"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

Tân Nhạc Việt Nam

(Phần Hai)

Tôi thích nghe nhạc từ tuổi hoa niên. Bây giờ nhớ lại, nhận ra sở thích riêng tư của mình đã thay đổi theo thời gian. Thưở thiếu thời, đầu thập niên 1960, tôi mến chuộng những ca sĩ có thanh giọng rõ ràng trong sáng và ca từ dễ ăn sâu vào lòng người. Trong tâm tưởng tôi vẫn nguyên vẹn nỗi háo hức khi được đi xem những chương trình Đại nhạc hội ca kịch tổ chức mỗi chủ nhật tại rạp hát Hưng Đạo. Trước vở kịch chính do ban thoại kịch Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Kịch Sống Túy Hồng trình diễn là chương trình ca vũ nhạc quy tụ những tên tuổi thời danh. Ca sĩ Phương Dung, được xướng ngôn viên giới thiệu “Con nhạn trắng Gò Công”, nhu mì trong chiếc aó dài trắng, trình bày Những đồi hoa sim nhạc Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan, Khúc hát ân tình cuả Xuân Tiên, hay Đố ai của Phạm Duy. Hoặc Thái Thanh với ban Thăng Long hợp xướng Ô mê ly cuả Văn Phụng. Sau một bài dù được tán thưởng nhiều hay ít, khán gỉa thường nghe điệp khúc “để đáp lại tấm thịnh tình cuả khán giả...” Ngoài ra còn có sự góp mặt của nam ca sĩ mang hai dòng máu,Việt Ấn, vang danh với Hận Đồ Bàn của Xuân Tiên. Khán giả yêu chuộng giọng tê-no làng tân nhạc như Thanh Hùng với Vọng ngày xanh của Khánh Băng, Hùng Cường truyền cảm qua ca khúc Ông lái đò với chất giọng “nam cao” của ông. Bài này được thu âm vào đĩa nhựa năm 1963, là một trong số ca khúc mang âm hưởng nhạc bán cổ điển Tây phương tuyệt vời nhất. Nếu Phương Dung thành công tột bực trong lãnh vực đại nhạc hội, thì tiếng hát Hoàng Oanh được nhiều chương trình nhạc phát thanh và sản xuất đĩa nhựa gởi đến thính giả mọi nơi. Hoàng Oanh là ca sĩ đàn chị của Phương Hồng Hạnh, Phương Hoài Tâm, Phương Hông Quế, Thanh Phong v.v…Cô học nhạc lý với nhạc sĩ Nguyễn Đức, một “lò” đào tạo ca sĩ vang danh thời ấy. Cô cũng theo học xướng ngâm với bà Hồ Điệp, một tên tuổi lẫy lừng trong bộ môn thi ngâm.
Ngoài các tiếng hát thành danh nói trên, còn nhiều giọng ca nổi tiếng khác trình diễn mỗi đêm tại khiêu vũ trường lớn như Ritz, Queen Bee, Tự Do, Đêm Màu Hồng…là ca sĩ Minh Hiếu, Lệ Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Thúy, Trúc Mai, Yến Vỹ, Mỹ Thể…
Giữa thập niên 60, sự yêu thích tân nhạc VN trở nên mạnh mẽ hơn khi dòng nhạc Trịnh Công Sơn bắt đầu thịnh hành với loạt ca khúc “da vàng” phổ biến rộng rãi trong giới sinh viên học sinh. Bài hát TCS với ca từ đẹp như thơ, bàng bạc triết lý hiện sinh: Lời buồn thánh ca sĩ Bạch Yến hát, Diễm xưa tiếng hát Khánh Ly, Xin mặt trời ngủ yên với giọng hát Lệ Thu…Chỉ thời gian ngắn tại Sàigòn, xuất hiện một nhóm ca sĩ trẻ với khuynh hướng tân nhạc thời trang như Thanh Tuyền, Thanh Lan, Julie Quang, Giao Linh, Jo Marcel, Elvis Phương, Sĩ Phú, Anh Khoa, Duy Quang, Lê Uyên Phương…song hành bước theo nguồn nhạc độc đáo của các nhạc sĩ Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Cung Tiến, Trường Sa, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà .v.v, tất cả đồng loạt nổi danh, sát cánh cùng thế hệ ca nhạc sĩ đi trước. Và kỹ thuật thâu âm băng tape, băng cát-sét hai chiều dần dà lấn lướt phong trào điã nhựa.

Sau 40 năm ở quê người, qua nhiều thời kỳ tân nhạc VN chuyển mình theo mệnh nước nổi trôi, sở thích và cảm nhận của riêng tôi về những giọng ca lại thay đổi thêm một lần nữa. Tôi xin chia sẻ cùng bạn đọc một số ca sĩ tiêu biểu theo thứ tự a,b,c sau đây:

-- Tôi bắt đầu yêu thích giọng hát của nhạc sĩ, kịch sĩ và ca sĩ Anh Dũng từ khi nghe anh trình bày ca khúc Mấy dặm sơn khê của Nguyễn văn Đông trong đĩa nhạc Gởi người em gái phát hành năm 1997. Âm giọng của Anh Dũng vững trãi, trữ tình, làn hơi khoẻ, nhả chữ rõ ràng, đủ điều kiện để luyến láy, ngắt đổi giai điệu tùy theo xúc cảm. Còn chút gì để nhớ thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy, mang âm hưởng dân nhạc cũng là một nhạc phẩm đắc ý của anh. Bài ca gợi nhớ những kỷ niệm hoa mộng miền cao nguyên Đà Lạt, nơi anh sinh trưởng và lớn lên.

-- Trong chương trình vô tuyến truyền hình của trường trung học Mạc Đĩnh Chi cuối thập niên 60, lần đầu tiên tôi được nghe một giọng hát đẹp, thiên phú của cô nữ sinh có biệt danh Họa Mi, sinh ngày 1 tháng 5 1955. Cô tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc, được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ dẫn dắt trên con đường ca hát, là ca sĩ thường trực tại phòng trà danh tiếng Maxim’s Saigòn trước năm 75. Năm 1988, Họa Mi định cư tại Pháp và vẫn tiếp tục nghiệp dĩ ca hát như nghề tay trái. Nhưng khán thính gỉa nhận ra chất giọng Họa Mi không còn vô tư trong sáng như ngày nào, mà mang mang u hoài, thương tiếc dù rằng vẫn mượt mà truyền cảm.
Tôi yêu thích Họa Mi trong những bài hát: Tiếc thu của Thanh Trang, Trong nỗi nhớ muộn màng của Ngô Thụy Miên và đặt biệt ca khúc Em đi rồi của Lam Phương. Khi có dịp nghe bài hát này, chúng ta hãy rũ lắng tâm tư để chia sẻ cảm thông, nghe Họa Mi hé lộ mảnh tình riêng rất buồn bã của cô và nhạc sĩ Lê Tấn Quốc (cuộc hôn nhân chỉ kéo dài mười năm) Tại Pháp, Họa Mi lập gia đình với một người quốc tịch Pháp và nuôi các con ăn học. Nhạc sĩ Lê tấn Quốc bị tật mục, gần như mù hẳn. Tuy nhiên anh rất đào hoa, nổi tiếng nhất nước với tiếng kèn saxo điêu luyện. Anh và một kèn thủ khác là Trần Mạnh Tuấn được cựu TT Bill Clinton (chơi kèn có hạng) bắt tay khen ngợi khi ông dự buổi hòa nhạc tại Hà Nội. Điều này được TT Clinton nhắc đến trong cuốn hồi ký “My Life”.
Ca khúc Em đi rồi do nhạc sĩ Lam Phương sáng tác dành riêng cho nữ ca sĩ hồng nhan này. Bản hát nổi tiếng ngay sau khi được cô trình bày trên Thúy Nga Paris. -- Có những giọng ca, thoạt nghe chưa thấm, phải nghe đôi ba lần, tâm tư người nghe mới cảm nhận trọn vẹn nét hài hòa tuyệt vời trong giai điệu, lời ca của người viết nhạc cùng phong cách diễn đạt của người hát. Đó là trường hợp ca sĩ Quang Tuấn.
Mùa Thu năm ngoái, tôi được ca sĩ Lệ Thu giới thiệu tiếng hát Quang Tuấn. Tôi thảng thốt nhận ngay ra chất giọng ấm áp, tròn trịa trong âm vực cao và thấp, trẻ trung phơi phới cộng thêm kỹ thuật trình diễn, nhạc lý vững vàng của nam ca sĩ này. Anh có ngoại hình cao ráo, học thức, nghiêm chỉnh trong việc chọn lựa bài hát trình diễn. Giọng anh rất thích hợp với những ca khúc tiền chiến trữ tình: Em đến thăm anh một chiều mưa (của Tô Vũ), Nhặt cánh sao rơi (Vũ Thành), Hình ảnh một buổi chiều (Lâm Tuyền và Dạ Chung)…cùng loại nhạc tiết điệu dồn dập như hợp khúc Mơ hoa & Lỡ cung đàn của Hoàng Giác. Có người nói rằng cung cách trình diễn và giọng ca của Quang Tuấn thấp thoáng “bóng dáng một Tuấn Ngọc”. Theo người viết, Quang Tuấn sẽ có một ví trí riêng biệt trong làng âm nhạc trình diễn tại hải ngoại. Nhắc lại câu nói của anh: “Khi đi hát, Quang Tuấn chỉ đòi hỏi một cát sê “văn nghệ” dù show lớn hoặc nhỏ.

-- Ca sĩ Quỳnh Giao sinh năm 1946, đến với âm nhạc từ năm 15 tuổi, xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ. Thân mẫu cô là ca sĩ Minh Trang, tiếng hát vang danh trong thập niên 1950 qua những ca khúc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, bố nuôi cô. Thân sinh cô mất lúc cô mới lên năm. Sau bảy năm, Quỳnh Giao tốt nghiệp thủ khoa lớp dương cầm và được một nhân viên Văn hóa Pháp hướng dẫn về thanh nhạc và kỹ thuật xướng âm nhạc cổ điển tây phương. Nhờ chất giọng thanh tao cùng căn bản nhạc lý khoa bảng, tiếng hát Quỳnh Giao đặc biệt thích hợp với những bài song ca hoặc hợp ca hát bè.
Tại Mỹ, sánh vai cùng ca sĩ đàn chị Kim Tước, Mai Hương…Quỳnh Giao trở lại con đường ca hát sau nhiều năm vắng tiếng. Ngoài những ca khúc thính phòng “kén thính giả” của các nhạc sĩ lão thành Vũ Thành, Hoàng Trọng, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Lê Trọng Nguyễn…Quỳnh Giao còn chứng tỏ khả năng đa dạng khi trình bày rất đạt những ca khúc giá trị sau này của Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An…Cô đang cư ngụ tại Santa Ana với phu quân là kinh tế gia Nguyễn xuân Nghĩa.

-- Là ái nữ của nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng, Thái Hiền cùng anh là Duy Quang với ban nhạc gia đình The Dreamers, bắt đầu sự nghiệp ca hát qua những ca khúc ngọai quốc Anh, Pháp trong thập niên 60, cùng những sáng tác dành cho tuổi hoa niên của Phạm Duy như Tuổi mộng mơ, Chú bé bắt được con công…Sau cuộc di tản cùng đại gia đình qua Hoa kỳ, Thái Hiền tiếp tục theo đuổi nghề ca hát. Cô và Tuấn Ngọc (em rể) thâu chung CD Lời gọi chân mây gồm những ca khúc chọn lọc với phần hòa âm công phu của Duy Cường. Một thời cô được xem là một trong trong những tiếng hát thành công tại hải ngoại. Tuy nhiên, cô bản tính ít nói, cuộc sống khép kín nên khán thính gỉa không được biết nhiều về người ca sĩ sinh năm 1958. Có người nói: Ca sĩ Thái Hiền làm “lạnh sân khấu!”, và có cuộc sống không bình thường sau khi chia tay với người chồng đầu tiên.

Trở ngại lớn nhất cho những tài năng trẻ hiện nay khi hát những ca khúc tiền chiến của lớp nhạc sĩ thuộc thế hệ thứ nhất, thứ hai, thời gian họ không sống qua. Nhưng điều đáng ghi nhận: Thế hệ giòng nhạc thứ năm này đã rất cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm và truyền đạt thành công cảm xúc đến giới thưởng ngoạn. Điều này cần thiết vì “Nhạc tiền chiến là bình minh của nền Tân nhạc Việt Nam” như nhạc sĩ Nguyễn Hiền từng nói. Những Như Quỳnh, Ngọc Hạ, Trần Thái Hòa, Anh Tuấn, Thế Sơn, Nguyên Khang…tại hải ngoại và Quang Dũng, Đức Tuấn, Quỳnh Lan, Xuân Phú, Khắc Dũng…ở trong nước, đã vượt qua được bước qua rào cản, thử thách này.
Ở vai trò thính gỉa, thưởng thức bộ môn nghệ thuật âm nhạc sân khấu đòi hỏi yếu tố xúc cảm, mà cảm xúc là bản năng cá biệt của tâm thức. Vì vậy, đánh gía một tác phẩm nghệ thuật cũng như cung cách trình diễn là việc làm liều lĩnh và chủ quan. Vì sở thích cá nhân không có đơn vị cân đo và hệ thống so sánh. Chúng ta thường dùng cách nói đơn giản: “Thích vì hợp!” Khi tôi lắng nghe một bản nhạc, nhớ lại vài giọng hát, một số ca khúc của nền âm nhạc kéo dài hai thập niên 1955-1975; Mỗi một tiếng hát thời ấy đều có cá tính riêng biệt. Không thể nhầm lẫn Thái Thanh với Thanh Thúy, Khánh Ly với Lệ Thu, Thanh Lan với Julie Quang, Phương Dung với Hoàng Oanh hoặc Nhật Trường với Duy Khánh, Elvis Phương với Anh Khoa…Hơn nữa, có những giọng ca “thích hợp” đặt biệt cùng nét sáng tác của một số nhạc sĩ. Thái Thanh “chuyên trị” nhạc Phạm Duy, Khánh Ly với dòng nhạc Trịnh Công Sơn, Thanh Thúy với Trúc Phương và Hà Thanh với nhạc Nguyễn Văn Đông… Làm sao tôi có thể bôi xóa được những rung động tột cùng trong ký ức âm nhạc khi nghe Thái Thanh điêu luyện rưng rưng kể chuyện Quê nghèo của Phạm Duy, Lệ Thu nấc nghẹn trông vời Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh, Khánh Ly rướn giọng đam mê Cuối cùng cho một tình yêu của Trịnh Công Sơn, Thanh Lan thì khắc khoải cất tiếng Gọi người yêu dấu của Vũ Đức Nghiêm, Julie Quang bồi hồi hoài niệm Ngày xưa Hoàng Thị của Phạm Duy…
Di sản âm nhạc đồ sộ đó được tôi hồi tưởng bằng thính giác của kỷ niệm theo vận nước nổi trôi. Thấp thoáng đã hơn nửa thế kỷ. Nhiều nhạc sĩ và những giọng ca giờ đây đã vĩnh viễn chia tay giới mộ điệu. Chết nhưng không mất. Thanh âm tuyệt vời của những giọng hát bất hủ, vượt thời gian được ghi lại qua những thước băng nhựa, là gia tài qúy báu của người nghệ sĩ ký thác cho hậu thế. Âm nhạc, vì vậy, không phải chỉ để giải trí mà còn là dấu tích một thời vàng son của nền Tân nhạc Việt Nam.

Trung Đạo