"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

Giới thiệu cuốn sách nghiên cứu lịch sử "Việt-Nam và Công Cuộc Duy-tân" của Ngô thị Quý Linh (Nhà Xuất bản Ý Linh)

 

Người Việt hải ngoại chúng ta ngay lúc mới đặt chân trên miền đất mới đã cảm thấy nhu cầu tìm 19Ahvhvnv1hiểu về căn cước của mình. Lần đầu mình đối diện với những dân tộc khác, những nền văn hoá khác, không còn thuộc nhóm đa số của dòng chính trên đất nước mình mà trở nên một thiểu số trong một đất nước mênh mông và đa dạng như Hoa Kỳ, hay thậm chí trong một nước với dân số không lớn như Pháp, Úc, Anh , Đức.

Một trong những việc đầu tiên của người mới nhận ra địa vị "thiểu số" của mình là tìm hiểu về lịch sử, văn hoá của dân tộc của mình, ngay khi mà mình không còn tham gia trực tiếp trong dòng chảy của nó nữa, và oái oăm thêm, là ngay lúc mà trào sử học thế giới đang tháo gỡ, "deconstruct", những quan niệm cố hữu của chúng ta về quốc gia, dân tộc và văn hoá , trong khi trong nước lại đưa ra một "chuyện kể" (narrative) về lịch sử nước nhà hoàn toàn khác hay trái ngược với những gì chúng ta đã quen thuộc trước tháng 4 năm 1975.

Cho nên, người đọc sử Việt sẽ thấy mình may mắn tìm được tác giả Ngô Thị Quý Linh. Chị là một trong những cây viết nữ hiếm hoi về các đề tài lịch sử Việt Nam, viết khách quan, "nghiêm túc" theo lối nói hiện nay, và "nói có sách, mách có chứng", với nhiều nguồn tham khảo từ sách báo tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh mà chị đã cố gắng thu thập từ các thư viện lớn ở Mỹ ngay từ ngày mới định cư. Trước cuốn "Việt-Nam và Công Cuộc Duy-tân", Quý Linh từng xuất bản " “Lịch sử Việt Nam, từ thuộc Pháp đến độc lập 1858-1945” (2002). Ngoài ra chị còn là tác giả của "Sử Xanh Lưu Truyền" (1991), và "Lược Sử Triết Lý Giáo Dục Việt Nam" (1997).

Ngay trước khi đột ngột rời Việt Nam cùng với gia đình ngày 29 tháng 4 năm 1975, Quý Linh vẫn còn làm việc trong phòng cấp cứu tại Bịnh Viện Bình Dân với tư cách một sinh viên năm thứ hai tại Đại Học Y Khoa Sài Gòn. Có lẽ vì sự mất mát quê hương "không một lời từ biệt", bàng bạc trong các bài viết của chị (cũng như của phu quân, Bác sĩ Đỗ Hoàng Ý, một bác sĩ chuyên về giải phẫu mắt nhưng nặng lòng với sử học), là một tấm lòng tha thiết với quê cha đất tổ và biết ơn tiền nhân vẫn còn rất rõ nét dù đã mấy mươi năm tha hương

.
Sự trân trọng đối với tiền nhân, tiền đồ của nước Việt biểu lộ mạnh mẽ qua cách trình bày cuốn sách. Hình bìa màu, trang nhã, với bức tranh mộc bản màu do con gái chị, Đỗ Quý Linh Đan, thể hiện đời sống miền bắc vào đầu thế kỷ thứ hai mươi. Trang bìa báo hiệu những trang trong phong phú hình ảnh đen trắng cũng như màu từ nhiều nguồn gốc, các sách báo tiếng Pháp xưa, các trang báo tiếng Việt hơn nửa thế kỷ trước, tranh của họa sĩ người Mỹ Robert Boyle và Mac Gowen, chứng tỏ tác giả làm chủ một bộ sưu tập rất đáng nể về hình ảnh lịch sử Việt Nam.

Nói về nội dung giữa hai trang bìa xinh xắn đó, đề tài "duy tân" ở đây được hiểu rộng rãi, bao gồm các khía cạnh văn hoá, xã hội trong công cuộc Âu hoá, tây phương hoá, canh tân hoá của Việt nam từ lúc bắt đầu Pháp thuộc cho đến năm 1945, hơn là chỉ giới hạn trong khía cạnh chính trị của những vận động như phong trào Duy Tân vắn số (1906-1908) của Phan Chu Trinh, phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, hay các hoạt động liên hệ tới vua Duy Tân (như từ westernization và modernization mà tác giả dùng trong bài giới thiệu sách trên trang mạng Amazon).


Tác giả khéo léo dẫn dắt chúng ta vào bối cảnh của giữa thế kỷ thứ 19 lúc Tây phương tấn công vào các nước Á đông nhất là Việt Nam, tình trạng nước Tàu bị xâu xé, nước Nhật bắt buộc phải mở cửa trước nòng súng của chiến hạm Mỹ, kinh nghiệm đối phó của hai nước này, cũng là gương cho sĩ phu Việt Nam cố gắng noi theo; và sau đó những bài học từ văn minh, văn hoá Pháp; để đi đến những hướng đi mới cho "Duy Tân", "Âu Hoá" và "Điều Hoà" cho một nước Việt Nam mới.
Trước Quý Linh, một số học giả người Mỹ đã nghiên cứu về các biến chuyển trong xã hội Việt Nam dẫn đến những cuộc thay đổi lịch sử năm 1945, khi thế chiến thứ hai chấm dứt, Đế Quốc Nhật sụp đổ và hai cuộc chiến Việt Pháp , Việt-Việt- Mỹ bắt đầu, kéo dài trong 30 năm. Ví dụ Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945 (1981) và Vietnam 1945 (1995) của David G. Marr là những khảo cứu có tính cách kinh điển và khá đồ sộ.


Tuy nhiên, đọc sách của Quý Linh vẫn thú hơn, vì văn lưu loát nhẹ nhàng; các trích dẫn trong nguyên văn tiếng Việt không phải qua bản dịch tiếng Anh; người đọc không thấy nặng nề với các chú thích nặng phần kinh điển; những hình minh hoạ hiếm và đẹp (tuy đôi khi, có lúc không ghi ngày xuất bản, thiếu phần dịch ra tiếng Việt các phụ đề hay đoạn trích dẫn tiếng Pháp). Quan trọng hơn hết, vì sách do một học giả người Việt, viết với trái tim Việt, và do đó hiểu tâm tư, nhu cầu tinh thần, tình cảm của người Việt lúc tìm về cội nguồn, và như tác giả viết trong bài kết "nhìn lại công trình, cống hiến và hy sinh đã qua của sĩ phu duy tân và trí thức tân học trước năm 1945, chúng ta mang lòng cảm phục và nhớ ơn họ vô vàn."

Sách dày 234 trang, bìa giấy bóng, khổ 6x9. Độc giả có thể đặt mua sách, có chữ ký của tác giả,trực tiếp từ nhà xuất bản. Địa chỉ liên lạc: ylinhpublishing@gmail.com.

Hồ Văn Hiền
Great Falls, Virginia
Ngày 16 tháng 2, năm 2019
Đầu Xuân năm Kỷ Hợi