"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Vượt Vũ Môn hay Được Voi Đòi Tiên?

VuotVuMon HVH

Cách đây gần 60 năm, học sinh sau khi đậu tú tài muốn vào Đại học Y khoa Sài Gòn phải thi vào dự bị y khoa được gọi là APM, viết tắt của “Année Pré-Médicale”, năm tiền y khoa và học ở Đại học Khoa học. Sinh viên thi vào rất đông, chừng 4-5000 người và sẽ tuyển chừng 200 người. Hồi đó chỉ có hai trường y ở trong nước, một ở Sài Gòn và một ở Huế, mở sau trường Sài Gòn và ít người học hơn.
Trường Dược (5 năm), Nha khoa (5 năm) là những trường riêng biệt cũng phải thi vào ( được gọi là thi "concours"). Các ngành khác cũng qua concours như sư phạm, kiến trúc, kỷ sư (Phú Thọ), hành chánh. Nghe nói thi vào trường (Học Viện) Quốc Gia Hành Chánh tỷ lệ được chấp nhận còn thấp hơn vào trường Y khoa. Các trường luật và văn khoa theo chế độ đại học mở cừa của Pháp không phải thi vào và sinh viên rất đông.
Nói chung ở đâu cũng vậy, có những ngành nghề nhiều người muốn vào nhưng chỉ nhận ít chỗ thôi nên phải qua một kỳ thi tuyển, và kỳ thi này áp dụng chung cho mọi người, phần đông không có phỏng vấn, không xét về gia cảnh, nguồn gốc gia đình, địa vị cha mẹ, giàu hay nghèo hay thành phần chính trị (sinh viên y khoa thời đó khá nhiều người phe tả và hoạt động chống chính phủ). Trường hợp khá nổi tiếng về chuyện “pháp bất vị thân” trong các kỳ thi là con gái của ông bà Ngô Đình Nhu (em của tổng thống) thi vào APM trường Y không đậu và phải đi ngoại quốc học một ngành khác, và điều này vẫn còn được nhớ như một điểm son cá nhân cho thái độ trí thức chí công vô tư của cố Giáo sư Phạm Biểu Tâm (1913-1999), khoa trưởng Y Khoa Đại học đường thời đó.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 lúc chế độ Việt Nam Cọng Hòa chấm dứt, mọi người đều biết câu châm ngôn mới “Hồng hơn chuyên” và không có gì quan trọng hơn lý lịch gia đình cách mạng hay hồ sơ chính trị của người sinh viên. Việc này là một lý do để rất nhiều người đem con cái đi vượt biên, để chúng có cơ hội đi học tốt hơn.
Hiện nay, cũng nhiều di dân tìm đường đến Mỹ hợp pháp hay không hợp pháp cũng vì muốn cho chúng thoát khỏi các bất công về cơ hội giáo dục ở quê hương của họ và được hưởng nền giáo dục Mỹ với những giá trị về tự do, bình đẳng và tôn trọng nhân phẩm, đặc biệt là đối với người phụ nữ, của xã hội Mỹ.

Trong tiểu thuyết “The Joy Luck Club” của Amy Tan, câu chuyện ngụ ngôn về con thiên nga giới thiệu một trong những chủ đề chính của cuốn tiểu thuyết: sự biến đổi của người đi dân. Một phụ nữ Trung Quốc quyết định di cư sang Mỹ. Trước khi rời Thượng Hải, bà mua một con thiên nga, người bán hàng nói rằng trước đó nó là một con vịt. Con vịt cố gắng để trở thành một con ngỗng bằng cách vươn cỗ ra thật dài, nhưng nó đã vươn cổ dài “vượt chỉ tiêu” để đến mức nó được trở thành một con thiên nga, kết quả vượt quá hy vọng. Khi người phụ nữ đi tàu đến Mỹ (và để lại hai đứa con gái bên Trung quốc), bà mơ ước sinh được một đứa con gái và nuôi dạy nó giữa những cơ hội dồi dào ở đất nước mới này. Bà tưởng tượng rằng đứa con gái sinh ra ở Mỹ sẽ giống mẹ nó về mọi mặt, ngoại trừ việc, không giống mẹ, cô sẽ được người khác đánh giá theo giá trị của chính mình chứ không phải theo giá trị của chồng. Giống như con thiên nga, con gái của bà sẽ vượt qua mọi kỳ vọng nên người phụ nữ dự định tặng con gái mình con thiên nga như một món quà. Tuy nhiên, khi người phụ nữ đến Mỹ, các quan chức nhập cư đã bắt giữ con thiên nga và chỉ để lại cho bà một chiếc lông vũ. Người con gái sinh ra và lớn lên trở thành người phụ nữ mạnh mẽ, hạnh phúc mà bà mẹ đã kỳ vọng.. Người phụ nữ vẫn mong muốn tặng chiếc lông vũ cho con gái mình và giải thích ý nghĩa biểu tượng của nó nhưng bà đã chần chừ trong nhiều năm. Bà ấy vẫn đang chờ đợi “ngày mình có thể giải thích câu chuyện của chiếc lông vũ bằng tiếng Anh theo giọng Mỹ hoàn hảo”.

Có lẽ như trong chuyện ngụ ngôn trên, người di dân “chân ướt chân ráo” nào cũng muốn con cái mình từ con vịt ngô nghê không biết phong tục Mỹ và nói tiếng Mỹ trở thành con ngỗng nói giọng Mỹ rất “chuẩn” và đĩnh đạt, tự tin như người Mỹ (mà chúng ta thấy trên màn ảnh). Rồi thêm một bước nữa, sau khi biết phân biệt trường tốt trường xấu, kén chọn theo danh sách thứ hạng các đại học như trên báo US News and World Report, chúng ta lại nhắm cao lên nữa, muốn hơn cả người Mỹ. Chúng ta trở thành “Mẹ Cọp” (Tiger Mom) để rồi, nói như Amy Tan, chúng ta muốn con cháu chúng ta cố gắng vượt bực bằng mọi giá để thành thiên nga. Hay nói theo kiểu Việt Nam, chúng ta muốn con cái nay đã hội nhập “thành cá chép phải vượt vũ môn”, hóa rồng.
Theo truyền thuyết, một năm khí hậu khô hạn nhưng không có đủ Rồng để phun mưa xuống trần gian, trời mở một cuộc thi để tìm một con vật dưới nước lên để thay thế rồng; nếu con vật nào đủ sức vượt qua được ba đợt sóng dữ dội ở Long Môn trên sông Hoàng Hà thì nó sẽ có cơ hội biến thành rồng. Vũ Môn hay Long Môn bây giờ là những trường tinh hoa, của tư nhân, đắt tiền nhất của Mỹ, từ đó các con “rồng” lớn của Mỹ như quan toàn Tối cao Pháp viện Mỹ hay các Tổng thống Mỹ đều xuất thân.

Tuy nhiên, như một bài hát của chúng ta “đời không như là mơ”. “Nước Mỹ” như là một tập thể chính trị cũng có những mục tiêu chính trị, xã hội của nó và trong những năm gần đây, một trong những chủ đề lớn là “đa dạng, bình đẳng và dung nạp các màu da” (diversity, equality and inclusion), mà một trong những biện pháp để thực hiện mục tiêu này là “hành động khẳng định” (affirmative action) cho phép các trường đại học nhận sinh viên đầu vào căn cứ trên màu da/chủng tộc, để những nhóm da màu dù không đủ tiêu chuẩn về học hành, cũng được cho vào để có mặt với tỷ số tương ứng với tỷ số của họ trong dân số nói chung. Tuy lý do có khác (gia tăng những thành phần bị thiệt thòi trong quá khứ do màu da của họ) tác dụng cũng tương tự như nguyên tắc “hồng hơn chuyên” ở Việt nam trước đây nhận sinh viên căn cứ trên hồ sơ chính trị.

Nói về kỳ thị trong nhập học ở các trường đại học Hoa Kỳ, không thể không nhắc đến một tiền lệ tương tự của người Do Thái. Vào đầu thế kỷ 20, một số đông người Do Thái ở Châu Âu di dân qua Mỹ do tình hình chính trị bất ổn và thái độ  kỳ thị  phổ biến đối với họ bên đó. Đứng trước số lượng sinh viên Do Thái xin nhập học càng ngày càng tăng và tình cảm chống Do Thái trong khuôn viên trường, các  trường đại học Hoa Kỳ hạn chế tuyển sinh sinh viên Do Thái bằng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm các chỉ tiêu và các hạn chế khác. Ví dụ, Đại học Columbia, Harvard, Yale và Princeton đã tìm ra cách hạn chế tuyển sinh người Do Thái, và  hàng trăm trường khác cũng vậy. Trong một số trường hợp, những hạn chế này được áp dụng cho đến những năm 1960.

Các biện pháp này nhằm mục đích giải quyết "Vấn đề Do Thái" ("Jewish Problem"), tức là sự hiện diện quá đông của sinh viên Do Thái trong các trường đại học, và theo như câu nói của GS Lawrence Lowell, viện trưởng hồi đó của  ĐH Harvard,  “Nơi nào người Do Thái đông, họ đẩy những dân khác đi” (“Where Jews become numerous, they drive off other people”).

Một trong những phản ứng của người Do Thái là lập riêng một đại học mới ở Mỹ để họ có chỗ giảng dạy và con cháu họ học tập. Vào năm 1948, một nhóm giáo sĩ, học giả, luật sư và doanh nhân  Do Thái  thành lập Đại học Brandeis, trường đại học phi giáo phái đầu tiên được thành lập bởi cộng đồng người Do Thái ở Mỹ, được thành lập để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái, phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính. Ngay từ đầu, Brandeis đã chào đón sinh viên thuộc mọi thành phần và tín ngưỡng.  Brandeis vừa là một phong trào vừa là một trường đại học,  nổi tiếng về sự xuất sắc trong học tập, phản ánh sự tôn trọng sự học  lâu đời của người Do Thái (theo Brandeis.edu.). Hiện nay Brandeis xếp hạng 60 trong các trường đại học quốc gia lớn của Mỹ (theo US News).

Tại Hoa Kỳ, những hạn chế đối với việc tuyển sinh người Do Thái vào các trường đại học bắt đầu chấm dứt vào đầu những năm 1960. Ví dụ, chính sách tuyển sinh không chính thức của Đại học Yale, vốn giới hạn số sinh viên Do Thái của trường ở mức khoảng 10%, đã chấm dứt vào đầu những năm 1960. Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi một bản ghi nhớ của viện trưởng trường Đại học Yale, ông Griswold, vào tháng 4 năm 1960, cam kết đảm bảo rằng các yếu tố chủng tộc và tôn giáo sẽ không còn quyết định việc tuyển sinh. Và hiện nay chúng ta biết người Do Thái giữ một địa vị quan trọng vượt quá tỷ lệ dân số của họ  trong mọi ngành học thuật ở Mỹ; tại ĐH Yale 30% sinh viên là Do Thái, trong lúc người Do Thái chỉ chiếm chừng 2,4 % dân số Mỹ.

Trở lại vấn đề sinh viên Á Châu ở Hoa Kỳ hiện nay. Đã mấy năm nay, một nhóm tên "Sinh viên tranh đấu cho được nhập học công bằng" (Students for Fair Admissions) kiện Đại Học Harvard về tình trạng mà họ cho là bất công lúc xét các ứng viên Á Châu nộp đơn vào trường đại học ưu tú này của Mỹ. Nhóm này cho rằng Harvard thực hành “affirmative action” (hành động khẳng định) và "racial balancing" (quân bình chủng tộc) trong quá trình quyết định ai được nhận ai bị từ chối. Harvard thì cho rằng họ có lý do riêng của họ, và phân tích mỗi ứng viên như là một “con người toàn diện”, dùng yếu tố màu da một cách uyển chuyển và như là một yếu tố trong nhiều yếu tố khác.
Ngày 29/6/2023 Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bác bỏ các chương trình tuyển sinh có cân nhắc yếu tố sắc tộc tại Đại học Harvard (trường tư, và Đại học North Carolina Chapel Hill, công lập) cấm dùng chính sách hỗ trợ người thiểu số trong tuyển sinh vốn lâu nay được vận dụng để tăng số lượng sinh viên da đen, gốc Mỹ Latinh và các nhóm thiểu số khác trong các trường đại học Mỹ. Quyết định cột mốc này sẽ buộc nhiều trường cao đẳng và đại học Mỹ phải sửa lại chính sách tuyển sinh và người ta cho rằng sẽ có lợi cho người gốc Á lúc ghi danh vào đại học, nhất là các đại học ưu tú.
Tuy nhiên, theo một bài báo mới đây trên Los Angeles Times, các bậc cha mẹ nhập cư người Mỹ gốc Á đầy tham vọng của chúng ta, có lẽ phần đông là Ấn độ hay Trung quốc, chia sẻ rằng họ vẫn cảm thấy “tuyệt vọng và mù mờ” về việc con mình phải làm gì để được nhận vào các trường đại học danh tiếng, vì lo ngại phán quyết của tòa án sẽ không ngăn được các trường đại học từ chối đơn xin vào học của họ dựa trên chủng tộc.

Một số gia đình thậm chí còn trả hàng chục nghìn đô la cho các nhà tư vấn để giúp họ “định hướng” (navigate) trong con đường đi vào hệ thống đại học Mỹ ngay lúc bé còn 12-13 tuổi ở Junior high school . Một nhà tư vấn nói với LA Times rằng những gia đình này cần phải có chiến lược khi nộp đơn “để tránh sự phân biệt đối xử chống người châu Á”.

Sam Srikanth, học sinh lớp 12 ở California, là người Mỹ di dân thế hệ thứ hai, cũng lo lắng về cơ hội vào được trường hàng đầu (top school) của mình, mặc dù có thành tích học tập và thành tích xuất sắc. Cô có điểm trung bình 4,41, là đội trưởng đội bơi trường học của mình và đã tham gia số lớp AP (Advanced Placement, trình độ đại học) tối đa mà trường trung học của cô cung cấp. Mặc dù đã được nhân viên nhà trường và cố vấn riêng xem xét các bài luận tuyển sinh của mình, cô thừa nhận kỳ vọng vào được một trường hàng đầu của cô là "thấp". Sinh viên này nói với tờ báo rằng "hy vọng của cô đã cao hơn một chút" sau quyết định của Tòa án Tối cao, nhưng cô vẫn lo ngại chủng tộc của mình sẽ bị lợi dụng để chống lại cô vì họ của cô.

Nói chung, cha mẹ gốc Á Châu có tham vọng cho con cái mình thăng tiến xã hội bằng cách tốt nghiệp từ các trường Ivy League ( cổ kính có cây thường xuân leo kín vách vùng Đông Bắc) như Harvard, hay các trường “siêu đẳng” như Stanford ở Cali) còn đang nghi ngờ họ vẫn sẽ bị ngấm ngầm kỳ thị sau phán quyết của Tòa Án Tối Cao Hoa Kỳ. Và có vẻ như các trường đại học ưu tú này cũng sẽ làm như vậy. Họ sẽ nhận diện gián tiếp qua họ (last name) của ứng viên, qua tiểu luận lúc ghi danh mô tả về cuộc sống của mình( thế nào cũng có những chi tiết qua đó người đọc biết được màu da người viết), qua lý lịch là biết ngay ai da đen, ai da trắng, ai Ấn Độ, ai Trung Hoa, ai Việt Nam, ai giàu ai nghèo rồi từ đó chọn những thành viên cho năm học mới theo đúng chính sách đường lối cố hữu, thường là cấp tiến, của trường. Các trường cũng sẽ đổi tiêu chuẩn nhập học như không đòi hỏi nộp điểm SAT (Scholastic Aptitude Test) thi về Toán và Anh văn thường được cha mẹ Châu Á “gò” cho con mình và học sinh Châu Á điểm lên rất cao. Họ sẽ âm thầm thực hiện một hệ thống quota được ấn định trước cho mọi nhóm chủng tộc, mỗi giai tầng kinh tế xã hội mà không cần ra mặt phản biệt màu da, giàu nghèo, điều mà luật pháp nay đã cấm. Đổng thời họ cũng sẽ giữ ưu tiên cho những gia đình giàu có, quyền lực bằng cách cho ưu tiên những ứng viên mà gia đình trước đây cho trường rất nhiều tiền, đã từng có cha mẹ là cựu sinh viên ở đó, hoặc những ứng viên chơi những môn thể thao đắt tiền mà người trung bình không thể tham gia được. Nhóm này gọi là “nhập học theo di sản”/legacy admission.

Cho nên, chúng ta nên nhớ trước khi vào Mỹ, cũng như con vịt trong truyện The Joy Luck Club muốn thành con ngỗng, chúng ta mơ ước con chúng ta được học trường Mỹ và sống giấc mơ Mỹ. Nay khá lên rồi, được khuyến khích rằng “ bầu trời mới là giới hạn “ ( the sky is the limit), và 20-30% sinh viên các trường đại học ưu tú Mỹ đã là gốc châu Á ( trong khi người Mỹ gốc Á chỉ chiếm 7% dân số Mỹ), chúng ta muốn làm” thiên nga” của xã hội Mỹ, thì không đáng ngạc nhiên, con đường sẽ chông gai, nhiều lực cản nhân danh công bình và đa dạng của xã hội Mỹ, và đến từ nhiều nguồn hay nhóm khác chúng ta. Chúng ta cần thực tế trong tham vọng của riêng mình và có lẽ đừng quên những giấc mơ Mỹ bình thường lúc ban đầu, khi chúng ta mới đến và trở thành một thành viên nhỏ nhoi trong một nhóm dân thiểu số trong đất nước lớn lao và xa lạ này.

Tựu chung, chúng ta muốn con cái chúng ta được hạnh phúc, mạnh khỏe và thành công trong cuộc sống và không có tên tuổi của đại học nào, dù danh giá đến mấy, có thể bảo đảm là chìa khóa vàng hay thẻ vàng mang lại được cho chúng những thứ đó.

Hồ Văn Hiền
Ngày 9 tháng 12 năm 2023

Tham khảo:

1)https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC9121972/#:~:text=There%20are%20twenty%2Dnine%20medical,per%20year%20at%20each%20school.
2)https://www.latimes.com/california/story/2023-11-26/post-affirmative-action-asian-american-students-stress-college-admissions

3)https://www.nytimes.com/1986/03/04/nyregion/yale-s-limit-on-jewish-enrollment-lasted-until-early-1960-s-book-says.html