"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

 

Léopold S. Senghor và Thân Phận Da Màu

16Bhvhien --- lss1 

Trong lịch sử, người Việt chiến đấu chống nhau, chống ngoại xâm hay cho một ý thức hệ nào đó chứ chưa bao giờ để chống một nhóm người chỉ vì họ mang một màu da khác mình. Cuối thế kỷ thứ 20, Trịnh Công Sơn nhắc đến "người con gái Việt Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúc chín" và yếu tố màu da được nêu lên trong "Ca khúc da vàng" rất thịnh hành thời đó. Trong lúc đó, trong thế kỷ thứ 20, vấn đề màu da giữa người da trắng (sau này thường gọi là Caucasian) và người da có nhiều ít sắc tố melanin làm da ngà, nâu, sậm , hoặc đen là một hiện tượng chi phối toàn bộ sinh hoạt con người, nhất là ở Mỹ, Nam Phi (South Africa).

Ở Mỹ trước đây, chỉ cần “một giọt máu” cũng được định nghĩa là da đen (“one-drop rule”, chỉ cần một trong những ông bà tổ tiên là gốc châu Phi vùng nam Sa mạc Sahara). Mặc dù trước đây ở Việt Nam, người Việt vẫn dùng câu "trắng trẻo đẹp trai" và hiện nay các cô gái Việt đang liều bịnh tật, liều chết đi "tắm trắng", chuyện đối nghịch, kỳ thị  "da đen da trắng" là chuyện mà chúng ta chỉ chứng kiến sau khi đến Mỹ, và có lẽ ở Âu Châu hay Úc cũng tương tự, tuy ít nói ra công khai.

Đại đa số người Việt gia nhập xã hôi tây phương sau khi vấn đề kỳ thị chủng tộc đã được giải quyết phần lớn, nhất là sau khi các luật về dân quyền (civil rights) được áp dụng ở Mỹ, và nhất là  những hiện tượng lịch sử như Martin Luther King,  Barack Obama (được bầu làm tổng thống Mỹ cách đây 8 năm), hay Sadiq Khan (tháng 5, 2016 được bầu làm thị trưởng London , United Kingdom thủ phủ của đế quốc Anh ngày xưa, là một người gốc Pakistan, da rất đen so với người Việt).

16bhvhien --- lss2

Tình cờ đọc một bài thơ của Senghor thấy hay hay, nhất là trong bối cảnh xã hội mình đang sống tại Mỹ, tôi xin dịch ra đây cũng như giới thiệu vê tác giả, một người có vai trò lớn trong sự thành hình của ý thức về màu da, ở đây, màu  da đen gọi là "negritude". Không biết các tác giả như Trịnh Công Sơn (học trường tây từ nhỏ) có từng bị ảnh hưởng của Senghor hay phong trào "negritude " này hay không. Trong bản dịch tiếng Anh, thay vì dịch là "coloured man", tôi đề nghị dịch là "man of color" để theo hướng dẫn hiện nay về cách dùng tránh “đụng chạm” của Mỹ. Hiện nay, người ta tránh dùng "thiểu số" (minority, từ ám chỉ thế yếu kém) hay "không phải da trắng" (“non-white”, vì từ này định nghĩa con người bằng một đặc tính mà họ không có, hay thiếu) để chỉ người không phải gốc da trắng, không phải gốc Caucase. Người ta gọi họ là "person of color" (người da màu), ví dụ “students of color” (sinh viên da màu), women of color” (phụ nữ da màu)...(theo Wikipedia tiếng Anh).

 

 

Léopold Sédar SENGHOR (1906-2001)

Thi sĩ, văn sĩ, chính tri gia người Senegal. Sinh ra trong một gia đình giàu có, cha làm đồn điền và buôn bán, thuộc thiểu số công giáo trong một thuộc địa Pháp mà đa số là người Hồi giáo, ông được mẹ gởi đi học ở một chủng viện công giáo (college seminaire Libermann) và ban đầu ông có ý muốn trở thành linh mục và đi dạy học. Dần dần, ông từ bỏ ý định đi tu. Ông  theo học trường trung học (lycée) Pháp ở thủ đô Dakar. Được học bổng gởi qua chính quốc du học ở Paris, vào trường danh giá Lycée Louis-le-Grand dành cho học sinh chuẩn bị vào trường cao đẳng sư phạm số một của Pháp, École normale supérieure, nhưng không thành, nên ông vào đại học Sorbonne (1928-1935). Ông làm bạn với những nhân vật sau này  nổi tiếng như tổng thống Georges Pompidou. Phạm Duy Khiêm (1908-1974) (con nhà văn Phạm Duy Tốn, anh cả nhạc sĩ Phạm Duy), người Việt đầu tiên đậu bằng thạc sĩ văn phạm, văn sĩ tiếng Pháp được giải của Hàn Lâm Viện Pháp (Nam et Sylvie), Bộ trưởng đặc nhiệm phủ thủ tướng, đại sứ Việt Nam tại Pháp thời Đệ nhất Cọng hoà, cũng trong giới bạn bè của Senghor.

16bhvhien --- lss3 Trong lúc ở Pháp , Senghor  cảm nhận được ảnh hưởng rõ nét của văn hoá Châu Phi trong nền hội hoạ, điêu khắc âm nhạc của tây phương và bắt đầu đặt niềm tin vào khả năng của lục địa quê hương ông có thể đóng góp vào văn hoá thế giới. Từ đó, ông bắt đầu có cái nhìn phê phán về các giá trị phương Tây và đánh giá lại giá trị văn hoá Phi Châu. Ông viết: "...tránh xa  thái độ thấy sự thấp kém trong thân phận đen của mình, chấp nhận nó; dành quyền sở hữu nó với niềm hãnh diện; nuôi dưỡng nó một cách trìu mến".

Sau khi lấy được bằng thạc sĩ (agrégé) về văn phạm, Senghor  đi dạy trung học ở Pháp một thời gian đồng thời theo học các lớp về ngôn ngữ Phi Châu.

Năm 1939, ông gia nhập quân đội Pháp với cấp bực binh nhì, trong một trung đoàn bộ binh người Châu Phi, mặc dù ông có bằng cấp đại học và quốc tịch Pháp. Ông bị Đức bắt làm tù binh, suýt bị xử tử trong ngày đầu tiên. Tuy nhiên, lúc những người lính châu Phi hô to: " Nước Pháp muôn năm, Châu Phi da đen muôn năm" (« Vive la France, vive l’Afrique noire »), những lính Đức quốc xã trong đội hành quyết hạ súng xuống không bắn nữa vì họ được người Pháp thuyết phục rằng một cuộc tàn sát trên cơ sở chủng tộc như vậy sẽ không xứng đáng và làm mất danh dự giống dân Aryan cũng như quân đội Đức. Ông bị cầm tù trong 2 năm và dành thời gian này để làm thơ.

Sau khi thế chiến thứ 2 chấm dứt ông tham gia chính trị, tham gia đảng cọng sản một thời gian ngắn, làm bộ trưởng trong chính phủ Pháp, dân biểu trong quốc hội Pháp (đại diên Senegal lúc đó còn là thuộc địa) và vận động cho một liên minh các quốc gia châu Phi mới độc lập nhưng không thành.

Senghor ngưỡng mộ văn hoá tây phương nhưng chủ trương kết hợp "tâm hồn Phi Châu" với những đặc tính như trực giác, “phi  lý trí” ( irrationalism) với đầu óc thiên về lý trí (reason) của tây phương, một sự cọng sinh (symbiosis) để xây dựng một nền văn minh hoàn vũ "une Civilisation de l'Universel, une Civilisation de l'Unité par symbiose" (a Civilization of the Universal, a Civilization of Unity by Symbiosis). Ông là một nhân vật chủ chốt trong phong trào " négritude" (thân phận da đen). Trong các thập niên 1930’s, 40’s, 50’s, chịu ảnh hưởng lớn từ những người Mỹ da đen (Harlem Renaissance) sang Pháp định cư tránh kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ, “Negritude’  chống lại chính sách thuộc địa và  đồng hoá của Pháp đối với người Phi Châu và người vùng biển Ca-ri-bê. Những người chống đối phong trào " négritude" như bác sĩ phân tâm học Frantz Fanon (tương tự như Malcolm X của Mỹ) xem triết lý  bất bạo động, tìm cách định nghĩa "tâm hồn đen" là một thái độ thụ động, "một con chó không răng", không giải quyết được thân phận bị đàn áp và bóc lột của người da đen và chủ trương những biện pháp bạo động.

Senghor trở thành tổng thống đầu tiên của nước Senegal độc lập vừa thoát khỏi đô hộ của thực dân Pháp (1960) và cũng là tác giả  bài quốc ca mới của nước này. Là người đồng thời với Tổng Thống Ngô Đình Diệm (1901-1963) của Việt Nam Cọng Hoà, và tương tự như vị tổng thống Việt nam, ông là tổng thống đầu tiên và công giáo  của một nước mà đa số dân chúng thuộc một tôn giáo khác, Hồi giáo ở Senegal, và Khổng giáo, Phật giáo hay thờ cúng ông bà trong trường hợp Việt Nam. Senghor dùng vị trí bên ngoài của mình giữa các giáo sĩ giáo phái hồi giáo trong nước (marabout), tiếp tục dựa vào thế giới nói tiếng Pháp, cũng như khuyến khích thành lập các đảng đối lập (gồm cả đảng cọng sản) trong chính thể đa đảng, và thành công trong sự dung hoà các quyền lợi đối nghịch. Ông Diệm lại thất bại trong lãnh vực này cũng như trong lãnh vực xây dựng một quốc gia non trẻ trong vùng xoáy của chiến tranh lạnh của vùng Đông Nam Á. Ông Diệm, mặc dù theo tín ngưỡng Công giáo và từng bôn ba nhiều năm trên thế giới (Nhật, Châu Âu, Mỹ), bản chất vẫn là một ông quan, một người thuộc truyền thống Nho giáo, và do đó  có lẽ không cấp tiến và cởi mở đối với các giá trị tây phương như Senghor,  bản chất là một nhà văn và nhà thơ.

Riêng về nhà văn đồng lứa Việt Nam của Senghor, Phạm Duy Khiêm cũng tham gia chính trị dưới thới Đệ Nhất Cọng Hoà, chỉ một thời gian ngắn vì tính tình quá cương trực và cứng rắn. Ông cũng làm buồn lòng Senghor khi  thi sĩ da đen gởi ông tập thơ của mình và ông bạn Việt Nam gởi lại với những lời phê gạch đỏ như của một người thầy giáo sửa bài. Phạm Duy Khiêm cuối cùng tự sát  khi không còn "biện minh cho sự hiện hữu của chính mình", theo một câu nói của chính ông hồi còn trẻ (Wikipedia).

Những trí thức Việt Nam đồng thời khác, dấn thân hơn Phạm Duy Khiêm, sẽ có những số phận khác nhau, tuy cũng bi đát không kém. Triết gia  Trần Đức Thảo (1917-1993), thạc sĩ, cũng học École Normale Superieure, theo chủ nghĩa cọng sản, được những nhà chống thực dân da đen như Frantz Fanon đọc, trở về nước năm 1951 và bị thất sủng sau một thời gian ngắn. Ngô Đình Nhu (1910-1963), tốt nghiệp khoa văn khố tại École Nationale des Chartes, trở về nước đầu thế chiến thứ 2, trở thành tay mặt của Tổng Thống Diệm và chết bi đát năm 1963.

Sénégal là một nước lãnh thổ nhỏ bằng 2/3 Việt Nam và dân số chừng 13 triệu, bằng  1/7 dân số của Việt Nam. Sénégal độc lập, thoát khỏi chế độ thực dân không phải trả giá bằng chiến tranh máu lửa như Việt Nam, và nền cọng hoà dân chủ khá ổn định dưới sự lãnh đạo của Senghor trong suốt 20 năm, cho đến khi ông trao quyền cho người kế vị ông qua một cuộc bầu cử dân chủ. Ông được vinh dự trở nên viện sĩ da đen đầu tiên của Hàn Lâm Viện Pháp. Tuy nhiên, thảm kịch cũng đến liên tiếp; một người con trai tự tử chết và một người con trai khác chết vì tai nạn xe hơi. Dần dần, mặc dù gắn bó với quê hương, ông thấy thích hợp với đời sống ở vùng biển Normandie Pháp hơn là Senegal. Cùng với người vợ thứ ba, Pháp  da trắng, Senghor qua định cư ở Pháp cho đến ngày ông qua đời.

Hiện nay, tuy không biến động chính trị nhiều, không đảo chính từ ngày độc lập, Sénégal vẫn là một nước nghèo hơn Việt Nam, và mức phát triển con người cũng thấp hơn Việt Nam (HDI [human development index] thứ 163 so với Việt Nam, thứ 116). Tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ chính thức. Senghor được xem như cha đẻ của nước Sénégal độc lập. Tuy nhiên cũng có người xem ông như là người tiếp tay cho chủ nghĩa thực dân mới tại châu Phi sau khi người da trắng rút lui.

 

Poème à mon frère blanc

 

Cher frère blanc,

Quand je suis né, j’étais noir,

Quand j’ai grandi, j’étais noir,

Quand je suis au soleil, je suis noir,

Quand je suis malade, je suis noir,

Quand je mourrai, je serai noir.

Tandis que toi, homme blanc,

Quand tu es né, tu étais rose,

Quand tu as grandi, tu étais blanc,

Quand tu vas au soleil, tu es rouge,

Quand tu as froid, tu es bleu,

Quand tu as peur, tu es vert,

Quand tu es malade, tu es jaune,

Quand tu mourras, tu seras gris.

Alors, de nous deux,

Qui est l’homme de couleur?

Léopold Sédar SENGHOR

 

Bài thơ cho người anh em da trắng của tôi

 

Người anh em da trắng thân mến,

Trước đây, chào đời, tôi đen,

Lớn lên, tôi đen,

Bây giờ ra nắng, tôi đen,

Lúc bịnh, tôi đen,

Mai sau, chết đi, tôi đen.

Trong khi đó, người anh em, người đàn ông da trắng,

Lúc mới chào đời, bạn màu hồng,

Khi lớn rồi, da bạn trắng,

Lúc phơi nắng, bạn màu đỏ,

Lúc trời lạnh, bạn màu xanh,

Lúc sợ hãi, bạn xanh như tàu lá,

Lúc bịnh, bạn vàng như nghệ,

Mai sau, chết đi, bạn xám xịt.

Vậy thì, trong hai chúng ta,

Ai là người da màu?

 

Poem to my white friend

 

Dear white brother,

When I was born, I was black,

When I grew up, I was black,

When I am in the sun, I am black,

When I am sick, I am black,

When I die, I'll be black.

While you, white man,

When you were born, you were pink,

When you grew up, you were white,

When you go in the sun, you are red,

When you are cold, you are blue,

When you are scared, you are green,

When you are sick, you are yellow,

When you die, you will be gray.

So the two of us,

Who is the man of color?

Hồ Văn Hiền dịch

 

Tham khảo:

1)Senghor:  Encyclopedia Britannica, Wikipedia

2)Bertrade Ngo-Ngijol Banoum  Negritude

http://exhibitions.nypl.org/africanaage/essay-negritude.html

3) Kinni, Fongot Kini-Yen:  Pan-africanism : political philosophy and socio -economic anthropology for african liberation ... and governance

(pages 448-449)

4)LEOPOLD SEDAR SENGHOR:LE POEME D'UNE VIE

http://www.ammafricaworld.com/leopold-sedar-senghorle-poeme-d-une-vie

5)Wikipedia Person of color

https://en.wikipedia.org/wiki/Person_of_color (accessed 5/7/16)

6)Senghor (obituary)

http://www.theguardian.com/news/2001/dec/21/guardianobituaries.books1

7) Wikipedia (Vietnamese) Phạm Duy Khiêm

https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A1m_Duy_Khi%C3%AAm

 

Hồ Văn Hiền 

Ngày 12 tháng 5 năm 2016