"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

GHÉ QUA XÀ TÓN – MIỀN BIÊN GIỚI TÂY NAM

 

Một phần trong chuyến tham quan Miền Tây Nam, Nam Bộ (2019), điểm đến tiếp theo là Xà Tón trên đường Châu Đốc - Hà Tiên. Chúng tôi ghé qua thị trấn nhỏ vùng đồi núi Tri Tôn, còn gọi là Xà Tón do từ âm “Xvayton” của người Khmer, thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Vùng biên giới Tây Nam nơi mà trong lịch sữ từ xa xưa có nhiều biến động tranh chấp lãnh thổ, sắc tộc đẫm máu. Cũng là nơi phát sinh đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Đức bổn sư Ngô Lợi khai sáng (Tháng 5, năm 1867). Sau khi Phong trào Cần Vương thất bại ông Ngô Lợi lui về đây mộ dân khai khẩn và giãng giáo lý “Tứ Ân Hiếu Nghĩa”. Tứ ân là: Ân cha mẹ, Ân đất nước, Ân tam bảo, và Ân đồng bào, sống theo căn bản giáo lý “Hành Tứ Ân, Sống Hiếu Nghĩa”. Theo cổng thông tin An Giang đạo Tứ Ân có khoảng gần 80 ngàn tín đồ, hầu hết ở vùng đồng bằng sông Cữu Long.

21blhugq1

HINH 01, Đường vào thị trấn Tri Tôn

 

        • QUÁN THỊT RỪNG – NHÀ BÀNG

Đến Nhà Bàng đã trưa chúng tôi vào quán thịt rừng ven đường, thức ăn khá ngon. Trong các nhà hàng đặc sản tại nhiều thành phố đều có quán thịt rừng, tuy nhiên nơi này được giới thiệu là thịt tươi (không phải thịt đông lạnh do thợ rừng bên kia biên giới đem qua bán), vừa thưởng thức thức ăn bên dốc núi cùng cây lá rừng vi vu trong gió thật thú vị!

Các món như heo rừng xào lăn, thịt nai và thịt cheo nướng, gà tre rừng hấp lá chấp. Nhiều món côn trùng ưa thích của đồng bào Khmer và một số sắc dân như Myanmar, Thái, Lào và mấy bạn nhậu nhà ta cũng cho là mồi khoái khẩu, nhưng mình chưa dám thử qua.

 

        • THỊ TRẤN BA CHÚC

Điểm chính của chuyến đi là tham quan thị trấn Ba Chúc nổi tiếng với Nhà Mồ Tập Thể nơi lưu giử 1159 bộ hài cốt người Việt trong số 3157 người bị Khmer Đỏ (Pol-Pot) tràn qua Việt Nam sát hại tháng 4 năm 1978. Dấu vết hành động “cáp duồn” (cáp duồn tiếng Khmer có nghĩa là sát hại, chặt đầu người Việt) của quân Pol Pot (Khmer Đỏ) trong 11 ngày đêm tràn qua đánh chiếm một số thị trấn, làng mạc vùng biên giới Tây Nam (April 18 – 30, 1978). Xung quanh nhà mồ có chùa Phi Lai, và chùa Tam Bửu (Tổ đình của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất! Tại chùa Phi Lai khoảng 300 đồng bào bị sát hại, bên chùa Tam Bữu, quân Pol Pôt lùa khoảng 800 đồng bào ra cánh đồng giết hết!

Nhà mồ tập thể thiết kế hình hoa sen 8 cánh đảo ngược, mỗi cánh sen là một ngăn trưng bày của 1159 bộ hài cốt thu giử được, xếp theo độ tuổi, giới tính sau khi các chuyên gia đã giám định.

 21blhugq2

HINH 02, Chùa Phi Lai – Nơi hàng trăm người dân bị giết khi ẩn náu trong chùa hy vọng quân Pol Pot không sát hại

 21blhugq3

HINH 03, Nhà mồ tập thể Ba Chúc, nơi lưu giử 1159 bộ hài cốt nạn nhân năm 1978.

21blhugq4 

HINH 04, Thường xuyên có buổi cầu siêu bên trong nhà mồ

 

 

Người dân Ba Chúc đa số là người Kinh, theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Hàng năm đến rằm tháng 7 âm lịch, và ngày 16 tháng 3 Âm lịch các tín đồ trong đạo Hiếu Nghĩa tổ chức lễ hội Trai Đàn cầu siêu chung cho tất cả nạn nhân, và cứ 2-3 năm thì tổ chức trai đàn với quy mô lớn đông đảo người thân là nạn nhân năm xưa khắp nơi trở về.

        • CÁP DUỒN TRÊN ĐẢO THỔ CHU

Nhắc đến quân Pol Pot, còn một vụ “cáp duồn” nữa khi họ chiếm đóng đảo Thổ Chu ngày Oct 05,1975, họ bắt tất cả 513 người dân Việt trên đảo đưa vào đất liền giết sạch! Hai tuần sau, đến ngày May 24 đến 27, Việt Nam đánh chiếm lại đảo nhưng dân chúng trên đảo không còn ai nữa!

21blhugq5

HINH 05, Miếu thờ 513 đồng bào bị quân Pol Pot sát hại năm 1975 trên đảo Thổ Chu, ngoài khơi Rạch Giá (Ảnh Internet)

 

Khmer Đỏ kích động sự nông nổi, lòng thù hận của người Khmer bởi mối thù mấy trăm năm trước khi mà Việt Nam cai trị hà khắc dân tộc họ. Người Khmer Krôm (Thủy Chân Lạp) lúc bấy giờ ở Nam Kỳ rất căm ghét chính sách "Nhứt thị đồng nhơn" của vua Minh Mạng, bắt buộc họ phải lấy tên, lấy họ như người Việt để đồng hóa. Nhất là chủ trương cải cách tổ chức nông thôn cổ truyền của “sóc Miên” khiến họ mất quyền tự trị.

21blhugq6

HINH 06, Cây thốt nốt và thửa ruộng nho nhỏ dưới chân ngọn đồi thấp là hình ảnh quen thuộc của miền biên giới Tây Nam, Nam Bộ

 

Bạn ạ, hãy đừng gọi người Khmer- Krôm (đồng bào dân tộc Khmer ở Nam Bộ) là người Miên nhá mặc dù họ không nói nhưng trong lòng họ không thích đâu, đó là danh từ miệt thị, “con Miên - thằng thổ” chỉ hạng tôi mọi, hay gọi là nước Miên, người Miên ở bên nước bạn. Khi gặp nhau nên lịch sự hơn, tôn trọng họ gọi bằng từ Cambodian hay dân tộc Khmer, họ vốn là một dân tộc hiền hòa, chơn chất.

Chiến tranh chỉ đem đến thù hận, chết chóc, tang thương! Mong ước vùng biên giới Miền Tây Nam, Nam Bộ giáp với đất Chùa Tháp sẽ luôn yên bình, xinh đẹp.  

Lê Hữu Uy

Arizona - May 05-2021- Ảnh chụp năm 2019