"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Phản Ứng Của Người Đàn Bà Dân Dã Đối Với Cách Thức Hành Sử Của Chồng

Trong một bài trước, bài “Thực tế Về Quan hệ Vợ Chồng Vùng Thôn quê”, chúng tôi đề cập đến hoàn cảnh của người vợ phải lao động vất vả cho gia đình chồng; phải hằng ngày chăm lo cho chồng từng cái ăn, cái mặc; phải thường xuyên xa cách chồng vì chồng đi học hoặc đi làm ăn xa, vì chồng phải đi lính để dẹp loạn cho nhà vua hay đi lính cho Tây để đánh quân phiệt Đức ở Châu Âu, ngay cả phải xa cách chồng mà không biết lí do tại sao. Ngoài ra, để có được một gia đình đầm ấm, người vợ là người luôn luôn phải chịu nhường nhịn nếu có xung khắc giữa vợ chồng, bất luận là người chồng đúng hay sai. Nếu người vợ không chịu nhường nhịn thì sẽ bị chồng hành hung. Bài này cũng mô tả thực trạng về quan hệ vợ chồng, nhưng từ một góc độ khác. Thực trạng này được rọi chiếu qua lăng kính của người vợ thẩm định và phản ứng đối với cách thức hành sử độc đoán của chồng.

Thông thường, con trai những gia đình khá giả, nhất là những gia đình thuộc những thế hệ xưa, có thói quen lêu lổng, không chịu học hành, thô lỗ, và thiếu tư cách. Nhưng vì vị thế kinh tế ưu đãi của họ, những gia đình vùng thôn quê vẫn muốn gả con gái cho những cậu “quý tử vô tích sự” này và kết quả thường là:

Chẳng ai xấu bằng anh chồng tôi
Cái râu rễ gộc, cái tóc rễ tre
Cái bụng bè bè, hình như bụng cóc
Học hành thời dốt, chữ nghĩa chẳng biết
Nó bắt nó lèn, nó nêm như chạch
Nó thở ành ạch như cái ễnh ương.

 

Của rẻ ấy là của tôi
Lấy phải chồng dại khốn tôi trăm đường.

Ở goá ba năm, lấy chồng hay ngủ.

Những tưởng là lấy chồng thuộc thành phần xã hội được ưu đãi sẽ sung sướng và được kính trọng, nhưng thực tế về gia cảnh của chồng cũng như lập trường và cách hành sử của chồng chỉ đem lại thất vọng và phiền não cho người vợ.

Lấy ông thì phải nuôi ông
Không thời ông bới tổ tông nhà mày.

Tưởng lấy anh cho lành manh áo
Hay đâu lấy anh rồi, bán áo nuôi anh.

Con cóc mà ngóc ao bèo
Tôi ngỡ anh khá, tôi theo anh về
Ai ngờ công nợ rề rề
Tôi trốn, tôi tránh, tôi về nhà tôi.

Em ở nhà với mẹ với cha
Cái nón tiền rưỡi, quai ba mươi đồng.
Đến khi bước về nhà chồng
Cái nón mười đồng, quai lại bằng mo.

Hẩm duyên lấy phải chồng đần
Có trăm mẫu ruộng bán dần mà ăn.

Anh đi dù lụa cánh dơi
Trong nhà hết gạo, dù ơi là dù!

Tôi đà biết tính chồng tôi
Cơm no thì nước, nước thôi thì trầu.

Chồng sang, đi võng đầu rồng
Chồng hèn, gánh nặng đè còng cả lưng.

Chồng người đi ngược, về xuôi
Chồng tôi nằm bếp, thò đuôi ra ngoài.

Chồng người thổi sáo, thổi tiêu
Chồng em ngồi bếp húp riêu, bỏng mồm.

Chồng người năng văn, năng võ
Chồng tôi chỉ chủ miếng ăn
Đong ít thì nó cằn nhằn
Bốc thêm nắm nữa, nó nhăn răng cười.

Có ai, thêm bận vì ai
Không ai, giường rộng, chiếu dài dễ xoay.

Không có khả năng gì ngoài việc ăn chơi, lêu lổng, người đàn ông thuộc loại này chỉ ỷ lại vào vợ:

Rượu chè cờ bạc lu bù
Hết tiền đã có mẹ cu bán hàng.

Và suốt ngày chồng lăn xả vào rượu chè, hút xách, cờ bạc, và trai gái. Người vợ chỉ biết than vãn, trách móc chồng và buồn cho hoàn cảnh bạc phước của mình. Về rượu chè thì:

Lấy chồng chè rượu như voi phá nhà.

Con thì đói khóc như ri,
Chồng thì uống rượu li bì ngày đêm.
Đem tiền mua lấy cái say,
Hơi men, giở giọng, bầy nhầy bên tai.
Bữa hôm cùng với bữa mai,
Cua rang, ốc nướng kéo dài thâu canh.
Xương sông, lá lốt, lá chanh,
Rau thơm, rau húng, tỏi hành chắt chiu.
Trách ai không nghĩ một điều,
Vợ con nheo nhóc nỡ liều uống say.

Ở đời chẳng biết sợ ai,
Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày.

Trước tình trạng say sưa, ăn nhậu ngang bướng của chồng, người vợ trở nên ngán ngẩm cho thân phận của người đàn bà và trở nên bất mãn, không còn thiết tha gì đến tình nghĩa vợ chồng.

Con chim khôn, kiếm cành lành mà đậu,
Con gái khôn, kiếm thằng chồng nhậu mà nhờ.
Mai sau nó chết bụi, chết bờ, khỏi chôn!

Một tệ hại trầm trọng khác là tình trạng nghiện thuốc phiện - nghĩa là dùng dọc tẩu và bàn đèn để hút loại thuốc phiện đen - xảy ra khá phổ biến trong những thế kỉ trước đối với những người đàn ông thuộc gia đình khá giả hay quan quyền. Một khi đã mắc phải thuốc phiện thì con nghiện chỉ “nằm bàn đèn” suốt ngày, “đi mây về gió” trong khung trời ảo giác, chẳng biết công việc làm ăn là gì nữa. Và hiện tượng này làm khổ người đàn bà không ít.

Thôi thôi tôi biết anh rồi,
Anh hút thuốc phiện cái môi thâm sì.

Trai nam nhi, lược ngà, búi tóc,
Dây lưng thì nhuộm sắc hoa tiên.
Vui chơi xe lọ, ống tiêm,
Cái khay trắc khảm, ngọn đèn mờ xanh.
Có phen vui thú lều tranh,
Gối đầu bằng gạch, che manh chiếu buồm.
Chiếu bắt khom để mà che gió,
Thế rồi mang xe lọ giăng ra:
Nạo kỹ đến xái mười ba,
Quan tướng hút đỡ để mà cầm hơi.
Trông người như cái ma trơi,
Tóc xù, cổ ngẳng, nằm phơi xương sườn.
Hết thuốc, chúng bạn hết thương,
Vợ con cũng mất với nường phù dung.

Anh thì bạn với ma men,
Anh thì bạn với ả phiền* mà chơi.
Kỳ lương hết nhẵn tiền rồi,
Ra ngoài, công nợ nó đói như ri!

(*thuốc phiện)

Được thằng chồng ghiền như ông tiên nho nhỏ,
Gẫm lại thấy buồn, tôi muốn bỏ ông tiên.

Một tật xấu khác mà rất nhiều người đàn ông mắc phải là cờ bạc. Không phải đàn bà không đánh bạc, nhưng số đàn bà say mê cờ bạc tương đối ít hơn đàn ông rất nhiều. Người đàn ông một khi đã mê cờ bạc thì chỉ nghĩ đến nhu cầu đam mê của bản thân, không còn nghĩ đến gia đình, vợ con nữa, đưa đến cảnh

-Anh đi ghe nổi chín chèo
Bởi anh thua bạc nên nghèo nợ treo
-Nợ treo mặc kệ nợ treo
Em bán bánh bèo trả nợ cho anh.

Chồng em nó chả ra gì,
Tổ tôm, xóc đĩa nó thì phá hoang.
Nói ra xấu thiếp hổ chàng,
Nó giận, nó phá tan hoang cửa nhà.
Nói đây, có chị em nhà,
Còn năm thúng thóc với và cân bông.
Bán đi trả nợ cho chồng,
Còn ăn, hết nhịn cho thoả lòng chồng con.
Cờ bạc là bác thằng bần,
Ruộng nương bán hết, xỏ chân vào cùm.

Cờ bạc là bác thằng bần,
Áo quần bán hết, ngồi trần tô hô.

Đêm nằm nghĩ lại mà coi,
Lấy chồng đánh bạc như voi phá nhà.

Anh thua chi, thua dại thua khờ
Nhà cửa anh thua hết, đồ thờ anh cũng thua
Nay chừ em còn cái quần lãnh mới mua
Anh năn năn, nỉ nỉ, anh đem thua cho rồi
Con anh đứa đặt, đứa ngồi
Em than, em khóc: chồng ơi là chồng.

Cờ bạc gây tai hại cho quan hệ vợ chồng và gia đình đến mức độ mà người vợ nghĩ là lấy được một ông chồng rượu chè say sưa là đã quá sung sướng rồi, là “tiên” rồi, so với ông chồng ham mê cờ bạc:

Lấy chồng chè rượu là tiên
Lấy chồng cờ bạc là duyên nợ nần.

Cộng thêm vào những thói hư, tật xấu nói trên, “trăng hoa”, trai gái hình như là bản chất phổ quát của người đàn ông trên toàn thể thế giới (Cũng có lẽ vì từ nguyên thuỷ, người đàn ông là người thợ săn đi kiếm thức ăn về cho gia đình, là nguồn kinh tế duy nhất, nên tự cho mình có nhiều quyền) và bản chất của người đàn bà là bản chất làm mẹ, bảo vệ đàn con và tổ ấm gia đình. Ở những quốc gia Tây phương, sự phát triển của dân chủ đặt nền tảng trên một nền pháp luật đòi hỏi bình quyền và công bằng cộng thêm với ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo đã giới hạn và kiềm chế bản tính trăng hoa của người đàn ông. Ở những quốc gia Á Đông, nhất là những quốc gia chịu ảnh hưởng của Nho giáo, đặc biệt là Tống Nho, vai trò của người đàn ông được tôn vinh, sùng bái trong lúc người đàn bà bị kiềm toả trong vai trò nô thuộc. Do đó “trăng hoa” không những không bị kết án là sai trái mà ngược lại được xem như là một quyền “bất khả nhượng” của người đàn ông. Cho nên, người đàn ông ung dung khẳng quyết lập trường là:

Còn trời, còn nước, còn non,
Còn cô bán rượu, anh còn say sưa.

Đố ai nằm võng không đưa,
Ru con không hát, anh chừa nguyệt hoa.

Mang bầu tới quán rượu dâu,
Say hoa đắm nguyệt quên câu ân tình.

Và người đàn bà chỉ còn biết than vãn trước tình huống bất khả kháng này.

Đàn ông một trăm lá gan,
Lá ở cùng vợ, lá toan cùng người.

Dò thì dò biển dò sông,
Dò mô được dạ đàn ông mà dò.

Đàn ông như cái nơm, bạ đâu úp đấy.

Bầm về Bầm gọi: Con ơi!
Ra đây Bầm bế ra chơi ngoài bà.
Bố con đi nguyệt về hoa,
Quên cửa quên nhà, chẳng nhớ đến con.

Bắc thang lên hỏi ông trời,
Những tiền cho gái có đòi được không.

Giờ đây anh nói anh thương,
Đến khi vắng mặt, vấn vương nơi nào?

Đi đâu sao chẳng thấy về,
Hay là thuốc lú, bùa mê ai cầm.

Đi đâu sao chẳng thấy về,
Hay là ăn cận, ngồi kề với ai.

Đi đâu mà chẳng thấy về,
Hay là đã mắc lời thề ở đâu.

Đói cơm, lạt mắm, tèm hem,
No cơm, mặn mắm, lại thèm nọ tê.

Từ việc trăng hoa, trai gái đến thực tế phản bội tình nghĩa vợ chồng chỉ là một bước nhỏ, nhất là khi người đàn ông đương nhiên khẳng định sự phản bội của mình một cách sống sượng và tàn ác:

Ngày xưa ta chửa lấy mày
Thời ta trải chiếu bàn tay cho ngồi.
Bây giờ ta lấy được rồi,
Chiếu chả cho ngồi, đất lại thả chông.

Thái độ của người vợ, trong vai trò lép vế của mình, chỉ có thể là cảm nhận sự ngậm ngùi về thân phận bạc bẽo lẫn một chút hờn dỗi, trách móc sự phụ bạc phũ phàng của chồng:

Trách người mau lạt mau phai
Chẳng thương vợ yếu, chẳng hoài con thơ.

Trách thân mà lại giận Trời
Trách chàng quân tử ở ra người thờ ơ!
Phòng không để thiếp đợi chờ
Năm canh vò võ những là thở than
Nào khi họp mặt chén vàng
Non nguyền, biển hẹn, tưởng chàng chẳng quên
Ai ngờ ra dạ bạc đen
Say bên nhan sắc, bỏ bên ngãi tình
Để cho em vò võ một mình
Tương tư, khắc khoải, bệnh thất tình đầy vơi
Trách thân mà lại giận Trời.

Sông Ngân há dễ bắc cầu
Trai vong vợ cũ, gái sầu chồng xưa.

Phu phụ sao bạc như vôi
Đôi ta chồng vợ như thoàn* trôi giữa vời.

(*thuyền)

Buồn từ trong dạ buồn ra
Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo.

Cái cầu ba mươi sáu nhịp
Em chẳng kịp nhắn với chàng
Nghĩa tao khang* sao chàng vội dứt
Đêm nằm thao thức, tưởng bức thư anh
Bấy lâu nay em mang tiếng chịu lời
Bây giờ anh ở bạc, ông Trời nào để anh!

(*Tao khang hay tào khang: tao là bã rượu, khang là cám; nghĩa là tình nghĩa vợ chồng khi còn nghèo khổ)

Có mới thì nới cũ ra,
Mới ở trong nhà, cũ ở ngoài sân.

Vợ chồng như bát nước đầy,
Trách ai nghiêng đổ để sầu tây cho mình.

Xưa kia anh bủng, anh beo,
Tay bưng bát thuốc, tay đèo múi chanh.
Bây giờ anh mạnh, anh lành,
Anh mê nhan sắc, anh tình phụ tôi.

Thôi thôi đừng ơn, đừng ngãi,
Thôi thôi đừng phải đừng không,
Đừng vợ, đừng chồng, đừng gì hết thảy.
Anh có nơi rồi, rung rảy duyên em.

Tuy không chấp nhận sự phản trắc của chồng, người đàn bà vẫn thiết tha với tình nghĩa vợ chồng.

Bạc tình chi lắm hỡi chim,
Bỏ nhành khô héo, đi tìm rừng xanh.
Bạn ham nơi kẻ dỗ người dành,
Cho nên bạn lại bỏ đành duyên ta.
Cầm dao cắt đứt ruột ra,
Ruột đau cho mấy không bằng xa nghĩa chàng.

Thương nhau bụi cỏ cũng ngồi,
Đám tranh cũng lội, rừng chồi cũng băng.
Nguyện cùng dưới nước trên trăng,
Một trăm chốn cũ không bằng chỗ xưa.
Gan khô, ruột héo như dưa,
Chàng đà bạc nghĩa, thiếp chưa dứt tình.

Trước cảnh tình buồn do chồng phụ bạc, người vợ đã là người mẹ thường gửi gắm nỗi niềm buồn tủi qua những điệu hát, điệu hò ru con:

Lý vọng Phu

Mẹ thương con mòn mỏi đôi mắt,
Thiếp nhớ chàng ruột thắt héo hon.
Ơi chàng ơi!
Chi mà tệ tệ rứa chàng!
Chi mà bạc bạc lắm chàng!
Phụ tình phàng duyên chi mấy.
Thiếp trông chàng mà chẳng thấy chàng đâu!
Ơi người tình nhơn ơi!

Ca

Phụ tình ơ phàng ơ duyên chi mấy ,
Thiếp trông chàng, nay thiếp ơ trông ơ chàng mà chẳng thấy ơ chàng ơ đâu!

Ơi người ơ tình nhơn ơi, a chi mà tệ, tệ lắm ơ chàng ơ.
Chi mà bạc, bạc lắm nờ.

Ngoài việc người chồng có tình cảm đong đưa với một hay nhiều người đàn bà khác, rồi bỏ bê, không thương yêu, chăm sóc vợ con, còn một hình thức phản bội khác của người đàn ông là lấy vợ bé, gây buồn tủi và bất mãn cho vợ mình.

Sông bao nhiêu nước cho vừa,
Trai bao nhiêu vợ vẫn chưa vừa lòng.

Anh bì anh có tiền bồ
Anh đi anh lấy bảy cô một lần.

Con ơi, đừng khóc mẹ sầu,
Cha con bạc nghĩa, theo hầu thì thôi.

Sông sâu há dễ bắc cầu
Trai thương vợ mới, gái rầu chồng xưa.

Vợ đôi, chồng một, ra gì!
Mỗi người, mỗi bụng, ở thì sao nên.

Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.

Chồng lấy vợ bé thì dĩ nhiên là vợ cả ghen tuông, đau buồn và bất mãn vì không còn là người độc nhất được chồng yêu thương. Tuy nhiên, trong bối cảnh văn hoá và tập tục cổ truyền, người vợ cả có quyền sai khiến, hành hạ vợ bé. Do đó, thân phận vợ bé trên thực tế không hơn gì thân phận tôi đòi. Nói cách khác, trong hoàn cảnh có chồng đa thê, người đàn bà, dù là vợ cả hay vợ bé, đều mang thân phận của kẻ bị lưu đày trong khổ ải. Vợ cả đau khổ vì tâm lí ghen tuông và bị ruồng rẫy. Vợ bé đau khổ vì bị hành xác và khó có cơ hội công khai bày tỏ yêu đương với chồng.

Lấy chồng làm lẽ khổ thay
Đi cấy, đi cày, chị chẳng kể công
Đến tối chị giữ lấy chồng
Chị cho manh chiếu, nằm không nhà ngoài
Đêm đêm gọi những “Bớ hai!
Trở dậy nấu cám, thái khoai, đâm bèo.”

Thân em đi lấy chồng chung
Khác gì như cái bung xung chịu đòn.

Làm lẽ ăn bát mẻ, nằm chiếu manh
Làm cả ăn bát đại thanh, nằm chiếu miến.

Khó thì đòn gánh đè vai
Tội chi làm mọn cho ai giày bừa.

Gái phải làm lẽ thà rằng chết trẻ còn hơn.

Nghĩ đến thân phận bạc bẽo của mình, người đàn bà có chồng đa thê khuyến cáo chị em phụ nữ là:

Một thuyền, một lái chẳng xong
Một chĩnh hai gáo chớ nong tay vào.

Đói lòng ăn nắm lá sung
Chồng một thời lấy, chồng chung thời đừng
Một thuyền một lái chẳng xong
Một chĩnh đôi gáo còn nong thay vào.

Trong bối cảnh văn hoá cổ truyền dưới ảnh hưởng của giáo dục Tống Nho, người đàn ông thụ hưởng một vị trí độc tôn áp bức người đàn bà phải chịu đựng cách thức hành sử võ đoán mang tính đàn áp của mình. Ngoài việc ngậm ngùi, than vãn, hờn tủi, trách móc chồng, người vợ thường lựa chọn một phản ứng thích hợp với vai trò thấp kém của mình là phân giải phải trái, khuyên lơn chồng không nên chìm đắm vào những cơn mê rượu chè, cờ bạc, nha phiến, trai gái, phụ bạc, và đa thê nữa.

Rượu chè là một thói xấu gây tai hại, nhưng có lẽ gây tai hại ít nhất trong các thói xấu. Cho nên những câu ca dao về khuyên lơn chồng không nên say sưa cũng không nhiều.

Anh ơi! Uống rượu thì say,
Bỏ ruộng ai cày, bỏ giống ai gieo.

Rượu cho thì uống, rượu mua thì đừng.

Rượu cho thì không ai cho mãi, cho nên chồng khó say sưa. Còn bỏ tiền ra mua thì chồng có thể mua nhiều lần nên rất dễ say sưa, biến thành con nghiện.

Ngoài việc “ăn nhậu’, rượu chè, một số đàn ông thuộc thành phần quan quyền hoặc khá giả thường hay say mê ả phù dung. Người vợ thường khuyên can chồng bằng cách cảnh báo là:

Thuốc phiện hết nhà, thuốc trà hết phên.

Hút xách là chuyện chẳng lành,
Trâu bò, vườn ruộng hoá thành khói mây.

Những người nghiện ngập bê tha,
Hao tiền, hại sức, người ta chê cười.

Bạn bè với ả phù dung,
Thân tàn ma dại, mặt xanh, nanh vàng.

Một ngày ba bữa cơm đèn,
Lấy gì má phấn, răng đen, hỡi chàng!

Ma tuý, “cơm trắng” hại anh,
Tan nhà nát cửa, bần cùng khổ thân.

Còn say mê cờ bạc thì rất dễ đưa đến cảnh “tán gia, bại sản” nên người vợ hết sức lo âu và thường xuyên khuyên lơn chồng :

Cờ bạc anh đánh có chừng,
Hết khăn, hết áo, dây lưng cùng quần.

Anh ham xóc đĩa, cò quay,
Máu mê cờ bạc, lại hay rượu chè.
Eo xèo công nợ tứ bề,
Kẻ lôi, người kéo, ê chề lắm thay.
Nợ nần, em trả, chàng vay,
Kiếp em là kiếp kéo cày, đứt hơi.

Nước nguồn chảy xuống soi dâu
Thấy anh đánh bạc lùa trâu đi cầm
Cầm trâu, cầm áo, cầm khăn
Cầm dây lưng lụa, xin đừng cầm em.

Cờ bạc nó đã khinh anh,
Áo quần bán hết một manh chẳng còn.
Gió đông nam chui vào đống rạ,
Hở mông ra cho quạ nó lôi,
Anh còn cờ bạc nữa thôi.

Quá lo sợ về tai hại do cờ bạc có thể mang lại cho gia đình, người vợ có lúc phải vừa răn đe chồng vừa nhượng bộ bằng cách hăm doạ rút lại tình thương đồng thời chìu chồng về một vài tật xấu mà nàng nghĩ là không đến nỗi nguy hại như đam mê cờ bạc.

Thương ai cho bằng thương chồng,
Bởi chưng cờ bạc nên lòng chẳng thương.
Khuyên chàng cờ bạc thì đừng,
Rượu chè, trai gái, say sưa mặc lòng.

Nếu chiến thuật này không thành công, nếu người chồng vẫn tiếp tục say mê cờ bạc thì người vợ hăm doạ sẽ “đình công” việc ái ân với chồng.

Nếu chàng cờ bạc đêm ngày,
Thiếp lấy sợi chỉ, khâu ngay cái đồ.

Một tật xấu khác là mặc dù đã có gia đình, người đàn ông thường vẫn cứ “trăng hoa” với những người đàn bà khác mà, trong môi trường văn hoá cổ truyền, không cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi. Nhưng “Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng”. Cho nên người đàn bà đã dùng tình yêu, đạo lí “tao khang”, “tín nghĩa”, và ngay cả nhu cầu học vấn của người đàn ông để khuyên lơn chồng mình không nên trai gái.

Chàng đề phú, thiếp quay tơ,
Mãi nhân duyên ấy bao giờ cho quên.
Khuyên chàng giữ việc bút nghiên,
Đừng tham nhan sắc mà quên học hành.

Non non, nước nước, khơi chừng,
Ái ân đôi chữ xin đừng có quên.
Tình sâu mong trả nghĩa đền,
Đừng vui chốn khác mà quên chốn này.
Nước vơi rồi lại nước đầy,
Tình kia chưa trả, nghĩa này chớ quên.

Mưa rơi gió tạt vô thành,
Đôi ta chồng vợ, ai dỗ dành, đừng xiêu.

Ở cho chung thuỷ vẹn toàn,
Non cao sông thẳm, chớ toan hai lòng.

Xin đừng thấy quế, phụ hương,
Quế già quế rụi, hương trường thơm xa.

Ăn cơm sao đặng mà mời,
Nước mắt lênh láng, rã rời hạt cơm.
Mình ơi, đừng đặng cá quên nơm,
Đôi ta gá nghĩa, danh thơm để đời.
Cóc nghiến răng còn động đến Trời,
Sao mình chẳng tưởng mấy lời em than.

Anh về bớt công, bớt việc,
Bớt hoa, bớt nguyệt,
Bớt điếm, bớt đàng.
Thảnh thơi có thuở,
Thanh nhàn có khi.

Từ hành động trăng hoa, trai gái đến việc bỏ vợ là một diễn tiến thường xảy ra trong bối cảnh văn hoá cổ truyền. Để ngăn chặn sự kiện này, người vợ khuyên lơn chồng không nên phụ bạc tình nghĩa.

Đã thành gia thất thì thôi
Đèo bòng chi lắm, tội trời ai mang.

Ra về đàng rẽ chia tư,
Đạo chồng nghĩa vợ, ai có trao thư, đừng cầm.

Bao đành dứt nghĩa, dứt tình
Sao không nhớ khi lao khổ, vợ chồng mình đói no.

Đạo cang thường khó lắm chàng ơi!
Chẳng như con bướm đậu rồi lại đi.

Đừng thấy bóng trăng mà phụ ngọn đèn,
Bóng trăng có thuở, ngọn đèn quanh năm.

Xin đừng thấy quế phụ hương,
Quế già, quế rụi; hương trường thơm xưa.

Có bát sứ tình phụ bát đàn,
Nâng niu bát sứ, vỡ tan có ngày.

Chim bay về cội, cá lội về rừng,
Muốn nên cơ nghiệp thì đừng bỏ em.

Ta đừng bội nghĩa vong ân,
Uống nơi nước nọ, nhớ chừng nguồn kia

Có thể là không bỏ vợ, nhưng trong bối cảnh văn hoá cổ truyền, người đàn ông có quyền lấy nhiều vợ. Dĩ nhiên là không có người đàn bà nào lại muốn chồng mình có thêm bất cứ một người đàn bà nào khác. Do đó, người vợ, để ngăn cản chồng, đã đưa ra những lí do thuyết phục như công lao của mình phụng dưỡng cha mẹ chồng, khả năng kinh tế của chồng không đủ để đa mang, “tín nghĩa” trong đạo vợ chồng, và tương lai bi đát của người lấy nhiều vợ.

Công cha nghĩa mẹ, thiếp đền,
Xin chàng đừng có kết duyên chốn nào.
Xin đừng đứng thấp trông cao,
Xin đừng tơ tưởng chốn nào hơn đây.
Xin đừng tham gió, bỏ mây,
Tham vườn táo rụng, bỏ cây nhãn lồng.

Trong nhà thì nghèo
Muốn ăn thịt heo đèo có mỡ
Giàu có chi anh, hai vợ, ba con
Tiền thê, hậu thiếp, e khôn xử vuông tròn anh ơi!

Việc trong nhà chàng chẳng lo âu
Chàng cứ theo đàng duyên nợ, chỉ sợ lỡ câu ân tình.

Đói no, một vợ một chồng.

Làm trai thì ở cho trung
Chớ ở hai lòng mà hoá dở dang.

Một vợ còn lo kèn kèn, hai vợ đốt đèn mà lo.

Một vợ, không khố mà mang; hai vợ, bỏ làng mà đi.

Một vợ, nằm giường lèo; hai vợ, nằm chèo queo; ba vợ, nằm chuồng heo.

Lắm duyên, nhiều nợ; lắm vợ, nhiều oan gia.

Lắm mối, tối nằm không.

Ngày năm thê, bảy thiếp; đêm trọn kiếp nằm không.

Ba vợ, bảy nàng hầu
Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.

Ba vợ, chín nàng hầu
Đến khi chết rét, cắm đầu bụi tre.

Đừng tham da trắng, tóc dài
Đến khi nhỡ bữa, chẳng mài mà ăn.

Một phản ứng khác của người vợ có tác dụng tâm lí, dù hữu thức hay vô thức, có khả năng đánh động tâm thức “làm người” của chồng là kêu gọi sự thương hại của chồng:

Chim nhàn bắt cá ngoài khơi,
Thấy anh dan díu nhiều nơi, em buồn.

Chàng ơi! Phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.

hay ngay cả thách thức chồng là không thể “để” [bỏ] vợ được.

Dù chàng năm thiếp, bảy thê
Cũng không tránh khỏi gái sề này đâu.

Trong bài này chúng tôi trình bày thực trạng về quan hệ vợ chồng dưới góc độ thẩm định và phản ứng của người đàn bà dân dã đối với hành vi sai trái của người chồng. Như đã có nói trong một bài trước, những gia đình ở vùng nông thôn nghèo khổ, trong ý hướng muốn vươn lên, thường gả con gái cho những gia đình quan quyền hoặc khá giả. Hoặc những gia đình quan quyền có học vấn gả con gái vào những gia đình giàu có. Dĩ nhiên là có những trường hợp gia đình êm ấm, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp người đàn bà gặp phải người chồng vô tích sự chỉ biết ăn chơi, rượu chè, cờ bạc, nha phiến, trai gái, phản bội tình nghĩa vợ chồng. Thái độ của người vợ - trong bối cảnh văn hoá cổ truyền thượng tôn vai trò của người đàn ông và hạ thấp, khinh miệt vai trò của người đàn bà - thường chỉ là thụ động, than thân, trách phận, hờn dỗi chồng, không chấp nhận phản trắc nhưng vẫn yêu thương chồng. Nếu người vợ có hành động nào đối với sự sai trái của chồng thì phản ứng thích hợp với vai trò yếu thế của mình mà người vợ lựa chọn, với hi vọng duy trì được hạnh phúc gia đình, là khuyên lơn chồng không nên lầm đường, lạc lối để rơi vào những thói hư tật xấu tác hại. Nhưng chúng ta thấy là người đàn ông thường bướng bỉnh, ương ngạnh, và trịch thượng một cách không biết xấu hổ. Thái độ này là sản phẩm của một nền văn hoá đã từng hằng ngàn năm thượng tôn vai trò của người đàn ông. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Do đó, vấn đề không phải là chỉ phân giải phải trái, khuyên lơn là người ta nghe theo mà phải tạo ra cho được môi trường văn hoá thích hợp và con người sẽ được uốn nắn (điều kiện hoá) theo khuôn mẫu của môi trường đó. Nền văn hoá cổ truyền Tống Nho của nhà Nguyễn, khuôn thước áp đặt sùng bái quân vương và thượng tôn vai trò của người đàn ông, đã tạo dựng nên hình ảnh một người chồng Việt Nam quyền lực và độc đoán. Ảnh hưởng này không những chỉ thể hiện trong những thế hệ trước mà còn tồn tại rất rõ nét ở thế hệ đương đại qua hình ảnh của các đại gia, các quan chức trong chính quyền, và những người đàn ông thuộc gia đình khá giả bởi vì môi trường quản trị xã hội là môi trường độc tôn lãnh đạo và toàn trị, không khác gì môi trường sùng bái quân vương và thượng tôn vai trò của người đàn ông của những thế kỉ trước. Chỉ có môi trường dân chủ đặt nền móng trên một hệ thống pháp trị tam quyền phân lập đòi hỏi nhân quyền, bình đẳng, và công bằng thì mới tạo ra được con người nhân bản. Và môi trường này phải bắt nguồn từ giáo dục học đường và giáo dục gia đình, nhất là giáo dục gia đình qua mô hình mẫu mực sống gương mẫu của phụ huynh để cho con em noi theo chứ không phải chỉ bằng lời nói.

Tiểu Thạch Nguyễn văn Thái
Ngày 26 Tháng 10 Năm 2023
North Wales, Pennsylvania