"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

 

ĐỘI BANH LÀNG NHƠN ÁI (1933)

 

Làng Nhơn Ái là một làng giàu có nhất Nam Kỳ, khi khánh thành cất lại chợ bằng gạch có các dãy phố lầu Marché de Phong Dien (chợ củ bên kia sông đối diện chợ Phong Điền ngày nay) được thống đốc Nam Kỳ đến kinh lý (năm 1943) có làm con lộ bằng đất sét hầm, ngang qua các mương rạch có cầu ván cho xe hơi chạy qua được từ chợ đến vàm Cai Cẩm (nhà ông Bá hộ Thái Văn Nhiêu) vì đó là cuối làng.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929-1930, ruộng đất trúng mùa liên tiếp, giá lúa tăng vọt nhờ có tàu sắt to lớn chạy máy hơi nước chở gạo xuất khẩu qua Trung Hoa, Bắc Phi thuộc địa của Pháp. Dân làng có nhiều cậu công tử du học bên Pháp có kiến thức, nhiều vốn. Họ cất phố chợ, nhà máy xay lúa, lên Sài Gòn mở công ty xuất nhập cảng, làng đã giàu lại càng giàu có thêm. Họ đua nhau cất nhà Tây như các kiểu nhà Tây hiện còn ở làng Long Tuyền (Bình Thủy) ngày nay, làng có hơn 30 ngôi nhà như thế, 6 nhà có xe hơi 3 chiếc Traction của ông Lê Bá Cang, Diệp Văn Giáp và ông Trần Ngọc Điển, 1 chiếc Ariès của ông Mười Thiệu và 1 chiếc xe đua Amica đắt tiền nhất thời bấy giờ của bác sĩ Lê Văn Hoạch, dưới bến có những chiếc ca-no. Chưa hết, còn có máy bay nữa, đầu tiên là ông Lê Bá Cang người có con kinh đào qua đất ông được đặt tên là kinh Cai Cang, sắm chiếc thủy phi thoàng (loại máy bay đáp dưới nước cánh đôi có dây sắt chằng chịt) để đi thăm ruộng, mấy năm sau Bác sĩ Lê Văn Hoạch cũng mua chiếc máy bay nữa. Khúc sông từ ngã ba sông Cần Thơ - Phong Điền - Cầu Nhiếm (tại cầu Tây Đô ngày nay) đến rạch Gừa gần Cầu Nhiếm rộng và thẳng rất tốt cho máy bay cất và hạ cánh.

Làng Nhơn Ái là 1 trong ba làng lớn và giàu có nhất của tỉnh Cần Thơ, hai làng khác là làng Tân An tại chợ Cần Thơ và làng Long Tuyền (Bình Thủy).

Cuối thế kỷ 19, làng Long Tuyền có 11.939 dân cư, làng Nhơn Ái có 10.464 dân cư, tương đương với làng Tân An là tỉnh lỵ Cần Thơ lúc bấy giờ với 10.000 dân cư (theo Guide annuaire illustré de la Cochinchine pour 1899 claude et cie, Saigon).

Thực tế dân số không đúng như vậy theo vị trí của làng vì người Pháp tính dân số theo cách dân cư ngụ trong điền của các nhà đại điền chủ chịu thuế, mặc dù đất đai đó của họ nơi khác.

 21alhudbl1a

HINH 01, Cầu tàu bến chợ Marché de Phong Dien, di tích duy nhất còn sót loại của cái làng giàu nhất Nam Kỳ trước năm 1945 (Hình chụp năm 2002)

Nhơn Ái là một làng trù phú, có nhiều gia đình giàu sụ tạo điều kiện cho các sinh hoạt như đờn ca tài tử, đá gà, đá banh, ... rất nhộn nhịp, sôi nổi. Đáng chú ý là phong trào đá banh, nhờ có nhiều cậu công tử, thanh niên con nhà giàu tham gia, lôi cuống trai tráng trong điền nên phong trào đá banh phát triển rầm rộ. Dân làng Nhơn Ái có tiếng là phong lưu "Trai Nhơn Ái, Gái Long Xuyên" mà!

 

Đầu thập niên 1930, phong trào đá banh thời đó gọi là “túc cầu”, ngày nay gọi là “bóng đá” phát triển khá sôi nổi, làng nào, huyện nào cũng tổ chức đội banh để thanh niên trai tráng tập dợt cho vui, đấu xã giao (giao hữu) với đội banh bạn, hầu hết đều là đội banh Nam. Sân banh làng Nhơn Ái khi ấy là khoảng đất ruộng bằng phẵng sau vườn của ông Hội đồng Quí ngang vàm Trà Niềng chỉ đá banh được mùa khô, mùa mưa bị ngập nước và cũng để cấy lúa.

Những chiếc “Cúp” bằng đồng làm giãi, về mặt tài chánh tổ chức gồm nước giãi khát, thức ăn cho cầu thủ các đội do một số nghiệp chủ, điền chủ cũng như những người có nhiều tiền hâm mộ môn đá banh tự bỏ tiền ra ủng hộ, như: Cúp Chung Phước Mỹ, cúp Lý Phước Thành, … tranh giãi ở sân banh Phong Điền, bởi các đội ở mấy làng lân cận thi tài với nhau.

 21alhudbl2

HINH 02, Bác vật Lê Hữu Chính (phải), ông Lê Hữu Nghĩa, anh ruột ông Chính (trái)

21alhudbl3

HINH 03, Cậu Mười Hai, Lê Hữu Dư, hình chụp năm 1932, khi cậu 22 tuổi)

 

Đội banh làng Nhơn Ái do hai anh em ông Lê Hữu Chính (bác vật Chính) và người em Lê Hữu Dư thường gọi là cậu Mười Hai lập (1933) khi đó cậu Mười Hai mới 22 tuổi.

Ông Lê Hữu Chính, tốt nghiệp Bác vật ngành Canh nông (Kỷ sư Nông nghiệp) tại Paris, có quốc tịch Pháp (Ông làm suôi gia với ông Trương Vĩnh Khánh con của học giả Trương Vĩnh Ký, cô con gái út của ông là cô Déla Lê gả cho ông Trương Vĩnh Khánh Jr. là cháu nội ông Trương Vĩnh Ký).

21alhudbl4

HINH 04, Ông Đinh Ký Ngọ, dân mê bóng đá trước năm 1975 đều biết “Trọng Tài Ngọ”, ông là dân làng Nhơn Ái – Hình khi còn trẻ, từ trái: Ông Huyền Vũ (Bên trái, nổi tiếng người trực tiếp tường thuật bóng đá cho đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, là sui gia với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu), ông Nguyễn Văn Phan (giửa) và ông Đinh Ký Ngọ (phải).

Ông Phan Khắc Sữu quê ở Trà Khiết, Cái Vồn (Vĩnh Long), tốt nghiệp ngành Canh nông (Kỷ sư Nông nghiệp) tại Pháp, Ông lập đội banh Nữ đầu tiên có lẽ Ông và ông Bác vật Lê Hữu Chính quen nhau từ khi du học nên đưa đội nữ Cái Vồn đá với đội banh làng Nhơn Ái. Cậu Mười Hai không muốn làm mất lòng người đẹp nên đội banh Nhơn Ái thua đội nữ Cái Vồn 1 banh (Con trai làng Nhơn Ái mà). Sau đó có mở tiệc tùng làm nguyên một con bò tơ khoảng đãi đội bóng bạn và đội bóng nhà, có mời ban hát đờn ca tài tử trình diễn cho cả làng cùng vui.

Chủ đích lập đội banh Nữ là để gây phong trào Nam Nữ bình đẵng, ngoài đá banh còn có các môn thể thao khác. Đội banh nữ Cái Vồn là đội banh nữ đầu tiên sau đó có đôi nữ trường Võ Văn (Cần Thơ), hai đội đấu giao hữu ngày chủ nhật 02-Julliet (ngày 02 tháng 7, 1933) tại sân banh Tham Tướng (tại đầu cầu Quang Trung ngày nay) được An Hà nhựt báo viết bài quảng cáo rầm rộ, khuyến khích phụ nữ tham gia phong trào thể thao và Nam Nữ bình đẳng.

Ông Phan Khắc Sữu là nhà cách mạng chân chính, ông bị Pháp bắt kêu án 8 năm giam ngoài Côn Đảo, nhưng khi Nhật đảo chánh Pháp Ông được thả trước thời hạn. Năm 1963 Ông lại bị Tổng thống Ngô Đình Diệm bắt kêu án cũng 8 năm tuy nhiên chỉ giam có ít tháng ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ nên Ông lại được trả tư do, và sau đó được bầu làm Quốc Trưởng thời VNCH (1966).

21alhudbl5

HINH 05, Quốc trưởng Phan Khắc Sữu (Ảnh Wikipedia)

21alhudbl6

HINH 06, Trích bài báo An Hà nhựt báo ngày 02 tháng 7 năm 1933 (Ảnh tư liệu)

Nhận xét về phong trào đá banh ông Sơn Nam viết: “… Kinh nghiệm thực tế cho chúng ta thấy rõ phong trào thanh niên tiền phong năm 1945 phát triển mạnh một phần nhờ ở số “cán bộ” của phong trào đá banh miền quê, ở chợ làng, chợ quận. Thời Pháp thuộc, những người chịu khó theo sát thời cuộc, tham gia sinh hoạt đờn ca, đá gà, cờ bạc, đá banh … chính là những người hữu dụng khi họ có đất dụng võ, khi họ “giác ngộ” bổn phận đối với đất nước.”

Khi trở về thăm quê củ, làm sao tìm lại được dấu xưa một thời hưng thịnh vượt bật của làng Nhơn Ái mà có lẽ mãi mãi chỉ còn lại là câu chuyện kể, …

Đội banh Ngôi Sao Gia Định lập đầu tiên năm 1908 tại Nam Kỳ, kế đến là các đội Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh, … vào khoảng năm 1918. Tuy đội banh làng Nhơn Ái lập sau (1932-1933) nhưng nổi tiếng khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, vì 4 ngôi sao Gia Định (4 cầu thủ gộc) là Tứ, Tốt, Chính và Lịch xuống đá cho đội Nhơn Ái nên họ đá đâu thắng đó, chỉ thua có một đội duy nhất là đội nữ Cái Vồn (Vĩnh Long)! Đó là câu chuyện kể lý thú của các cụ ngày xưa mà nay không còn mấy ai.

Các ông như Bác vật Lê Hữu Chính, cậu Mười Hai Lê Hữu Dư (thân phụ tác giả bài viết), ông Đinh Ký Ngọ (Trọng tài Ngọ) đến nay đều trên trăm tuổi, … một thuở xây dựng nên đội banh làng Nhơn Ái, lôi cuốn nhiều làng khác cũng lập đôi banh tiếp theo gây phong trào thể thao sôi nổi một thời. Có bao giờ làng Nhơn Ái lập đôi banh lấy lại được phong độ như ngày xưa không nhỉ?

Lê Hữu Uy

(Arizona, Feb, 03-2021)