"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

 

CHỢ PHONG ĐIỀN (CẦN THƠ)

 

  • ĐỊA DANH PHONG ĐIỀN

Phong Điền có nghĩa là vùng đất trù phú, địa danh này còn là nguyên quán của hai giòng họ Lê và Trần đến đây khai khẩn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Phong Điền nằm trên địa phận làng Nhơn Ái khi xưa thuộc quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ, ngày nay nâng lên thành thị trấn, huyện lỵ huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ.

Khoảng năm 1802 đến 1805, có gia đình ông Lê Tam từ huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên đến đây khai khẩn, lập nghiệp.

 

 21alhucpd1a

HINH 01, Mộ ông bà Lê Túc (Hương Chủ làng Nhơn Ái, con ông Lê Tam).

 

Khu mộ gia tộc ông Lê Tam trên phần đất ông Lê Hữu Phẫm (Hai Phẫm) và ông Lê Hữu Thế (Năm Thế) dưới mé sông có nhà máy nước đá, là con cháu đời thứ 6 của ông Lê Tam. Con cháu ông Lê Tam ngày nay đến đời thứ 12.

 

Kế tiếp có gia đình ông Lê Đăng Chánh quê gốc Bình Định cũng đến đây khẩn hoang cùng thời với gia đình ông Lê Tam.

Khi đó có khoảng 5-7 nhà quay quần tại ngã ba sông Cần Thơ- Cầu Nhiếm, và sông Cà Ròn (sông Phong Điền ngày nay), sau đó con cháu đông hơn và cùng một số lưu dân lập thành Nhơn Ái thôn.

21alhucpd2a

HINH 02, Mộ ông Lê Đăng Chánh (Lê Văn Chánh) 

Tại khu nghĩa trang gia tộc ông Lê Đăng Chánh có 14 ngôi mộ bằng đá, điểm đặc biệt là mỗi ngôi mộ xoay theo một hướng khác nhau tùy theo phong thủy của từng người. Nhà Tổ do ông Lê Quang Đang phụng thờ, phía trên lộ là Bộ chỉ huy quân sự huyện Phong Điền. Hiện nay con cháu gia tộc ông Lê Đăng Chánh đến đời thứ 11.

Đến đầu đời vua Minh Mạng có gia đình ông Trần Văn Chiến là người cùng quê với ông Lê Tam (Huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên) cũng vào Nam khai khẩn đất Nhơn Ái.

 

Khu mộ gia tộc ông Trần Văn Chiến, từ cầu Tây Đô đi vô hướng Cai Cẫm khoảng trên dưới 1 km, con cháu ngày nay đến đời thứ 8.

Đó là những giòng họ kỳ cựu, ngoài ra còn có một số giòng khác như các họ: Đinh, Phạm, Bùi, Nguyễn, Phan, Phạm, Lý, Huỳnh, Trương, Hồ, Dương, Trịnh, Lương, v.v… Người gốc Hoa có họ Liêu, Bành, Hứa, … cùng một số gia tộc nhỏ hơn xây dựng nên vùng đất Phong Điền nổi tiếng giàu có nhất Nam Kỳ ở tiền bán thế kỷ 20. Vậy mời bà con nhìn lại quá trình phát triển chợ Phong Điền qua lời kể của các cụ làng Nhơn Ái.

  • CHỢ PHONG ĐIỀN

+ Chợ Trà Niềng

 

Vào khoảng giửa thế kỷ 19 có cái chợ quê tại vàm Trà Niềng với vài tiệm tạp hóa lụp sụp gọi là chợ Trà Niềng. Khi xưa chưa cất chợ chỉ có mấy chiếc ghe hàng là loại tiệm tạp hóa lưu động, có đủ thứ mặt hàng kể cả rau, trái cây, ... bán dọc theo các sông rạch.

 

+ Marché de Phong Dien (1901-1946)

 

Sau đó vàm Trà Niềng bị đất sụp lở nên hương chức làng Nhơn Ái cho dời chợ qua bên kia sông là khu đất rộng rải hơn, họ cũng có dụng ý là cất chợ trên đất của mình để dễ làm ăn, chợ đó gọi là Marché de Phong Dien.

21alhucpd3a

HINH 03, Tờ hiến tặng khu đất để xây cất Marché de Phong Dien năm 1900 (Chợ Phong Điền trước năm 1945)

21alhucpd4a

HINH 04, Bảng phát họa chi tiết chợ Phong Điền trước năm 1946 do thầy Trần Ngọc Lương (Hiệu trưởng trường tiểu học Phong Điền đầu thập niên 1950).

Làng Nhơn Ái ở địa đầu của các làng Nhơn Nghĩa, Trường Long, Trường Thành, Tân Thới và luôn cả Bà Đầm, Thác Lác, Hòa Hưng (Rạch Giá), lại ở gần vàm kinh xáng Xà No là điểm giao thông qua lại của khách thương hồ khắp các nơi miền sông Hậu nên chợ Phong Điền khá phồn thịnh, sầm uất, ghe thuyền tấp nập nhộn nhịp dưới sông, nhất là vào tiền bán thế kỷ 20 khi giao thông đường thủy còn nắm ưu thế.

Từ cầu tàu ở bờ sông, chợ lớn bằng nhà lồng chợ Cái Răng ngày nay. Lúc đầu cái sườn nhà bằng sắt, sau đó cột sắt củ kỷ rỉ sét nên xây cất lại cột bằng gạch. Dọc theo bờ sông từ chợ đến ngang vàm Trà Niềng có con lộ trải đá sạch sẻ khang trang. Cặp lộ này, hai bên nhà lồng chợ có hai dãy phố xây bằng gạch mỗi dãy 20 căn tiệm. Dãy bên phải cất lầu, dãy bên trái chỉ có 2 căn đầu là có lầu. Dọc theo bờ sông có hơn mười cái Ki-ốt bán hàng, bán đồ ăn và giải khát. Hai bên hông nhà lồng chợ là 2 dãy phố lầu, mỗi dãy 10 căn cũng xây bằng gạch, có tiệm vàng bán nữ trang và tiệm cầm đồ.

Cuối nhà lồng chợ có con đường ngang chạy thẳng ra bờ sông Cà Ròn, có cất một dảy cầu tiêu chợ. Bên phải, phía bên kia con đường này có một dảy phố 15 căn của ông Trần Văn Truyện. Đối diện dãy phố 15 căn là nhà dây thép (Bưu Điện). Các căn phố đều có buôn bán đủ mọi thứ như chợ ngày nay, một ít dùng làm nhà ở.

Từ nhà lồng chợ đi thẳng lên là nhà công sở rất lớn, có nền đúc cao, đó là nơi làm việc của hương chức làng và thầy hương quản trông coi trật tự và đi bắt ăn trộm.

Tuốt ở trong giáp với kinh chợ là trường tiểu học Phong Điền quay mặt về bờ kinh, quay lưng về phía chợ, có 6 phòng học cho 6 lớp. Năm căn cất liền nhau cho năm lớp: năm, tư, ba, nhì một năm và nhì 2 năm. Một căn cất rời ra dùng làm văn phòng ông Hiệu Trưởng sau dành cho lớp nhất. Kế đó là xóm Tiều cuốc rẩy gọi là xóm Tiều trên. Còn xóm Tiều ở dưới mé sông gần cầu tiêu chợ gọi là xóm Tiều dưới. Bên trái nhà công sở là rạp hát có lầu cất bằng cây, lợp ngói của ông cả Lang, gần đó là xóm nhà của dân chúng.

Làng Nhơn Ái không chỉ phát triển về nông nghiệp những vườn sầu riêng, xoài, măng cụt, sa-bô, cam quít, … Vườn sầu riêng nổi tiếng nhất thuở đó là của ông Hội đồng Quí có gần 1000 cây. Làng còn phát triển về công nghiệp nữa, một thời là nơi cung cấp một số mặt hàng cho khắp Miền Tây Nam Bộ. Từ giửa thế kỷ 19 đã có một số ngành thủ công và công nghiệp nhẹ.

Lò rèn, lò vôi, lò tương, lò bún, lò heo, trại đóng cối xay lúa, trại cưa, trại đóng ghe (của ông Tư Keo và ông Thợ Kỵ). Riêng trại của ông thơ Kỵ có đóng ghe Hầu là loại ghe dành cho các ông Cả, ông Chủ, ông Cai, các nhà điền chủ giàu có. Ghe Hầu có chạm trổ đầu rồng, đuôi rồng, chung quanh muôi ghe, các cửa ra vào, cửa sổ có chạm trổ hoa lá, chim, hưu nai rất tinh vi không thua gì của người Tàu hay các tay thợ ngoài Bắc. Ghe có sơn son thếp vàng trông rất đẹp. Ghe Hầu 4 chèo là cặp chèo muổi phía trước, một cặp chèo lái phía sau. Ghe lớn hơn thì có 6 thèo hay 8 chèo.

Làng nhơn Ái lúa gạo dư thừa, các nhà điền chủ có nhiều vốn, một số có con cháu đi du học có kiến thức, nên biết bước vào lãnh vực công nghiệp, lập nhà máy có công xuất lớn. Ở rạch Chuối có nhà máy của ông Hội Đồng Chân, rể ông Cả Lang. Cuối chợ Phong Điền (củ) xéo xéo vàm Trà Niềng có nhà máy của ông Nguyễn Bá Chưởng, bên cạnh chành lúa của ông Lý Huy (con ông Bang Bắc) là một người Hoa kiều, đất chợ Phong Điền ngày nay là của ông Lý Huy. Ở vàm rạch Rẩy trong khuôn viên nhà của ông Cả Diệm (Lê Quang Diệm) cũng có nhà máy xay lúa rất lớn.

Dưới bến sông các nhà máy xay lúa, có những chiếc ghe chài đậu chờ để “ăn gạo”

đem về Sài Gòn- Chợ Lớn xuất cảng qua các thuộc địa của Pháp ở Trung Hoa hay các nước Bắc Phi.

Ngang chợ củ (trước năm 1945) phía bên lộ xe có bến đò đi ngang qua chợ. Đây cũng là bến tàu đi Bà Đầm, Thác Lác, và Hoà Hưng (Rạch Giá). Tàu chạy bằng máy xe hơi. Một số căn nhà lá dọc theo lộ, có bến xe đò đi Cần Thơ ở đó. Một nhà bảo sanh ở khoảng nhà lồng chợ ngày nay. “Poste” là tháp canh ở tại trường tiểu học Phong Điền I bây giờ, có chừng một tiểu đội lính tập trú đóng. Gần đó có nhà ngói lớn của ông Cả Đính (Con ông Cai tổng Vĩnh) và vườn cây ăn trái.

Chợ Phong Điền trước năm 1945 là nơi dừng chân của khách thương hồ qua lại kinh xáng Xà No. Họ đậu ghe ở vàm kinh xáng, chờ con nước lớn ròng để đi xuôi con nước cho đở tốn công chèo chống. Có khi phải chờ đến nửa ngày. Trong thời gian đó họ vô chợ Phong Điền để ăn uống lai rai hay xem hát, đờn ca để giải lao.

Do đó hương chức làng đề xướng đào con Kinh Chợ đi tắc từ Marché de Phong Dien đến chợ Vàm Xáng, chợ Vàm Xáng lập năm 1908 không phải tại vàm kinh mà ở cách vàm trên dưới 1 km, đến khoảng đầu thập niên 1960 mới dời chợ ra tại vàm kinh như ngày nay. Khi đó chưa có đò máy, qua sông có đò ngang, những chiếc đò dọc là ghe chèo có mui người ta mướn đưa khách lưu thông dọc theo sông rạch hoặc đến các làng lân cận thật tiện lợi.

Năm 1945, Marché de Phong Điền bị Việt Minh đốt nhưng không bị phá hủy hoàn toàn, dân chúng lợp lại mái ở tạm. Đến cuối năm 1946, Ủy ban kháng chiến triển khai chính sách “Vườn không, nhà trống” nên Marché de Phong Dien sau đó chỉ còn lại cái cầu tàu đúc bê tông cốt sắt bằng đá trứng ở mé sông, đó là di tích bến chợ ngày xưa.

+ Chợ Phong Điền củ (1952)

 

Năm 1952, Tây trở lại đóng đồn Phong Điền nên dân chúng hồi cư trở về cất lại mấy dãy nhà lá để ở và buôn bán tại khu vực Đình làng Nhơn Ái ngày nay.

Năm 1958, chợ được cất lại các dãy phố càng ngày càng khang trang có hai dãy phố dọc theo lộ xe có gác lầu, nhà lồng chợ bằng khung xường gổ, lợp tôn. Chợ nhóm ngày hai buổi sớm chiều, và hàng năm đến hai ngày cuối năm chợ nhóm suốt đêm. Đến trưa ngày 29 âm lịch (nếu tháng thiếu), hay 30 Tết (nếu tháng đủ) chợ mới tan.

+ Chợ Phong Điền ngày nay

 21alhucpd5a

 HINH 05, Chợ Phong Điền ngày nay (Ảnh từ trang nhà “Người Phong Điền-Cần Thơ”)

 

Sau khi huyện Phong Điền sáp nhập vào thành phố Cần Thơ, thị trấn Phong Điền qui hoạch phát triển qui mô, một con đường từ thành phố Cần Thơ chạy thẳng vào thị trấn. Cây cầu Trà Niềng 2 được xây dựng, những con lộ khang trang có những ngôi nhà 3-4 tầng san sát nhau, phố xá buôn bán phồn thịnh, nhà lồng chợ dời lên khu mới phía trên. Khu chợ củ chỉ còn dãy phố phía trên lộ, dãy phố bờ sông giãi tỏa xây công viên.

  • TIÊU THỔ KHÁNG CHIẾN

    21alhucpd6a

HINH 06, Cổng nhà ông Lê Quang Toại, di tích nhà Tây dưới bến sông nhà ông Lê Quang Đang ngày nay. Khi làm cống thủy lợi Phong Điền di tích này bị phá hủy không còn nữa.

 

Năm 1908, đánh dấu sự thành công của hệ thống kinh đào, một công trình to lớn nhất của nhà nước thuộc địa tạo nên những cánh đồng mênh mông bát ngát. Bắt đầu sự hưng thịnh vượt bực của làng, dư ăn dư để. Làng Nhơn Ái chỉ có vài người mới có ruộng đất “thẳng cánh cò bay”, “chó chạy vẹo sườn” là ông Lê Bá Cang và ông Huỳnh Ngọc Bỉnh, nhưng đất đó ở nơi khác. Phần lớn cơ bản vẫn là ruộng, sau đó là vườn đặc sản cam, quít, sầu riêng … Họ còn kinh doanh mua bán lúa gạo lập chành lúa, nhà máy xay lúa, sắm ghe chài, cất phố để buôn bán hoặc cho thuê, không phải chỉ ở trong làng mà còn ra tỉnh hay lên Sài Gòn làm ăn.

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929, ruộng đất trúng mùa liên tiếp 4-5 năm, giá lúa tăng vọt, giàu lại giàu thêm! Họ đua nhau cất nhà Tây, một số đã có từ trước. Từ đầu làng đi vô có nhà của ông Lê Quang Diên (ba bác sĩ Hoạch ở Rạch Sung); Ngang vàm trà Niềng có các ông Hội Đồng Quí, Hội Đồng Chân, Nguyễn Bá Chưởng. Dài vô hướng Cai Cẩm có nhà các ông Cả Đính, Trần Văn Thống, Trần Văn Luyện, Lê Quang Xáng, Trần Ngọc Huấn, Hương chủ Trần Ngọc Điển, Lê Quang Diệm, Lê Quang Hinh, Lê Quang Dệ; Ông Cả Phúc (Rạch Vong); Ông Bá hộ Thái Văn Nhiêu, Thái Văn Mười, Thái Văn Chư (trong Vàm Cai Cẩm), … Dài vô hướng Cầu Nhiếm có nhà các ông Lê Bá Cang (Ông Cai Cang), Hồ Viết Nghị, Lê Đức Thiệu (Ông Cả Neo), Lê Quang Hiển, Lê Hữu Thành (Hương Sư Thành), ông Mười Thiệu, Lê Văn Ký, ông Giáo Tiến… và cuối cùng ngang chợ Cầu Nhiếm là nhà ông Nguyễn Văn Vĩnh (Cai tổng Vĩnh), còn một số không nhớ hết. Thường một làng thuở đó có 5-7 nhà như thế là làng giàu có lắm rồi. Nhiều nhà sắm ca-no, 6 nhà có xe hơi, có 2 nhà mua cả máy bay nữa là ông Lê Bá Cang và bác sĩ Lê Văn Hoạch. Đó là thời cực thịnh của làng Nhơn Ái! Năm 1943, làng Nhơn Ái là làng giàu có nhất Nam Kỳ, được Thống Đốc Nam Kỳ đến kinh lý khi cất lại nhà lồng chợ bằng gạch.

Chính sách “Tiêu thổ kháng chiến” đánh Tây cuối năm 1946 nên tất cả phố, chợ, cơ sở công nghiệp, đình, nhà thờ, trường học, hơn 30 ngôi nhà Tây đồ sộ hoàn toàn bị phá hủy thành bình địa chỉ còn lại mấy cái nền đúc! 

Để tạm ngưng bài viết ở đây, xin quý bà con hãy nghe anh Lê Quang Diệp (Út Diệp, ở San José, CA) kể một câu chuyện “Bánh Hỏi Mặt Võng”:

 

“… Những người làm bánh hỏi mặt võng là quí bà Lê Quang Thưởng, Lê Thị Kim Chi, Lê Kim Xinh, Bà Chín Nu ở gần vàm Cai Cẩm, khi có ai đặt thì họ mới làm.

Bánh hỏi mặt võng chào đời vào giửa thập niên 1950, đoạt giải Danh Dự trong cuộc thi kỳ lễ Hai Bà Trưng 1958 tại Cần Thơ. Bánh Champagne kỳ đó của các bà Lê Thị Hoa và bà Lê Thị Thành đoạt giải Vô Địch. Họ “trúng rùa” như ông Archimètre …! Lúc rê họ ngủ gục nên rê không đều thành hình mặt võng nhưng vụng về, thấy hay hay nên các bà mới chỉnh lại cho khéo. Các bà không có giấu nghề, nhưng không phải ai muốn làm cũng được. Làm phải có đồ nghề, khuôn và bàn ép, lại còn nồi hấp rồi mới tới khéo tay … Đâu phải là chuyện đơn giản!”

Kể từ lúc tổ tiên đi khai hoang lập ấp, làng có nhiều sáng kiến hay:

- Chuyển hóa từ “đờn ca ra bộ” thành ca kịch “Cải Lương” ngày nay.

- Trồng cam trái mùa.

- Bánh hỏi mặt võng, …

Đó là một số sáng kiến mới lạ của dân làng ở các đời sau.

Và sáng kiến nào để làm cho Nhơn Nghĩa, Nhơn Ái là vùng đất muôn đời chứa chan tình nghĩa con người?

Lê Hữu Uy