"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

 

Đời Sinh Viên Thời Chiến Tranh

10 Kinh Nghiệm Về Giáo dục Thanh niên Thập Niên 1960s

SinhVienCuXa1 HVH

Hình 1: Mặt trước Cư xá Đắc Lộ, Linh mục Henri Forest đang nói chuyện với các sinh viên trong ngày Lễ Gia đình.

Cư Xá Sinh Viên Đắc Lộ (Foyer Alexandre de Rhodes) của Dòng Tên, thành lập năm 1960, nằm trong khuôn viên của Trung Tâm Đắc Lộ ở số 161 đường Yên Đỗ (nay là Lý Chính Thắng). Cư xá , còn được gọi là lưu xá hay ký túc xá, đặt theo tên của giáo sĩ Dòng Tên Alexandre de Rhodes từng đặt chân đến Việt Nam hồi thế kỷ thứ 17 và là người sáng lập giáo hội công giáo Việt Nam cũng như là người có công đầu trong việc dùng mẫu tự la tinh phiên âm tiếng Việt, tạo nên chữ viết quốc ngữ mà chúng ta dùng ngày nay.
Cũng trong truyền thống đặt nặng mục tiêu giáo dục của Dòng Tên, Cư xá Đắc Lộ không chỉ là một nơi "tạm trú" cho sinh viên như hàm ý trong danh từ "cư xá", mà có tham vọng đóng vai trò của một ngôi trường dạy hay hướng dẫn người sinh viên "nên người" (phương châm là Esto Vir, “bạn hãy nên người”, “hãy thành nhân”), ngoài những giờ họ học hỏi tại các phân khoa đại học trong thành phố. Linh mục Giám Đốc Henri Forest, người gốc Canada, đóng nhiều vai trò khác nhau, vừa điều hành hành chính, phụ trách gây quỹ, hướng dẫn tinh thần, cố vấn sinh viên, giáo sư dạy chuyện đời cũng như chuyện đạo đức, văn hoá. Nói chung Cha Henri Forest là người cha thứ hai mà các sinh viên còn ghi nhớ công ơn mấy chục năm sau lúc cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi.
Theo Phạm Ngọc Lân, tác giả của cuốn hồi ký "Cha Vô Danh" và là một cựu sinh viên trường Dược từng sống trong Cư Xá Đắc Lộ: "Cư xá Đắc Lộ của dòng Tên, đương nhiên là có khuynh hướng chung là ủng hộ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Long được các bạn vào trước kể là đã có lần đích thân ông Diệm đến dự thánh lễ ngày chủ nhật trong nhà nguyện của cư xá. Nhưng dòng Tên có tinh thần đào tạo con người bằng cách cho họ có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu những luồng tư tưởng khác nhau. Vì vậy sinh viên Công Giáo trong cư xá chỉ là thiểu số. Và sinh viên có những khuynh hướng chính trị khác nhau. Sau này sẽ thấy có người trong các phong trào chống đối chính quyền, có người còn bí mật theo Mặt Trận Giải Phóng, mãi sau này mới biết."
Trung Tâm Đắc Lộ (khác Cư xá Đắc Lộ và nằm trước mặt đường Yên Đỗ) là nơi hoạt động tông đồ và mục vụ chính của Dòng Tên Việt Nam tại Sài Gòn từ 1957-1975. Một linh mục dòng Tên của Trung tâm, BS Lichtenberger, cũng từ Trung Quốc bị trục xuất trước khi đến Việt Nam, là giáo sư chủ nhiệm khoa Tế Bào Học và Di Truyền tại Trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Thư viện Đắc Lộ là thư viện tư nhân lớn nhất vào thời đó. Thư viện này có khoảng 100.000 đầu sách, trong đó có những bộ sách quý như Bộ Văn Học Cổ Điển Trung Quốc, được chuyển về từ đại học Aurore của Dòng Tên ở Thượng Hải, 2.500 đầu sách về tôn giáo, triết học, nghệ thuật Ấn Độ. Thư viện cũng lưu trữ các bộ tạp chí cổ như Đông Dương Tạp Chí, Nam Phong Tạp Chí, Bulletin des Amis du vieux Hue.

SinhVienCuXa2 HVH

Năm 1971, sau sáu năm ở Cư Xá Đắc Lộ (CXĐL), tôi dọn vào ở nhà thương Từ Dũ nơi tôi làm nội trú cho thuận tiện và tiết kiệm hơn, nhưng cũng luyến tiếc vì phải chấm dứt đời sinh viên cư xá sớm một năm.
Hôm nay, hơn 50 năm sau, đọc một bài trong báo Scientific American về những khám phá mới trong khoa học thần kinh về thời thanh thiếu niên (adolescence), được gọi là một “lứa tuổi của cơ hội” (age of opportunity).
Đây là một khoảng thời gian chừng 10 năm, từ thời dậy thì cho đến lúc trên hai mươi, lúc mà não bộ đang phát triển tột độ và cũng là lúc mà những can thiệp thuận tiện (tích cực) sẽ có tác dụng mạnh mẽ lâu dài, đồng thời những điều kiện thiếu thốn, khó khăn cũng sẽ gây những hậu quả tổn hại không kém quan trọng.
Tuổi này phần lớn các bạn cựu sinh viên Cư Xá cũng như tôi đều trải qua nhiều năm trong môi trường đặc biệt của CXĐL. Ngồi suy nghĩ về thời gian 6 năm “tu tập” với Cha Giám Đốc Henri Forest, tôi xin có những suy nghĩ sau, tạm thu xếp thành 10 điểm rút kinh nghiệm để chúng ta có thể giúp tạo những điều kiện thích hợp tương tự cho giới trẻ hiện nay.

1) Một gia đình cho những người xa gia đình.
Thời đó , sinh viên từ các tỉnh có thể ở những cư xá như Cư Xá Phục Hưng đường Nguyễn Thông của các Cha Dòng Đa Minh, Cư Xá Minh Mạng của chính phủ cho phái nam; Lưu Xá Thanh Quan, Cư Xá Trần Quý Cáp ( của chính phủ) cho phái nữ. Riêng cho CXĐL, Cha Henri Forest vừa đóng vai giám đốc vừa đóng vai một người cha thật sự vừa làm” role model”, vừa là người lo toan cuộc sống vật chất và tinh thần của người sinh viên.
Theo kinh nghiệm bản thân cũng như theo chuyện kể lại của các cựu sinh viên khác, phần lớn cuộc sống xã hội của sinh viên cư xá thời đó gắn liền với những người anh em khác trong cư xá, trong lúc đó đối với những sinh viên sinh sống với gia đình tại Sài gòn, họ có sinh hoạt gia đình (ví dụ như ăn cơm nhà, đi chùa, đi nhà thờ, cúng kỵ cùng gia đình, ăn tết , sinh nhật, du lịch cùng gia đình, cha mẹ anh chị em, chơi với một nhóm bạn bè đã cũng nhau đi học, quen biết láng giềng qua nhiều năm).

2) CXĐL gồm những thành phần được tuyển chọn qua sự sàng lọc của Cha Forest cho nên trình độ tương đối cao hơn trình độ học vấn sinh viên trung bình. Bằng chứng là thành tựu cuả các sinh viên tốt nghiệp tương đối cao. Những trao đổi giữa những người này sống với nhau quanh năm và có thể trong nhiều năm cùng chung một môi trường càng tăng lên những cơ hội tương tác có ích và hiệu quả.

3) Cách phân phối các phòng ngủ theo lối hai hay ba người theo lối ngẫu nhiên (và có thể theo dụng ý của Cha Giám đốc) thay đổi hàng năm làm cho mỗi người có cơ hội sống chung đụng với một người khác mà mình có thể hợp hay không hợp, thích hay không thích lúc ban đầu là một biện pháp rất hữu hiệu để người trong tuổi thanh thiếu niên học tập và thử nghiệm về những kỹ năng xã hội của mình. Những nghiên cứu về tâm lý học tuổi adolescence (từ 10 tuổi cho đến khoảng 25 tuổi) cho thấy trong tuổi này những kết nối tế bào thần kinh phụ trách về ý thức xã hội và các giá trị xã hội (social cognition and values) phát triển mạnh mẽ.

4) Như đã nói, tuổi thanh thiếu niên là thời điểm quan trọng trong cuộc đời của nam cũng như nữ giới. Trong lúc bộ óc nói chung như những phần phụ trách lý luận, suy xét và quyết định (reasoning, judgement, executive function) tiếp tục phát triển từ từ, vững vàng cho đến ngày trường thành, trong lúc đó “hệ thống rìa” (the limbic system, với 2 bộ phận chính là hippocampus và amygdala) trong não bộ lại tăng trưởng nhảy vọt . Limbic system gồm những bộ phận não phụ trách xử lý các cảm xúc (emotion) , các cảm xúc gây ra lúc được thỏa mãn (reward), những điều mới mẻ, những mong đợi từ người cùng lứa (peer expectation) là những yếu tố tình cảm rất sôi động và quan trọng trong tuổi thanh thiếu niên
Các nghiên cứu về tâm lý của tuổi thanh thiếu niên/adolescence cũng cho thấy họ có nhu cầu muốn làm một việc gì đó để đóng góp cho xã hội. CXĐL là nơi khuyến khích những lý tưởng về trách nhiệm xã hội qua các bài giảng của Cha Giám Đốc, những hoạt động xã hội giúp người nghèo, các cô nhi, các người tỵ nạn từ Cambodia, những sinh viên y khoa tình nguyện ra Huế phục vụ trong biến cố Tết Mậu Thân, cũng như trong châm ngôn Esto vir, “Hãy nên người” mà người sinh viên mới vào đã tuyên thệ lúc nhập môn.
CXĐL tạo cơ hội cho người sinh viên tiếp xúc với những người khác phái (như các nữ sinh ở Regina Pacis, các nữ sinh viên Lưu Xá Thanh Quan hầu hết cũng trong hoàn cảnh xa nhà, các giáo viên ở vườn trẻ Caritas). Điều này khá quan trọng trong hoàn cảnh xã hội thời đó, lúc mà giao thiệp hay quan hệ dù là bạn bè và platonic/trong sáng cũng khó được thiết lập giữa một sinh viên từ tỉnh đến Sài gòn học và một cô gái sống tại thủ đô Sài Gòn.

5) Thời não bộ tái tổ chức: Cũng theo những kết quả nghiên cứu mới đây, thời adolescence cũng là thời mà bắt đầu với tuổi dậy thì, số lượng các tế bào thần kinh (neuron) gia tăng mạnh mẽ và sau đó xảy ra hiện tượng tỉa xén các kết nối thần kinh không còn cần thiết (pruning of neural connection). Não bộ được phát triển và tái tổ chức ở một tầm mức trước đó chỉ từng xảy ra trong 3 năm đầu của cuộc đời. Mục đích là để thuận tiện cho việc học tập một cách tích cực về kiến thức cũng như về tình cảm, xã hội. Nhưng giai đoạn não bộ “tái tổ chức” một cách sâu rộng như vậy cũng là lúc não bộ dễ bị các yếu tố tiêu cực gây ảnh hưởng xấu, tạo nên các chứng lo âu và trầm cảm. Những yếu tố môi trường thời đó có thể cực kỳ khó khăn và gây stress: là chiến tranh với các vụ pháo kích vào tận khuôn viên Trung Tâm Đắc Lộ, tương lai vô định có thể bị gọi đi chiến đấu chỉ sau một lần thi rớt, bạn bè ra đi người mất người còn, toàn bộ gia đình của chính mình ở tỉnh cũng có thể bị đe dọa, ví dụ Huế trong biến cố Mậu Thân hay “mùa hè đỏ lửa” 1972. Ngoài ra thuốc lá, rượu và các hóa chất khác cũng là những mối nguy cho não bộ người sinh viên, tuy lứa tuổi trên 17-18 vẫn còn nằm trong thời adolescence đang tái cấu trúc não bộ của mình.
Cấu trúc có tổ chức của đời sống trong cư xá, những sinh hoạt đều đặn định kỳ, ý thức về một mái nhà chung thay thế mái ấm gia đình và quan trọng hơn hết vai trò gia trường của Cha Giám đốc tạo cho người sinh viên một cái khung gồm những cơ hội (scaffolded opportunities) để học tập và phát triển.

6) Tuổi adolescence cũng là tuổi muốn có chỗ đứng và được tôn trọng (status and respect). Là những người từ bên ngoài thủ đô Sài gòn, từ giọng nói cho đến điệu bộ , cử chì không ít thì nhiều chúng ta vẫn là những người ngoại cuộc so với những sinh viên lớn lên và đi học, sống ở Sài gòn. Cư Xá Đắc Lộ cho chúng ta một địa chỉ “đáng nể” trên một đường phố lớn, những ngôi nhà nếu không sang trọng thì cũng khang trang với những phưong tiện giải trí học tập mà ít nhà tư nhân nào có được, làm chúng ta hãnh diện giới thiệu “Foyer” (chú ý tên bằng tiếng Pháp) của mình trong ngày phụ huynh (Fête des Parents) với bạn bè, người thân hay cả ban giảng huấn của trường đại học mình đang theo học.
Các sinh viên được lập ban đại diện do chính mình bầu ra, và các ban ngành (các “bộ” của “chính phủ” gọi là ministere) hoạt động tương đối tự chủ. Cách đối xử của Cha Giám đốc đối với chúng ta cũng rất tôn trọng sự tự do của chúng ta. Chỉ nhắc khéo, không áp đặt nhất là về niềm tin tôn giáo hay chính trị và luôn luôn kêu gọi vào tinh thần tự trọng.

7) Khả năng đa ngôn ngữ.
Sinh viên đến từ nhiều nguồn giáo dục khác nhau: đa số là trường Việt Nam với căn bản từ những lớp ngoại ngữ tiếng Anh hay tiếng Pháp ở trung học, phần lớn là chú trọng về văn phạm và ngữ vựng, rất ít thực hành đối thoại; một số khá đông xuất thân từ trường chương trình Pháp, tuy nhiên vì là trường Pháp tại Việt Nam cho nên chỉ có một số sinh viên lưu loát về cách cùng tiếng Pháp trong sinh hoạt hàng ngày; ngoài ra còn rất ít người có khả năng nói và viết ba thứ tiếng.
Cha Giám đốc gốc Canada, cũng như Thầy sư huynh Tremblay phụ tá đều nói tiếng Anh cũng như tiếng Pháp; đồng thời Cha Forest thành thạo tiếng Trung và có mở lớp dạy tiếng quan thoại. Ngoài ra còn có lớp dạy tiếng Đức của anh Ngô Trung Trọng, hồi đó giỏi tiếng Đức và đang làm việc cho đài truyền hình Đức ngoài giờ đi học.
Các buổi họp hàng tuần lúc đầu bằng tiếng Pháp, sau này có lẽ vì ý thức dân tộc, sau các lời nhận xét (les remarques) của Cha Forest, buổi họp tiếp diễn bằng tiếng Việt. Cho nên, trong thời gian ở Cư Xá, người sinh viên được tiếp cận với nhiều ngoại ngữ và từ đó nhiều nền văn hóa khác nhau (có truyền hình Việt, Mỹ; phim Mỹ, báo chí sách vở nhiều thứ tiếng). Đặc biệt có những tuần mà chỉ một ngôn ngữ được bắt buộc dùng khắp mọi nơi, trong mọi tình huống (kể cả phòng tắm), cho dù một sinh viên có thành thạo một ngoại ngữ nào đó trong sách vở vẫn phải khắc phục các khó khăn nói tiếng Pháp hay tiếng Anh và nhờ đó tiến bộ thêm trong việc dùng ngoại ngữ trong cuộc sống hàng ngày. CXĐL là một môi trường đa ngôn ngữ đa văn hóa, là một điểm mạnh giúp cho người sinh viên sống trong thế giới đa ngôn ngữ đa văn hóa hiện nay.

8) Kỷ luật: Trong các cuộc trao đổi giữa các cựu sinh viên AFAR, chúng ta thường nhắc đến những luật lệ khá khắc khe hồi đó: phải làm giường ngay ngắn mỗi buổi sáng, không được nói chuyện ăn uống trong phòng ngủ, không được ăn kẹo cao su, mặc quần jeans lúc họp, không được ồn ào quá trớn, coi TV hay nghe radio có giờ giấc giới hạn, không được đi chơi về quá khuya, vv… Chúng ta nhớ đến những luật lệ đó một cách thú vị, với một chút luyến tiếc, và chúng ta muốn in lại các “Reglements” trong kỷ yếu mấy chục năm sau. Nhiều lúc, có lẽ không ít người trong chúng ta ước gì con cháu đang sống quá thoải mái tại Mỹ, Tây của chúng ta được ghép vào trong một khuôn khổ ít nhiều kỷ luật như vậy?
Thời thập niên 1960-70, sống trong một thời mà luân lý Khổng Mạnh đã quá hơn là về chiều, trong đó ưu tư chính của người trẻ là sống còn và người trẻ bị lôi cuốn vào đủ thứ chủ nghĩa thịnh hành như hiện sinh, cọng sản, nổi loạn chống chính phủ, một nơi chốn bình an như Cư xá Đắc Lộ có thể được gọi như là một nơi nhắc nhở chúng ta về “cương thường”, về sống thế nào cho xứng đáng là một con người có giáo dục. Tôi vẫn nhớ, và vẫn nhắc lại với các con tôi ở Mỹ một nhận xét khá “tàn nhẫn” của Cha Giám đốc: “Học đến bác sĩ kỹ sư vẫn có thể là còn mất dạy như thường!” (hay đại khái như vậy).
Nhân đây xin nhắc lại vài điều về cương thường và đối lập nó với tình trạng “thiếu cương thường” (anomie) trong xã hội tự do của chúng ta hiện nay, lúc mà cái gì cũng cho phép và thậm chí khuyến khích nếu không hoặc chưa có luật cấm và mọi thần tượng đều có thể bị hạ bệ nhân danh lịch sử được viết lại.
“Cương” là cái diềng lưới, dây chính ở cạnh lưới, kéo diềng thì mắc lưới mở ra (hay “giềng mối”, cái chão lưới); điều cốt yếu. “Thường” là đức tính căn bản phải có, thường tình của con người.
Trong hai ngàn năm, người Việt chúng ta cũng như nhiều dân tộc khác ở Đông Á sống trong những tiêu chuẩn xã hội phần lớn của Nho giáo: tam cương (tương quan vua-tôi, cha-con, vợ- chồng), ngũ thường (nhân , lễ, nghĩa , trí, tín). Trong đời sống của phần lớn dân Âu Châu, cho đến thời cách mạng Pháp cuối thế kỷ thứ 18, giáo hội Thiên Chúa giáo cầm cân nảy mực (ví dụ "Mười điều răn"). Cũng vậy, những giá trị Hồi giáo ngự trị ở những nước Trung Đông từ nhiều thế kỷ nay; luật sharia chi phối đời sống chính trị , kinh tế, giới tính, pháp luật. Đáng để ý thú vị là sharia có nghĩa đen là "con đường" (way, path) , tương tự như chữ "đạo" của chúng ta.
Đối với người Việt, nội trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ từ ngày Pháp đô hộ, đi từ xã hội quân chủ làng xã, qua xã hội chiến tranh ở đó sự tranh đấu để sống còn là quan trọng hơn cả, sau màn tre, màn sắt, rồi đến thời kỳ mở cửa cho nhóm người này, lưu vong cho nhóm kia. Chúng ta đã đổi thay các "bộ" giá trị, tiêu chuẩn xã hội của chúng ta bị phá đi rồi chưa kịp làm lại không biết bao nhiêu lần. Người di dân thì còn phải chấp nhận một bộ giá trị, tiêu chuẩn mới nơi định cư, đồng thời không ít thì nhiều cởi bỏ bộ giá trị mình mang theo. Những thay đổi nhanh chóng như vậy trong các khung giá trị xã hội, hay sự thiếu vắng của các tiêu chuẩn, giá trị, kéo theo một số triệu chứng ở tầm mức xã hội cũng như cá nhân được gồm trong hội chứng "anomie".

9) ”Father figure”:
“Hình tượng người cha” thường là một người đàn ông lớn tuổi hơn, thường là một người có quyền lực, uy quyền hoặc sức mạnh, đối với người đó ta có thể nhìn thấy mình (identify) ở mức độ tâm lý sâu sắc và người đó gây ra những cảm xúc thường cảm thấy đối với cha ruột của mình. Mặc dù có thuật ngữ "hình tượng người cha" theo nghĩa đen, vai trò của hình ảnh người cha không chỉ giới hạn ở cha ruột (đặc biệt là đối với một đứa trẻ), mà có thể được đóng bởi người chú, người ông ,người anh , một người bạn của gia đình hoặc một số người khác. Với tư cách là người chăm sóc chính, cũng như người cha, “hình tượng người cha” đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ. Đứa trẻ gắn bó với cha ruột hay hình tượng người cha (thay thế) như thế nào sẽ ảnh hưởng đến cách thức mà nó liên hệ, phản ứng với người khác.
Các chức năng khác mà nhân vật người cha có thể cung cấp bao gồm: giúp thiết lập ranh giới cá nhân giữa mẹ và con; thúc đẩy tính kỷ luật tự giác, tinh thần đồng đội và ý thức về bản dạng về giới tính (gender identity), mở ra một cửa sổ vào thế giới rộng lớn hơn; và cung cấp cơ hội cho cả lý tưởng hóa và quá trình làm việc thực tế của nó. Các nghiên cứu cho thấy việc thiếu bóng dáng người cha trong cuộc đời của một đứa trẻ có thể gây ra những tác động tâm lý tiêu cực nghiêm trọng đến tính cách và tâm lý của đứa trẻ, trong khi những hình ảnh người cha tích cực có vai trò quan trọng trong sự phát triển của đứa trẻ.
Dấu ấn của Cha Henri Forest trên những bài viết trong các forum, kỷ yếu của Cư Xá, những sinh hoạt giỗ Cha hàng năm với rất nhiều cảm xúc được bộc lộ, tương tự như sự luyến tiếc có tính cách tình cha con biểu hiện một tương quan đặc biệt giữa các cựu sinh viên và Cha giám đốc Henri Forest.

10) Di sản: Tuy các cựu sinh viên của CXĐL tản mát khắp thế giới, và đều ở tuổi trên 60, tôi nhận xét trong cách nói, cách viết vẫn còn dấu ấn của một thời khá xa xưa. Cụ thể là các bạn muốn kế tục truyền thống Esto Vir hay Thành Nhân (mặc dù chúng ta có thể bàn cãi rất lâu dài về ý nghĩa Esto vir trong ngữ cảnh của Thiên Chúa Giáo hay trong quan niệm về “Nhân” hay “thành Nhân” của Khổng giáo) qua các hoạt động giáo dục và xã hội tại Việt Nam.
Cái gì mình không muốn người ta làm cho mình thì mình không làm cho người khác (Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân. Khổng Tử). Cái gì mình thích được người ta làm cho mình, đã từng là một điều tốt cho chính mình, thì chắc chắn mình sẽ cố gắng tạo cơ hội cho người đến sau được hưởng như vậy (nếu họ muốn, đương nhiên) (Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. Kinh Thánh Matthew 7:12)

Tựu chung để đóng góp cho việc giáo dục và tương lai của thanh thiếu niên, có lẽ những yếu tố về lãnh đạo và con người là quan trọng nhất, và sau đó mới là yếu tố tài chánh. Những người cựu sinh viên CXĐL có lòng và với tầm nhìn của trên 50 năm từ ngày được đào tạo từ cư xá, nhất là những người có cơ hội tiếp cận giới trẻ ở Việt Nam hy vọng sẽ đem được một phần nào giấc mơ Esto Vir hay Thành Nhân vào những thế hệ kế tiếp.

Mong lắm vậy thay!

Hồ Văn Hiền
Ngày 4 tháng 6 năm 2021
Ngày 4 tháng 2 năm 2024

Tham khảo:
1) Lydia Denworth : age of opportunity. Scientific American, May 2, 2021 issue.
2) Wikipedia: Father figure