"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Vài Cảm Nhận Bài Thơ “Hạ Thương

(Tác giả Miền Ký Ức - Giải khuyến khích trong Tuyển tập  " Những Mùa Hè Rực Rỡ " NXB Văn Học )

   Ai từng trải qua một lần dang dở, đọc bài thơ Hạ Thương của Miền Ký Ức cũng cảm thấy nao lòng, cảm thông, sẻ chia cùng tác giả. Những hình tượng thiên nhiên như trời mây, mưa gió cùng những cỏ cây, hoa lá, chim muông minh họa cho bài thơ thêm sinh động, đầy cảm xúc.

" Chiều nay mưa như ướt cả triền đê
Đâu đây tiếng con bìm bịp lẻ bầy trên dòng sông lạc lõng

Ai tìm lá diêu bông mà lời ru nỉ non vào trong từng giấc mộng

Ai hát khúc tình buồn cho kẻ ở người đi

Anh có bao giờ tự hỏi mình vì sao mãi bặt cánh thiên di "

   Đọc bài thơ Hạ Thương, tôi chợt nhớ hình ảnh người con trai mỗi chiều thường xuống ven đê đầu làng, tay cầm lá diêu bông chờ người con gái trao như lời hứa để được làm chồng. Và một buổi chiều " Ngày cưới xe hoa qua làng cũ / Tay em cầm lá đứng ven đê ... ". Bài thơ Lá diêu bông trữ tình đã đi vào lòng người, tượng trưng cho một ước mơ, một cuộc sống lứa đôi. Ở đây, tác giả là thiếu phụ vẫn còn son, đã qua tình yêu vụn vỡ, trải lòng mình khát khao đi tìm hạnh phúc càng mãnh liệt hơn là điều dễ hiểu.

  Ai ở vùng sông nước cũng  cảm thấy bâng khuâng khi mỗi buổi chiều nhìn con nước thủy triều lên xuống, bỗng thổn thức, ngã lòng mình với mùi thơm ngai ngái của vạt cải vàng rực bến sông. Bỡi hoa cải mang vẻ đẹp của người con gái chân quê. Hoa cải tượng trưng cho sự đợi chờ, nhớ nhung.

" Cho con nước lớn ròng

Cứ xót thương mùa hoa cải

Anh như mây chốn tang bồng hồ hải

Có bận lòng 

Về một mối tương tư "

   Theo vần vũ trụ xuân, hạ, thu, đông, mỗi mùa có những sắc thái riêng để những cánh hoa khoe hương. Mùa thu ở đâu cũng đẹp, trời dịu mát, se se lạnh. Những chiếc lá  vàng theo từng cơn gió rơi xào xạc khắp cả lối đi. Cuối mùa thu, chớm đông, từng đoàn chim trời theo hình chữ V ngược về phương nam tránh lạnh, tìm thức ăn và cũng tìm tổ ấm mới. Vào mùa đông, tiết trời giá rét, con người cảm thấy đơn côi khi tình yêu có ngã rẽ. Sự chia ly là việc đáng tiếc nên tinh thần suy sụp, mỗi thứ trở thành vô vị.

" Hạ dần qua trời cũng sắp chuyển sang thu 

Vài chiếc lá chát chao vàng bên thềm xưa, mưa ướt

Em nghe tiếng thời gian chạm vào nơi trái tim mỏi mệt

Hấp hối... lụi tàn chạm đáy một niềm đau

Anh cứ vời vợi chốn xa 

Cho ký ức bạc màu

Em chống chọi tơ lòng bằng đôi tay gầy guộc  

Vầng trăng cũng trốn vào mây bỏ mặc em 

Ngơ ngác "

   Khổ cuối bài thơ, tác giả nhắc lại hình tượng lá diêu bông, con chim bìm bịp kêu chiều tăng thêm chất lãng mạn . Ai cũng biết bìm bịp thường đi từng cặp, tiếng kêu khăc khoải như những nốt nhạc trầm buồn đã đi vào ca dao, dân ca. Tiếng kêu của chim càng thê lương, thảm thiết, ai oán vào lúc nước nổi khi thiếu vắng bạn tình.

" Nhớ ai bên bờ hò lên câu điệu lý

Người đã xa  rồi còn chi nữa mà trông

Để con bìm bịp kêu chiều anh lẻ bóng

Gió thổi bờ lao xao xác lá khô vàng "

      ( Tiếng chim bìm bịp )

  Bài hát tiếng chim bìm bịp như hòa vào nỗi buồn mênh mông, trống vắng để cảm nhận bài thơ Hạ Thương, chắc ai xem cũng chạnh lòng.

" Giữa lưng chừng ai buông sợi tương tư

Em  cõng sợi buồn qua từng ngày tháng hao hư

Lá diêu bông cũng xác xơ buồn bên dòng sông kỷ niệm

Không còn anh con bìm bịp cứ gọi chiều... lạc giọng

Người ơi ngời về ngắt sợi nhớ giùm em "

     Tình yêu là đề tài muôn thuở, không bao giờ cũ mà các văn thi sĩ nói chung, Miền Ký Ức nói riêng bằng khả năng sáng tạo của mình đã làm mới chủ đề này. Tác phẩm là cảm xúc của mỗi tác giả, đôi khi là hư cấu hoặc tưởng tượng. Chuyện tình càng ngang trái, đau thương thì bài viết càng hay, càng cảm xúc dễ đi vào trái tim mọi người. Bài thơ Hạ Thương của Miền Ký Ức là một điển hình. Chúc mừng tác giả. Mong đón nhận nhiều tác phẩm hay hơn nữa.

Minh Triết