"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

 

Giới Thiệu Sách:

Việt Nam, A History From Earliest Times To The Present

 

18Dhvhvn1Việt Nam, A History From Earliest Times To The Present (Việt Nam, Một Sử Ký Từ Thời Sớm Nhất Cho Đến Hiện Nay); Oxford University Press, 2017. Tác giả là Ben Kiernan, Giáo sư “Sử học và Các Môn Học Quốc tế và Vùng” tại Đại học Yale nổi tiếng. Ông từng lập ra Chương trình về Diệt Chủng Cambodia và Chương Trình Nghiên Cứu Về Diệt Chủng. Sách của ông trước đây bàn về diệt chủng ở Cambodia cũng như trong những giai đoạn khác của lịch sử loài người. Tác giả muốn trình bày sử Việt Nam với một tầm nhìn sâu xa hơn trước đây: "những chân trời lâu dài hơn- thường là lâu hơn nhiều- là một thế hệ, một đời người, hoặc những chiều dài đại khái căn cứ trên cuộc sống (biological time-spans) đã từng định nghĩa đa số các bài viết về lịch sử gần đây". Có những trang thú vị về ngôn ngữ Việt Nam, các nhóm thiểu số miền Cao Nguyên và tương quan giữa VN với các nước Đông Nam Á. Tác giả "đánh giá Việt Nam không chỉ trong những mối tương quan chính trị và văn hoá lâu dài với Trung Hoa, mà còn trong bối cảnh của lịch sử Đông Nam Á Châu và toàn cầu, kể cả lịch sử môi trường" (trang 6). 

Tác giả đề ra 3 yếu tố liên tục dài hạn (themes of long-term continuity, perennial themes) của lịch sử Việt Nam:

1) Môi Trường: vai trò rất quan trọng của 'văn hoá nước', gồm biển, sông , hồ,... đời sống chung quanh đồng lúa nước, giao thông trên sông rạch, con trâu trầm mình dưới nước.."Một đức tính đặc biệt của tác phẩm này là sự bao hàm của nó về lịch sử môi trường và ngôn ngữ. Tác giả giải thích một cách hiệu quả địa lý và các thay đổi thời tiết (hạn hán, vv) ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của lịch sử và chứng minh làm thế nào sự thay đổi ngôn ngữ theo thời gian cung cấp thông tin về quá khứ của Việt Nam” (Library Journal) 

2) Tiếng Việt từ thời Pro-Vietic trên 2000 năm trước cho đến tiếng Việt thời hiện đại, cũng như Tiếng Chăm và Khmer vẫn được sử dụng trong một số cộng đồng ở Việt Nam. 

3) Huyết thống: trung thành với gia đình, dòng họ, theo tác giả còn mạnh hơn ở Trung Hoa. 

Khác với Taylor, Kiernan viết về sự liên tục trong ngôn ngữ và văn hoá Việt: "Từ thiên niên kỷ đầu trước công nguyên trở về sau,dân chúng trong một số phần của vùng này [lãnh thổ Việt Nam] nói những ngôn ngữ Proto-Vietic và Vietic, là những ngôn ngữ tổ tiên của các phương ngữ của tiếng Việt hiện đại, tuy thuộc về thời sơ khởi nhưng vẫn có thể nhận diện được một cách khoa học. Và [điểm] thứ ba [về tộc hệ], mặc dù các cá nhân hay các nhóm lắm khi di chuyển và có thể học nói hay chuyển từ một ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác qua thời gian, một số di sản về họ tộc (genealogical heritage) và những sở thích riêng về văn hóa (cultural affinities) vẫn tồn tại dễ dàng như ngôn ngữ của họ vậy." (trong “Introduction”, trang 7) 

Ngoài ra , tác giả đưa ra 7 yếu tố lịch sử “có tính cách biến đổi” gọi là "seven transformative historical forces": 

1) Sự đô hộ của Tàu trong thiên niên kỷ đầu tiên. 

2) Thay đổi khí hậu: Nước Đại Việt, sau khi tách rời khỏi Đế Quốc Trung Hoa vào thế kỷ thứ 10, được hưởng cái gọi là "Giai đoạn Ấm thời Trung Cổ" (Medieval Warm Period); trong nhiều thế kỷ mưa nhiều hơn làm thu hoạch lúa cao hơn trong nước cũng như ở các nước lân cận, và tạo cơ hội cho những quốc gia nông nghiệp (agrarian states) thành hình. Đến đổi, dù thời kỳ ấm này đã chấm dứt, Đại Việt đã tích lũy đủ sức mạnh để chống đỡ được các cuộc xâm lăng của Tàu Nhà Minh và Chàm, không những thế còn mở rộng bờ cõi của mình về phía nam. 

( Giai đoạn ấm thời trung cổ kéo dài 3 thế kỷ từ năm 850 cho đến năm 1250, sau đó khí hậu lạnh hẳn xuống và được gọi là "Thời đại băng đá nhỏ" cho tới năm 1850. Hiện tượng này được cho là xảy ra ở vùng bắc Đại Tây Dương và Âu Châu nhưng cũng xảy ra ở vùng Đông Nam Á, tuy chuyện này còn được tranh luận. Có thuyết cho rằng, thời tiết thuận tiện cho trồng trọt và cho việc sinh sản tăng dân số là những yếu tố quan trọng từ cuối thế kỷ thứ 10 cho đến thế kỷ thứ 13, thời mà Việt Nam (Đại Việt) mới tách khỏi lệ thuộc phương Bắc, và vương quốc Chăm phát triển ở phía nam. Thời này cũng là những năm thịnh vượng ở Cambodia (Angkor của người Khmer), Miến Điện (Pagan), với những đền đài hoành tráng được dựng nên, tương tự như những nhà thờ ở Kiev hay các vùng tây nước Nga, cũng như những đền vĩ đại ở Ấn độ.)(Theo "Asian Expansions: The Historical Experiences of Polity Expansion in Asia", edited by Geoff Wade)   

3)Di dân từ vùng này qua vùng khác. Từ cuối thế kỷ thứ 15, các nhóm quân sự cũng như dân sự tiếp tục định cư các vùng đất Chàm. Ngược lại, những cộng đồng Chàm bị ép buộc di dời vào vùng đất người Việt; ví dụ 3 làng người Chăm bị ép buộc di dời vào Nghệ An những năm 1250, và 7 thế kỷ sau, một 'ốc đảo" Chàm vẫn còn được một học giả người Pháp nhận diện ra. Mặc dù họ đã đổi qua nói tiếng Việt, vẫn còn những nét văn hoá Ấn giáo tồn tại trong nếp sống của họ. Hay vào thế kỷ thứ 19-19, những người từ bắc vào định cư ở đồng bằng sông Cửu Long cũng đã hấp thụ các phong tục, tín ngưỡng cũng như kỹ thuật cày cấy của người Khmer. 

4) Việt Nam càng bành trướng về phía nam thì vai trò của biển trong nên kinh tế càng phát triển. Sau khi chiếm được phần lớn lãnh thổ Chàm, người Việt đi từ một thế giới trên sông Hồng (riverine world) qua một thế giới mở rộng ra vào một trong những đường hàng hải quốc tế trên đại dương thuộc loại lớn nhất thế giới, là nơi trung chuyển (transit) hàng hoá từ Nhật, Trung Hoa, Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông. 

5) Càng "Nam Tiến", các khác biệt giữa 3 miền sẽ có những điểm khác biệt rõ nét hơn. Ví dụ những phương ngữ của tiếng Việt sẽ bị ảnh hưởng vì dân ở 3 miền trước đó từng nói 3 thứ tiếng khác nhau: Việt ở miền Bắc, Chàm ở miền Trung và Khmer ở miền nam. 

6) Vẫn có sự dị biệt dai dẳng về lịch sử và chính trị giữa người Việt ("ethnic Vietnamese"): Đàng Trong vs Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn phân tranh TK 17-18; Miền Nam là thuộc địa Pháp trong lúc Miền Trung và Bắc chỉ là vùng bảo hộ vẫn dưới sự cai trị của triều đình Huế; hai chế độ cọng sản và tự do thời 1945-1975. Những dị biệt này chối bỏ ý niệm của một "quá khứ đơn độc cho Việt Nam" ("Many voices that undermine a single Vietnamese past"- Taylor). 

7) Hiện tượng toàn cầu hoá của kinh tế, văn hoá và chính trị Việt Nam, ví dụ ảnh hưởng của tư tưởng, kỹ thuật và chữ viết từ Tây phương, nhất là trong thế kỷ thứ 20 và 21. 

Một trường hợp điển hình trong cố gắng nhìn đa diện của Ben Kiernan là chân dung TT Ngô Đình Diệm (trang 407). Thay vì mô tả TT Diệm như một "ông quan, một nhà Khổng giáo cuối cùng", tự cho mình thừa hưởng "Thiên Mệnh" để cầm quyền như các sách bào Mỹ thường làm trước đây, ông viết:
"Ông Diệm và người em bí ẩn của ông, ông Nhu, là những chính trị gia của thế kỷ thứ 20. Mặc dù họ chống chủ nghĩa thực dân, các ý thức hệ châu Âu ảnh hưởng đến họ không kém gì tư tưởng Việt Nam và Khổng   giáo. Các tin tưởng Công giáo có địa vị cốt lõi trong cả hai người, cũng như các tín điều của ông Nhu về chủ nghĩa nhân vị (personnalisme) và những điều ông vay mượn từ học thuyết chống nổi dậy của thực dân Pháp kể cả chuyện tiên phong các "ấp chiến lược". Hai anh em phô bày một quan tâm từ lâu về tổng hợp các yếu tố văn hoá Đông và Tây trong một triết lý chính trị hiện đại. Một người quan sát thời đó cho rằng ông Diệm là một hỗn hợp quý tộc giữa một Nho sĩ -nhà lãnh đạo tầm cỡ, một triết gia-vương quân kiểu Plato và một người Thiên Chúa giáo sùng đạo."(...an aristocratic amalgam of a “Confucian scholar-statesman, a Platonic philosopher-king and a devout Christian.” trang 407). Nói chung những nét chính được tác giả nêu ra là độc tài và gia đình trị: "Gia đình họ Ngô là những người Việt theo chủ nghĩa quốc gia nhưng họ không xem mấy ai khác là [người quốc gia] giống như họ. Tác giả còn dẫn lời Lansdale cho rằng chế độ ông Diệm là một "quốc gia phát xít đang trỗi dậy", "theo kiểu lãnh đạo bởi một Đấng cứu thế hơn là một nhà nước Khổng giáo" ("a emerging fascist state, more messianic than Confucian")(trang 408). Theo Ben Kiernan (trang 409, Việt Nam), sử gia Trương Bửu Lâm về Việt Nam tháng 5/1957, sau một thập niên ở châu Âu. Ông trở thành giám đốc Viện Nghiên Cứu sử và dạy tại các đại học Sài Gòn, Huế, Đà lạt. Năm 1957-58 ông và các nhân viên luôn luôn đi đây đi đó. Họ lái chiếc xe van của viện đi khắp miền Nam Việt nam, vùng này qua vùng khác để xem xét các di tích lịch sử và tiếp xúc rộng rãi với dân chúng từ vĩ tuyến thứ 17 cho đến mũi Cà Mau. Ông nhận xét chế độ làm cho người dân rất hoài nghi và chán ngán chính quyền (a lot of cynicism), và nhận xét về sự ưu 18Dhvhvn2đãi đối với người miền Bắc di cư và công giáo, cũng như tính cách độc tài, gia đình trị, toàn trị.
 

So với các sách ”A History of the Vietnamese” (Cambridge University Press, 2013) của Keith Taylor Vietnam và A New History (Việt Nam Tân Sử) (Basic Books 2016)) của Christopher Goscha từng giới thiệu trong hai bài trước, Kiernan bàn nhiều hơn về các vấn đề văn hoá xã hội. Nhà Tây Sơn được bàn đến trong 10 trang của chương 7, với những cải cách như dùng chữ nôm, hệ thống trường chữ nho, dùng thẻ thông hành..., có lẽ do ảnh hưởng của sử gia George Dutton tác giả của cuốn sách “The Tay Son Uprising: Society and Rebellion in Eighteenth-Century Vietnam” (2006), được xem là tài liệu tiếng Anh mô tả chi tiết nhất cuộc sống vào thế kỷ thứ 18 không chỉ ở Việt Nam mà luôn cả vùng Đông Nam Á. Các nhân vật nữ được đề cập với nhiều chi tiết. Ví dụ nữ tướng Bùi Thị Xuân cưỡi voi và bị xử tử do voi chà; riêng nữ sĩ Hồ Xuân Hương được dành riêng 3 trang trong sách sử này, với trích dẫn của 10 bài thơ khác nhau. Có lẽ những cameo lịch sử như vậy có thu hút sự hiếu kỳ hay ngưỡng mộ của người phương tây mà đối với xã hội của họ vai trò người phụ nữ có cá tính, trên chiến trường như Bà Trưng, Bà Triệu hay bà Bùi Thị Xuân, hay nổi loạn trong văn chương như Hồ Xuân Hương là những điều hiếm thấy ngay đến những thập niên gần đây. 

Tóm lại đây là một cuốn sách sử có tham vọng bao trùm hết chiều dài lịch sử Việt Nam, muốn đưa độc giả tây phương ra khỏi tầm nhìn ngắn hạn của Việt Nam như là một bãi chiến trường đẫm máu thời chiến tranh lạnh. Tác giả nhấn mạnh về vai trò yếu tố môi trường, nhất là khí hậu, thời tiết, địa lý (sông nước), một điểm thời thượng hiện nay khi mà các vấn đề "hâm nóng toàn cầu"(global warming) đang gây tranh cãi. Các ảnh hưởng văn hóa trên lịch sử có thể thú vị với độc giả Việt; các sách sử tiếng Việt ít đề cập đến các nền văn hoá khác ngoài Trung Hoa như Ấn Độ, Miên, Chàm, Đông Nam Á. Sách không quên vai trò của phụ nữ, một điểm không mới trong đất nước của Bà Trưng, Bà Triệu, Bà Bùi Thị Xuân, Hồ Xuân Hương, Bà Nhu nhưng lại là một điểm mới mẻ và thu hút cho độc giả tây phương, nhất là Mỹ, đang sôi nổi về bình đẳng giới tính (gender equality) và nữ quyền (feminism).

 

Hồ Văn Hiền

Ngày 21 tháng 8 năm 2017 

Ngày 13 tháng 10 năm 2018