"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

 Vắng Bóng Người Cha 

21bhvhvb1 

Chúng ta luôn luôn đề cao vai trò người cha. "Con không cha như nhà không nóc"." Còn cha gót đỏ như son, đến khi cha chết, gót con đen sì". Thế mà  vẫn ngạc nhiên thay, trong nhóm những nhân vật nổi tiếng , biết bao người mồ côi cha.

Khổng Tử (551-479 TTL), "vạn thế sư biểu", người thầy của những người thầy, mồ côi cha lúc mới 3 tuổi. Cha ông là một quan võ thuộc dòng quý tộc đã sa sút, không có con trai, đến 70 tuổi mới lấy mẹ ông mới 19 tuổi và sinh ra ông. Chính Khổng Tử đặt ra những nền móng cho trật tự Khổng giáo, trong đó chữ hiếu và quan hệ cha con (phụ tử trong “tam cương: quân thần, phụ tử , phu phụ”) đóng vai trò then chốt.

Chuyện cổ tích của ta, Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng cũng không có cha.  Đại 21bhvhvb2Việt sử ký toàn thư  ghi chép lại về Thánh Gióng như sau: “Đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông bà lão nghèo chăm chỉ làm ăn và có tiếng là phúc đức thế mà họ vẫn chưa có con. Một hôm bà ra đồng thấy một vết chân rất to liền ướm thử xem thua kém bao nhiêu, không ngờ về nhà bà thụ thai và 12 tháng sau sinh được một cậu bé khôi ngô tuấn tú. Kì lạ thay, cậu bé ấy lên ba mà vẫn không biết nói cười, đặt đâu nằm đấy. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một áo giáp sắt và một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Trâu. Bọn giặc giẫm đạp lên nhau mà chay. Thánh Gióng đuổi theo, tới chân núi Sóc thì dừng. Đứa trẻ cởi áo giáp, phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế. Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần Vương”.

Trong lịch sử Việt Nam có  Đinh Tiên Hoàng (tên thật là Đinh Bộ Lĩnh, 924-979), con của Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ, giữ chức thứ sử Hoan Châu. Đinh Công Trứ mất sớm, ông theo mẹ về quê ở, nương nhờ người chú ruột là Đinh Thúc Dự. Lúc còn nhỏ, chăn trâu, lấy bông lau làm cờ tập trận, lớn lên dẹp loạn 12 sứ quân, là người đầu tiên thống nhất đất nước và lập nên Đại Cồ Việt, và là Hoàng Đế đầu tiên của Việt Nam.

Lý Công Uẩn (974-1028) lớn lên cũng vắng bóng cha. Lúc mới 3 tuổi (2 tuổi tính theo kiểu Mỹ bây giờ), mẹ ông đem cho nhà sư Lý Khánh Văn nuôi, do đó lấy họ Lý. Sau đó ông được nhà sư Vạn Hạnh dạy dỗ. Lúc lên ngôi ông xây dựng chùa chiền và giúp phát triển Phật giáo cũng như làm một quyết định lịch sử là dời thủ đô từ Hoa Lư của nhà Đinh về Thăng Long là Hà nội bây giờ (1010).

Vua Gia Long (1762-1820): Nguyễn Phúc Ánh  là con của vương tử Nguyễn Phước Luân, bị 21bhvhvb3Trương Phúc Loan truất khỏi địa vị thừa kế, nhốt trong tù và chết năm 1765, lúc Nguyễn Phúc Ánh  mới 3 tuổi. Lúc ông 8 tuổi, ba anh em Tây Sơn nổi lên chống nhà Nguyễn (1770), và lúc ông 9 tuổi, ông phải cùng gia đình chạy vào Quảng Nam rồi đi thuyền vào Gia Định và từ đó bắt đầu cuộc tranh đấu khôi phục lại ngai vàng nhà Nguyễn, đồng thời thống nhất Việt Nam. Người con trưởng của Nguyễn Ánh, Hoàng tử Cảnh (1780-1801), từ nhỏ được gởi cho Giám mục Pigneau de Behaine (Bá Đa Lộc) đi qua Pháp cầu viện vua Louis XVI và được giáo dục theo Thiên Chúa Giáo và văn hoá tây phương. Lúc trở về nước cha con gặp lại nhau đã có những xung đột về dị biệt văn hoá và tôn giáo.

Bill Clinton chào đời (1946) với tên William Jefferson Blythe III tại Hope, Arkansas, theo họ 21bhvhvb4của cha. Cha ruột ("sinh học") của ông, một cựu chiến binh thế chiến thứ hai, chết vì tai nạn xe hơi, lúc đang thu xếp để để đem vợ đang có bầu về ở với mình, 3 tháng trước khi ông ra đời. Clinton là họ của người cha ghẻ, chủ một dealer xe hơi, đánh bạc, nghiện rượu và đánh đập vợ con. Mẹ ông gởi ông cho bà ngoại nuôi đến mấy năm cho đến khi bà học xong nghề y tá. Bill Clinton lớn lên được bà ngoại và mẹ cưng, nhưng không có nhân vật đóng vai trò người cha gương mẫu, là "role model". Có người giải thích vì được đàn bà nuôi dưỡng và nuông chiều như vậy mà Clinton yếu về khả năng tự kiềm chế, ghép mình vào kỷ luật, khuôn khổ. Cho nên dù làm đến tổng thống Mỹ, ông vẫn tham ăn, chạy theo đàn bà và suýt nữa mất chức trong vụ tình tứ với cô Monica Lewinsky ngay trong văn phòng bầu dục của Toà Bạch Ốc. Theo vợ ông Hillary Clinton, đứa bé Clinton mới bốn tuổi, vì không cha, phải đứng giữa hai người đàn bà, mẹ và bà ngoại, xung đột nhau, và phải chiều cả hai bên, cho nên ông ta không có lập trường, chỉ muốn làm vui lòng người khác.

Mẹ Tổng Thống Obama là người da trắng, gặp ba ông, một sinh viên châu Phi, xứ Kenya 21bhvhvb5du học ở Hawaii, trong một lớp học tiếng Nga tại Đại học Hawaii năm 1960. Tháng 2-1961 hai người làm đám cưới, và Obama chào đời  ngày 4 tháng 8 năm 1961. Cuối tháng 8-1961 hai người tách nhau, mẹ ông đem con đi Seattle học tiếp và từ đó, cha của ông chỉ gặp ông có một lần ở Hawaii lúc ông 10 tuổi.

Steve Jobs (1955-2011), cha đẻ của công ty Apple lớn nhất thế giới hiện nay, là con của một cặp sinh viên trẻ không lấy nhau được vì cha ruột ông là người Syria, theo Hồi giáo, mẹ ông là người Mỹ Thiên Chúa Giáo "gộc" (fundamentalist Christian). Họ chấp nhận cho vợ 21bhvhvb6chồng Paul và Clara Jobs nhận đứa bé làm con nuôi. Thuộc giới thợ thuyền, không có bằng đại học, cha mẹ nuôi phải cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho đứa bé học đại học lúc lớn lên. Chuyện bất ngờ là tuy chưa tốt nghiệp trung học và bị "chê" lúc ban đầu, chính Paul Jobs, sống nghề thợ máy và thợ mộc, lại là người hướng dẫn và dạy dỗ cho đứa con nuôi về những căn bản của ứng dụng điện tử trong thập niên 1960's còn phôi thai. Sau này, Steve Jobs bực mình nếu người ta gọi Paul và Clara Jobs là cha mẹ nuôi (adoptive parents) của ông. Về cha mẹ "ruột" (biological parents), ông gọi họ là "ngân hàng tinh trùng và ngân hàng trứng" (“my sperm and egg bank”) của ông mà thôi. Tuy thỉnh thoảng có liên lạc với mẹ ruột mình, cho đến khi chết, Steve Jobs chưa bao giờ gặp lại cha mình, hiện giờ 80 tuổi và là phó chủ tịch của một công ty sòng bài và khách sạn tại Nevada, không xa trụ sở Apple ở California. Bản thân của Steve Jobs cũng có điểm tương đồng với cha mình. Ông có một đứa con rơi Lisa Brennan-Jobs với bạn gái thời trung học, lúc ông còn sinh viên, mà ông từ chối không thừa nhận một thời gian lâu, sau đó mới đem về nuôi lúc Lisa đã 12-13 tuổi.

Tỷ phú Jeff Bezos sinh ở Albuquerque, New Mexico, vào năm 1964. Lúc đó cha ruột ông 21bhvhvb6bJorgensen, gốc Đan Mạch, mới 18 tuổi và mẹ ông, Jacklyn Gise mới 17 tuổi và còn học trung học. Hai ngừời ly dị sau đó, lúc bé Jeff chưa tới một tuổi. Bà tiếp tục học đại học lớp đêm và mang theo con trai nhỏ  đến trường và tục huyền lúc bé Jeff  được 4 tuổi. Chồng mới là một di dân từ Cuba, tên Miguel “Mike” Bezos và ông này nhận bé làm con, đổi họ của bé là Bezos.

Năm 2013 khi Jorgensen đang làm chủ một tiệm bán xe đạp, ông ngạc nhiên được nhà báo cho biết là Jeff Bezos, một trong những người giàu  nhất thế giới, là con ruột của chính ông. Jorgensen nhìn nhận rằng ông “không phải là một người cha hay một người chồng tốt” trong những ngày còn trẻ. Jeff Bezos cũng không  tìm gặp người cha ruột của mình.  Jorgenson mất năm 2015 mà chưa bao giờ gặp lại con.

Miguel Bezos, người cha nuôi, được cha mẹ gởi lên máy bay  đến Mỹ tỵ nạn trốn chế độ của Fidel Castro lúc mới 16 tuổi và không biết tiếng Anh, chỉ với vài bộ quần áo và một đôi giày mang theo, học  ra kỹ sư tại Mỹ và sau đó gặp mẹ con Jeff. Nói về người cha nuôi mình nhân ngày Lễ Cha năm 2019, Bezos nói “sự kiên trì, tính quả quyết, tính lạc quan của ông là những điều gây cảm hứng” ( ‘His grit, determination, optimism are inspiring’)

Mặc dù được coi như phụ nữ da đen quyền lực nhất Hoa Kỳ hiện nay, Phó Tổng Thống Kamala Harris có người cha tên Donald Harris nay là một giáo sư đại học gốc Jamaica, 21bhvhvb7vùng biển Ca-ri-bê. Mẹ bà tên  Shyamala Gopalan, hồi đó  là một sinh viên  (graduate student) đến từ Ấn Độ, và hai người gặp nhau tại trường Berkeley,  thuộc Đại học California vào năm 1962. Berkeley là một tâm điểm của chủ nghĩa cấp tiến hồi đó, và họ quen nhau lúc cùng tham gia  các sự kiện tranh đấu cho quyền công dân của người Da Đen (Civil Rights Movement). Hai người kết hôn năm 1963, bà Kamala sinh năm 1964 và em gái Maya hai năm sau đó. Sau tám năm, hai người  ly hôn và sống ở các thành phố khác nhau, cha cô dạy ở Stanford và ở Palo Alto, nơi còn kỳ thị người da đen ra mặt,  hai cô gái tiếp tục ở với mẹ ở vùng Berkeley nghèo hơn và tiếp xúc, sinh hoạt nhiều với người da đen.

Theo Donald Harris, mối quan hệ giữa cha và con gái “đột ngột chấm dứt vào năm 1972”. Ông nói: “Sau một cuộc chiến giành quyền nuôi con cam go tại tòa án gia đình ở Oakland, California,” thẩm phán đã áp đặt một giải pháp dựa trên “giả định sai lầm rằng những người cha không thể phụ trách việc nuôi dạy con cái”. Tuy nhiên, ông ấy nói, "Tôi vẫn kiên trì, không bao giờ từ bỏ tình yêu của tôi dành cho các con tôi hoặc từ bỏ trách nhiệm của tôi với tư cách là người cha của chúng." Tuy nhiên chúng ta biết hai chị em bị  tách rời khỏi ảnh hưởng người cha và  sau đó thì  bà mẹ dọn sang Canada  để làm công việc nghiên cứu và dạy tại đại học McGill về ung thư vú, Kamala theo học tại trường trung học của tỉnh Quebec  dạy bằng tiếng Pháp. Lúc lên đại học thì Kamala lại trờ về Mỹ, chọn trường ĐH Howard ở Washington D.C., một trường truyền thống lâu đời của người Da Đen, và từ đó bà ôm lấy “căn cước” phụ nữ da màu (Da Đen hay Gốc Phi Châu) của mình, nhanh chóng leo các bậc thang trên chính trường cho đến ngày hôm nay.

Cơ cấu gia đình hiện nay không còn như trước nữa. Tỷ lệ ly dị ở Mỹ lên đến 53% (cho Việt Nam là 4%). Gần một nửa (43%) trẻ em Mỹ không sống với cha của mình. Một số thống kê cho thấy sự thiếu vắng người cha liên hệ đến những con số đáng lo ngại, chứng tỏ sự hiện diện của người cha không đến nỗi vô ích: 63% các trẻ em tự tử, 90% các trẻ bỏ nhà đi bụi đời, vô gia cư, 85% trẻ có rối loạn về hành vi, 80% các thủ phạm hiếp dâm, 71% các trẻ bỏ dở chương trình trung học, 75% thanh thiếu niên trong các trung tâm cai nghiện thuốc thuộc những gia đình không cha. Theo thuyết của Freud, nhà phân tâm học, phần "siêu ngã" (superego) tượng trưng cho phần lương tâm, lý tưởng của mình, và là kết quả của sự kết nạp vào nội tâm (internalization) hình ảnh của người cha và các điều lệ văn hoá của xã hội mình sống.

Tuy nhiên, những ví dụ trên cho thấy, số phận của một đứa trẻ không phải bắt buộc bị gắn liền với sự vắng bóng của người cha ruột. Có người nhận xét rằng, nếu đứa trẻ không có cha, nó sẽ cố gắng tìm một nhân vật khác thay thế (“surrogate father”), một người cha nuôi, một người đỡ đầu, một người cha tinh thần, trong đời thường, trong tôn giáo, trường học, trong quân đội hay tệ lắm thì trong băng đảng (theo kiểu anh hùng Lương Sơn Bạc hay "The Godfather"). Ngoài ra, đối với các nhân vật xuất chúng có tiềm năng và chí khí, có khi sự vắng bóng của một người cha có thể là một cơ hội để tiến thân, để thể hiện tài năng của mình, "đội trời đạp đất" mà không có ai cản trở, không có ai trên đầu,  để có thể vượt qua mọi quy ước và liều lĩnh hoàn thành việc lớn.

Nhân “Ngày Của Cha”, xin chúc mừng cho những ai từng được cha mình gầy dựng, giáo dục. Nhưng cũng là dịp để tán thưởng những ai phải phấn đấu một mình, khắc phục các khó khăn. Nếu không dựng nên được sự nghiệp to tác, cũng gắng "thành nhân", với cuộc sống đầy đủ ý nghĩa, báo hiếu công ơn mẹ.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

        Ngày 14 tháng 6 năm 2015

Ngày 16 tháng 6 năm 2021