"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

Thực Tế Về Quan Hệ Vợ Chồng Vùng Thôn Quê

Trong một bài trước, bài “Quan niệm của Người Đàn bà Dân dã về Quan hệ Vợ Chồng”, chúng tôi có đề cập đến những giá trị nhân bản mà người đàn bà dân dã mang lại như tình yêu, nhân nghĩa hơn là tiền của, thuỷ chung, và sự hoà thuận giữa vợ chồng là những nền tảng cho sự bền vững trong quan hệ vợ chồng. Và sự bền vững này đã từng được thực hiện ở vùng thôn quê. Tuy nhiên, phố thị hay những vùng tiếp giáp phố thị, môi trường sinh sống của giới trung lưu, thượng lưu bao giờ cũng là một sự quyến rũ đối với người dân nghèo ở vùng thôn quê. Những gia đình ở vùng thôn quê nghèo khổ, trong ước vọng vươn lên, thường gả con gái cho những gia đình khá giả, giàu có, danh gia vọng tộc, hay quan quyền. Những gia đình này, không ít thì nhiều, có học thức và đa số chịu ảnh hưởng nặng nề của giáo dục Khổng giáo Tống Nho mà ảnh hưởng đã tạo nên (1) vai trò độc tôn của người chồng và vai trò nhỏ bé và nô thuộc của người vợ trong gia đình, và (2) cảnh người vợ hầu như chỉ là kết quả của một sự đổi chác mang tính vật chất và phương tiện chứ không phải là kết quả của tình yêu, như người đàn bà dân dã quan niệm.

Trong bối cảnh này, người vợ thường phải làm việc vất vả, một phần là để trả nợ cho sự đổi chác việc được làm vợ của giai cấp trung lưu hay thượng lưu, phần khác là để thể hiện sự quy phục vai trò thấp bé đã từng bị áp đặt lên người đàn bà trong nấc thang hệ đẳng của Khổng giáo Tống Nho.

Vô duyên, vô phúc múc phải gái làng Bồng
Ăn cơm gà gáy, ngủ với chồng nửa đêm.

Nửa đêm ân ái cùng chồng
Nửa đêm về sáng, gánh gồng ra đi.

Chàng ơi! Có thương vợ không?
Để vợ đi cấy đã còng cả lưng.

Em nay đi cấy đồng sâu
Dưới chân đỉa cắn, trên đầu nắng chang
Chàng ơi! Có thấu chăng chàng
Một bát cơm vàng, biết mấy công lênh.

Một mình lo tảo, lo tần
Lo phần sưu thuế, lo phần chồng con.

Nhà khó, cậy vợ hiền; nước loạn, nhờ tướng giỏi.

Chồng nợ, vợ phải trả.

Công nợ thiếp trả cho chàng
Xin đừng lên thác, xuống hàn* nắng mưa.

(Hàn: chỗ nước chảy mạnh, bên dưới có lườn đá ngầm)

Tháng Hai cho chí tháng Mười
Năm mười hai tháng, em ngồi em suy
Vụ chiêm, em cấy lúa di
Vụ mùa, lúa dé, sớm thì ba trăng
Thú quê rau cá đã từng
Gạo thơm, cơm trắng chi bằng tám xoan
Việc nhà, em liệu lo toan
Khuyên chàng học tập cho chuyên kẻo mà.

Vì chàng thiếp phải ngủ ngồi
Nghĩ như thân thiếp, tìm nơi mà nằm.

Một ngày ba trận trèo đèo
Vì ai vú xách, lưng eo hỡi chàng!

Một ngày ba trận trèo non
Lấy gì mà đẹp mà giòn, hỡi anh!

Ngoài công việc cực nhọc đóng góp vào việc phát triển kinh tế cho gia đình nhà chồng, người vợ còn phải hằng ngày lo săn sóc, phục vụ ông chồng từng cái ăn, cái mặc, và ngay cả phục vụ những nhu cầu tâm lí cho chồng:

Chàng ơi! Chớ bực sầu tư
Khi xưa có mẹ, bây chừ có em.

Trời mưa thì mặc trời mưa
Chồng tôi đi bừa đã có áo tơi
Chồng tôi đi chơi đã có nón đội
Chồng tôi đi hội đã có dù che.

Nhịn miệng đãi khách đường xa
Cũng là của để chồng ta ăn đường.

Chàng đi đưa gói em mang
Đưa dù em vác cho chàng đi không.

Chè Ô Long nấu nước ấm đồng
Để vô bình tích thuỷ đãi đằng lang quân.

Đốt than nướng cá cho vàng
Đem tiền mua rượu cho chàng uống chơi
Phòng khi có khách đến chơi
Cơm ăn, rượu uống cho vui lòng chàng.

Ai kêu, ai hú bên sông
Tôi đang nấu nướng cho chồng tôi ăn.
Ở làm ri đâu cho trọn nghĩa vợ chồng
Đổ mồ hôi, em chặm; ngọn gió lồng, em che.

Ai kêu léo nhéo bên sông
Tôi đương vá áo cho chồng tôi đây

Anh đi làm thợ nơi nao
Để em gánh đục, gánh bào đi đưa
Trời nắng cho chí trời mưa
Để em cởi áo che mưa cho chàng.

Thuyền quyên sắm sửa cho chồng
Một bộ ăn chơi: cái quần cát bá, cái ô cánh dơi, cái khăn nhiễu Tàu
Khăn nhiễu Tam Giang anh quấn lên đầu
Lược ngà búi tóc, mọi màu cho sang
Chân anh nhịp bước khoan khoan
Dạo chơi kẻ chợ, vẻ vang trăm chiều
Khăn huê thiếp tô nhuộm mùi điều
Hỏi chàng rằng đã mĩ miều hay chưa?
Chưa vừa, thiếp tôi sắm cho vừa
Võng hai lá thắm, ngựa thừa nước hay
Sắm sanh thực lắm thứ hay
Ống thuốc bằng ngọc, quạt tay bằng ngà
Sắm cho anh bạc bảy, thau ba
Bao diêm, thuốc lá, quạt ngà, thong dong
Cho bõ cái công con gái thuyền quyên sắm sửa cho chồng
Đũa sơn, bát sứ, chậu thau đồng rửa tay
Dạo chơi khắp hết đông, tây
Về nhà bàn cờ gỗ trắc, chơi ngay trong mùng
Bốn bên, bốn dải kim tùng
Ở giữa vải vóc da đồng vạn vân
Một, Chạp, thiếp tôi sắm cho chàng một lồng ấp với chiếc chăn bông
Cái áo chàng mặc tôi nhuộm lần trong những bốn mùi
Thứ nhất nhuộm lấy da trời
Nhì nhuộm hoa liễu, ba thời hoa hiên
Bốn nhuộm màu lục đẹp bền
Bốn mùa sặc sỡ, đừng quên công người
Ăn chơi cho đủ mọi mùi.

Những người ở vùng thôn quê, trong ước vọng vươn lên, thường gả con gái vào những gia đình giàu có. Những tưởng lấy được người chồng giàu là sung sướng, hạnh phúc, nhưng trong thực tế người đàn bà dân dã đã thất vọng và đau khổ vì mình bị sử dụng như là một phương tiện kinh tế cho nhà chồng chứ không phải là đối tượng của tình yêu.

Thân em mười sáu tuổi đầu
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người
Nói ra sợ chị em cười
Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay
Tôi về đã mấy năm nay
Buồn riêng thì có, vui vầy thì không
Ngày thì vất vả ngoài đồng
Tối về thời lại nằm không một mình
Có đêm thức suốt năm canh
Rau heo, cháo chó loanh quanh đủ trò
Ai về nhắn mẹ cùng cha
Lấy chồng nhà có, khổ ba bảy đường
Đêm nằm lưng nỏ bén giường
Mụ gia đã xốc vô buồng kéo ra
Bảo lo con lợn, con gà
Lo xong cối lúa, quét nhà, nấu cơm
Ốm đau thì mụ nỏ thương
Mụ hành mụ hạ, đủ đường khốn thân
Tối về bưng bát cơm ăn
Mụ cầm cái đọi mụ quăng vô người
Lấy chồng giàu, khổ lắm chị ơi!

Ai ơi, phải nghĩ trước sau
Đừng tham lắm của nhà giàu làm chi
Làm thì xem chẳng ra gì
Làm tất làm tả nói thì điếc tai
Đi ngủ thì hết canh hai
Thức khuya dậy sớm mình ai dãi dầu
Sớm ngày đi cắt cỏ trâu
Trưa về lại bảo: ngồi đâu, không đầy!
Hết mẹ rồi lại đến thầy
Gánh cỏ có đầy, vẫn nói rằng vơi
Nói thì nói thật là dai
Lắm câu chua cạnh, đắng cay trăm chiều
Phận em là gái nhà nghèo
Lấy phải chồng giàu, ai thấu cho chăng
Nói ra đau đớn trong lòng
Chịu khổ, chịu nhục suốt trong một đời.

Cu cu mà đỗ cửa quyền
Lấy chồng chưa mãn ba niên lại về.

Em tham giàu lấy thằng bé tí tị tì ti
Làng trên xã dưới thiếu gì con trai to
Em đem thân cho thằng bé nó giày vò
Mùa đông tháng rét nó nằm co trong lòng
Tưởng đến cơn, em bồng đức ông chồng lên
Nó còn niên thiếu chẳng nên cơm cháo gì
Nó cứ ngủ, đêm nó ngáy khì khò
Để nó lên bụng, thì thì rằng: thôi!

Vì nghèo khổ nên cha mẹ thường gả con gái cho gia đình giàu có, mong con thoát được cảnh bùn lầy nước đọng. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, con đã không được sung sướng mà còn phải chịu cảnh thân xác bị đoạ đày. Hơn nữa, để có được cái tiếng giàu có hay cái danh vọng quan quyền hão huyền, nhiều người con gái son trẻ lắm lúc đã phải lấy một ông chồng già nua, tuổi tác đáng làm cha, làm ông của mình .

Bữa cơm múc nước rửa râu
Hầu cơm, hầu rượu, hầu trầu, hầu tăm
Đêm đêm dắt cụ đi nằm
Than thân phận gái ôm lưng lão già
Ông ơi! Ông buông tôi ra!
Kẻo ai trông thấy, người ta chê cười.

Vô duyên lấy phải ông già
Ra đường bạn hỏi rằng “cha” hay “chồng”
Nói ra đau đớn trong lòng
Chính thức là chồng, có phải cha đâu
Ngày ngày vác cối giã trầu
Tay thời rót nước, tay hầu cái tăm
Đến đêm đưa lão đi nằm
Thiếp đặt lão xuống, lão nằm trơ trơ
Hỡi ông lão ơi! Ông trở dậy cho thiếp tôi nhờ
Để thiếp tôi kiếm chút con thơ bế bồng
Nữa mai người có, thiếp không
Xấu hổ với chúng với bạn, cực lòng mẹ cha.

Gà tơ xào với mướp già
Vợ hai mươi mốt, chồng đà sáu mươi
Ra đường chị diễu, em cười
Rằng hai ông cháu kết đôi vợ chồng
Đêm nằm tưởng cái gối bông
Giật mình gối phải râu chồng nằm bên
Sụt sùi tủi phận, hờn duyên
Oán cha, trách mẹ tham tiền bán con.

Để đỡ tủi phận, người đàn bà có lúc đã chua chát vinh danh thân phận có chồng già bằng câu ca dao mỉa mai sau đây:

Có duyên, lấy được chồng già
Ăn cơm bỏ cháy, ăn gà bỏ xương.

Ngoài ra, thân phận làm vợ trong gia đình cổ truyền thuộc giai cấp trung lưu, thượng lưu, quan quyền còn có những cảnh khổ khác nữa như thường xuyên phải xa chồng, phải làm lụng vất vả để nuôi chồng đi ăn học nơi xa trong nhiều năm, thường là ở kinh kì, và chờ đợi người chồng thi đỗ mới “vinh quy, bái tổ” trở về làng. Không đỗ thì chồng cũng làm thầy đồ dạy dỗ con em trong làng, cũng có được tiếng thơm. Ra đi, người chồng trao việc săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà của mình cho vợ như là một trách nhiệm đương nhiên mà người vợ phải lãnh nhận.

Áo trắng em khâu chỉ tơ
Khuyên chàng đi học, thiếp chờ ba năm
Phòng khi dạ nhớ hỏi thăm
Hỏi chàng đi học xa xăm dường nào
Muốn cho một chốn gần nhau
Em gửi thư vào khuyên học cho hay
Bút nghiên cất nhắc liền tay
Đêm ngày chăm học nào ai chê cười.

Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân
Nay anh học gần, mai anh học xa
Lấy anh từ thuở mười ba
Việc cửa, việc nhà anh bỏ cho tôi.

Anh nay đương lúc còn trai;
Anh đi học tập ở nơi kinh kì.
Chiếu vua mới mở khoa thi:
Anh sắm nghiên bút vào thi đỗ liền.
Khoa trước thời đỗ giải nguyên;
Khoa sau tiến sĩ đỗ liền hai khoa.
Vinh quy bái tổ về nhà;
Ăn mừng khai hạ có ba bốn ngày.

Quả cau nho nhỏ, cái vỏ vân vân
Nay anh học gần, mai anh học xa
Tiền gạo thì của mẹ cha
Cái nghiên, cái bút thật là của em.

Ai đi đợi với tôi cùng
Tôi còn sắm sửa cho chồng đi thi
Chồng tôi quyết đỗ khoa này
Chữ tốt như rắn, văn hay như rồng
Bõ khi xắn váy quai cồng
Cơm niêu nước lọ nuôi chồng đi thi.

Em ơi, em ở cho ngoan,
Một hai năm nữa, lo toan cửa nhà.
Em ơi, đừng phụ mẹ già,
Một vài năm nữa, lo nhà cho anh.
Em thời buôn bán cho lanh,
Để anh chăm chỉ học hành cho thông.
Mai sau anh đậu quận công,
Em làm chính thất, xem trông cửa nhà.
Trước thời nên thất, nên gia,
Sau thời trả nghĩa mẹ cha sinh thành.

Nếu không phải xa chồng vì chồng đi ăn học nơi xa thì người vợ cũng thường phải xa chồng vì chồng đi buôn bán, làm ăn ở nhiều nơi xa nhà, giao trách nhiệm săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ của mình lại cho người vợ đảm đương trong sự cô đơn, không người tâm sự, giữa khung cảnh xa lạ của nhà chồng.

Nhà anh chỉ có một gian:
Nửa thì làm bếp, nửa toan làm buồng.
Anh cậy em săn sóc trăm đường;
Để anh buôn bán, chảy chương thông hành.
Còn chút mẹ già, nuôi lấy cho anh;
Để anh buôn bán, thông hành đường xa.
Liệu mà thờ kính mẹ già;
Đừng tiếng nặng nhẹ, người ta chê cười.
Dù no, dù đói cho tươi;
Khoan ăn, bớt ngủ, liệu bài lo toan.
Cho anh đành dạ bán buôn.

Gió đưa bụi chuối sau hè
Chàng Nam, thiếp Bắc, làm giàu ai ăn?

Sự kiện xa chồng vì chồng phải đi học ở chốn kinh kì hay xa chồng vì chồng phải đi buôn bán làm ăn nơi khác chỉ đem lại sự buồn bã, cô đơn, và nhớ mong vì thiếu vắng bóng chồng. Nhưng ngoài sự buồn bã, cô đơn, và nhớ mong, người đàn bà còn rất sợ hãi khi xa chồng vì chồng phải đi lính, đi lính để dẹp giặc cho nhà vua, sống chết bất cứ lúc nào, nhất là trong thời kì Pháp thuộc vào khoảng Đại chiến thứ II, người Pháp mộ lính Việt sang Pháp để đánh Đức, không biết bao giờ trở về. Hoàn cảnh này ảnh hưởng đến mọi tầng lớp xã hội: trung lưu, thượng lưu, và nông dân.

Theo nhau cho trọn lời vàng đá
Không hay chừ kẻ Á, người Âu
Gối loan chẳng đặng giao đầu
Con chim bơ vơ núi Ngự, con cá thảm sầu sông Hương.
Anh ra đi Tây, bỏ lại năm sào ruộng sâu, một sào ruộng cạn
Ruộng sâu bị hạn, ruộng cạn sâu keo ăn
Lấy chi nuôi thầy với mẹ quanh năm
Đêm năm canh nằm nghĩ lại, ruột tằm héo hon.

Xúp lê một, còn than còn thở
Xúp lê hai, còn đợi còn chờ
Xúp lê ba, tàu ra biển bắc
Tay vịn song sắt, miệng chắt lưỡi, kêu Trời
Chồng Nam, vợ Bắc, sống đời được đâu!

Tài trai sinh phải thời này
Bên quan, bên giặc, bên Tây, bên Tàu
Gầm trời chưa dễ yên đâu
Có quan Chánh Lĩnh đứng đầu cầm quân
Anh đi khắp thiên hạ xa gần
Đâu đâu cũng phải một lần gian nan
Bên Tây có chiếc tàu sang
Sinh ra khố đỏ, quần vàng, áo thâm
Cho nên anh chịu âm thầm
Vai vác khẩu súng, tay cầm bình toong*
Ra đi, sông cạn, đá mòn
Ra đi, thương nhớ vợ con ở nhà
Việc Tây, anh phải trẩy xa
Khi ở Hà Nội, khi ra Hải Phòng
Nói ra đau đớn trong lòng
Vợ con có biết vân mòng là đâu!
Việc Tây như lửa trốc dầu
Cho nên anh dặn trước sau một lời.

(Bình toong: bidon=bình bằng nhôm đựng nước uống của lính)

Cái cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non
_Nàng về nuôi cái cùng con
Cho anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Vợ chồng mới cưới hôm qua
Hôm nay đi lính, xót xa muôn phần
Vợ chồng chưa kịp ái ân
Nhà vua bắt lính, lấy quân ở làng.

Con xa mẹ, thèm ăn, khát bú
Vợ xa chồng đi thú biệt li
Đêm nằm ấp lấy hài nhi
Con hời, con hỡi, cha con đi phương nào

Con thơ anh bỏ cho nường
Mẹ già đầu bạc, phận nường long đong
Xót xa như muối đổ lòng
Chịu nhục, chịu nhã cho xong một bề
Lấy ai cày ruộng chân quê
Mà lệnh chầu về bắt lính xứ Thanh
Không đi thì dạ không đành
Đi ra mưa nắng tập tành quản bao
Ngang lưng thì thắt cái bao
Tay vác khẩu súng, con dao nạp rừng
Lính anh lính mới chưa từng
Tay vác khẩu súng, nửa mừng nửa lo
Gánh nặng chả ai đỡ cho
Cơn nặng thì ít, cơn lo thì nhiều
Vua ban cái áo mĩ miều
Nửa nhuộm màu điều, nửa nhuộm màu xanh
Tiếc cho bác mẹ sinh thành
Đẻ trai thời loạn, uổng công trình lắm thôi.

Cảnh xa chồng vì chồng đi ăn học ở chốn kinh kì, xa chồng vì chồng đi buôn bán làm ăn ở nơi xa, xa chồng vì chồng phải đi lính dẹp giặc cho nhà vua hay đi lính mộ cho Tây để đánh giặc Đức Quốc Xã ở tận châu Âu là những lí do xa cách mà người đàn bà biết được. Còn có rất nhiều cảnh xa chồng mà người vợ chẳng hề biết lí do tại sao, nhưng phải chịu đựng vì tính độc đoán của người đàn ông trong bối cảnh văn hoá cổ truyền được áp đặt lên người đàn bà, để lại cho người đàn bà một sự đau khổ, buồn tủi trong cô quạnh.

Trông chồng mà chẳng thấy chồng
Đã đành một nỗi má hồng vô duyên.
Đêm nằm mà bỏ tay sang
Giường không, chiếu lạnh, hỏi chàng đi mô?

Chồng tôi đi đã ba đông
Hẹn về năm ngoái, sao không thấy về.

Giang sơn thiếp gánh một mình
Chàng đi hồ dễ thấu tình thiếp chăng!

Chịu oan một tiếng có chồng
Vắng vẻ loan phòng, có cũng như không.

Mẹ trông con ra ngồi cầu Ái Tử
Vợ trông chồng lên đứng núi Vọng Phu
Mỏi mòn bóng xế trăng lu
Khác chi con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu nguôi lòng.

Anh đi, em một ngó chừng
Ngó sông, sông rộng; ngó rừng, rừng sâu.

Đi đâu để nhện giăng mùng
Năm canh thiếp chịu lạnh lùng cả năm.

Đi mô mà chẳng thấy về
Con thơ vợ dại không về viếng thăm.

Đi mô mà nỏ thấy về
Thắp đèn em đợi, dựa kề năm canh.

Đi mô nỏ biết đi mô
Thắp đèn mà đợi, tim khô hao dầu.

Đôi ta như chim từ quy 1
Ngày thì nỏ chộ 2, đêm đi kêu sầu
Thỉnh thoảng bên nhau, mỗi con một núi
Kêu từ chập túi 3 cho tới canh khuya
Sầu này biết để ai chia!

(1 chim từ quy: chim cuốc (đỗ quyên); 2 nỏ chộ: không thấy; 3 túi: tối )

Ngày ngày ra đứng bến sông
Hỏi thăm chú lái: nào chồng tôi đâu?

Anh đi ba bốn năm tròn
Để em giã gạo chày con một mình.

Anh đi đâu bỏ nhện giăng mùng
Bỏ đôi chiếu lạnh, bỏ phòng quạnh hiu.

Sao hỡi sao! Sao chưa có mọc
Sao mọc bên bắc, nước mắt bên đông
Biết thuở nao cho gặp mặt chồng
Đêm khuya em hoài vọng, nước mắt hồng tuôn rơi.

Anh đi đường ấy xa xa
Để em ôm ánh trăng tà năm canh
Nước non một gánh chung tình
Nhớ ai, ai có nhớ mình hay chăng?

Anh ra đi, trong rương còn được hai đồng rưỡi
Côi tra* xuốc* đi xuốc lại còn một nạm* lúa dâu
Em ở nhà lấy chi mà cung thân, dưỡng tử cho trọn câu hiếu tình.

*Tra: vựa ở kế cận nóc nhà
*Xuốc: quét
*Nạm: nắm

Mây giăng trên ngọn non Vồng
Em nhớ thương chồng, đứng bến Châu Giang
Bến Châu Giang thuyền ngang, sóng ngược
Đỉnh non Vồng mây trước mây sau
Ai về có nhớ lời nhau…?

Mặc dù đối diện với thực tế là phải cật lực lao động cho gia đình chồng, phải thường xuyên xa cách chồng vì chồng đi học ở chốn kinh kì, vì chồng phải làm ăn xa, vì chồng đi lính để dẹp giặc cho nhà vua hoặc đi lính cho Tây để đánh quân phiệt Đức ở tận trời Âu, và ngay cả xa cách chồng mà không biết lí do tại sao, người đàn bà dân dã – một khi đã lấy chồng thuộc giai cấp giới trung lưu hay thượng lưu cổ truyền – vẫn tuân phục những giáo điều “tam tòng, tứ đức”, mà Khổng giáo đã áp đặt lên người đàn bà cả hằng chục thế kỉ, cộng thêm với ý thức hệ hệ đẳng “quân, sư, phụ” độc đoán của Tống Nho đã được áp dụng cho chính sách cai trị của nhà Nguyễn đòi hỏi sự sùng bái “quân vương”, thờ vua, thờ chồng. Trong bối cảnh văn hoá này, người vợ bị đặt vào tình trạng “vong thân”, bản ngã bị đánh mất, không làm chủ được bản thân, chỉ còn là một công cụ phục vụ quyền lợi của gia đình nhà chồng.

Phụ tuỳ, phu xướng, ấy là lẽ thường
Anh nói sao, em nghe vậy, cho vẹn đường ái ân.

Con cuốc kêu khắc khoải mùa hè
Làm thân con gái, phải nghe lời chồng
Sách có chữ rằng: phu xướng, phụ tuỳ
Làm thân con gái, lấy chồng xuất gia
Lấy em về thờ mẹ, kính cha
Thờ cha, kính mẹ, ấy là người ngoan.

Em nay khăn khắn một lòng
Muốn cho phu xướng, phụ tòng cùng nhau.

Lấy chồng, bắt thói nhà chồng
Đừng giữ thói cũ ở cùng mẹ cha.

Lấy chồng thì phải theo chồng
Thôi đừng theo thói cha ông nhà mình.

Ghe bầu trở lái về đông
Làm thân con gái: thờ chồng, nuôi con.

Có con gây dựng cho con
Có chồng, gánh vác nước non nhà chồng.

Sống quê cha, ma quê chồng.

Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo
Có chồng thì phải theo chồng
Đắng cay cũng chịu, mặn nồng cũng vui.

Con ông Đô Đốc quận công,
Lấy nó làm chồng cũng phải gọi bằng anh.

Con vua lấy thằng bán than,
Nó đem lên ngàn cũng phải đi theo.
Con quan Đô Đốc, đô đoài,
Lấy thằng thuyền chài cũng phải luỵ mui.
Có chồng thủ phận thủ duyên,
Trăm con bướm đậu cửa quyền xin lui.

Ngoài việc hoàn toàn trao thân phận cho nhà chồng, quy phục lối sống của nhà chồng và uy lực của người chồng, người đàn bà còn quyết tâm chung thuỷ với chồng. Thực ra, với quan niệm sẵn có của người đàn bà dân dã về quan hệ vợ chồng phải là kết quả của tình yêu thì việc chung thuỷ với chồng không phải là một điều khó hiểu. Và cũng trong quan niệm về tình yêu, chung thuỷ chỉ là một hệ luận. Do đó, dù phải lao lực cực nhọc, dù phải thường xuyên xa cách chồng, dù phải hoàn toàn tuân phục mọi quyết định của chồng, người đàn bà vẫn hết một lòng chung thuỷ với chồng.

Trăm năm giữ vẹn chữ tòng,
Sống sao, thác vậy, một lòng mà thôi.

Có chồng thủ phận, thủ thân,
Nào ai tưởng tới mười phần đội ơn.

Em đây thủ tiết buồng lan,
Hồn về chín suối, còn mang tượng chồng.

Mặc ai một dạ đôi lòng,
Em đây thủ tiết, loan phòng đợi anh.

Thế gian, một vợ, một chồng
Chẳng như vua bếp, hai ông một bà.

Chồng rồi, bớt áo thay vai
Bớt màu trang điểm, kẻo trai nó lầm.

Chưa chồng, chơi đám, chơi đu
Chồng rồi, chẳng dám ngao du chốn nào.

Không chồng trông dọc, trông ngang
Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.

Có chồng, thủ phận, thủ duyên
Trăm con bướm đậu cửa quyền, xin lui.

Có chồng, thủ phận, thủ thân
Nào ai tưởng tới, mười phần đội ơn.

Chuồn chuồn đậu ngành mía mưng,
Em đà có chốn, xin đừng vãng lai.
Vườn hồng đã có người cai,
Xin anh chớ có vãng lai vườn hồng.

Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay.
-Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không.
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu, biết bao giờ gỡ,
Chim vào lồng, biết thuở nào ra.

Có điều khó hiểu đối với những người sống trong thế hệ đương đại, nhất là ở những vùng phố thị, là người vợ, trong bối cảnh văn hoá cổ truyền, vẫn một mực chung thuỷ với chồng dù chồng có “trăng hoa”, có “năm thê, bảy thiếp”. Thực ra, ngay cả trong thời hiện đại, hiện tượng này không phải là hiếm. Người ta thường nghe câu tục ngữ rất thông dụng là: “Ớt nào là ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”. Thế mà, trong bối cảnh văn hoá cổ truyền, người đàn bà vẫn khẳng quyết là:

Bất tham sanh, hề vô huý tử
Anh có hoang đàng, em giữ hiếu trung.

Trai năm thê, bảy thiếp; gái chính chuyên một chồng.

Chồng chung chồng chạ, ai khéo hầu hạ thì được chồng riêng.

Cũng trong bối cảnh văn hoá cổ truyền, để thể hiện quyền lợi giai cấp từng được chấp nhận như là quyền lợi đương nhiên của mình, người đàn ông khẳng quyết là sự giàu có, tài năng (đỗ đạt, làm quan, hay làm ăn thành đạt), là lí do chính đáng cho mình được quyền được “trai gái”, được quyền “hoang dàng”, và có nhiều vợ. Lấy nhiều vợ mới chứng tỏ mình là người đàn ông khôn ngoan. Trong lúc đó thì người vợ phải luôn luôn “chính chuyên một chồng”.

Trai làm nên, lấy năm, lấy bảy.

Trai làm nên, năm thê, bảy thiếp
Gái làm nên, thủ tiết thờ chồng.

Tài trai lấy năm, lấy bảy
Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng.

Giai khôn lấy vợ lẽ.

Và quyền của người đàn ông còn bao trùm sự quyết định ngay cả trong việc ái ân giữa vợ chồng. Trong việc ái ân, người vợ phải chịu đóng một vai trò không khác gì vai trò của người đầy tớ trong nhà, khi nào chủ cho làm thì mới được làm, khi chủ muốn đuổi thì bị đuổi.

Làm tuỳ chủ, ngủ tuỳ chồng.

Một khía cạnh khác trong quan hệ vợ chồng là sự hoà thuận. Trong bài “Quan niệm của Người Đàn bà Dân dã trong Quan hệ Vợ Chồng”, chúng tôi có trình bày là sự hoà thuận giữa vợ chồng, theo quan điểm của người đàn bà dân dã, là một yếu tố cần có cho một gia đình hạnh phúc. Thực tế về quan hệ vợ chồng cho thấy là người đàn bà dân dã vẫn ca tụng, vinh danh, và thực thi sự hoà thuận. Tuy nhiên, điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là mỗi khi có xung khắc trong gia đình thì người phải nhường nhịn, nghĩa là người chịu lép vế trong việc làm lành, luôn luôn là người đàn bà.

Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi, lửa nhỏ, một đời không khê.

Cơm sôi, bớt lửa; chồng giận, bớt lời.

Chồng giận thì vợ làm lành.

Muốn cho trên thuận, dưới hoà
Chồng kêu, vợ dạ mới là gái ngoan.

Đang khi chồng giận, mình đi
Hết khi nóng giận, đến khi vui vầy
Ngãi nhơn như bát nước đầy
Bưng đi mà đổ, hốt rày đặng đâu.

Có lúc, để có được sự yên ổn trong gia đình, người vợ đã phải xã giao, lễ phép, đưa ra “cái mồi” cưới vợ bé cho chồng:

Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười chúm chím: thưa anh giận gì?
Thưa anh, anh giận em chi?
Muốn lấy vợ bé, em thì lấy cho.

Một sự thực phũ phàng khác là trong trường hợp người vợ không chịu nhường nhịn, không chịu lép vế làm lành trước, bất kể người chồng đúng hay sai, người chồng vẫn có quyền ung dung hành hung vợ mình:

Chồng tiến thì vợ phải lùi
Chồng tiến, vợ tiến thời dùi vào lưng.

Rượu say vì bởi men nồng
Vợ mà biết ở ắt chồng phải theo.
Chồng giận thì vợ bớt lời
Chồng giận, vợ giận thì dùi nó quăng.

Trong truyền thống văn hoá Tống Nho, vai trò của người đàn bà thật quá nhỏ bé, bị người đàn ông coi không bằng giá trị của loài vật, hay chỉ như là một tiện nghi vật chất phục vụ quyền lợi kinh tế và dục vọng của mình. Người vợ có lúc bị so sánh với gái “làng chơi” hay với súc vật như “gà”, “chó”, “mèo”, “trâu”.v.v… Những từ ngữ xấu xa được gắn kết cho người vợ, hay thường được áp dụng cho heo (lợn) như cụm từ “nạ dòng” được áp dụng cho người đàn bà đã có con.

Vô phước, cưới vợ về làm đĩ
Có phước, cưới đĩ về làm vợ.

Một ngày là đĩ, ba ngày là vợ.

Đàn bà lanh lảnh tiếng đồng
Một là sát chồng, hai là hại con.

Đít vồ, trôn vại, ăn hại chồng con.

Chân vò, đít vại, ăn hại chồng con.

Mua heo, chọn nái; mua gái, chọn dòng.

Mua trâu, xem vó; lấy vợ, xem nòi.

Gà luộc lại, gái cải giá.

Gà luộc hai lần.

Ngày xưa ta chửa lấy mày
Thời ta trải chiếu bàn tay cho ngồi
Bây giờ ta lấy được rồi
Chiếu chả cho ngồi, đất lại thả chông.

Trai tơ lấy phải nạ dòng
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu.

Trai tơ, ơi hỡi trai tơ!
Đi đâu mà vội mà vơ nạ dòng.
Nạ dòng lấy được trai tơ
Đêm nằm mê mẩn như mơ được vàng.

Cưới gái nạ dòng mang gông vào cổ.

Hoặc người đàn bà bị xem như chỉ là một sự thiệt hại, một tổn thất kinh tế cho nhà chồng:

Lấy chồng, ăn hết của chồng
Ăn hết con mắt, khoét tròng con ngươi.

Gái phải lòng trai đem của về nhà
Trai phải lòng gái rỡ cột nhà đem đi.

Xưa nay ăn những của chồng
Mới có một đồng, đỏng đảnh ăn riêng.

Trai nuôi vợ đẻ gầy mòn
Gái nuôi chồng ốm, lưng tròn cối xay.

Giá trị của người vợ cũng chẳng khác gì áo quần, cởi ra, mặc vào hay vất đi khi nào cũng được. Bản tính “người” của vợ đã bị chồng cướp đi mất hoàn hoàn. Người chồng có lúc biến người vợ thành một dụng cụ chỉ để chùi chân.

Chồng chị, chị để trên bàn
Phòng khi đi chợ mua màn về che
Thân chị như cái chổi để đầu hè
Phòng khi mưa gió, đi về chùi chân.

Vợ mọn như chổi chùi chân.

Mất mẹ, mất cha thật là khó kiếm
Chớ đạo vợ chồng chẳng thiếu gì nơi.

Vợ chồng như áo bận vào cởi ra.

Vợ chồng như áo xỏ tay liền liền.

Anh em như thể chân tay
Vợ chồng như áo cởi ngay nên lìa.

Bình phong cẩn ốc xà cừ
Vợ hư, rẫy vợ, đừng từ mẹ cha.

Anh lấy em về thờ kính mẹ cha
Rồi sau coi sóc cửa nhà cho anh.

Gái nhìn lên, trai nhìn xuống.

Cách người đàn ông “nhìn xuống” người đàn bà như là một phương tiện, một công cụ đã cướp đi “tính người” của người vợ, và làm cho người chồng biến thái thành một tên cai ngục hung bạo, lúc nào cũng có thể hành hung vợ mình trong não trạng bạo dâm.

Ra đường sợ ma, về nhà sợ chồng.

Chê chồng trước đánh đau, gặp chồng sau mau đánh.

Rừng xanh con cọp nó gầm
Hỡi cô chồng đánh la rầm xóm kia
Đầu đuôi bởi tại chuyện chi
Hay là bởi chuyện cô mi ve ông lái mành.

Vợ thời anh vẫn lòng thương
Nợ thời anh cứ đầu xương anh ghè.

Lấy anh, anh sắm sửa cho
Dùi đục cho sẵn, anh ghè đầu xương
Khi vui, anh gối đầu giường
Khi buồn, anh cứ đầu xương anh ghè.

Trai khôn tránh khỏi đòn quan, gái ngoan tránh khỏi đòn chồng.

Đánh vợ thì đánh sáng mai
Chớ đánh chiều tối không ai nằm cùng.

Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai?
Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối, chả ai cho nằm.

Quan điểm của người đàn ông là giá trị của người vợ hoàn toàn do chồng ban phát cho. Không có chồng, người đàn bà không có một giá trị nào cả, chỉ là “da cái đồ”.

Có ông mới gọi là bà, không ông thì gọi là da cái đồ.

Gái có chồng như rồng có cánh.

Voi trên rừng không bành, không tróc
Gái không chồng như cóc cụt đuôi.

Gái có chồng như rồng có vây
Gái không chồng như cối xay chết ngõng.

Gái có chồng như sông có nước
Gái không chồng như lược gãy răng.

Dẫu ngồi cửa sổ chạm rồng
Chăn loan, gối phượng, không chồng cũng hư.

Em ngoan lấy phải chồng đần
Cho giỏi mười phần, ai biết rằng ngoan.

Do đó, người đàn ông phủ nhận tất cả những gì người vợ có thể mang lại cho mình và khẳng quyết là không bao giờ nhờ vợ dù trên thực tế vợ có giàu sang đi nữa cũng phải “ăn mày” chồng.

Trai tay không, chẳng ăn mày vợ
Gái trăm mẫu ruộng đợ, phải ăn mày chồng.

Thà ở xó chuồng heo còn hơn theo phía vợ.

Tay không chẳng thèm nhờ vợ.

Trai ở nhà vợ như chó nằm gầm chạn.

Nước nhờ phèn mới trong, gái nhờ chồng mới có.
Ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ.

Trong một bài trước, bài “Quan niệm của Người Đàn bà Dân dã trong Quan hệ Vợ Chồng”, chúng tôi có trình bày là người đàn bà dân dã quan niệm là quan hệ vợ chồng phải là kết quả của tình yêu, của nhân nghĩa, của chung thuỷ, và của sự hoà thuận giữa vợ và chồng. Nhưng thực tế về quan hệ vợ chồng trong bối cảnh văn hoá cổ truyền của những thế kỉ trước cho chúng ta thấy là người đàn bà không có được một hoàn cảnh gia đình đầm ấm, hạnh phúc như mình mơ ước mà trái lại phải đối diện với thực trạng lưu đày trong sự buồn tủi, lạnh lùng, và cô đơn miên viễn vì phải thường xuyên đơn độc lao động vất vả cho gia đình chồng. Ngoài công việc lao động, người vợ còn phải hằng ngày lo săn sóc, phục vụ chồng mình từng cái ăn, cái mặc; thường xuyên bị xa cách chồng vì chồng phải đi học xa nhiều năm, phải đi làm ăn, phải đi lính, và ngay cả xa chồng mà không biết lí do tại sao. Có lúc người con gái đang độ xuân xanh phải lấy một người đàn ông già nua, tuổi bằng tuổi cha ông của mình. Trước những nghịch cảnh như thế, người vợ vẫn một mực chung thuỷ với chồng dù chồng có trai gái, hoang đàng, hay lấy nhiều vợ. Đau khổ hơn nữa là trong cảnh gia đình mà người đàn bà ước muốn có được sự hoà thuận giữa vợ và chồng để có được hạnh phúc thì người đàn bà luôn luôn là người duy nhất phải nhường nhịn, chịu lép vế làm lành, chịu thiệt thòi để có được sự hoà thuận. Nếu người vợ không chịu nhượng bộ, nhường nhịn, làm lành thì người chồng thường hành hung người vợ. Hiện tượng bất công này bắt nguồn từ việc người đàn ông coi thường, xem rẻ giá trị của người đàn bà, đánh đồng giá trị của người đàn bà ngang hàng với gái “làng chơi”, với súc vật, hay với những phương tiện, công cụ vô tri chỉ đáng phục vụ cho quyền lợi và dục vọng của mình chứ không phải là đối tượng đáng trân trọng của tình yêu có thể đồng hành, đồng lao cộng khổ, với mình trong cuộc sống. Việc xem thường, coi rẻ giá trị của người đàn bà có nguyên nhân sâu xa, phát sinh từ ảnh hưởng của Tống Nho: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” [Một nam là có, mười nữ coi như không có gì] và “phu xướng, phụ tuỳ” [Chồng bảo thì vợ phải vâng] đưa đến cảnh “chồng chúa, vợ tôi”. Đa số những người sống trong thời hiện đại đều nhận thấy rõ sự bất công phi nhân của xã hội cổ truyền trong quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, những sự kiện bất công này vẫn còn rất phổ biến trong xã hội hiện đại ở rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, nhất là ở những vùng phố thị. Cho nên hiện thực này là một cảnh báo cấp thiết cho những người có trách nhiệm giáo dục trẻ em, nhất là các bậc phụ huynh cần thực hiện một chương trình giáo dục gia đình thể hiện tính nhân bản và công bằng trong quan hệ lứa đôi và vợ chồng. Tuy nhiên, chương trình giáo dục gia đình hiệu quả nhất không phải chỉ là giáo huấn bằng lời nói mà phụ huynh nhất thiết phải có một lối sống phản ánh khuôn thước chuẩn mực để cho con cái noi gương. Nhà bác học Katelin Karikó, người nhận giải Nobel 2023 về sinh học, đã từng khuyến cáo và chứng minh bằng đời sống của chính mình là khuôn mẫu sống của cha mẹ là mô hình giáo dục con cái hiệu quả nhất.

Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái
North Wales, Pennsylvania
Ngày 12 Tháng 12 Năm 2023