"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

Giới Thiệu Sách
“Phật-Giáo Việt-Nam,
Từ khởi thủy đến tiền bán thế kỷ 20”
của Tác giả Ngô Thị Quý Linh.

22ahvhntql1

Cuối năm Tân Sửu tôi vui mừng nhận được một món quà quý giá từ Texas. Một cuốn sách in rất đẹp, trình bày trang nhã, hình ảnh màu và đen trắng phong phú, bìa cứng , 556 trang giấy cứng, do tác giả gởi tặng.

Tác giả là chị Ngô Thị Quý Linh, tuy chưa gặp mặt nhưng tôi đã có nhiều lần “gặp gỡ” trên đài Houston Texas lúc chị phỏng vấn tôi về các vấn đề lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ với phong cách dịu dàng và kiên nhẫn  của một nữ học giả uyên thâm nhưng vẫn khuyến khích và để người được phỏng vấn có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình một cách thoải mái.

Thật vậy, để hiểu tại sao tác giả “đơn thân độc mã” mà thực hiện một công trình lớn như cuốn “Phật Giáo Việt Nam”, tôi nghĩ chúng ta nên nhắc đến “căn cước” với nguồn gốc về văn hóa địa lý  (gốc Bắc , sinh ra ở  Huế, lớn lên  ở Sài Gòn và  tại Mỹ), và  văn hóa giáo dục (Việt, Pháp, Mỹ) cũng như  quá trình chị quan tâm,  học hỏi và phục vụ văn hóa Việt Nam qua mấy chục năm “lưu vong” ở Mỹ như thế nào

Vài nét về tác giả Ngô Thị Quý Linh

    • Chính quán Hà Đông (Bắc Phần) , sinh quán Huế (1954 năm đất nước chia đôi)
    • Học sinh chương trình Pháp ở Trường Tiểu học Colette và Trung học Collège Fraternité (Sài Gòn)
    • Cựu sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Y Khoa Sài Gòn (1975).
    • Từng tham dự với tư cách thuyết trình viên tại Hội thảo Giáo dục Y khoa ở Đà Lạt (1974)
    • Di tản bằng máy bay khỏi Sài Gòn ngày 29 tháng 4, từ Subic Bay, qua Guam, đến trại tỵ nạn Fort Chaffee, Arkansas
    • Định cư cùng gia đình tại Chicago; làm phụ giáo (teacher-aid) cho các trẻ em tàn tật
    • Học tiếng Anh ở Barat College (Lake Forest)
    • Tốt nghiệp đại học Oberlin College (Ohio)
    • Định cư ở Texas (sau khi kết hôn với Bác sĩ chuyên khoa mắt Đỗ Hoàng Ý)
    • Từ năm 1981, cùng với phu quân, sưu tầm, chụp photocopy các sách báo tiếng Việt lưu trữ tại các trường đại học Mỹ ở Đông Bắc Hoa Kỳ (là căn bản cho cuốn Sử Xanh Lưu Truyền sau này), sưu tầm các sách vở về văn hóa Việt nam, hình ảnh, cổ vật
    • Đã xuất bản một số sách cho thanh thiếu niên từ năm 1990: Bộ sách Tôi Yêu Quê Tôi gồm nhiều tập; Children of Dragons and Grandchildren of Fairies (với phần minh họa của Đỗ Quý Linh Đan); Truyện Cổ Tích Việt Nam (cùng với Đỗ Quý Linh Trân)
    • Tác phẩm về lịch sử và văn hóa Việt Nam:
      • Sử Xanh Lưu Truyền (1991)
      • Lời Mẹ Hiền qua tục ngữ ca dao (1993)
      • Lược sử Triết lý Giáo dục Việt Nam (1997)
      • Lịch sử Việt Nam từ thuộc Pháp đến Độc Lập, 1858-1945 (2002)
      • Việt Nam và Công cuộc Duy Tân (2019)
      • Phật Giáo Việt Nam, Từ khởi thủy đến tiền bán thế kỷ thứ 20 (2021)
    • Cố vấn cho Viện Bảo Tàng Thiếu Nhi tại Houston (Children’s Museum of Houston) năm 2004 để thực hiện triển lãm “Con Rồng Cháu Tiên”.
    • Thành lập Trường Truyền Thống Việt từ năm 2006.
    • Phụ trách chương trình Văn Hóa Việt trên đài Saigon Houston từ năm 2007.
    • Cộng tác từ năm 2014 với Nhóm Thực Hiện Từ Điển Việt Nam tại Hải Ngoại (do Giáo sư Nguyễn Song Thuận chủ trương).

Sách Phật Giáo Việt Nam:

Chỉ đọc trang bìa chúng ta cũng có thể thấy tầm rộng  của đề tài nghiên cứu.

Phần 1: Lược sử bàn về những giai đoạn phát triển của Phật giáo như thời kỳ khởi phát từ những thế kỷ đầu tiên của Công nguyên với các tăng sĩ Ấn Độ đi theo các nhà buôn vào Việt Nam (Giao Châu), với Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, cho đến đầu thế kỷ thứ 11 lúc một số thiền sư đã có ảnh hưởng trong triều đình nhà Lê (Lê Long Đĩnh) đang suy tàn, và báo hiệu cho sự trổi dậy của Lý Công Uẩn, sáng lập nên nhà Lý và  sẽ là thời đại “hoàng kim “của Phật giáo.

Sau 200 năm, nhà Trần lên ngôi và mặc dù lúc đầu có những biện pháp tàn ác tiêu diệt tàn tích của nhà Lý, các triều đại nhà Trần nói chung  mộ đạo Phật và luân lý Phật giáo lan tràn khắp nước. Các vua nhường ngôi cho con khi hoàng thái tử có đủ sức cầm quyền chính, vua làm thái thượng hoàng và xuất gia, biên khảo về đạo Phật. Vương hầu có thể được phong chức của tăng đạo.

Trong Thiền Phái Trúc Lâm được xem là “tinh hoa của Phật giáo Đại Việt”, sau Trúc lâm Đại Sĩ  (Vua Nhân Tông) đến Sư Pháp Loa “được làm chủ sơn môn Yên tử, giữ 200 pho kinh điển đạo Phật, định chức các tăng đồ trong dân gian”.

Từ nhà Lê trở đi (TK 15-19), Phật giáo trở nên “đại chúng hóa” đi đôi với cuộc Nam tiến, với những trung tâm mới  ở Đàng Trong  như vùng kinh đô Huế và những giáo phái mới  như Bửu Sơn Kỳ Hương ở Nam Kỳ. Giai đoạn này cũng là lúc các giáo sĩ châu Âu đến truyền đạo ở Việt Nam với những xung đột giữa công giáo và các tín ngưỡng truyền thống.

Sau khi Pháp bắt đầu đô hộ, “Đạo Phật không có cơ hội phát triển nhưng nhờ không bị cấm đoán, vẫn tiếp tục dòng chảy trầm mặc tự nhiên cùng với đời sống người dân Việt”. “Thập niên 1920, 1930, đạo Phật hồi sinh với những cuộc vận động từ nam chí bắc. Lý do cho sự phục hưng Phật giáo lúc bấy giờ là do sự hiểu biết về đạo Phật trong xã hội đang trải qua một thời kỳ đi xuống” (trang 76).

Các phần sau:

Phần hai: Chùa chiền (trang 119-306) giới thiệu hầu hết các chùa nổi tiếng hay ít nổi tiếng của Việt Nam, được minh họa với các hình ảnh xưa từ bưu ảnh, sách báo Pháp và Việt ngữ cùng  với một số tranh mới rất đẹp của hoạ sĩ May Verkaik , Lê Văn Trước, Robert Boyle.

Phần ba: Văn thơ (trang 307-516) là phần dài nhất, giới thiệu từ các nhà thơ thiền đời Lý, thiền sư Vạn Hạnh, của vua Trần Thái-tông, Trần Nhân Tông, cho đến Khái Hưng (với tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên),  học giả Trần Trọng Kim tác giả của tập sách “Phật giáo” gồm ba bài diễn văn về Phật giáo của ông. (Tác phẩm được biết đến nhiều hơn của Trần Trọng Kim là Việt Nam Sử Lược và Nho giáo).

Đoạn cuối (phần Kết) rất hữu ích cho người đọc một cuốn sách tham khảo tầm cỡ như cuốn sách này:

-Niên biểu và niên hiệu: từ Thượng cổ thời đại (Hồng Bàng) cho tới Việt nam Cọng Hòa

-Mục lục

-Tham khảo

-Bảng tự vựng một số từ Phật giáo: như một từ điển nhỏ giúp cho người không quen thuộc với ngôn ngữ Phật giáo.

Tóm lại, Phật-Giáo Việt-Nam là một công trình học thuật lớn của một nữ lưu người Việt có nhiều tâm huyết và nhiều kinh nghiệm trong công cuộc nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa Việt Nam. Nếu tôi không lầm thì tác giả cũng là một tín đồ tín sùng Phật giáo. Theo chuyện tác giả kể trong một bài viết khác, lúc gia đình chị đang chờ được di tản khỏi Sài gòn ngày 29 tháng 4 năm 1975, thì bổng nhiên nghe đạn pháo kích, tất cả mọi người đều nhảy xuống các rãnh đất và nằm sát mặt đất. Mẹ chị kêu lên: “Nằm xuống! nằm xuống! Các con niệm “Nam mô A di đà Phật đi”! …

Có lẽ giây phút đó còn hiện diện trong tâm trí của tác giả lúc tác giả bỏ bao nhiêu công sức , thì giờ và tâm huyết để thực hiện cuốn sách này, mà tôi nghĩ là một “công quả từ trái tim” (labor of love) của chị không những cho Phật giáo mà cho cả  nền văn hóa của người Việt dù thuộc tôn giáo nào, bất cứ ở đâu.

Tôi không thông hiểu đạo Phật, cũng không phải là nhà phê bình văn học. Ngoài sự ngưỡng mộ tổng quát với một công trình đẹp và sâu  ít ai thực hiện được, có điều gì một độc giả như tôi muốn biết thêm chăng?

Có lẽ một số giai đoạn nếu bàn thêm thì sẽ rất lý thú (mà cũng có thể gây tranh cãi) là vai trò của Phật giáo dấn thân trong những năm thời Đệ nhất Cọng Hòa dẫn tới sự sụp đổ của chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, trong thời kỳ Phật giáo Miền Trung sau đó (thời Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ, 1966), Phật giáo ở Việt nam sau 1975 nơi các chùa chiền lớn được xây dựng từ nam tới bắc  và Phật Giáo hải ngoại đang càng ngày càng tăng sự hiện diện trong các cộng đồng Viêt. Đó là những giai đoạn mà Phật giáo lớn mạnh và đóng vai trò lịch sử trong những chuyển biến trọng đại của đất nước, quan trọng không kém so với những biến đổi dưới triều đại Lý Trần.

Mong ước tác giả Ngô Thị Quý Linh sẽ tiếp tục có những công trình tầm  cở như thế này để chúng ta hiểu hơn về quá khứ của chúng ta và tin tưởng hơn về tương lai của đất nước, con người Việt Nam.

(Sách có bán trên Amazon.com).

Hồ Văn Hiền
Ngày 19 tháng 1 năm 2022