"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

                           Tân Nhạc Việt-Nam  ( Bài một )

 

 

Tân nhạc Việt Nam là rừng hoa bát ngát. Hoa có thứ lộng lẫy nồng hương, có loại chỉ có sắc không hương, có thứ đẹp não nùng nhưng mong manh, có loài trong trắng đơn sơ. Người ta yêu nhạc cũng như yêu hoa, hoàn toàn bằng cảm tính chủ quan. Nói về nhạc, mức thẩm âm khác nhau của người nghe đã là điều khó diễn tả. Sang đến nhạc có lời ca thì sự yêu thích khen chê có lẽ tùy tâm trạng của mỗi người trong từng hoàn cảnh.

Trong giới yêu thích nhạc cổ điển Tây phương, người ta thường luận rằng người giỏi toán thì thích nhạc Bach hay Vivaldi, chuộng văn chương thì yêu nhạc Chopin, Lizst. Tính tình dũng mãnh, bảo thủ thì yêu Wagner, hồn nhiên và ôn hòa thì thích Mozart, người khắc khổ chẳng thể không mê Beethoven. Đó mới chỉ nói đến loại nhạc không lời, loại nhạc đòi hỏi người nghe sở đắc trình độ hiểu biết tương đối về nhạc, hoặc một trí tưởng tượng phong phú.

Sang đến loại nhạc có lời như tân nhạc Việt Nam thì người nghe có khuynh hướng trộn lẫn tình cảm của tác gỉa với cảm quan của riêng mình. Việc hướng dẫn có khi không còn cần thiết, vì thế lòng yêu nhạc dễ đi đến tận cùng của chủ quan. Một thanh niên đôi mươi vừa đi thăm cô bạn gái về ắt phải khẽ khẽ bài Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, và khăng khăng tuyên bố nhạc của Tô Vũ là nhất! Gặp trường hợp người yêu của chàng mặc áo tím, thì Ngàn Thu Áo Tím của Hoàng Trọng sẽ lên ngôi Bắc đẩu…Nhưng là người nghe, chúng ta nghĩ gì về sở thích, tâm trạng của chính các nghệ sĩ sáng tác?

Bài viết này thử làm cái gạch nối giữa bạn đọc- người thưởng ngoạn- và các nghệ sĩ, tác giả, khi nói về những ca khúc họ yêu thích, của chính họ. Chúng ta có thể gặp nhiều bất ngờ lý thú.

Xin bắt đầu bằng nhóm nhạc sĩ tiền phong của nền âm nhạc Việt Nam là nhạc sĩ Phạm Duy, người cống hiến nhiều ca khúc nhất cho hai ba thế hệ chúng ta. Ông là cây cổ thụ trong làng âm nhạc vì không có ông, nền tân nhạc Việt Nam không được như ngày hôm nay. Phân tích những nhạc phẩm được ưa thích nhất của Phạm Duy không phải là việc đơn giản. Ông viết trên một nghìn bài nhạc và hầu như thích hợp mọi giới thưởng ngoạn. Bản nhạc Tình Ca có thể là bài được yêu thích nhất và nữ danh ca Thái Thanh cũng đồng ý như vậy. Nhạc phẩm này được viết vào thời điểm gia đình Phạm Duy giao du mật thiết với học giả Nguyễn Đức Quỳnh. Lời ca là sự góp ý của Nguyễn Đức Quỳnh với Phạm Duy.

Viết vừa ráo mực, Phạm Duy hát cho Thái Thanh nghe ngay và từ đó bài hát gắn liền với tên tuổi của bà.

Từ hơn nữa thế kỷ nay, nhạc và lời ca của Phạm Duy đã đi sâu vào lòng người. Ai cũng có một lần trong đời thấy lòng mình thổn thức với Tiếng Đàn Tôi, Cành Hoa Trắng, Khối Tình Trương Chi…Rộn ràng lòng yêu nước với Về Miền Trung, Quê Nghèo và nhất là hai bản trường ca Con Đường Cái QuanMẹ Việt Nam. Những ngưởi yêu nhau qua bao thế hệ vẫn thì thầm Ngày Đó Chúng Mình, Thương Tình Ca, Trả Lại Em Yêu, Cỏ Hồng...Tác giả cho biết bài nào viết ra ông đều yêu cả, nhưng ông thích nhất hai bài trường ca vì công sức và tính cách trường tồn của nó.

Trong suốt mấy mươi năm nghe nhạc Phạm Duy, người viết bài này yêu những bài hát theo từng giai đoạn của cuộc đời. Khi còn trẻ tôi thích nhất Dạ Lai Hương, tuổi trung niên thì yêu bài Kỷ Niệm và bây giờ yêu Chiều Về Trên Sông có lời ca thâm thúy và nét nhạc bao la mà buồn cô quạnh.

Nhạc sĩ Vũ Thành được kính mến về tài năng lẫn tư cách ngoài đời. Ông là người khí phách. Ông sáng tác không nhiều, khoảng mười bài, dù đã cống hiến cả đời cho âm nhạc. Nghệ thuật viết hòa âm của ông xứng đáng bậc thầy trong ngành ca nhạc, và cho đến nay nhiều ca sĩ thượng thặng vẫn nhắc nhở đến tên tuổi ông. Ai đó đem từ quê nhà cuốn băng với giọng ca mình hát chung với dàn nhạc hòa âm Vũ Thành thì xem như tìm lại một bảo vật, giữ gìn cẩn trọng.

Vũ Thành viết ít nhưng mỗi bài hát của ông là một tuyệt tác. Nhạc Vũ Thành mang âm hưởng Tây phương, sang trọng qúi phái, khó hát và kén người nghe. Ông được thính gỉa biết nhiều nhất qua bài Giấc Mơ Hồi Hương viết sau cuộc di cư từ Bắc vào Nam. Ca khúc được chính ông yêu nhất là Thụy Khúc viết đầu thập niên 70 và là bài hát cuối cùng trong đời. Bài này, được giọng hát ông yêu thích trình bày trong tape nhạc “Tiếng Chiều Rơi” do Lê Văn Khoa thực hiện vào buổi đầu của làng âm nhạc hải ngoại. Nữ danh ca Kim Tước, người trình bày rất trung thực những tác phẩm của Vũ Thành, nói rằng cô yêu nhất bài Gửi Áng Mây Hàng, lời ca ai oán khôn nguôi về nỗi sầu tha hương và sự tiếc thương mối tình nơi cố xứ. Ý nhạc thiết tha và bâng khuâng.

Cũng là người trình bày nhạc Vũ Thành rất đạt, làm tác gỉa hài lòng là nam danh ca Anh Ngọc tâm sự: Ông thích nhất bài Nhặt Cánh Sao Rơi, viết về sự xa cách của tình bạn đậm đà. Anh Ngọc cho biết ông thích loại nhạc sang qúi dù là ít phổ biến. Lọai nhạc này đòi hỏi người trình bày có trình độ và kỹ thuật cao. Riêng tôi thì thích bài Nhớ Bạn với nét nhạc trang trọng êm ái và lời ca tình cảm trân trọng.

Cũng như Vũ Thành, nhạc sĩ Cung Tiến sáng tác không nhiều, nhưng được thính gỉa dành cho một chỗ đứng cao qúy riêng. Lúc trẻ, ông viết nhiều tác phẩm có âm hưởng bán cổ điển Tây phương như Hương Xưa, Nguyệt Cầm, Đêm Hoa Đăng, Mùa Hoa Nở, ông kết hợp lời ca bằng cổ ngữ, phản phất hình ảnh “Đường thi”. Càng lớn tuổi ông càng có khuynh hướng soạn ra những giai điệu phức tạp nhưng phong phú, gần gũi hơn với Đông phương như Hoàng Hạc Lâu, Kẻ Ở, Vết Chim Bay…

Sau này dường như ông không viết lời nữa, mà chỉ phổ thơ. Ngoài ba bài thơ phổ nhạc vừa kể, Cung Tiến còn đưa nhạc vào thơ như Thuở Làm Thơ Yêu Em, Đêm, Lệ Đá Xanh. Một số thính gỉa thì vẫn yêu thích những bài hát ông viết lúc còn trẻ như Thu Vàng, Hoài Cảm, nhưng riêng ông thì thích nhất các tác phẩm không lời, soạn cho dàn nhạc đại hoà tấu, bản Chinh Phụ Ngâm Khúc mà ông viết rất công phu và sử dụng hoàn toàn giai điệu Đông Phương. Anh Ngọc hay nhắc đến Mắt Biếc, Duy Trác yêu thích Hương Xưa, Lệ Đá Xanh (thơ Thanh Tâm Tuyền) bao giờ cũng nghe rất mới.

Và chúng ta không thể thiếu nhạc Phạm Đình Chương trong cuộc sống. Trái ngược với Vũ Thành, Phạm Đình Chương được nhiều người biết đến và có số lượng sáng tác đáng kể. Ông là nhạc sĩ tài hoa với những tác phẩm đượm hồn dân tộc. Ông có biệt tài phổ nhạc vào những bài thơ hay nhất của thế hệ chúng ta, ngay cả những bài thơ mà ông xem thuộc loại “bí hiểm”. Thơ tình được Phạm Đình Chương phổ nhạc trở thành những ca khúc dễ yêu, dễ thuộc, và dễ hát nhất.

Trong chỗ bạn bè thân thiết, ông nói đùa rằng ai tán gái cũng phải nhờ đến nhạc của ông làm mai mối. Thổ lộ mối tình cho nàng thì còn gì hay hơn Mộng Dưới Hoa (thơ Đinh Hùng). Còn muốn vật vã khóc than cho nỗi tuyệt vọng để nàng mủi lòng thì đã có Người Đi Qua Đời Tôi (thơ Trần Dạ Từ). Đám cưới tiệc tùng ngày Xuân mà thiếu Ly Rượu Mừng thì mất vui. Hỏi ông về tác phẩm yêu thích nhất của mình, ông trả lời là Hội Trùng Dương vì tính chất nghệ thuật và gía trị trường cửu của bài hát. Sau này ra đến hải ngoại thì chúng ta có thêm tuyệt tác Đêm Nhớ Trăng Saìgòn (thơ Du Tử Lê). Đặc biệt Bài Ngợi Ca Tình Yêu gồm có hai phần (Bài Ngợi Ca tình Yêu và Đêm Màu Hồng) phổ từ một bài thơ khá dài của Thanh Tâm Tuyền.

Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước sáng tác khỏang hai trăm ca khúc mang âm hưởng Tây Phương như Thuyền Mơ, Áng Mây Chiều, Bến Xuân Xanh, Mơ Tiên…Tiết điệu phong phú lôi cuốn, nhất là những bản viết theo nhịp Tango như cánh Bằng Lướt Gió, Ước Hẹn Chiều Thu…Cũng nổi tiếng trong những bài hát thấm đẫm nét cổ truyền như Tiếng Xưa, Đêm Tàn Bến Ngự, Bóng Chiều Xưa, Ngọc Lan...Nhà văn Võ Phiến có nhận xét rằng những ca khúc có âm hưởng miền Trung sâu đậm lại do một ông nhạc sĩ chính cống người Bắc soạn ra!

 

Người nhạc sĩ gần với loại nhạc của khiêu vũ trường là Văn Phụng. Ông thành công với thể loại vui tươi và đầy sở trường về tiết điệu. Nghĩ đến Văn Phụng thì cảm thấy ngay không khí vui tươi của thành phố ánh đèn màu. Ông đem những nhịp điệu Tây phương vào tân nhạc rất sớm, như bản Trăng Sơn Cước nhịp Bolero, hoặc Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn nhịp Slow Rock. Nói thế không có nghiã là ông thiếu loại nhạc buồn. Những ca khúc trữ tình của Văn Phụng thì nhẹ nhàng và được yêu thích là Suối Tóc, Tiếng Dương Cầm, Lời Nhi Nữ. Nữ danh ca Châu Hà, người bạn đời của ông thích nhất Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn vì hoàn toàn là kỷ niệm: bến Hoàng Hoa được nói đến trong bài ca là bờ sông Saìgon, nơi hò hẹn của hai người! Hỏi sáng tác nào ông thích nhất, Văn Phụng trả lời là bài Chán Nản viết năm 1972. Với tôi, bải ca Yêu cũng tuyệt vời vì tiết điệu khoan thai nhịp ¾ thật chậm mà ray rứt khôn nguôi.

Khi viết nhạc hoặc đặt lời, người nghệ sĩ hoàn toàn tự do làm chủ tác phẩm của mình. Nhưng, khi tác phẩm được phổ biến trong quần chúng, nó bắt đầu có đời sống riêng, vượt khỏi sở thích hay chủ đích ban đầu cuả tác giả. Có khi nó được đón nhận hững hờ rồi chìm vào quên lãng, rồi sau đó khá lâu lại được yêu thích bất ngờ, có lẽ do hoàn cảnh chiến tranh, tâm trạng chung của xã hội trong thời điểm nào đó. Cũng có lúc tác phẩm được viết ra theo kiểu “trả nợ”, như nhà văn viết “feuilleton” bị thúc bài, viết xong rồi quên ngay, vậy mà lại được thính gỉa đón nhận nồng nhiệt!

Các ca sĩ, theo tôi, chỉ đóng góp một phần nhỏ trong sự thành công của ca khúc nếu xem sự yêu thích của công chúng là sự thành công.

Thông thường, theo lời một nhà văn người Ý ghi lại đâu đó: nghệ sĩ có tác phẩm của mình được đón nhận đông đảo, nhưng…trong số đông đảo này chỉ một số ít khán thính gỉa hiểu được ý nhạc lời ca của bài hát. Vì sao lại có phản ứng “lập dị” như thế? Phải chăng họ (người nhạc sĩ) có cảm quan khác với công chúng, và ít khi hài lòng với những gì ( bài ca) đã có, hay đang có. Họ muốn ra khỏi đám đông để tìm cảm hứng mới lạ, nếu được đón nhận càng hay. Trong tinh thần đó, có thể họ là những người được yêu thích nhất nhưng cũng cô độc nhất.

 

Trung Đạo