vòng tròn đồng tâm, khoảng giửa các vòng tròn có chạm khắc hình chim lạc, hưu, những hình người đang sinh hoạt, ca múa, hay nhà rong kiểu mái thuyền, v.v.. Tang trống có khắc hình chiếc thuyền còn rất rỏ nét. 4 cái quay chạm hình dây thừng bện dùng để khiêng hay treo trống lên.

GioiThieuTrongDong 2 LHU

Trống đồng Đông Sơn và các nhạc cụ khác chưng bày tại MIM

GioiThieuTrongDong 3 LHU

Gian hàng chưng bày nhạc cụ Việt Nam tại MIM

Tầng trên lầu của viện bảo tàng có 2 khu triễn lãm nhạc cụ VN, một gian chưng bày hơn chục loại nhạc cụ cổ truyền như đàn bầu, đàn tranh, đàn kìm, đàn cò, .v.v.. cùng một số nhạc cụ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như đàn T’rưng, đàn Klong Put, sáo mèo, .... Gian thứ hai chưng bày một số nhạc cụ đồ đồng như chuông voi, chuông bò, lục lạc, chũm chọe, cán dao có hình người, đặc biệt là 2 chiếc trống đồng Đông Sơn cở nhỏ bề mặt có đường kính khoảng 40 cm và 50 cm. Mặt trống có tượng hình 4 con cóc, ở giửa cũng có hình mặt trời nhiều tia sáng, các vòng tròn đồng tâm, khoảng giửa các vòng tròn này khắc hình chim, hình sinh hoạt. Điểm đáng chú ý là có hình người dắt trâu đem đi tế lễ, đây là một hình không thấy có ở các trống đồng khác được tìm thấy đến hiện nay. Cái trống này tuy nhỏ hơn cái trống chưng bày ở tầng dưới, tuy nhiên có tuổi lớn hơn và giá trị hơn, có tuổi từ thời đại Hùng Vương, thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VIII trước công nguyên (2500 đến 2800 năm tuổi).

Nhắc đến trống đồng thì hình như mọi người Việt Nam ở tuổi trung niên trở lên đều biết, và một số các anh chị em nhỏ tuổi hơn cũng có nghe nói đến. Tuy nhiên hầu hết mọi người biết đến Trống Đồng qua tài liệu, sách vở, rất ít người được thấy tận mắt. Một số hội đoàn, tổ chức sinh hoạt có liên quan đến văn hóa thường lấy hình mặt trống đồng để làm logo, xem đó là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Nhưng những kinh nghiệm tinh tế, kỳ bí, ẩn chứa trên các hình, hoa văn khắc chạm trên mặt trống đồng đó là gì? Nếu chúng ta hiểu được, chỉ cần nét đại cương thôi cũng đủ làm mình phải kinh ngạc!

GioiThieuTrongDong 4 LHU

Bản đồ phân bổ trống đồng được tìm thấy tại Việt Nam

Trống đồng được tìm thấy nhiều nơi trong vùng Đông Nam Á: Lào, Miên, Thái Lan, Mã Lai, Miến Điện, Nam Dương, Philippine và có cả ở vùng Hoa Nam. Đặc biệt là vùng Đông Sơn (Thanh Hóa) có nhiều trống đồng nhất, có tuổi lâu đời nhất, và kỷ thuật đúc đồng thau cũng tinh xảo nhất nên các nhà khảo cổ học cho rằng đây là nơi xuất phát ra trống đồng.

Tại Việt Nam, vài thập niên gần đây trống đồng tìm thấy ở nhiều nơi phân bổ như sau: Thanh Hóa (Đông Sơn 24 trống), Hà Đông 9 trống), Bắc Ninh, Cao Bằng (mỗi nơi 3 trống), Hà Nam, Hà Nội, Hoà Bình, Kiến An (mỗi nơi 2 trống), Nam Định, Lào Cai, Sơn Tây, Yên Bái, Hải Dương, Nghệ An, Kontum và Bình Dương (mỗi nơi 1 trống).

Một số trống đồng Việt Nam được lưu giử và chưng bày tại một vài viện bảo tàng (VBT) các nơi trên thế giới như: Trống đồng Hòa Bình tại VBT Guimet (Paris), trống đồng Hà Nội, tại VBT Stockhom, tại VBT Dân Tộc Học ở thành Vienne cũng có chưng bày 1 cái trống đồng.

Riêng tại Hoa kỳ các VBT Boston, Chicago và Washington DC mỗi nơi đều có chưng bày trống đồng Việt Nam.

Đẹp và tinh xảo nhất là trống đồng Hòa Bình, tìm thấy ở Mường Dâu tỉnh Hoà Bình; Trống đồng Hoàng Hạ, tìm thấy ở làng Hoàng Hạ tỉnh Hà Đông; Quan trọng nhất là trống đồng Ngọc Lũ, tìm thấy ở chùa Long Đại Sơn làng Ngọc Lũ tỉnh Hà Nam vào năm 1901, hiện đang chưng bày tại VBT Hà Nội.

Trống đồng Ngọc Lũ cũng có hình dạng tương tợ như các trống đồng khác chia làm 3 phần: Mặt trống, tang trống (là phần phình ra dưới mặt trống), và thân trống.

Mặt trống đường kính 86 cm, cao 63 cm. Chính giửa mặt trống có hình mặt trời 14 tia sáng, 16 vòng đồng tâm, có khắc chạm nhiều hình kỷ hà và hình vẽ khác nhau. Giửa vòng thứ 5 và 6 có hình nhà sàn mái cong, cách khoảng là có 2 tốp người mỗi tốp 6 người có thêm 1 người nhỏ đang ca múa, thổi khèn. Giửa vòng thứ 7 và 8 có hình 2 đàn hưu mỗi đàn 10 con, và hình đàn gà mỗi đàn có 6 con và 8 con. Giửa vòng thứ 8 và 9 có chạm khắc 18 con chim mỏ dài giống nhau đang bay xen kẻ 18 con chim nhỏ hơn đang đậu từng con không giống nhau. Tang trống có chạm hình thuyền, có nhiều người cầm lao, kiếm hay chèo hoặc lái thuyền.

GioiThieuTrongDong 5 LHU

Hình mặt trống đồng Ngọc Lũ

Ý nghĩa những hình khắc chạm trên mặt trống đồng đó là gì?

Sao lại chỉ có đúng chẳn 18 con chim? Mà không nhiều hơn hay ít hơn?

Sao có 2 đàn hưu đều 10 con, nhưng 2 đàn gà lại một đàn 6 con và một đàn 8 con? sao không chọn 2 đàn có số con bằng nhau?

Hai tốp 6 người đang ca múa thổi khèn đối xứng nhau trên mặt trống thì có 1 tốp có thêm 1 người nhỏ bé không đội mũ, hai tốp này mỗi người đều không giống nhau.

Sao hình mặt trời chỉ có đúng 14 tia sáng?

Theo học giả Lê Văn Siêu thì những hình chạm trên mặt trống đồng không phải là những hình thuần túy là hoa văn trang trí mà nó chứa đựng một kho tàng văn hóa, nhân văn, thiên văn vô cùng kỳ vĩ, cho nên có những con số và vị trí nhất định không thể sai được.

Đây là công trình nghiên cứu về thiên văn của người xưa khi khám phá nó là điều rất thú vị, có thể làm cho ta phải kinh ngạc. Đây là nguyệt lịch khác với âm lịch của người Tàu, đồng thời đều theo nguyên tắc căn cứ vào sự vận hành của mặt trăng, nhưng người Tàu thì dùng thiên can, địa chi tính năm tháng theo chu kỳ 12 năm và lục thập giáp (một giáp là 60 năm), một năm có 365 ngày. Còn nguyệt lịch của ta một năm có 354 ngày, gồm 6 tháng thiếu (28 ngày) và 6 tháng đủ (29 ngày) theo đúng tuần trăng, tiết trời và biết tính thêm tháng nhuận.

Nguyệt lịch có chu kỳ 18 năm gọi là chương, mấy con chim mỏ dài vòng ngoài mỗi con chim tượng trưng cho 1 năm. Bội số của 18 bằng 180 năm, như vậy sau 3 lục thập giáp của người Tàu cũng là 180 năm như vậy chu kỳ thời gian hai bên sẽ bằng nhau.

Nguyệt thần, hình người ca múa thổi khèn, đó là các vị nguyệt thần mỗi vị cai quản 1 tháng. Một bên 6 vị cho 6 tháng đầu năm và một bên 6 vị cho 6 tháng cuối năm và có thêm 1 vị thần nhỏ không đội nón dùng để ghi tháng nhuận.

GioiThieuTrongDong 6 LHU

Xem lịch Việt cổ trên trống đồng Đông Sơn

Xem ngày, hình mặt trời (tạm gọi là hình mặt trời) mỗi tia là một ngày, giửa 2 tia sáng là đêm. Cách đếm từ 1 đến đêm trăng tròn (15, đêm rằm), và tiếp tục đếm vòng hai từ 16 nữa thì lại trở về đêm không trăng (đêm 30).

Nhưng phải biết cách đếm bắt đầu từ đâu, chỉ có 1 điểm trong cả vòng tròn để dùng khởi đầu cuộc đếm, đó là điểm chỉ vào đêm 30 không trăng. Điểm khởi đầu để xem lịch phải nằm ở đuôi con gà cuối cùng trong dòng 6 con. (Xin xem hình)

Hình 2 đàn gà và 2 đàn hưu, đây chỉ đêm có trăng và không trăng đồng thời cũng là xem thủy triều lên xuống. Ai cũng biết lúc trăng tròn (16 trăng tròn) và đêm 30 không trăng là hai thời điểm có mực nước dâng cao, thì khắc hình con gà. Truyền thuyết nói rằng ở Ái Châu, huyện Truy Phong có giống gà “Trào Kê” cứ đến khi nước dâng (trào) thì Trào Kê (kê tiếng Hán Việt là con gà) nó gáy báo tin nên 6 con gà ở vị trí 6 đêm không trăng từ mùng 1 đến mùng 6, đối diện phía bên kia mặt trống là 8 con gà tương ứng với 8 đêm cuối tháng không trăng. Hình đàn hưu là thời điểm có trăng có thể đi săn bắn.

GioiThieuTrongDong 7 LHU

Xem tiết Xuân phân, Thu phân và Đông chí, Hạ chí trên mặt trống đồng

Điểm cần chú ý là tất cả hình chạm khắc trên mặt trống đồng đều quay theo chiều ngược kim đồng hồ, bởi vì đó là theo chiều quay của trái đất nếu đứng quan sát hướng về phương bắc. Điều này gợi cho ta thấy trên mặt trống đồng Ngọc Lũ còn chỉ ra phương hướng bắc nam, và có quan hệ đến tiết trời Xuân phân, Thu phân và Đông chí với Hạ chí nữa (xin xem hình).

Tiết Đông Chí và Hạ chí, giửa vòng tròn thứ 5-6 chúng ta thấy có hai ngôi nhà rong đối diện nhau nhưng nhìn kỷ thì có nhiều điểm khác nhau. Tại hướng chỉ Đông Chí, mọi người và vật trong nhà vừa thức giấc qua đông như các mầm cây sắp sửa chuẩn bị trổi dậy đón Xuân. Nhìn một đường thẳng trên mặt trống đối diện cũng là cái nhà rong nhưng chỉ có trẻ con ở nhà chơi đùa còn người lớn có lẽ đang lo việc đồng án vì đây là tiết Hạ chí thuận tiện cho việc gieo trồng.

Ở trên đường thẳng chỉ tiết Xuân phân và Thu phân có 2 hình như ngôi nhà mái cong vòm trong đó có những hình tượng, ý nghĩa là gì thì nhiều nhà nghiên cứu đang tranh cải. Có ý kiến cho rằng có thể đó là những nhạc cụ cồng, chiên hay hình biểu tượng của hào âm, hào dương.

GioiThieuTrongDong 8 LHU

Hình thuyền khắc chạm lên tang trống

Nhiều trống đồng hình chiếc thuyền được chạm khắc trên tang trống cho chúng ta thấy kỷ thuật đi biển của người Việt xưa đạt đến mức khá cao. Hãy xem hình người thuyền trưởng dùng trống đồng và một dụng cụ đo góc độ và phương giác dựa vào các vì sao để tìm phương hướng ở thời kỳ mà các nhà hàng hải chưa sáng chế ra địa bàn. Các nhà khảo cổ cho rằng người Việt cổ đã từng đến được các hải đảo xa xôi ở Thái Bình Dương. Điển hình là sắc dân Dayak ở Bornéo (Nam Dương) mang nhiều chứng tích văn hóa Việt như tập tục, cất nhà rong hình thuyền, trống đồng Đông Sơn, trong ngôn ngữ có một số từ ngữ tương đồng với Việt ngữ.

Trên trống đồng Đông Sơn (cái nhỏ) đang chưng bày tại khu nhạc cụ Việt Nam có một điểm đáng chú ý là hình người dắt trâu trong buổi tế lễ, mủi giáo có khắc hình và một vài nhạc cụ bằng đồng cổ xưa khác. Những hình chạm khắc trên trống đồng còn cho chúng ta hiểu được vài khía cạnh trong sinh hoạt của thời đại Hùng Vương.

Trong phạm vi bài viết bị giới hạn, nên chỉ có thể giới thiệu đôi nét độc đáo, kỳ bí của trống đồng Đông Sơn (The Dongson Bronze Drums), trong đó có 3 trống đồng trong bộ sưu tập cổ vật của bác sĩ Kiều Quang Chẩn đang triễn lãm tại viện bảo tàng Musical Intrument Museum tại Phoenix Arizona.

Được biết những nhạc cụ VN triễn lãm tại viện bảo tàng MIM kỳ này là của bác sĩ Kiều Quang Chẩn cho mượn để chưng bày từ July 2015 đến khoảng giửa tháng October 2015. Bác sĩ Kiều Quang Chẩn trước đây là một quân y sĩ thuộc binh chủng nhảy dù Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, cấp bậc sau cùng là Đại Úy. Ông di tản sang Mỹ năm 1975, hiện đang làm việc tại một bệnh viện ở Santa Ana, California. Bác sĩ Chẩn không chỉ là một nhà sưu tập cổ vật, mà còn là nhà nghiên cứu về cổ vật có giá trị liên quan đến lịch sữ.

GioiThieuTrongDong 9 LHU

Trống đồng Đông Sơn tại Bảo tàng viện MIM Phoenix Arizona

Đây là cơ hội để đồng hương tại Arizona có thể đến xem cổ vật quý giá có từ thời đại Hùng Vương. Chiêm ngưỡng trống đồng còn mang một ý nghĩa như chúng ta đến xem một văn bản chứa đựng bao gồm nhiều lãnh vực: Thiên văn, địa lý, tập quán, đời sống, văn hóa, v.v.. mà Tổ Tiên lưu truyền đến các thế hệ con cháu hàng ngàn năm sau.

Hãy đến xem TRỐNG ĐỒNG ĐÔNG SƠN để trãi nghiệm tình tự và niềm tự hào dân tộc Việt!

(Viện bảo tàng Musical Intrument Meseum, 4725 East Mayo Blvd, Phoenix AZ 85050 (Corner of Tatum & Mayo Blvds, just south of loop 101).

Lê Hữu Uy
Phoenix AZ, July 29-2015.