"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Trúc Tiên: Dáng Quê Hương In Bóng Xứ Người

Nhất Chi Vũ & Trần Thu Miên thực hiện – ảnh : Trang Thanh Trúc

 

Mời bạn đọc tham gia vào cuộc điện đàm và bút thoại giữa Nhất Chi Vũ (NCV), Trần Thu Miên (TTM) và nhân vật chính là nghệ sĩ Trúc Tiên, người nữ gốc Mỹ Tho ( hiện đang sinh sống tại Paris ) đã đem dân ca Nam Bộ hay dòng nhạc Blues miền Nam Việt Nam sang Âu Châu và thế giới.

Dáng em chèo, nhớ thương theo

Đàn Ca Tài Tử bến đò Mỹ Tho

Giờ xa xôi ở phương nào

Nghe như ai hát câu hò ru nhau

(NCV)

17Bncv --ttd1

NCV: “Chúng ta cùng nâng ly mừng Trúc Tiên rồi bàn về đĩa CD dân ca Miền Nam sắp phát hành tại Paris. Ông đã nghe hết các ca khúc do Trúc Tiên hát chưa?”

TTM: “Nghe rồi và có nhiều thắc mắc thú vị.”

NCV: “Nghĩ gì?”

TTM: “Thật ra trên phương diện nghệ thuật thì khó bàn vì không có căn bản.  Nhưng về mặt tình cảm văn hoá thì đây là một công trình đáng ca ngợi và ủng hộ.  Người Việt Tỵ Nạn nói riêng và Người Việt Hải Ngoại nói chung nên nhìn lại và cách tân những việc làm văn hoá quý báu như công trình thu âm của Trúc Tiên.”

NCV: “Đúng vậy. Theo tôi việc thưc hiện CD Đàn Ca Tài Tử của Trúc Tiên diễn đạt được một Dáng Đứng Ca Cổ Nhạc Việt Nam nơi Xứ Người, trong thời “vật chất hiện đại” hôm nay.”

TTM: “Ông cho độc giả biết tựa đề và vài nét về tác phẩm và tác giả.”

NCV: “Đĩa nhạc CD mới phát hành mang tựa đề “Dạ” của giọng ca Trúc Tiên. Tên tuổi rất Việt Nam, Trần Thị Trúc Tiên – Tôi gọi đùa vui là “ Chị-hai-xinh… Ca sĩ Trúc Tiên”. Giọng hát và Người và Cung cách son trẻ tha thiết “trải niềm tâm sự” ấy, kêu gọi người phương xa, nức lòng, dẫn đưa tôi về quê tôi thời sinh trưởng sông nước miền Nam, kỷ niệm biết yêu và biết… dễ thương, ớ-ơ ầu-ơ gần gũi thân thuộc, không bao giờ xa lạ đường về.  Thật là vui thích, trước khi tôi biết người ca sĩ này sang Pháp lúc 11 tuổi – tôi đã nghe đi nghe lại nhiều lần và dành giờ nghe từng bài, theo cái cảm tình đầu tiên, rất lạ, như được nghe một người ngoại quốc ân cần vui vẻ chào hỏi mình rất tự nhiên bằng Tiếng Việt.”

TTM: “Cái tựa đề rất lạ “Dạ,” có âm hưởng gì từ Dạ Cổ Hoài Lang không?

NCV: “Ẩn dụ, ý tứ, dí dỏm. Có lẽ nên dành cho Trúc Tiên trả lời câu này. Mặc dù mình đoán chừng, người làm thơ say mê Đoạn Trường Tân Thanh Nguyễn Du thế nào, thì, người viết nhạc cũng mộ mến Dạ Cổ Hoài Lang Cao Văn Lầu như thế.

Nhưng theo tôi, đĩa nhạc mang tựa đề “Dạ” mang theo cả tài năng và tâm tư của quý soạn giả Trần Ngọc Thạch, Hoàng Song Việt, Mộng Vân, Nguyễn Phương, Hoàng Thu Diệp và Ban nhạc là góp phần tối quan trọng. Các ngón đàn ứng tác sống động của Tứ tuyệt Duy Kim, Văn Môn, Huỳnh Tuấn và Thanh Hoàng. Giọng hát truyền cảm như gửi đi (phương trời thương nhớ) trọn cả tình ý Tác phẩm và cảm xúc từ trái tim Người sáng tác theo tinh thần Đờn Ca Tài Tử.

Vẫn, giọng hát sông nước miền Nam gần gũi thân thuộc không xa lạ ấy, đã nâng cao ngôi vị ca nhạc trên đất khách của giọng ca Trúc Tiên lên tươi mới hồn hậu, hiếm hoi lạ thường. Xin hỏi Trần Thu Miên trước khi nghe Trúc Tiên, ông nghe Đàn Ca Tài Tử bao giờ và đã được cuốn hút đậm nét nhất?”

TTM: “Đọc thì có nhưng nghe dường như chưa.  Lần đầu tiên tôi nghe tiếng đàn nhị cầm (đờn Cò) biểu diễn theo các điệu Đờn Ca Tài Tử là nhờ được mời tham dự một đại lễ tại Thánh Thất Cao Đài tại Boston.”

NCV: “Ah, sao lại thế?”

TTM: “Tôi đã tham dự các buổi đại lễ của nhiều tôn giáo, nhưng riêng với buổi đại lễ kỷ niệm ngày đạo Cao Đài được sáng lập đã để lại nhiều ấn tượng đẹp. Tôi không chỉ đến tham dự như một người khách nhưng đã thật sự tham gia vào các nghi thức từ đọc kinh, đến việc bái lạy như các đạo hữu khác trong thánh thất.  Đặc biệt trong buổi đại lễ hôm ấy có một nhạc sĩ Cao Đài (mời từ VN) ngồi trên ghế, một chân làm điểm tựa cho cây nhị cầm một chân thả lòng xuống sàn nhà và ông ta đã nhắm mắt kéo dây đàn theo tiếng cầu kinh của đạo hữu. Cuối lễ tôi đã lân la đến hỏi vị nhạc sĩ về thể loại nhạc ông biểu diễn trong đại lễ và được biết là ông đã đệm đàn theo các cung điệu của Đờn Ca Tài Tử.”

NCV: “Thế ông nghĩ gì về các cung điệu này?”

TTM: “Thành thực mà nói, vì trong đại lễ hôm ấy chỉ có một nhạc khí đơn sơ, đơn âm nên nghe lâu thấy ý nhạc lặp lại nhiều lần và giảm đi sự thu hút so với tính dân tộc trong buổi lễ.  Rất tiếc là chỉ có duy nhất một nhạc khí đệm nền cho buổi cầu kinh hôm ấy.  Giả như có thêm nhiều nhạc khí cả Ta và Tây thì hay biết mấy.  Nhưng mình nên trở lại vấn đề đang bàn về giọng hát Trúc Tiên và các ca khúc trong CD Dạ.  Theo ông thì CD này có sắc thái nào nổi bật?”

NCV: “CD “Dạ” cho thấy một nét một vẻ đặc sắc, rất riêng – như tôn lên một biểu tượng sống động nỗi niềm tâm sự trong đĩa hát. Ta nghe thấy nỗi niềm tâm sự ấy rất gần và càng gần hơn, nhờ giọng hát có âm sắc trung thực sáng gọn, hồn nhiên vượt ra khỏi kỹ thuật thanh nhạc “đóng khung” cảm xúc để đưa diễn cảm đến trọn phần “tâm linh” rất cao và quí của phong cách Đàn Ca Tài Tử – song hành nương theo tâm lý Nguyệt cầm (đờn Kìm), Song lan và các nét đặc trưng của âm giai điệu thức, trải qua bao đời, ví dầu… xa mặt mà không cách lòng.

TTM: “Về nhạc tính của Đờn Ca Tài Tử, có gì đáng chú ý?”

17bncv --- ttd2

NCV: “Khi cơ quan hàn lâm UNESCO ý thức nhìn nhận giá trị Đờn Ca Tài Tử với quốc tế, loại hình nghệ thuật này vẫn-đã là vàng là son theo từng thời kỳ tách rời, hội nhập, tiếp thu, phát triển, cải tiến theo nền âm nhạc VN rất độc lập với những hệ thống nhạc lý riêng. Nhạc và Ca liền lạc Hòa /Đối /Cộng /Sinh thể hiện những tâm lý âm thanh và nét đặc trưng tuyệt hảo.

Nền Ca Cổ nhạc phong phú của Người Việt dựa trên ba (3) thang âm điệu thức nguyên thủy theo thuật ngữ vẫn có tên là, hơi Bắc, hơi Xuân và hơi Ai, tuy có chút biến đổi hoặc đảo trạng xen kẽ (Nam) trong tùy từng điệu thức. Và, ngay từ đây, từ sự tổng hợp khéo léo, các nhạc sĩ tiên phong miền Nam đã sáng tạo thêm ra một thang âm độc đáo thứ tư, đó là hơi Oán. Hơi Oán thêm vào này, định hình thể loại âm nhạc Tài Tử miền Nam dựa trên bốn (4) thang âm điệu thức. Âm giai Oán: Hò Xự Xang Xê Cống Oan Liu = Đô Mib Fa Sol La Đố … Trội vượt lên, mới mẻ, gợi hương khoe sắc, thích ứng tâm tình gần gũi tâm hồn người miền sông nước hiền hòa. Một trùng hợp ngẫu nhiên với thang âm Blues phôi thai nền Nhạc Jazz Hoa Kỳ. Ngay cả nghệ thuật ứng tác của từng thành phần ban nhạc đệm cũng rất tự do phơi phới và rất riêng.”

TTM: “Từ nãy giờ, mình bàn hơi nhiều chuyện bên lề, quên cả cô Trúc Tiên.”

NCV: “ Đúng vậy, chào Trúc Tiên, trước hết là chúc mừng cô đã can đảm đi tìm nghệ thuật trong dòng Dân Ca Nam Bộ. Lý do nào thúc đẩy cô thực hiện việc thu âm các bài dân ca nam bộ (tài tử) này ? 

Trúc Tiên: “Chào hai anh và chào quý độc giả.  Thưa hai anh, Trúc Tiên chọn thu âm các bài bản tổ của Đàn Ca Tài Tử vì nhiều lý do. Thứ nhất là Trúc Tiên thấy hiện nay, hầu hết các chương trình văn nghệ trong lẫn ngoài nước hiếm khi dành cho thể loại nghệ thuật này chỗ đứng xứng đáng. Nói về nhạc cổ truyền miền Nam thì mình thường nghe những bài lý, dân ca, hò, hay vài câu vọng cổ rải rác vài nơi vào những dịp xuân về tết đến. Từ khi Unesco công nhận Đàn Ca Tài Tử –có người viết như nói theo giọng Lục Tỉnh là “đờn”– là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại (2014) thì trong nước nổi lên một số chương trình như thi tuyển Giọng Ca Vàng, The Voice…, nhưng thường các bài bản được chọn để thi thố là các bài điệu Vọng Cổ, một trong những điệu mới của Đàn Ca Tài Tử. Các điệu xưa hơn chút như Tứ Đại Oán, Long Ngâm, Nam Ai… vẫn chưa được nhắc nhớ thỏa đáng.

Đàn Ca Tài Tử không chỉ là Vọng Cổ, đó là lý do thứ nhì thúc đẩy Trúc Tiên trình bày các bài bản cổ, giới thiệu đến thính giả. Vì từ cuối thế kỷ 19, khi các nhạc quan của triều đình Huế theo hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi xuôi Nam đã hòa Nhã Nhạc Cung Đình Huế vào nhạc lễ và cái chân chất của người miền Nam để cải biên thành những bài bản tổ ; nhưng Nhạc Tài Tử (tên gọi ban đầu) thời đó lại chỉ dành riêng cho giới thượng lưu. Mãi cho đến khoảng năm 1920 khi bộ môn ca kịch Cải Lương ra đời rồi thịnh hành thì các bài bản Đàn Ca Tài Tử mới phần nào đến với công chúng, nhưng chỉ để phụ họa, gọi là “lấy hơi” cho các câu Vọng Cổ trong tuồng Cải Lương ; vài câu Nam Ai đầu tuồng, hay nửa bài Nam Xuân phía cuối tuồng…, thế nên các điệu cổ này cho đến bây giờ vẫn chưa thân quen với quảng đại quần chúng, vì có bao nhiêu dịp được nghe trọn một bài đâu. Nói là gia tài của ông bà để lại mà mình không được thưởng thức cách trọn vẹn thì làm sao mình thương, mình hiểu để bảo tồn hay phát huy được. Vì thế, với đĩa nhạc “Dạ”, Trúc Tiên mạo muội trình bày 10 trong 20 bài tổ của Đàn Ca Tài Tử. Mong là tiếng hát của mình gợi lại chút gì thân thương trong tiềm thức mỗi người Việt tha hương, như tiếng gọi về cội nguồn. Và đó là lý do thứ ba Trúc Tiên chọn hát các bài bản Đàn Ca Tài Tử.”

TTM: “Cô có giọng văn biên khảo, nói như giảng bài. Tốt lắm.  Câu trả lời này là một bài học súc tích cho riêng cá nhân tôi.  Tuy nhiên những điều cô giải thích cũng rất hữu ich cho người còn xa lạ với nền Dân Ca Nam Bộ, nhất là loại Đờn Ca Tài Tử.  Xin cô cho độc giả  và thính giả biết Người nghệ sĩ dân ca nam bộ nào cô ngưỡng mộ?” 

TT: “Câu hỏi này làm Trúc Tiên suy nghĩ nhiều hơn một chút vì trong đầu Trúc Tiên có rất nhiều tên tuổi. Nhưng sau cái “chút chút” đó thì điều quan trọng Trúc Tiên muốn chia xẻ là trong quá trình tập hát các bài bản cổ, điều Trúc Tiên ngưỡng mộ nhất nơi những nhạc sĩ và ca sĩ Đàn Ca Tài Tử là tấm lòng, vì đam mê nghệ thuật, lúc nào cũng mở rộng chào đón những ai đến với thể nhạc này.” 

NCV: “Cô chía sẻ với đọc giả và thính giả đôi điều liên quan đến tiến trình việc thực hiện công trình thu âm này và ai giới thiệu hay hướng dẫn cô về thể nhạc Đờn Ca Tài Tử?” 

TT: “Mặc dù Trúc Tiên chào đời ở Mỹ Tho, là cái nôi của Đàn Ca Tài Tử, và dù đã được ông nội dạy hát cho từ thuở… mới u ơ, nhưng khi lên 11 tuổi, Trúc Tiên đã phải cùng gia đình sang định cư bên Pháp, nên khi tìm về với cội nguồn, Trúc Tiên tốn rất nhiều thời gian truy lùng bài ca, bản nhạc để tập hát cho đúng nhịp đúng điệu. May mắn là mình hiện đang ở thế kỷ 21 của công nghệ thông tin đầy tiện lợi nên Trúc Tiên có thể tìm thấy trên Internet để nghe các bản đàn của các chú bác nghệ sĩ bên nhà, như bác Ba Tu chẳng hạn. Có gì không hiểu, Trúc Tiên hỏi ; không có bài hát, Trúc Tiên xin… Có thể là do các chú bác nghệ sĩ bên nhà thương Trúc Tiên ở nước ngoài mà còn ham học hát bài bản cổ nên tận tâm chỉ dẫn. Đặc biệt, có một ca sĩ nổi tiếng (yêu cầu ẩn danh) chỉ cho Trúc Tiên từng nốt xàng, nốt xê, lúc ngân, lúc láy… Trúc Tiên hát và thâu âm theo bản đàn rồi gởi về, anh ấy nghe xong chỉ dẫn cho Trúc Tiên hát đúng hơn.

Sau khi đã hát đúng nhịp đúng điệu, khó nhất là tìm được ít nhất 4 cây đàn chuyên nghiệp để đàn các bài bản cổ này và là nguyên bài chứ không phải vài câu thôi. Trúc Tiên nhớ có lần liên lạc với một nhạc sĩ bên nhà, bác ấy hỏi : « Nam Ai con hát bao nhiêu câu ? » Trúc Tiên thưa “43 câu”. Bác ấy lắc đầu : « Thời này còn mấy ai đàn 43 câu mà con hát ? Mà 43 câu thì cũng đâu có ai nghe ! »

Vì chưa có kinh nghiệm nên nhạc nền phải thâu đi thâu lại nhiều lần cho đến khi đúng với bài bản. Như Trúc Tiên đã thưa ở trên, khó nhất là tìm được “chuyên cầm” Đàn Ca Tài Tử để thực hiện phần nhạc nền.

Sau khi thâu nhạc nền và tiếng hát xong thì đến phần điều âm (mixage) sao cho đúng “hơi cổ” cũng là một vấn đề không dễ giải quyết. 10 nhạc phẩm của đĩa nhạc “Dạ” này cũng đã trải qua lắm… bổng trầm.”

TTM: “Thật ra thì nghệ thuật, nhất là nghệ thuật biểu diễn ca khúc cổ không chỉ khó về diễn tả nhưng khó cả về mặt tạo ấn tượng và sức thu hút nguồn thưởng lãm. Xin cô cho biết Tại sao cô chọn những bài hát trong CD này?” 

TT: “Thưa hai anh, với các bài bản tổ của Đàn Ca Tài Tử thì quan trọng nhất là “điệu”, sau đó mới đến câu chuyện mà soạn giả muốn lồng vào các điệu đó. Nên Trúc Tiên chọn điệu trước. Cũng như bên tân nhạc, có “tông” trưởng hoặc thứ, thì bên cổ nhạc miền nam chúng ta có “hơi Bắc” vui nhộn, “hơi Nam” se buồn và “hơi Oán” thống thiết.Ví dụ, các điệu Xàng Xê, Long Ngâm, Ngũ Đối Hạ thuộc hơi Bắc, âm hưởng mạnh mẽ, hùng hồn thường dùng trong những buổi tế lễ mang tính cách trang nghiêm. Các điệu Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo thì là hơi Nam với cung cách ung dung, nhẹ nhàng, có buồn thì man mác, thường được dùng để kể chuyện. Trong khi các điệu Tứ Đại Oán, Phụng Cầu, Phụng Hoàng, thuộc hơi Oán nên dòng nhạc uỷ mị, buồn đứt ruột.”

NCV: “Trong các lãnh vực từ  học vấn, kinh doanh, chính trị, hay nghệ thuật, ngoài các bậc thầy, người ta thường có người hướng dẫn và nâng đỡ, tiếng Anh gọi là Mentor, Ai là người khuyến khích hay nâng đỡ cô thực hiện công trình thu âm này?” 

TT: “Người đầu tiên thuyết phục Trúc Tiên thực hiện đĩa nhạc “Dạ” này không ai khác, chính là “Anh Nhà” của Trúc Tiên, và cũng là người khuyến khích, nâng đỡ tinh thần khi Trúc Tiên gặp trở ngại. Ngoài ra, còn nhiều, nhiều người nữa…”

NCV: Ôi, ai có duyên may hơn! Cho tôi gửi lời chào thăm người bạn hòa nhã hiền lành, nhà thơ nhạc sĩ Vũ Hạ, mừng anh và ca khúc mới Tiếng Chuông Ngân vừa hoàn tất rất ưng ý.

TTM: “Tôi không phải là nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật, nhưng đọc về sinh hoạt của các nghệ sĩ, nhất là các ca sĩ, việc thực hiện một công trình thu âm ca khúc không đơn giản.  Xin cô Kể lại vài kỷ niệm hay sinh hoạt trong thời gian thực hiện công trình thu âm cho các bài hát trong CD Dạ.” 

TT: “Thưa hai anh và quý độc giả, Trúc Tiên xin kể lại kỷ niệm nho nhỏ vui vui nhưng rất trân quý của Trúc Tiên vì là lần đầu tiên trong đời đặt chân đến phòng thâu – trước đó, tất cả liên lạc về các vấn đề kỹ thuật, gởi nhạc nền… đều qua điện thư (email) – đó là khi mới vừa bước qua ngưỡng cửa của Studio Bảy Nốt Nhạc tại Sài Gòn, cạnh nhà thờ Tân Sa Châu, Trúc Tiên tự giới thiệu thì thấy mọi người cứ trố mắt ra nhìn mình, vẻ ngạc nhiên và có phần lúng túng. Gương mặt lúc đó của các anh chị chuyên viên phòng thâu giờ Trúc Tiên vẫn còn nhớ rõ mồn một. Thân thiết hơn sau những ngày thâu âm, các anh chị mới kể lại là lúc đó các anh chị ấy đang chờ Trúc Tiên với hình ảnh một phụ nữ đứng tuổi, tóc dài, bận áo bà ba, mang guốc không chừng…, chứ không phải tóc ngắn con trai, ăn mặc tân thời và nhất là còn nhỏ tuổi (!) Có một điều vui nữa là về cách phát âm. Trúc Tiên ở bên Pháp từ bé nên phát âm các vần “đ” và “t” kiểu ảnh hưởng tiếng Pháp, không giống người Việt thuần túy.Thế nên anh chuyên viên kĩ thuật ghi âm đã phải mất khá nhiều thời gian tập Trúc Tiên phát âm sao cho đúng. Cứ hễ mỗi lần hát đến những âm đó là Trúc Tiên lại luống cuống, lọng ngọng. Nói trong bụng là phải chi biết trước sẽ chỉ chọn những bài hát không có hoặc ít các vần “đ”, “t” cho an thân !”

NCV: “Hát có nghĩa là mang lời ca và dòng nhạc vào trái tim người nghe. Chính ca sĩ phải có khả năng hoà chính trái tim và tâm hồn mình vào lời ca điệu trước thì mới làm rung động được con tim và tâm hồn người nghe.  Cô nghĩ gì khi hát và diễn tả những bài hát này?”  

TT: “Thưa, sau phần chọn theo hơi điệu, mỗi bài hát Trúc Tiên chọn đều gắn bó với tâm tình mà Trúc Tiên muốn gởi qua tiếng nhạc lời ca. Như bài Quan Âm Thị Kínhđiệu Xàng Xê, mỗi lần Trúc Tiên buồn vì có người nghĩ oan cho Trúc Tiên, Trúc Tiên sẽ hát bài này để vuốt ve nỗi buồn, nhắc mình tự chịu đựng vì hình như không có nỗi oan nào hơn oan tình của Thị Kính. Khi hát bài Tình Bằng Hữu điệu Nam Đảo là lúc Trúc Tiên nhớ về quê nhà, mong ước được gặp lại bạn bè thuở nhỏ đánh đũa, nhảy dây. Các bài  Nam Quốc Sơn Hà điệu Long Ngâm hay Hồn Thiêng Sông Núiđiệu Ngũ Đối Hạ, Trúc Tiên hát để nhớ đến tổ tiên với bao khó nhọc gầy dựng và để lại những gì tốt đẹp nhất cho chúng ta, chúng ta có bổn phận gìn giữ, như Đàn Ca Tài Tử nói riêng, văn hóa hoặc hơn nữa là tổ quốc nói chung.” 

TTM: “Cô cho biết đôi điều về kinh nghiệm học thuật và sinh hoạt nghệ thuật của cô.” 

TT: “Thưa, ngoài âm nhạc ra thì Trúc Tiên rất thích và có chút ít năng khiếu về hội hoạ nên thường giúp vẽ bìa sách, bìa đĩa nhạc (CD)… cho bạn bè cũng như các cộng đoàn như Ban Tu Thư Giáo Xứ Việt Nam Paris, Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại… Trúc Tiên cũng đã nhiều lần trang trí sân khấu cho những buổi văn nghệ của các cộng đoàn người Việt ở Paris. Thỉnh thoảng Trúc Tiên cũng làm thơ viết văn để không quên tiếng Việt và chia sẻ vui buồn với bạn bè.”

NCV: “Cô còn dự kiến gì trong tương lai gần?” 

TT: “Thưa quý anh, như con cháu kể lại chuyện ông bà, Trúc Tiên mong ước được kể lại “câu chuyện Đàn Ca Tài Tử” bằng lời ca tiếng nhạc đến với các cô bác, các anh chị, không chỉ ở Pháp, mà khắp các nơi để kêu gọi mọi người chung sức góp tay góp tiếng làm sao để một thể nhạc dân tộc không bị thất truyền. Thế nên, ngay từ bây giờ Trúc Tiên bắt đầu cuộc hành trình, trước hết là các quốc gia thuộc châu Âu như Na Uy, Đan Mạch, Đức… ; sau đó mong rằng sẽ được gửi tiếng hát đến những châu lục khác như Úc, Mỹ…” 

TTM & NCV: “Chúng tôi cảm ơn cô.  Cầu chúc cô tràn đầy ơn phước Quê Mẹ. Chúng tôi là đồng hương xa quê nhà nhất là đồng hương Miền Nam được nghe cô qua những bản dân ca đắc ý đã phát sinh ra từ miền đất phì nhiêu mầu mỡ của Việt Nam.  Chúng tôi hy vọng rằng dựa vào nền tảng nghệ thuật của Đàn Ca Tài Tử, các nhạc sĩ sẽ sáng tạo những ca khúc mới với tiến trình âm giai mới, hòa âm và được trình tấu phụ họa bằng những giàn nhạc giao hưởng tân kỳ. Các ca sĩ cũng có thể hát nhiều bè theo những nhịp điệu mới.  Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi cuộc điện đàm và bút thoại này của chúng tôi.”

Kính mời quý vị thưởng thức một ca khúc tiêu biểu trong CD “Dạ” – Khúc Nhạc Uyên Ương – Soạn giả Hoàng Song Việt – Tiếng hát Trúc Tiên.

https://www.youtube.com/watch?v=29Nb9i0kHEM&list=PLLzn7nxrsUzWKd8kd8lIF43Wx4kiGh3vH&index=3

Quý vị muốn có CD “Dạ” xin tùy nghi liên lạc địa chỉ xuất bản phát hành:

Vũ Hạ, 3 rue Aristide Maillol – 78370 Plaisir – France. /Email: tranh@orange.fr /Phone: 0646610446 /Đa tạ.

Nhất Chi Vũ & Trần Thu Miên

Boston